Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

SƠ LƯỢC NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM TIỀN BÁN THẾ KỶ 20

SƠ LƯỢC NỀN VĂN HỌC  
VIỆT NAM TIỀN BÁN
THẾ KỶ 20

Tạ Quang
Khôi

                                               

Giáo sư Tạ Quang Khôi là một thân hữu của Hội Gia Long Miền Ðông Hoa  Kỳ từ lâu. Ông còn là một nhà văn. Từ thập niên 1960, thời Việt Nam Cộng Hòa, ông viết cho nhiều tờ báo
, nhiều truyện ngắn, truyện dài và được nhiều độc giả ái mộ. Ông vượt biên với các con tới  Mỹ đầu thập niên 1980, hiện sống tại Virginia, Hoa  Kỳ.


Nói tới nền văn học của một nước dù chỉ nửa thế kỷ trong một bài ngắn chúng tôi e sẽ nông cạn, hời hợt, nhất là văn học nửa thế kỷ đầu 20 của Việt Nam rất phong phú. Vì thế, chúng tôi cố gắng chỉ nói tới những điểm chính, quan trọng. Dù vậy, chúng tôi vẫn tin là sẽ thiếu sót rất nhiều. Dám mong quý vị thông cảm và lượng thứ.
    Nền văn học Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20 rất quan trọng trong văn học sử. Sau gần mười thế kỷ, chúng ta phải mượn chữ Hán làm chữ viết chính để sáng tác và để dùng trong các kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Chữ Nôm, được Hàn Thuyên, đời nhà Trần, sáng chế vào thế kỷ thứ 13, cũng chỉ là một thứ chữ ghép chữ Hán để có thể phát âm tiếng Việt Nhưng chữ Nôm không thông dụng vì không được triều đình dùng trong các khoa thi. Chỉ có Quang Trung đại đế, triều đại Tây Sơn muốn đề cao tinh thần tự chủ đã mở khoa thi tuyển nhân tài bằng chữ Nôm. Nhưng triều đại này quá ngắn, nên chưa gây được ảnh hưởng gì trong dân gian. Trong khi đó, các nhà nho còn dè bĩu, chê là “nôm na mach qué”.  
Ðến đầu thế kỷ 20, văn học Việt Nam có nhiều biến chuyển quan trọng. Trước hết là việc dùng chữ quốc ngữ mẫu tự La Tinh đề sáng tác. Chúng ta đều biết rằng lọai chữ này đã được một nhóm các tu sĩ Thiên Chúa giáo người Tây phương sáng chế vào giữa thế kỷ 17 với mục đích truyền đạo mà người có công nhất là linh mục Alexandre de Rhodes. Ðến giữa thế kỷ 19, Pétrus Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên dùng loại chữ này để viết sách. Nhưng vào hồi đó, Hán học còn thịnh, người ta không chú ý đến sách của ông, dù có những cuốn rất giá trị, như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Ðại Nam Quốc Sử Ký Diễn Ca…
Một biến chuyền khác cũng rất quan trọng là việc triều đình Huế bãi bỏ các kỳ thi Hán Học. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc kỳ là năm Ất Mão (1915) và ở Huế là năm Mậu Ngọ (1918). Trong kỳ thi Mậu Ngọ này, các thí sinh đã phải làm những bài thi bằng chữ quốc ngữ, như luận, toán và sử địa. Không những thế, Pháp văn cũng đã được dùng để khảo hạch thí sinh. Rồi năm Kỷ Mùi (1919) là khóa thi Hội cuối cùng ở Huế mà cũng là khóa thi cuối cùng trên toàn quốc. Như vậy là Hán học đã thực sự cáo chung. Còn thi cử còn người theo học, không thi nữa, người ta học để làm gì?
Khi Hán học suy tàn, chữ quốc ngữ được trọng dụng. Thật ra, học chữ quốc ngữ dễ hơn học chữ Hán rất nhiều. Người ta chỉ cần ba hay bốn tháng đã có thể đọc sách báo được.
Nguyễn Văn Vĩnh
Năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản Ðông Dương Tạp Chí, mở đầu một giai đoạn mới trong nền văn học Việt Nam. Ðông Dương Tạp Chí là một tờ tuần báo, ban biên tập gồm cả những người Tây học cũng như Hán học. Ðến giữa năm 1917, Phạm Quỳnh phát hành tờ nguyệt san Nam Phong tạp chi, Cả hai báo đều đặt tòa soạn ở Hà Nội và được coi như hai luồng gió mới thổi vào nền văn học Việt Nam khiến cho chữ quốc ngữ phát triển nhanh chóng hơn. Người ta thấy đã có nhiều nhà văn, nhà thơ xuất hiện. Các thi sĩ nổi tiếng vào buổi đầu ấy là Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, Tương Phố, Ðông Hồ, Mộng Tuyết… Vào thập niên 1920, hai nhà văn viết tiểu thuyết dài xuất hiện trên văn đàn là Song An Hoàng Ngọc Phách với tác phẩm Tố Tâm, xuất bản năm 1922 và Hồ Biểu Chánh với nhiều tác phẩm, như : Cay Ðắng Mùi đời, Chút Phận Linh Ðinh, Tỉnh Mộng… đa số đăng trong Phụ Nữ Tân Văn ở trong Nam.
Thập niên 1930 là thời kỳ mà nền văn học Việt Nam phát triển đến cùng cực. Gần bảy mươi nhà văn xuất hiện với những tác phẩm giá trị. Nhiều nhóm văn học hay văn đoàn đã được thành lập với những chủ trương khác nhau. Nổi bật nhất là Tự Lực Văn Ðoàn với Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Khái Hưng… hô hào cải cách xã hội; nhóm Hàn Thuyên với Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Ðức Quỳnh…chủ trương cách mạng theo đường lối của đệ tứ quốc tế… Giai đoạn này có thể coi như giai đoạn “Trăm hoa đua nở” của nền văn học Việt Nam. Việc “hoa đua nở” cũng nhờ một phần ở thủ tướng Pháp Léon Blum có khuynh hướng xã hội, nới lỏng phần nào vòng kiểm soát thuộc địa, cho báo chí được một chút tự do ngôn luận. Trong bài này, vì số trang có hạn, chúng tôi chỉ xin nhắc lại một vài điểm đặc biệt.
Trước hết, có thể coi như nổi bật nhất trong thời kỳ này là chuyện cải cách xã hội, phản đối tệ nạn mẹ chồng hành hạ con dâu, coi con dâu như đầy tớ. Nhà văn Nhất Linh trong Tự Lực Văn Ðoàn viết truyện Ðoạn Tuyệt để hô hào bãi bỏ hủ tục làm dâu. Loan là một cô gái mới, có học nên có tư tưởng tiến bộ, phải vâng lời cha mẹ để lấy Thân, con bà Phán Lợi. Thân ít học và nhu nhược, chỉ biết nghe lời mẹ. Hai vợ chồng không hợp nhau nên gia đình lủng củng dù Loan đã cố gắng chịu đựng. Rồi trong một buổi tối, có chuyện xích mích xảy ra giữa mẹ chồng con dâu, bà Phán đánh Loan, nàng chỉ né tránh, không dám phản ứng lại. Nhưng trong khi né tránh nàng đã vô ý làm bà té. Thân tưởng vợ đánh mẹ nên nhảy vào can thiệp. chàng lấy một chiếc lọ đồng để làm khí giới. Loan hoảng sợ phải vơ vội lấy một con dao díp rọc giấy để tự vệ. Trong khi giằng co, nàng ngã xuống giường, Thân cũng mất trớn, ngã theo, nằm đè lên con dao vợ đang cầm, không ngờ dao đâm trúng tim.
Khi ra tòa, Loan được trắng án vì không cố ý giết chồng. Nhưng độc giả thắc mắc không lẽ muốn giải quyết nạn làm dâu trong xã hội Việt Nam người ta phải dùng tới biện pháp tàn bạo như vậy, dù chỉ là vô ý?
Trong khi đó, cũng đề cập tới chuyện mẹ chồng con dâu, nhà văn Nguyễn Công Hoan viết truyện Cô Giáo Minh để bày tỏ quan điểm của mình. Cuộc đời làm dâu của cô giáo Minh cực khổ ngay từ lúc làm đám cưới. Mẹ chết, không được lo việc ma chay cho mẹ, phải mặc áo cô dâu để về nhà chồng trong một đám cưới chạy tang. Nhưng cuối cùng, tác giả cho cô giáo Minh hòa thuận với nhà chồng trong tinh thần đại gia đình. Minh tỏ ra là một người rất chịu đựng và cao thượng. Cô không hề thù ghét những người đã hành hạ cô. Không những thế, khi trúng số một vạn đồng lại đem nửa số tiền đó ra để cứu gia đình cô em chồng, người đã từng hành hạ cô khi chưa ở riêng, và nửa kia đứng tên mẹ chồng tặng một hội thiện. Vào thập niên 1930 một vạn bạc (10 ngàn đồng) là một tài sản rất lớn. Lương công chức cao cấp chỉ hơn một trăm. Cái cao thượng của cô giáo Minh nhiều người cho là không đúng thực tế. Phải chăng Nguyễn Công Hoan muốn đề cao nghề dạy học vì chính ông cũng là một nhà giáo? Thật ra, nghề nào cũng có người tốt người xấu, nhưng nếu đề cao một người quá mức sẽ trở thành lố bịch và xa thực tế.
Nguyễn Công Hoan
Muốn cải cách một xã hội mà hai tác giả đã nêu lên hai giải pháp khác hẳn nhau. Một đàng thì quá khích, dù chỉ là vô ý đâm chết chồng; một đàng thì chịu đựng quá sức tưởng tượng như không còn nhân phẩm nữa. Chuyện mẹ chồng hành hạ con dâu là một khía cạnh của nền văn hóa cổ Việt Nam đã có từ nhiều thế kỷ không thể nhất thời mà hủy bỏ ngay được, vì còn tùy thuộc ở tâm lý con người và hoàn cảnh xã hội. Không phải cứ đi học và có tư tưởng mới là có thể theo mới được. Mấy chục năm sau này, nhiều gia đình vẫn còn lủng củng về chuyện mẹ chồng con dâu.
Ðó là cuộc tranh chấp mới cũ được các nhà văn đề cập tới trong những năm của thập niên 30. Nhưng không phải tất cả các nhà văn, nhà thơ trong thời kỳ đó quan tâm đến cuộc tranh chấp này. Nhiều nhà văn có những khuynh hướng khác nhau. Vì thế, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã xếp loại các nhà văn theo khuynh hướng của họ như sau : phong tục, luận đề, luân lý, truyền kỳ, phóng sự, hoạt kê, tả chân, xã hội, tình cảm, v.v…
Chúng tôi chỉ có thể đề cập tới một số nhà văn tiểu biểu của giai đoạn đó mà thôi, dù rằng nhiều nhà văn hay nhà thơ khác cũng có nhiều giá trị.
Khái Hưng
Trước hết, chúng tôi xin nói tới Khái Hưng mà Vũ Ngọc Phan xếp vào loại các nhà văn có khuynh hướng viết về phong tục. Trong Tự Lực Văn Ðoàn, Khái Hưng là người được độc giả hâm mộ không thua gì Nhất Linh. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm, như : Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Ðẹp…. Văn của ông nhẹ nhàng, trong sáng. Nhiều người cho rằng ông đã bị ảnh hưởng lối văn của Alphonse Daudet, một nhà văn Pháp sống vào cuối thế kỷ 19. Hồi đó, có người thắc mắc tại sao Khái Hưng cùng chí hướng với Nhất Linh và Hoàng Ðạo lại không có tính cách tranh đấu như hai nhà văn này? Cho mãi đến khi Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945 ông mới trở thành một nhà báo tranh đấu quyết liệt. Với bút hiệu “Chàng Lẩn Thẩn” ông đã viết những bài phiếm luận trong báo Việt Nam của Việt Nam Quốc Dân Ðảng để đả kích cộng sản. Lối viết của Chàng Lẩn Thẩn rất độc đáo, tế nhị và sắc bén đến nỗi các chuyên viên tuyên truyền cũng như các nhà báo của Việt Minh không thể đối đáp được, đành giữ im lặng. Có lần chúng phải đem công an tới tấn công tòa báo ở phố Quan Thánh, Hà Nội. Khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào cuối tháng 12 năm 1946, Gia đình Khái Hưng phải tản cư về phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ông liền bị Việt Minh bắt rồi cho vào bao tải dìm xuống sông Cựa Gà thuộc huyện Trực Ninh cho chết.
Khái Hưng ít làm thơ, nhưng bài thơ ông dịch dưới đây được nhiều người ca tụng:


Tình tuyệt vọng

       Lòng ta chôn một khối tình,
   Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
       Tình tuyệt vọng, mối thảm sầu,
   Mà người gieo thảm như hâu không hay.
       Hỡi ôi, người đó, ta đây,
   Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
       Dẫu ta đi trọn đường trần,
   Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi.
       Người dù ngọc nói, hoa cười,
   Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
       Ðường đời lặng lẽ bước tiên,
   Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
       Một niềm tiết liệt đoan trinh,
   Xem thơ nào biết có mình ở trong.
       Ngậm ngùi lòng tự hỏi lòng,
   Người đâu ta ở những dòng thơ đây?

                                      (Sonnet d’Arvers)

Lê Văn Trương
Người thứ hai chúng tôi nhắc tới là nhà văn Lê Văn Trương. Ông được Vũ Ngọc Phan xếp vào khuynh hướng luân lý. Văn của họ Lê không có gì đặc sắc mà luân lý của ông cũng không phải là một thứ luân lý cao siêu, chỉ là những điều giáo huấn bình thường, như tôi phải trung với vua, vợ phải hết lòng với chồng, con phải có hiếu với cha mẹ… Nhưng ông có một biệt tài là viết rất nhanh và rất nhiều, một tháng có thể xuất bản mấy cuốn sách. Ông được các độc giả bậc trung rất ái mộ. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là: Trường Ðời, Người Anh Cả, Tôi là Mẹ, Lòng Mẹ, Cô Thơm, Một Lương Tâm Trong Gió Lốc… Thời đó, vì ông giảng đạo đức nhiều quá, một số nhà phê bình gọi ông là một “Người Hùng”.
Sau này, chúng tôi có hân hạnh được gặp “Người Hùng” ở Saigon, nhưng tiếc rằng ông đã lẫn nên chúng tôi không học hỏi được điều gì mới lạ về kỹ thuật viết tiểu thuyết của ông. Suốt ngày ông chỉ đi tìm và nói chuyện về một bản thảo bị thất lạc. Ông cho rằng nếu bản thảo này được in thành sách có thể sẽ được giải thưởng Nobel về văn chương. Nhưng chính ông cũng không nhớ tựa đề cuốn sách đã viết xong.
Nguyễn Tuân
Nhà văn tiền chiến thứ ba chúng tôi nói đến ở đây là Nguyễn Tuân. Vũ Ngọc Phan xếp Nguyễn Tuân vào khuynh hướng Bút ký. Tác phẩm của ông gồm có: Vang Bóng Một Thời, Chiếc Lư Ðồng Mắt Cua, Một Chuyến Ði, Thiếu Quê Hương…
Vũ Ngọc Phan nhận xét về Vang Bóng Một Thời như sau:
Tác phẩm đầu tay của ông là một văn phẩm gần tới sự toàn thiện toàn mỹ. Ðó là tập Vang Bóng Một Thời (Tân Dân – Hanoi, 1940).
….
Ðọc “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, người ta cũng có một cảm tưởng gần giống như những cảm tưởng trong khi ngắm một bức họa cổ. Gần giống, vì họa sĩ, tác giả bức cổ họa, là người thời xưa có cái óc của thời mình và có những nét, những màu của thời mình; còn tác giả “Vang Bóng Một Thời”chỉ là người khơi đống tro tàn của dĩ vãng để bày lại trước mắt ta những cái ta đã biết qua hay chưa biết rõ
         (Nhà Văn Hiện Ðại, Quyển ba, trang 6)
Cuối cùng, Vũ Ngọc Phan kết luận về Nguyễn Tuân như sau:
Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa.
Nhưng tiếc rằng khi người Việt Nam ham chuộng văn chương Việt Nam thì Nguyễn Tuân đã đi theo cộng sản để viết những bài tuyên truyền rẻ tiền và trơ trẽn, xa hẳn sự thật. Về cuộc tấn cộng của Việt cộng vào Tết Mậu Thân năm 1968, tất cả dân miền Nam đều biết Việt cộng đã thất bại nặng nề, vậy mà Nguyễn Tuân viết bút ký ca tụng “thắng lợi vĩ đại” của cộng sản trong trận tổng tấn công này. Trong bài bút ký “Saigon Tống Mỹ”, in trong Tuyển Tập Nguyễn Tuân, quyển 2, trang 247, do Nhà Xuất Bản Văn Học ở Hà Nội ấn hành nắm 1982, Nguyễn Tuân đã ca tụng sự thắng lợi tưởng tượng của quân Việt cộng như sau:
Tết năm nay to quá, miền Nam ta đánh to quá. Tấn công và nổi dậy khắp bốn mươi ba thành và thị, và hàng trăm thị trấn miền Nam thiết lập chính quyền cách mạng. Diệt năm vạn địch (trong số này có một vạn viễn chinh Hoa Kỳ và tiêu tan hai mươi vạn quân ngụy). Cùng là phá hủy độ ngàn rưởi máy bay. Và vân vân và hằng hà sa số súng trường đạn một và xăng dầu. Chiến thắng quân xâm lược, cách đây 179 cái Tết, chúng ta đã có trận Ðống Ða với ngày mùng 5 tháng giêng lịch sử.
                                                     (trang 247)
Dân miền Nam đều biết rằng cuộc tấn công của Việt cộng vào phi trường Tân Sơn Nhứt đã hoàn toàn thất bại trước sức phản công mãnh liệt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của đại tá không quân Lưu Kim Cương. Ðại tá Cương đã hy sinh vì nước trong trận này.
Mời quý bạn đọc tiếp những lời tuyên truyền rẻ tiền của “nhà văn lớn”;
Vào cùng lúc ấy, xuân lửa giữa Sài Gòn đang đốt đầu các thứ tay sai Mỹ. Mới nghe súng nổ, Thiệu tưởng Kỳ bắt đầu lật đổ mình, Kỳ cũng tưởng Thiệu nó bắt đầu chơi mình, cả chánh tổng lẫn phó tổng, không đứa nào bảo đứa nào, cả hai thằng cùng tẩu vọt cả, mỗi thằng biến một hướng. Thế rồi lửa bốc cháy quanh hàng rào dinh độc lập và lực lượng khởi nghĩa tung hoành tại giữa dinh. Thế rồi sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh ba mặt, bị cháy ba mặt. Thế rồi Ðài Sài Gòn sập. Thế rồi liền liền quân khởi nghĩa đánh chiếm Bến Ðá, Chú Lá, Phú Nhuận, Cây sung, Hàng Sanh, Hàng Thai, Khánh Hội. Và ngã năm Chuồng Chó và ngã tư Bảy Hiền giết và bắt các thứ lính Mỹ…
                             (Trang 248 và 249)
Ai đã ở Saigon lâu năm có biết hai địa danh Chú Lá và Hàng Thai ở đâu không? Ðiều này chứng tỏ “nhà văn lớn” chỉ “nghe hơi nồi chõ” rồi viết bậy bạ, đúng là một cán bộ tuyên truyền hạ cấp của cộng sản. Ðến đây, chúng tôi xin ngưng nói về Nguyễn Tuân để bạn đọc khỏi bực mình. Thât ra không riêng gì Nguyễn Tuân mà mà hầu hết những nhà văn, nhà thơ đi theo cộng sản đều trở thành những tên bồi bút đáng khinh bỉ, chẳng hạn như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Thanh Tịnh… Nhưng việc nhận xét về những tên bồi bút đó không thuộc phạm vi của bài này.
Về thơ, ở bất cứ thời đại nào chúng ta cũng có nhiều thi sĩ.  Có người đã nhận xét rằng tất cả người Việt Nam đều có tâm hồn thi sĩ. Theo Hoài Thanh - Hoài Chân trong “Thi Nhân Việt Nam”, vào giai đoạn đó, chúng ta có hơn bốn mươi nhà thơ. Chúng tôi chỉ có thể  nhắc tới mấy thi sĩ đặc biệt, như Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, Phan Khôi, Thế Lữ, Xuân Diệu.
Tản Đà
Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu được coi như một thi sĩ của buổi giao thời giữa cũ và mới. Ông là người bất đắc chí, sống một cuộc đời long đong, lận đận với nghiệp văn chương báo chí. Thơ văn ông lúc nào cũng bàng bạc một nỗi buồn. Vì cuộc đời lận đận ông có nhiều giấc mộng, cả lớn lẫn nhỏ, nhưng chẳng giấc mộng nào thành sự thật nên ông thất chí, trở thành ngông. Có lần ông dám viết thư lên Trời để hỏi vợ, bị Trời mắng:
Cớ làm sao suồng sã dám đưa thơ?
Chốn thiên cung ai kén rể bao giờ?
Chỉ những sự vẩn vơ mà giấy má.
Chức Nữ tảo tùng giai tế giá,
Hằng Nga bất nại bão phu miên.

Ngay đầu cuốn “Thi Nhân Việt Nam” Hoài Thanh – Hoài Chân đã cung kính viết như sau:

Tiên sinh còn giữ được của thời trước cái cốt cách vững vàng, cái phong thái thung dung. Ðời Tiên sinh tuy bơ vơ, hồn Tiên sinh còn có nơi nương tựa. Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi với tấm lòng bình thản một người thời trước…
                                                                                                 (Thi Nhân Việt Nam, trang 6)

Vũ Ngọc Phan trong “Nhà Văn Hiện Ðại nhận định về Tản Ðà như sau:

Trong số các thi gia Việt Nam hiện đại và thuộc lớp tiền phong, Tản Ðà là một nhà thơ diễn tả đúng nhất tâm hồn Việt Nam; ông đáng làm tiêu biểu lớp người bực trung nước ta; bao nhiêu những điều ao ước, những nỗi băn khoăn, những sự chán nản của hạng người này, người ta đều thấy trong lời thơ ông…

Phần nhiều thơ của Tản Ðà đều buồn. Thơ tình của ông là thơ của người khao khát tình yêu; thơ rượu, thơ chơi của ông là thơ của người chán đời, của người phải tìm những thú vui để khuây khỏa; mà chán đời cũng chỉ vì đời chán mình, đời không chiều mình; rồi nhất là ông có lòng tín ngưỡng…
                                                                       (Nhà Văn Hiện Ðại, trang 223, 224)

Phan Khôi
Nhà thơ thứ hai cần nhắc tới là Phan Khôi. Thật ra, Phan tiên sinh viết văn xuôi nhiều hơn làm thơ. Nhưng ông lại là người làm bài thơ mới đầu tiên ở nước ta, tuy ông là một nhà nho. Bài thơ “Tình Già” đã đi vào văn học sử Việt Nam, dù không phải là tuyệt tác nhưng mọi người đều phải ghi nhớ. Chúng tôi xin chép lại nguyên văn cả bài:
Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở
- Ôi, đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng.
Ðể đến nỗi tình trước, phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay ! Nói mới bậy làm sao chớ,
Buông nhau làm sao cho nỡ.
Thương được chừng nào hay chừng nấy.
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy.
Ta là nhân ngãi,
Ðâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Ðôi cái đầu bạc,
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi,
Ðôi mắt còn có đuôi

Về sau này, vào năm 1956, ở ngoài Bắc, một nhóm văn nghệ sĩ đòi hỏi được tự do sáng tác. Tức thì, họ bị chính quyền cộng sản đàn áp. Phan Khôi làm một bài thơ ngắn có ý thách thức, tỏ ra ông là một nhà nho khí phách:

Làm sao cũng chẳng làm sao,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi,
Dẫu có cái gì cũng chẳng làm sao

Vụ đàn áp này người ta gọi là “Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm”, có nhiều văn nghệ sĩ bị tù hay bị đuổi ra khỏi thành phố Hà Nội và cấm sáng tác, như Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần…
Xuân Diệu
Nhà thơ thứ ba mà chúng tôi muốn nói tới là Xuân Diệu. Khi những bài thơ đầu tiên của Xuân Diệu xuất hiện trên báo, nhiều người đã tỏ vẻ ngạc nhiên vì tưởng một người ngọai quốc, hay đúng ra là một ông Tây, làm thơ chũ Việt. Trong “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết về ông như sau:

“Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam khi Xuân Diệu đến. Người đã đến giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng.

“Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta.”
                                                                                  (Thi Nhân Việt Nam, trang 102)

Chúng ta thử đọc mấy câu thơ mà tác giả Thi Nhân Việt Nam cho là “y phục tối tân” để hiểu Xuân Diệu:

Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử;
Gâm trong lòng và khi đúng chờ ngây;
Và nhạc phấn dưới chân mừng sánh bước;
Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi;
Tà áo mới cũng say mùi gió nước;
Rặng mi dài xao động ánh dương vui.
hoặc :
              Lẫn với đời quay tôi cứ đi
                Người ngòai không thấu giữa lòng si.
                Cũng như xa quá nên tôi chỉ
                Thấy núi yên như một miếng bìa.
 
Quả thật, nếu ngày nay bất ngờ được đọc mấy câu thơ trên, nhiều người trong chúng ta cũng ngạc nhiên về cái “tây” của tác giả, nói chi bảy chục năm trước.

Ðến đây, chúng tôi xin kết thúc bài “Văn Học Việt Nam Tiền Bán Thế Kỷ 20” với nhà thơ Thế Lữ. Trong thập niên 1930, Thế Lữ là một nhà thơ được người yêu thơ coi là thi sĩ hàng đầu của thơ mới. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến những bài thơ nổi tiếng như: Nhớ Rừng, Tiếng Sáo Thiên Thai, Giây Phút Chạnh Lòng… Một số người hồi đó cho rằng ông đã viết Nhớ Rừng để tả tâm trạng của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Nhưng có nhiều người khác không đồng ý vì cho rằng Bảo Ðại chỉ là một ông vua nhu nhược, ham chơi hơn là lo việc nước, việc dân. Người ta không tìm thấy ở ông cái hào khí như:

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.

hoặc:

Ðâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Ðể ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi ! thời oanh liệt nay còn đâu!

Khi bài “Tiếng Sáo Thiên Thai” ra đời, nhưng người ái mộ Thế Lữ đã coi ông như một người có “tiên cốt”. Người ta cho rằng phải có “cốt” tiên mới làm được những câu thơ như:

Trời cao xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai.
Theo chim tiếng sáo lên khơi,
Lại theo dòng suối bên người Tiên nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh.
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Ðẹp như Ngọc nữ uốn mình trong không.
Thiên thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay.
Thế Lữ

    Thế Lữ được độc giả ái mộ như vậy, còn nhà phê bình thơ nhận xét ông ra sao, xin mời các bạn đọc Hoài Thanh và Hoài Chân trong “Thi Nhân Việt Nam”:

    Ðộ ấy, thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ
                                                                                                                                                   (trang 48)

    Chúng tôi nghĩ rằng khó có lời khen nào có thể nồng nhiệt hơn lời khen trên.
    Vũ Ngọc Phan cũng nhận xét về Thế Lữ như sau:
              Ông mới là thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới.

(Nhà Văn Hiện Ðại, Tập hai, trang 691, ấn bản 1989)

    Nền văn học tiền bán thế kỷ 20 bắt đầu suy kém từ đầu năm 1945. Trong năm này có nhiều biến cố trọng đại xảy ra khiến chuyện văn chương thơ phú bị lu mờ hẳn đi. Ðầu năm là trận đói kinh khủng giết chết gần hai triệu người dân quê vùng đồng bằng Bắc Việt. Biến cố thứ hai là cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng 3. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Ðến tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền. Từ đó, văn chương, chữ nghĩa được dùng để tuyên truyền chống Pháp, ít có tính chất nghệ thuật hay đúng ra chỉ có kỹ thuật tuyên truyền với nhiều điều không xác thực. Rồi cuộc kháng chiến bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, văn chương tuyên truyền được phát triển mạnh mẽ hơn.

    Cảm ơn quý vị đã cùng chúng tôi “cưỡi ngựa xem hoa”. Vườn hoa rộng mênh mông bát ngát với nhiều kỳ hoa dị thảo mà chúng ta phải phi nước đại nên đã bỏ sót nhiều bông hoa quý, chỉ vì thời gian quá eo hẹp, số trang báo cũng bị hạn chế. Mong quý vị thông cảm mà lượng thứ cho sự nông cạn và hời hợt của bài viết này.

                                                                                                           Tạ Quang Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.