Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

NGÔ THUỴ MIÊN



Từ riêng một góc trời là căn nhà xinh xắn nơi thành phố Olympia hiền hòa của tiểu bang Washington, Ngô Thuỵ Miên có thể là lần đầu tiên đề cập đến nhiều chi tiết về mình với người viết, đã có dịp gặp anh vào cuối năm 99, cũng như từng nói chuyện với anh qua điện thoại trong hơn một tiếng đồng hồ vào tháng 4 năm 2000 vừa qua. Năm 2000 cũng là năm đánh dấu 35 năm hoạt động âm nhạc của Ngô Thụy Miên kể từ khi anh cho ra đời tình khúc đầu tiên "Chiều Nay Không Có Em" vào năm 65. Sự đóng góp của Ngô Thụy Miên trong 35 năm đó không phải nhỏ cho nền tân nhạc Việt Nam với những bài tình ca đã đi sâu vào tâm hồn mọi người, nhất là những người lấy tình yêu làm hơi thở, là nguồn sống. Bài viết này mong được coi là một tài liệu nhỏ nhoi đối với những người yêu mến dòng nhạc của người nghệ sĩ nho nhã và đa cảm, đã sống với âm nhạc trong suốt cuộc đời mình...
Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng, trong một gia đình có 7 người con mà anh là người con thứ nhì. Bốn trong năm người em gái cùng người anh cả của anh hiện cư ngụ tại Canada. Một người em gái khác còn ở lại Việt Nam. Thân mẫu anh năm nay đã gần 80 tuổi hiện cũng cư ngụ tại Montreal, Canada sau khi cùng các con gái sang cư ngụ ở đây từ năm 75. Thân phụ anh, qua đời từ vài năm nay, là chủ nhân nhà sách Thanh Bình ở Hải Phòng, khi vào đến Sàigòn vẫn tiếp tục đứng ra trông coi tiệm sách mang cùng tên trên đường Cao Thắng. Ngô Thụy Miên lớn lên trong sự gần gũi với sách vở, thơ văn và do đó tâm hồn lãng mạn của anh đã sớm có cơ hội phát triển để hướng về lãnh vực nghệ thuật là lãnh vực thích hợp nhất để diễn đạt tình cảm. Từ đó, Ngô Thụy Miên bắt đầu học nhạc dưới sự chỉ dẫn của các nhạc sĩ Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt. Thời gian kế tiếp, song song với việc theo bậc trung học ở trường Nguyễn Trãi và đại học Khoa Học, anh thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc và tốt nghiệp về violin và nhạc pháp 8, 9 năm sau. Cũng chính trong môi trường âm nhạc đó, anh đã quen với Đoàn Thanh Vân và sau này trở thành vợ anh - khi hai người cùng theo học tại đây vào những năm đầu của thập niên 60. Đoàn Thanh Vân là con gái của nam tài tử lão thành Đoàn Châu Mậu, với những chị em đều là những người hoạt động về âm nhạc như Đoàn Châu Nhi, Đoàn Châu Bào, Đoàn Thanh Sâm, Đoàn Thanh Tuyền (một thời cùng với Đức Huy kết hợp thành cặp song ca Đức Huy và Thanh Tuyền nổi tiếng trong những sinh hoạt nhạc trẻ vào đầu thập niên 70).
Sự quen biết giữa Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân bị ngắt quãng một thời gian để sau đó họ gặp lại nhau vào năm 73 với sự nẩy nở đậm đà về tình cảm, đưa đến quyết định cùng nhau thành hôn. Nhưng biến cố tháng tư 75 đã xảy ra khiến dự định của hai người đã không được thành tựu tại Việt Nam, khi Đoàn Thanh Vân cùng với toàn gia đình di tản sang Mỹ trong ngày đầu tiên, để lại Ngô Thụy Miên quay quắt với niềm nhớ thương vô hạn. Chính niềm thương nhớ đó đã tạo thành cảm xúc để anh sáng tác nên ca khúc "Em Còn Nhớ Mùa Xuân", nhắc nhở đến những kỷ niệm đẹp của hai người trong khung cảnh của Sàigòn một thời thơ mộng. Đây là nhạc phẩm duy nhất Ngô Thụy Miên sáng tác tại Việt Nam sau tháng 4/75, được hoàn tất vào cuối năm 78 khi anh vượt biên và đến được Pulau Bidong cùng một số nghệ sĩ trong ban văn nghệ của công ty Đại Dương.
Sau 6 tháng ở trại tị nạn, Ngô Thụy Miên sang Montreal, Canada vào tháng 4 năm 79 đoàn tụ với gia đình. Từ San Diego, California, được tin người yêu đã đến được Montreal, Đoàn Thanh Vân đã tức tốc bay sang đây để nối kết lại cuộc tình, đưa đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Cùng năm 79, hai người qua San Diego cư ngụ một thời gian ngắn, trước khi dời lên Orange County vào cuối năm. Qua năm 80, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho UCLA (Đại học California tại Los Angeles). Vì vấn đề di chuyển bất tiện, anh đã nghĩ việc 6 tháng sau để cuối cùng hai vợ chồng quyết định dọn lên Seattle (Washington) cư ngụ. Tại đây anh cho ra đời sáng tác đầu tiên tại hải ngoại của mình là "Bản Tình Ca Cho Em", được thính giả đón nhận ngay sau một thời gian khá dài cảm thấy thiếu thốn những âm điệu quen thuộc của dòng nhạc mang tên Ngô Thụy Miên. Những ngày đầu ở Seattle, Ngô Thụy Miên thường trình diễn vào những dịp cuối tuần trước khi được thu nhận vào làm việc về ngành điện toán cho một cơ quan trực thuộc chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Sau khi trụ sở của cơ quan này dời về thành phố Olympia (thủ đô của tiểu bang Washington), vợ chồng anh một lần nữa lại di chuyển theo và cư ngụ tại thành phố nhỏ êm đềm và rất ít người Việt này từ năm 83 cho đến nay. Từ góc trời nhỏ bé đó, Ngô Thụy Miên đã tìm lại được nguồn cảm hứng bị trì trệ bởi những biến cố liên tiếp xẩy ra trong cuộc sống của anh. Từ sự căng thẳng trong khi còn kẹt lại Việt Nam, niềm thương nhớ người yêu, sự hồi hộp phập phồng khi vượt biên đến những ngày đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống mới cùng những lo toan về công ăn việc làm trong khi chờ đợi một nơi cư trú ổn định. Những ca khúc quen thuộc khác được liên tiếp tung ra sau đó như: Nắng Paris Nắng Sàigòn, Giấc Mơ, Mùa Thu Xa Em, Tháng Giêng và Anh, Dốc Mơv..v...
Trong thập niên 90, Ngô Thụy Miên được nhắc nhở đến nhiều với những Cần Thiết, Em Về Mùa Thu, Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng ..v..v... và nhất là Riêng Một Góc Trời, được coi là một trong vài tình khúc tiêu biểu của thập niên qua. Vào đầu năm 2000, anh đã hoàn tất ca khúc mới nhất "Mưa Trên Cuộc Tình Tôi".
Tổng cộng cho đến nay, Ngô Thụy Miên đã sáng tác được khoảng 50 ca khúc với khoảng 20 bài sáng tác ở trong nước, khởi đầu với "Chiều Nay Không Có Em" vào năm 65. Nhạc phẩm này cho đến nay vẫn được anh ưa thích nhất vì đã đánh dấu một khúc rẽ quan trọng trong quá trình sáng tác của anh, ngoài ra còn ghi lại một quãng đời thơ mộng, một cuộc tình nhẹ nhàng với hình ảnh những đường phố, những quán nước đầy ắp kỷ niệm của Sàigòn ngày cũ. Đến năm 67, tên tuổi Ngô Thụy Miên trở thành nổi bật trong lãnh vực tình ca với "Mùa Thu Cho Em". Liên tiếp sau đó, bất cứ nhạc phẩm nào của anh tung ra đều được công nhận là những ca khúc tình cảm tiêu biểu của những người trẻ yêu nhau trong những thập niên 60, 70, đặc biệt là những nhạc phẩm phổ từ thơ Nguyên Sa là những bài thơ Ngô Thụy Miên cho là có một phần đời của mình trong đó như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13 v..v... chưa kể đến Tình Khúc Tháng Sáu, dựa trên ý thơ của Nguyên Sa. Sau này tại hải ngoại Ngô Thụy Miên còn phổ nhạc từ một số bài thơ khác của Nguyên Sa như Tháng Giêng và Anh, Cần Thiết v..v...
Nếu nhạc Từ Công Phụng và thơ Du Tử Lê được coi là một sự kết hợp rất hài hòa, thì nhạc Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa phải được coi là một sự kết hợp sâu xa về tình cảm. Từ sự gần gũi với thơ Nguyên Sa trong thời kỳ học trò, Ngô Thụy Miên đã chịu ảnh hưởng không ít ở hơi thơ của thi sĩ tên tuổi này khiến người nghe dễ nhận thấy bàng bạc trong dòng nhạc của anh như chính anh tâm sự: "Trong thời gian đi học, thơ của Nguyên Sa mình đọc nhiều nhất, ngâm nhiều nhất thành ra nó đã thấm vào hồn mình... trong tất cả 4 thập niên viết nhạc của tôi thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc của tôi. Ngay cả như bên này như tôi viết "Nắng Paris Nắng Sàigòn" cũng mang một âm hưởng của Áo Lụa Hà Đông" hay "Paris Có Gì Lạ Không Em".
Một chi tiết ít người biết là Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên mới chỉ gặp nhau có hai lần, tuy nhiên thỉnh thoảng có liên lạc qua điện thoại. Về sự kết hợp nhạc của mình với thơ của Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên đã đưa ra những cảm nghĩ của mình qua một bài viết mang tựa đề "Thơ Nguyên Sa và Nhạc Ngô Thụy Miên", được phổ biến cách đây không lâu trong một tác phẩm liên quan đến nhà thơ này.
Năm 74 đã đánh dấu cho một thời kỳ lẫy lừng nhất của tên tuổi Ngô Thụy Miên sau khi băng nhạc "Tình Ca Ngô Thụy Miên" được tung ra thị trường. Thời gian này anh đang làm việc trong ban kiểm soát thông lưu của Hàng Không Dân Sự Việt Nam tại phi trường Tân Sơn Nhất. Một nhóm bạn bè của anh thuộc cùng cơ quan đã cùng nhau đóng góp tài chính cho sự ra đời của băng nhạc này với niềm tin tưởng rất lớn với sự thành công của nó. Có thể nói đây là một trong những băng nhạc về tình ca có giá trị nhất của nền tân nhạc Việt Nam với 17 nhạc phẩm trên tổng số 20 nhạc phẩm đã được Ngô Thụy Miên sáng tác cho đến lúc đó, được trình bày qua tiếng hát của Thái Thanh, Duy Trác, Sơn Ca, Duy Quang v..v... Tất cả đều là những tình khúc mà mới chỉ nghe qua âm điệu, người ta đã nhận ra ngay dòng nhạc của Ngô Thụy Miên. Băng nhạc này đã do nhạc sĩ Văn Phụng soạn hòa âm, đánh dấu cho một sự chuyển hướng mới so với những nhạc phẩm được hòa âm trước đó. Điểm đặc biệt này cũng đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của băng nhạc "Tình Khúc Ngô Thụy Miên"...
Tại hải ngoại vào năm 82, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã đứng ra thực hiện băng nhạc "Những Tình Khúc Ngô Thụy Miên 2" gồm một số nhạc phẩm chọn lọc từ băng nhạc đầu tiên, tuy được coi là thành công nhưng người nghe vẫn không tìm thấy được những nét đặc biệt của băng nhạc nguyên thủy đã ra đời vào đúng thời điểm cao nhất của tình ca.
Thuần túy cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại như anh đã tuyên bố là "Tôi không viết nhạc để sống mà tôi sống để viết nhạc", do đó những tình khúc của anh đã thoát ra được sự gò bó khi dùng âm nhạc làm sinh kế. Như đã trả lời một cuộc phỏng vấn trên chương trình video, Ngô Thụy Miên cho biết mỗi tác phẩm của anh đều mang một chút hình ảnh của mình trong đó. Anh muốn viết cho chính anh, bằng những cảm xúc thật của mình nhưng "nếu đời hay người chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui. Lẽ dĩ nhiên tôi viết cho mình và cho đối tượng của mình nữa, nhưng tôi không viết cho mọi người". Tuy chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của anh, những cảm xúc riêng anh đã nói lên được tất cả tâm sự chung của những ai từng có những rung động trong tình yêu. Dù môi trường sống có khác biệt, dù thời gian có qua đi, nhưng những tình khúc của Ngô Thụy Miên vẫn là một sự hiện diện rất thích hợp với tâm trạng của những kẻ yêu nhau. Riêng anh, tự mình chưa từng thực hiện một tập nhạc nào ngoài 4, 5 tập được xuất bản hoàn toàn không có sự đồng ý của anh. Gần đây nhất, một tập nhạc chính thức của anh đã được nhà sách Văn Khoa phát hành dưới đề tựa "Góc Trời Ngô Thụy Miên", gồm những nhạc phẩm ưng ý nhất do chính Ngô Thụy Miên chọn lọc dưới sự chăm sóc anh cho là rất kỹ lưỡng của nhà sách Văn Khoa như anh cho biết. vào năm 93, trung tâm Thúy Nga đã dành riêng cho anh một chương trình video đặc biệt và sau đó phát hành một CD gồm những sáng tác mới của anh tại hải ngoại, chưa kể đến nhiều ca khúc của anh được thu thanh rải rác trên rất nhiều sản phẩm audio và video.
Đi sâu hơn nữa vào thế giới âm nhạc của Ngô Thụy Miên, người ta nhận thấy rõ ràng sự khác biệt giữa dòng nhạc của anh tại hải ngoại khi so sánh với thời kỳ còn ở trong nước. Chính Ngô Thụy Miên cũng công nhận điểm này để đưa ra sự phân tích như sau: "Tôi không nói về nhạc thuật mà tôi nói về nhạc ý của tôi trong thập niên 60, 70. Trong hai thập niên này thì ảnh hưởng nơi nhạc của tôi là nhạc tiền chiến. Nhạc của tôi luôn luôn tôi muốn viết cho được vui mặc dầu là một chuyện buồn, nhưng mà về ý nó vẫn vui. Hoặc là nhạc của tôi nó ảnh hưởng từ hai cái câu tôi nghĩ đó là của anh Hoàng Anh Tuấn. Đó là: "Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng gì cả, anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều có nắng vàng nhuộm mái tóc em". Nhạc của tôi nó chỉ luân chuyển trong cái đề tài đó. Cái đẹp của cuộc tình là nó có đổ vỡ nhưng mà vẫn thấy nó đẹp."
Vấn đề thay đổi nhạc ý của mình từ khi ra đến hải ngoại được anh trình bày với tất cả sự thành thật: "Qua tới hải ngoại thì anh thấy rõ ràng là những cái bài nhạc của tôi, ngay cả những lời nói và cái dòng nhạc cũng vậy, nó chậm hơn và nó buồn bã hơn., không có được âu yếm, không có đẹp như năm 60, 70 tôi viết nữa".
Còn về những lý do đã đưa đến sự thay đổi đó, đã được Ngô Thụy Miên giải thích một cách rõ ràng: "Tôi nghĩ là nhạc cũng như là đời sống. Qua tới đây tất cả không gian và thời gian đều biến đổi, thành ra con người mình nó cũng biến đổi theo. Có những tình cảm của mình nó trùng xuống, không còn được vui vì chung quanh mình, cái ambience không còn như ở quê hương mình nữa. Nó không còn là những hình ảnh đẹp khi mình lớn lên. Anh cũng giống như tôi, cái thời gian 60, 70 là đẹp nhất của mình, anh có đồng ý không ?"
Chính trong khoảng thời gian Ngô Thụy Miên cho là đẹp nhất đối với tuổi niên thiếu của anh đã tạo cho dòng nhạc của anh những sắc thái rất đặc biệt qua sự diễn tả bằng âm giai hay lời nhạc.
Ngô Thụy Miên tâm sự dù ở hải ngoại đời sống vật chất của anh có đầy đủ hơn, nhưng không bao giờ anh tìm được những đêm đi lang thang ngoài phố, gặp gỡ bạn bè để chơi nhạc hay tổ chức những buổi trình diễn. Điều anh gọi là một sự bế tắc đó đã mang lại nơi anh nhiều thay đổi: "Qua tới đây bí, bị bế tắc nên tôi đâu có tìm được những cái sinh hoạt như vậy. Khi ra ngoài thì thấy toàn là những tòa nhà to lớn, con người ta đi thật nhanh, đi vội vã. Đâu có ai chậm rãi, vui vẻ như mình hồi thời trước. Thành ra cái dòng nhạc nó thay đổi, cái ý nhạc nó cũng thay đổi, đồng thời cái lời ca nó cũng thay đổi luôn!".
Nhưng không phải vậy màNgô Thụy Miên trở thành bi quan, mà trái lại anh chấp nhận với hoàn cảnh và môi trường anh đang sống hiện nay: "Nếu nói là bi quan thì tôi không bi quan. Thế nhưng rõ ràng mình nhìn lại thì mình thấy là mình không thể so sánh với quá khứ được. Anh thấy không ? Mình phải chấp nhận những cái gì mình có bây giờ. Nhưng mà nói bi quan thì tôi không bi quan!".
Không những thế Ngô Thụy Miên vẫn nhìn cuộc đời này với con mắt lạc quan, vì dù sao đi nữa với cuộc sống ở một nước tự do, anh không bị đè nặng vấn đề chính trị cũng như không còn phải lo âu, phập phồng như thời gian còn ở lại Việt Nam. Do đó vấn đề tinh thần của anh rất được thoải mái. Chỉ có vấn đề duy nhất là không còn được gần gũi với quê hương của mình, do đó anh có "cảm tưởng như là mình bị mất đi một cái gì đó".
Trong cuộc nói chuyện, khi đề cập đến sự ra đi vĩnh viễn của những Nguyên Sa, Mai Thảo, Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên Phương, Văn Phụng v..v... hoặc một số nghệ sĩ đang lâm trọng bệnh, Ngô Thụy Miên cũng không hề tỏ ra sợ hãi hay bi quan trước cái chết vì anh "quan niệm đến không ai biết mà đi không ai hay, thành ra cái vấn đề đó đối với mình nó không quan trọng. Tôi không sợ, nhưng mà cái sợ là mình sợ đau yếu!".
Về tình trạng sức khỏe hiện nay, anh cho biết: "Cám ơn anh, cho đến giờ phút này thì vẫn còn tốt. Chúng mình chỉ mong sao chừng hai chục nữa mà anh vẫn còn nói chuyện với tôi như thế này tức là mình vui rồi".
Ngoài ra Ngô Thụy Miên còn được "may mắn là chả có kiêng cữ một cái gì cả" để sống với thú tiêu khiển là hàng tuần xoa "mà chược" và thỉnh thoảng làm chai rượu vang, nói chuyện với bè bạn làm vui!".
Vợ chồng Ngô Thụy Miên Đoàn Thanh Vân một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc. Về việc hiếm muộn con cái, Ngô Thụy Miên cho là "được cái này mất cái kia", tuy nhiên "nhiều khi nó cũng có những sự trống vắng ở trong đó. Nhưng ngược lại thì cũng đỡ bị nhức đầu".
Trả lời câu hỏi tại sao không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, Ngô Thụy Miên thú nhận là "Có nhiều khi mình cũng muốn viết, nhưng mình không viết được. Hơn nữa tôi không cảm thấy muốn viết về những đề tài đó, thành ra tôi không viết, cho nên tôi chỉ viết về tình ca không mà thôi". Nhưng lý do đúng hơn hết là do bản tính lãng mạn của một nghệ sĩ vì "Cái chuyện đó là chuyện rõ ràng như vậy. Nếu bây giờ tôi khô khan, mực thước, đâu vào đó cả thì tôi đâu có làm văn nghệ được!".
Với quan niệm chỉ viết nhạc cho riêng mình, Ngô Thụy Miên sáng tác bất cứ lúc nào, "nếu có ý nhạc nó ra là nhiều khi đêm mình cũng phải ngồi dậy ghi lại, nếu không ngày mai quên liền. Hoặc là nhiều khi đang làm, trong lúc mình "break" nhiều khi cũng có những "ideas"". Cũng với chủ trương như vậy, anh không hề nhắm vào một giọng hát nào đó với những nhạc phẩm của anh, chỉ là một sự ngẫu nhiên, "Như bài Riêng Một Góc Trời, tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát như vậy đâu. Thế mà ông ấy hát ra nó lại thành công như vậy thôi! Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm".
Nhận xét về những nhạc sĩ sáng tác trong nước, anh thấy "mấy ông đó viết được lắm, tương đối viết có hồn lắm. Lớp trẻ lớn lên viết được chứ!".
Còn về lớp nhạc sĩ trẻ ở hải ngoại có môi trường gần gũi với nhạc Âu Mỹ và phần đông xuất thân từ những trường lớp này, Ngô Thụy Miên cho rằng "Không thể nào giữ cái style nhạc trước 75, hoặc nhạc tiền chiến. Bây giờ anh thấy đâu có ai viết như kiểu nhạc tiền chiến nữa, anh thấy không ? Tất cả phải tiến đến một cái mức nào đó, phải đi theo một con đường nào đó thôi. Thành ra tôi thấy lớp trẻ viết bây giờ cũng được lắm, có thể tiếp tục con đường phát triển nền âm nhạc VN của mình ở hải ngoại".
Từ ngày rời khỏi quê hương, Ngô Thuỵ Miên không còn đứng ra tổ chức những buổi trình diễn nhạc của mình. Tuy nhiên thỉnh thoảng anh vẫn nhận lời mời trình diễn tại một vài tiểu bang, kể cả một buổi tổ chức có tính cách gia đình tại Montreal vào năm 93. Vào tháng 9 năm nay anh sẽ xuất hiện trong một buổi trình diễn tình ca tại Nam Cali dành riêng cho những tác phẩm của anh. Và vào tháng 10 anh sẽ cùng hai nhạc sĩ tình ca khác là Vũ Thành An và Từ Công Phụng sang Đức trình diễn qua lời mời của một số anh em yêu nhạc tại đây.
Sau 35 năm viết những tình khúc cho chính mình, cho những cuộc tình của mình, dù Ngô Thụy Miên có cho là đã có nhiều thay đổi trong dòng nhạc và lời ca của anh, nhưng những ai đã từng yêu mến những nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên vẫn còn dễ dàng nhận ra những nét đặc thù quen thuộc mà chỉ riêng Ngô Thụy Miên mới có được, phát xuất từ tâm hồn đa cảm của anh ngay từ khi mới bước chân vào con đường nghệ thuật...
Trường Kỳ
Source Internet.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.