Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Xuân ở trong rừng

Truyện kể đã 10 năm, đúng 10 năm... giờ vẫn tiếp diễn, lại càng bi thảm hơn xưa...

***
Cô tên là Xuân, Nguyễn Thị Xuân. Một cái tên đơn giản, không có tên đệm thêm cho văn vẻ thơ mộng như Mỹ Xuân, Thanh Xuân hay Bích Xuân. Nhưng đấng sinh thành ra cô khi đặt cho cô cái tên Xuân, hẳn cũng ít nhiều mong muốn cho cuộc đời con gái mình đầy tốt đẹp, đẹp như mùa xuân. 

Đã hai mươi lăm mùa xuân đi qua đời cô. Bây giờ, trời đã bắt đầu sang thu. Còn Xuân thì đang ở trong một cánh rừng bên trời Âu. Người con gái ngồi bên những thân gỗ mục. Ngồi chờ đợi, hy vọng một mùa xuân đẹp sẽ đến với mình bên kia biển.

Buổi sáng tháng mười, mặt trời đã lên khá cao, thả xuống những tia nắng lấp lánh trên các hàng cây. Những lớp sương đêm đã đọng thành giọt trên cỏ lá, tan chảy nhiễu nhão trên các đồ vật, song nắng vẫn không xua tan nổi cái lạnh rét mướt của đêm rừng. Xuân ngồi sát vào bếp lửa phía ngoài lều tìm hơi ấm từ những cành khô đang bập bùng cháy đỏ. Gọi là bếp nhưng chỉ là một cái lò tự chế như thưở sơ khai, được làm bằng những cục gạch chồng lên nhau. Cô đang nấu những nồi súp to, những cái nồi cũ kỹ, ám khói đen ngòm. Súp được nấu bằng rau cải, khoai củ và thịt. Khi là thịt, xương, khi là lưỡi bò. Tùy theo món nào đang bán rẻ ở siêu thị.
Hơi nóng của lửa và của những nồi súp đang bốc hơi xung quanh vẫn không làm cô đủ ấm. Cô ngồi chắp hai tay vào nhau trong dáng dấp co ro. Thỉnh thoảng có tiếng chim hót, quạ kêu, tiếng lũ sóc chạy nhảy trong lùm cây, tiếng súng của những người thợ săn vọng lại từ xa. Bất cứ một tiếng động nào bật lên cũng làm cô giật mình lo sợ. 

Mỗi ngày Xuân có nhiệm vụ phải nấu vài ba nồi súp to như thế để đủ bữa ăn cho cả hàng mấy chục người. Cô phải dậy sớm hơn những người bạn của cô. Cô dậy khi sương còn lan man bay. Khi đám người ấy, còn đang rúc vào nhau tìm hơi ấm, tiếc hơi ấm, ráng níu kéo giấc ngủ trong những chiếc chăn dầy. Chốc nữa họ sẽ thức dậy, họ sẽ phụ giúp nhau dọn chén bát và quây quần bên những bộ bàn ghế thấp bằng nhựa cứng để chia phần ăn. Sau bữa ăn, mỗi người một nhiệm vụ. Người thì đi rửa chén bát ở một chỗ có để thau chậu, những bình chứa nước. Chén bát rửa xong được úp gọn ghẽ trong một chiếc xe đẩy, loại xe đẩy dùng để bỏ hàng hóa vào khi đi mua sắm trong siêu thị. Những người có phận sự giặt giũ thì lo giặt rồi phơi quần áo trên những sợi cước dầy, giăng từ thân cây này qua thân cây nọ. Cũng có những thanh niên nhàn nhã ngồi dạo ðàn, ca hát. Họ ngồi bên tách cà phê, tách trà, trò chuyện rôm rả. Sau ðó, họ sẽ ði tìm củi khô, thứ nhiên liệu duy nhất để nấu ăn và sưởi ấm. Hoặc làm việc gì đó nặng nhọc hơn, những việc dành cho đàn ông. Những phụ nữ sẽ dọn dẹp căn lều, thu dọn rác rưới. Mỗi người mỗi việc, cần mẫn chăm chỉ. 

Trong bối cảnh sinh hoạt này, không ai có thể nghĩ đây lại là những người thường xuyên sống với nỗi lo sợ bị bắt bớ, trục xuất. Nếu là mùa hè, nhìn đám thanh niên gọn gàng trong bộ quần jean, áo thun màu sắc tươi vui, chân mang giầy thể thao lăng xăng chạy giỡn, người ta có thể tưởng như đây là một khu cắm trại dành cho giới trẻ. Họ không thiếu ăn, thiếu mặc. Tất cả được cung cấp bởi những người dân tốt bụng sống trong những làng mạc gần đó. Luôn cả vấn đề vệ sinh cá nhân. Câu lạc bộ thể thao của thị xã cho họ đến tắm rửa một tuần một lần. Họ cũng rất khôn khéo, luôn lau chùi phòng tắm sạch sẽ sau khi sử dụng. Không thấy rác rưới vứt bừa bãi xung quanh khu đất họ dựng lều.

Phong cách đó đã lấy được tình cảm của người dân trong vùng.
Có thể gọi đây là một cái làng nho nhỏ, “làng Việt Nam.” Làng có bảy căn nhà là bảy cái lều lớn dựng lên giữa rừng. Bảy chiếc lều cho tám mươi lăm người. Lều để ngủ, không có chỗ chứa đồ lặt vặt. Vì thế những vật dụng cá nhân như gương lược, bàn chải đánh răng, ngay cả cái đồng hồ coi giờ đều được để phía ngoài, trong những chiếc hộp nhựa đặt giữa những chạc cây, hay móc trên những mốc cây. Chúng được giữ chặt chẽ hơn bằng những lớp băng keo dán cứng. Vậy mà cạnh lều, họ còn dành riêng một góc để lập một trang thờ, thờ Phật. Họ thắp hương khấn vái mỗi ngày và lúc nào cũng có đĩa trái cây cúng Phật. Họ tin Đức Thế Tôn sẽ ban cho họ mọi sự yên lành.

“Bộ lạc Việt Nam hiện đại” này, người Pháp gọi là “Jungle Vietnamienne,” một cánh rừng thuộc thị xã Angres, trên xa lộ 26 giữa Arras và Calais, cách Calais khoảng một trăm cây số. Lối đi dẫn vào rừng là một con đường mòn nhỏ hẹp, cây cối um tùm rũ xuống hai bên. Phải cúi đầu, khòm lưng xuống và dễ bị vấp ngã nếu không để ý vì lởm chởm ổ gà. Bên ngoài là một trạm xăng lớn, tấp nập khách đường xa dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống nhưng vào sâu bên trong thì thực sự đây là một cánh rừng hoang dã bởi vẫn còn những chiếc hố, dấu vết lưu lại bởi bom đạn từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Jungle theo định nghĩa là một vùng rừng rậm miền nhiệt đới. Nhưng jungle được nói đến khá nhiều khoảng thời gian gần đây, trên những thông tin, thời sự. Jungle được xem như một nơi cư trú, một lán trại của những người nhập cư bất hợp pháp. Jungle là một hiện tượng của tỉnh Pas De Calais, vùng bắc nước Pháp.
Giữa tháng sáu năm nay, tại một cánh rừng mang tên Téteghem thuộc tỉnh Dunkerque, nhân viên kiểm lâm đã khám phá ra một số đông người Việt không có giấy tờ hợp pháp, ẩn náu trong rừng chờ cơ hội tìm đến những bãi đậu xe gần đó. Đây là những bãi đậu rộng lớn dành riêng cho các xe vận tải, loại vận tải chuyên chở hàng hóa đến từ các nước Âu châu, thường dừng lại nghỉ ngơi trước khi vào cảng Calais để qua bên Anh bằng phà. Những người Việt này sẽ tìm cách lẻn trốn trong xe, vượt biển sang Anh quốc cùng số hàng hóa đó. Đã có một người đàn ông hai mươi bảy tuổi chết để lại vợ con ở Việt Nam. Anh chết vì bị rớt từ trên mui xe xuống lòng đường.

Và cuối tháng chín vừa qua, tại một cánh rừng khác, cũng không xa Calais là bao, một số đông cả hàng trăm nhân viên công lực của tỉnh đã bố ráp, bao vây và bắt được 287 người A Phú Hãn. Trong số đó, có khoảng gần phân nửa trẻ vị thành niên. Một số người đang bị ghẻ lở, bệnh tật. Khu lều trại đã bị giải tán sau đó. Nhưng chính phủ Pháp, sở Di trú đang gặp nhiều khó khăn khi giải quyết tình trạng này. Với cái gọi là nhân đạo, humanitaire, có nhiều chống đối giải pháp trục xuất những người này hồi hương với lý do quê hương họ là một xứ sở đang có chiến tranh khốc liệt. Trả họ về là đẩy họ vào cái chết. Hiện tại, một số người đã được đưa về A Phú Hãn, những số khác được phân tán đi nhiều nơi gọi là tạm cư chờ xét xử

Chuyện A Phú Hãn chưa xong thì bây giờ lại đến chuyện Jungle Vietnamienne. Việt Nam, A Phú Hãn, Irakien, hay Erythréen, v.v… Tất cả những cư dân bất hợp pháp kể trên đang được gọi bằng một cái tên mới là Nouveaux boat people, vì họ đều có chung một mục đích là vượt biển sang Anh. Nơi mà họ đã được hứa hẹn và tin chắc rằng mình sẽ có ngay một việc làm để kiếm sống. Còn nơi nào lý tưởng hơn cho họ cắm cọc, dựng lều sống qua ngày như vùng Calais. Một thị trấn có hải cảng nằm ngay bờ biển Manche. Xuống được tàu, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ qua bên kia biển là có thể chạm đến vùng đất hứa.

Các địa điểm gọi là jungle xung quanh Calais đã có từ lâu. Dân nhập cư bất hợp pháp khi bị lộ tung tích phải trốn đi nơi khác. Nhóm kia đi thì ít lâu sau nhóm nọ lại đến. Jungle Vietnamienne, nơi tạm trú của tám mươi lăm người Việt đủ mọi lứa tuổi, trước là chỗ ở của những người Kosovas. Khi đến đây, những người Việt này cũng đã từng bị lùng bắt, tháo chạy từ một nơi khác. Phải chăng họ cũng chính là những người đã trốn thoát từ rừng Téteghem hồi tháng sáu vừa qua?

Họ từ đâu đến? Từ những tỉnh lỵ nghèo nàn của Việt Nam, vì sống cơ cực nên mơ một đời sống tốt đẹp hơn để phải mạo hiểm phiêu lưu như thế chăng? Không hẳn là những người nghèo, cùng quẫn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có người phải cầm cố tài sản, có người vay nợ để trả cho tổ chức. Đa số đi từ Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Một ít người đi từ Quảng Bình, Đắc Lắc, v.v... 

Xuân cho biết khởi đầu cuộc phiêu lưu của cô là trốn qua Tàu bằng xe buýt, rồi lên xe lửa qua Nga gặp những người đồng hành khác. Sau đó cùng đám người này tiếp tục qua Ba Lan, Tiệp Khắc để đến được Âu châu. Cũng có người đi bằng máy bay từ Hà Nội qua Nga, Đức rồi mới đến đây. Âu châu của họ chính là cánh rừng này. 
Những người bà con của Xuân sống ở bên Anh đã giúp cô tiền để trả những chi phí cho cuộc hành trình. Nhưng ai là người chủ chốt đường dây đưa người lao động bất hợp pháp vào đất Anh? Ai dẫn dắt họ vượt qua cửa khẩu bao nhiêu quốc gia? Rồi ai sẽ là người đón tiếp họ bên kia biển Manche, cho họ một công việc làm thì chưa được xác định. 

Làm thế nào để có thể từ một vùng châu Á xa xôi, đi qua bao xứ sở trôi giạt đến nơi đây khi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh họ chỉ nói được vài tiếng như “La Chine, La Russie, la traversée de L’Europe1...” Hoặc “À pied, en bus, en train2.” Đó là câu hỏi đầy kinh ngạc của những nhà báo Pháp khi đến lấy tin tức. 
Tất cả đều chỉ nói tiếng Việt. Duy nhất có một thanh niên trẻ tên Tony, biết chút tiếng Anh. Nhưng với một thứ tiếng Anh hạn hẹp cũng không giải thích được rõ ràng hơn. May mắn cho họ đã được một linh mục Việt Nam cư ngụ tại Téteghem thỉnh thoảng đến thăm, giúp thông dịch, theo lời của một người hảo tâm sống ở làng lân cận, hay qua lại giúp đỡ. Ông cho biết là đã có một nhóm người nói tiếng Nga đến đòi những người di dân lậu này phải nộp cho họ tiền hằng tháng. 

Một cô gái tên Thu, Trần Thị Thu, cùng tuổi với Xuân. Ngày cũng như đêm, lúc nào trong cô cũng canh cánh nỗi sợ hãi. Sợ cảnh sát đã đành, sợ luôn những ông trùm mafia dữ tợn đến tống tiền. Họ đã cùng nhau thay phiên canh gác khu trại và sáng chế một chiếc chuông báo động. Chuông được treo vào một sợi dây dài chạy vòng xung quanh bảy cái lều để khi chuông reo báo động, tất cả mọi người cùng nghe thấy. Họ cũng thủ sẵn gậy gộc, cây sắt để tự vệ, chống lại đám người này. Theo mạng thông tin của Libelille.fr thì đầu tháng chín, đã có một cuộc ấu đả xảy ra giữa những người Việt khốn khổ này với bọn mafia tống tiền kia. Bảy người Việt bị hành hung, khá nhiều thương tích phải đưa vào bệnh viện.

Họ có bị lường gạt, lùa vào cánh rừng này rồi bỏ mặc hay không? Nếu không thì chờ đến bao giờ để thoát qua được bên kia biển? Sự kiện nouveaux boat people này đã khiến cho cảnh sát canh phòng ở các hải cảng biên giới vào Anh quốc kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong tháng mười vừa qua, đã có hai vụ chận bắt xe vận tải trên chuyến phà đi từ cảng Cherbourg của Pháp đến Anh. Tính ra, gần 30 người bị bắt giữ, có cả những thiếu niên chưa đầy mười tám tuổi. Những vụ bắt bớ đã ảnh hưởng luôn đến các giới chức có thẩm quyền, trách nhiệm an ninh của những địa phương này. Họ đang bị tòa án Anh quốc buộc tội là đưa người nhập cư trái phép. Hai tài xế xe đều là người Anh thường qua Pháp mua hàng hóa đã bị giam giữ và cuộc điều tra đang tiến hành.

Hiện tại, số phận của những người Việt này rồi sẽ ra sao khi những khu trại đều được lệnh phá hủy. Nhưng dẫu còn, thì những phụ nữ yếu đuối, những người luống tuổi khác làm sao chịu đựng nổi cái lạnh khắc nghiệt của núi rừng miền bắc giữa mùa đông. Họ có lang thang, lếch thếch dưới hầm xe điện ngầm hay dưới những gầm cầu như một số người Trung Đông vô gia cư đang sống lây lất ở Paris?
Cái chết của người đàn ông hai mươi bảy tuổi và hình ảnh cô Nguyễn Thị Xuân ngồi giữa rừng bên những nồi súp được đưa lên tuần báo Grazia trong tháng mười là một chấn động lớn đối với người Việt Nam tại Pháp. Việt Nam không có chiến tranh như A Phú Hãn. Sự nhân đạo dành cho những “thuyền nhân mới” này chưa thấy đề cập đến. Chỉ có lương tâm “lá lành đùm lá rách” của đồng hương Việt Nam, đang quyên góp tiền bạc, thuốc men, giúp đỡ và thăm viếng họ qua sự hướng dẫn của Linh mục Dominique Phạm Xuân Đào. Dù ở trong rừng hay trên một vùng đất bỏ hoang nào đó. Không phải ở đâu họ cũng nhận được lòng tốt của dân địa phương. Có nhiều chủ đất đã tố cáo với chính quyền sở tại về sự xâm nhập bất hợp pháp của họ. Nên qua trận càn quét vừa rồi, dù không phải là tội phạm nguy hiểm nhưng họ đang được bảo vệ bằng một mạng lưới vô hình là sự im lặng kín đáo của đồng hương khi đến thăm hỏi, gặp gỡ. Tuy nhiên, vấn đề đi thăm, tiếp tế thực phẩm thuốc men đang gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm đã làm chùn chân những người thiện nguyện. 

Lẩn trốn được cảnh sát thì họ lại rơi vào một thảm họa khác. Hơn tám mươi người nhập cư trái phép này sau khi lán trại ở Angres bị giải tán, họ đã di chuyển đến một cánh rừng ở Grande-Synthe, không xa Téteghem là bao. Nơi đây, còn có những cư dân thuộc khối Ả Rập như A Phú Hãn, Irak, Iran trú ngụ. Trong đám người Ả Rập này, có hai gã đàn ông được biết là có mối liên hệ mật thiết với tổ chức nhận người bên Anh. Có lẽ chính vì điều ấy mà mọi người phải tuân phục những điều lệ do hai gã đề ra. Những ai muốn vào ra căn cứ này đều phải có sự kiểm soát của hai lãnh chúa rừng xanh. Sau khi biết chắc không phải là cảnh sát, chúng bằng lòng cho vào trại trước khi lục soát giấy tờ và hành lý mang theo. Những vật dụng như máy hình, máy quay phim đều được rà soát tỉ mỉ. 

Chúng còn kiểm soát trên người những vị khách xem có cất giấu gì hay không. Đã có hai người, một người đàn ông và một phụ nữ nhờ Cha Dominique đưa đến thăm. Hai nhà hảo tâm có ý định ở lại qua đêm để có nhiều thời gian tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của từng người. Người phụ nữ cho biết chúng đã có nhiều cử chỉ khiếm nhã với chị. Hai chứng nhân và cũng là nạn nhân ấy chưa ở lại bao lâu đã tức tốc điện thọai xin Cha Dominique đến đón họ rời khỏi góc rừng này.

Theo các nguồn tin thì đã có những người đàn bà Việt bị những gã Ả Rập cưỡng bách tình dục. Làm thế nào để cứu họ? Người Việt khắp nơi tại Pháp đang đầy bức xúc, lo lắng. Chỉ mong làm cách nào để chính quyền Pháp nghĩ đến họ, cứu giúp họ. Nhưng chịu tình nguyện lên máy bay trở về Việt Nam như một số người A Phú Hãn thì chắc không phải là điều họ mong mỏi. 

Theo phóng sự của báo Grazia thì tuy sống trong cảnh tồi tệ, cơ cực nhưng mỗi ngày những cô gái vẫn không quên điểm phấn, tô son. Nhìn họ lúc nào cũng tươi đẹp, vui sống, yêu đời dưới những mái lều. Bây giờ những người phụ nữ này đã sống như thế nào với sự xuất hiện của những con thú mang dáng người kia. Rồi còn bao nhiêu người Việt khác, những thanh niên năng động hân hoan ôm những bọc quần áo, thực phẩm được trao tặng từ những tấm lòng nhân hậu. Các anh, các chị có còn giữ được sự lạc quan. Còn nung nấu trong lòng một ước mơ được lên xe tải, xuống phà vượt biển khơi, được co mình trong những thùng, những bao hàng hóa mà chỉ cần một khoảng trống nhỏ đủ cho phần mũi miệng trên gương mặt hé ra, để không bị nghẹt thở cho đến khi đặt chân đến đất liền? 

Từ sau năm 1975, trong hành trình đi tìm tự do, đã có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam bị hải tặc hãm hiếp trên biển Đông. Bao nhiêu phụ nữ bị bắt đưa vào các nhà thổ ở Thái Lan? Bây giờ, cũng bằng mọi cách để đổi đời, những cô gái Việt Nam đã chấp nhận lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Một con đường đa phần dẫn họ đến địa ngục trần gian. Nhưng Xuân ơi, con đường nhập cảnh bất hợp pháp, lây lất sống trong những cánh rừng cũng không phải là con đường dành cho phụ nữ.



Source: https://www.facebook.com/dbmailan/posts/2905441032816748

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.