Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

KINH NGHIỆM: TẦM SƯ HỌC ĐẠO TẠI TRUNG QUỐC.

Jeffrey J . Kelly là một hành giả võ thuật đồng thời là một nhà nghiên cứu và tác giả chuyên viết về võ thuật tại Mỹ. Ông đã đến tận Trung Hoa – chiếc nôi của nền võ thuật Đông Phương – để tầm sư học đạo suốt hai năm trời. Bài sau đây ghi lại những kinh nghiệm tai nghe mắt thấy của ông …
(Trích "Tìm hiểu VÕ THUẬT". Tập 5/1991).

Tôi đã từng ôm mộng hải hồ ngay từ lúc bắt đầu học võ. Gần như ngay từ lớp tập Taekwon-Do đầu tiên, tôi đã linh cảm có một ngày nào đó, tôi sẽ làm một chuyến hành hương sang Đông Phương. Cũng phải mất ngót mười lăm năm, nhưng rồi rốt cuộc tôi cũng gặp may.Tôi tìm được một chân giáo sư dạy Anh ngữ tại Trung Hoa. Tôi sống suốt hai năm tại đất nước này và tôi cho rằng mình cũng khá may mắn. Tôi đã được học Thái Cực Quyền theo trường phái họ Trần ngay tại chiếc nôi của môn võ thuật này – Làng Trần (Trần Gia Câu) thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tôi cũng rất may mắn được trở thành một môn đồ của Thiếu Lâm Tự dưới sự truyền dạy của võ sư Shi Su-Xi. Thậm chí tôi còn được học trực tiếp chút đỉnh về Thiếu Lâm quyền từ các vị thiền sư. Chà, câu chuyện nghe ra thoải mái thuận lợi đấy chứ, nhưng không phải dễ gì đâu. Đâu phải mọi người đều may mắn như tôi. Do đó, trước khi bạn hối hả lo đặt vé máy bay để tìm đất tổ của võ thuật, tôi xin phép trình bày hầu bạn những kinh nghiệm thực tế của tôi tại đây, để bạn chuẩn bị tinh thần sẵn .
Năm đầu tiên ở Trung Quốc, tôi chẳng học được một chút võ nghệ nào cả. Tôi sống suốt hai năm cách ly khỏi gia đình và bạn bè, và hầu như bị cô lập hoàn toàn về mặt xã hội với những người dân mà tôi đang sống chung. Mùa hè thì nóng, mà mùa đông thì lạnh, và hầu như lúc nào tôi cũng bực bội gắt gỏng. Tôi phạm nhiều sai lầm và phí phạm nhiều thời gian, nhưng đồng thời, tôi cũng thu thập được khá nhiều kinh nghiệm. Sau đây là một số vấn đề và cách giải quyết mà các bạn cần phải cân nhắc kỹ.
Tôi nên đi đâu đây? Bất cứ bạn làm việc gì đi nữa, lời khuyên cho bạn là hãy chọn một thành phố lớn. Tôi đã sống suốt hai năm đầu tiên ở một thị trấn nhỏ và bạn cứ tin tôi đi, chỉ tổ lãng phí thời gian mà thôi. Trước khi sang Trung Quốc, tôi cứ ngỡ rằng việc tôi đi đến đâu thì cũng chẳng hề gì; rằng làng mạc nào tại Trung Hoa chắc chắn cũng có danh sư võ thuật của nó cả. Tôi hết sức chới với mà nhận ra rằng sự thể không phải như vậy. Hầu như bất cứ một võ sư nào xứng đáng với danh hiệu võ sư cũng đều sống tại một thành phố lớn. Tại sao vậy? Bởi vì võ thuật được chính phủ công nhận và yểm trợ. Các môn võ thuật được dạy trong tất cả các trường cao đẳng và đại học thể thao hoặc phổ thông. Các trường giỏi nhất luôn luôn đặt cơ sở tại các thành phố lớn, đó chính là nơi bạn sẽ tìm được các bậc danh sư tài giỏi nhất. Nhân dân Trung Hoa được chính phủ bổ nhiệm công tác, do đó nếu có ai muốn sinh sống bằng nghề dạy võ, ông ta sẽ đi đến các nơi nào chính phủ cắt cử ông ta đi. Thậm chí cả ngày nay, cũng hầu như chưa có các võ đường do tư nhân hoàn toàn quản lý và huấn luyện.
Lại nữa, cuộc sống trong một thành phố lớn thì thoải mái hơn nhiều so với nếp sinh hoạt ở một vùng nông thôn nghèo nàn. Dĩ nhiên cũng có thể có một vài bậc chân sư sống ở miền thôn quê, nhưng như thế có nghĩa là họ không dạy võ cho công chúng, và cũng có nghĩa là họ cũng chẳng dạy võ cho cả bạn nữa.
Trong một thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, tiếp xúc được với một võ sư giỏi là điều tương đối dễ. Rất có thể bạn sẽ tìm được một vị thông qua một trường cao đẳng, đại học hay sở thể thao cấp tỉnh hoặc thành phố. Bạn cũng có thể thăm viếng các công viên, nhưng tôi đã thất vọng với chất lượng mà tôi chứng kiến tại các nơi này. Đành rằng có rất nhiều người tập tại các công viên đó, nhưng nếu bạn biết rõ điều mà bạn muốn tìm, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết những gì mà họ đang tập ở đấy đều tương đối nghèo nàn, kém cỏi. Hãy ghi nhớ điều này: Không phải tất cả mọi người Trung Quốc đều là những cao thủ võ thuật và các bậc chân sư không bao giờ thi thố công phu của mình nơi công cộng.
Tôi nên học gì đây? Ngành võ thuật hiện đại Trung Hoa có thể chia làm hai giai đoạn: võ công và võ thuật. Võ công là cái mà chúng ta thường nghĩ đến như thể môn công phu truyền thống, những nghệ thuật chiến đấu như Thiếu Lâm quyền, Thái Cực quyền, Vịnh Xuân v.v… Còn võ thuật là môn nghệ thuật thiên về biểu diễn, một thể loại võ của phòng tập thể dục (Trên thực tế, “võ thuật” được dùng tại Trung Hoa như một từ chung cho cả hai thể loại nói trên).
Bạn toan tính theo học các môn võ cổ truyền chăng? Bạn có thể bị thất vọng đến nơi rồi đó. Nói như thế không có nghĩa là các võ sư giỏi không có, mà chỉ do cách nhấn mạnh vấn đề lại khác biệt. Ngày nay tại Trung Hoa, võ thuật được truyền dạy để phục vụ mục tiêu sức khỏe và rèn luyện thân thể, chứ không phải vì mục đích tự vệ. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không được dạy về các kỹ thuật áp dụng đòn thế, các bài tập đối luyện giữa hai người, mà chỉ là những bài bản tập luyện tay không mà thôi.Trong khi đó đối với những người chỉ tập một môn võ nhằm mục đích duy trì sức khỏe thì việc này chẳng ăn thua gì, còn bạn, kẻ dốc tâm tìm học một môn võ tự vệ và thực sự đối luyện, thì quả là bạn sẽ thất vọng lắm. Lấy ví dụ, bản thân tôi thấy hết sức may mắn được các thiền sư Thiếu Lâm dạy cho vài cách phân thế các bài quyền, nhưng trên thực tế tôi cũng chưa hề thử thách thực sự cách áp dụng các đòn thế trên bất cứ ai.
Đối với võ thuật, tình huống lại hoàn toàn đối nghịch. Võ thuật là một môn võ thể thao được chính phủ chấp nhận và tài trợ. Có rất nhiều thầy tuyệt giỏi và cũng dễ kiếm ra họ thôi. Họ sẽ bắt bạn luyện tập căng thẳng và không hề giấu nghề gì cả, chỉ vì bạn là người nước ngoài. Đây rõ ràng là một môn thể thao Trung Hoa và họ không ngừng cải tiến, canh tân nhiều điều, do đó nếu bạn muốn dự tranh ở trình độ cao đẳng của bộ môn thể thao này, thì Trung Hoa đúng là nơi bạn tìm đến .
Tôi cần phải học bao lâu? Hẳn bạn sẽ nghĩ “càng lâu càng tốt, nhưng không phải lúc nào cũng thế đâu. Nó còn tùy thuộc ở chỗ bạn học cái gì (ở đây chúng ta coi như bạn học chút đỉnh về võ thuật). Nói về võ thuật, bạn có thể học được khá nhiều trong một thời gian ngắn – cứ cho là hai tuần một bài bản mới. Nếu bạn có hai tháng, bạn sẽ dành nhiều thời gian để sửa chữa và hoàn thiện các kỹ thuật cơ bản. Các chương trình võ thuật dành cho người nước ngoài thường được tổ chức ngắn hạn và bạn sẽ tập luyện từ bốn đến sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày. Vì những người biểu diễn võ thuật chủ yếu tập luyện để hoàn thiện một vài bài bản, cho nên hai tuần cũng đủ mang lại nhiều sự cải thiện quan trọng rồi. Tuy nhiên nếu bạn chưa có chút kinh nghiệm nào từ trước về môn võ thể thao bạn muốn theo học, thì trước hết bạn nên tìm một huấn luyện viên giỏi tại xứ sở của bạn để ông ta dạy bạn trước các bước căn bản đã. Thời gian tập luyện tại Trung Hoa chỉ nên sử dụng để trau chuốt, hoàn thiện các kỹ thuật của bạn mà thôi.
Đáng buồn thay, tình huống hoàn toàn khác hẳn đối với những ai muốn tìm học võ công. Dù vẫn có những chương trình dạy võ cổ truyền cho những người ngoại quốc, nhưng phương pháp cũng giống hệt như khi dạy võ thuật mà thôi: Chỉ là các bài quyền tay không hay với vũ khí vậy thôi, không có đối luyện, không có phân thế, áp dụng. Dĩ nhiên bạn sẽ nghĩ rằng một chương trình có hai tuần lễ thì còn đòi hỏi được gì hơn. “Một hệ thống võ học cần cả một đời người mới có thể nắm vững được. Tôi bất kể là môn võ đó có khó đến đâu, tôi sẵn sàng ở đây đến bao lâu cũng được miễn là tôi học hết được môn võ đó”. Nghe ra thật đúng là một thái độ đáng ngưỡng mộ, nhưng trên thực tế đó là một việc “lực bất tòng tâm” đấy bạn ạ.
Nếu bạn mong biến ước mơ này thành sự thật, bạn cần phải khắc phục cho được rất nhiều khó khăn. Trước hết bạn phải tìm cho ra một vị võ sư, một chuyện không dễ dàng vì các thầy võ đâu có treo bảng hiệu hay đăng quảng cáo trên Niêm Giám Điện Thoại. Nếu quả như bạn có xoay sở khéo tìm ra được một võ sư và ông ta chịu dạy bạn, có lẽ bạn chỉ gặp được ông ta vào những lúc ông ta rãnh mà thôi. Giỏi lắm là mỗi tuần bạn học thêm về động tác. Vào mùa đông và chớm sang xuân, bạn tha hồ đi tìm hàng tháng cũng không mong gặp được ông ta. Về mùa đông hầu hết các hoạt động tại Trung Hoa đều ngưng trệ. Trời lạnh quá mà. Bạn có thể học mấy năm mà cũng chỉ biết dăm ba bài quyền độc diễn. Do đó bằng cách giới hạn thời gian với một chương trình được ấn định trước, có lẽ bạn sẽ học được nhiều hơn trong một thời gian ngắn hơn. Dĩ nhiên bạn sẽ phải hoàn thiện lấy các đòn thế ấy một mình, nhưng những chuyến du lịch hàng năm đến tham dự các khóa bồi dưỡng sẽ giúp ích được bạn rất nhiều.
Làm quen với phương pháp giảng dạy của người Trung Hoa đòi hỏi ở bạn một nổ lực thích ứng lớn nhất. Võ sư của bạn mỗi lần chỉ hướng dẫn bạn một động tác, ông ta chỉ biểu diễn một hoặc hai lần mà thôi. Ông ta không hề sửa chữa cho bạn. Khi bạn đã học xong một chiêu thế, bạn có thể hoặc học sang chiêu thế kế tiếp hoặc việc dạy dỗ tạm ngưng ở đó. Không có vấn đề ôn tập những gì bạn đã học. Nếu một vị võ sư bảo bạn đi một bài quyền, ông ta chỉ lẳng lặng đứng xem bạn, không một lời bình phẩm. Điều này có thể khiến cho các võ sinh người Mỹ rất bối rối, thất vọng, vì họ vốn quen được các huấn luyện viên phê bình, sửa chữa. Võ sư của bạn đôi khi cũng khen bạn vài câu lịch sự, nhưng phần lớn bạn bị bỏ mặc với cảm giác hoang mang không hiểu là các động tác của mình làm đã … gần đúng chưa? Một lời khen đích thực duy nhất mà tôi nhận được là của một vị sư Thiếu Lâm Tự. Một lần kia khi tôi đi xong môt bài quyền ông dạy cho tôi, tôi được ông ta khen rằng “Trông cũng không đến nỗi tồi - đối với một người nước ngoài như vậy”.
Đối với người Trung Hoa, bạn sẽ mãi mãi là một người nước ngoài. Vậy bạn hãy thực tế. Bạn có thể học được nhiều, nhưng bạn sẽ không bao giờ học hết được mọi điều, cho dù bạn có lưu lại đất nước này lâu đến đâu đi nữa. Chuyện một võ sư Trung Hoa truyền hết võ công cho một kẻ ngoại bang là một điều rất họa hiếm. Tôi phải tiêu tốn bao nhiêu? Theo tiêu chuẩn của người Mỹ thì phí tổn thực sự cho việc ăn ở và huấn luyện tại Trung Hoa có thể gọi là tương đối thấp, dù đối với tiêu chuẩn của người Trung Hoa như thế là quá cao. Tuy nhiên không phải bao giờ bạn trả giá cao cũng đều được một món hàng tốt đâu. Tôi xin đơn cử một ví dụ: Tôi làm bạn với hai nguời Úc và một thanh niên từ Đan Mạch sang Trung Hoa để học võ cổ truyền. Họ ở tại một trung tâm huấn luyện gần Thiếu Lâm Tự. Họ được thuyết phục đến chỗ tin tưởng rằng trung tâm này được Thiếu Lâm Tự điều hành và họ sẽ được học võ do đích thân các vị sư Thiếu Lâm truyền dạy. Trên thực tế, trường huấn luyện này không hề có một quan hệ chính thức nào với Chùa Thiếu Lâm. Riêng các huấn luyện viên tại đây trình độ võ thuật cũng khác biệt nhau và chưa hề được học võ tại Chùa Thiếu Lâm với các danh sư của Chùa. Trường sở còn mới và trông bề thế lắm. Mặc dù được trang bị lò sưởi, nhưng các phòng ngủ và phòng tập không hề được sưởi ấm trong suốt mùa đông. Nước nóng để tắm chỉ được cung cấp hai tuấn một lần. Thức ăn thì đắc nhưng chất lượng kém và đơn điệu. Các võ sinh tập luyện bốn giờ một ngày, vậy mà không có một nhân viên nào được huấn luyện về mặt y tế để chăm sóc cho các vết thương mà các võ sinh không thể tránh khỏi được trong lúc tập luyện. Các võ sinh ngoại quốc này không nói được tiếng Trung Hoa, cho nên họ bị tất cả mọi người lợi dụng, từ anh phiên dịch cho đến bà già ngồi bán khoai tây chiên. Vì tất cả những khoản này, hằng tháng họ phải trả mỗi người hơn 1.000 đô la Mỹ.
Đọc đến đây chắc các bạn cho là tôi chỉ trích hơi quá đáng, và tôi xin công nhận là quả tôi có nhấn mạnh về các mặt tiêu cực đó để chuẩn bị cho các bạn sẵn sàng đối phó với tình huống bất như ý nhất. Công bằng mà nói, mặc dù có những chuyện bực mình khó chịu, nhưng cũng có người đã từng đến học võ tại Trung Hoa và thấy đó là một kinh nghiệm rất đáng trân trọng và khích lệ. Tôi thực hết sức may mắn đã gặp được những người tôi gặp và đã học được những điều tôi học.
XUÂN THẢO.
(Theo tài liệu INSIDE KUNGFU).

Source: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=481186092030682&id=385039281645364

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.