Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Sài Gòn ơi!

Sài Gòn ơi!


 
Trước đây, nhạc sĩ Nam Lộc cũng đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí VietSun ở Canada về những ngày cuối tháng tư 1975 khi ông rời khỏi Sài Gòn và những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ. Đó cũng là hoàn cảnh và tâm sự của tác giả bài hát “Sài Gòn ơi! Vĩnh Biệt”. Xin trích một đoạn của bài phỏng vấn này.

...Để rồi hôm nay, chúng tôi được ngồi đây say sưa nghe câu chuyện về một quãng đời, về những may mắn trong cuộc sống và về một đam mê thích làm công tác xã hội… qua giọng kể của chính “Người Nhạc sĩ của Tháng Tư” (Tác giả Sơn Lai Khê đã gọi nhạc sĩ Nam Lộc như thế trong một bài viết của mình).

NL: “Sài Gòn những ngày cuối tháng 4 rất náo loạn, do em gái tôi làm việc tại Tòa đại sứ Mỹ nên trước đó 2-3 ngày, gia đình tôi gồm ba mẹ và 10 anh chị em đã được đưa vào nơi tập trung của Mỹ để chờ ngày rời khỏi Việt Nam, riêng tôi không được đi vì lúc đó tôi vẫn đang làm phóng viên trong quân đội. Tối ngày 25 tháng 4, tôi đang ngồi nhà thì một người bạn của em trai tôi là ông Võ Văn Vẹn - phụ tá tổng trưởng kinh tế thời đó tới tìm, tôi nói em trai tôi đi rồi, ổng mới hỏi tôi:
- Thế còn ông làm gì ở đây?
Tôi trả lời:
- Thì tôi ở đây chờ xem tình hình thế nào, nếu cần thì phải đi, còn bị kẹt thì ở lại thôi vì cả gia đình tôi đi rồi.
- Đi với tôi ra phi trường không? – ông Vẹn hỏi.
- Thôi, ông ơi. Đi bây giờ nguy hiểm lắm!
- Đi với tôi không ai đụng tới đâu.
Thế là 5h sáng hôm sau, tôi đi theo ông Vẹn vào phi trường với mục đích chỉ để nghe ngóng tình hình. Tới lúc đón xong người, rời phi trường thì ông Vẹn nói với tôi:
- Ủa, mà Lộc ra làm chi, ở đây luôn đi. Chờ gia đình vào rồi cùng gia đình đi luôn. 9h sáng tôi sẽ quay lại. (Nhưng tôi đã không gặp lại ông Vẹn ở phi trường cho tới 16 năm sau khi tôi cùng phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tới Việt Nam làm việc về chương trình HO năm 1991. Lúc đó tôi mới biết rằng ông Vẹn có quay lại phi trường vào lúc 6h sáng hôm đó nhưng tình hình đã thay đổi, tới đây cũng không được vào và kết cục là ông bị kẹt lại chịu cảnh tù đày khổ cực.)
Nghĩ rằng đây cũng là nơi mà gia đình sẽ vào để rời khỏi Việt Nam, nên mặc dù trong người không mang theo giấy tờ, tôi quyết định ở lại. Tôi lang thang, mò mẫm trong phi trường tình cờ trông thấy người bạn thân Đức Huy đang đứng gọi tên người lên máy bay. Tôi biết Đức Huy cũng là lính trong quân đội nhưng một người Việt đứng giữa một đám Mỹ trước cả ngàn người đang chờ lên máy bay, không chừng bạn mình bây giờ là CIA??? Nghĩ vậy, nên tôi tính lảng đi, vì sợ bị bắt khi trong người không có giấy tờ. Vừa quay lưng đi, thì không kịp, Đức Huy đã nhìn thấy tôi:
- Lộc, vô đây mày!
- Thôi, OK, OK… - Tôi vừa bỏ đi vừa sợ.
- Không, mày vô đây, vô đây. Mệt không?
- Cũng mệt!
Nhờ Đức Huy, lần đầu tiên trong đời tôi được uống lon Coca lạnh và ăn Hamburger. Nỗi nghi ngại, sợ hãi tan biến khi nghe Đức Huy kể lý do anh ở đây…
- Hết mệt chưa mày? Ra phụ tao gọi tên đi vì tụi Mỹ không gọi được tên Việt Nam! - Đức Huy giục giã
Thế là chỉ trong vòng nửa tiếng, từ tình trạng “bất hợp pháp” tôi được đứng ở vị trí “đầy quyền lực” gọi tên người di tản. Tôi ở trong phi trường chờ 1 ngày, 2 ngày vẫn không thấy gia đình, nóng ruột quá, rất muốn ra ngoài tìm gia đình nhưng không có giấy tờ làm sao ra? Tối 27 tháng 4, nhận được tin tình báo rằng hôm sau phi trường sẽ bị tập kích, nghe người ta nói rằng gia đình tôi và những người khác sẽ được đưa đi từ bên ngoài, nên tôi đã lên máy bay rời khỏi Việt Nam ngay tối hôm đó. Quả đúng như vậy, sáng 28 tháng 4, phi trường bị pháo kích, toàn bộ gia đình tôi đã bị kẹt lại, phải chia ra thành nhiều chuyến vượt biển sau này.

Khi sang tới Mỹ, tôi được đưa vào trại tị nạn Pendleton ở Nam California – nơi có đông người Việt tị nạn nhất trong số 4 trại tị nạn ở Hoa Kỳ. Một thân một mình, gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam làm cho nỗi nhớ nhà cồn cào, da diết khiến tôi không muốn rời trại, chỉ muốn kéo dài thời gian ở trong trại càng lâu càng tốt để gặp gỡ và phục vụ người Việt. Tôi giúp làm các công tác xã hội cho cộng đồng trong trại, họ trả cho tôi $5/ngày, mấy tháng trời tôi cũng mua được một chiếc xe hơi cũ.

Trại Pendleton đóng cửa vào 31/10/1975, tôi là người Việt Nam cuối cùng rời trại. Sáng ngày 1 tháng 11, tôi mới lái xe đi Los Angeles để tìm việc làm, dự tính xin được việc ở đâu mới mướn nhà ở đó. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi tìm được việc làm ép giường nước ở một hãng gần phi trường LAX. Mức lương tối thiểu lúc bấy giờ $2.1/h cũng đủ làm tôi phấn khởi, vì thấy hơn nhiều so với $5/ngày lúc ở trong trại. Khi đi thuê nhà, người ta nói với tôi rằng hội USCC (Cơ quan từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ) có trợ giúp mỗi người $300 để bắt đầu cuộc sống, nhưng lúc đó tôi tự nhủ đời mình sẽ không ngửa tay xin tiền, phải làm bằng chính sức của mình. Nhưng làm được nửa tháng, công việc làm cực quá, mấy cái máy ép nóng làm cháy cả tay, lãnh tấm cheque một trăm mấy đồng bạc thì phải trả tiền nhà hết $150… Nghĩ lại, $300 tiền trợ cấp cũng là “lots of money”, bây giờ mình cứ mượn rồi mai mốt mình trả lại… Thế là tôi quyết định dẹp tự ái, đi tới USCC đăng ký xin tiền trợ cấp.

Cầm tấm cheque $300 trên tay, tôi bước ra về thì bị mấy nhân viên văn phòng USCC chặn lại, thì ra, bà giám đốc USCC đã và đang tìm tôi khắp nơi vì họ cần một người có kinh nghiệm làm việc với đồng bào để phụ giúp công việc của chương trình định cư, vì lúc bấy giờ chẳng ai có kinh nghiệm về di trú cả mà tôi thì đã trải qua mấy tháng trời phục vụ cộng đồng trong trại. Tôi nhận lời làm việc cho USCC bước đầu là Case Aid, sau đó họ đưa tôi đi học về công tác xã hội (social work), học về di trú. Công việc văn phòng và mức lương mỗi tháng $660 lúc bấy giờ là một bước ngoặt may mắn trong cuộc đời để tôi có thể thực hiện và theo đuổi công việc xã hội phục vụ cộng đồng tại USCC hơn 30 năm cho tới ngày hôm nay.”




Hình chụp lúc nhạc sĩ Nam Lộc và phái đoàn USCC đón đồng hương tỵ nạn vừa đến Mỹ tại phi trường Los Angeles vào năm 1979.

VietSun Magazine (VS): Thưa chú Nam Lộc, theo chú, điều gì là khó khăn nhất trong cuộc sống tha hương?

Nhạc sĩ Nam Lộc: Nhiều người cho rằng, ai cũng phải trải qua những khó khăn về ngôn ngữ, về sự thích nghi hoàn cảnh sống… Chú nghĩ là những cái đó có thể gọi là cực, nhưng đối với người Việt Nam tị nạn thì nghị lực giúp chúng ta vượt qua hết. Mà điều cực khổ, khó khăn nhất là tinh thần, tình cảm gia đình. Bản thân chú những năm đầu tị nạn, có việc, có tiền, có bạn bè… nhưng nghĩ về gia đình còn kẹt lại ở quê nhà thì trong lòng rất đau xót, khổ tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.