c) Đền Fushimi Inari Taisha (伏見稲荷大社)
Từ ga trung tâm Kyoto, quý vị có thể đón xe lửa JR khoảng 5 phút đến ga Inari, ra khỏi cổng ga băng qua bên kia đường là đến cổng đền Fushimi Inari Taisha.
Fushimi Inari Taisha một ngôi đền chính thờ thần Inari, tọa lạc dưới chân núi cùng tên Inari, núi có đỉnh cao 233 mét so với mặt nước biển. Từ cổng chính có những con đường dẫn lên đỉnh núi, dọc theo những con đường là những đền nhỏ kéo dài khoảng 4 cây số.
Điểm đặc biệt ở ngôi đền này là hàng trăm cổng torii (kiến trúc theo kiểu cổng đền) được dựng dọc theo những lối đi lên núi. Người Nhật xưa kia tin vào thần Inari phù hộ cho những nhà thương gia & sản xuất nên hộ vẫn thường thờ thần này. Mỗi chiếc cổng torii ở đây được hiến tặng bởi một nhà thương gia như một cách tạ ơn thần Inari. Theo ước tính thì có khoảng 32 ngàn ngôi đền nhỏ (thuộc chi nhánh của đền này) trên khắp đất Nhật .
Ngôi đền này đã từng là một trong những nơi thưởng ngoạn của Hoàng Đế Nhật vào đầu thời Heian . Từ năm 1871 năm 1946 Fushimi Inari-taisha là một trong những ngôi đền được sự hỗ trợ đặc biệt từ chính quyền Nhật .
Những kiến trúc đầu tiên ở đây được xây dựng từ năm 711 trên núi Inariyama hướng Tây Nam Kyoto, tuy nhiên ngôi đền đã được di chuyển bởi nhà sư Kūkai. Kiến trúc chính của đền được xây dựng vào năm 1499, cổng đền nằm dưới chân núi gần cổng ga xe lửa đưa vào khu đền chính. Khu đền nội nằm lưng chừng núi, con đường dắt đến khu đền nội được che bởi hàng ngàn chiếc cổng torii & hàng ngàn những trang miếu nhỏ.
d) Chùa Kinkaku-ji (Kim Các Tự 金閣寺)
Chùa Kinkaku-ji được người Việt biết đến với tên Kim Các Tự (Chùa Vàng) bởi hai tầng trên của chùa được dát vàng. Từ ga xe lửa trung tâm Kyoto quý vị có thể đón xe bus số 205 hoặc 101 để đi đến chùa.
Tiện đây LN cũng xin đề cập đến một vài chi tiết cho việc xử dụng xe công cộng ở Kyoto. Ngoại trừ các địa điểm mà LN đã đề cập trước đây đó là chùa Tenryū-ji (Tenryū-ji Temple), vườn Tre (Bamboo Groves) & đền Fushimi Inari Taisha, (theo LN hiểu) quý vị có thể xử dụng xe lửa (JR) còn các địa điểm khác trong thành phố quý vị nên xử dụng xe bus. Cách tiện nhất là quý vị nên mua vé xe bus cho nguyên ngày (One Day Pass).
Kinkaku-ji một ngôi chùa Thiền Phật Giáo, là một trong những kiến trúc nổi tiếng nhất Nhật Bản, một di sản thế giới, du kháck tấp nập. Nếu quý vị muốn chụp cảnh đẹp trong khuôn viên này cũng cần nhanh tay một chút vì những góc độ chụp cảnh đẹp của ngôi chùa hình như lúc nào cũng có người muốn đứng chụp hình.
Địa điểm của chùa ngày nay nguyên thủy là nơi tọa lạc ngôi lầu các Kitayama-dai (北山第) của một vị đại thần tên là Saionji Kintsune. Năm 1397 lãnh chúa Ashikaga Yoshimitsu mua lại khu này và xây dựng lên kiến trúc Kinkaku-ji. Khi Yoshimitsu qua đời, theo nguyện ước của ông, người con của ông đã biến nơi này thành một thiền viện.
Trong cuộc chiến Onin (1467–1477), tất cả những kiến trúc trong quần thể này ngoại trừ kiến trúc chính đã bị thiêu rụi.
Một biến cố nữa đã xảy ra vào thế kỷ trước làm ngôi chùa bị thui rụi đó là vào lúc 2:30 sáng ngày 2/7/1950, một vị tân sư tên là Hayashi Yoken 22 tuổi đã đốt ngôi chùa này và tự sát trên đồi Daimon-ji sau lưng chùa. Tuy nhiên nhà sư này đã không chết và ông đã bị đưa ra toà lãnh án 7 năm tù, nhưng sau đó đã được thả vào ngày 29/9/1955 vì tình trạng tâm thần của ông (ông đã chết 1 năm sau đó vì bệnh lao).
Trong cuộc hỏa hoạn này, tượng nguyên thủy của tướng quân Ashikaga Yoshimitsu đã bị thiêu rụi (bây giờ đã được xây dựng lại). Ngôi chùa hiện nay đã được xây lại vào năm 1955.
Chùa gồm 3 tầng cao khoảng 12 mét rưỡi (12.5m). Tầng một được gọi là Hou-sui-in (Pháp Thủy Viện 法水院) được xây dựng theo kiến trúc các cung điện của giới quý tộc thời Heian. Tầng này được thiết kế kiểu không gian mở với tường được bao bọc gỗ tự nhiên, làm nổi bật lên với khung cảnh chung quanh.
Tầng hai được gọi là Chou-on-dou (Triều Âm Động 潮音洞) được xây dựng theo kiểu dành cho giai cấp quý tộc võ sĩ đạo thời xưa. Bên trong tầng này có tượng Phật và bàn thờ Phật Bà Quan Âm.
Tầng ba được xây theo kiến trúc Trung Quốc được gọi là Kukkyou-chou (Cửu Cánh Đính 究竟頂). Tầng này được trang trí như một không gian thiền, một kiểu rất phổ biến trong thời Muromachi. Trên đỉnh của ngôi chùa được trang trí hình đúc một con phượng hoàng bằng đồng.
Một trong những điểm làm tăng thêm vẻ đẹp của ngôi chùa Vàng là hồ nước & khu vườn bao quanh chùa. Hồ nước được gọi là Kyōko-chi (Gương/Kính Hồ - 鏡湖池 ), mặt hồ như một tấm gương phản chiếu ngôi chùa. Hồ có 10 hòn đảo nhỏ, các viên đá, cây cầu & cây cảnh được thiết kế theo phong cách thiền Nhật Bản .
Sau lưng chùa có chiếc cầu câu nhỏ tsuri-dono (釣殿), nền chùa được thiết kế mô phỏng khung cảnh niết bàn, sự hài hòa giữa đất trời. Hòn đảo lớn nhất trong hồ tượng trưng cho quần đảo Nhật Bản. Bốn viên đá được sắp theo một đường thẳng cạnh chùa tượng trưng cho chiếc thuyền neo đợi dong buồm về chốn thiên thai.
Khu vườn này được thiết kế theo kiểu vườn đặt trưng thời Muromachi, một giai đoạn mẫu mực cho các thiết kế vườn cổ Nhật Bản. Một lối thiết kế kết nối kiến trúc chính với khung cảnh thiên nhiên chunh quanh, thu nhỏ cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ vào trong một khu vườn.
Xin xem tiếp kỳ sau ...
Làng Nam
09/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.