Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 14


5) Kyoto (京都市 Kyōto-shi) - Tiếp Theo ...

b) Chùa Tenryū-ji (Tenryū-ji Temple) & Vườn Tre (Bamboo Groves)


Từ ga trung tâm Kyoto, quý vị có thể đón xe đến ga Arashiyama để thăm chùa Tenryū-ji (Tenryū-ji Temple) & Vườn Tre (Bamboo Groves). Nếu quý vị có vé JR Pass quý vị có thể xử dụng vé JR cho tuyến đường này.



Tenryū-ji (天龍寺) là ngôi chùa chính thuộc chi nhánh thiền Rinzai (Rinzai Zen Buddhism).  Chùa được sáng lập bởi Ashikaga Takauji vào năm 1339, hoàn thành vào năm 1345.  Bởi chùa có liên hệ đến dòng họ Ashikaga & Hoàng Đế Go-Daigo nên rất được sùng kính.  Năm 1994, UNESCO đã công nhận chùa này là một di sản thế giới.

Thường các ngôi chùa phái Thiền tông được xây quay mặt về hướng Nam với những kiến trúc chính chạy dọc theo trục Bắc Nam. Tuy nhiên cách bố trí kiến trúc ở chùa Tenryū-ji có phần ngoại lệ, nhiều ngôi chùa nhỏ được xây dựng xoay mặt vào con đường chính từ cổng vào đến khu giảng đường. Phía sau giảng đường là những khu tu viện, bếp, thiền phòng v.v.  Lăng mộ của Hoàng Đế Go-Saga & Hoàng Đế Kemeyama cũng được xây dựng ở đây.



Ngôi chùa này đã có chiều dài lịch sử trên 700 năm, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu qua một chút về lịch sử của nó.  Vào đầu thời Heian (như đã đề cập ở bài trước đây), tại địa điểm hiện nay của ngôi chùa Tenryū-ji, Hoàng Hậu Tachibana no Kachiko vợ của Hoàng Đế Saga đã cho xây dựng một ngôi chùa tên là Danrin-ji. Ngôi chùa này đã đổ nát cùng với thời gian sau 400 năm.

Đến giữa thế kỷ thứ 13, Hoàng Đế Go-Saga & con của ông Hoàng Đế Kameyama đã biến nơi này thành một cung điện đặt tên là Kameyama-dono (亀山殿 - tạm dịch là Quy Điện). Tên "Kameyama" tạm dịch là "Quy Sơn" bởi núi Ogura nằm về hướng Tây của chùa có hình giống như một con rùa.

Đến giữa thời Muromachi cung điện Kameyama được chuyển thành chùa theo ý  của Ashikaga Takauji, ông muốn dùng ngôi chùa này làm nơi tưởng niệm Hoàng Đế Go-Daigo.  Năm 1338 Ashikaga trở thành một lãnh chúa và Hoàng Đế Go-Daigo băng hà một năm sau đó.  Ashikaga đã gợi ý cho thiền sư Musō Soseki xây một ngôi chùa đặt tên là Ryakuō Shiseizen-ji (暦応資聖禅寺). Tuy nhiên một người em trai của Ashikaga Takauji's là ông Tadayoshi được cho là đã mơ thấy một con rồng vàng bay trên dòng sông Ōi (cũng là sông Hozu) nằm về hướng Nam của ngôi chùa.  Bởi thế ngôi chùa đã được đặt tên là Tenryū Shiseizen-ji, "Tenryū" tạm dịch là "Thiên Long".  Đến năm 1345 việc xây chùa được hoàn tất, cũng là lúc Hoàng Đế Daigo đệ nhị băng hà.



Vào những năm của thập niên 1430, ngôi chùa này đã có một mối liên hệ đặc biệt với triều đình nhà Minh (Trung Quốc).  Triều đình nhà Minh lúc bấy giờ ta lệnh ngăn cấm các thương vụ giữa Trung Quốc với nước ngoài. Nhật Hoàng & lãnh chúa Ashikaga đã tìm cách thông thương với nhà Minh qua sự sắp xếp của chùa Tenryū-ji, ngược lại Trung Quốc được quyền chỉ định sư trụ trì của ngôi chùa này.  Sự thoả thuận này đã tạo cho phái Thiền & chùa Tenryū-ji một vai trò đặc biệt.  Một số chi nhánh của chùa Tenryū-ji đã có mặt ở Okinawa, các nhà sư của chùa Tenryū-ji cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nối kết các cuộc thông thương buôn bán giữa Trung Quốc - Okinawa - Nhật trong suốt thế kỷ 19.

Ngôi chùa này đã trở thành một ngôi chùa quan trọng nhất trong phái Rinzai ở Kyoto.  Có một thời diện tích khuôn viên của chùa đã được mở rộng đến trên 300 ngàn mét vuông (m2).  Thời cực thịnh đã có khoảng 150 ngôi chùa nhỏ nằm trong khuôn viên này.  Tuy nhiên những khu kiến trúc của chùa đã bị tàn phá sau 6 trận hoả hoạn vào các năm 1358, 1367, 1373, 1380, 1447 & 1467.



Trong cuộc chiến Onin ngôi chùa một lần nữa bị  tàn phá & đã được xây dựng lại sau đó.  Nhưng ngôi chùa lại bị tàn phá qua hai biến cố năm 1815 & 1864.  Bởi thế hầu hết các kiến trúc  chúng ta thấy được ngày hôm nay đã được xây dựng lại vào nửa sau của thời Meiji.



Từ cổng chùa Tenryu-ji đi một đoạn về hướng Bắc sẽ dẫn quý vị đến khu vườn tre.  Chỉ có một con đường chính dẫn quý vị xuyên qua khu vườn.  Tuy gọi là vườn nhưng nó lớn như một khu rừng nhỏ với hun hút những hàng tre thẳng đứng, xanh rì. Tre ở đây không phải loại tre gai như vẫn thường thấy ở một số vùng ở Việt Nam nhưng nó gần giống như loại tầm vông ở Việt Nam thân thẳng không có gai. Nếu quý vị nào đã từng xem phim Ngọa Hổ Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) quý vị có lẽ nên ghé qua khu vườn này để có thể hình dung những cảnh được đóng trong phim.  Đi trong khu vườn này thỉnh thoảng ngửa mặt lên nhìn trời qua khe hở của những ngọn tre quý vị có thể sẽ có một cảm giác thanh thản kỳ lạ.



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 13

5) Kyoto (京都市 Kyōto-shi) 

a) Một chút lịch sử về Kyoto

Kyoto trước đây từng là một kinh đô kéo dài trên 1000 năm của Nhật Bản, với dân số hiện tại khoảng 1.5 triệu người.  Thành phố này trước đây được gọi là Kyō (京), đến thế kỷ thứ 11 nó được gọi là Kyoto (xuất phát từ chữ kinh đô theo tiếng Hoa 京都). Năm 1868, Nhật Hoàng dời đô về Edo và đổi tên thành phố Edo sang Tokyo (東京 - Đông Kinh), Kyoto lúc bấy giờ được biết đến với tên Saikyō (西京- Tây Kinh).



Kyoto từng là một thành phố lớn nhất Nhật Bản (lớn hơn cả Osaka & Tokyo) cho đến thế kỷ thứ 16.  Năm 1947, Kyoto được xếp hạng thành phố lớn thứ 3 của Nhật, tuy nhiên đến năm 1960 Kyoto bị tuột xuống hạng số 5, đến năm 1990 trở thành số 7 & hiện tại bây giờ nó được xếp hạng 9 trong những thành phố lớn ở Nhật Bản .

Vào thế kỷ thứ 8, khi Phật Giáo có ảnh hưởng rất mạnh đến chính quyền, Hoàng Đế Kanmu đã quyết định dời đô khỏi Nara để tránh sự ảnh hưởng của các nhà sư Phật Giáp can dự vào chính trường.  Nơi Hoàng Đế chọn là ngôi làng Uda thuộc quận Kadono, tỉnh Yamashiro.  Một thành phố mới được xây dựng dựa theo kiến trúc của kinh đô Trường An đời Tần (Trung Quốc). Kinh đô mới này được gọi là Heian-kyō (平安京 - tạm dịch là Hoà Yên kinh đô), trở thành nơi đóng đô của triều đình Nhật Hoàng năm 794, bắt đầu thời đại Heian trong lịch sử Nhật Bản.  Kyoto được coi là kinh đô Nhật Bản cho đến năm 1869, khi Nhật Hoàng thời bấy giờ dời đô về Tokyo ngày nay.



Kyoto đã chịu một cuộc tàn phá lớn vào thời nội chiến Ōnin (1467–1477), từ đó thành phố này đã không phục hồi được cho đến giữa thế kỷ 16. Những trận chiến giữa các nhóm samurai diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.  Các dinh thự trong thành phố đã được biến thành những pháo đài phòng thủ, giao thông hào được đào khắp nơi cho mục đích giao tranh, bao nhiêu nhà cửa bị thiêu rụi.  Thành phố chưa bao giờ chứng kiến một cuộc tàn phá như vậy.


Đến thế kỷ 16, Toyotomi Hideyoshi đã cho xây dựng lại thành phố, mở thêm nhiều đường phố chạy theo hướng Bắc Nam, xây dựng những khu phố theo hình chữ nhật thay vì hình vuông như trước đó. Hideyoshi cũng cho xây dựng một con đường đi bộ odoi (御土居)  vòng quanh thành phố.  Đường Teramachi nằm ở trung tâm thành phố, nơi Hideyoshi gom các chùa lại thành một trung tâm chùa Phật Giáo.  Trong suốt thời Edo, nền kinh tế ở đây đã phát triển mạnh, trở thành một trong ba thành phố lớn nhất nước Nhật thời bấy giờ, bên cạnh Osaka & Edo.



Năm 1864, trong cuộc nổi dậy của Hamaguri, khoảng 28 ngàn căn nhà bị đốt cháy, sau đó với cuộc dời đô về Tokyo năm 1869 của Nhật Hoàng nền kinh tế ở đây đã dần suy yếu.  Thành phố Kyoto mà chúng ta thấy hiện nay đã được xây dựng lại từ năm 1889, dân số ở đây vượt quá con số một triệu người vào năm 1932.


Thời gần cuối Đệ Nhị Thế Chiến, thành phố này lúc đầu đã bị nằm trong danh sách những mục tiêu cho cuộc thả bom nguyên tử, may mắn thay sau đó mục tiêu này đã được loại ra khỏi danh sách vào phút cuối & được thay thế bằng thành phố Nagasaki.  Qua một chi tiết lịch sử này mới thấy được sự bé nhỏ của hàng vạn sinh linh (may mắn hoặc không may mắn) chỉ với một quyết định của một nhà lãnh đạo nào đó.  Một may mắn nữa là Kyoto đã gần như không bị tàn phá nặng bởi cách cuộc oanh tạc của không quân Hoa Kỳ bởi thế số người bị thương vong ở đây tương đối thấp so với các thành phố lớn khác ở Nhật trong chiến tranh.


Với sự may mắn đó, Kyoto là một trong một số thành phố còn giữ được những kiến trúc phong phú thời trước chiến tranh.  Tuy nhiên trong cuộc hiện đại hóa thành phố hiện nay các kiến trúc tân thời đã dần lấn chiếm những kiến trúc cổ ở đây.

Năm 1997, Kyoto được chọn là nơi tổ chức cho một hội nghị thế giới bàn về vấn đề hiệu ứng nhà kính & khí thải toàn cầu, qua hội nghị này tên thành phố đã được chọn để đặt cho nghị định thư (protocol) của cuộc hội nghị này.



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 12

4) Osaka (大阪市 Ōsaka-shi) - Tiếp theo

e) Toà building Umeda (The Umeda Sky Building - 梅田スカイビル Umeda Sukai Biru)

Toà building Umeda là một building 40 tầng, cao khoảng 173m.  Công trình xây dựng khu building này được bắt đầu vào năm 1988, với dự định ban đầu gồm 4 toà nối với nhau. Tuy nhiên, vì cuộc khủng hoảng kinh tế của Nhật vào thập niên 1980s, cuối cùng chỉ còn hai toà Đông (Tower East) & Tây (Tower West) được xây dựng, và được nối với nhau bằng một chiếc cầu bao bọc chung quanh bằng kính.  Building này nằm trong khu phố Shin-Umeda, là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Osaka.  Nếu đứng ở tầng trên cùng của building, quý vị có thể nhìn thấy gần như toàn bộ trung tâm thành phố Osaka.



Tầng trên cùng của building được gọi là "Lầu ngắm cảnh Vườn Nổi"  (Floating Garden Observatory). Tuy nhiên quý vị đừng lầm vì cái tên "Vườn Nổi (Floating Garden)" mà thất vọng vì chả có cái vườn nào trên đỉnh của building này cả.  Ngoài một kiến trúc mở ở tầng trên cùng, LN chỉ thấy dưới chân building có một khu vườn tạo cảnh theo kiểu đồng quê (có ruộng lúa, vườn rau v.v).



Hai tầng trên cùng (39 & 40) của building được mở cửa cho du khách từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm.  Ở tầng 39 quý vị có thể vừa ngồi ăn, uống cà phê hay giải khát để ngắm cảnh hoàng hôn.  Từ hai tầng trên cùng nhìn xuống dòng sông bên cạnh quý vị có thể thấy rất nhiều chiếc cầu bắt ngang qua sông.  Những chiếc cầu này có lẽ đã được xây tương đối lâu, một số trông giống kiểu cầu Tràng Tiền ở Huế.



Quý vị có thể đón xe lửa đến ga M16 -Umeda (hay JR Osaka), từ đây quý vị có thể đi bộ chừng 10 phút để đến building.  Đây cũng là một địa điểm đáng thăm ở Osaka nếu quý vị có thời gian.


f) Tắm Onsen ở Spa World Osaka

https://www.osakastation.com/spa-world-osaka/

Đã đến Nhật quý vị cũng nên ít nhất một lần tắm Onsen, một kiểu tắm truyền thống của người Nhật.  Lúc ở Tokyo LN có dự định đi tắm Onsen nhưng cuối cùng không đi được phải đợi khi đến Osaka mới có dịp.

Hình lấy từ site www.osakastation.com

Xin giới thiệu sơ về lối tắm này của người Nhật cho quý vị nào chưa trải nghiệm qua.  Tắm Onsen có thể gọi là một lối tắm "khỏa thân", khi vào những khu tắm này quý vị không được mặc quần áo (kể cả quần áo lót hay quần áo bơi).  Thường thì nơi tắm sẽ có những tủ để khăn tay, LN thấy có đa số thiên hạ đi lại trong khu tắm trong tình trạng "trần trùng trục" rất tự nhiên, tuy nhiên cũng có một số người dùng khăn tay để che những phần họ muốn che.  Quý vị nhớ là không nên bỏ khăn tay vào hồ nước tắm, thường thì mọi người để khăn tay trên bờ hồ hoặc đắp khăn lên đầu.

LN thấy những người e ngại có lẽ đa phần là người ngoại quốc, vì người Nhật có vẻ rất tự nhiên.  Hình ảnh bố & mấy cậu con trai (có cậu tuổi chừng 8, 10 hay 15, 16) đi tồng ngổng với nhau trông rất bình thường.

Hình lấy từ site www.osakastation.com
Ở Osaka LN đã đi tắm Onsen tại Spa World thuộc khu Shinsekai, cách ga Dobutsuen-mea hay ga Shin-Imamiya khoảng vài phút đi bộ.  Đây là một khu lớn 8 tầng lầu, bao gồm nhiều loại hồ tắm nước nóng & phòng xông hơi của hầu hết các kiểu trên thế giới.  Ngoại trừ một số khu như hồ bơi, nhà hàng, phòng tập thể dục, thì mọi người có thể mặc quần áo bơi, quần áo thể dục v.v & nam nữ sinh hoạt chung .  Tuy nhiên khi đã vào khu tắm nước nóng thì nam & nữ có những khu khác biệt.

Hình lấy từ site www.osakastation.com

Ở Spa World, khu tắm nước nóng có hai tầng, tầng 4 được gọi là khu Âu Châu (European Zone),  & tầng 6 được gọi là khu Á Châu (Asian Zone). Vào những tháng lẻ (1,3,5,7 ...) khu Âu Châu được dành riêng cho phụ nữ, khu Á Châu dành riêng cho đàn ông, vào những tháng chẵn (2,4,6,8...) thì ngược lại.

LN đến đây vào Tháng 7 (lẻ) vì thế chỉ biết khu Á Châu, tuy nhiên khi xem hình ảnh tài liệu hướng dẫn thì thấy khu Âu Châu có vẻ xây theo kiểu La Mã hay Hy Lạp cổ.  Khu Á Châu, tuy gọi là Á nhưng kiến trúc chính là theo kiểu Nhật, một vài kiểu nghe nói giống Ba Tư hay Ba Li (Indonesia).  Các khu này bao gồm đa số là những hồ tắm nước nóng với nhiệt độ khác nhau (theo LN quan sát thì nhiệt độ từ 30oC đến 42oC).  Có vài hồ nước lạnh nhiệt độ từ khoảng trên dưới 20oC, có một vài hồ tắm bùn & muối khoáng.  Tầng 3 ở đây dành cho xông hơi (sauna) nhưng hôm đó LN lẩn quẩn trong khu spa lâu quá nên không có dịp qua khu xông hơi, phải chờ sang đến Nam Hàn mới đi xông hơi bù (LN xin đề cập sau).

Hình lấy từ site www.osakastation.com

Một số điều quý vị nên biết khi tắm Onsen ở đây, ví dụ:

- Quý vị nên mang theo một vài đồng tiền cắc (coin) 10 Yen để xử dụng cho locker (tủ gởi quần áo)
- Tắm qua trước khi xuống các hồ nước hay vào phòng xông hơi
- Không được dùng bất cứ loại xà bong nào trong các hồ nước (chỉ dùng ở những chỗ tắm có vòi sen)
- Tắm trước khi rời khu hồ nước nóng để ra ngoài
- Lau khô người trước khi vào phòng thay quần áo

Spa World có những luật mọi người phải tuân thủ đó là:

- Những người có hình xâm trên người không được vào khu tắm nước nóng (khoả thân)
- Tóc dài phải cột tóc gọn gàng
- Không được chụp hình trong khu tắm khoả thân & trong phòng thay quần áo

Khu hồ bơi ở lầu 8, đến khu này quý vị phải mặc quần áo bơi.  Ở tầng 3 có nhà hàng & khu dành cho trẻ con. Gần thang máy tầng 6 có phòng tập thể dục (gym). Trong các phòng tắm ở đây có cung cấp dầu gội đầu, máy xấy tóc, lược chải đầu, bông ngoáy tai v.v.

Hình lấy từ site www.osakastation.com

Quý vị mua vé vào cửa ở những máy bán vé tự động để trước lối vào, sau khi trình vé ở cổng nhân viên ở đây sẽ đưa dây đeo tay có chip điện tử.  Khi đã vào trong tất cả mọi chi phí khác ví dụ như mát xa chẳng hạn sẽ được thanh toán xử dụng chip điện tử này.  Trước khi ra ngoài, quý vị sẽ thanh toán các chi phí qua máy tự động, hoàn trả lại dây đeo tay và máy tự động sẽ cho quý vị một giấy biên nhận (receipt).  Quý vị nhớ giữ biên nhận này để đi ra cửa, vì cửa ra cũng tự động.


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017


Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 11

4) Osaka (大阪市 Ōsaka-shi) - Tiếp theo

d) Lâu Đài Osaka (Osaka Castle - 大坂城 hay 大阪城, Ōsaka-jō)



Đã đến Osaka quý vị không nên bỏ qua lâu đài Osaka, đây là một lâu đài không chỉ nổi tiếng ở Osaka mà còn nổi tiếng trong tất cả các lâu đài ở Nhật.  Theo LN thì lâu đài này còn đồ sộ hơn cả Hoàng Cung của Nhật Hoàng tại Tokyo.  Nơi đây đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử thống nhất của Nhật Bản trong thế kỷ 16 của thời đại Azuchi-Momoyama.


Khu chính của lâu đài toạ lạc trên một vùng đất rộng khoảng một cây số vuông (km2).  Chung quanh lâu đài được bảo bọc bởi một tường đá dày, cao sừng sững, dưới chân tường là một vòng hào sâu bao quanh.  Nhìn vào kiến trúc của bức tường đá, có thể tưởng tượng những cuộc tấn công xưa kia vào lâu đài này quả không dễ chút nào, & liên tưởng đến câu của người xưa: "Nhất tướng công thành vạn cốt khô" (tạm hiểu một vị tướng quyết định tấn công thành, hàng vạn lính phải phơi xác nơi chiến trường).



Tổng diện tích của lâu đài rộng chừng 60 ngàn mét vuông (60,000 m2), bao gồm 13 kiến trúc, hiện đang được chính phủ Nhật liệt vào danh sách những di tích lịch sử được bảo tồn.  Osaka Castle, là một lâu đài với chiều dài lịch sử trên 400 năm, chúng ta không thể không xem qua một vài chi tiết lịch sử của nó.


Năm 1583, lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi bắt đầu cho xây toà lâu đài này trên nền cũ của ngôi đền Ikkō-ikki.  Lâu đài được xây mô phỏng theo kiến trúc của lâu đài Azuchi (安土城 Azuchi-jō - một lâu đài chính của lãnh chúa Oda Nobunaga được xây từ năm 1576 đến năm 1579, gần vùng Kyoto ngày nay).  Tuy nhiên lãnh chúa  Toyotomi muốn lâu đài của mình phải vượt trội về mọi mặt.



Năm 1585, vòng trong của lâu đài được hoàn tất, Toyotomi tiếp tục xây vòng ngoài biến nó thành một kiến trúc phòng thủ kiên cố.  Đến năm 1597, lâu đài được hoàn tất cũng là năm lãnh chúa Hideyoshi băng hà, con của ông là Toyotomi Hideyori đã kế vị & làm chủ toà lâu đài này.



Năm 1600, lãnh chúa Tokugawa Ieyasu thắng đối thủ của ông tại trận Sekigahara mở ra ngôi vị lãnh chúa cho riêng cho ông ta.  Sau đó, đến mùa Đông năm 1614 lãnh chúa Tokugawa bất ngờ vây lâu đài Osaka để tấn cống Toyotomi.  Mặc dầu quân số của Toyotomi chỉ bằng nửa quân số đối phương nhưng họ đã thành công ngăn chặn & đẩy lui 200 ngàn quân của Tokugawa.  Sau trận công thành thất bại, Tokugawa đã cho lính lấp đường hào chung quanh lâu đài để làm yếu đi hệ thống phòng thủ của vòng ngoài của lâu đài.



Vào mùa Hè năm 1615, Hideyori cho quân sửa lại đường hào chung quanh vòng ngoài của lâu đài.  Tokugawa nhận được tin, nổi giận gởi quân đến tấn công lâu đài Osaka một lần nữa.  Lần này, lâu đài Osaka đã thất thủ vào tay lãnh chúa Tokugawa, họ Toyotomi từ đây diệt vong.



Năm 1620, Tokugawa Hidetada bắt đầu trùng tu lâu đài Osaka, xây thêm phòng ốc & xây lại bức tường đá mới quanh lâu đài.  Bức tường đá được hoàn thành trong thập niên 1620s và đứng vững cho đến ngày nay.  Kiến trúc đặc biệt của bức tường đá này là chúng được xây dựng bằng cách ghép những khối đá khổng lồ lại với nhau mà không cần một chất kết dính nào.


Năm 1660, kho thuốc súng trong lâu đài bị sét đánh gây một vụ nổ & cháy lớn.  Năm 1665, sấm sét lại đánh & thiêu rụi khu toà tháp chính.  Đến năm 1843, qua bao nhiêu năm không được tu sửa, một số kiến trúc trong lâu đài ngày càng đổ nát, dân trong vùng được quyên góp để xây dựng lại một số toà tháp trong khu lâu đài.

Năm 1868, lâu đài Osaka một lần nữa thất thủ về tay quân trung thành với Nhật Hoàng chống lại chế độ lãnh chúa.  Phần lớn lâu đài bị đốt cháy trong cuộc xung đột củng cố quyền lực của nhà Meiji.



Dưới thời Meiji, lâu đài Osaka trở thành một phần của chuỗi sản xuất vũ khí súng đạn, thuốc nổ cho cuộc Tây phương hoá của quân đội Nhật.

Năm 1928, toà tháp chính của lâu đài đã được trùng tu sau cuộc quyên góp thành công của thị trưởng Osaka.

Trong chiến tranh Thế Giới II, lâu đài đã trở thành một trong những kho sản xuất vũ khí lớn nhất, với khoảng 60,000 công nhân làm việc ở đây.  Vì đây là kho vũ khí nên nó đã trở thành mục tiêu oanh kích của Hoa Kỳ, vào ngày 14/08/1945 cuộc oanh tạc đã phá hủy 90% kho vũ khí ở đây và khoảng 382 người đã bị thiệt mạng trong trận oanh kích này.



Năm 1995, chính quyền thành phố Osaka đã cho trùng tu lại khu lâu đài. Việc trùng tu đã được hoàn tất vào năm 1997.

Từ trung tâm phố Dōtonbori quý vị có thể đi bộ khoảng nửa tiếng để đến lâu đài, nếu quý vị muốn đi bộ để chiêm ngưỡng dân cư, nhà cửa & phố xá ở Osaka.  Quý vị cũng có thể đi đến lâu đài bằng xe lửa hoặc xe bus.


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 10

4) Osaka (大阪市 Ōsaka-shi) 

a) Một chút về lịch sử Osaka

Osaka thành phố lớn thứ hai của Nhật chỉ sau Tokyo, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, khoảng 19 triệu người cư ngụ.  "Osaka" có nghĩa là "ngọn đồi hay dốc lớn", thành phố nằm bên cửa sông Yodo đổ ra vịnh Osaka, đây là một trong những đầu tàu kinh tế Nhật Bản.  Osaka có một lịch sử lâu dài là một thương phố, Osaka cũng được mệnh danh là "cái bếp của nước Nhật" ("nation's kitchen" -天下の台所 tenka no daidokoro), nơi đây đã từng là trung tâm buôn bán gạo sầm uất thời Edo.

Một góc phố Osaka nhìn từ Umeda Building


Năm 645, nơi đây từng là kinh đô của Nhật Bản khi Hoàng Đế Kōtoku cho xây dựng cung điện Naniwa Nagara-Toyosaki.  Kinh đô lúc ấy được gọi là Naniwa (浪速), tên này bây giờ vẫn được dùng để đặt cho một quận của Osaka.  Đến năm 655, kinh đô được dời về Asuka (Nara ngày nay), nhưng nơi đây vẫn giữ vai trò là một trục giao thông quan trọng bằng đường bộ trong nội địa Nhật Bản, cũng như đường thuỷ dẫn đến Đại Hàn & Trung Quốc thời đó.

Một cổng vào lâu đài Osaka

Osaka được xem là một trung tâm kinh tế của Nhật Bản từ lâu đời, cư dân ở đây đa số thuộc tầng lớp thương buôn. Một sự khác biệt quý vị có thể nhận thấy giữa người Tokyo & Osaka là người Tokyo chung chung nhìn rất "thon thả" ngược lại người Osaka trông hơi "tròn trịa".  Có lẽ vì văn hóa ăn uống cũng như sự phong phú về ẩm thực ở Osaka mà cư dân ở đây trông "đầy đặn" hơn so với cư dân ở Tokyo. Cũng có lẽ cũng bởi thế mà người Tokyo vẫn có câu nói về người Osaka: "Ōsaka wa kuidaore (大阪は食倒れ)", xin tạm dịch "Người Osaka ăn cho đến lúc lăn quay ..."

Một khu siêu thị bán thức ăn làm sẵn



b) Xe lửa Osaka

Hệ thống xe lửa ở Osaka tương đối lớn, ký hiệu xe lửa cho mỗi trạm cũng giống ở Tokyo đó là mỗi trạm được ký hiệu bằng một chữ cái (A/B/C) & một con số. Ví dụ, trạm xe lửa Umeda (ga trung tâm Osaka) có ký hiệu là "M16".  Tuy nhiên so với Tokyo (theo LN) cách phân bố ga (platform) cũng như cách hướng dẫn cho hành khách ở Tokyo có vẻ quy củ hơn.  Quý vị có thể vào trang Web dưới đây để tìm hiểu thêm về bản đồ xe lửa ở Osaka.

http://www.osaka-info.jp/en/plan/traveller_information/transportation/railroad.html

Bản đồ xe lửa nội thành Osaka

Vé xe lửa cho một ngày trong nội thành giá 800 Yen, nhưng khác với Tokyo, vé ngày không có giá trị trong 24 tiếng mà sẽ hết hạn vào 12 giờ đêm mỗi ngày, bất kể quý vị mua vào giờ nào trong ngày.  Nếu quý vị không mua vé xe lửa cho nguyên ngày, quý vị có thể chỉ mua vé đến trạm mình muốn.  Thường thì các trạm xe lửa đều có máy bán vé tự động, trên những chỗ để máy bán vé tự động thường có tấm bản đồ chỉ các tuyến đường cùng giá vé quý vị cần trả để đi đến từng trạm.

Ví dụ: quý vị đang ở ga Umeda (M16) & muốn đi đến ga Nagahoribashi (N16/K16 - Ga này là ga giao điểm giữa hai tuyến N&K).  Giả sử quý vị nhìn thấy trên bản đồ có để số tiền 260 Yen bên cạnh tên trạm N16 chẳng hạn, có nghĩa giá vé đi từ ga M16 đến ga N16 là 260 Yen.  Vì M16 & N16 không nằm trên cùng một tuyến nên từ ga M16 (Umeda) quý vị phải đi đến ga M19 (Yotsubashi) từ đây quý vị phải đổi xe để đi đến ga N16 (Nagahoribashi).  Khi đổi xe quý vị có thể phải ra khỏi một cổng soát vé của tuyến đường M để vào một cổng soát vé khác cho tuyến đường N.  Các cổng soát vé đều tự động, khi quý vị ra khỏi cổng soát vé tuyến đường M máy soát vé sẽ trả lại vé cho quý vị để quý vị vào cổng soát vé cho tuyến đường N. Tuy nhiên khi quý vị ra đến cổng soát vé ở trạm N16 (trạm cuối)  máy soát vé sẽ tự động giữ vé của quý vị lại (vì đã cuối tuyến đường).

Một cảnh gần ga trung tâm Osaka

Xin lưu ý, cũng như ở Tokyo, thường các trạm xe lửa ở Osaka tương đối lớn, vì vậy khi đổi tuyến xe quý vị có thể cần khoảng 5 đến 10 phút.


Tại một số ga xe lửa ở Osaka quý vị có thể đón xe đi thẳng ra phi trường quốc tế Kansai, vì thế nếu quý vị sau khi thăm chơi ở Osaka, có ý định rời Osaka để bay ra khỏi Nhật quý vị nên lựa những nơi gần những ga xe lửa này để tiện cho việc di chuyển hành lý.  Nếu quý vị vì lý do nào đó không thể ở gần những ga chính để đi thẳng ra sân bay, quý vị cũng nên ở thuê chỗ ở gần một ga xe lửa để tiện việc di chuyển.  Từ những ga này quý vị cũng có thể chuyển tuyến để đi đến sân bay, nếu không rõ nhớ hỏi nhân viên hỏa xa tại trạm quý vị đón xe kẻo đón lộn tuyến sẽ mất thời gian & bất tiện.

Từ Osaka quý vị có thể đón xe lửa thuộc hệ thống JR (Japan Rail) để đi đến các tỉnh lân cận như Kobe, Kyoto, Hiroshima, Yokohama & Tokyo v.v.  Bởi thế quý vị có thể thuê chỗ ở tại Osaka từ đó quý vị có thể đi thăm những nơi khác như đã đề cập trong những bài trước.  Thường thì xe lửa JR xuất phát từ ga trung tâm Osaka (Umeda) hoặc ga Shin-Osaka & khi từ các tỉnh khác đến Osaks cũng vậy các xe lửa JR thường về hai trạm này.


c) Khu phố Dōtonbori (道頓堀)

Dōtonbori thuộc quận Namba, là khu phố chính cho khách du lịch nhất là về đêm với đèn sáng muôn màu, "trên chợ dưới thuyền (thuyền dành cho du khách)".  Cảnh đẹp về đêm ở Dōtonbori lunh linh bởi ánh sáng rực rỡ của đèn điện chiếu xuống dòng kênh lấp loáng.  Những chiếc cầu vắt ngang qua dòng kênh, những hàng quán dày đặc chạy dọc theo hai bờ kênh & sâu hút vào trong các ngõ ngách, chỗ nào cũng "ngựa xe như nước áo quần như nêm".  Khu phố Dōtonbori nổi tiếng với vô số hàng quán ăn uống. Nổi bật trong khu phố này là nhà hàng Kani Dōraku với hình tượng con cua khổng lồ "giương càng trợn mắt" ...  Đây quả là khu phố hấp dẫn cho du khách nhất là giới trẻ, về đêm rất tấp nập nhộn nhịp.

Một ngách phố Dotonbori


Cảnh đẹp về đêm của khu phố này sẽ giảm đi nhiều (theo LN) nếu không có dòng kênh như nguồn mạch sống chảy ngang qua phố. Bởi thế chúng ta cũng nên xem qua một chút về lịch sử của dòng kênh này nói riêng & của khu phố nói chung ...

Ngược thời gian về năm 1612, khi một doanh nhân người địa phương ông Yasui Dōton, bắt đầu nới rộng dòng sông nhỏ Umezu, với hy vọng mở rộng con đường thủy thông thương từ Đông sang Tây nối liền hai nhánh của sông Yokobori theo hướng Bắc Nam bằng một kênh đào.  Công trình đào kênh của ông bị đình hoãn khi ông qua đời khi tham gia một cuộc phòng thủ thành Osaka thời đó (LN sẽ đề cập sau trong phần lịch sử lâu đài Osaka).  Tuy nhiên những người anh em họ của ông đã tiếp tục & hoàn thành công trình này vào năm 1615.
Dòng kênh đào chảy ngang qua phố

Vị lãnh chúa mới của lâu đài Osaka,Tadaki Matsudaira, đã đặt tên dòng kênh này và những vùng lân cận là Dōtonbori ("bori" xuất phát từ chữ "hori" có nghĩa là "dòng kênh"). Dù ông Doton thuộc về bên thua cuộc khi thành Osaka thất thủ, nhưng việc tên của ông đã được dùng để đặt cho dòng kênh & khu phố này, cho chúng ta có thể thấy một tinh thần thượng võ của người Nhật khi họ đối xử với bên thua cuộc (tinh thần thượng võ này xem ra rất hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam & Trung Quốc).



Năm 1621, Dōtonbori được phát triển thành khu trung tâm đô thị giải trí, đến năm 1662, khu phố này có trên 10 đại hý viện (nhà hát).  Theo dòng thời gian những môn nghệ thuật cổ truyền mai một, các hý viện dần dần đóng cửa.  Năm hý viện còn lại cho đến thời Đệ Nhị Thế Chiến cũng bị các cuộc dội bom tàn phá.

Osaka nổi tiếng về ẩm thực, bởi thế dân Nhật có câu "京の着倒れ、大阪の食い倒れ - Dress into ruin in Kyoto, eat into ruin in Osaka" tạm dịch "Mặc đến khốn ở Kyoto, ăn đến khổ ở Osaka".

Theo LN nếu quý vị đến Osaka nên thuê chỗ ở gần khu phố này vì, hàng quán đồ ăn phong phú, phố đêm nhộn nhịp & từ khu phố này đến các trạm xe lửa chính cũng không xa.


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Anak - Con

Gần đến ngày Fathers Day ở Úc, Làng Nam xin gởi bài này tặng các bậc cha mẹ & những người con ....

***

"Anak" tiếng Phi Luật Tân (Phillippines) có nghĩa là "con" hay gần nghĩa hơn là "con của tôi", là tựa đề một bài hát được viết bởi một nhạc sĩ người Phi Luật Tân tên Freddie Aguilar. Bài hát đã được vào chung kết của cuộc hội nhạc Metropop Song Festival được tổ chức ở Manila năm 1977.  Nó đã trở thành một bản nhạc nổi tiếng quốc tế và được dịch ra 26 ngôn ngữ.  Nội dung bản nhạc nói về những giá trị của một gia đình ở Phi.





Bản Anak (Con) được trình bày bằng tiếng Phi Luật Tân & tiếng Anh bởi chính nhạc sĩ Freddie Aguilar




Bản Anak (Con) của nhạc sĩ Freddie Aguilar, được trình bày bằng tiếng Việt & Anh



Tác giả Freddie Aguilar đã bỏ học, rời gia đình sống lang thang từ năm 18 tuổi .  Cha của anh muốn anh trở thành một luật sư, đã thất vọng khi anh bỏ nhà ra đi.  Freddie đi đó đây với chỉ một cây đàn guitar.  Vì không có sự hướng dẫn & kỷ luật anh ta đã bị sa lầy vào bài bạc.  Năm năm sau đó anh chợt thức tỉnh và cảm thấy hối hận với những sai lầm của mình, Freddie đã sáng tác bài "Anak", một bản nhạc mang ý nghĩa như những lời hối lỗi với cha mẹ mình.  Anh ta đã trở về nhà và xin sự tha thứ từ cha mẹ mình.  Cha mẹ anh đã chào đón anh trở về với vòng tay mở rộng.

Sau khi cha của anh đọc được những lời trong bài hát "Anak", hai cha con đã gần gũi nhau hơn.  Sự trở về của anh thật đúng lúc, vì sau đó không lâu cha anh đã qua đời.

Bản "Anak" đã lọt vào chung kết của cuộc hội nhạc MetroPop Song Festival, sau đó đã trở thành nổi tiếng ở Phi Luật Tân và trên thế giới.  Bản nhạc được phát hành trên 56 quốc gia qua 27 ngôn ngữ và trên 30 triệu bản.  Vào thập niên 1980s, bản nhạc này đã trở thành một bản nhạc nổi tiếng số một ở Mỹ trong hai tuần lễ.  Vào năm 2006 nó đã vượt kỷ lục để trở thành bản nhạc được bán nhiều nhất ở Phi Luật Tân.

Năm 2000, một bộ phim cùng tên đã được đóng dựa trên nội dung của bài hát này.


Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Anak_(song)

***

Lời bản nhạc bằng tiếng Anh:

Child - Anak (Freddie Aguilar)

When you were born into this world
Your mom and dad saw a dream fulfilled
Dream come true, the answer to their prayers

You were to them a special child
Gave them joy every time you smiled
Each time you cried, they are at your side to care

Child, you don't know you'll never know how far they'd go
To give you all their love can give
To see you through and God it's true
They'd die for you, if they must, to see you live

How many seasons came and went
So many years have now been spent
For time ran fast and now at last you're strong

Now what has gotten over you
You seem to hate your parents too
Do speak out your mind, why do you find them wrong

Child, you don't know you'll never know how far they'd go
To give you all their love can give
To see you through and God it's true
They'd die for you, if they must, to see you live


And now your path has gone astray
Child you ain't sure what to do or say
You're so alone, no friends are on your side

And child you now break down in tears
Let them drive away your fears
Where must you go, their arms stay open wide

Child, you don't know you'll never know how far they'd go
To give you all their love can give
To see you through and God it's true
They'd die for you, if they must, to see you live

Child, you don't know you'll never know how far they'd go
To give you all their love can give
To see you through and God it's true
They'd die for you, if they must, to see you live

***

Bản nhạc cũng được phóng tác theo lời Việt với tựa đề "Con Yêu" & lời như sau:

Dù đã lỡ bước đến chốn nơi nào
Dù cho mây đen bao kín bầu trời
Con yêu ơi con yêu hãy quay về đây

Dù đời có quá đắng quá xót xa nhiều
Tình yêu đam mê khiến hóa điên dại
Con yêu ơi con yêu hãy quay về đây

Hãy quay về nhìn lại mình
Nhìn lại dòng sông
Và dòng tóc điểm sương
Hãy quay về để một lần được nhìn
Một lần được nghe
Lời mẹ hiền ru thiết tha

Mẹ làm suối tắm mát ngững tháng năm dài
Làm sông trôi đi bao nhiêu muộn phiền
Làm mây xanh bao quanh cho cuộc đời con
Mẹ làm nắng ấm áp tỏa suốt con đường
Cho con thơ tiếng nói ban đầu
Có tiếng khóc, tiếng hát, bước chân đầu tiên

Chốn thiên đường cuộc đời này
Cuộc đời của con
Là một dòng sông thiết tha
Chốn thiên đường cuộc đời này
Cuộc đời của con
Là dòng sông thiết tha


***

Bản phóng tác trên tuy rất hay về nhạc, nhưng nó mang ý nghĩa như lời một người mẹ nhắn nhủ đến một người con chứ không mang ý nghĩa gần với nội dung mà tác giả muốn gởi gắm đến mọi người như một lời tâm sự của một người con lạc lối gởi đến cha mẹ (& những người làm con trên thế giới này) ...

Làng Nam xin mạo muội chuyển lời như sau với mong muốn nội dung được gần hơn so với bản gốc:

Con

Ngày con yêu cất tiếng khóc chào đời
Tràn dâng hạnh phúc ấm áp tuyệt vời
Mẹ cha ấp ủ tháng năm đầy vơi

Con yêu như ánh nắng ấm ban mai
Nụ cười tươi xóa tan đi bóng đêm dài
Mỗi lúc khóc được ấp ôm trên bờ vai

Biết chăng con tình mẹ cha là tình bao la thiết tha
Nếu phải cần bỏ cuộc đời vì con, mẹ cha có tiếc chi

Ngày tháng cứ thế cứ thế trôi đi
Hạ Xuân Thu qua rồi đến Đông về
Người con xưa kia cũng lớn theo thời gian

Chẳng biết có lúc con nghĩ suy gì
Tình thương mẹ cha khi xưa không còn
Lời khuyên năm xưa, hôm nay nhói trong lòng con

Biết chăng con tình mẹ cha là tình bao la thiết tha
Nếu phải cần bỏ cuộc đời vì con, mẹ cha có tiếc chi

Rồi có những lúc con như tuyệt vọng
Bơ vơ cô đơn không thốt nên lời
Không ai quanh con không ai sẻ chia

Gục đầu khóc nước mắt trôi đi nỗi niềm
Về đâu bao năm con vẫn đi tìm
Mẹ cha nơi xa vẫn luôn chờ con

Biết chăng con tình mẹ cha là tình bao la thiết tha
Nếu phải cần bỏ cuộc đời vì con, mẹ cha có tiếc chi ...



Làng Nam

8/2017

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 9

3) Tokyo - Chơi & Ăn (tiếp theo)


e) Chợ cá Tsukiji (Tsukiji Market -築地市場, Tsukiji Shijō)

Theo một số thông tin du lịch, đây là một trong những chợ cá bán sỉ lớn nhất thế giới (số lượng khoảng 2000 tấn đồ biển một ngày).  Chợ này chia làm hai khu, khu trong lớn hơn, là khu bán sỉ, còn khu ngoài nhỏ hơn dành cho bán lẻ.  Tuy nhiên khi LN đến đây thì khu bán sỉ đóng cửa nên chỉ có thể dạo ở khu ngoài. Nếu quý vị đến đây với mục đích để xem những cuộc bán đấu giá, nghe đâu quý vị phải đăng ký ở khu Information Center & ngoài ra còn phải đi rất sớm từ 5 giờ sáng.



LN chỉ đến khu bán lẻ vì vậy chỉ xin đề cập đến khu ngoài. Nếu quý vị đi từ ga xe lửa Tsukiji (ký hiệu H10) quý vị sẽ đến gặp khu ngoài trước.  Khu này là khu bán lẻ có nhiều quầy và một vài nhà ăn nhỏ nằm dọc theo những lối đi tương đối hẹp. Ngoài một số mặt hàng đồ biển tươi là những món đồ khô như cá khô, tôm khô, mực khô v.v. Ngoài ra quý vị cũng sẽ tìm thấy những tiệm bán dao nấu bếp.  Điều đặc biệt nhất ở đây là chợ rất sạch, dĩ nhiên chợ cá phải có mùi cá nhưng không tanh hôi & không có ruồi nhặn.



LN cũng thử một vài món đồ ăn kiểu đường phố (street foods) nhưng không vào những nhà hàng ở đây.  Tuy nhiên, nhìn vào giá cả trên những bản thực đơn dựng ở trước một số tiệm thì xem ra cũng chẳng rẻ gì so với những khu ăn uống khác ở Tokyo.


f) Vài món ăn Nhật

Đã có ý định đi du lịch ở Nhật, tưởng cũng nên tìm hiểu chút về ẩm thực Nhật Bản.
Nếu quý vị nào đã từng thích những món ăn Nhật Bản có lẽ không cần LN giới thiệu nữa, chỉ có những ai trước giờ không để ý mấy thì LN xin mạo muội một vài món dưới đây cùng những nhận xét riêng của mình.



1) Sushi - Món này khá phổ biến nên có lẽ nhiều người đã biết, tuy nhiên có rất nhiều loại sushi mà LN cũng không rành.  Chỉ hiểu chung chung sushi được làm từng miếng nhỏ, mỗi miếng thường có cơm trộn với dấm (được làm từ đường và muối) kèm theo cá, rong biển v.v.  Món này thường được chấm với xì dầu & wasabi Nhật.  Món này là một trong những món khoái khẩu của LN.

2) Sashimi - Nói chung là những món cá sống, ăn chung với wasabi chấm với xì dầu Nhật (giống kiểu ăn sushi), món này LN cũng thích nhưng chỉ ăn ít ít thôi.


3) Ramen - Một món mì nước rất phổ biến của người Nhật, thường thì mì được làm từ lúa mì.  Món mì này thường được dọn ra với vài miếng thịt heo nấu nhừ sắt mỏng, rắt chút hành lá, cộng thêm 1 hay 2 miếng rong biển (thường là khô) & trứng.  Theo cảm nhận của LN thì thịt heo trong món này được nấu hơi mặn & rục như kiểu thịt heo kho của Việt Nam.  Món này LN ăn cũng được nhưng không khoái lắm.

4) Okonomiyaki - Một số người gọi đây là "bánh xèo Nhật", thường bao gồm bột, trứng, hành lá, thịt bò, tôm, mực, rau, cheese v.v. Như LN đã đề cập ở bài trước đây, LN không thấy khoái khẩu với món này cho lắm vì ăn thì cũng tương đối nhưng hơi nặng bụng ...



5) Miso soup - Món súp này hầu như lúc nào cũng được kèm theo trong mỗi bữa ăn. Món này LN mới ăn thì không thấy hấp dẫn lắm nhưng ăn một thời gian thì cảm thấy ghiền.  Miso soup thường được nấu chính từ đậu nành và thường được rắt tí  hành lá, rong biển cộng thêm vài miếng cà rốt  hay củ cải .

6) Onigri - Tạm dịch theo kiểu Việt Nam là "cơm nắm", tiếng Anh hay gọi là "rice balls".  Được làm theo nhiều hình thù như hình tam giác, hình tròn, hình trụ v.v. Nhưng tóm lại là một dạng "cơm nắm" có loại không nhân hoặc có loại có nhân là thịt gà, rau, cá, thịt heo v.v. Món này rất tiện khi quý vị cho những hôm đi chơi xa ở những địa điểm cần đi bộ nhiều và không biết có hàng quán nhiều hay không.  Onigri thường được bán hầu như trong tất cả các tiệm convenience store hay supermarket, giá tương đối rẻ.  Nếu mấy ngày liền quý vị đã ăn nhậu khá nhiều và muốn ăn món gì nhẹ dạ một chút thì Onigri cũng là món lý tưởng.



7) Udon - Một loại mì nước sợi to hơn so với sợi mì Ramen nhưng cũng không kém phổ biến, món này quý vị có thể ăn nóng hoặc lạnh và có thể mua hầu như ở khắp nơi trên đất Nhật. Món này có thể ăn sáng & cũng có thể ăn cho bữa tối, ăn xong cảm thấy rất nhẹ bụng dễ chịu ...

8) Soba - Đây là một món mì khô (mềm nhưng không có nước súp), sợi nhỏ được làm từ bột lúa kiều mạch nên có màu hơi đậm hơn mì Udon.  Món này cũng có thể ăn nóng hoặc lạnh chấm với nước sốt mentsuyu, món này được làm sẵn và bán nhiều ở những super market.  Đây là một món ăn nhanh & nhẹ bụng, nhưng theo LN thì không được ngon lắm.

Ngoài ra ở Tokyo nói riêng & Nhật nói chung có những món phổ biến khác như: Tempura - đồ biển hoặc rau chiên bột; Kare raisu - Món cơm với cà ri; Shabu shabu - một món giống kiểu lẩu của Việt Nam nhưng ở Nhật thì cái gì cũng ít hơn & nhỏ hơn một chút; Yakitori - một món tạm gọi là món nướng lụi kiểu Việt Nam, thường là thịt gà, nhưng cũng có khi là thịt heo, bò, cá v.v.; Gyudon - Món cơm với thịt bò xào cộng thêm một vài gia vị, LN không thích món này lắm ...



Ở Nhật các món ăn làm sẵn được bày bán ớ rất nhiều nơi, nhất là trong supermarket hoặc những convenience stores. Nói chung với những món ăn của Nhật thường ăn xong LN cảm thấy rất dễ chịu, sạch sẽ (chẳng bao giờ sợ bị chột dạ), không dầu mỡ như ăn những món ăn Tàu.  Tuy nhiên nếu ăn mỗi ngày & trong một thời gian dài khoảng vài tuần chắc cũng hơi ngán.


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Nhật Hàn Du Ký 8

3) Tokyo - Chơi & Ăn (tiếp theo)

d) Khu phố Shibuya (渋谷区 Shibuya-ku)

Một khu phố rất đặt biệt ở Tokyo, dân số ở khu này theo một ước tính gần đây khoảng trên 200 ngàn người, với diện tích chỉ trên 15 cây số vuông (km2), mật độ dân số ở đây được ước tính khoảng gần 15 ngàn người trên một cây số vuông.

Shibuya một khu phố nổi tiếng với một ngã năm được xem là đông nhất thế giới, mỗi khi đèn xanh dành cho người đi bộ bật lên, số người băng qua đường có thể tăng đến 2500 cho mỗi lần. Ngã năm này nằm trước ga xe lửa Shibuya (ký hiệu C2).  Nơi đây có khoảng 3 màn hình khổng lồ dành cho quảng cáo.  Sự nhộn nhịp ở đây được so sánh như khu Times Square ở thành phố New York.

Ngã 5 Shibuya


Cảnh ngã năm ở Shibuya đã được quay trong một số phim & show nổi tiếng như Lost in Translation, The Fast & the Furious v.v.  Quanh khu ngã năm lúc nào người cũng nườm nượp.  Phố Shibuya cũng là khu phố nổi tiếng cho mua sắm, nó được mệnh danh là trung tâm thời trang ở Nhật.  Khu phố này là nơi hấp dẫn cho du khách trẻ & những người muốn dạo phố về đêm.



Xin sơ lược một chút về lịch sử khu phố Shibuya. Tại địa điểm này, xưa kia từng là nơi tọa lạc của một lâu đài thuộc dòng họ Shibuya vào thế kỷ 11 trong thời Edo.  Năm 1885, khi tuyến đường xe lửa Yamanote được mở qua vùng này nối đến vùng Tây Nam Tokyo, Shibuya đã trở thành một khu trung tâm thương mại & giải trí lớn.



Đến năm 1932, tuyến đường Tokyu Toyoko được mở ra biến Shibuya trở thành một điểm nối giữa Tokyo và Yokahama.  Một câu chuyện thật & rất cảm động xảy ra ở đây đó là câu chuyện về chú chó Hachikō đã chờ người chủ quá cố của chú tại cổng ga xe lửa Shibuya mỗi ngày từ năm 1923 đến năm 1935.  Hiện nay tượng của chú chó Hachikō đã được dựng lên để tôn vinh lòng trung thành của chú, nơi đây cũng là một địa điểm tụ tập nổi tiếng của du khách và dân địa phương.


Trong thập niên 1980s Shibuya rất được phổ biến trong giới trẻ nổi tiếng với những tiệm quần áo thời trang.  Đến thập niên 1990s, Shibuya trở thành khu trung tâm IT ở Nhật, thường được gọi là "Bit Valley" (Chữ tắt cho "Bitter Valley" một nghĩa của từ Shibuya, "Bit" cũng một từ trong hệ số nhị phân, nền tảng căn bản trong vi tính).


Tiệm ăn Uobei Genki Sushi Chain ở Shibuya



Đã đến phố Shibuya, quý vị không nên bỏ qua tiệm Uobei Genki Sushi Chain, đặc biệt nếu quý vị đi du lịch chung với con cái của quý vị vì tụi trẻ thường rất thích tiệm này.  Đây là một tiệm sushi ngon, giá phải chăng và rất nhiều món để chọn.

Tiệm ở cách ga Shibuya không xa, & khác với những tiệm sushi chain thường thấy là đồ ăn được làm sẵn đặt trên một dây chuyền và khách sẽ chọn khi đồ ăn chạy qua trước mặt.  Ở đây, theo chiều hướng mới, đồ ăn không được làm trước nhưng mỗi người sẽ có một menu bằng tiếng Anh (& có hình ảnh kèm theo) trên màn hình trước mặt, khi quý vị đã đặt món ăn qua màn hình (computer) đồ ăn sẽ được làm & giao ngay đến chỗ quý vị ngồi trong một vài phút qua hệ thống dây chuyền tự động.  Theo cách làm này, đồ ăn sẽ tươi hơn & không bị phung phí đổ đi vào cuối ngày.



Tiệm này tuy lớn nhưng rất đông khách, thường thì khách phải xắp hàng chờ trước tiệm & khi đã vào trong rồi quý vị vẫn có thể phải chờ tiếp.  Có một dãy ghế trước quầy tính tiền, sau khi quý vị đã sắp hàng đứng chờ, quý vị sẽ tiếp tục được ngồi chờ trên dãy ghế này cho đến khi được gọi vào trong.

Phải nói LN chưa được thưởng thức những món mì Nhật (Udon & Ramen) ở đâu ngon bằng ở đây.  Quý vị cũng có thể đặt những thức uống kể cả rượu & bia.  Tuy nhiên tại chỗ ngồi của mỗi người, lúc nào cũng có một vòi nước nóng & lạnh cùng bột trà xanh.  Quý vị có thể dùng nước nóng pha trà xanh uống mà không phải trả tiền.



Ngoài tiệm Uobei Genki Sushi Chain, ở Shibuya còn có một số tiệm nổi tiếng với món Okonomiyaki, một số người Việt hay gọi đây là "bánh xèo Nhật".  Với món này, trên mỗi bàn ở một số nhà hàng sẽ có một bếp vuông gắn xuống mặt bàn để quý vị có thể tự nấu.  Các thành phần & gia vị của món sẽ được mang ra trong những chiếc tô & đĩa nhỏ.  Quý sẽ nhận được một bản nhỏ có viết hướng dẫn để nấu món của quý vị bằng cách nào.  Nhưng thú thật LN thấy những món này không được ngon lắm.

 Bếp để nấu món Okonomiyaki



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

08/2017

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 7

3) Tokyo - Chơi & Ăn (tiếp theo)


b) Hoàng Cung (Imperial Palace (皇居, Kōkyo)

Đã đến Tokyo quý vị cũng nên ghé thăm Hoàng cung, nơi Hoàng gia Nhật cư ngụ vì đây là một biểu tượng của Tokyo nói riêng & của nước Nhật nói chung.  Hoàng cung nằm cách ga xe lửa trung tâm Tokyo (M17) chừng 10 phút đi bộ. Xung quanh ga Tokyo có rất nhiều building cao tầng nhưng có lẽ là khu văn phòng nên không nhộn nhịp bằng những khu phố khác ở Tokyo.



Hoàng cung có hai khu ngoài và trong, chỉ cần băng qua chiếc cầu Nijubashi quý vị đã có thể vào vòng ngoài của Hoàng cung, khu này du khách có thể viếng thăm bất cứ ngày nào trong năm. Tuy nhiên muốn vào khu trong quý vị phải đến đây vào những ngày từ Thứ 3 đến Thứ 7 trong tuần (trừ ngày 2 tháng Giêng là ngày Năm mới & ngày 23 tháng Chạp - ngày sinh nhật của Nhật Hoàng). Hoàng cung đóng cửa vào ngày Chủ Nhật & Thứ 2 hàng tuần.  LN vì không biết đã đến đây vào ngày Chủ Nhật nên chỉ có thể dạo ở khu ngoài tuy nhiên những cảnh nhìn ở khu ngoài cũng rất đáng chiêm ngưỡng.  Tuy là ngày Chủ Nhật nhưng du khách vẫn đến thăm khu ngoài Hoàng cung nườm nượp.

Kiến trúc Hoàng cung giống như các thành quách ngày xưa của Á Châu, kiểu thành cao hào sâu để dễ thủ khó công.  Đường vào các cổng thành thường có cây cầu, bức tường ở đây được xây bằng đá rất cao và vững chắc. So với cổ thành nhà Nguyễn ở Huế hiện thời thì Hoàng cung của Nhật lớn hơn & đẹp hơn rất nhiều, tuy nhiên theo LN thì Hoàng cung ở Tokyo không lớn bằng những lâu đài ở Osaka (Osaka Castle - LN sẽ đề cập sau).



Theo hướng dẫn thì quý vị có thể đặt tour trước qua những đại lý du lịch để viếng Hoàng cung từ 10 giờ sáng đến 1 giờ 30 chiều, nhưng nếu quý vị không đặt tour trước cũng vẫn có thể mua vé tại cổng.


Tưởng cũng nên lướt qua vài chi tiết lịch sử về Hoàng cung.  Địa điểm Hoàng cung hiện thời, xưa kia từng là nơi tọa lạc của lâu đài Edo của dòng họ nhà Tokugawa thống trị Nhật Bản từ năm 1603 đến 1867. Năm 1868, nhà Tokugawa bị lật đổ, kinh đô được dời từ Kyoto đến Tokyo. Hoàng cung được xây cất xong vào năm 1888, Hoàng cung đã từng bị tàn phá trong chiến tranh thế giới thứ II, và đã được xây lại sau này theo kiểu mẫu nguyên thuỷ.

Toàn bộ diện tích khu Hoàng cung rộng khoảng 3.4 cây số vuông (km2).  Trong thập niên 80 ở thế kỷ trước, thời cực thịnh của thị trường bất động sản ở Nhật, khu này được đánh giá có giá trị bằng tất cả các bất động sản ở California gọp lại .

Khu vườn phía đông Hoàng cung được trồng nhiều cây thông thấp, những cây thông này không quá cao & trông rất giống kiểu bonzai.  Không hiểu giống thông này là tự nhiên hay bởi kỹ thuật trồng của người Nhật.


c) Đền Nikko Toshogu (Toshogu Shrine - 東照宮, Tōshōgū)

Một trong những ngôi đền lớn nhất & có kiến trúc sặc sỡ nhất ở Tokyo, nơi yên nghỉ cuối cùng của vua Tokugawa Ieyasu, người lập nên nhà Tokugawa thống trị Nhật Bản trên 250 năm cho đến năm 1868.  Đền thờ vua Ieyasu được xây tại Toshogu như một lăng mộ.  Đến khoảng giữa những thập niên 1600s, cháu nội của vua Ieyasu là Iemitsu đã xây thêm & mở rộng khu quần thể ngôi đền như chúng ta thấy hiện nay.

Ngôi đền được trang trí lộng lẫy bao gồm hơn mười quần thể kiến trúc được bao bọc bởi một khu vườn thật đẹp. Có vô số những tác phẩm điêu khắc gỗ, nhiều chỗ trong đền được sơn son thiếp vàng theo một kiểu cách độc nhất vô nhị.


Khi đến khu đền này chúng ta có thể nhận thấy một sự kết hợp những kiến trúc giữa Đền (thờ cổ) và Chùa (Phật Giáo). Theo lịch sử, sự kết hợp giữa Đền & Chùa ở những nơi thờ phượng rất phổ biến thời xưa ở Nhật Bản, cho đến thời Meiji khi Đền & Chùa được tách ra.  Khắp nước Nhật thời đó những kiến trúc Phật Giáo được tách ra khỏi những ngôi Đền và ngược lại. Tuy nhiên tại khu đền Toshogu sự kết hợp của hai kiến trúc vẫn tồn tại bởi việc tách rời hai kiến trúc này đã không thật sự được hoàn thành.

Năm 2007, một số kiến trúc trong khu đền Toshogu được trùng tu, nổi bật nhất là sự trùng tu của cổng đền Yomeimon một trong những kiến trúc hoa văn bật nhất ở Nhật.

Một phong tục thú vị ở những ngôi đền ở Nhật là trong sân đền thường có một "giếng nước nổi" chỗ có vòi chảy nước vào một chậu bằng đá, một vài gáo nước được để bên cạnh, và những người viếng đền khấn vái một điều gì đó sau đó múc một gáo nước ngậm vào miệng (hình như) uống một ít còn lại thì nhổ ra bên cạnh ...



Ngôi đền chính là nơi cầu nguyện, đây là đền thờ hương hồn vua Ieyasu cùng hai vị có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong lịch sử Nhật Bản đó là Toyotomi Hideyosi và Minamoto Yoritomo.  Đường vào khu đền hai bên là những tiệm bán đồ lưu niệm & đồ ăn uống cho du khách trông rất nhộn nhịp ...

Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

08/2017