Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

TỨ ĐỔ TƯỜNG

TỨ ĐỔ TƯỜNG
四 堵 牆
***

1. Tứ đổ tường 四堵牆: 
Tứ : Bốn.
Đổ : Vách.
Tường : Bức tường xây bằng gạch.
 
    Tứ đổ tường 四堵牆  theo đó có nghĩa là bốn vách tường bao kín, không có lối thoát ra ngoàiCác bậc nho sĩ Việt từ xa xưa quen nói : 酒色財氣四堵牆 (Tửu Sắc Tài Khí tứ đổ tường). Nói như thế là để so sánh bốn bức tường kín mít ấy với bốn điều tệ hại: Tửu, Sắc, Tài, Khí, mà hễ con người đam mê dấn thân vào đó thì như là vào bốn bức  tường không lối thoát, chịu chết trong đó luôn, hư hỏng cả cuộc đời, uổng phí một đời người.
 
    Tứ đổ tường thường được ghép với hình ảnh của tệ nạn  xã hội làm hư hỏng con người, làm tan nát gia đình, thậm chí làm suy nhược hủy hoại cả một thế hệ, một quốc gia nữa. 
 
    Đã biết bao biện pháp, luật pháp được đặt ra, thậm chí các tôn giáo cũng tham gia cấm đoán nữa, nhưng cấm thì cứ cấm mà phạm thì vẫn phạm, bởi lẽ Tứ đổ tường là thú đam mê của con người nó nằm trong phạm trù bản chất sinh học, khó thay đổi, cho nên con người là nạn nhân của chính mình. 
 
    1/. Tửu : rượu. Việt dịch là rượu chè – Hàm ý ham mê rượu thịt, nhậu nhẹt say sưa, cuồng tâm loạn trí, trí não hư hỏng, tinh thần suy nhược, hết biết phải trái, hư thân mất nết, không còn phẩm chất con người. Cho nên người xưa mới nói: Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, (rượu nhập tâm như cọp vào rừng), hay Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị (rượu nhập tâm như chó điên ngồi tại chợ). 
    2/. Sắc : vẻ đẹp. Việt dịch là trai gái – Hàm ý ham mê thú vui xác thịt nam nữ, chơi bời hư hỏng, phạm tội tà dâm, tinh mất khí hư, thần hồn mê muội, bỏ bê gia đình. Cho nên người xưa có câu: Sắc bất ba đào dị nịch nhân - Sắc đẹp không có sóng mà dễ nhận chìm người. 
    3/. Tài : tiền. Việt dịch là cờ bạc – Hàm ý ham mê cờ bạc, tham lam lợi lộc, làm quấy  liều mạng, bán đồ bán đạc để có tiền nhập sòng, tan nhà nát cửa. Cho nên người xưa nói: Cờ bạc là bác thằng bần. 
    4/. Khí : mùi. Việt dịch là hút xách – Hàm ý ham mê hút hít (nghiện ngập) thuốc phiện (hay các chất ma túy) làm thân thể bịnh hoạn, mất hết nhân phẩm, trộm cắp hay cướp giựt để có tiền hút hít cho thỏa cơn ghiền.
 
Sách Minh Tâm Bửu Giám có bài thi về Tứ đổ tường: 
Tửu sắc khí tài, tứ đổ tường,
Đa thiểu hiền ngu tại nội sương.
Nhược hữu thế nhân khiêu đắc xuất,
Tiện thị Thần Tiên bất tử phương.
Nghĩa là:
Tửu sắc khí tài, tứ đổ tường,
Ít nhiều ngu trí ở trong rương.
Nếu như người thế tung ra khỏi,
Ấy cũng Thần Tiên bởi diệu phương
 
    Tứ đổ tường theo đó có nghĩa là bốn loại lạc thú trần gian: Cờ bạc - Rượu chè - Trai gái - Hút xách, mà nếu vướng vào một trong bốn thứ trên, thì trước sau gì cũng tan nhà nát cửa mà thôi. Còn nếu nhiều hơn một, hay nghiện luôn cả bốn thì càng sập nhà cấp kỳ.
    Tuy tất cả  đều là thú đam mê, nhưng Tứ đổ tường không xuất hiện cùng một lúc trong xã hội mà qua thời gian, qua trình độ văn hóa kinh tế của mỗi người. Thí dụ con người chưa biết đếm, biết tính thì làm sao có cờ bạc? Khoa học kỹ thuật chưa dạy cất rượu thì làm sao mà say sưa?  Như vậy Tứ đổ tường có từ lúc nào, cái nào trước, cái nào sau?
 
2. Nguyên nhân của sự đam mê:
      2.1. Quan điểm Nho giáo:  Nho giáo có quan điểm đam mê thuộc về nhân tính như sau:
- Mạnh Tử dạy: Nhân chi sơ, tính bản thiện 人之初,性本善 (người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành).
- Khổng Tử dạy: Tính tương cận, tập tương viễn 性相近,習相遠 (tính tốt lành ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau).
    Tóm lại hai ông cho rằng con người có tính lương thiện, nhưng có thể chịu ảnh hưởng của môi trường sống mà biến đổi.  Nói một cách khác thì con người là một sinh vật có tư duy, và tư duy đó đóng vai trò điều khiển cuộc sống con người.  Vấn đề đặt ra  là  tư duy con người chịu ảnh hưởng của Tứ đổ tường đến mức độ nào? Nó đã dẫn dắt con người vào những hệ lụy đau khổ ra sao.
 2.2. Quan điểm Phật giáo:  Phật Giáo có nói đến:
- Tam độc Tham Sân Si - thì ThamSi có trong Tứ đổ tường
- Thất tình: trong những 7 loại tình cảm của con người: Hỉ (mừng), Nộ (giận), Ai (đau thương), Lạc (vui sướng), Ái (yêu), Ố (ghét), Dục (muốn) thì  Lạc, Ái, Dục có liên quan đến Tứ đổ tường.
- Lục dục: Nhà Phật còn phân tích khá nhiều về  dục vọng con người, như cho rằng có 6 nguồn gốc gây sự đam mê gọi là lục căn hay lục dụcmắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cần tu dưỡng (phòng hộ vượt dục). 
- Ngũ giớiTrong 5 giới cấm căn bản của Phật giáo, - người  Phật tử không được uống rượu vì cho rằng rượu là nguyên nhân làm mất đi trí sáng, dễ gây ra tội lỗi và bệnh tật, - người phật tử không được quan hệ tình dục với người không phải là phối ngẫu của mình.  
    Tứ đổ tường những sản phẩm nơi con người tạo ra nhằm thoả mãn những ham muốn trong cuộc sống, nhưng chúng dễ dẫn đến 4 cái thú đam mê gây nhiều hệ luỵ xấu cho bản thân và xã hội. Có thứ đam mê giới hạn một thời gian nào đó rồi lụn tàn, có thứ đam mê đeo đuổi dai dẳng suốt cả cuộc đời. 
    Con người là một sinh vật có tư duy, vấn đề là  phải biết xử dụng tư duy của mình chuyển hóa những tệ hại của đam mê vật chất nâng nó lên hàng sinh hoạt văn hóa cao, phục vụ và tạo dựng hạnh phúc cho con người.
Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.