Bài diễn văn của Giáo sư Bill Brody, Viện trưởng Viện Đại học Johns Hopkins
Buổi trưa, ngày thứ Hai, 25 tháng 4, 2005
Tại phòng ăn của Hội Metropolitan, thành phố New York
Vào giữa thập niên 1960, khi cuộc chiến VN lên cao điểm, quân đội Mỹ phải đương đầu với một khó khăn lớn lao. Đó là những khu rừng dày đặc tại VN mà dù chúng ta có xe tăng, tàu bò tối tân cũng không vượt qua được những khu rừng này. Thành ra một số nhà khoa học của chúng ta nảy ra một sáng kiến. Họ nói là quân đội của ta cần một đàn voi rô-bô bằng máy để cản vào những khu rừng này. Rồi thì họ sử dụng những đồng tiền thuế mà chúng ta kiếm được rất vất vả để nghiên cứu và chế tạo những con voi máy.
Cùng lúc đó, đối đầu với mối đe dọa từ cuộc Chiến tranh Lạnh, một nhóm những nhà nghiên cứu khác dùng tiền của Liên Bang để nghiên cứu về thần giao cách cảm và vận dụng năng lượng tâm ý để điều khiển vật chất từ xa, và để xem ta có thể đọc được ý tưởng của những nhà lãnh đạo Xô-viết xem họ có ý định “tiên hạ thủ vi cường” phóng hỏa tiễn đánh ta trước hay không.
Đó là những câu chuyện có thật. Và dù rằng nghe nó có vẻ khôi hài, buổi trưa hôm nay tôi sẽ không nói với quý vị về lịch sử của những ý tưởng có vẻ điên rồ và sự phí phạm tiền thuế của quý vị cũng như của tôi. Nhưng ngược lại, tôi muốn trình bày với quý vị rằng những nhà khoa học đó, những người cố tìm cách đọc tâm ý người khác hay làm ra những con voi máy, thực ra họ chính là những anh hùng vô danh của nước Mỹ–một loại anh hùng mà chúng ta ngày nay còn cần có nhiều hơn.
Tôi rất vui vì được hội Metropolitan mời làm diễn giả cho một trong những buổi nói chuyện trong bữa ăn trưa. Đây là một dịp tốt cho tôi được thưa chuyện với những nhà lãnh đạo ngay tại thủ đô văn hóa và chính trị của nước Mỹ. Một lần nữa xin cám ơn ông Chủ tịch Charles đã có lời giới thiệu rất nồng nhiệt.
Như Charles đã nhắc lúc nãy, trong chín năm qua tôi là người lãnh đạo Viện Đại học Johns Hopskins, một trong những trung tâm nghiên cứu y khoa và đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ. Viện Đại học Johns Hopkins là một trung tâm có ngân sách 5 tỷ Mỹ kim một năm và có cơ sở tại nhiều nơi trên thế giới– tại Baltimore và Washingotn, D.C.; tại Bologna, Ý đại lợi; tại Nam Kinh, Trung Hoa; và tại Singapore. Chúng tôi là tổ chức hàng đầu nhận được tài trợ dành cho nghiên cứu của chính quyền Liên bang, và trong hai thập niên vừa qua đã là đại học đứng hàng thứ nhất trong toàn quốc về tổng số tiền chi tiêu dành cho những công trình nghiên cứu. Những khoa học gia làm việc tại Johns Hopkins mỗi ngày đều có những khám phá mới từ những lãnh vực vi-phân tử đến những khám phá ngoài vũ trụ. Họ đã can đảm để tìm tòi và nghiên cứu nhiều lúc chỉ theo linh tính hay theo những ý tưởng mà nhiều người khác sẽ cho là rồ dại.
Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi cũng đã từng có một hai ý tưởng rồ dại, và kết quả là tôi trở thành một trong những người thành lập ra ba công ty chế tạo dụng cụ y khoa. Cho nên tôi cũng hiểu được tầm quan trọng và sự nguy hiểm khi dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro.
Có gan mạo hiểm và chấp nhận rủi ro, thưa quý vị, là đề tài tôi muốn thưa chuyện hôm nay.
Rủi ro là một yếu tố nội tại luôn luôn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Mỗi ngày, hàng triệu người đang chơi trò may rủi. Không phải chỉ là những trò may rủi của mua vé số, của đánh cá độ trận bóng đá quốc tế, hay đi sòng bạc ở thành phố Atlantic.[1] Không, hàng ngày còn nhiểu người hơn số đó đang thử thời vận trong những lãnh vực từ tài chính, như buôn bán cổ phiếu, tới doanh nghiệp như chế tạo những sản phảm mới, tới những nghiên cứu khoa học như mở rộng biên giới của lãnh vực y khoa phân tử hay cố tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư.
Đất nước của chúng ta được thành lập trên nền tảng của sự mạo hiểm và chấp nhận rủi ro. Christopher Columbus “gặp may” trên chuyến hải trình đầy rủi ro và nguy hiểm và tìm ra Châu Mỹ. Những người đi khai phá miền Tây đã có gan chấp nhận những rủi ro khủng khiếp. Trong một đường hướng khác, những nhà doanh nghiệp khai phá như Henry Ford, John D. Rockefeller, Thomas Watson, và Bill Gates,[2] những nhà tư bản đầu tư như Chuẩn tướng Georges Doriot, Arthur Rock,[3] và những nhà nghiên cứu y khoa như Bác sĩ Jonas Salk, người tìm ra thuốc chủng ngừa bệnh bại liệt Polio, đạt được những thành quả như ta thấy là vì họ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị thất bại. Lịch sử của Hoa Kỳ là lịch sử được tạo nên bởi những người đi tiên phong, thám hiểm những lãnh vực từ bên trong đến bên ngoài không gian của quả địa cầu, những lãnh vực khoa học, kỹ thuật, và cả thương mại nữa. Nếu ta nhìn đàng sau những sự khám phá đã khiến cho đất nước chúng ta trở nên vĩ đại, ta sẽ thấy những người đã dám liều hết tất cả để thành công, và cũng có rất nhiều người cũng đã liều hết tất cả nhưng bị thất bại.
Ngày hôm nay, tôi đang lo ngại, vì nhìn chung, tôi thấy cả nước đang tách xa khỏi cái tinh thần mạo hiểm của tiền nhân. Càng ngày người Mỹ càng trở nên ngại ngần không muốn chấp nhận rủi ro dù dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta đang trở nên sợ thất bại. Chúng ta đang có thái độ: mỗi một kết quả phải toàn hảo; mỗi một trẻ em sinh ra phải đẹp đẽ, khỏe mạnh; đừng đòi hỏi sinh viên của chúng ta nhiều quá, miễn họ không rớt là được rồi; tất cả mọi sinh viên của những trường Ivy League[4] phải tốt nghiệp hạng danh dự; cầu thủ nào ra sân chơi cũng đều được một cái cúp.
Thái độ tránh né rủi ro đang dần dà đưa nước Mỹ xuống hạng thứ hai trong một nền kinh tế đang càng ngày càng trở nên toàn cầu hóa. Kết quả nào cũng được bảo đảm có nghĩa là những kỳ vọng và tiêu chuẩn đã bị hạ thấp. Và hạ thấp kỳ vọng sẽ dẫn tới những kết quả xoàng xĩnh và dưới tiêu chuẩn.
Ta cần phải tự hỏi: chuyện gì đang xảy ra?
Quý vị chắc còn nhớ khi nhân vật Charlie Brown quen thuộc của chúng ta đến gặp Lucy, một “bác sĩ tâm lý học.”[5]
Lucy hỏi Charlie Brown: “Mày có sợ trách nhiệm không? Nếu có, thì đúng là mày mắc bệnh hypengyophobia.” Charlie Brown trả lời: “Không hẳn như vậy.” Lucy hỏi, “Thế mày có sợ mèo không? Nếu có thì đúng là bệnh ailurophobia.” Charlie Brown nói, “Có hơi hơi thôi, tao cũng không biết chắc nữa.”
Lucy tiếp tục: “Mày có sợ cầu thang không? Nếu có thì mày mắc bệnh climacaphobia, hay là bệnh thalassophobia, tức là sợ biển, hay gephyrobia, tức là sợ đi qua cầu. Hay là có thể mày bị chứng pantophobia. Mày có nghĩ là mày bị pantophobia không?”
Charlie Brown hỏi: “Nhưng pantophobia là cái quái gì?” Lucy trả lời: “Đó là chứng bệnh sợ đủ thứ.”
“ĐÚNG RỒI!” Charlie Brown hét toáng lên.
Tôi đang phân vân không biết có phải chúng ta đang trở nên giống như chú nhỏ Charlie Brown hay không?
Ở mọi nơi, xã hội chúng ta đều thấy có sự rủi ro–và càng lúc chúng ta càng đòi hỏi phải có những cách gì để loại bỏ sự rủi ro đó đi.
Nhưng một bậc thức giả đã có lần bảo tôi: “Bill này, để tránh không phạm lỗi, anh phải có sự khôn ngoan.”
Tôi trả lời: “Đúng vậy, tôi muốn có sự khôn ngoan đó, nhưng tìm ở đâu đây?”
“Rủi thay,” bạn tôi trả lời, “muốn có sự khôn ngoan, bạn phải phạm lỗi trước đã!”
Thomas Edison, khi được hỏi vì sao mà ông vẫn cứ kiên trì thí nghiệm làm bóng đèn dù đã thất bại 10 ngàn lần, đã trả lời như sau: “Tôi đâu đã thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10 ngàn cách làm bóng đèn mà nó không sáng thôi mà!”
Sự sai lầm là mặt tiêu cực của việc chấp nhận rủi ro. Và dường như ta ngày càng không muốn khoan thứ cho những sai lầm. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong những trò chơi, trong những môn thể thao, trong những trò chơi chiếu trực tiếp trên truyền hình. Nhưng ta lại không dám chấp nhận rủi ro trong buôn bán, trong chương trình nghiên cứu và phát triển–ngay cả [để tiến thân] trong nghề nghiệp hay trong lãnh vực y khoa, hay trong gia đình, trong học đường, hay trong đời sống cá nhân.
Trên phương diện quốc gia, chúng ta đã trở thành một dân tộc cái gì cũng sợ. Chúng ta giống như con nai bị chết điếng khi bị ngọn đèn pha chiếu vào mắt, không dám nhúc nhích gì nữa cả. Thái độ lẩn tránh rủi ro đang làm hại đến tính cạnh tranh toàn cầu của quốc gia và làm trì trệ đến lợi tức của chúng ta.
Tôi đang làm đồng-chủ tịch của Ủy ban Nghiên cứu tính Cạnh tranh của Đề án Cách tân Quốc gia. Ủy ban này được thành lập đã 20 năm rồi, gồm có những nhà lãnh đạo cấp quốc gia trong các lãnh vực kỹ nghệ, giáo dục, và lao động, nhằm nghiên cứu, phát huy, và thúc đẩy tính cạnh tranh của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Khi làm việc với Ủy ban, tôi được biết đến một khái niệm mới: Phương trình Cách Tân.
Khi nói về tính cạnh tranh, có nghĩa là nói đến khả năng gia tăng lợi tức thật sự của MỌI người dân Mỹ bằng cách sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao và những dịch vụ đáp ứng được những thử thách của thị trường thế giới. Nói nghe thì khá đơn giản, nhưng dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều biết là thực tế không phải vậy.
Tính cạnh tranh của nước Mỹ có tầm quan trọng to tát ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, quyết định trực tiếp đến tiêu chuẩn sống của quý vị và của tôi. Sự cạnh tranh ảnh hưởng đến loại nhà cửa nào mà ta có thể mua và kham nổi tiền trả hàng tháng và nếp sống hàng ngày. Sự cạnh tranh ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta vì làm cho ta mất ngủ vì lo không đủ tiền trả hóa đơn hàng tháng. Và ngay lúc này, khi nói chuyện với phụ huynh của sinh viên, tôi biết người Mỹ đang mất ngủ vì lo lắng về những chi tiêu hàng tháng.
Như vậy tính cạnh tranh không phải là điều trừu tượng. Nó không phải là mối lo của tương lai mà ta còn có thể tạm quên trong hiện tại. Tính cạnh tranh có thật, ngay bây giờ, và cực kỳ quan trọng. Và đây là lúc ta phải áp dụng Phương trình Cách Tân.
Phương trình Cách Tân rất đơn giản:
Kiến thức dẫn đến sáng kiến; sáng kiến dẫn đến sự gia tăng hiệu suất; gia tăng hiệu suất dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
Tất cả chỉ có bấy nhiêu.
Trong những năm qua, sự tăng trưởng hiệu suất đã dẫn đến sự tăng trưởng của hai phần ba mức tăng trưởng GDP hàng năm của chúng ta. Sự áp dụng những phát kiến kỹ thuật mới vào doanh nghiệp đã dẫn đến sự gia tăng hiệu suất.
Nhưng không có gì bảo đảm là sự gia tăng hiệu suất này sẽ vẫn còn tiếp tục. Dựa trên những nghiên cứu của Ủy ban Cạnh tranh mà tôi được xem, thì dường như đường ống dẫn những phát kiến cách tân của ta đang dần bị bóp nghẹt. Nếu đà này tiếp tục, ta có thể đánh cuộc là Mỹ sẽ tụt hậu sau Trung Hoa, Ấn Độ, và ngay cả so với sự trổi dậy của Tây Âu. Đây là lý do tại sao:
Thứ nhất, chúng ta đang bị thua trong cuộc chạy đua về xây dựng kỹ năng nghề nghiệp. Khoảng một phần ba của tất cả mọi công việc tại Mỹ đòi hỏi phải có khả năng chuyên môn về khoa học và kỹ thuật, nhưng chỉ có 16 phần trăm sinh viên của chúng ta tốt nghiệp đại học về hai ngành này. So với sinh viên Đại Hàn, thì ta chỉ có một nửa số sinh viên tốt nghiệp mà có quá trình đào tạo liên quan đến khoa học hoặc kỹ thuật. Đại học Harvard khi thăm dò ý kiến số sinh viên năm đầu tiên trong niên khóa gần đây, đã thấy rằng chỉ có một phần trăm sinh viên là có ý muốn theo học về khoa học điện toán mà thôi, trong khi ta thấy kỹ thuật tin học đang chính là động cơ chính thúc đẩy sự gia tăng hiệu suất của chúng ta. Thành thử ta cũng đừng nên ngạc nhiên khi Bill Gates sau năm học đầu tiên không còn muốn học ở Harvard nữa.
Hiện nay số sinh viên ngoại quốc theo học các ngành khoa học và kỹ thuật tại những đại học Mỹ đã vượt quá xa số sinh viên Mỹ theo học những ngành này. Những sinh viên ngoại quốc là những sinh viên giỏi, siêng năng, nhưng chúng ta lại làm khó dễ khiến cho họ không thể xin được “thẻ xanh” để được thành thường trú tại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Càng ngày càng có nhiều sinh viên như vậy về nước họ vì ở đó họ cũng có được nhiều cơ hội nghề nghiệp như ở Mỹ. Châu Âu ngày nay, so với Mỹ, đào tạo ra gấp đôi số khoa học gia và kỹ sư, còn tại Á châu thì khoảng gấp ba lần.
Cũng đáng ngại như sự tụt hậu trong cuộc đua về kỹ năng nghề nghiệp, chúng ta cũng đang mất dần thế thượng phong trong lãnh vực khám phá.
Lịch sử cho thấy, sự phát minh trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật vẫn là kết quả trực tiếp của sự đầu tư vào lãnh vực nghiên cứu và phát triển cơ bản. Truyền thống yểm trợ tài chánh một cách rộng rãi cho những chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) của nước Mỹ đã là một động lực chính giữ vững tính cạnh tranh kinh tế của chúng ta.
Nhìn chung, ngân sách dành cho Nghiên cứu và Phát triển của nước Mỹ vẫn giữ nguyên một tỷ lệ nhất định của tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong nhiều năm–vào khoảng 2,8%. Nhìn con số này, ta có thể nghĩ rằng mọi chuyện vẫn tốt, vẫn OK, vì ngân sách đâu có bị cắt? Nhưng con số thống kê có thể bị hiểu sai như trong trường hợp này. Chương trình Nghiên cứu & Phát triển dành cho kỹ nghệ đã gia tăng trong 40 năm qua, nhưng phần lớn số tiền này lại được dành cho phát triển, một phần nhỏ dành cho nghiên cứu ứng dụng, và hầu như chẳng có đồng nào dành cho phần nghiên cứu cơ bản.[6] Trên phương diện Nghiêu cứu & Phát triển liên bang thì tình hình còn tệ hơn thế: ngân sách liên bang dành cho nghiên cứu lên đến đỉnh cao nhất 40 năm trước đây, tức là năm 1965, chưa đạt tới 2% của GDP. Ngày nay, con số này chỉ còn hơn một nửa chút đỉnh, khoảng 0.8% của GDP. Một mặt ngân sách nhà nước dành cho những nghiên cứu y học gia tăng, nhưng nói chung, ngân sách dành cho R&D về toán, vật lý, kỹ sư và công nghệ thông tin, những mũi nhọn chính của sự gia tăng hiệu suất, cứ tiếp tục suy giảm.
Như quý vị thấy, những con số này có hệ quả thật, rất thật. Những tài liệu công bố các nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật của Tây Âu đã vượt xa con số công trình nghiên cứu khoa học của Mỹ, và vào năm 2010, người ta dự đoán rằng những nền kinh tế đang lên tại Á châu sẽ sản xuất ra nhiều bằng sáng chế và sẽ chi tiêu nhiều cho lãnh vực nghiên cứu và phát triển hơn nước Mỹ.
Ai trong chúng ta cũng biết là nước ta đang bị sự thâm hụt mậu dịch khổng lồ. Nhưng trong nhiều năm, ta vẫn giữ được ưu thế mậu dịch trên lãnh vực xuất cảng kỹ-nghệ-cao. Năm 1980, Hoa Kỳ sản xuất 31% số lượng kỹ-nghệ-cao xuất cảng toàn cầu; Nhật bản khoảng 15%, và các nước Á châu đang lên khoảng 7%.
Năm 2001, những con số này bị đổi vị trí. Bây giờ Mỹ chỉ còn sản xuất 18%, Nhật 10%, và những nước đang lên tại Á châu chiếm tới 25% số lượng xuất cảng kỹ nghệ cao. Cán cân mậu dịch về kỹ nghệ cao của ta đang bị nghiêng về số âm và còn tiếp tục đi xuống một cách nhanh chóng. Sự tụt dốc trong vai trò lãnh đạo về những phát minh nói lên một điều là tiêu chuẩn sinh sống của chúng ta cũng sẽ bị tụt dốc theo. Nếu ta có ý chí và “dám”, ta có thể tăng gia gấp đôi ngân sách dành cho những chương trình nghiên cứu cơ bản trong lãnh vực vật lý và khoa học thông tin–tổng số tiền cần thiết để gia tăng một-lần-một mà thôi vẫn còn thấp hơn số tiền chi tiêu gia tăng, cứ mỗi ba tháng, dành cho chi phí y tế quốc gia. Tại sao ta không sử dụng khẩu hiệu của hãng Nike là “Hãy Làm Đi!”?
Một phần của lý do chúng ta không dám “Hãy Làm Đi” có liên quan đến điều gọi là Nghịch lý St. Petersburg. Tính cạnh tranh của chúng ta bị suy giảm, vì, oái oăm thay, chúng ta không dám “đánh liều” chấp nhận rủi ro để cạnh tranh.
Bây giờ để tôi giải thích Nghịch lý St. Petersburg: Tôi muốn quý vị cùng tưởng tượng là chúng ta vừa thắng một giải thưởng bao cả ăn ở để đi chơi sòng bạc ở Las Vegas.
Khi đến Las Vegas, quý vị đi ngay đến một sòng bạc để chơi trò kéo máy.[7] Người ta bu quanh tất cả các máy, còn sót lại hai cái-mỗi cái là máy kéo quý vị phải bỏ vào $1 đô. Vì bây giờ là thời buổi của kiện cáo như rươi, nên trước khi chơi quý vị phải đọc và ký vào bản thông báo là hiểu hết luật chơi.
Cái máy đầu tiên có bản thông báo như thế này: “Coi chừng! Cờ bạc là trò chơi nguy hiểm có thể làm hại đến sức khỏe. Bạn có thể thua nhẵn túi hoặc thua hết cả áo quần nếu không cẩn thận. Những thông tin về máy này không tiên đoán được là bạn sẽ thắng, nhưng trung bình, nếu bạn chi ra $3 đô, thì có thể thu về được $2.95.”
Cái máy thứ hai cũng có lời cảnh cáo tương tự, nhưng cho biết là “với cái máy này, tính trung bình bạn có thể thắng tới $6000 đô cho mỗi $3000 bạn chi ra.”
Có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ chọn chơi cái máy thứ hai hơn là cái thứ nhất?
Đúng vậy, chúng ta ai cũng hiểu là nếu ta chọn máy thứ hai và chơi trong một thời gian đủ lâu, thì xác suất thắng cuộc thuộc về ta.
Thế thì điểm khác biệt quan trọng giữa hai cái máy này là gì? Giả sử bạn chơi máy thứ nhất, thì sau khi kéo vài cú, bạn đã có thể thu lại được vài đồng rồi, và bạn sẽ hân hoan với số tiền thắng cuộc. Nhưng vấn đề là nếu cứ tiếp tục chơi, thì số tiền thu được vẫn ít hơn so với tiền chi ra (bạn có ký tên công nhận rồi).
Cái máy thứ hai đòi hỏi phải có kiên nhẫn. Nếu có ai sẵn lòng và sẵn tiền để bỏ $1 đồng đô la vào máy trong một thời gian dài thì hy vọng sẽ thắng lớn. Nhưng dĩ nhiên, không có điều gì bảo đảm là cứ hễ bạn tiêu ra $3000 là sẽ thắng được $6000. Như thế, có một yếu tố rủi ro rõ rệt khi chơi chiếc máy này, và đó là bạn có thể sẽ thua hết tiền trước khi trúng được lô độc đắc (trong trường hợp này là $6000). Đây quả đúng là trường hợp “có gan làm giàu,” hay còn được gọi là “không chịu đau, thì không được hưởng lợi.” Nhưng nếu ta có tiền dư để đầu tư và có thì giờ để chơi trong một thời gian dài, thì cuối cùng bạn sẽ tăng được gấp đôi số tiền phải bỏ ra. Như vậy, trong trường hợp này nên chọn cái máy thứ hai. Bạn sẽ thắng.
Đây là một thí dụ mà những nhà toán học về xác suất gọi là Nghịch lý St. Petersburg; nghịch lý này được nhà toán học Nicholas Bernoulli người Thụy sĩ khám phá ra cách đây gần 300 năm. Bernoulli nghiên cứu những trò chơi may rủi có giá trị thu hoạch dự kiến là số dương; nghĩa là xác suất để thắng thì thấp, nhưng tiền thắng (giá trị dự kiến) thì lại nhiều. Nghịch lý là, ngay cả khi giá trị dự kiến của trò chơi được bảo đảm đi nữa, đa số những tay cờ bạc đều không hoặc không thể ngồi chơi trò này trong một thời gian đủ dài để thắng cuộc.
Có một điều đáng ngạc nhiên là những tay cờ bạc tinh khôn mà ta thấy hàng ngày trong xã hội trong những lãnh vực tài chánh, thương mại, nghiên cứu, giáo dục, từ những cổ đông đến người tiêu thụ, hàng triệu triệu người Mỹ đang chọn cái máy thứ nhất để chơi. Người Mỹ đang nhắm đến những gì chắc chắn. Họ chấp nhận những kết quả tiên đoán được (dù nhỏ nhoi) còn hơn là nhắm vào lô độc đắc. Những gì có ít rủi ro, thì cũng có ít phần thưởng: Đó chính là [kết quả của] lựa chọn “Ăn Chắc.”
Nhưng khi chọn cách chơi “ăn chắc,” chính ta đang tự loại mình ra khỏi trò chơi.
Suốt lịch sử của nước ta, chúng ta đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật khi sáng chế ra một hệ thống để lượng định rủi ro và tưởng thưởng cho những ai dám “làm liều.” Trên con đường đó, chúng ta đã trở nên nhuần nhuyễn khi học được cách kiểm soát và giảm thiểu rủi ro. Từ những thuốc chủng ngừa đến dây lưng an toàn trên xe hơi, từ giảm hút thuốc lá đến mũ bảo vệ đầu cho người đi xe hai bánh, chúng ta đã vận dụng sự thông minh của mình một cách có hệ thống và giảm đi những rủi ro không cần thiết.
Điều đáng lo là, có thể chúng ta đang trở thành nạn nhân của sự ngụy biện là “nếu có một ít đã là tốt rồi, thì có nhiều còn tốt hơn”–nghĩa là bởi vì ta có thể kiểm soát được rủi ro, vì vậy ta nên cố tìm cách dẹp hết toàn bộ những rủi ro. Tôi tin rằng vấn đề hiện nay của chúng ta là khi ta đang tìm cách giảm thiểu rủi ro, chúng ta đã đi quá xa.
Đó cũng là điều đưa tôi trở lại với những nhà nghiên cứu về thần giao cách cảm và chế tạo ra đàn voi máy. Cả hai dự án đó đều xuất phát từ một cơ quan liên bang mà ít người biết đến, gọi là cơ quan DARPA[8]–Cơ quan Phụ trách Những Dự án Nghiên cứu Cao cấp của bộ Quốc Phòng. Có thể quý vị chưa nghe nói về DARPA, nhưng chắc chắn là quý vị đã được hưởng những thành quả do những dự án nghiên cứu của DARPA mang lại. Trong thập niên 1960, DARPA tài trợ cho những nghiên cứu về khoa học điện toán để xây dựng một mạng lưới nối kết những máy điện toán của những cơ quan nằm tại những nơi hẻo lánh xa xôi. Mạng DARPA, tên gọi lúc đó, hiển nhiên là một ý tưởng điên rồ, giống như đàn voi máy vậy. Lúc đó chẳng có ai nghĩ đến là mạng lưới này sẽ mang lại những công dụng thực tế gì. Trường Đại học Stanford là một trong những nơi được nhận trợ cấp để nghiên cứu về mạng lưới này. Lúc đó tôi còn đang là sinh viên bậc Cao học ở đó.
Tôi dám chắc là quý vị đã đoán ra rồi, mạng-DARPA chính là tiền thân của cái gọi là Internet ngày nay. Có điều nữa mà có lẽ quý vị không biết là đã có hai công ty vào hạng Fortune 500[9] đã được hình thành từ dự án xây dựng mạng-DARPA tại Stanford. Những máy điện toán cá nhân do Sandy Bechtolsheim, một sinh viên bậc cao học tại Stanford chế tạo đã dẫn tới việc thành lập công ty SUN Microsystems. SUN, là chữ viết tắt của Stanford University Network. Còn những dụng cụ để điều hành lưu thông trên mạng là kết quả của Hệ thống Cisco. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là những bước đầu, sau đó nào là Apple Computer, Netscape, Google, Yahoo và eBay đều được xây dựng trên nền tảng đó trong những thập niên về sau.
Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là DARPA được thành lập chỉ ngay sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik, và nhận một mệnh lệnh rõ ràng là thúc đẩy nền khoa học và kỹ thuật của Mỹ vượt qua những gì mà giới quân sự của Liên Xô đang tiến hành. Mệnh lệnh đó, nói một cách đơn giản là “rủi ro cao, phần thưởng lớn.” Một cựu giám đốc của DARPA vừa mới trả lời phỏng vấn của tờ Los Angeles Times là “tại DARPA trong thập niên 1960, các khoa học gia có thể thực sự muốn làm cái gì thì làm, miễn là không vi phạm luật pháp hay đạo lý.”
Nói một cách khác, bạn có thể “liều” và chấp nhận những rủi ro thất bại lớn lao trong khi nghiên cứu về những điều không cần thiết và có thể sẽ trở thành những điều vô tích sự như mạng lưới điện toán, hay chế tạo ra đàn voi bằng máy. Tony Tether, giám đốc hiện nay của DARPA, ước lượng là có khoảng từ 85% đến 90% những dự án bị thất bại, không đạt được mục đích như đã ấn định trong kế hoạch. Nhưng, ông nói thêm, những chương trình nghiên cứu đôi khi lại tạo ra những kỹ thuật không nằm trong sự tiên liệu, như là mạng Internet chẳng hạn. DARPA là một cơ quan của chính quyền, một cơ quan rất sẵn lòng tài trợ cho những dự án nghiên cứu có vẻ viễn vông và chẳng có tý lợi ích thực tiễn nào, cho đến khi, dù chỉ thỉnh thoảng, tạo ra một đột phá vĩ đại trong một hay hai chục năm sau đó.
Nhưng có lẽ tôi phải dùng từ “đã sẵn lòng” cho trường hợp của DARPA mới đúng. Dù DARPA hiện nay vẫn còn đang sống khỏe và đang tài trợ cho những công trình nghiên cứu khoảng $2.5 tỷ một năm, sắc diện và giọng nói của cơ quan này đã, trong những năm qua, bị thay đổi. Như dấu hiệu của tuổi già, tôi nghĩ, DARPA đang tách xa dần những công trình nghiên cứu cơ bản. Báo New York Times gần đây vừa tường thuật rằng DARPA đang ngày càng tập trung vào những công trình nghiên cứu ứng dụng dẫn đến những kết quả ngắn hạn. Nói một cách khác là chú tâm đến con số cuối hàng trong bản quyết toán tài chánh nhiều hơn. Mơ mộng xây dựng những gì như mạng-DARPA, tiền thân của Internet, là một việc làm liều lĩnh, đầy rủi ro, mà thành quả thì lại nằm ở một tương lai quá xa. Hãy tạo ra những gì ta có thể sử dụng ngay hôm nay, nhiều lắm thì đến ngày mai phải có.
Nghe quen thuộc quá, phải không các bạn? Đó chính là điều ta làm cho Nghịch lý St. Petersburg trở thành đúng.
Bây giờ chúng ta đang phải đối diện với hai nghịch lý. Khi mà ta đang bị thử thách như chưa từng có, nào là bị bạn thách thức về phương diện kinh tế, bị thù thách thức về quân sự, thì lại là lúc mà ta không còn dám liều để chấp nhận những rủi ro cần thiết nhằm đạt được những thành quả lớn lao. Sự thay đổi tại DARPA là một dấu hiệu của sự rút lui trên diện rộng, từ bỏ tâm lý và thái độ “dám liều” của chúng ta.
Cho nên, nếu sáng kiến cách tân và tính cạnh tranh của nước Mỹ bị lệ thuộc vào thái độ “dám liều” của chúng ta, thì ta có thể làm gì để khích động tinh thần sáng tạo?
Tôi vừa mới đi thăm một vị thầy, người có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi khi còn học kỹ sư tại MIT.[10] Vị thầy này tên là Amar Bose. Khi dạy chúng tôi, ông luôn luôn nhắc đi nhắc lại: “Tôi không cần biết câu trả lời cho những vấn đề mà tôi ra cho các anh là gì…Chúng ta đã biết câu trả lời rồi. Điều quan trọng là cách các anh giải quyết vấn đề. Bởi vì khi các anh ra khỏi trường MIT, các anh sẽ phải giải những vấn đề mà chưa từng có ai đặt ra.” Và thầy Bose đã làm gì?
Như đa số quý vị đã biết, Amar Bose nghỉ dạy tại MIT để mở một công ty để giải một vấn đề mà chưa từng có ai đặt ra; đó là điều gì khiến một cái loa phát âm tốt lại phát ra âm thanh tồi, và ngược lại. Có bao nhiêu quý vị ở đây có một cái radio hiệu Bose, hay đã từng muốn mua một cái hiệu Bose?
Một điều thật rõ ràng, khi nghỉ dạy tại MIT, Amar Bose đã dám liều, chấp nhận một sự rủi ro rất lớn, nhưng ông đã thành công. Giải pháp độc đáo ứng dụng âm thanh học của ông đã đưa đến sự hình thành công ty Bose,[11] một công ty chuyên sản xuất những dụng cụ âm thanh với phẩm chất tuyệt hảo. Công ty Bose vẫn là một công ty tư nhân do Bose làm chủ và từ chối bán cổ phiếu của công ty. Ông nói: “Tôi đầu tư 100% tiền lời vào công trình R&D. Điều mà tôi sẽ không làm được nếu công ty trở thành công ty cổ phần.”
Và quyết tâm chấp nhận rủi ro trong những công trình nghiên cứu của Bose hình như lại mang lại kết quả lớn lao một lần nữa. Giáo sư Bose vừa mới trình làng một hệ thống ống nhún cho xe hơi mà những tạp chí chuyên ngành về xe hơi phải gọi là một phát minh cách mạng, một sự đột phá về kỹ thuật.[12] Hãng Bose bắt đầu nghiên cứu về ý tưởng này từ năm 1980, và đã mất rất nhiều năm qua bao nhiêu sự đầu tư quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển mới đưa được ý tưởng này thành hiện thực. Khi tôi đến thăm thầy Bose trong thời gian gần đây, ông nói với tôi: “Bill nè, nếu tôi mà làm CEO của một công ty cổ phần, thì tôi đã bị đuổi cổ ba lần rồi.” May thay, công ty Bose không bị những nhà phân tích tài chính của Wall Street tính toán lời lỗ đến từng xu của công ty, nên Tiến sĩ Bose mới có thể chi trả cho những đầu tư cần thiết cho những kết quả trong tương lai.
Và quý vị phải nhớ rằng, một lần nữa Bose lại đạt được thành công lớn.
Ông cho tôi ngồi lên chiếc xe thử nghiệm hệ thống mới. Chiếc xe này được đặt trên một cái bệ đặc biệt mà có thể mô phỏng theo bất kỳ loại đường đi nào. Có lẽ ông bấm một cái nút mang tên là “Đường xá của thành phố Baltimore,” vì tôi cảm thấy bị dằn lên dằn xuống muốn long cả óc. Rồi thì ông bấm cái nút khởi động hệ thống ống nhún Bose. Ngay lập tức chiếc xe trở nên như đang bay trên nệm không khí.
Đây chính là một sản phẩm cách tân mà những nhà sản xuất xe hơi, dù là Mỹ, Âu châu, Nhật, Hàn quốc, hay ngay cả Tàu và Ấn Độ, rồi cũng phải làm theo. Đó chính là phần thưởng độc đắc: sự sáng tạo của Mỹ ở dạng đẹp nhất.
Nhưng rủi thay, câu chuyện này không được lập lại thường xuyên trong những công ty của Mỹ thời buổi này. Qua những việc tôi làm tại Ủy ban Cạnh tranh và tại Ban Quản trị của nhiều công ty sáng tạo khác nhau, tôi hiểu được một điều là để có thể sản xuất được nhiều thêm những sản phẩm xuất sắc như vậy, ta cần phải sửa bốn chướng ngại sau đây: thuế vụ, luật lệ về sản xuất, kiện tụng, và giáo dục. Trong mỗi một lãnh vực, ta cần phải điều chỉnh chính sách hiện nay để tưởng thưởng xứng đáng hơn cho những ai dám liều chấp nhận rủi ro, và trừng phạt sự tự mãn. Sau đây là một vài điều tôi nghĩ chúng ta nên làm:
Hãy xét đến chính sách thuế khóa. Khi nói đến việc cổ võ cho sự dấn thân và chấp nhận rủi ro, có lẽ lãnh vực thuế khóa là chỗ ta phải nói đến sau cùng mới đúng, nhưng tôi lại nghĩ rằng đây mới chính là điểm đầu tiên cần bàn. Nếu ta trả tiền cho Barry Bonds[13] để xem anh ta đánh những trái banh làm bàn, thì tại sao ta lại không làm điều đó với những công ty của chúng ta? Lúc này chúng ta đang đưa ra những cái nhuận thưởng quái ác khiến cho những công ty không muốn đầu tư vào những chương trình dài hạn. Phần lớn cổ đông trong những công ty cổ phần chỉ giữ cổ phiếu của họ, một cách trung bình, là dưới một năm. Và mặc dầu mức thuế cho những đầu tư dài hạn hiện đang ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử, phần lớn những cổ đông của những công ty cổ phần được đầu tư vào quỹ hưu bổng và quỹ đầu tư của những tổ chức từ thiện, và những đầu tư này không phải đóng thuế; cho nên, cổ đông có thể mua và bán cổ phiếu ngắn hạn mà không bị phạt. Ta nên yêu cầu mọi người đầu tư phải đóng thuế thu nhập trên những tiền lời ngắn hạn, và như thế họ có khuyến lệ để giữ tiền đầu tư lâu dài hơn.
Sau đó là kéo dài thời hạn của những tiền lời dài hạn từ một đến ba hay năm năm. Cuối cùng, ta có thể dùng luật thuế để tưởng thưởng cho những công ty nào đã dám chấp nhạn rủi ro mà bỏ ra một số tiền đầu tư đáng kể vào những công trình nghiên cứu. Làm như vậy sẽ khiến cho cổ đông thấy rằng giữ cổ phiếu của họ lâu dài là một sự đầu tư hấp dẫn hơn.
Norm Augustine, nguyên Tổng Giám đốc của đại công ty Lockheed Martin, một đại công ty chuyên về quốc phòng, kể cho tôi câu chuyện sau đây, khi ông còn là Tổng Giám đốc của công ty Martin Marietta, công ty tiền thân của Lockheed Martin, là có một ngày ông mời những chuyên viên phân tích vào họp và tuyên bố rằng hãng sẽ thực hiện một loạt những công trình nghiên cứu mà ông nghĩ là sẽ đưa công ty vượt xa những đối thủ cạnh tranh. Nhưng điều làm cho ông ngạc nhiên là sau khi nghe ông trình bày xong, những chuyên viên này lập tức rời phòng họp và đem bán hết cổ phiếu của họ, khiến cho cổ phiếu của hãng bị tuột dốc và tiếp tục xuống trong suốt 18 tháng sau đó. Quá sức thắc mắc về phản ứng ngược của tin này, Norm bèn hỏi một trong những chuyên viên phân tích về quỹ hỗ tương. Câu trả lời như sau: “Ai cũng biết là phải mất từ tám đến mười năm thì những chương trình nghiên cứu mới có kết quả. Nhưng cổ đông của chúng tôi lại chỉ giữ cổ phiếu chưa tới một năm; cho nên, quỹ đầu tư của chúng tôi không đầu tư vào những công ty như công ty của ông đã đưa ra cách thức điều hành thiển cận như vậy.”
Kế tới là luật lệ. Chắc chắn ai cũng đồng ý là những luật lệ hành chánh là kẻ thù của sáng tạo. Dĩ nhiên ta cần phải có sự giám sát về nhiều thứ, như thuốc men, chống ô nhiễm không khí, và cách làm việc của những công ty. Nhưng ta cũng cần nhớ câu châm ngôn quan trọng sau đây: hoàn hảo tuyệt đối là kẻ thù của cái tốt. Ta chẳng bao giờ có thể có được một xã hội hoàn toàn không có rủi ro. Người Mỹ đang phải trả một cái giá cao cho một bộ máy hành chính được thành lập với ý tốt nhưng nặng nề và thiếu hiệu quả.
Những luật lệ giám sát, như ta thường thấy, đi theo một chuỗi những sự kiện mà ta có thể tiên đoán được. Trước hết là tin tức hàng đầu về một sự khủng hoảng hay biến cố bi thảm nào đó, như vụ Enron chẳng hạn. Rồi thì một dàn đồng ca cùng trổi giọng là không thể để việc như thế này xảy ra một lần nữa, vì rủi ro quá lớn.
Quốc hội bị áp lực phải có hành động ngay tức khắc–thường thì chỉ trong một thời gian kỷ lục–một đạo luật đã sẵn sàng được cho ra đời và bảo đảm là ngăn chặn những biến cố tương tự như vậy không thể xảy ra nữa, bằng cách áp đặt một lô nào là những quy định và luật lệ giám sát. Đó chính là cách ứng xử cổ điển khi đã để con ngựa xổng chuồng–làm gì, làm cái gì đi chứ!–trong trường hợp bị xổng ngựa, thì đóng hết cửa lại. Và thế là chúng ta lại bị phủ thêm một lớp luật lệ và quy định, mà chẳng cần quan tâm gì đến những phí tổn do những quy định này mang lại. Enron tạo ra đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002. Đạo luật này ra đời nhằm bảo đảm cho những người đầu tư bằng cách buộc những công ty phải cung cấp thông tin tài chánh chính xác và khả tín.
Đạo luật Sarbanes-Oxley (SOX) có nhiều khoản tích cực. Thí dụ như buộc những công ty phải có báo cáo chính xác hơn. Nhưng ở đời chuyện gì cũng có chừng mực, thái quá thì sẽ có hại. Đạo luật đầy thiện ý này đã khiến cho những công ty bị thiệt hại hàng bao nhiêu tỷ đô-la về hiệu năng sản xuất. Và tôi chưa thấy có ông Tổng giám đốc nào tin rằng SOX sẽ ngăn chặn được một vụ tương tự Enron trong tương lai. Thế nhưng, chẳng có ai lên tiếng phản đối, bởi vì rốt cuộc thì, ai mà lại chẳng muốn có bản báo cáo tài chính của công ty chính xác hơn. Câu hỏi mà lẽ ra ta phải đặt là: Liệu những biện pháp giảm thiểu rủi ro của SOX có đáng phải tiêu hàng bấy nhiêu tỷ đô-la chăng?
Kế đến là vấn đề kiện cáo, một vấn đề ngày càng trở nên gánh nặng cho tất cả chúng ta. Hiến pháp và Đạo luật về Dân quyền (10 Tu chính án đầu tiên) đã xác định những quyền cơ bản của con người mà không một chính quyền nào được vi phạm. Nhưng tôi nghĩ quý vị cũng đồng ý với tôi là những điều đó không có nghĩa là bảo đảm cho người dân có quyền muốn kiện ai, vì bất cứ lý do gì vào bất cứ lúc nào, thì kiện. Ấy vậy đó chính là hệ thống luật pháp chúng ta đang có ngày hôm nay. Cái hệ thống kiện tụng về thiệt hại cá nhân[14] mà không có luật lệ và sự dự đoán chắc chắn nào (trừ một điều chắc chắn là phí tổn cao), chẳng giúp ích được gì cho xã hội. Lợi đâu chẳng thấy, nhưng thiệt hại trước mắt là kiện cáo làm giảm đi hiệu năng sản xuất và sức sáng tạo của doanh nghiệp nếu họ bị dính vào những vụ kiện như giảm chất abestos trong nhà hay những kế hoạch quân bình kinh tế của công ty.[15]
Cách đây hơn một thập niên, Phillip Howard, một luật sư tại New York đã viết một cuốn sách có tính đột phá, mang tựa đề: Cái chết của Lẽ Thường: Luật pháp Đang Làm Nước Mỹ Nghẹt Thở Như Thế nào. Quan điểm của Howard được nhiều người quan tâm, nhưng từ đó đến nay, chẳng có gì thay đổi mấy.
Là một quốc gia, chúng ta đã dần dà mất đi ý chí để khẳng định là luật pháp phải vì quyền lợi của cả xã hội nói chung, chứ không vì quyền lợi của những nhóm lợi ích đặc biệt nhằm phục vụ cho những ý đồ thiển cận của họ. Và đây là sự tiên đoán của tôi: chúng ta sẽ không bao giờ có thể thay đổi hệ thống pháp luật của chúng ta cho đến khi quần chúng Mỹ chấp nhận ý tưởng là chúng ta không thể–và không nên–tìm cách triệt tiêu hết rủi ro. Không có rủi ro là một ý tưởng không thực tiễn, và là một ý tưởng không thể bênh vực được
Chướng ngại cuối cùng là vấn đề rất thiết thân với tôi: đó là giáo dục. Giáo dục chính là nền tảng của sự cạnh tranh của chúng ta, của tương lai nền kinh tế của chúng ta. Thế nhưng trong những năm gần đây dường như ta đã mất đi ý chí để dạy dỗ tất cả những con em của chúng ta. Là một quốc gia, tôi tin rằng giáo dục là bổn phận thiêng liêng nhất mà chúng ta phải thực hành để dạy cho con em chúng ta biết đọc biết viết, thông thạo về khoa học, toán học và biết lý luận. Điều này chẳng có gì lớn lao và khó khăn như học phóng phi thuyền–nhưng nó là một công trình khó nhọc. Và nó còn khó hơn vì ta phải làm công tác giáo dục này thiệt giỏi.
Quý vị đã có bao giờ tự hỏi rằng nước nào có điểm số về môn đọc của con em họ cao nhất thế giới chưa? Có lẽ quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết đó là Phần lan, một nước có niềm tin cháy bỏng về giáo dục phổ thông cho mọi người. Trong bảng xếp hạng những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới, quý vị thử đoán xem nước nào đứng đầu? Đó là Phần Lan. Tôi nghĩ, mối tương quan giữa giáo dục và cạnh tranh kinh tế đã được chứng tỏ một cách hiển nhiên.
Khi tôi sang Singapore trong tháng Giêng vừa rồi, tôi biết được một điều rất thú vị. Học sinh tại Singapore từ mẫu giáo đến lớp 12 đứng đầu bảng điểm trên thế giới về môn khoa học và toán. Tôi tình cờ gặp một bà mẹ người Singapore, bà cho tôi biết là những đứa con gái đang học trung học của bà cảm thấy môn Anh ngữ và lịch sử là những môn khó nhất, còn toán và khoa học là những môn học “dễ dàng”–đó là một hiện tượng rất phổ thông tại Singapore.
Trong lúc đó, tại nhiều trường học của ta tiêu chuẩn đã bị hạ thấp, nếu họ không muốn gây cho học sinh những chấn thương tâm lý và chịu sự giận dữ của phụ huynh khi con em họ bị điểm C, D, và F. Dù ta phải xây dựng sự tự tin nơi học sinh, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải đặt tiêu chuẩn học thật cao. Cứ cho học sinh lên lớp dù có học hành đàng hoàng hay không là làm hại chúng và làm hại cả xã hội.
Chúng ta nên đặt ra những phần thưởng bằng hiện kim nho nhỏ thôi để thưởng cho những em học sinh giỏi trong cấp lớp mẫu giáo đến lớp12, và học bổng cho những em sẽ theo học ngành khoa học hoặc kỹ sư trên đại học.
Chúng ta cũng có thể tỏ lòng kính trọng trí lực của thầy cô bằng cách tăng lương và trao những phần thưởng tài chánh cho những vị đã dạy học sinh giỏi những môn toán và khoa học.
Chúng ta đào tạo con em để làm những nghề nghiệp lâu dài, chứ không phải những việc làm ngắn hạn. Con em chúng ta cần có một số những kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh với khối lượng nhân tài đang được đào tạo từ những nước như Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Singapore và Nga. Kỹ năng đầu tiên trong những kỹ năng cần thiết mà chúng ta cần truyền đạt là dạy cho học sinh của chúng ta giá trị và sự quan trọng của việc dám chấp nhận những rủi ro trong lãnh vực trí tuệ.
Nhưng hiện nay chúng ta lại không làm như vậy. Xã hội Hoa Kỳ ngày nay đã nẩy sinh ra một sự khiếm hụt nhận thức trầm trọng, mà ta có thể tóm gọn bằng câu sau đây: “Ta đã quên hết những gì giúp chúng ta thành công.”
Nước Mỹ của chúng ta được xây dựng trên nền tảng của sự dám chấp nhận rủi ro cao. Ta có thể nhận dạng được và kiểm soát một số những rủi ro này. Nhưng ta không thể nào loại bỏ hoàn toàn rủi ro ra khỏi đời sống được. Đó là điều bất khả nếu ta muốn thành công trong việc xây dựng đất nước hùng cường.
Quý vị có thể tưởng tượng ra những người đi tiên phong trong thế lỷ 19 đã vượt rừng núi, xuyên sơn trên những chiếc xe ngựa từ St. Louis tới California? Họ là những người tiên phong đi mở đường, được hướng dẫn bởi những hướng đạo viên cũng chẳng có chút kinh nghiệm nào về những chướng ngại mà họ sẽ phải đối đầu. Họ cùng nhau chất đầy lên những chiếc xe ngựa, và họ thấy một tấm bảng màu vàng ghi dòng chữ trên chỗ ngồi của người xà ích:
“Cảnh báo! Du hành xuyên nước Mỹ bằng xe ngựa là điều nguy hiểm. Chiếc xe này chưa được Ủy ban Giao thông Quốc gia kiểm nghiệm xem có an toàn hay không khi bị lật. Xe không có túi hơi và thắt lưng an toàn hay những dụng cụ bảo vệ an toàn khác. Hành khách có thể bị thương, bị giết, hay bị mọi da đỏ lột da đầu, bị chết cóng hay chết đói. Chúng tôi không bảo đảm là sẽ đưa quý vị đến nơi một cách an toàn.”
Trong đời, tôi đã học được là không có một sự bảo đảm tối hậu nào là ta sẽ đến được nơi muốn đến một cách an toàn. Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu ta không dám chấp nhận rủi ro để thử, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến được mục tiêu.
Xin cám ơn đã cho tôi có dịp thưa chuyện với quý vị ngày hôm nay.
——————–
Chú thích
[1] Thành phố Atlantic là một thành phố thuộc bang New Jersey, được xem là trung tâm giải trí và cờ bạc tại miền đông Hoa Kỳ.
[2] Henry Ford là vua xe hơi, người sáng chế ra xe hơi
kiểu Model T, hãng xe Ford, và hệ thống lắp ráp dây chuyền đã cách mạng hóa nền kỹ nghệ của Hoa Kỳ; John D. Rockefeller là tư bản dầu hỏa; Thomas Watson, người sáng lập ra IBM; và Bill Gates sáng lập ra Microsoft.
[3] Chuẩn tướng Georges Doriot, là người Mỹ gốc Pháp, được xem là một trong những nhà tư bản đầu tư hàng đầu của Mỹ (đầu tư vào những công ty có tiềm năng cao dù mới thành lập), và cũng là người thành lập Công ty Phát triển và Nghiên Cứu Hoa Kỳ (ARDC); Doriot cũng nguyên là Khoa trưởng Phân khoa Kinh Doanh của Đại học Harvard. Arthur Rock là người đầu tư đầu tiên vào
các công ty Intel, Apple Computer, Scientific Data Systems, và Teledyne.
[4] Ivy League tên gọi chung tám trường đại học tư đứng hàng đầu của Mỹ, gồm có Đại học Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania, và Yale.
[5] Charlie Brown và Lucy Van Pelt là hai đứa trẻ tinh nghịch, nhân vật chính trong truyện tranh nổi tiếng Peanuts được đăng tải
trên nhiều nhật báo của Mỹ. Truyện tranh này khởi đăng từ 1950 cho đến năm 2000 khi tác giả là Charles Schulz qua đời.
[6] Nghiên cứu cơ bản (basic research) còn gọi là nghiên cứu thuần túy hay lý thuyết. Nghiên cứu cơ bản thường không có lợi ích thương mại trực tiếp và rõ rệt, nhưng nhằm thấu hiểu những nguyên tắc cơ bản. Tuy vậy, những thành quả của nghiên cứu cơ bản lại có nhiều công dụng “không ngờ” mãi một thời gian dài sau đó. Thí dụ như nghiên cứu về tia sáng Laser được tiến hành sau khi Thuyết Tương Đối của Einstein ra đời (1917); nhưng mãi đến mấy chục năm sau (1957) ứng dụng thực hành của tia laser mới ra đời tại Bell Lab, 1964 laser được dùng vào hướng dẫn vũ khí, 1969 máy in laser ra đời, v.v…
[7] Tức là slot machine. Bạn bỏ đồng bạc cắc (tùy loại 5 xu, 10 xu, hay 25 xu) vào máy rồi kéo cần. Nếu những hàng số trên máy hiện ra theo một thứ tự nào đó, 777 chẳng hạn, thì bạn thắng. Máy sẽ đổ ra một số bạc cắc theo như đã ấn định từ trước. Nhiều máy cho người chơi ăn tới cả trăm đô la cho một đồng 25 xu. Đây là một trò chơi hoàn toàn theo may rủi.
[8] DARPA, viết tắt của Defense Advanced Research Projects Agency, một cơ quan Liên bang được thành lập năm 1958 (sau khi Mỹ bị Liên Xô qua mặt về chương trình không gian với vệ tinh Sputnik vào năm 1957) và phụ trách nghiên cứu trong lãnh vực
quốc phòng.
[9] Fortune 500 là danh sách xếp hạng hàng năm 500 công ty hàng đầu của Mỹ do Tạp chí Fortune thực hiện. Những công ty này được xếp hạng theo con số thu nhập trước khi trừ chi phí. Năm 2011 công ty Wal-Mart dẫn đầu bảng
[10] MIT: Massachusetts Institute of Technology, được xem là đại học kỹ thuật hàng đầu của Mỹ.
[11] Bose là công ty nổi tiếng nhất về chế tạo những dụng cụ âm thanh, được Amar Bose thành lập năm 1964. Cho đến nay Bose vẫn là một công ty tư nhân do Bose làm chủ, chứ không bán cổ phiếu cho công chúng.
[12] Ống nhún của xe hơi có hai chức năng là sự thoải mái (không bị dằn) của người sử dụng và sự hữu hiệu khi điều khiển chiếc xe. Câu hỏi để nghiên cứu của thiết bị này là: “Liệu ta có thể tối ưu hóa sự thoải mái và điều khiển xe hơi không?” Câu trả lời là “Được!” và giải pháp là ứng dụng công dụng của điện từ (electromagnetics) thay vì dùng hệ thống thủy điều (hydraulics) như vẫn thường được áp dụng.
[13] Barry Bonds là một trong những cầu thủ môn bóng chày nổi tiếng nhất của Mỹ. Môn bóng chày (baseball) là môn thể thao quốc hồn quốc túy của Mỹ có từ thế kỷ 18. Môn này được du nhập từ Anh quốc nhưng được cải biến thành môn thể thao độc đáo của Mỹ.
[14] Kiện tụng về thiệt hại cá nhân (tort litigation) là vụ kiện hoặc giữa cá nhân với nhau về thiệt hại do một bên gây ra hay giữa cá nhân và công ty. Thực khách bị ngã trong một nhà hàng có thể kiện nhà hàng vì đã để sàn nhà trơn trợt để bồi thường thiệt hại. Có nhiều trường hợp kiện về thiệt hại cá nhân hợp lý vì sự bất cản của người khác hay của công ty. Nhưng cũng dã có rất nhiều vụ lợi dụng luật Tort để kiếm tiền.
[15] Abestos là một hợp chất chống lửa được dùng trong nhà ở hoặc building ở Mỹ. Tuy nhiên, sau này abestos bị cấm không cho sử dụng vì có thể tạo ra ung thư. Kế hoạch quân bình kinh tế (zero-growth) là lý thuyết về kinh tế cho rằng những sự tăng
trưởng kinh tế liên tục đi theo chu kỳ: tăng trưởng – suy trầm; cho nên, nên tìm một điểm quân bình, không có sự tăng trưởng nữa, thì nền kinh tế mới được ổn định.
———
- Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.