[Tranh miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh minh của họa sĩ Lê Chánh, được treo ở lầu 3 của dinh Độc Lập cũ]
VIDEO
“Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
(Truyện Kiều)
Với người Hoa nói riêng, người dân Nam bộ nói chung, tết Thanh minh là một trong những lễ lớn của năm là nét đẹp tinh thần của người Nam bộ được người người, nhà nhà tổ chức trang nghiêm, ấm cúng.
Hàng năm, tết Thanh minh diễn ra suốt trong tháng 3 âm lịch, năm nay lễ chính vào những ngày giữa tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu tháng 3 âm lịch, người Hoa ở Bạc Liêu nói riêng, người Nam bộ nói chung tất bật tảo mộ, quét tước, sơn phết, dọn dẹp tu bổ mộ phần, cúng kiến theo đúng phong tục. Đặc biệt, trong những ngày giáp lễ chính, tại các khu nghĩa trang, nhị tì, nghĩa địa của người Hoa, rất đông đảo người dân, con cháu người đã khuất đến tổ chức cúng Thanh minh long trọng, nhộn nhịp.
Các mồ mả được quét tước, sơn phết cho lễ Thanh minh
Theo sách sử ghi lại, tết Thanh minh xuất phát từ người Hoa, mang ý nghĩa sâu sắc nói lên ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” phản ánh được nét đẹp tâm linh của người Phương Đông. Những năm gần đây, tết Thanh minh cũng được người Kinh, Khmer tổ chức phổ biến, phù hợp với phong tục tập quán và tín ngưỡng từng địa phương. Đặc biệt, ở khu vực Nam bộ, như các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang tổ chức khá long trọng, với quy mô lớn, thu hút người dân, con cháu trong và ngoài nước về dự.
Ông Trương Văn Nghĩa (góc người Hoa, ngụ TP Bạc Liêu), cho biết, mười hai tháng trong năm, người Hoa đã có rất nhiều lễ tết. Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người, bổn phận của con cháu phải tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước, đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp nghĩa một phần nào cái ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên, của những người quá cố. Do vậy, hàng năm đến tết Thanh minh, con cháu của ông bất cứ sinh sống ở cũng về dự. Năm nay, cả dòng họ ông ở nước ngoài gần 10 người đã về đầy đủ.
Thanh minh gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người, bổn phận của con cháu.
Theo các cụ người Hoa, tết Thanh minh gồm phần lễ và hội: Lễ là tảo mộ, bổn phận của con cháu là tới ngày này phải đi quét tước, sơn phết, dọn dẹp tu bổ mộ phần cho sạch đẹp ngay ngắn và sau đó dâng cúng lễ vật để tỏ lòng hiếu thảo; còn Hộilà hội đạp thanh, tức là nhiều người cùng giẫm lên cỏ xanh, hội này có nguồn gốc từ đời Đường để chỉ những giai nhân tài tử trong ngày Thanh minh đã nô nức kéo nhau đi đầy đường và đạp bừa lên cỏ xanh lúc này mới mọc.
Lễ cúng Thanh minh được chuẩn bị tươm tất, gồm một bộ tam sinh (sên), giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tuỳ sở thích của mỗi nhà, nhưng bánh bò, bánh bao không nhân thường đuợc sử dụng nhất. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình, người ta chọn bộ tam sinh cũng khác nhau, nhưng thịt lợn thì không thể thiếu. Sau khi cúng, các thứ cúng tế tổ tiên được dọn ra, mọi người quây quần ăn uống ngay trước mộ. Việc ăn uống ngay trước mộ tổ tiên cũng mang ý nghĩa đoàn kết gắn bó, cùng ăn, cùng làm, để cùng nhau xây dựng sự nghiệp mà không có lễ hội nào có được, thể hiện một nét văn hóa rất đặc trưng của người Nam bộ.
Bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, hoa quả cúng tết Thanh minh
Bác Ngô Thiện Thành (ngụ Bạc Liêu) cho biết: tết Thanh minh cũng đã quen thuộc với người kinh trong nhiều thế kỷ qua, tuy chưa được phổ biến rộng khắp đất nước, nhưng một số nơi ở Nam bộ cũng đã trở thành phong tục. Do vậy, mỗi dịp đến tết Thanh minh, nhiều hàng hóa, giá thực phẩm cũng “ăn theo”, có loại tăng gấp đôi so với ngày thường, nhất là lợn quay không thể thiếu trong lễ cúng. Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động trước đó, các mặt hàng thiết yếu trong tết Thanh minh năm nay không xảy ra khan hàng, sốt giá như những năm trước.
Đặc biệt, địa phương xác định đây không chỉ là lễ hội, tết riêng của người Hoa, mà nó trở thành một phong tục, tập quán đặc trưng của người Nam bộ, nên khâu chuẩn bị, giữ gìn an ninh trật tự, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, thông suốt… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, để mọi người dân nơi đây có một cái tết Thanh minh thật ấm cúng, ý nghĩa.
Phan Thanh
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.