Nguồn gốc của trà và sự phát triển của văn hóa ẩm trà
“Ăn xong uống một chén trà” hay “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã là thói quen, là nét đẹp có từ lâu đời của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Vậy trà có nguồn gốc từ đâu và quá trình phát triển của văn hóa ẩm trà ra sao?
Người Trung Hoa có câu: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”(Tạm dịch: “Trong nhà có 7 thứ: củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”). Trà mặc dù được xếp cuối cùng trong bảy loại nhu yếu phẩm hàng ngày, nhưng bởi vì người Trung Hoa có thói quen đã tồn tại từ lâu đời là “Ăn xong uống một chén trà”, cho nên trà có nội hàm văn hóa và lịch sử rất sâu sắc.
Dân tộc Hoa Hạ là nguồn gốc của trà và là cái nôi của văn hóa trà. Bởi vậy mà trà đã trở thành người bạn của dân tộc Trung Hoa, cùng với dân tộc này trải qua mấy ngàn năm lịch sử.
“Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Tạm dịch: Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên). Khách tới chơi nhà, mời trà là truyền thống tốt đẹp của người phương Đông.
1. Nguồn gốc của trà
Nói về nguồn gốc của trà, ở Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn lưu truyền một truyền thuyết về Thần Nông: “Thần Nông nếm thử trăm loại cỏ, ngày trúng phải 72 thứ độc, nhờ trà mà giải được độc”. Tương truyền tổ tiên Thần Nông của người Hoa Hạ có một cái bụng trong suốt như thủy tinh. Vô luận là ăn thứ gì, Thần Nông đều có thể qua cái bụng trong suốt của mình mà nhìn thấy được rõ ràng.
Thời ấy, con người còn đang sống trong trạng thái nguyên thủy, dù là thịt cá hay hoa quả thì đều ăn sống nuốt tươi, nên thường mắc bệnh là điều không tránh khỏi. Trong truyền thuyết kể rằng, Thần Nông vì để giúp đỡ loài người, bèn lợi dụng cái bụng thủy tinh của mình để nếm thử trăm thứ cỏ, nhìn xem những thứ đó sau khi ăn vào trong bụng sẽ xảy ra biến hóa gì.
Quanh năm suốt tháng, ông trèo đèo lội suối để tìm kiếm lá ăn thử. Có một ngày, khi Thần Nông gặp một loài cây có lá xanh hoa trắng, thì liền ăn thử lá của loài cây ấy. Thật kỳ lạ, sau khi ăn lá cây ấy, ông phát hiện trong dạ dày phát sinh biến hóa kỳ diệu. Những chiếc lá ấy chẳng những di chuyển trong ruột từ trên xuống dưới, tẩy sạch sẽ những thứ đồ mà ông đã nếm qua, mà sau khi ăn vào miệng còn có mùi hương, cảm giác vừa ngon vừa ngọt.
Thần Nông vô cùng mừng rỡ vì phát hiện ra tác dụng giải độc của loại lá cây này. Thần Nông cho rằng phát hiện ra trà ấy là do Thần cảm động khi thấy ông tuổi già tâm thiện, khổ công hái thuốc chữa bệnh cho con người, nên ban tặng ông lá ngọc ấy để cứu giúp chúng sinh. Thế là, Thần Nông cảm tạ Trời xanh, đồng thời càng chăm chỉ đi thu thập thảo dược.
Về sau, mỗi lần nếm phải cỏ độc, ông lại dùng loại lá này để giải độc. Bởi vì, loại lá xanh này giống như một vị thầy thuốc, có thể kiểm tra và tẩy rửa cho cái bụng của mình, nên ông bèn gọi loại lá xanh ấy là “Tra” (nghĩa là kiểm tra). Sau này, người ta đem chữ “Tra” viết thành chữ “Trà”. Đây chính là nguồn gốc của Trà.
Bởi vì, trà có tác dụng giải khát, giúp tinh thần và trí óc tỉnh táo hơn, lợi tiểu giải độc, nên từ đó về sau, lá trà dần dần được khai thác, thu thập và gieo trồng. Trà cũng được người ta dùng làm một loại thần dược dưỡng sinh. Như thế trà dần dần được con người hiểu rõ, ngoài tác dụng làm thuốc, người ta còn dùng nó làm đồ cúng tế, làm thành đồ ăn thức uống.
Sau khi trải qua nhiều cải biến, trà mới có hương vị như hương vị mà chúng ta thưởng thức ngày nay. Cho nên có thể nói, trà là vị thuốc hay mà tổ tiên Thần Nông đã phát hiện ra, là hồi báo mà Trời xanh vì cảm động trước thiện tâm, một lòng vì dân của Thần Nông nên đã ban cho. Thần đã cố ý để cho Thần Nông phát hiện ra trà mà lưu lại cho hậu thế, tạo phúc cho nhân loại.
2. Sự phát triển của văn hóa uống trà
Trà sau khi được Thần Nông phát hiện ra, đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi mới có cách uống trà như ngày nay.
Vào thời cổ xưa, tổ tiên của người Trung Hoa chỉ dùng trà làm thuốc. Người thời đó cắt cành lá cây hoang dại, hái lấy lá mầm, đun sôi trong nước, sau đó uống nước này, đây chính là “Chúc trà pháp” nguyên thủy. Theo cách này, nước trà đun ra có vị đắng chát, nên ngày xưa trà được gọi là “Rau đắng”.
Đến thời Tần Hán, người ta sáng tạo ra phương pháp đặc chế và sử dụng trà gọi là “Bán trà bán ẩm”, tức là không trực tiếp đun lá chè tươi, mà chế nó thành bánh trà. Sau đó, người ta đem những bánh trà này nướng lên, rồi giã nhỏ nghiền nhuyễn và cho vào nước sôi, thêm hẹ, gừng, quýt cho điều hòa, gọi là “Trà nướng”.
Đến thời Đường Tống, người ta lấy trà chế thành bánh trà. Trước khi uống thì lấy từng bánh trà ra đập vụn, giã nhuyễn, rồi bỏ vào trong chén và đổ nước sôi vào, đây được gọi là “Nghiên cao đoàn trà điểm trà pháp”. Thời kỳ này, uống trà đã trở nên rất thịnh hành, đồng thời cũng thuận theo sự phát triển của văn hóa, “uống trà” dần dần trở thành “thưởng thức trà”.
Lúc bấy giờ ở hoàng cung, chùa chiền, trong giới các văn nhân học sỹ còn thịnh hành tiệc trà. Tiệc trà có không khí trang trọng, hoàn cảnh lịch sự tao nhã, lễ tiết nghiêm khắc. Hơn nữa nhất định phải dùng loại trà tiến cử hoặc trà hảo hạng, nước pha trà được lấy nước từ các con suối trong lành nổi tiếng, bộ đồ uống trà phải được tuyển chọn vừa sang quý vừa nổi tiếng.
Tiệc trà có nội dung đại khái là trước tiên người chủ trì buổi tiệc tự mình pha trà hoặc đích thân chỉ đạo việc pha trà để biểu thị lòng tôn kính của mình với khách. Sau đó dâng trà, tiếp trà, ngửi hương trà, xem sắc trà và nếm vị trà.
Sau 3 tuần trà, họ bắt đầu bình luận đánh giá đẳng cấp của trà, khen ngợi đạo đức của chủ nhân và ngắm cảnh tâm tình, làm văn làm thơ, vv…
Đến thời nhà Minh, người ta bắt đầu trực tiếp pha trà trong ấm hoặc chén. Như vậy, phương thức uống trà trở nên đơn giản và thuận tiện hơn cho mọi người.
Nhưng cũng theo sự thay đổi của thời đại, người ta càng ngày càng chú trọng vào cuộc sống gấp gáp, nhanh chóng, hết thảy đều xuất phát từ hiệu suất công việc. Một số người dùng loại trà ngâm uống liền, hoặc vì để trị bệnh mà uống các loại trà chăm sóc sức khỏe có hoặc không có chứa trà, phần lớn người ta là “uống trà” chứ không còn “nếm trà”, “thưởng thức trà” nữa.
“Nếm trà” hiểu thấu đạo lý nhân sinh
Cổ nhân cho rằng: “Dùng Trà có thể hành Đạo, dùng Trà có thể đạt được chí thanh cao”. Như vậy, “Trà Đạo” là gì? Vì sao “nếm trà” có thể hiểu thấu đạo lý nhân sinh?
Thời nhà Đường có một người tên là Lục Vũ đã thông qua quan sát nghiên cứu về trà nhiều năm mà viết ra cuốn “Trà kinh”. Cuốn sách này tổng kết ra một danh mục các loại trà, phương pháp hái trà, pha trà và nếm trà.
Đồng thời Lục Vũ còn xây dựng cho nghệ thuật uống trà một loại ý nghĩa văn hóa sâu sắc, bước đầu hình thành trà đạo. Bởi vậy, người đời sau tôn xưng Lục Vũ là “Thánh trà”.
Sự kết hợp giữa “Trà” và “Đạo”
Văn hóa trà đạo thể hiện đặc điểm của truyền thống văn hóa tinh thần phương Đông, là sự kết hợp của “Trà” và “Đạo”.
Lão Tử từng nói: “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo”. (Tạm dịch: Gọi là Đạo cũng được, nhưng là Đạo phi thường. Ông cũng nói: “Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu” (Tạm dịch: Đại Đạo tràn ngập trong mọi thứ, có thể thao túng mọi thứ). Có thể thấy rằng, “Đạo” là không chỗ nào không có mặt.
Vậy, “Đạo” thực ra là gì? Trong tác phẩm kinh điển “Trung Dung” của Nho gia Trung Quốc có giảng: “Thiên mệnh chi vị tính; suất tính chi vị Đạo” (Tạm dịch: Mệnh trời gọi là tính, thuận theo tính gọi là Đạo).
Kỳ thực, ý nghĩa chân chính của “Đạo” là mách bảo cho chúng ta biết rằng: Sự sinh tồn của vạn sự vạn vật trong vũ trụ, bao gồm cả sự vận chuyển của Thiên thể, sự sinh sôi của loài người, sự thay đổi của các triều đại, sinh lão bệnh tử của con người, đều là vận hành theo Đạo, đều là có quy luật nhất định. “Thành, Trụ, Hoại, Diệt” của vật chất chính là quy luật của vũ trụ. Cho nên con người có thể “phản bổn quy chân”, trở về với bản tính tiên thiên của mình, bởi vì bản tính tiên thiên của con người là chất phác, là thiện lương, là câu thông với vũ trụ. Như vậy mới có thể đạt tới cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất”, “Đạo pháp tự nhiên”. Đây chính là “Đạo” mà người tu hành thời xưa thường nói đến.
Bởi vì “Đạo” thể hiện phép tắc và quy luật của vũ trụ và nhân sinh, nên người xưa không tùy tiện nói về Đạo, cho rằng ấy là điều vô cùng cao thâm, không thể nói rõ ràng ra được. Con người ngày nay đều bị hai chữ “Mê tín” ngăn trở mà rời xa “Đạo”. Nói về Đạo, có thể nhiều người sẽ nghĩ tới Nhật Bản, trà có trà đạo, hoa có hoa đạo, hương có hương đạo, kiếm có kiếm đạo, luyện võ thuật cũng có nhu đạo. Nhưng kỳ thực, hết thảy các ngành các nghềtrong xã hội phương Đông thời cổ đại đều có “Đạo”. Hơn nữa mọi người cũng đều có tâm “cầu Tiên mộ Đạo”, bởi thế mà người xưa nếm trà cũng có Trà Đạo.
Nếm trà hiểu đạo lý nhân sinh
Văn hóa Trà đạo là một loại văn hóa “Trung gian”, lấy trà làm vật dẫn, kế thừa tinh thần của văn hóa truyền thống. Lưu Trinh Lượng thời nhà Đường trong tác phẩm “Ẩm trà thập đức” cũng chỉ ra rằng: “Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí thanh cao”. Như vậy, “Trà Đạo” là gì?
Trên bề mặt thì “Trà đạo” chính là do “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm” cấu thành nên và được gọi là “Trà đạo lục sự”. Tu tập Trà đạo chính là thông qua “‘Trà đạo lục sự” mà chứng ngộ được tinh thần của trà đạo. Nhìn bề ngoài thì tu tập Trà Đạo là “Kỹ” (Kỹ năng), nhưng trọng điểm của nó không phải là “Kỹ” mà là “Tâm”. Nhưng muốn tu tập Trà tâm thì phải bắt đầu tu tập Trà kỹ. Cho nên, phải hiểu được đạo lý này mới có thể “đàm Trà luận Đạo” được.
1. “Vị đắng” của Trà đạo
Trà thì đắng, nhưng lại là đắng có ý vị, người nếm trà từ mùi vị của trà mà thưởng thức vị đắng của đời người. Đời người có bao nhiêu nỗi khổ? Phật gia cho rằng, hết thảy “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, oán hận, xa người mình yêu thương, cầu mà không được, vv… đều là khổ.
Nói chung lại, phàm là tất cả những vật chất cấu thành sự tồn tại của con người và tất cả những nhân tố tinh thần trong quá trình sinh tồn của con người đều có thể mang đến cho con người “buồn khổ, phiền não”. Cho nên Phật gia có câu: “Bể khổ vô biên, quay đầu là bờ”‘. Câu này so với câu “Phản bổn quy chân” thực ra là có cùng một đạo lý. Vì thế phải nhìn thấu được đời người, hiểu rõ được bí mật của sinh tử thì mới có thể đạt được sự giải thoát khỏi “Khổ”.
Đặc tính của Trà cũng là đắng. Trong “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân viết: “Trà đắng mà tính hàn, trong âm có âm, có khả năng đứng đầu về hạ hỏa, hỏa là trăm bệnh, hỏa được hạ thì trăm bệnh tất có thể được thanh trừ”. Từ đặc tính của trà là trước đắng sau ngọt, trong đắng có ngọt mà hiểu ra được đạo lý làm người: “Tiết kiệm, đạm bạc, lấy khổ làm vui.”
2. Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng hư không trong Trà đạo
Trà đạo chú trọng “Hòa tĩnh di chân” (Hài hòa, tĩnh lặng, vui vẻ và chân thật), lấy “Tĩnh” để đạt tới trạng thái “Tâm trai, tọa vong”, gột sạch những kiến giải sai lầm, tìm được con đường phải đi để đắc Đạo.
Cái “Tĩnh” trong “Tĩnh hư” này, liệu có phải là mang hàm nghĩa từ đầu tới cuối cần phải “Tĩnh” để đạt được sự nghiêm túc trang trọng? Đương nhiên không phải như vậy. “Tĩnh hư” này, trong văn hóa trà đạo Trung Hoa thực chất là nói về sự tĩnh lặng của thế giới tâm hồn, đến mức tĩnh lặng với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Chỉ cần tâm hồn của bản thân không mất đi “Hư tĩnh”, thì uống trà cũng được, nói cười cũng được, nghe nhạc cũng được, xem kịch cũng được, không có gì là không thể được.
Trước khi nếm trà, cần phải buông bỏ những phiền muộn, những điều cố chấp trong lòng, tĩnh hạ tâm xuống, định hạ tâm lại, bắt đầu tiến vào cảnh giới thẩm mỹ nếm trà mà lặng lẽ lĩnh hội được đủ loại mỹ cảm như sắc của trà, hương của trà, vị của trà, hình tượng của trà… Từ đó mà tĩnh lặng quan sát, ngẫm lại về cuộc sống nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính, đạt tới cảnh giới “Tĩnh không” trong tâm hồn, vui vẻ lĩnh hội được cái đẹp của “Tĩnh hư”.
3. Sự “tầm thường” của Trà đạo
Bậc thầy trà đạo người Nhật Bản từng nói: “Cần phải biết rằng cái gốc của trà đạo bất quá là nấu nước châm trà”. Nói như vậy là một câu đã trúng đích. Bản chất của Trà đạo quả thật là từ những việc nhỏ bé vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày mà hiểu được sự huyền bí của vũ trụ và triết lý của nhân sinh. Tu Phật tu Đạo cũng là muốn mọi người thông qua việc việc tu và luyện từng chút một trong cuộc sống, từ những việc tầm thường nhỏ bé mà hiểu thấu được Đại Đạo.
Cho nên người xưa nói: “Chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm, chớ vì việc ác nhỏ mà làm”. Đừng bởi vì một việc tốt rất nhỏ mà không làm, bởi vì mỗi lần làm một việc thiện sẽ tích được phúc đức. Đương nhiên cũng đừng cho rằng một việc xấu nào đó là nhỏ mà tùy tiện làm bừa, bởi vì làm việc xấu thì sẽ bị tiêu giảm phúc phận, nghiêm trọng còn có thể bị giảm thọ lộc, làm hại đến cả người nhà. Có thể, bạn không lập tức nhìn thấy được kết quả, nhưng tích tiểu thành đại. Những việc thiện ác nhân quả trên thế gian là đến một lúc nào đó tất sẽ báo ứng.
4. Sự “buông xả” trong Trà đạo
Nỗi buồn khổ của con người, xét cho cùng là bởi vì “buông bỏ không được”, cho nên Phật gia giảng “buông bỏ”. Tu hành cần phải buông bỏ hết thảy mới có thể nhập Đạo, nếu không thì chỉ phí công vô ích.
Vậy, buông bỏ hết thảy là buông những gì? Buông bỏ nỗi phiền não của đời người, buông bỏ “danh, lợi, tình” của đời người, buông bỏ các loại tâm chấp trước, dục vọng, buông bỏ hết thảy các loại tâm mà “buông xả không được”, buông xả tất cả, thì con người tự nhiên sẽ thoải mái ung dung vô cùng, nhìn thấy trời xanh biển bích, non xanh nước biếc, nhật lệ phong hòa, ánh sáng rực rỡ của trăng sao…
Nếm trà cũng nhấn mạnh đến “buông bỏ”. “Buông bỏ” công việc đang làm, tranh thủ nửa ngày nhàn nhã, buông lỏng một chút tâm trạng đang căng thẳng, thả lỏng một chút cái tâm linh đang bị phong kín. Có câu thơ tuyệt hay rằng: “Phóng hạ diệc phóng hạ, hà xử lai khiên quải? Tố cá vô tâm nhân, tiếu đàm tinh nguyệt đại” (Tạm dịch: Buông là buông bỏ thôi, cớ gì phải bận lòng? Làm một người thảnh thơi, cười nói với trăng sao). Cho nên mới nói, ai có thể buông bỏ được mọi thứ, sẽ trở thành người có được sự thảnh thơi.
Tu hành Trà Đạo quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ nếm vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, tĩnh lặng mà xem sự biến hóa, tâm tính linh hoạt kỳ ảo, ở trong cuộc sống thường ngày mà thấy được chân tướng đời người, cuối cùng có thể buông bỏ được sướng khổ của đời người, hiểu được triết lý của nhân sinh, sự thần bí của vũ trụ, từ đó mà phản bổn quy chân.
Lễ nghi cơ bản khi thưởng thức trà truyền thống
Uống trà là thói quen lâu đời của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Trong uống trà, kỳ thực có rất nhiều lễ tiết. Tuy rằng, trà có thể tùy theo ý thích khẩu vị của mỗi người mà được pha đậm hay nhạt. Nhưng lễ tiết trong ẩm trà thì thực sự không thể thuận theo tính cách và phong cách của mỗi cá nhân mà thay đổi được.
Trà đạo, từ lâu đã được xem là một nét văn hóa truyền thống đặc biệt, đã trải qua lịch sử lâu dài hàng ngàn năm. Người xưa coi việc ẩm trà là một quá trình tu thân dưỡng tính. Người biết thưởng trà nhất định sẽ là người nội ngoại kiêm tu (tu dưỡng cả thân và tâm).
Trong trà đạo có một lễ nghi cơ bản, đó là khi người khác pha trà, người được mời thưởng thức trà sẽ khum tay lại và gõ nhẹ lên mặt bàn. Đó là vì sao? Khi châm trà, gõ nhẹ lên mặt bàn đây thực sự là một lễ nghi trong văn hóa trà đạo của người xưa. Cho nên, không quản một người là có biết ẩm trà hay không, nhưng lễ nghi ẩm trà là một nét văn hóa nên biết.
Lễ nghi khum tay gõ nhẹ lên bàn được chia làm ba loại, căn cứ vào bề bậc của người pha và người uống như sau:
1. Nếu là người bề trên pha trà cho người bề dưới, giống như bậc cha chú pha trà cho con cháu thưởng thức thì người bề dưới sẽ khum bàn tay phải lại và gõ nhẹ lên bàn ba lần. Lễ nghi này có ý tứ là “ngũ thể đầu địa”, tức là thể hiện lòng tôn kính, bái lễ người bề trên đã châm trà cho mình thưởng thức. (“Ngũ thể đầu địa” tức là năm bộ phận của con người, gồm gối phải, gối trái, tay phải, tay trái và đầu đều phục xuống đất để tỏ vẻ cung kính.)
2. Nếu là người ngang hàng ngang cấp pha trà mời nhau uống, giống như những người bạn thì họ sẽ chụm ngón trỏ và ngón giữa lại rồi gõ nhẹ lên bàn là được. Lễ nghi này thể hiện lòng tôn kính và cảm ơn đối với người pha trà.
3. Khi người bề dưới pha trà mời người bề trên thưởng thức thì người bề trên có thể dùng một ngón tay gõ nhẹ trên mặt bàn, bên cạnh chén trà để thể hiện sự tôn trọng, cảm ơn.
Hoặc khi người bề trên gặp được một người bề dưới yêu thích thưởng thức trà họ sẽ dùng ngón giữa gõ nhẹ lên mặt bàn để biểu thị sự tán thưởng.
Từ điều này, chúng ta có thể thấy người xưa rất coi trọng lễ nghi. Họ thông qua lễ nghi để biểu đạt lòng tôn kính của mình.
Cẩn thận quan sát một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng càng là người đức cao vọng trọng càng chú trọng lễ tiết. Ở mọi nơi, mọi trường hợp, họ đều luôn chủ động thi hành lễ nghi, vừa khiến người đối phương cảm nhận được sự tôn trọng của mình, vừa khiến cho mối quan hệ đôi bên trở nên tốt đẹp hơn, hòa hợp hơn.
Cho nên, chỉ có người nhân từ, hiểu được làm người phải tôn trọng người khác, mới có thể thực sự hành được lễ nghi mà không bị gượng ép. Chỉ người tu dưỡng cả bên trong và bên ngoài mới có thể thu hoạch được những mối quan hệ tốt đẹp lâu dài và tăng cường được phong thủy, vận thế tốt đẹp của chính bản thân mình.
An Hòa (biên dịch)
Source: https://trithucvn.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.