THẾ SỰ ĐUA TRANH
NÓI DẠI KHÔN
HƯƠNG GIANG THÁI VĂN KIỂM
Trên đời này, chúng ta cứ mải nghe thiên hạ khen người này khôn, chê người kia dại, mà chẳng mấy ai tự xét mình khôn hay là dại. Xét cho kỹ: người khôn thì ít mà người dại thì nhiều. Không những dại mà còn điên khùng nữa! Tuy nhiên, khi mà mình biết tự xét và tự nhận là dại, tức là mình còn có trí khôn, còn có thể cải tiến. Ngược lại, có những kẻ không chịu nhận mình là khờ dại, mà cứ ngoan cố tiếp tục hành động một cách khờ dại, thì chỉ rước hại cho mình mà thôi.
Từ xưa, những bậc thức giả không ngớt bàn tán, suy luận về hai chữ khôn và dại. Ngày nay, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu hai chữ khôn và dại, thế nào là khôn và thế nào là dại, rồi xét xem trong trường hợp nào, cái khôn có thể thành cái dại, và cái dại có thể thành cái khôn.
Chúng ta sẽ duyệt xét nhiều trường hợp điển hình và nhiều quan điểm của các bậc triết gia và thức giả, để làm sáng tỏ vấn đề.
I. Quan điểm của đức Khổng Tử.
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu quan điểm của đức Khổng Tử, vạn thế sư biểu, trong câu truyện sau đây:
Ngày xưa, vua Ai Công nước Lỗ hỏi đức Khổng Tử:
- Người khôn có sống lâu không?
Đức Khổng Tử đáp:
- Có khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được!
Người ta có thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chớ không phải số mệnh đáng chết mà chết! Thí dụ như:
a. Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, làm lụng khó nhọc quá, lười biếng chơi bời quá, người như thế phải chết về bệnh tật.
b. Phận làm người dưới, mà can phạm người trên, lòng tham muốn không chừng, tính yêu cầu không chán, người thế thì phải chết về hình pháp.
c. Mình ngu mà kình địch với người khôn, mình yếu mà khinh bỉ người mạnh, không biết lượng sức mình, mà cứ giận dữ làm liều, người như thế thì chết về binh đao.
Ba thứ chết ấy, thực không phải là số mệnh, chỉ tự mình giết mình mà thôi.
Quan điểm của đức Khổng Tử rõ ràng, minh bạch, chẳng cần bày tỏ thêm.
II. Quan điểm của Trang Tử:
Trang Tử, kế nghiệp triết gia Lão Tử, đã tỏ ra cao siêu uyên thâm và có phần khoáng đạt trong nghệ thuật hành xử và xuất thế của mình. Câu truyện sau đây sẽ chứng minh sự suy luận sâu sắc của Trang Tử:
“Trang Châu thường giao du mật thiết với người nước Tống tên là Huệ Thu và hai ông cùng nhau tranh luận rất sôi nổi. Sách Trang Tử có ghi lại những lời vấn nạn và biện luận của Trang Châu và Huệ Thu khá nhiều.
Trang Tử và Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: Đàn cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó. Huệ Tử nói: Ông không là cá, sao lại biết cá vui? Trang Tử nói: Ông không phải tôi, sao biết tôi không biết? Huệ Tử nói: Tôi không phải ông nên không thể biết được ông, còn ông không phải cá, ông cũng hẳn không sao biết được cái vui của cá! Trang Tử nói: Xin xét lại câu hỏi đầu: Ông hỏi tôi làm sao biết cá vui. Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi “làm sao mà biết”. Thì đây, làm như vầy: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết đó (Thu Thủy thiên).
Về sau, Huệ Tử mất, khi đi ngang qua mộ, Trang Tử than thở: Từ khi ông mất, tôi không cùng ai bàn bạc, chất vấn được nữa.
Sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử bàn về hành động Tam Nguyên (trilogisme) như sau:
“Trang Tử đi trên núi, thấy một cây lớn, cành lá rườm rà. Người thợ đốn cây đứng một bên mà không đốn. Hỏi duyên cớ, thì thưa rằng:
—Cây này không dùng được cái gì hết.
Trang Tử nói với các đệ tử:
— Cây này vì bất tài mà được hưởng tận tuổi trời.
Ra khỏi núi Trang Tử ghé nghỉ nơi một nhà người quen. Người này mừng rỡ, hối trẻ giết nhạn đãi khách.
Trẻ thưa:
— Một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?
Chủ nhà nói:
— Giết con không biết gáy!
Bữa sau đệ tử hỏi Trang Tử:
— Hôm qua cái cây trong núi nhờ bất tài mà sống tận tuổi trời. Nay con nhạn của chủ nhơn vì bất tài mà chết! Như ở vào địa vị của tiên sinh, phải xử như thế nào?
Trang Tử cười bảo:
- Châu này thì xử vào giữa khoảng tài và bất tài. Tài và bất tài cũng như nhau. Cả hai đều không có cái nào phải (tuyệt đối) cả, nên làm sao mà phải lụy thân? Nếu biết cỡi lên Đạo và Đức mà ngao du thì đâu còn lụy như thế: không màng khen, không sợ chê, khi lên như rồng khi bò như rắn, cùng hóa với chữ “Thời” mà không chịu khư khư theo một thái độ nào nhất định. Khi lên cao, khi xuống thấp, lấy chữ “Hòa” làm cân lượng, ngao du nơi Tổ của vạn vật, thì làm sao mà có thể bị lụy?
Đó là phép tắc của Thần Nông, Hoàng Đế. Đến như lấy cái tình của vạn vật mà truyền dạy về nhơn luân, thì không thế. Hễ có hợp phải có tan, hễ có thành phải có hủy, hễ ngay thẳng thì bị chống đối, được tôn quý thì bị chê bai, có làm thì có sót. Giỏi thì bị mưu lật, mà dở thì bị khinh khi, vậy có thể nào mà quyết hẳn được bên nào. Thương thay! Các đệ tử hãy ghi lấy: “Chỉ có Đạo và Đức là nền tảng vững vàng để theo đó mà hành động thôi” (Sơn Mộc).
Cái thuật xử thế theo Tam Nguyên (trilogisme) là có thể theo ba (3) lối: tả, hữu và trung. Các triết gia đặc biệt là Khổng Tử xem cái trung đạo, trung dung (voie médiane) là tốt hơn hết, cũng như người La Tinh đã nói Inmedium state virtus (la vertu demeure au milieu), cũng giống như cái dây đàn trong bài giảng của đức Phật: căng quá thì đứt, dùn quá thì không kêu, căng vừa phải, thì khảy ra tiếng, ra âm thanh nghe êm tai!
Cái đường ở giữa này không có nghĩa là không theo phe nào hết. Trong trường hợp chỉ có hai phe tốt và xấu, thì đương nhiên là ta phải theo phe nào tốt, bỏ phe xấu, đi theo đường tốt, bỏ đường xấu. Nhất là trong thời loạn, thời biến thì phải biết: “Xử biến tòng quyền, xử thường nghi chấp kinh” gặp nguy biến thì phải dùng quyền thuật, gặp việc tầm thường thì xử sự theo kinh nghiệm thông thường. Cũng như Tây phương nói: “Aux petits maux, les remèdes de grande mère, aux grands, maux, les remèdes déléphant!”
Nhắc lại việc Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.
Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một tên thợ trừng đứng bên nó mà không đốn.
Hỏi tại sao, nó nói: “Không dùng đặng nó chỗ nào hết”. Trang Tử nói: “Cây này vì bất tài mà đặng sống lâu”.
Ra khỏi núi, Trang Tử ghé nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn.
Thằng nhỏ thưa: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?” Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy”.
Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: “Hôm qua, cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí như thế nào?”
Trang Tử cười nói: “Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân... Chỉ có kẻ nào biết... là sống mà thôi...”. Thế là:
KHÔN, chết...
DẠI, chết...
BIẾT, sống...
III. Quan điểm của Phạm Lãi:
Bây giờ đến lượt chúng ta xét kỹ cách xử thế của Phạm Lãi, Tướng Quốc của nước Việt trong Bách Việt ngày xưa. Sau khi đã giúp Việt Câu Tiễn diệt Ngô, bèn đi ở ẩn ở đất Đào, lấy tên là Đào Chu Công, theo Sử Ký của Tư Mã Thiên.
Phạm Lãi bỏ Việt Câu Tiễn, vượt bể sang Tề, đổi họ tên tự gọi là Chi Di Tử Bi... Sau sang ở đất Đào. Ở đó làm giàu hàng mấy vạn vạn. Thiên hạ gọi là Đào Chu Công. Ở Đào, người con trai thứ của Chu Công giết người bị bắt cầm tù ở Sở.
Chu Công lấy nghìn nén vàng sai người con út đi lo. Cậu con cả cũng xin đi, Chu Công không nghe. Người con trưởng nói: Nhà có con cả gọi là kẻ độc xuất trong nhà. Nay em có tội, Người chẳng sai mà lại sai em út. Thế ra con chả ra gì!
Nói rồi toan tự sát. Người mẹ cũng nói hộ. Cực chẳng đã Chu Công mới sai người con cả. Viết phong thư đưa cho người bạn cũ là Trang Sinh và căn dặn con:
— Đến là dâng nghìn lượng vàng vào nhà Trang Sinh. Mặc ông ta làm gì thì làm. Cẩn thận đấy! Đừng có tranh khôn với ông ta!
Người con cả khi đi cũng tự đem riêng vài trăm nén vàng sang Sở. Trang Sinh nhà ở kề bên ngoài thành, giữa đám rau cỏ. Tới cửa coi vẻ rất nghèo. Nhưng người con cả cũng đưa thư, dâng nghìn vàng, theo lời căn dặn. Trang Sinh nói:
— Thôi anh nên đi ngay! Đừng ở lại đây. Dù em có ra được cũng đừng hỏi tại sao!
Người con cả ra, không qua lại Trang Sinh nữa, nhưng ngầm ở lại, lấy của riêng dâng cho một quý nhân có quyền thế ở Sở.
Trang Sinh tuy ở một xóm hẻo lánh, song có tiếng liêm và thẳng với cả nước. Từ vua Sở trở xuống đều tôn là bậc thầy.
Trang Sinh thong thả vào ra mắt vua Sở, nói:
— Ngôi sao Mỗ đóng chỗ mỗ, cái đó hại cho Sở.
Vua Sở vốn tin Trang Sinh, liền hỏi:
— Giờ phải làm sao?
Trang Sinh nói:
— Chỉ có cách dùng Đức là có thể trừ được.
Vua Sở nói:
— Thưa Thầy về nghỉ! Quả nhân sẽ làm theo. Bèn sai sứ giả niêm phong ba kho, phòng ngừa thiên tai thủy nạn, mà phát cho dân.
Quý nhân nước Sở kinh ngạc, bảo người con cả của Chu Công:
— Nhà vua sắp đại xá.
— Thưa sao biết ạ?
— Mỗi lần nhà vua sắp đại xá, thường cho niêm phong ba kho tiền. Chiều qua nhà vua đã sai sứ đi niêm phong.
Người con của Chu Công cho là: Nếu đại xá thì thế nào em cũng được tha. Tiếc ngàn vàng đem cho lão Trang Sinh mà không được việc gì, bèn lại ra mắt Trang Sinh. Trang Sinh giựt mình:
— Anh chưa về à?
Người con cả nói:
— Thưa vẫn chưa! Trước kia vì việc thằng em. Nay em nó may được hưởng lệnh đại xá, vậy lại đây chào cụ để về.
Trang Sinh biết ý muốn lấy lại vàng, bèn nói:
— Anh vào trong nhà lấy lại vàng!
Người con trưởng liền tự vào nhà lấy vàng đem ra, lòng mừng khấp khởi.
Trang Sinh tuy đã nói có ý trả vàng cho Chu Công, nhưng xấu hổ vì bị đứa trẻ con nó đánh lừa, bèn ra mắt vua Sở mà nói rằng:
— Tôi trước có nói chuyện về ngôi sao mỗ. Nhà vua nói sẽ sửa đức mà bù lại. Nay tôi ra đường đâu cũng đồn rằng: Đứa con Chu Công là một nhà giàu ở Đào. Giết người bị tù ở Sở. Nhà nó đem vàng đút lót các quan hầu nhà vua. Vậy nhà vua không phải vì biết thương nước Sở mà ra lệnh đại xá đâu, chỉ vì chuyện con Chu Công đó thôi!
Vua Sở cả giận, liền làm án giết con Chu Công. Ngày mai bèn xuống lệnh ân xá. Con cả Chu Công sót lại, được đưa đám táng em trở về. Người mẹ và người làng đều lấy làm xót thương. Chỉ có Chu Công cười một mình mà rằng:
— Ta cũng biết thế nào nó cũng giết em nó, không phải nó không yêu em nó đâu, nhưng có điều là nó không thể dửng dưng nổi. Nó từ nhỏ đã cũng chịu khổ cùng ta, thấy việc làm ăn khó, cho nên bỏ của thì tiếc. Đến như thằng út nó đẻ ra là thấy giàu: Cưỡi xe bền, rong ngựa tốt, theo đuổi cẩu cáo, nào có biết từ đâu mà đến, cho nên phung phí, thường chẳng biết tiếc rẻ gì cả. Hôm trước ta sở dĩ muốn sai thằng Út, chỉ vì cớ nó biết coi thường tiền bạc đó mà thôi. Thằng Cả thì không biết thế, vì vậy mà làm chết em nó. Lẽ đời là thế, có gì đáng thương. Thì ngày đêm ta vẫn mong nó đưa đám tang em nó về...”.
IV. Quan điểm của Trần Kế Xương
Trần Kế Xương, quê quán làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, thường gọi là ông Tú Xương. Đỗ tú tài sớm, nổi tiếng là một người hay chữ mà thi mãi không đậu Cử nhân. Ở nhà dạy học, ngâm vịnh rất nhiều. Ông sở trưởng nhất về lối văn phúng thế, bài nào cũng có giọng chua cay mai mỉa, lại có tài xuất khẩu thành chương, nên nhiều bài thơ văn của ông rất tự nhiên là hay.
Tú Xương để lại cho hậu thế nhiều bài thơ trào phúng, châm biếm, lộng ngôn, hài hước, như bài thơ “Dại Khôn” sau đây:
Dại Khôn
Thế sự đua nhau nói dại khôn.
Biết ai là dại, biết ai khôn?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn văn chương ấy dại khôn.
Mấy kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn.
Cái khôn ai cũng khôn là thế.
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
Trong bài thơ trên, có sáu câu đầu trình bày sự khôn dại của người đời một cách sâu sắc và chí lý, còn hai câu sau gần như thừa, có lẽ nhà thơ muốn thêm vào cho đủ tám câu, cho trọn một bài thất ngôn bát cú, chứ thật ra hai câu đó chẳng có ý tứ gì mới lạ cả.
Hai câu có nghĩa nhất là:
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn văn chương ấy dại khôn.
Trong hai lãnh vực đó: văn chương và cờ bạc, thì Tú Xương đã chọn văn chương làm thú vui và hoạt động của mình. Và ông cũng tự nghĩ rằng văn chương tuy không đem lại tiền của, nhưng cũng có thể mở mang trí tuệ và đem lại vinh quang.
V. Quan điểm của Phan Bội Châu
Nói về khôn và dại, cụ Phan Sào Nam đã viết như sau: “Khôn sống bống chết” là một câu thành ngữ ở đầu miệng người ta. Nhưng có ai biết đâu! Khôn mà đã chắc gì sống đâu! Vụng bống mà đã chắc gì khôn, kia những người chết đó, cũng vị tất thảy là người vụng. “Than ôi! Cơ đời biến chuyển, tránh né pháo mã, lại e mắc phải pháo đầu, đường đời nhiêu khê, “thấy được đường quang, e bước quàng đường rậm!” Có lúc vì khôn mà sống, lại có lúc vì khôn mà chết! Có lúc vì dại mà chết, nhưng có lúc nhờ dại mà sống!
“Xưa ông Ninh Võ Tử gặp lúc nước hữu đạo thì thấy ra một người khôn, gặp lúc nước vô đạo thì lại thấy ra một người dại. Mà đức Khổng Tử phán đoán ra rằng: “Cái khôn của ông, người ta có thể bằng được, còn cái dại của ông người ta không thể bằng được”.
Chúng ta mở đôi mắt xem đời, đem một bộ óc xét việc khôn hay dại, dại hay khôn, biết lấy gì làm bằng cớ ư? Nếu ta biết được thập phần chắc chắn cái nên khôn mà khôn, thì khôn là sống, cái nên dại mà dại, thì dại là sống. Sống chẳng phải chết ở nhãn tiền, mà e chết ở thân hậu. Muốn cầu cho hoàn toàn sự sống, có gì hơn một chữ biết nữa đâu! Hay đáo để! Mà cũng tinh thấu đáo để. Chỉ có sáu chữ: “Khôn chết, dại chết, biết sống”.
Ta còn tìm thấy cổ ngữ “bống” trong câu ca dao lịch sử:
Lênh đênh qua bể Thân Phù
Khéo tu thì sống, bống tu thì chìm!
Ám chỉ việc Nguyễn Hữu Chỉnh, tức là Bằng Quận Công, tức là “con sáo sang sông” chở vàng bạc châu báu từ Bắc Hà vào Nam, ngang tới cửa bể Thần Phù thì bị sóng to gió lớn mà chìm thuyền, bao nhiêu của cải bị rơi xuống vực sâu! Đó là kho vàng Sầm Sơn đã từng làm náo động công luận nước ta vào thời tiền chiến. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Chỉnh nhờ “Trời còn ngó lại” mà thoát nạn, rồi còn vùng vẫy một thời gian nữa trước khi bị Nguyễn Huệ trị tội.
VI. Quan niệm của Tản Đà
Cái “biết” của Trang Tử có phần giống với cái “Thiên Lương” của Tản Đà, đã từng có cái mộng làm “nhà văn học kiêm triết học ở Đông Dương” được Trời trao cho sứ mạng xuống trần để truyền bá Thiên Lương:
Trời định sai con một việc này;
Là việc Thiên Lương của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay.
Tản Đà giải thích: Thuật “Thiên Lương” là cái hay của Trời cho, tự nhiên trong lòng người, phàm người ai cũng có”.
1. Lương tri là cái trí giác của trời cho, để cảm biết sự vật.
2. Lương tâm là cái bụng dạ của trời cho, để tiếp nhận các sự vật.
3. Lương năng là cái tài giỏi của trời cho để làm theo các sự vật.
Thiên Lương có “sức vận động khỏe hay yếu là bởi Thiên Lương lớn hay bé. Phương hướng vận động tùy theo khí lực của mỗi người”.
Thiên Lương có công dụng: “Người ta hơn vật là nhờ có thiên lương. Các người hơn người được là nhờ có thiên lương hơn người. Thế giới mỗi ngày được tiến hóa là nhờ có thiên lương của những người hơn người”.
Theo tôi, Thiên Lương là lẽ phải (le bon sens, la sapience), mà lẽ phải là điều do Trời ban đồng đều (la chose la mieux partagée du monde).
Trần Thái Tông (1198-1258), tác giả Khóa Hư Lục, chủ trương rằng người ta sinh ra trên đời này, có kẻ khôn, người dại, hết thảy đều nhờ vào sự giác ngộ cả: “Đạo Phật không chia ra phương Nam phương Bắc, ở đâu cũng lấy sự tu hành để tìm. Tính người ta có kẻ khôn, kẻ ngu, hết thảy đều nhờ vào sự giác ngộ cả. Cho nên việc dẫn dụ đám mê muội, vạch rõ con đường sống chết, ấy là tôn chỉ chính của Phật. Đến việc cầm cân nẩy mực cho hậu thế noi theo, làm khuôn mẫu cho các thế hệ mai sau, ấy là trách nhiệm trọng yếu của các tiên thánh Khổng Nho. Bởi vậy mà Lục Tổ Huệ Năng có nói:
“Tiên thánh và đại sư không có khác nhau, nên biết rằng giáo lý của Phật tổ lại phải mượn tay thánh nhân xưa để truyền bá ra cho đời. Nay ta sao lại có thể lấy trách nhiệm của Thánh Nhân xưa làm trách nhiệm của mình, giáo lý của Phật làm giáo lý của mình được”.
Kết luận
Lại có kẻ bàn về sự sống chết cho rằng: Người ta xưa nay ta vẫn cho khôn ngoan thì chóng già, ngu xuẩn thì sống lâu (ngu si an hưởng thái bình), gỗ tốt hay bị đẽo gọt (danh mộc năng khắc), còn “hủ mộc nan điêu” (gỗ mục khó chạm). Người khôn dùng trí, dùng sức nhiều thì chóng suy yếu. Người ngu chỉ ăn no ngủ kỹ, không lo lắng gì thì sống lâu. Tây phương cũng có câu tục ngữ “Heureux les pauvres desprit!”.
Nhưng xét một cách khác thì trái lại hẳn: “Khôn thì sống, dại thì chết, khôn ăn người, dại người ăn”.
Ngạn ngữ La Tinh có câu: “Homo hominem lupus” (lhomme est un loup pour lhomme), người là chó sói của người!
Lời đáp của đức Khổng Tử với Ai Công chỉ đề cập hai điều khôn và dại mà thôi. Nay, Phan Sào Nam dựa trên tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử thêm vào một điều nữa là biết. Biết đây đồng nghĩa với Trí của Hán Tự, còn Tây Phương thì dùng những chữ: intelligence, clairvoyance, discernement, clear-sightedness... Trí là một trong năm đức tính mà đạo Khổng gọi là ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Ta cũng nên hiểu thêm rằng Trí rất gần với Khôn, rất xa với Dại. Ngoài ra, nhiều lúc cũng phải giả dại để cho được việc, để thoát thân, để tự cứu mình ra khỏi nguy khốn, cho nên mới có thành ngữ: giả dại qua ải. Và dại đó tức là khôn vậy.
Về phần cụ Trạng Trình, ai khôn hơn cụ? Nhưng cụ vẫn tự cho mình là dại:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao!
Cũng như Đào Uyên Minh (372-427) đời Đông Tấn, đương làm tri huyện Bành Trạch, mà quan trên buộc phải mang đai ra đón, bèn treo ấn từ quan, rút về vườn cũ, ca ngâm “Qui khứ lai từ” như là để nhắn nhủ với người đời rằng “Nay khôn rồi chẳng dại như xưa":
Ăn năn thì sự đã rồi,
Từ đây nghĩ lại biết thôi mới là.
Lối đi lạc chửa xa là mấy,
Nay khôn rồi chẳng dại như xưa.
Con thuyền thuận nẻo gió đưa,
Gió hây hẩy áo, thuyền lơ lửng chèo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.