Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Bài hát “Trăng Tàn Trên Hè Phố” viết cho người lính nào?


Có một sự thật ít người biết là trước năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là cán bộ miền Bắc nằm vùng ở miền Nam. Có rất người yêu nhạc lính và nhạc vàng đã không chấp nhận sự thật này và cho rằng không phải như vậy.
Tuy nhiên chính gia đình của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã thừa nhận việc này trên một bài báo. Ngoài ra, nhà nghiên cứu nhạc Việt người Mỹ Jason Gibbs có lần chia sẻ: “Vợ chồng tôi được gặp và nói chuyện với Phạm Thế Mỹ năm 2001 ở nhà riêng của ông ở Quận Tư Sài Gòn. Ông vui tính, cởi mở, hiền và kể nhiều chuyện hay. Thời chiến tranh Việt Mỹ ông là một người cộng sản nằm vùng. Đất Việt thống nhất ông được tham gia mọi hoạt động âm nhạc ở một miền Nam giải phóng, nhưng thực ra ông không ưa chính sách văn hóa lúc bấy giờ”.
Người viết bài này đã đến viếng khi Phạm Thế Mỹ qua đời năm 2009. Khi đó nhà nước đã tổ chức tang lễ cho ông theo nghi thức của cán bộ nhà nước tại nhà Tang Lễ Thành Phố ở Quận 3, nơi chỉ dành cho các cán bộ có công với cách mạng. Khi trò chuyện với người nhà ông ở đó, họ rất ái ngại và lãng tránh khi trò chuyện về các tác phẩm viết về lính mà Phạm Thế Mỹ đã viết trước năm 1975.
Theo tiểu sử chính thức của Phạm Thế Mỹ, ông sinh trưởng ở Bình Định và làm công tác tuyên huấn kiêm phóng viên cho báo Quân Đội Nhân Dân ở Liên Khu 5 của Việt Minh (gồm 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tom, Gia Lai) lúc ông hơn 20 tuổi (đầu thập niên 1950). Sau 1954, ông được đơn vị bố trí ở lại miền Nam để hoạt động. Phạm Thế Mỹ từng bị chính quyền miền Nam bắt giam vì tham gia trong phong trào sinh viên – học sinh Sài gòn và phong trào Phật giáo chống chính quyền. Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng” (Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), “Thắm đượm duyên quê,” “Lêna Belicova”…
Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4, TpHCM. Theo lời kể của một người con của Phạm Thế Mỹ, vì ông là tác giả của nhiều bài nhạc lính được biết đến rộng rãi: Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái… do đó sau 1975, sự nghiệp công chức nhà nước của Phạm Thế Mỹ không được thuận lợi vì sự nghi kỵ từ chính quyền.
Ngoài những ca khúc về “lính” viết trước 1975, Phạm Thế Mỹ còn sáng tác nhiều bài hát thể hiện tình yêu quê hương, yêu núi sông, khát vọng hòa bình: Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Thương Quá Việt Nam, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non… Nếu để ý kỹ, người ta có thể cảm nhận được chút ít khuynh hướng “phản chiến” hoặc chống đối chính quyền trong những bài ca này.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Nếu Phạm Thế Mỹ là người của phía cách mạng, vậy ông sáng tác bài nhạc lính bất tử là Trăng Tàn Trên Hè Phố, người lính trong bài hát này là lính nào?
Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến tuyến 
súng trên vai bước về qua đường phố.
(Lời chính xác là “bước VỀ”, tuy nhiên Như Quỳnh lại hát thành “bước LÊ”, làm cho hình ảnh anh lính ít oai hùng)
Có thể bài hát này viết cho người lính Thủy Quân Lục Chiến, vì chỉ có anh lính TQLC mới có thể hiên ngang vác súng trên vai, từ núi đồi rừng sâu trở về đường phố để thăm bạn cũ trong một quán nhỏ. Nếu là người lính du kích trên rừng thì không dám và không thể công khai về phố với súng vác trên vai được.
Tuy nhiên không cần thiết phải đào sâu thêm ý nghĩa của bài hát này, vì bất cứ người lính nào thuộc phe nào cũng đều có thể yêu thích bài này với cảm nhận của riêng họ.
Cũng không thể đảo ngược sự thật là Phạm Thế Mỹ là người của miền Bắc, ông hoàn toàn có thể viết về những người đồng đội của mình, nhưng ngụy trang như vậy để bài hát có thể được phổ biến và được yêu thích giữa miền Nam. Phạm Thế Mỹ không thể ngờ được chính vì những bài hát tưởng như vô thưởng vô phạt đó đã chặn đứng sự nghiệp của ông sau năm 1975. Tài năng của ông không được công nhận đúng đắn khi chỉ là 1 công chức nhỏ mọn và qua đời trong hoàn cảnh khó khăn.
Một bài báo trong nước đã mô tả hoàn cảnh khó khăn tạm bợ của ông trong những năm cuối đời:
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc như thể “thèm thuồng” lắm. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được. (Báo Giáo Dục)
Hình ảnh 1 sinh hoạt nhạc đỏ với những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ


Đông Kha

Source: https://nhacxua.vn/bai-hat-trang-tan-tren-he-pho-viet-cho-nguoi-linh-nao/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.