Trong trường học, ta biết rõ mình cần phải làm gì. Mọi mục tiêu đều được đặt ra rõ ràng. Ta phải học bằng này môn, thi lấy bằng này điểm, cuối kỳ phải có bằng khen tiên tiến, xuất sắc. Trường đời thì không như thế. Không ai được sinh ra với một tờ hướng dẫn sử dụng cuộc đời này như thế nào. Không ai biết mình sẽ phải làm gì trong cuộc đời này. Chúng ta lúng túng và chọn bừa mục tiêu hiển nhiên nhất: leo lên vị trí thật cao, kiếm thật nhiều tiền để rồi quên đi rằng tiền bạc, danh vọng không phải là thứ quan trọng nhất.
Trong trường học, ta luôn có thầy cô hướng dẫn chúng ta từng ly từng tí. Thầy cô luôn hỏi chúng ta: “Các em có hiểu không?”, và sẽ không tiếp tục cho đến khi chúng ta đã hiểu. Trường đời thì không như thế. Chẳng có ai chỉ chúng ta cách phải yêu, phải ghét như thế nào. Chẳng có ai giải thích cho chúng ta tại sao đồng nghiệp lại ghen ghét chúng ta đến vậy. Chẳng có ai cho chúng ta biết có gì ở phía bên đại dương, hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhảy. Chúng ta phải tự học. Cuộc sống vẫn tiếp diễn cho dù ta có hiểu nó hay không.
Trong trường học, ta biết rõ cái gì là đúng, cái gì là sai. Sai thì trừ điểm, đúng thì được khen. Đúng sai phân định, trắng đen rõ ràng. Nhưng đó đâu phải là cách cuộc sống vận hành. Nhiều lúc, chúng ta phải đưa ra những quyết định quan trọng mà chẳng có cách nào để ta biết được thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhiều việc chúng ta phải làm nằm ở ranh giới mong manh giữa đạo đức và đồi bại. Không nghe lời bố mẹ để theo đuổi giấc mơ của mình là đúng hay là sai? Lừa đảo người khác để kiếm tiền cứu gia đình là đúng hay sai? Chẳng ai có thể biết, cũng chẳng ai có thể bảo cho chúng ta biết. Đôi khi, sách vở chỉ nói những lời vô nghĩa, và luật lệ chỉ mang tính đối chiếu. Thứ duy nhất chúng ta có là con tim, và chúng ta phải nghe theo con tim đó.
Điểm 10 hoàn hảo trong trường học không tồn tại trong cuộc sống. Không có cuộc sống của ai là toàn nụ cười, cũng không có ai là hoàn hảo. Chàng trai chúng ta yêu luôn có một khuyết điểm nào đó. Công việc trong mơ bỗng chốc mất đi vẻ hào nhoáng một khi chúng ta đã thực sự bắt tay vào làm. Chẳng bao giờ chúng ta có thể có tất cả mọi thứ: hoặc là phải hy sinh gia đình để theo đuổi sự nghiệp, hoặc là hy sinh sự nghiệp để theo đuổi tình yêu. Và rồi ta nhận ra rằng, đôi khi, tiếp tục sống đồng nghĩa với việc phải chấp nhận: chấp nhận những thói quen xấu của người ta yêu, chấp nhận hy sinh một trong những thứ cực kỳ quan trọng với mình để theo đuổi thứ còn quan trọng hơn.
Thời gian biểu. Trường học luôn có thời gian biểu được bố trí một cách khoa học, cho ta thời gian để chuẩn bị. Ta biết rõ khi nào ta phải học, khi nào ta phải thi, khi nào ta được nghỉ. Nhưng mà, làm gì có ai cho ta thời gian biểu của cuộc sống đâu? Làm gì có ai cho ta biết khi nào ta sẽ bị mất trộm, khi nào người thân yêu nhất của ta ra đi, hay khi nào nửa còn lại của cuộc đời ta sẽ tình cờ xuất hiện. Cuộc sống có nhịp đập của riêng nó. Sinh lão bệnh tử âu cũng là ý trời. Thay vì lập ra một kế hoạch chi tiết và mong mọi chuyện diễn ra theo nó, ta phải chuẩn bị tinh thần và kỹ năng sẵn sàng đối phó với bất kỳ chuyện gì xảy ra.
Và nói đến kỳ nghỉ. Trong trường học, thi xong là hết. Ta có thể quên hết sách vở đi, lao mình vào một kỳ nghỉ, thoả sức làm tất cả những việc mình thích. Trường đời không như trường học. Lúc duy nhất ta có thể “nghỉ sống” là khi ta đã chết. Với nhiều người, cuộc sống là một kỳ thi dài mệt mỏi không có nghỉ ngơi: luôn có những lo toan cơm áo gạo tiền; luôn có những bất đồng với gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm; luôn có những khó khăn từ trên trời rơi xuống. Nhưng họ quên mất một điều rằng, trong cuộc sống, ta không phải đợi đến thi xong mới có thể làm điều mình thích. Ta có thể làm điều mình thích bất cứ lúc nào. Chẳng phải những ngày còn đi học, ta luôn mơ ước đến ngày tốt nghiệp để có thể dùng toàn bộ thời gian cho mình sao? Tại sao khi tốt nghiệp rồi ta lại thay đổi? Để cuộc sống là một kỳ thi dài mệt mỏi, hay là một kỳ nghỉ dài không bao giờ kết thúc, đó là lựa chọn của chính chúng ta.
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.