Tôi đã được đọc một vài trong số hàng chục tác phẩm do Thiền sư trước tác. Giờ đây, chưa đầy hai giờ bay và thêm bốn giờ đi bus từ Bangkok về trung tâm Làng Mai ở tỉnh Nakornratchasima, tôi sẽ được sống trong thở và cười.
Những bước đi thảnh thơi, chú ý hơi thở vào ra, đã về đã tới...
Làng Mai Thái Lan tọa lạc trong khuôn viên rộng 15ha, bao quanh là vùng núi đồi có khí hậu tương đối ôn hòa. Khóa tu này mang tên “Thắp sáng đèn tâm” có gần 250 thiền sinh tham gia nên một dãy lều dã chiến được dựng lên làm chỗ ở. Tôi thuộc nhóm “trẻ trâu” nên được sắp xếp ở trong dãy lều. Vọng tưởng bị hất hủi đã khởi lên trong đầu của kẻ phàm si như tôi, nhưng kỳ thực đây là may mắn lớn cho chúng tôi, bởi không đâu lý tưởng hơn để được ngắm trời mây cây lá giữa bạt ngàn thiên nhiên.
Thời khóa tu học bắt đầu bằng buổi thiền tọa lúc 5g30. Không khí núi đồi lúc sáng sớm tinh khôi quyện trong hơi thở tỉnh thức, chắc hẳn các hành giả sẽ cảm nhận được “tịnh độ là đây”. Có hôm, buổi thiền tọa sáng được thực tập ngoài trời nơi cốc Sư ông. Khi ấy trời đất và con người không còn ranh giới, thiền sinh chánh niệm theo dõi hơi thở vào ra, cảm nhận thật sâu sắc về tính tương tức. Bằng trí năng có thể dễ dàng diễn giải về tương-tức-tương-tục, về vô-ngã-vô-thường, nhưng để thể nhập vào tuệ giác này là cả con đường hành trì đầy chướng ngại thử thách, và sự dõng mãnh tinh tấn là chất liệu không thể thiếu. Ngày nay, sự ngộ nhận đã diễn ra không ít khi hiện tượng “khẩu đầu thiền” (thiền nơi cửa miệng) tràn ngập không gian internet và trong những câu chuyện đời thường. Mới biết tâm người ưa làm học giả và ngại làm hành giả.
Ngoài thiền tọa được xem là thuận tiện nhất cho việc thực tập hơi thở chánh niệm thì thiền hành (thiền đi), thiền buông thư (thiền nằm), thiền lạy v.v… cũng là những phương thức rất quan trọng.
Tại Làng Mai, thiền hành diễn ra vào thời điểm mặt trời đang thong thả vươn lên sau dãy đồi. Từng bước chân chậm rãi thả trên con đường mòn vô cùng thảnh thơi. Tôi thấy một anh bạn để chân trần và bước từng bước thong dong nhưng đầy tỉnh giác trong buổi thiền hành. Ắt hẳn anh là người hạnh phúc nhất trong chúng tôi, bởi anh đang được tiếp xúc trọn vẹn và sâu sắc với mặt đất tươi mát cùng khí trời tinh nguyên buổi bình minh.
Tăng thân xuất sĩ Làng Mai phần nhiều là quý thầy quý cô còn rất trẻ. Tại trung tâm Làng Mai Thái Lan có trên dưới 170 vị xuất sĩ thực tập, chia sẻ năng lượng hiểu và thương. Có lẽ nhờ năng lượng này mà vị nào cũng đầy sức sống và lạc quan. Nhiều thiền sinh lần đầu đến đây đều ấn tượng bởi những nụ cười rất an vui trên các gương mặt trẻ trung, rạng rỡ của các vị tu sĩ.
Có thể gọi những nụ cười này là đặc sản của Làng Mai vậy. Ắt hẳn, đặc sản này phần lớn được vun trồng, chăm bón bởi chính sự thực tập an trú vào hơi thở, vào giây phút hiện tại mầu nhiệm. Và một phần có lẽ nhờ vào sự cởi mở trong nếp sinh hoạt của Làng Mai với nhiều hoạt động hỗ trợ khác tương hợp với người trẻ như hát thiền ca, chơi thể thao, làm thiện nguyện v.v…
Tôi được nghe nhiều thiền sinh chia sẻ họ đến đây để nạp thêm năng lượng cho chính mình, và cũng để “đánh cắp” năng lượng của Tăng thân đem về sử dụng hầu giúp công việc được thuận lợi, hanh thông.
Hơi thở chánh niệm được Thiền sư Nhất Hạnh xiển dương trong suốt cuộc đời tu tập và hoằng hóa của Ngài. Thật đơn giản khi thực tập, nhưng năng lực nuôi dưỡng và trị liệu của hơi thở chánh niệm thì vô cùng to lớn, đem lại tinh thần an tịnh và cơ thể khỏe mạnh cho mọi người. Và để tiến xa hơn trên con đường hạnh phúc chân thật, sự kết hợp hơi thở chánh niệm với thực tập nhận diện đơn thuần (Vipassana, Tứ niệm xứ, Minh sát tuệ) sẽ giúp hành giả sống trọn vẹn và đích thực với mỗi phút giây trong cuộc sống này.
Và bây giờ, ở đây, tôi an tịnh mỉm cười với câu hỏi vài người bạn vui tính đã lì xì cho tôi: Ông có khùng không khi đầu năm mới lại tốn tiền chỉ để lên núi học thở?
Võ Quân
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.