Source Internet.Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biên khỏi Việt Nam năm 1981. Mười tháng ở trại Kuku, rồi Galang, Indonesia. Đến Mỹ năm 1982, định cư tại Texas. Di chuyển về Oklahoma năm 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. Hiện làm việc tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Vũ mang tựa đề “Vụng Đường Tu”, kể về chàng tị nạn Việt đã quyết chí đi tu, nhưng rồi vướng món nợ... tóc vàng. Bài dài, được phân làm ba hồi, với tiểu tựa trích từ bài viết.I. Tên Mỹ nghe quen mà khó nhớHắn ra trường tại một đai học ở Texas, rồi đi kiếm việc vào lúc mà nền kinh tế nước Mỹ đang xuống dốc, mà kinh nghiệm cũng như vốn liếng tiếng Anh chuyên môn của hắn thì chưa đủ khá, để có thế cạnh tranh với những sinh viên khác, nên việc kiếm job đầy gian nan vất vả.
Nhớ hồi còn trong nước, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, học sinh phải phấn khởi để học tiếng Liên Xô hay Trung Quốc cho thức thời, thì mấy thằng “ngụy” con như hắn lại đi học tiếng của “đế quốc” Mỹ. Sau mấy năm trung học, cứ tưởng trong đầu đã đầy những chữ của đế quốc, vậy mà hắn, thằng con trai 17 tuổi, được cha mẹ kiếm đường cho đi vượt biên đến trai tị nạn, lúc phỏng vấn xếp lớp Anh văn, lại chỉ được bà giáo người Mỹ cho vào Cấp Một vì giọng đọc sai bét của mình. Nghĩa là chỉ hơn một bậc, so với mấy ông bà già và đám còn nít chẳng biết tí gì về tiếng Anh.
Đáng buồn, nhưng hắn vẫn không dám trách mấy ông thầy giáo ở Việt Nam vì “…nửa chữ cũng là thầy.” Phải thông cảm cho thầy, khi mà nghề dạy học chủ yếu là để bán ô mai, cóc, ổi, bánh kẹo trong lớp, hầu kiếm thêm thu nhập. Chính hắn cũng đã nhiều lần phụ thầy cô giáo mang những túi bánh kẹo vào lớp rồi chuyền tay nhau mua giúp thầy cô. Học tiếng Mỹ, vừa ngậm kẹo, vừa tập đọc theo giọng hờ hững của cô giáo đang lẩm nhẩm đếm tiền lẻ, thì giỏi được như hắn bây giờ cũng là khá rồi, tự trách làm gì. Thôi! Coi như học lại từ đầu cho chắc ăn!
Vậy nên những ngày trên đảo, chẳng những hắn yên tâm học Anh văn, mà còn nghe lời khuyên của bà giáo, hắn tình nguyện đi làm không công cho văn phòng Cao Ủy Tị Nạn. Quét dọn và thu xếp hồ sơ, để có dịp nghe tiếng Mỹ cho thủng lỗ tai. Nhưng càng nghe, hắn càng thấy chữ nghĩa nhảy múa lung tung, đến nhức cả đầu!
Ấy vậy mà khi đến Mỹ, rồi liều mình vào đại học nộp đơn, nói chuyện bằng tay quơ quào thế nào mà hắn cũng được nhận, và được gọi đi học vào một buổi sớm mùa xuân có nắng hanh vàng phủ trên những thảm cỏ xanh rì trên sân trường. Hắn thấy cuộc đời quả là thần tiên!
Mà thần tiên hơn nữa, là hắn cũng từ từ qua được những môn học cần đến nhiều tiếng Anh như English Composition, U.S. Politics, History…, là những môn khó gặm cho một thằng con trai tị nạn như hắn. Cũng may, nhờ những lớp học về toán và khoa học, mà hắn trụ được cho tới ngày tốt nghiệp. Và rồi, để bảo đảm cho vị thế của một công dân trong xã hội, hắn nộp đơn xin vào quốc tịch Mỹ. Nghe lời khuyên của những đàn anh ra trường đang có việc làm, hắn đã lấy tên Mỹ, để khi đi phỏng vấn xin việc, những ông chủ hãng không phải méo miệng mà gọi hắn bằng tên Việt Nam, như vậy dễ có cảm tình hơn!
Colin Do - Nghe cũng có vẻ Mỹ đấy! Đang lúc hắn rất tự hào về cái tên vừa dễ đọc, dễ viết, mà lại dễ nhớ…, thì Đông, một trong những thằng bạn chung phòng, không đồng ý:
- Mẹ…! Đang không lấy tên Mỹ làm gì, Cô Lìn với chả Cô Lèo… Tao mà làm sếp đi phỏng vấn mấy thằng Á Châu, cứ thấy tên Mỹ họ Việt là tao loại… Ai kiện, cho là kỳ thị thì tao chịu… Tên cha ông đặt cho, lại bỏ đi là làm sao?
Thằng bạn nó nói cũng có lý, nhưng tên Mỹ hay Việt thì cũng chỉ để gọi thôi! Hắn gãi gãi đầu…, mình tóc đen, mũi tẹt thế này, dù có gọi bằng tên Mỹ cả chục lần thì cũng chẳng khác Việt Nam được, chắc tổ tiên bất chợt hiện lên cũng vẫn nhận ra…! Hắn nhủ lòng như thế, để yên tâm mà đi xin việc.
Hắn gửi resume đi các nơi. Cũng hên là nước Mỹ chỉ có năm mươi tiểu bang, chứ nếu một trăm tiểu bang thì hắn còn tốn khối tiền gởi hồ sơ, để rồi toàn nhận được phúc đáp là những sự từ chối. Bạn bè có đứa lên giọng dọa nạt là bằng kỹ sư điện của hắn, chỉ có nước bỏ đi nếu như một năm mà chưa xin được việc, khiến hắn thở dài lo lắng! Rồi đứa khác lại cười cười cho rằng nước Mỹ, quả là u mê, nên vẫn chưa nhận ra được một con người tài năng như hắn…
Chẳng biết tụi nó nói thật hay nói chơi!
Đến gần nửa năm trời, sau khi thấy hắn vẫn ngày ngày nhai mì gói, thằng bạn chung phòng tội nghiệp, nhờ quen biết, xin cho hắn vào làm trong một hãng sản xuất bóng đèn, giúp hắn có tiền mà share tiền phòng. Tám tiếng một ngày, làm việc dây chuyền, đếm đủ 20 bóng cho vào một thùng, rồi đếm đến thùng khác… Được cái hắn giỏi toán nên đếm chả mấy khi sai! Hắn gật gật đầu, “làm” bóng đèn, nghe cũng có vẻ dính dáng ít nhiều về…điện, điện tử, hy vọng bằng cấp của mình nhờ vậy mà không đến nỗi bỏ đi như lời thằng bạn độc miệng.
Xem ra, trời chẳng phụ lòng người, một buổi chiều, hắn nhận được thư gọi đi phỏng vấn technician job từ hãng Boeing, mà vì gởi nhiều đơn quá, hắn cũng chẳng nhớ là mình đã xin việc này khi nào! Technician cũng tốt thôi, được phỏng vấn là may rồi, hắn tự khuyến khích, ít ra là có cơ hội học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn như thế nào. Boeing mà, máy bay bay đầy trời chứ dở sao!
Vậy mà hắn lại được nhận ngay. Bắt tay tạm biệt ông supervisor, hắn mừng rối rít.
Thế rồi, chẳng biết nhờ ai mách nước là trong resume, nếu khai vừa đi học vừa đi làm thì dễ “câu” job kỹ sư hơn. Cũng giống như bán một món hàng mà chứng tỏ được món hàng đó sẽ có giá, thì người mua dễ để mắt đến. Nghe cũng xuôi tại, nên hắn đi thi lấy cái GRE test, rồi xin vào trường, học tiếp Master bằng tiền trợ cấp của hãng.
Hình như hắn đã đoán đúng, đi học lại chưa được một năm, “tiếng tăm” cần cù siêng học của hắn đã đến được tai của management trong hãng. Cũng đúng thôi, hãng trả tiền học, nhưng có mấy đứa còn kém cỏi để vừa đi học vừa đi làm như hắn đâu, nên tên của hắn thường xuyên nằm chình ình trên phòng Tài Chánh của Human Resources chờ ký giấy nhận tiền. Cũng vừa lúc hãng đang cần một kỹ sư cho ca làm buổi chiều, bà Mỹ già Julie - Engineering Manager - 20 năm kinh nghiệm để mướn những “nhân tài” với số lương rẻ mạt cho hãng, nghĩ đến đơn của thằng Việt Nam ốm nhách, nhưng chăm chỉ…, bà cho ngay tên của hắn vào Promotion List.
Ôi, cuộc đời quả là đáng sống. Đường quan lộ sáng chói như ánh đèn 100 watts trong đêm tối mênh mông, vì vừa được đi học, vừa được làm đúng nghề như hằng mơ ước.
Hắn đậu xe vào parking-lot rồi nhanh nhẹn khoác backpack lên lưng, tất bật phóng vào lớp học.
Bữa nay trong lớp chia nhóm để làm project cuối khoá. Hắn chọn lớp này, Biomedical Instrumentation and Robotics, làm môn học lựa chọn để hy vọng dễ đậu điểm cao. Môn học được học chung với những sinh viên năm chót của ngành Biomedical Engineering.
Nhìn danh sách các nhóm được dán trên của lớp, hắn mong được xếp chung với những đứa nổi tiếng siêng học, như những du sinh đến từ Ấn Độ thì đỡ quá, hắn sẽ có cơ hội phát huy tính dựa dẫm của mình. Những hắn bỗng giật mình khi thấy tên của mình chung nhóm với hai đứa con gái. Vậy là mệt rồi! Chung với ai chứ với con gái thì hắn đã có kinh nghiệm nhiều lần. Cố nài lưng ra mà làm bài, làm programs, làm projects… Đúng thì xong nợ, mà sai thì cũng chỉ có mình hắn bỏ thời giờ ra sửa lại.
Thực ra, cũng có những đứa con gái giỏi, siêng năng, nhưng số hắn hình như lận đận với đám bạn…làm biếng. Nghĩ lại, từ năm thứ nhất vào trường đến giờ, hắn đã chẳng may mắn để vào được nhóm nào có mấy đứa siêng học cả. Nếu hên, được “lọt sàng” mấy đứa con gái, thì lại “xuống nia” với mấy trự con trai mà lấy sự nghiệp ngồi hành lang cafeteria là chính. Nơi có những ly cà phê với điếu thuốc cháy dở, và ánh mắt trần tục ngắm nghía con gái qua lại, như một hobby trong cuộc sống… Hắn thở dài, mùa học này quả là xui cho một thằng đi học part-time như hắn!
Ừ, hắn chỉ lấy hai lớp học trong niên khóa này vì còn phải đi làm.Cũng nhờ bà sếp tốt bụng, không giao cho những việc nặng nhọc nên hắn có thời gian đi học. Nghĩ đến khuôn mặt hiền lành nhưng không kém phần cương nghị của bà, hắn thấy mình thật may mắn được là một trong những nhân viên có bà sếp như thế.
- Hi…!
Đang suy nghĩ cách nào, xin với bà sếp già, cho thêm giờ rảnh để làm project ở trường, hắn quay lại vì nghe có giọng con gái gọi phía sau… “Hừ…! Làm mình giật bắn cả người, cứ tưởng bà sếp Mỹ hiện ra…” Nhưng không phải. Trời ạ! Trước mắt hắn là đứa con gái xinh đẹp trong lớp, mà hắn chẳng biết tên, hay nói đúng ra là chẳng có cơ hội biết tên.
- Are you Colin…?
Hắn gật gật.
Vì chẳng biết tên nàng là gì, lại bản tính chậm chạp, hắn cứ trân trân nhìn đứa con gái tóc vàng, mắt nâu, đang ban phát những lời nhỏ nhẹ chào hỏi. Chắc tội nghiệp thằng học sinh Á Châu ngớ ngẩn, đứa con gái giơ tay cho hắn bắt:
- Im Jackqueline… Very glad to join your group!
À thì ra vậy! Hắn đương thắc mắc tên những đứa con gái chung nhóm, thì con nhỏ co-worker này lại tự động dẫn xác tới. Bàn tay mềm ấm của cô làm hắn thấy tự tin hơn:
- Good, so am I..! Jack… Jack…!
Hắn lắp bắp tên của nàng, làm đứa con gái phải nhắc lại:
- Jackqueline! Nhưng “mày” cứ gọi là Jackie được rồi!
Danh xưng của Mỹ quả là bình đẳng, chẳng phải nghĩ ngợi, anh, em… lôi thôi như Việt Nam. Cứ “you, you, me, me…” mà lại tiện. Hắn thở phào:
- Yeah! I am pleasure…, rất hân hạnh…!
Vậy là hắn quen nàng, rồi được quen luôn cả Teresa, em Mễ đen đen, lùn lùn, có cái bụng tròn quay, cùng chung nhóm ba đứa với nhau.
Coi như xong, phận trai mười hai bến nước, hắn trôi dạt vào nhóm với hai em, một Mỹ, một Mễ. Em Mễ tóc đen, và nàng, tóc mây vàng óng ả! Hắn phân biệt như vậy cho dễ liên tưởng. Việt, Mỹ, Mễ…, vậy ra nhóm của hắn là một pha trộn đặc chế đấy. Trời đôi khi có vẻ bất công, chẳng hiểu sao lại lơ đãng nặn ra một đứa con gái tròn tròn, ngăm ngăm như em Mễ, bên cạnh một đứa thon gọn, hồng hào như nàng thế kia, lại còn bắt hai đứa chung một nhóm với nhau. Hắn lắc đầu, ngầm đưa mắt nhìn hai em group-mates để cố tìm hiểu ý nghĩa khôi hài của Thượng Đế.
Ấy vậy mà em Mễ lại có vẻ siêng và học giỏi. Sau khi bàn bạc, biết hắn đang làm cho Boeing, em Mễ sốt sắng, tình nguyện thu thập bài vở, liên hệ với các nhóm khác lấy tin tức, và học hỏi kinh nghiệm qua lại. Em đề nghị giao cho hắn công việc lắp ráp và thực hiện đề án, còn em Mỹ trắng phụ trách phần trình bày.
Đáng khâm phục! Em Teresa, Mễ đen… nhưng đầu óc thật là thông minh sáng suốt, quả là một nhân tài trong làng quản trị! Phần mình, hắn thấy như vậy là đúng lắm. Hắn chỉ chờ con nhỏ soạn bài vở, tài liệu. Phần lắp ráp, thực hiện thì quá dễ đối với hắn. Hắn sẽ mang vào phòng thí nghiệm trong hãng, nối nối, ráp ráp, rồi thử ngiệm vài ba bữa là xong… Phần nàng, em Mỹ trắng, hắn tin là nàng cũng chẳng có gì trở ngại, vì vừa trắng trẻo, cười tươi, lại nói tiếng Mỹ giỏi hơn cả Mỹ, thì phần trình bày của em ăn đứt các nhóm khác là cái chắc. Hắn thấy yên tâm để lấy điểm “A” cho môn học này!
Ngày nộp project, đúng như dự đoán, nhờ tài khéo trình bày của em Mỹ trắng, nhóm hắn được điểm tối đa. Thực là giỏi, hắn tự động mời hai em đi McDonalds để mừng chiến thắng! Em Mễ đen thoái thác vì bận công việc. Em Mỹ trắng nháy mắt “méc” với hắn là Teresa muốn đi chơi với bạn trai. Vậy sao, em Mễ có bạn trai! Hắn không biết là tai mình có nghe lộn không? Thì ra, Thượng Đế hằng chí công vô tư, để người ta mất cái này, thì sẽ cho cái khác đền bù. Hắn thầm cám ơn em Mễ. Ừ, cứ đi đi, để mình hắn với nàng được rồi…!
Ngồi vào trong xe, lấy tay hất mái tóc vàng, nàng hỏi hắn:
- Bữa nay “you” không phải về đi làm à?
Hắn gật gật đầu:
- Có, nhưng “tao” xin đi làm trễ, để được đưa người đẹp đi ăn McDonalds, tưởng thưởng tài khéo của cô ấy!
Chẳng biết sao mọi ngày vụng về, mà bữa nay hắn lại nói được một câu tài hoa như vậy! Đứa con gái lấy làm hài lòng:
- Okay, chiều nay “tao” rảnh, mình có thế đi lâu một chút.
Mặc dù được nàng “cho phép” đi lâu, nhưng trong đầu hắn cũng chỉ nghĩ đưa nàng vào McDonalds, ăn xong rồi còn về làm việc. Thực ra, hắn cũng chẳng biết đi đâu ngoài tiệm fast food này của Mỹ. Đã bảo hắn là thằng quê mùa lắm mà! Qua Mỹ gần 10 năm trời, mà có biết một quán ăn sang trọng nào đâu! Quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy món ăn bình dân, nếu không là phở ở quán Việt Nam thì cũng hamburgers, hotdogs…hay pizzas nơi những tiệm Mỹ.
Nhưng nàng lại có vẻ sốt sắng vì được đi ăn với hắn ở cái tiệm bình dân này. Thật là chân tình! Chắc là đang vui vì qua được một môn học, hay vì trời còn đang Xuân mát mẻ, nàng hạ cửa xe xuống, chỉ vào những bụi hoa được cắm trồng thẳng hàng trên những ngôi mộ trong một nghĩa trang:
- Oh! “Mày” coi kìa, hoa nghĩa trang đẹp quá…! I really like to be here…!
Nghe mà phát ớn! Ở đâu không ở, lại thích ở nghĩa trang. Hắn thì không, mặc dù phải công nhận, nghĩa trang bên Mỹ quả là đẹp như lời nhận định của nàng, hắn cười cười:
- Yeah! Đẹp lắm, nhưng “tao” không thích vào “nằm” ở đây…! Vậy nên lúc nào cũng cầu Chúa cho được sống lâu.
Nàng cười lớn tiếng vì câu khôi hài của hắn, rồi nhìn nắng hồng lung linh trên những đóa hoa ra vẻ thích thú…
Cũng chỉ hơn nửa giờ để ăn, mà nàng hỏi về cuộc đời, công danh, và sự nghiệp của hắn còn hơn cả bà manager phỏng vấn đơn xin việc của hắn trước đây. Ăn xong, hắn đưa nàng về lại sân trường. Đứa con gái chia tay hắn với một tiếng cám ơn ngọt như giọng nói của nàng. Đã tới giờ phải đến hãng, hắn tự nhủ là sẽ nói chuyện với nàng sau:
- Bye Jen…! À không phải…, Jackie ạ!
Hắn chẳng biết tên của học sinh trong lớp nhiều, nhất lại là tên con gái Mỹ, nghe thì quen mà khó nhớ. Dù vừa ăn trưa, nói chuyện với nhau, nhưng đến tên của nàng hắn vẫn còn mại mại, lúc nhớ lúc không…
Gọi lại tên em một lần nữa
Để chắc rằng ta đã không sai
Tên Mỹ nghe quen mà khó nhớ
Lần này, lần trước sớm phôi phai…
Sở dĩ hắn phải lẩm bẩm tên nàng, vì hồi nào đến giờ, con gái, nhất là tên con gái, đối với hắn là một cái gì như dị ứng, rất khó nhớ trong đầu… Chắc một phần vì nhát gái, phần nữa, dù có vẻ mơ hồ nhưng lại quan trọng hơn, là trong thâm tâm sâu thẳm, hắn muốn…đi tu.
Vâng. Đi tu!
Chẳng biết sao lúc nhỏ, 7, 8 tuổi, những dịp theo mẹ vào thăm cha xứ. Ông cha già vuốt tóc hắn, hỏi xem có muốn đi tu không, thì hắn lắc đầu quầy quậy. Dù vẫn biết đi tu sẽ được nhiều kẹo như những hũ kẹo xanh đỏ trên bàn của cha, những hắn vẫn sợ phải vào nhà Chúa…!
Thế nhưng, chỉ từ hồi qua Mỹ đến giờ, tư tưởng đi tu, dâng cuộc đời cho Chúa lại vẩn vơ trong đầu. Chẳng phải vì hắn sợ đàn bà con gái đến độ không dám đến gần, hay vì hắn… chỉ thích con trai? Không, chẳng thế thế được! Đôi lúc vui chơi uống cà phê với đám bạn con trai, lỡ có đứa nào ôm vai, hay lỡ đặt tay lên đùi hắn, hắn vột hất tay ra, rùng mình vì thấy kì cục… Như vậy chắc hắn không thế là “gay”, như báo chí hay sách vở diễn tả rồi. Lại nữa, một bằng chứng chắc chắn hơn, là khi nhìn một đứa con gái đẹp như nàng, hắn thấy tâm hồn mình có chút rung động rõ ràng mà! Quái lạ, vậy sao giờ lại có tâm tình muốn đi tu mà trước đây không có nhỉ. Hắn lẩm bẩm thắc mắc như thế!
Để rồi một lần, hắn đánh bạo đi gặp một bác sĩ tâm lý xin ý kiến. Biết đâu trong một gene sâu thẳm nào đó của tâm hồn, do ông bà truyền lại, có liên hệ đến một… tu sĩ nào đó thì sao? Sau khi khám bệnh, hỏi thăm, trò chuyện tỉ mỉ, vị bác sĩ tâm lý, nổi tiếng nhiều thân chủ nhất trong thành phố, phán một câu rất an tâm là hắn… bình thường, chỉ vì chưa gặp người con gái, đúng tần số trái tim, để cùng rung động đó thôi!
Ra thế đấy, chắc là ông nói đúng! Vì từ hồi qua Mỹ đến giờ, hắn đã gặp ai “tương xứng” để thương yêu đâu. Vốn rụt rè, lại bận rộn học hành, hắn chưa quen được đứa con gái nào thì cũng không có gì là lạ! Hắn an tâm và tin vào Chúa sẽ sắp xếp cuộc đời cho riêng mình.
II. Gặp lại nhau, ngờ ngợ tên em
Hắn thường lại một nhà nguyện nhỏ, trong khuôn viên trường học, để đi lễ vào mỗi buổi chiều thứ Bảy thay cho lễ Chúa Nhật. Cũng nhờ đi lễ mà hắn quen được cha Joe! Chẳng nhớ last-name của cha là gì, chỉ biết cả bọn Việt Nam như hắn vẫn thích gọi cha bằng first-name cho dễ – Father Joe - Cha đúng là một gương mẫu về đạo đức và khiệm nhượng…! Hàng tuần vẫn đều đặn và sốt sắng làm lễ trong ngôi nhà nguyện nhỏ, mà đia phận thuê cho, đến cả chục năm rồi cũng nên.
Cha nghèo quá, vì khả năng tài chánh của cha chỉ có vậy. Bổng lộc giáo phận cấp phát chỉ là một chếc xe Printo cũ kỹ, chẳng biết được sản xuất từ năm nào, mà sơn trên mui xe đã tróc loang lổ như một gã trọc đầu ghẻ lở… Tiền xin lễ thì chẳng có! Học sinh chừng hơn chục đứa, siêng thì đi lễ, làm biếng thì ngủ khì. Con chiên học sinh của cha đi lễ lơ phơ lất phất như vậy, lại nghèo nữa, tiền đâu mà xin lễ, để cha có thêm được một hai chục bạc đổ xăng? Nghèo vậy, nhưng thấy cha lúc nào cũng vui vẻ trong bộ áo lễ vàng ố, đã sờn mòn nhiều nơi. Tội nghiệp và khâm phục một vị chân tu, hắn bỗng thấy cuộc sống dâng mình cho Thiên Chúa như ông thực là vĩ đại.
Cha có biệt tài làm những học sinh ngoại quốc, nhất là những thằng tị nạn như hắn dễ hiểu với giọng giảng hay và rõ ràng của ông. Hắn bị cuốn hút dễ dàng bởi những bài giảng này. Có thể vì sẵn mến mộ ông cha nghèo khó, mà những lời dạy của cha đã lọt được vào tai của hắn không chừng! Nên sau mỗi buổi lễ, hắn dành ra đôi ba phút chuyện trò cùng ông, coi ông như một cha linh hướng, và xin cha một lời khuyên về ý định đi tu của mình.
Vi cha nhân từ, sau vài lần trò truyện, nhìn sâu vào mắt thằng con tị nạn…
Cuộc đời phụng sự Thiên Chúa thì chẳng lúc nào là quá muộn. Khuôn mặt xương xương, khắc khổ, nhưng hiền hiền của hắn làm cha nhớ lại những khuôn mặt, và những ánh mắt, mà cha đã có dịp gặp gỡ khi đến phục vụ tại một trai tị nạn ở Á Châu. Cha đã hiểu thế nào là nỗi chết trên gương mặt những thuyền nhân, lảo đảo như vẫn còn say sóng, khi đặt chân lên đất liền. Những đôi mắt thăm thẳm, thẫn thờ và vô vọng như đang mong chờ một phép lạ nào đó, đưa người thân của họ, từ vũng biển đen sâu trở về. Rồi cũng chính những ánh mắt vô vọng này, đã chạy đến cùng cha, cầu khẩn lời cứu rỗi trong lúc tuyệt vọng vì bị từ chối quyền tị nạn. Người Việt Nam, đáng là một dân tộc được Chúa cứu vớt nhất, bởi những đau thương mà chế độ cộng sản đã đày đọa họ.
Vì sẵn có cảm tình với người tị nạn, nên khi nghe tâm sự và ước muốn của hắn là trở thành một tu sĩ, cha đã sốt sắng hứa sẽ bảo trợ hắn về tinh thần, và liên lạc với tòa Giám Mục để giúp hắn dễ dàng hơn trong việc chấp thuận vào Seminary. Khi được nhận, ông sẽ cho hắn biết ngay. Tuy nhiên, ông vẫn muốn có thêm thời gian để tìm hiểu về hắn, nên khuyên hắn hãy tiếp tục học hành, lấy cho xong mảnh bằng Master. Và quan trọng nhất là tiếp tục cầu nguyện, cố gắng tìm hiểu ý đinh đi tu của mình trong một thời gian nữa. Cứ giữ liên lạc tốt với ông. Vâng lời cha, hắn chờ đợi, để một dịp nào đó, nghe được tiếng Chúa gọi rõ ràng hơn.
Chưa nghe được tiếng Chúa gọi thiết tha, thì một lần nữa, hắn lại gặp nàng nơi nhà nguyện cha Joe. Đôi mắt tròn, màu hổ phách ngỡ ngàng của nàng, như rất ngạc nhiên khi thấy hắn ở đây. Không chờ hắn lên tiếng, nàng bước lại, cầm tay hắn lắc lắc:
- Oh my God…! Youre here, Colin? You… cũng Công Giáo à!
Hắn từ từ buông bàn tay nàng ra, cười vui vẻ:
- Yeah! “Tao” đi lễ ở đây mỗi chiều thứ Bảy…
Đứa con gái ngạc nhiên:
- Really! Gặp “mày” ở đây “tao” mừng quá Colin à…!
- Cám ơn “mày”…Jen…, Jenny…!
Cô lắc lắc đầu:
- Jackqueline… Jackie!
- Hà hà, sorry…! “Tao” cũng mừng lắm khi gặp “mày”.
Hắn cười với đứa bạn mà mấy tháng rồi, từ khi hết học chung, bây giờ mới gặp lại. Cái con nhỏ Mỹ này thực là có tâm hồn Á Đông, nó làm cho thằng tị nạn như hắn, đỡ mang mặc cảm thua thiệt của một đứa chậm chạp khi đặt chân qua Mỹ. Nhìn nụ cười, và cái lắc đầu của đứa con gái làm rung những sợi tóc nhuộm nắng chiều, hắn thầm cám ơn tính vui vẻ và thân mật mà nàng dành cho hắn…
Vài tháng sau,
Mình gặp lại nhau
Ngờ ngợ tên em câu nói chuyện
Lắc đầu, em nhắc ta lần nữa
Bằng tóc hong vàng nắng thiên thâu…!
Trong khi đó, đứa con gái nhìn điệu bộ như một thầy tu của hắn mà tức cười. Hắn vừa nghiêm trang, sợ nghiêm trang còn hơn cả cha Joe lúc chuẩn bị lên làm lễ, lại vừa ngồ ngộ, hay hay vì những câu nói thật thà. Quả là một run rủi tình cờ, vì nàng ít bước chân đến nhà thờ. Nếu như hôm qua, không vì lục lại đống sách vở, để vô tình thấy hình ảnh người mẹ nuôi trong cuốn album, thì đã chẳng có một phút đạo đức bất ngờ như hôm nay, đi lễ mà gặp hắn. Nàng không hỏi, nhưng chắc là hắn ở apartment gần đây. Nàng chợt cười lên một tiếng nhỏ, khi nghĩ có lần nào, thằng con trai này mời nàng về phòng chơi? Nhìn cái mặt khờ khờ của hắn, thì chắc là không rồi! Một cảm giác vui vui chợt đến, nàng nghĩ nếu sau mùa học tới, tốt nghiệp, mà vẫn còn sinh sống gần khu vực trường học này, nàng sẽ đi lễ thường xuyên hơn để có dịp gặp nhau.
Quả thực, căn phòng hắn ở thì gần trường học, nhưng lại không tiện để cho một nữ lưu nào đến thăm, vì tính bừa bộn của ba gã con trai độc thân. Từ lúc bắt được cái job làm trong Boeing, hắn đã có dự định dọn đi chỗ khác, thuê riêng cho mình một căn phòng cho xôm tụ. Hắn không muốn mua nhà, vì ý định đi tu mãnh liệt trong đầu, tuy nhiên một chỗ ở gọn gàng cũng tốt cho cuộc sống. Những hắn lại cảm thấy buồn khi phải xa hai thằng bạn chung phòng… Thôi, ở đây cho tới lúc tất cả ra trường, cho có tình có nghĩa những ngày cơm nguội, mì gói với nhau…
Rồi con nhà Đông cũng tới ngày tốt nghiệp. Anh chàng vẫn giữ vững lập trường, không thèm lấy tên Mỹ, vẫn Đinh Văn Đông, mà đọc theo lối Mỹ không dấu là Dong Dinh, cái tên nghe chắc chắn như đinh đóng cột, chẳng sợ té. Không thân nhân, Đông chỉ có hắn là bạn. Ngày lễ ra trường, hắn có nhiệm vụ mang máy ảnh chụp cho thằng bạn thân tình vài pô hình, như lời Đông đề nghị, để gởi về Việt Nam, vì bà mẹ Đông muốn đi khoe hàng xóm, có thằng con bên Mỹ đang đứng ngang hàng với những khoa học gia thế giới!
Hắn cố tình đến sớm một chút để kiếm ngoại cảnh chụp vài ba pô trước khi cả bọn kéo nhau vào hội trường làm lễ mãn khóa. Bất chợt, cũng một giọng con gái phía sau:
- Hey! Colin, Colin…!
Quay đằng sau, thì ra… lại là nàng. Con bé nhảy lên mừng rỡ, chạy đến bên hắn.
Hắn thấy vui vì bất ngờ gặp lại nàng ở đây, cũng tung tăng áo mão ra trường như ai!
- Hi Julia… Oh! No… Jennete…
Đứa con gái tròn đôi mắt trong veo nhìn hắn, rồi vừa cười vừa nhắc:
- Jackqueline… Jackie…!
Hắn thân mật vỗ vai nàng:
- Sorry…! Hi Jackie… Congratulations!
Hắn muốn nói thêm vài câu cho đỡ ngượng về sự quên tên nàng của hắn, và cũng muốn cho nàng được vui hơn trong ngày ra trường của cô, nhưng với bản tính khá kín đáo, và khả năng chuyện trò của hắn, nhất là bằng tiếng Mỹ, chỉ khéo được đến như vậy, nên hắn cảm thấy lúng túng. Đứa con gái hình như không để ý đến sự lúng túng đó, nó tự nhiên:
- Thank you!
Rồi đưa má ra cho hắn, chờ một nụ hôn chúc mừng… Nhưng quả là thất vọng! Hắn quê mùa quá để biết hành xử một cách văn minh như vậy! Con nhỏ chờ một chút không thấy cái hôn của thằng con trai, đành giơ tay khoác tay hắn:
- Come with me, my dear…!
Hắn thoái thác:
- No, no! Im with friends today…
Con nhỏ kéo dài đuôi mắt, cười thông cảm:
- Okay, chờ “tao” ở đây… Right here - Please! Sau ceremony… Có chuyện hay lắm!
Hắn nhìn sâu vào đôi mắt nâu tròn của nàng, gật gật đầu.
Đứa con gái vụt trở lại đám bạn cùng di. Phần hắn, quay lại tiếp tục nhiệm vụ chụp hình, mà trong ngực trái tim vẫn còn đập rộn rã, và hơi mắc cở với bạn bè vì sự thân tình của đứa con gái. Nàng không đi cùng gia đình, mà đi chung một đám bạn bè. Ừ phải, đã có lần nàng kể cho nghe là mẹ nuôi nàng mất ngay sau khi nàng bước chân vào đại học. Không nói về cha, nhưng hắn hiểu là nàng đang chỉ có một mình trên đời.
Tới giờ hành lễ, hắn theo thằng bạn ra xếp hàng chuẩn bị vào hội trường mà trong đầu vẫn vảng vất một đôi mắt nâu, to tròn long lanh…
Một năm sau,
Mình gặp lại nhau
Chào em, tên đánh mất đâu rồi?
Nhìn ta, em nhắc thêm lần nữa
Nâu mắt màu hổ phách chơi vơi…!
Sau buổi lễ, hắn theo Đông cùng đám bạn đến một nhà hàng Việt Nam để chúc mừng nhau. Đến hơn 9 giờ đêm, hắn mới giật mình về lời hứa chờ đợi nàng sau buổi lễ ra trường. Hắn hối hận quá, vì đã không nhớ ở lại để xem nàng có gì muốn chia sẻ. Lại càng ân hận hơn vì từ hồi nào đến giờ, chẳng giữ số phone của nàng trong bóp. Làm sao để gọi đến nàng một lời xin lỗi? Thôi đành chờ có dịp gặp lại, hắn sẽ nói lời tạ lỗi sau.
Nhưng không có dịp nào cho hắn nói lời xin lỗi, vì đến cả mấy năm rồi, hai đứa chẳng gặp lại nhau!
Ngày tháng qua đi, hắn dường như đã quên cô bạn chung lớp, để vẫn đều đều làm việc, đi lễ hàng tuần, và chờ tin tức của father Joe. Hắn đã may mắn lấy xong mảnh bằng Master như lời cha khuyên nhủ, và mỗi tối trước khi đi ngủ, đều thầm thì cầu xin Chúa như lời cha hướng dẫn, chỉ còn chờ nơi cha một tin mừng là hắn mãn nguyện.
Nhưng chưa nhận được tin mừng của cha để nhập Chủng Viện, thì đã nhận được những lời vàng ngọc, của mấy ông già tị nạn trong hãng, khuyên… lấy vợ. Chẳng là, hàng ngày hắn đi xuống cafeteria trong hãng, ghé bàn mấy ông già Việt Nam cùng ăn với nhau, để có dịp nghe mấy ông kể chuyện đánh giặc ngày trước.
Già Bảo, một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà chính hiệu, cả gia đình chạy khỏi Việt Nam vào ngày 30/4/75. Đi làm lúc nào ông cũng măc sơ mi, được phủ ngoài bằng chiếc áo len, không xanh thì đỏ, dù trời nắng hay mưa. Ông thấy hắn ăn lunch mà chẳng thèm hâm nóng cái hambuger được mua từ ban sáng, nên tội nghiệp, lên tiếng:
- Lấy vợ đi chú, có vợ đỡ lắm, thích lắm…!
Hắn hỏi lại ông:
- Thích cái gì hả bố…?
Rồi hắn chọc ghẹo thêm:
- Để được vợ đan áo len cho mặc phải không ạ…?
Ông không giận vì biết tính hắn vui vẻ, nên cố giải thích:
- Chú chẳng biết gì cả, ngoài cái được an ui về tinh thần, lại còn được ăn uống đầy đủ, ấm áp cả thế xác nữa đấy…!
Hắn cười:
- Chắc chắn rồi, bố thì lúc nào mà chẳng có cơm canh nóng sốt mà ăn, có phải nhai hambuger nguội ngắc bao giờ…!
- Ấy, chỉ được cái nói nhảm… Không tin à, cứ lấy vợ đi thì khắc biết. Hà hà…, bây giờ cho tôi lấy vợ nữa, tôi vẫn sẵn sàng…!
Hắn cười theo câu nói của ông:
- Vâng, vậy thì thích nhỉ…?
Ông hăng hái giải thích thêm:
- Không thích mà khối ông có vợ lớn vợ bé đấy, chú không thấy à.
Hắn ngừng nhai miếng bánh trong miệng để đồng ý với ông:
- Vâng, đúng rồi.
Thấy hắn vui vẻ, một ông khác hỏi:
- Thế cậu qua Mỹ lâu chưa…?
Hắn vừa đặt lon coke xuống mặt bàn, vừa trả lời:
- Cũng được gần mười năm rồi bác ạ.
- Thế… đằng ý… chưa có vợ thực đấy à? Để tớ làm mai cho…!
Tí nữa thì hắn phì cười vì cái giọng Bắc kỳ, giống hệt kiểu cách mà bố hắn vẫn thường nói ở Việt Nam.
- Không bác ơi…! Cháu muốn đi tu...!
Mấy ông già cười hinh hích cho cái tính khôi hài của hắn. Ừ phải, chẳng ai tin là hắn sẽ đi tu đâu. Thời buổi này, nhất là bên Mỹ, sống ở ngoài đời chẳng đầy đủ và thích thú hơn là đi tu à? Mà có phải như ở Việt Nam cấm đoán, để không cho hắn hàng ngày đến nhà thờ đọc kinh đâu? Hay nếu muốn phục vụ tha nhân thì hắn có thể vào bệnh viện xin làm thiện nguyện cơ mà. Vậy thì đi tu làm gì cho…uổng!
Câu chuyện chỉ quanh đi quẩn lại như vậy, nhưng hắn thấy rất thích thú để được nói chuyện với mấy ông già “ôm chân đế quốc” này. Một ngày không được nói chuyện với mấy ông, hắn thấy buồn buồn như thiếu thốn cái gì. Vừa được nghe và nói chuyện bằng tiếng Việt, vừa được tìm hiểu những chuyện chính trị, quân sự… mặc dù những trận đánh mà mấy ông kể, hắn chẳng biết có từ đời nào…!
Cũng vì chăm chú học hỏi, nghe chuyện, mà hắn rất được lòng mấy ông. Có ông còn hăng hái hứa sẽ gả con gái cho hắn nếu hai đứa hợp nhau… Già Bảo sốt sắng hơn, mang cả hình con gái út đang học lớp 8 ra khoe. Đứa con gái, mà hai vợ chồng đã cố đẻ “vớt” sau ngày qua Mỹ, để được làm bố mẹ công dân Mỹ mới sanh. Nhưng tội nghiệp! ông nào biết ý định đi tu của hắn. Mà thật, đứa con gái lớp 8, con ông, biết đâu, lại chẳng có dịp chờ hắn làm linh mục, rồi về làm lễ trong ngày đám cưới của nó. Lúc ấy già Bảo chắc sẽ cám ơn hắn lắm. Bây giờ thì chẳng ai tin là hắn muốn đi tu…! Thôi đành gật đầu cho mấy ông già vui vẻ, trước khi tạm biệt nhau, vì hắn phải đi Seattle cho chương trình huấn nghiệp của hãng trong một tháng.
III. Phải rồi. Tên Em Ta Đã Nhớ
Phi cơ dừng và đổi chuyến tại phi trường Denver, hắn lấy hành lý từ ngăn đựng đồ, rồi đi vào hành lang phi trường để đến chuyến bay kế tiếp. Trước mắt hắn là một thiếu nữ tay dắt đứa con khoảng 3, 4 tuổi, tay kia kéo theo chiếc roller, trên lưng còn đeo thêm một backpack. Cái backpack khá lớn đủ để che mất tấm lưng và mái tóc của cô. Một món đồ chơi rơi xuống thảm hành lang từ tay thằng bé. Người thiếu nữ dắt con, trong khi mắt vẫn mải nhìn số gate của hãng máy bay, không để ý đến thằng bé đang cố vụt khỏi tay mẹ để nhặt món đồ chơi lên. Hắn nhặt lên giùm và đưa vào tay nó. Người thiếu nữ quay lại, rồi dường như… nhận ra hắn là một người quen, nàng dừng hẳn lại, tròn mắt:
- You! You… again… Colin… Arent you…? Thank goodness!
Đang chú ý đến nét mặt biết ơn của thằng bé lúc nhận lại món đồ chơi, hắn giật mình khi thấy người con gái gọi đúng tên mình. Mái tóc cắt ngắn của cô làm hắn chưa thế xắp sếp hình ảnh trong đầu để biết đã gặp người này ở đâu. Nhưng ánh mắt của nàng làm hắn chợt cười lên vì đã nhận ra đứa con gái chung lớp mấy năm trước… Bất ngờ, bất ngờ quá, lại bất ngờ hơn nữa khi gặp lại nàng đi cùng đứa con trai 3, 4 tuổi. Hắn cứ đinh ninh là không còn thấy nhau nữa. Bây giờ tại một tiểu bang xa xôi này, hai tâm hồn “cô đơn” gặp lại nhau. Hắn cười vì chữ “cô đơn” vụt lên trong đầu. Cô đơn đâu mà cô đơn…! Vì hắn đã có Chúa, còn nàng thì đã có thằng con đi theo đây.
Hắn lấy tay đập đập vào trán để tìm tên nàng:
- Chính…hắn… Colin đây! Jeannette…Ah… Jenny…, “mày” khoẻ không?
Nàng phì cười vì cái tên mới mà hắn đặt cho cô:
- Not Jenny…, Jackqueline… Jackie!
- “Tao” sorry! Thực có lỗi với “mày”, Jackie! Mừng quá “tao” quen…!
Qủa là hắn cũng có tài lấp liếm.
Đứa con gái vui vì bất ngờ gặp lại hắn ở đây. Nàng nhìn vào mắt hắn, rồi lấy bàn tay mềm mại, vỗ vỗ vào ngay chỗ trái tim trên ngực hắn:
- “Jackie”… okay! Keep me here…, memorize it by here!
Hắn có vẻ cảm động, vì sự nhắc nhở một cách dễ mến của nàng, nên thấy tự nhiên trở lại:
- Không ngờ được gặp lại “mày” ở đây… Is this your son!
Người con gái cười tươi:
- Yeah! My son… Andy!
Rồi nhìn vào ngón tay không đeo nhẫn của hắn, nàng tiếp:
- Youre not yet married… Hah?
- No... Never!
Hắn vừa cười vừa trả lời cô. Nàng nhăn nhăn mũi rồi cười lớn hơn:
- Youre…“chicken”, Colin…!
Ha ha, hắn phì cười vì câu nàng chê hắn là đồ chết nhát. Phải! “Tao” nhát như “gà”, “tao” sợ có người nào đó nhốt “tao” trong chuồng, nên không tài như “mày” để có con dắt theo… Hắn chúc mừng đứa con gái:
- Congratulations! “Mày”… đã lập gia đình!
Đúa con gái lắc lắc đầu:
- Uh…uh! Im single… Single mom!
Ừ phải, cứ nhìn một đứa con gái Mỹ dắt con, mà tưởng là nó có chồng, thì tầm bậy hết sức. Thằng bé nãy giờ, theo dõi mẹ nói chuyện với người đàn ông lạ, xen vào:
- Ive no…daddy!
Bây giờ hắn mới để ý hơn đến thằng bé, mái tóc vàng giống mẹ dài phủ quá tai, nhìn nó trông giống như một đứa con gái nghịch ngợm… Hắn giơ tay ra với nó:
- Hi… Im Colin… Give me five…!
Thằng bé đập vào tay hắn, rồi rụt tay lại khoe món đồ chơi:
- Ive new Superman!
Hắn vờ ngạc nghiên với cái game nhỏ có hình Superman bên trên:
- Wow! I like it! Did your mom buy it?
Thằng bé gật gật đầu:
- Yeah!
Vậy là hắn gặp lại nàng nơi đây, để biết nàng làm engineer cho một công ty ở Denver đã mấy năm rồi. Bữa nay, hết contract, nàng trở về Dallas để nhận việc mới thì bất ngờ gặp lại nhau tại phi trường này… Trái đất quả là tròn!
Jackie bỗng im lặng, nhìn thằng con trai Việt Nam vừa gần gũi vừa xa lạ này. Thật chẳng biết sao nàng lại có cảm tình với hắn, chắc tại vì hắn có nét gì đó chân thật, đem đến cho nàng sự an tâm khi tiếp xúc. Nghĩ lại, những lúc cùng hắn làm bài, những buổi gặp gỡ, đi ăn…, Jackie chưa hề thấy hắn có một cử chỉ nào tỏ ra để ý đến sắc đẹp của nàng… Cô thắc mắc và cố tìm hiểu về hắn nhưng đành chiu thua, chỉ biết công nhận một điều là hắn nice, hắn tốt với nàng. Có thể hắn là người tốt thứ hai sau mẹ nuôi của nàng. Người mẹ nuôi mà Jackie hết sức thương yêu. Người đã lãnh nhận nàng từ một Adoption Center nào mà nàng chẳng hình dung ra được vì còn quá nhỏ. Bà đã chết sau khi nàng vào đại học được hơn một năm.
Đi học, sống vào tiền Grants trợ cấp và tiền làm Work-Study, Jackie có bản tính rất tự lập. Kinh nghiệm “single mom” của người mẹ nuôi trước đây, làm nàng cố cứng rắn với mình trong việc liên hệ trai gái. Chẳng phải vì nàng Công Giáo, coi chuyện đó là tội lỗi, cũng chẳng phải là nàng không thiết đến những thèm khát xác thịt, nhưng Jackie ngần ngại về sự chân thành từ những đứa con trai chung quanh, và cũng ưu tư chuyện học hành sợ mất thời gian về những giao tiếp đó. Nên nàng vẫn tự nhủ, sẽ chỉ có bạn trai khi xong đại học, và cố gắng chỉ có sex với đứa con trai sẽ là chồng của nàng. Bởi vậy mà đám bạn classmates luôn bảo nàng cổ điển như một cây phong cầm cũ trong góc nhà thờ, nhưng kệ, Jackie cố đặt ra cho mình một nguyên tắc sống như vậy…!
Nhớ lại buổi chiều ngày ra trường gặp hắn, Jackie đã có ý định nhờ thằng kỹ sư tóc đen này làm partner cùng đi chơi trong một bar rượu, với nhóm bạn của nàng. Rồi có thể sau đó sẽ rủ hắn về phòng mình. Nhưng đáng tiếc là hắn đã quên, hay từ chối không đến chỗ hẹn. Jackie thực không biết có phải buồn vì hắn lỗi hẹn không, mà đã uống nhiều rượu quá! Sau đó, cả bọn kéo nhau về nhà một đứa bạn. Lần đầu tiên vui chơi của một đứa con gái biết hạn chế như nàng, không ngờ kết cuộc lại đến như vậy! Say quá, Jackie chẳng còn biết gì hơn là vùi đầu chung chạ với đám bạn trai gái! Chắc chắn hắn chẳng biết được nàng đã có một đứa con ngay đêm hôm đó, chỉ sau vài tiếng đồng hồ từ khi hắn thất hẹn với nàng.
Ra trường, Jackie được nhận ngay vào một hãng sản xuất dụng cụ y khoa. Từ đó nàng cắm cúi đi làm nuôi con, và cũng đã có một hai mối tình hờ hững, quen rồi thôi. Đã hơn bốn năm rồi bây giờ mới gặp lại nhau, thấy hắn chững chạc và tự tin hơn. Jackie mơ hồ chẳng hiểu sao lại thấy vui vui khi biết hắn còn độc thân. Nhưng thôi, thắc mắc làm gì, chỉ biết rằng có lúc nàng đã thấy thích hắn, thích được đi chơi, ăn uống, và ngay cả có lúc muốn được cùng hắn lên giường!
Jackie cười một mình khi nghĩ nếu như đêm đó đi với nhau, thì cuộc đời của nàng đã như thế nào nhỉ? Và đứa con, nếu có, chắc sẽ không giống như đứa con trai của nàng hôm nay. Đứa bé, mà đến giờ này, Jackie vẫn chẳng biết được cha nó là ai trong đám bạn bè ngày ra trường đó. Nàng đã có lần nói với con, khi nó hỏi về daddy.
Thằng bé ngước đôi mắt trong xanh lên hỏi mẹ:
- “Sao vậy…?”
Nàng không muốn gợi vào đầu con một câu chuyện rắc rối, nên trả lời:
- “Mẹ giận “him”…”
Thằng bé năn nỉ mẹ:
- “Cho daddy về đi - Mom…!”
Nàng cười cười vuốt tóc con:
- “Chỉ khi nào daddy khóc trước mặt, mẹ mới cho về…”
Thằng nhỏ tưởng thật, yên tâm, quay mặt vào tường, ngủ tiếp.
Đáng thương cho nó, chắc nó muốn có một daddy như những đứa trẻ khác. Phần nàng, gặp lại nhau hôm nay, nàng có vẻ an tâm vì biết hắn vẫn ở Dallas. Như vậy là có dịp gặp lại nhau. Jackie tự nhủ, từ giờ, sẽ chủ động và biểu lộ sự quan tâm hơn đến gã “cố nhân” này… Cô thấy phấn khởi với ý nghĩ đó, cũng vừa lúc chuyến bay chuẩn bị cất cánh. Jackie hỏi số phone để sẽ gọi hắn sau. Gã con trai đưa cho nàng cái business card…
Vài năm sau,
Mình gặp lại nhau
Tên em, ta vỗ trán đi tìm
Em cười, nhắc ta thêm lần nữa
Răng trắng muôn đời… sữa bình nguyên…!
Hắn giơ tay vẫy mẹ con nàng, đang chuẩn bị bước vào khung hành lang hẹp dẫn đến cửa máy bay, trong nụ cười xinh đẹp của người con gái!
Về lại Dallas, cũng vừa lúc hắn nhận được giấy báo của cha Joe cho biết đã được nhận vào trường Seminary. Tội cho cha, chắc không gặp được hắn trên phone, lại không thấy hắn đi lễ, nên đã gởi thư này. Cha hẹn vài ba tuần lễ nữa, cha đi cấm phòng và vacation về, hắn sẽ đến gặp cha ký giấy tờ, và những dặn dò cần thiết, để chuẩn bị vào chủng viện cho khóa học mùa tới.
Ôi! Niềm mơ ước của hắn bây giờ đã thành sự thực! Chúa đã đáp ứng lời cầu xin của hắn. Hắn xúc động vì tin được nhận vào Chủng Viện cũng mãnh liệt như nỗi xúc động lúc được tầu Mỹ với lên, từ chiếc thuyền mong manh lênh đênh, ngày vượt thoát khỏi Việt Nam trước đây. Hắn cúi đầu cầu nguyện… “Vâng, Chúa đã cứu vớt con một lần trên đại dương gầm thét, bây giờ lại cứu vớt con lần nữa, đang lúc lênh đênh cuộc đời giữa trần thế này. Xin cám ơn Ngài…!”
Tiếng chuông điện thoại reo, hắn liên tưởng đến vị linh mục hiền lành. Chắc là cha gọi mình đây. Nhấc lên, tiếng nói đầu giây bên kia có vẻ gấp rút:
- Đây là Bệnh Viện St. Paul… May I speek with Mr. Do…please!
Hắn giật mình như linh tính có điềm gì chẳng lành:
- Vâng… chính tôi!
- Ông có quen Jackie không? Jackqueline Thompson?
Hắn lẩm nhẩm nhắc lại:
- Jackie… Jackie… Ah, vâng, tôi là bạn cô ta…!
Tiếng đầu giây bên kia:
- Hãy đến bệnh viện, bác sĩ cần nói chuyện với ông!
Khi đến bệnh viện, thì hắn được cho biết nàng đã chết vì một tại nan xe trên đường đón con đi học về. Nàng nằm kia, còn thằng Andy, con nàng, cũng đang được điều trị tại bệnh viện vì một vết cắt ở tay. Vì nàng không còn ai là thân nhân, mà chỉ có tấm danh thiếp của hắn trong túi xách, nên hắn là người được gọi đến, gặp gỡ ban chung sự nhà thương để bàn về cái chết của nàng. Thực là sững sờ, hắn không thế tưởng tượng nổi, sao có sự bất ngờ đau thương như vậy đến với mẹ con nàng…!
Nàng nhắm mắt như đang ngủ, khuôn mặt bình thản. Hắn liên tưởng đến những lời nói, đến bàn tay mềm ấm đặt trên ngực của hắn, cũng như những cử chỉ chân tình của nàng trước kia, để cảm nhận được nỗi ngậm ngùi, xót thương cho người con gái, dâng lên từ trái tim hắn…
Rồi lần này,
Kìa em, gặp lại
Nằm khép hoa môi giấc quan tài
Đôi môi lần chót gặp ta nhắc
Nghe nhớ bằng tim…, chớ bằng tai!
Bệnh viện dành quyền cho hắn, nếu muốn, đứng ra để chôn cất nàng, hay để sở Xã Hội lo việc ma chay, coi như xác chết vô thừa nhận. Nhà quàn cũng cho hắn biết về số tiền chi phí để chôn cất, vì gia tài của nàng lúc này, ngoài cái xe móp méo, mà bảng số vẫn còn là Denver, thì tài khoản, như statement nhà bank trong ngăn của túi xách, chỉ còn gần ngàn bạc.Điều đáng buồn là bảo hiểm xe đã hết hạn hai hôm mà nàng chưa đóng tiền đáo hạn, và xui hơn nữa, kẻ đụng nàng là một gã Mỹ đen say xỉn mà cả năm rồi chẳng biết đến bảo hiểm xe là gì!
Thương cho nàng, hắn không nỡ để nàng ra đi như một kẻ vô thừa nhận như thế. Ít ra trên đời này, nàng còn có hắn. Rồi chợt nghĩ đến thằng Andy đang nằm bệnh viện, nó cũng cần được săn sóc, vỗ về, nhưng hắn chưa biết phải lo cho nó như thế nào? Hắn nghĩ đến số tiền mấy năm nay đi làm dành dụm được. Hắn không tiếc vì nghĩ rằng đồng tiền Chúa ban, nên trả lại cho Chúa qua những người anh em bất hạnh chung quanh… Vâng, xin Chúa giúp con trong cơn khó khăn này! Hắn đồng ý đứng ra chôn cất nàng, và ưu ái hơn, còn chọn cho nàng đúng mảnh đất nghĩa trang mà nàng mơ ước trong một lần hai đứa chạy xe qua.
Sau tang lễ, hắn đến thăm Andy xem tình trạng nó ra sao. Cũng giống như me, nó giờ chỉ còn hắn là thân nhân độc nhất trên cõi đời. Hắn ghé vào Toys R Us mua game cho thằng bé, rồi đến nhà thương, đi thang máy lên phòng bệnh. Dường như nó nhận ra hắn là người quen mà đã có lần nói chuyện với mommy, nên mở đôi mắt xanh tròn nhìn hắn:
- Wheres mom!
Hắn lấy tay vuốt mái tóc vàng của đứa trẻ tội ngiệp:
- Shes being in rest…!
Thằng bé không hiểu là mẹ nó đã chết:
- Take me to mom… Please!
Hắn phân vân không biết có nên cho nó biết là mẹ nó chết hay không? Cũng không biết là nhân viên bệnh viện có cho thằng bé biết là nó đã mồ côi mẹ không…? Hắn kiếm cách an ủi nó:
- I will…!
Tiếng bật khóc của thằng bé làm hắn mủi lòng. Lau mắt cho nó, hắn dỗ dành:
- Mom… đã về nghỉ bên God, nhưng giờ vẫn còn ta! My son…, Andy!
- No…! Youre not my…daddy!
Sau câu nói, nó lại khóc rống lên. Một nhân viên bệnh viện đến cho nó uống thuốc. Thằng bé vùng vằng nắm áo hắn. Tội nghiệp thằng nhỏ mồ côi, hắn bế xốc nó lên dỗ dành. Nhưng dỗ con nít không phải nghề của hắn. Thằng bé nhoài người ra:
- No…. Please…Let me be with mom…!
Hắn vỗ vỗ lưng nó:
- Okay…Okay…Andy, I promise…!
Thằng bé có vẻ nín khóc vì lời hứa của hắn, nó ngước đôi mắt còn ướt sũng những giọt nước:
- O…k…ay…!
Lấy tay không bị băng quệt nước mắt, nó chịu uống miếng thuốc màu đỏ, rồi tiếp tục:
- Im hungry…now!
“Gà trống nuôi con…!” Đây là lần đầu tiên hắn bận rộn với con nít là thằng Andy bên cạnh. Đặt nó xuống giường, rồi lấy phần ăn trong bệnh viện, hắn đút một miếng nhỏ vào miệng nó. Thằng bé lắc đầu:
- I wanna go to McDonalds.
Hắn dỗ dành:
- Okay, well be there…!
Hơn tuần sau, thằng bé được xuất viện. Hắn theo nhân viên Xã Hội đến Child Protective Services, để ký giấy chứng nhận được đi thăm nó tại một nhà trẻ thuộc sở Xã hội, cho đến khi sở kiếm được cho nó một cha mẹ nuôi chính thức.
Hắn quyết định sẽ gởi đơn xin thôi việc ở hãng sau ngày đến gặp cha Joe, ký giấy vào Chủng Viện. Cám ơn cha, một vị bề trên nhân từ và đáng kính. Hắn cũng dự trù mua biếu cha bộ áo lễ, thay cho bộ áo cũ đã sờn rách, mong rằng cha sẽ vui. Trước khi đi thăm Andy, hắn lấy là thư của cha ra xem lại cho chắc ăn, rồi tiện tay, nhét lá thư của cha vào túi áo, nhẹ bước ra khỏi phòng.
Hôm nay thứ Bảy, hắn sẽ đưa Andy đi thăm mẹ nó như lời hứa. Mà có thể, đây là lần chót gặp nó trước khi hắn đi tu. Hắn đang suy nghĩ, sau này không biết ai sẽ là người đến thăm, và ai sẽ là cha mẹ nuôi của nó. Hắn nhẹ lắc đầu, tội nghiệp thằng bé mồ côi!
Trong đầu hắn chợt có ý tưởng làm cha nuôi cho Andy. Ừ phải, hắn có đủ điều kiện và công việc như đòi hỏi của sở Xã Hội. Andy là một đứa bé ngoan hiền, dễ thương, nhất là nó lại là con của nàng. Thực tốt đẹp cho cuộc đời đứa bé, nếu như Andy được sống với hắn. Hắn đã may mắn được nước Mỹ đùm bọc, nuôi dưỡng, giáo dục, và tạo cho công việc, được hưởng mọi quyền tự do, và nhất là được sống trong một xã hội đầy tình người, nên bây giờ có cơ hội để đền đáp lại xã hội nhân bản đó, làm sao nỡ ngoảnh mặt khước từ?
Nhưng cuộc đời hắn, đã nuôi ý định tận hiến cho Thiên Chúa từ lâu, bây giờ mới được toại nguyện. Còn gì trên đời hơn nữa mà không đón nhận? Hắn sẽ từ giã công việc và những vị tiền bối ở Boeing, từ giã bạn bè, từ giã những buổi chiều đi lang thang sân trường đai học, và buồn hơn, là bây giờ sẽ phải từ giã Andy, không thể hàng tuần đến thăm nó được nữa.
Hắn lại nghĩ đến số tiền để dành, dù không còn nhiều, nhưng chẳng biết luật lệ Chủng Viện có cho tu sinh quyền giữ tiền riêng không? Dù được hay không, hắn nghĩ, sẽ chia số tiền, một nữa cho thằng Andy vì nó còn nhỏ quá, cần được đền bù vì những bất hạnh của một đứa trẻ mồ côi. Hắn cũng gởi về Việt Nam cho cha mẹ một ít, còn lại sẽ đặt hết dưới sự quản lý của Chủng Viện. Nghĩ được như vậy hắn cảm thấy yên tâm.
Hắn ghé vào McDonalds mua cho thằng bé phần Happy Meal, vì nó thích những đồ chơi nho nhỏ trong phần ăn này. Tiện tay, hắn lấy thêm vài tờ napkins nhét vào túi áo. Sau đó hắn dừng xe trước chợ mua một bó hoa tươi cho nàng. Vậy là đủ, hắn sẽ cùng thằng bé dắt tay nhau đi thăm mẹ của nó.
Đường vào nghĩa trang vắng lặng vào một buổi chiều thứ Bảy, có nắng lung linh bao phủ trên những đóa hoa như nàng vẫn mơ ước. Hắn xuống xe, cầm theo bó hoa và tay kia dắt theo thằng bé. Nếu không vì mái tóc vàng giống mẹ của nó, thì người ta sẽ nghĩ đó là hai cha con thực sự. Thằng bé hớn hở vì được đi chơi. Đến bữa nay, dường như nó đã phần nào quên được mẹ, vì có nhiều bạn mới cùng tuổi, và nhiều đồ chơi trong nhà trẻ của sở Xã Hội.
Đến trước mộ của nàng, hắn lặng lẽ cắm hoa vào khay được gắn trước mộ bia. Thằng Andy rụt rè, nắm chặt tay hắn. Trong đầu óc bé nhỏ của nó mường tượng ra được là từ nay sẽ không còn được gặp mẹ nữa. Mắt nó đỏ hoe chực khóc. Hắn cúi xuống, ôm và vỗ về nó, thằng bé dụi dụi mắt vào cổ áo của hắn:
- Mama nằm đây hả…?
Hắn vỗ vỗ lưng nó:
- Ừ, nằm đây, và mama happy lắm khi thấy mình đến đây hôm nay…!
Thằng bé xụi xùi:
- I miss mama…!
- Me too, Andy! Mama cũng nhớ Andy…, và muốn Andy là một good kid. Lets pray…
Hắn lặng lẽ cúi đầu. Nhưng thằng bé chẳng yên lặng được lâu, nó vụt ra khỏi tay hắn để đi nhặt những cánh hoa cỏ nhỏ bé chung quanh, trong khi hắn lâm râm những lời kinh nguyện.
Hắn quỳ gối, lấy tay sờ vào tấm hình trên mộ bia. Vẫn mái tóc, vẫn đôi mắt, vẫn nụ cười… đã đi vào tâm hồn hắn. Hắn chạm tay vào nét chữ khắc bên dưới rồi chợt thở dài, vì nghĩ lại những lúc nàng phải nhắc tên của nàng cho hắn. Ôi đầu óc của gã tị nạn Việt Nam, sao mà kém cỏi và vô tình!
Bây giờ thì nàng yên tâm rồi, vì không còn phải nhắc tên cho hắn nữa. Tên của nàng đã rất rõ nét trên mộ bia và ngay cả trong trái tim của hắn. Nhìn vào ánh mắt, dù nàng đang cười với hắn, nhưng có một nét gì như là trách móc!
Hắn ngậm ngùi, cầu mong nàng thứ lỗi, và hứa sẽ săn sóc Andy với tất cả khả năng của mình. Nghĩ tới đó, hắn thấy mắt mình cay cay! Hắn thầm thì nhắc lại tên nàng, mà đây là lần đầu tiên hắn đã không quên và không bị vấp váp…
Phải rồi,
Tên em, ta đã nhớ
Âm hưởng mang máng giọt cô liêu
Di ảnh long lanh lòng ta khóc
Tên em…rõ nét… mộ bia chiều…!
Thằng bé chợt nhìn thấy người đàn ông khóc. Nó nhớ lại những lời mẹ nói trước đây… À, đây đúng là daddy của nó…, là người đàn ông khóc trước mặt mẹ! Vậy mà bấy lâu nay nó không nhận ra… Nó hấp tấp chạy lại ôm lấy cổ hắn:
- “Daddy…Daddy…, mình về nhà đi …!”
Tiếng gọi của thằng bé làm hắn xúc động. Hắn gục đầu xuống mái tóc vàng của nó, rút tờ napkin lau nước mắt, lá thư của cha Joe rơi theo xuống đất. Hắn thẫn thờ, nghĩ ngợi…, rồi cuối cùng nhặt thư của cha lên, thở dài:
- Ừ mình về, từ nay con sẽ ở với daddy!
Hắn dự định sẽ đến gặp cha Joe, kể chuyện về Andy như một lời xin lỗi vì không còn ý định đi tu nữa, và mong cha vẫn tiếp tục cầu nguyện cho cuộc đời trần tục của hai cha con hắn, được bắt đầu từ ngày hôm nay…
Vũ Công Ynh
Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016
Vụng Đường Tu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.