Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Trong Khoảnh Khắc Này



Trong phút giây này em có hay!
 Vạn vật quanh mình đang chuyển xoay
 Có mầm non hé, hoa cười nụ,
Chiếc lá xa cành theo gió bay.

Trong khoảnh khắc này em biết chăng!
 Có người hạnh phúc, kẻ băn khoăn
 Nơi tê nghèo đói, đời cô quạnh
 Chỗ nớ .... ngày chưa hết nhọc nhằn.

Cũng trong tíc tắc, từng hơi thở..
Vô vàn đi, đến, diệt và sinh
 Mắt ai vừa khép, ai vừa mở
Kẻ reo vui, người khóc một mình.

Trong thoáng giây này em biết không! 
 Buồn, vui nhân thế rất mênh mông..
 Nơi chìm mưa bão, nơi chinh chiến
 Thiện, ác vần xoay mãi một dòng.

- Phút nao tỉnh thức em ngồi lại
 Nhìn ra thế giới, nghĩ về mình.
 Thấy chăng một thứ chi thường tại ?
 Chập chờn mộng, thực kiếp nhân sinh.

- Trong sát na này ta biết đâu
 Có người bừng giấc mộng thiên thâu.
 Từ miền tịch lặng vô biên ấy
 Thầm gửi niềm Thương khắp địa cầu.

Như Nhiên - ThTanhTue

Có Bốn Dạng Người Luôn Sống Khổ


1. Người có khuynh hướng cực đoan

Nhà Phật thường nhắc đến đạo lý sống Trung Đạo. Cái gọi là 
Trung Đạo chính là không đi theo hướng cực đoan, quá mức. 
Bởi lẽ bất cứ việc gì khi đi đến cực điểm, cũng sẽ bắt đầu 
rơi xuống theo hướng ngược lại.

Tương tự như vậy, nếu như một người đen đủi đến mức cực điểm, 
cũng chớ vội cực đoan, nghĩ không thộng, thường thì ''qua cơn 
bĩ cực đến hồi thới lai'', (qua lúc khó khăn đến hồi thư thái).. Và 
ngược lại, khi thành công gặp vận may cũng đừng quá đắc 
chí mà hành xử thiếu suy nghĩ thì họa sẽ kéo đến liền.

2. Người tự cao tự đại

Sống ở trên đời, người khiêm tốn thường được yêu mến, 
ngược lại, tự cao tự đại sẽ bị người khác chán ghét. Điều này thì
 hầu như ai cũng hiểu rồi nhưng vẫn thường mắc phải. Người ta 
thường hay rước lấy thị phi là vì nói quá nhiều, thích can dự
 vào chuyện không đâu. 

Sống trong nghịch cảnh cần phải ưỡn ngực, ngẩng cao đầu; 
sống trong điều kiện thuận lợi, an lạc, nên giữ tinh thần thận 
trọng, đề cao cảnh giác để đề phòng họa hại; lúc thành công 
nên tự nhắc bản thân hãy khiêm tốn, đừng khoa trương hay 
huyễn hoặc bản thân.

3. Người quá tham vọng

Một đời người, khi đến trần trụi, khi ra đi cũng trần trụi. Ăn uống 
một ngày cũng chỉ là ba bữa cơm, ngủ cũng chỉ cần đến một phòng.
 Vậy thì ôm dục vọng quá lớn để làm gì, trong khi nó chỉ khiến 
con người ta luôn luôn cảm thấy không thỏa mãn?

Dục vọng quá lớn cũng là nguồn cơn của mọi khổ đau trên đời. 
Con người, muốn bớt phiền não, đầu tiên cần phải học được 
cách buông. Nhưng hãy hiểu rằng buông chính là buông tham 
muốn chứ không phải buông bổn phận và trách nhiệm đang là..

4. Người hay xét nét.

Có những lúc, con người sống quá xét nét sẽ dễ trở nên phiền
 não bởi những việc tiểu tiết xung quanh; sống phớt lờ một chút,
 có khi lại cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Bởi vì sao? Bởi vì người hay xét nét thường quá nghiêm túc, 
bất luận là việc lớn hay nhỏ đều cho là to tát, nghiêm trọng, 
nghĩ nhiều dẫn đến mệt mỏi, cuộc sống luôn bị những việc 
vặt vãnh chi phối, chiếm dụng hết thời gian, khó mà cảm 
thấy vui vẻ, thanh thản..

Trong khi đó, người sống phớt lờ sẽ ít bận tâm đến những
 việc xung quanh, có lẽ vì thế mà cuộc sống trở nên đơn giản
 và có phần qua loa đại khái, nhưng cũng nhờ vậy mà họ tìm 
được hương vị thực sự của đời sống bình an 

Làm người, hãy cứ đơn giản; làm việc, hãy cứ thực tế, để tháng 
ngày trôi qua nhẹ nhàng, giản đơn, thong dong tự tại, 
vậy là đủ.

- Lý tưởng mà không tham vọng
Hòa hợp nhưng không hòa tan
Dịu dàng mà không yếu đuối .
Ràng buộc mà vẫn tự do
Ước mơ.. nhưng không ảo tưởng.

Kính trọng mà không thần tượng
Như Ý chẳng bằng Ý Như..
Như Nhiên- Thich Tánh Tuệ

Source: Internet

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Xuân ở trong rừng

Truyện kể đã 10 năm, đúng 10 năm... giờ vẫn tiếp diễn, lại càng bi thảm hơn xưa...

***
Cô tên là Xuân, Nguyễn Thị Xuân. Một cái tên đơn giản, không có tên đệm thêm cho văn vẻ thơ mộng như Mỹ Xuân, Thanh Xuân hay Bích Xuân. Nhưng đấng sinh thành ra cô khi đặt cho cô cái tên Xuân, hẳn cũng ít nhiều mong muốn cho cuộc đời con gái mình đầy tốt đẹp, đẹp như mùa xuân. 

Đã hai mươi lăm mùa xuân đi qua đời cô. Bây giờ, trời đã bắt đầu sang thu. Còn Xuân thì đang ở trong một cánh rừng bên trời Âu. Người con gái ngồi bên những thân gỗ mục. Ngồi chờ đợi, hy vọng một mùa xuân đẹp sẽ đến với mình bên kia biển.

Buổi sáng tháng mười, mặt trời đã lên khá cao, thả xuống những tia nắng lấp lánh trên các hàng cây. Những lớp sương đêm đã đọng thành giọt trên cỏ lá, tan chảy nhiễu nhão trên các đồ vật, song nắng vẫn không xua tan nổi cái lạnh rét mướt của đêm rừng. Xuân ngồi sát vào bếp lửa phía ngoài lều tìm hơi ấm từ những cành khô đang bập bùng cháy đỏ. Gọi là bếp nhưng chỉ là một cái lò tự chế như thưở sơ khai, được làm bằng những cục gạch chồng lên nhau. Cô đang nấu những nồi súp to, những cái nồi cũ kỹ, ám khói đen ngòm. Súp được nấu bằng rau cải, khoai củ và thịt. Khi là thịt, xương, khi là lưỡi bò. Tùy theo món nào đang bán rẻ ở siêu thị.
Hơi nóng của lửa và của những nồi súp đang bốc hơi xung quanh vẫn không làm cô đủ ấm. Cô ngồi chắp hai tay vào nhau trong dáng dấp co ro. Thỉnh thoảng có tiếng chim hót, quạ kêu, tiếng lũ sóc chạy nhảy trong lùm cây, tiếng súng của những người thợ săn vọng lại từ xa. Bất cứ một tiếng động nào bật lên cũng làm cô giật mình lo sợ. 

Mỗi ngày Xuân có nhiệm vụ phải nấu vài ba nồi súp to như thế để đủ bữa ăn cho cả hàng mấy chục người. Cô phải dậy sớm hơn những người bạn của cô. Cô dậy khi sương còn lan man bay. Khi đám người ấy, còn đang rúc vào nhau tìm hơi ấm, tiếc hơi ấm, ráng níu kéo giấc ngủ trong những chiếc chăn dầy. Chốc nữa họ sẽ thức dậy, họ sẽ phụ giúp nhau dọn chén bát và quây quần bên những bộ bàn ghế thấp bằng nhựa cứng để chia phần ăn. Sau bữa ăn, mỗi người một nhiệm vụ. Người thì đi rửa chén bát ở một chỗ có để thau chậu, những bình chứa nước. Chén bát rửa xong được úp gọn ghẽ trong một chiếc xe đẩy, loại xe đẩy dùng để bỏ hàng hóa vào khi đi mua sắm trong siêu thị. Những người có phận sự giặt giũ thì lo giặt rồi phơi quần áo trên những sợi cước dầy, giăng từ thân cây này qua thân cây nọ. Cũng có những thanh niên nhàn nhã ngồi dạo ðàn, ca hát. Họ ngồi bên tách cà phê, tách trà, trò chuyện rôm rả. Sau ðó, họ sẽ ði tìm củi khô, thứ nhiên liệu duy nhất để nấu ăn và sưởi ấm. Hoặc làm việc gì đó nặng nhọc hơn, những việc dành cho đàn ông. Những phụ nữ sẽ dọn dẹp căn lều, thu dọn rác rưới. Mỗi người mỗi việc, cần mẫn chăm chỉ. 

Trong bối cảnh sinh hoạt này, không ai có thể nghĩ đây lại là những người thường xuyên sống với nỗi lo sợ bị bắt bớ, trục xuất. Nếu là mùa hè, nhìn đám thanh niên gọn gàng trong bộ quần jean, áo thun màu sắc tươi vui, chân mang giầy thể thao lăng xăng chạy giỡn, người ta có thể tưởng như đây là một khu cắm trại dành cho giới trẻ. Họ không thiếu ăn, thiếu mặc. Tất cả được cung cấp bởi những người dân tốt bụng sống trong những làng mạc gần đó. Luôn cả vấn đề vệ sinh cá nhân. Câu lạc bộ thể thao của thị xã cho họ đến tắm rửa một tuần một lần. Họ cũng rất khôn khéo, luôn lau chùi phòng tắm sạch sẽ sau khi sử dụng. Không thấy rác rưới vứt bừa bãi xung quanh khu đất họ dựng lều.

Phong cách đó đã lấy được tình cảm của người dân trong vùng.
Có thể gọi đây là một cái làng nho nhỏ, “làng Việt Nam.” Làng có bảy căn nhà là bảy cái lều lớn dựng lên giữa rừng. Bảy chiếc lều cho tám mươi lăm người. Lều để ngủ, không có chỗ chứa đồ lặt vặt. Vì thế những vật dụng cá nhân như gương lược, bàn chải đánh răng, ngay cả cái đồng hồ coi giờ đều được để phía ngoài, trong những chiếc hộp nhựa đặt giữa những chạc cây, hay móc trên những mốc cây. Chúng được giữ chặt chẽ hơn bằng những lớp băng keo dán cứng. Vậy mà cạnh lều, họ còn dành riêng một góc để lập một trang thờ, thờ Phật. Họ thắp hương khấn vái mỗi ngày và lúc nào cũng có đĩa trái cây cúng Phật. Họ tin Đức Thế Tôn sẽ ban cho họ mọi sự yên lành.

“Bộ lạc Việt Nam hiện đại” này, người Pháp gọi là “Jungle Vietnamienne,” một cánh rừng thuộc thị xã Angres, trên xa lộ 26 giữa Arras và Calais, cách Calais khoảng một trăm cây số. Lối đi dẫn vào rừng là một con đường mòn nhỏ hẹp, cây cối um tùm rũ xuống hai bên. Phải cúi đầu, khòm lưng xuống và dễ bị vấp ngã nếu không để ý vì lởm chởm ổ gà. Bên ngoài là một trạm xăng lớn, tấp nập khách đường xa dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống nhưng vào sâu bên trong thì thực sự đây là một cánh rừng hoang dã bởi vẫn còn những chiếc hố, dấu vết lưu lại bởi bom đạn từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Jungle theo định nghĩa là một vùng rừng rậm miền nhiệt đới. Nhưng jungle được nói đến khá nhiều khoảng thời gian gần đây, trên những thông tin, thời sự. Jungle được xem như một nơi cư trú, một lán trại của những người nhập cư bất hợp pháp. Jungle là một hiện tượng của tỉnh Pas De Calais, vùng bắc nước Pháp.
Giữa tháng sáu năm nay, tại một cánh rừng mang tên Téteghem thuộc tỉnh Dunkerque, nhân viên kiểm lâm đã khám phá ra một số đông người Việt không có giấy tờ hợp pháp, ẩn náu trong rừng chờ cơ hội tìm đến những bãi đậu xe gần đó. Đây là những bãi đậu rộng lớn dành riêng cho các xe vận tải, loại vận tải chuyên chở hàng hóa đến từ các nước Âu châu, thường dừng lại nghỉ ngơi trước khi vào cảng Calais để qua bên Anh bằng phà. Những người Việt này sẽ tìm cách lẻn trốn trong xe, vượt biển sang Anh quốc cùng số hàng hóa đó. Đã có một người đàn ông hai mươi bảy tuổi chết để lại vợ con ở Việt Nam. Anh chết vì bị rớt từ trên mui xe xuống lòng đường.

Và cuối tháng chín vừa qua, tại một cánh rừng khác, cũng không xa Calais là bao, một số đông cả hàng trăm nhân viên công lực của tỉnh đã bố ráp, bao vây và bắt được 287 người A Phú Hãn. Trong số đó, có khoảng gần phân nửa trẻ vị thành niên. Một số người đang bị ghẻ lở, bệnh tật. Khu lều trại đã bị giải tán sau đó. Nhưng chính phủ Pháp, sở Di trú đang gặp nhiều khó khăn khi giải quyết tình trạng này. Với cái gọi là nhân đạo, humanitaire, có nhiều chống đối giải pháp trục xuất những người này hồi hương với lý do quê hương họ là một xứ sở đang có chiến tranh khốc liệt. Trả họ về là đẩy họ vào cái chết. Hiện tại, một số người đã được đưa về A Phú Hãn, những số khác được phân tán đi nhiều nơi gọi là tạm cư chờ xét xử

Chuyện A Phú Hãn chưa xong thì bây giờ lại đến chuyện Jungle Vietnamienne. Việt Nam, A Phú Hãn, Irakien, hay Erythréen, v.v… Tất cả những cư dân bất hợp pháp kể trên đang được gọi bằng một cái tên mới là Nouveaux boat people, vì họ đều có chung một mục đích là vượt biển sang Anh. Nơi mà họ đã được hứa hẹn và tin chắc rằng mình sẽ có ngay một việc làm để kiếm sống. Còn nơi nào lý tưởng hơn cho họ cắm cọc, dựng lều sống qua ngày như vùng Calais. Một thị trấn có hải cảng nằm ngay bờ biển Manche. Xuống được tàu, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ qua bên kia biển là có thể chạm đến vùng đất hứa.

Các địa điểm gọi là jungle xung quanh Calais đã có từ lâu. Dân nhập cư bất hợp pháp khi bị lộ tung tích phải trốn đi nơi khác. Nhóm kia đi thì ít lâu sau nhóm nọ lại đến. Jungle Vietnamienne, nơi tạm trú của tám mươi lăm người Việt đủ mọi lứa tuổi, trước là chỗ ở của những người Kosovas. Khi đến đây, những người Việt này cũng đã từng bị lùng bắt, tháo chạy từ một nơi khác. Phải chăng họ cũng chính là những người đã trốn thoát từ rừng Téteghem hồi tháng sáu vừa qua?

Họ từ đâu đến? Từ những tỉnh lỵ nghèo nàn của Việt Nam, vì sống cơ cực nên mơ một đời sống tốt đẹp hơn để phải mạo hiểm phiêu lưu như thế chăng? Không hẳn là những người nghèo, cùng quẫn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có người phải cầm cố tài sản, có người vay nợ để trả cho tổ chức. Đa số đi từ Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Một ít người đi từ Quảng Bình, Đắc Lắc, v.v... 

Xuân cho biết khởi đầu cuộc phiêu lưu của cô là trốn qua Tàu bằng xe buýt, rồi lên xe lửa qua Nga gặp những người đồng hành khác. Sau đó cùng đám người này tiếp tục qua Ba Lan, Tiệp Khắc để đến được Âu châu. Cũng có người đi bằng máy bay từ Hà Nội qua Nga, Đức rồi mới đến đây. Âu châu của họ chính là cánh rừng này. 
Những người bà con của Xuân sống ở bên Anh đã giúp cô tiền để trả những chi phí cho cuộc hành trình. Nhưng ai là người chủ chốt đường dây đưa người lao động bất hợp pháp vào đất Anh? Ai dẫn dắt họ vượt qua cửa khẩu bao nhiêu quốc gia? Rồi ai sẽ là người đón tiếp họ bên kia biển Manche, cho họ một công việc làm thì chưa được xác định. 

Làm thế nào để có thể từ một vùng châu Á xa xôi, đi qua bao xứ sở trôi giạt đến nơi đây khi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh họ chỉ nói được vài tiếng như “La Chine, La Russie, la traversée de L’Europe1...” Hoặc “À pied, en bus, en train2.” Đó là câu hỏi đầy kinh ngạc của những nhà báo Pháp khi đến lấy tin tức. 
Tất cả đều chỉ nói tiếng Việt. Duy nhất có một thanh niên trẻ tên Tony, biết chút tiếng Anh. Nhưng với một thứ tiếng Anh hạn hẹp cũng không giải thích được rõ ràng hơn. May mắn cho họ đã được một linh mục Việt Nam cư ngụ tại Téteghem thỉnh thoảng đến thăm, giúp thông dịch, theo lời của một người hảo tâm sống ở làng lân cận, hay qua lại giúp đỡ. Ông cho biết là đã có một nhóm người nói tiếng Nga đến đòi những người di dân lậu này phải nộp cho họ tiền hằng tháng. 

Một cô gái tên Thu, Trần Thị Thu, cùng tuổi với Xuân. Ngày cũng như đêm, lúc nào trong cô cũng canh cánh nỗi sợ hãi. Sợ cảnh sát đã đành, sợ luôn những ông trùm mafia dữ tợn đến tống tiền. Họ đã cùng nhau thay phiên canh gác khu trại và sáng chế một chiếc chuông báo động. Chuông được treo vào một sợi dây dài chạy vòng xung quanh bảy cái lều để khi chuông reo báo động, tất cả mọi người cùng nghe thấy. Họ cũng thủ sẵn gậy gộc, cây sắt để tự vệ, chống lại đám người này. Theo mạng thông tin của Libelille.fr thì đầu tháng chín, đã có một cuộc ấu đả xảy ra giữa những người Việt khốn khổ này với bọn mafia tống tiền kia. Bảy người Việt bị hành hung, khá nhiều thương tích phải đưa vào bệnh viện.

Họ có bị lường gạt, lùa vào cánh rừng này rồi bỏ mặc hay không? Nếu không thì chờ đến bao giờ để thoát qua được bên kia biển? Sự kiện nouveaux boat people này đã khiến cho cảnh sát canh phòng ở các hải cảng biên giới vào Anh quốc kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong tháng mười vừa qua, đã có hai vụ chận bắt xe vận tải trên chuyến phà đi từ cảng Cherbourg của Pháp đến Anh. Tính ra, gần 30 người bị bắt giữ, có cả những thiếu niên chưa đầy mười tám tuổi. Những vụ bắt bớ đã ảnh hưởng luôn đến các giới chức có thẩm quyền, trách nhiệm an ninh của những địa phương này. Họ đang bị tòa án Anh quốc buộc tội là đưa người nhập cư trái phép. Hai tài xế xe đều là người Anh thường qua Pháp mua hàng hóa đã bị giam giữ và cuộc điều tra đang tiến hành.

Hiện tại, số phận của những người Việt này rồi sẽ ra sao khi những khu trại đều được lệnh phá hủy. Nhưng dẫu còn, thì những phụ nữ yếu đuối, những người luống tuổi khác làm sao chịu đựng nổi cái lạnh khắc nghiệt của núi rừng miền bắc giữa mùa đông. Họ có lang thang, lếch thếch dưới hầm xe điện ngầm hay dưới những gầm cầu như một số người Trung Đông vô gia cư đang sống lây lất ở Paris?
Cái chết của người đàn ông hai mươi bảy tuổi và hình ảnh cô Nguyễn Thị Xuân ngồi giữa rừng bên những nồi súp được đưa lên tuần báo Grazia trong tháng mười là một chấn động lớn đối với người Việt Nam tại Pháp. Việt Nam không có chiến tranh như A Phú Hãn. Sự nhân đạo dành cho những “thuyền nhân mới” này chưa thấy đề cập đến. Chỉ có lương tâm “lá lành đùm lá rách” của đồng hương Việt Nam, đang quyên góp tiền bạc, thuốc men, giúp đỡ và thăm viếng họ qua sự hướng dẫn của Linh mục Dominique Phạm Xuân Đào. Dù ở trong rừng hay trên một vùng đất bỏ hoang nào đó. Không phải ở đâu họ cũng nhận được lòng tốt của dân địa phương. Có nhiều chủ đất đã tố cáo với chính quyền sở tại về sự xâm nhập bất hợp pháp của họ. Nên qua trận càn quét vừa rồi, dù không phải là tội phạm nguy hiểm nhưng họ đang được bảo vệ bằng một mạng lưới vô hình là sự im lặng kín đáo của đồng hương khi đến thăm hỏi, gặp gỡ. Tuy nhiên, vấn đề đi thăm, tiếp tế thực phẩm thuốc men đang gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm đã làm chùn chân những người thiện nguyện. 

Lẩn trốn được cảnh sát thì họ lại rơi vào một thảm họa khác. Hơn tám mươi người nhập cư trái phép này sau khi lán trại ở Angres bị giải tán, họ đã di chuyển đến một cánh rừng ở Grande-Synthe, không xa Téteghem là bao. Nơi đây, còn có những cư dân thuộc khối Ả Rập như A Phú Hãn, Irak, Iran trú ngụ. Trong đám người Ả Rập này, có hai gã đàn ông được biết là có mối liên hệ mật thiết với tổ chức nhận người bên Anh. Có lẽ chính vì điều ấy mà mọi người phải tuân phục những điều lệ do hai gã đề ra. Những ai muốn vào ra căn cứ này đều phải có sự kiểm soát của hai lãnh chúa rừng xanh. Sau khi biết chắc không phải là cảnh sát, chúng bằng lòng cho vào trại trước khi lục soát giấy tờ và hành lý mang theo. Những vật dụng như máy hình, máy quay phim đều được rà soát tỉ mỉ. 

Chúng còn kiểm soát trên người những vị khách xem có cất giấu gì hay không. Đã có hai người, một người đàn ông và một phụ nữ nhờ Cha Dominique đưa đến thăm. Hai nhà hảo tâm có ý định ở lại qua đêm để có nhiều thời gian tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của từng người. Người phụ nữ cho biết chúng đã có nhiều cử chỉ khiếm nhã với chị. Hai chứng nhân và cũng là nạn nhân ấy chưa ở lại bao lâu đã tức tốc điện thọai xin Cha Dominique đến đón họ rời khỏi góc rừng này.

Theo các nguồn tin thì đã có những người đàn bà Việt bị những gã Ả Rập cưỡng bách tình dục. Làm thế nào để cứu họ? Người Việt khắp nơi tại Pháp đang đầy bức xúc, lo lắng. Chỉ mong làm cách nào để chính quyền Pháp nghĩ đến họ, cứu giúp họ. Nhưng chịu tình nguyện lên máy bay trở về Việt Nam như một số người A Phú Hãn thì chắc không phải là điều họ mong mỏi. 

Theo phóng sự của báo Grazia thì tuy sống trong cảnh tồi tệ, cơ cực nhưng mỗi ngày những cô gái vẫn không quên điểm phấn, tô son. Nhìn họ lúc nào cũng tươi đẹp, vui sống, yêu đời dưới những mái lều. Bây giờ những người phụ nữ này đã sống như thế nào với sự xuất hiện của những con thú mang dáng người kia. Rồi còn bao nhiêu người Việt khác, những thanh niên năng động hân hoan ôm những bọc quần áo, thực phẩm được trao tặng từ những tấm lòng nhân hậu. Các anh, các chị có còn giữ được sự lạc quan. Còn nung nấu trong lòng một ước mơ được lên xe tải, xuống phà vượt biển khơi, được co mình trong những thùng, những bao hàng hóa mà chỉ cần một khoảng trống nhỏ đủ cho phần mũi miệng trên gương mặt hé ra, để không bị nghẹt thở cho đến khi đặt chân đến đất liền? 

Từ sau năm 1975, trong hành trình đi tìm tự do, đã có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam bị hải tặc hãm hiếp trên biển Đông. Bao nhiêu phụ nữ bị bắt đưa vào các nhà thổ ở Thái Lan? Bây giờ, cũng bằng mọi cách để đổi đời, những cô gái Việt Nam đã chấp nhận lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Một con đường đa phần dẫn họ đến địa ngục trần gian. Nhưng Xuân ơi, con đường nhập cảnh bất hợp pháp, lây lất sống trong những cánh rừng cũng không phải là con đường dành cho phụ nữ.



Source: https://www.facebook.com/dbmailan/posts/2905441032816748

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Ngồi Lại Với Mùa Thu



Lắng lòng nghe một chiếc lá rơi
Mùa Thu vừa đến nhẹ bên đời
Chiều phai, giọt nắng còn vương đọng
Như thầm tiếc nuối một ngày trôi..

Mới vừa xuân, thoáng đã vào thu
Tháng năm chìm khuất rặng sương mù
Bốn mùa thấp thoáng qua ngày mộng
Vô thường chưa mỏi gót phiêu du...

- Lắng lòng nghe.. tiếng của dòng sông..
Buồn, vui, thương, ghét.. cuộc long đong.
Sóng tình chưa phút nao dừng lại
Viễn xứ.. nào ai biết.. tại lòng!

- Dĩ vãng trôi, tương lai cũng trôi..
Giấc mơ thành hiện thực đầy vơi!
Hiện thực kết nên ngày lịch sử
Rồi Lịch sử tìm.. mây trắng trôi...

Lắng lòng nghe hơi thở mùa thu
Ngừng theo tiếng gọi của tâm tư.
Hồ thu viên sỏi vừa rơi nhẹ
Đã thấy nghìn trùng xa cõi Như...

Khép làn mi, khép cửa thời gian..
Nghiêng bên dòng nước gặp dung nhan...
- Ngày mai có thể không hề đến
Chiếc lá vừa rơi...Mộng đã tàn!!...

Như Nhiên -ThichTanhTue



Source: Internet.

'' Cái Giếng '' Của Đời Người



- Một trong những câu chuyện tôi yêu thích :

" Có chú ếch ngoài biển một hôm vào thăm bạn sống dưới
 một đáy giếng -- gặp nhau mừng rỡ , 
chú ếch ở đáy giếng hỏi bạn :

-- Này bạn, biển của bạn có lớn bằng một phần của cái 
giếng của tôi không ?
-- Lớn hơn nhiều .
-- Vậy bằng một nữa à ?
-- Không, lớn hơn nhiều .
-- Không lý bằng cả cái giếng của tôi ?
-- Không, lớn hơn rất nhiều .
-- Không thể tin được , tôi phải đi để nhìn tận mắt biển 
của bạn lớn bao nhiêu

Thế là chú ếch ở đáy giếng cùng bạn ra tận biển để xem có 
đúng vậy không, ra đến biển, chú ếch bàng hoàng sững sốt 
trước sự mênh mông to lớn của biển, kinh hoàng đến nổi ếch 
ta phình to cái bụng đến mức nổ tung .

Còn chúng ta thì sao ? Trong mấy chục năm cuộc đời và xuyên
 suốt vô số kiếp quá khứ trôi lăn trong luân hồi, chúng ta bị nhốt 
trong cái hang đông " ngũ uẩn " đầy dục vọng, mỗi con người 
chúng ta đã xây dựng nên cả một hệ thống đan xen chặt chẽ 
của định kiến tri thức và định kiến cảm xúc, những thói quen của 
thân và tâm mà chưa một lần tự hỏi mình có đúng hay không để
 tỉnh ngộ , thì đến bao giờ chúng ta mới buông xả để vượt thoát 
ra khỏi, để nhìn thấu được sự mênh mông vô cùng tận của 
vũ trụ thiên nhiên !

Chính suy nghĩ và cái nhìn hạn hẹp của chúng ta giam nhốt
 chúng ta trong kiếp đời sinh tử lăn trôi...

'' Giới hương, định hương và tuệ hương
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương..'' EmojiEmoji

Như Nhiên -ThichTanhTue

Source: Internet.

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Sự Thật Trần Truồng

Năm 1896, họa sĩ người Pháp, Jean-Léon Gérôme vẽ bức tranh "Sự thật ra khỏi giếng cầm roi trách phạt nhân loại" (Truth coming from the well armed with her whip to chastise mankind)





Vào thế kỷ 19, có một truyền thuyết dựa vào bức tranh này như sau ...

Sự Thật và Dối Trá ngày đó gặp nhau. Dối Trá bảo Sự Thật “hôm nay là một ngày đẹp trời”. Sự Thật nhìn quanh, và thực sự hôm đó quả là một ngày đẹp trời. 

Sự Thật và Dối Trá hôm ấy cùng đi dạo chơi với nhau, chuyện trò thân mật.  Trên đường đi họ thấy một cái giếng .  Dối Trá bảo Sự Thật, "nước dễ chịu quá.  Hãy cùng nhảy xuống tắm".  Sự Thật một lần nữa nghi ngờ, thử tay vào nước và thấy nước thật sự dễ chịu.  

Họ cùng cởi quần áo và cùng nhảy xuống tắm.  Bất ngờ, Dối Trá nhảy ra khỏi giếng và lấy quần áo của Sự Thật mặc vào rồi bỏ chạy.  
Sự Thật tức giận nhảy ra khỏi giếng và chạy khắp nơi tìm kiếm Dối Trá để lấy lại quần áo của mình.  Thiên hạ nhìn Sự Thật trần truồng đều quay mặt đi vừa ngượng vừa giận .  

Sự Thật tội nghiệp quay trở về giếng và ẩn mình ở đó mãi mãi vì xấu hổ.  Kể từ đó, Dối Trá đi khắp thế gian khoác chiếc áo của Sự Thật, đáp ứng nhu cầu của xã hội, bởi thế giới, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không hề muốn nhìn thấy Sự Thật Trần Truồng

Source: https://relativejoyforyou.wordpress.com/2018/09/17/the-story-of-truth-and-lie/

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Bình Luận về PHONG THẦN - Âm Thanh Và Ngôn Từ - Đoàn Thế Ngữ




Bài hát “Trăng Tàn Trên Hè Phố” viết cho người lính nào?


Có một sự thật ít người biết là trước năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là cán bộ miền Bắc nằm vùng ở miền Nam. Có rất người yêu nhạc lính và nhạc vàng đã không chấp nhận sự thật này và cho rằng không phải như vậy.
Tuy nhiên chính gia đình của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã thừa nhận việc này trên một bài báo. Ngoài ra, nhà nghiên cứu nhạc Việt người Mỹ Jason Gibbs có lần chia sẻ: “Vợ chồng tôi được gặp và nói chuyện với Phạm Thế Mỹ năm 2001 ở nhà riêng của ông ở Quận Tư Sài Gòn. Ông vui tính, cởi mở, hiền và kể nhiều chuyện hay. Thời chiến tranh Việt Mỹ ông là một người cộng sản nằm vùng. Đất Việt thống nhất ông được tham gia mọi hoạt động âm nhạc ở một miền Nam giải phóng, nhưng thực ra ông không ưa chính sách văn hóa lúc bấy giờ”.
Người viết bài này đã đến viếng khi Phạm Thế Mỹ qua đời năm 2009. Khi đó nhà nước đã tổ chức tang lễ cho ông theo nghi thức của cán bộ nhà nước tại nhà Tang Lễ Thành Phố ở Quận 3, nơi chỉ dành cho các cán bộ có công với cách mạng. Khi trò chuyện với người nhà ông ở đó, họ rất ái ngại và lãng tránh khi trò chuyện về các tác phẩm viết về lính mà Phạm Thế Mỹ đã viết trước năm 1975.
Theo tiểu sử chính thức của Phạm Thế Mỹ, ông sinh trưởng ở Bình Định và làm công tác tuyên huấn kiêm phóng viên cho báo Quân Đội Nhân Dân ở Liên Khu 5 của Việt Minh (gồm 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tom, Gia Lai) lúc ông hơn 20 tuổi (đầu thập niên 1950). Sau 1954, ông được đơn vị bố trí ở lại miền Nam để hoạt động. Phạm Thế Mỹ từng bị chính quyền miền Nam bắt giam vì tham gia trong phong trào sinh viên – học sinh Sài gòn và phong trào Phật giáo chống chính quyền. Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng” (Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), “Thắm đượm duyên quê,” “Lêna Belicova”…
Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4, TpHCM. Theo lời kể của một người con của Phạm Thế Mỹ, vì ông là tác giả của nhiều bài nhạc lính được biết đến rộng rãi: Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái… do đó sau 1975, sự nghiệp công chức nhà nước của Phạm Thế Mỹ không được thuận lợi vì sự nghi kỵ từ chính quyền.
Ngoài những ca khúc về “lính” viết trước 1975, Phạm Thế Mỹ còn sáng tác nhiều bài hát thể hiện tình yêu quê hương, yêu núi sông, khát vọng hòa bình: Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Thương Quá Việt Nam, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non… Nếu để ý kỹ, người ta có thể cảm nhận được chút ít khuynh hướng “phản chiến” hoặc chống đối chính quyền trong những bài ca này.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Nếu Phạm Thế Mỹ là người của phía cách mạng, vậy ông sáng tác bài nhạc lính bất tử là Trăng Tàn Trên Hè Phố, người lính trong bài hát này là lính nào?
Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến tuyến 
súng trên vai bước về qua đường phố.
(Lời chính xác là “bước VỀ”, tuy nhiên Như Quỳnh lại hát thành “bước LÊ”, làm cho hình ảnh anh lính ít oai hùng)
Có thể bài hát này viết cho người lính Thủy Quân Lục Chiến, vì chỉ có anh lính TQLC mới có thể hiên ngang vác súng trên vai, từ núi đồi rừng sâu trở về đường phố để thăm bạn cũ trong một quán nhỏ. Nếu là người lính du kích trên rừng thì không dám và không thể công khai về phố với súng vác trên vai được.
Tuy nhiên không cần thiết phải đào sâu thêm ý nghĩa của bài hát này, vì bất cứ người lính nào thuộc phe nào cũng đều có thể yêu thích bài này với cảm nhận của riêng họ.
Cũng không thể đảo ngược sự thật là Phạm Thế Mỹ là người của miền Bắc, ông hoàn toàn có thể viết về những người đồng đội của mình, nhưng ngụy trang như vậy để bài hát có thể được phổ biến và được yêu thích giữa miền Nam. Phạm Thế Mỹ không thể ngờ được chính vì những bài hát tưởng như vô thưởng vô phạt đó đã chặn đứng sự nghiệp của ông sau năm 1975. Tài năng của ông không được công nhận đúng đắn khi chỉ là 1 công chức nhỏ mọn và qua đời trong hoàn cảnh khó khăn.
Một bài báo trong nước đã mô tả hoàn cảnh khó khăn tạm bợ của ông trong những năm cuối đời:
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc như thể “thèm thuồng” lắm. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được. (Báo Giáo Dục)
Hình ảnh 1 sinh hoạt nhạc đỏ với những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ


Đông Kha

Source: https://nhacxua.vn/bai-hat-trang-tan-tren-he-pho-viet-cho-nguoi-linh-nao/