Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Chuyện xưng hô


Inline images 1
Dám chẳng nước nào trên thế giới có cách xưng hô phong phú đa dạng nhiêu khê rắc rối như nước ta. Ví dụ chị của mẹ, miền Bắc gọi bác, miền Nam gọi dì, là đã phải giải thích mới hiểu lớp lang rồi. Cho nên cái mục này thường gây bất ổn cho nhiều người lắm lắm. Lại có trò mới gặp thì hỏi tuổi cho tiện xưng hô, hơn kém nhau ít tháng có khi lên vai xuống vai một bậc. Chẳng như Tây cho rằng hỏi tuổi đàn bà là điều cấm kỵ.
Thế kỷ trước. Một lần về Việt Nam, trưa nắng leo lên cả trăm bậc thăm chùa. Thằng nhỏ bán hình lưu niệm mời, mình hứa lúc xuống sẽ mua, cầm chi cho lỉnh kỉnh. Nhưng nó vẫn theo. Chắc tha thẩn cô độc cũng buồn, chi bằng lẽo đẽo theo du khách. Chừng vài chục bước, chợt nghe: “Wại wại, wại từ Sì gàng ra hả wại”. Mình dáo dác dòm quanh, bà chị và bà bạn đã nhanh chân núp dưới bóng cây xa xa phía trước rồi; giấc này dân địa phương chẳng ai dại gì đội gạo lên chùa; dân bên Mỹ về cũng không vì họ chuộng làn da nõn nường như đường tinh luyện; chỉ dân bên Tây thiếu máu mới ưa sâm sẫm cho mặn mà nên tiếp sức bằng kem bắt nắng nữa, thèm đội mặt trời bất kể ngày đêm. Giờ này mà leo thang viếng Phật thì dù cắt đứt mọi ràng buộc thế gian, Phật cũng cảm động nghẹn ngào. Dòm đủ bốn phương chẳng thấy ai ngoài ta với ta và thằng bé, bèn hiểu chức “wại” đó ưu ái riêng tặng mình rồi. Trời, bị lên chức “bác” đã nghe sông sốc tiền đình rối loạn, giờ tới chức khảo cổ này thì… nghẹn ngào hơn Phật. Cảm thấy có gì nhồn nhột dù chẳng ai thọc lét. Thấm thía chưa, cứ tưởng!
Lại có lần gọi cậu thanh niên sửa giày bằng em, nghĩ là xưng cô gọi em vẫn hợp lẽ trời. Nhưng thằng nhỏ ngước nhìn, chỉnh ngay: “Con chớ em gì nữa cô”. Cái tiếng gì nữa nó dùng nghe mới lạnh người cho chớ! Đúng là trung ngôn thường nghịch nhĩ. Từ đó, dù chưa nhuyễn lắm, nhưng hễ ai xưng “con” là ta hiên ngang leo ngay lên nấc “mẹ”, thênh thang.
Trên xe lửa, thằng bé con nghịch cái vali anh bạn, bố nó la, anh bạn bèn cười giả lả ý ta đây chẳng khó tính đâu, hỏi cháu mấy tuổi, bố thằng nhỏ lễ phép: “Thưa cụ, cháu lên bốn rồi ạ”. Kể lại mà nét mặt anh còn nguyên nỗi hãi hùng, thắc mắc: “Chẳng lẽ trong mắt người khác mình già dữ vậy sao”. Chẳng lẽ gì. Cứ tưởng!
Cứ như Mỹ – Tây là tiện nhất. Độc một chữ you từ tổng thống tới anh quét rác, từ nữ hoàng đến cô gái ngang dọc phố phường; vous giữ gìn lịch sự ông bà cha mẹ chú thím cô dì dượng bác anh chị cậu mợ kiêm luôn tổng thống ông hoàng bà chúa; tu thân mật mày tao cậu tớ kiêm luôn ông bà cha mẹ chú thím cô dì dượng bác anh chị cậu mợ tổng thống ông hoàng bà chúa… Cô con gái hàng xóm lấy anh chồng lớn hơn bố đẻ ba tuổi. Tỉnh bơ, gọi tên và xưng hô toi, moi như bạn, chẳng phiền nhiễu ai. Ở Việt Nam thì có nước tránh nhau, chớ nói trông trổng thì cực kỳ dị hợm, mà chẳng lẽ gọi “ba” hay “cha” thì cả hai đều chín tái thịt da. Cho nên có người gả con gái đầu lòng cho con trai út nhà kia, mỗi lần gặp bà sui đáng vai wại chỉ cười cười chớ hổng dám mở miệng, vì tuân theo “tục lệ” là phải gọi sui gia bằng anh chị!
Nam nhi trên toàn thể hành tinh khi bị “vật thể lạ” làm mê mẩn tâm thần thì tất cả đều thành thi sĩ, gọi như nhập đồng nào là cục cưng của anh, mật ong của anh, cún con, mèo con, họa mi, chim nhạn, chim sẻ của anh…, rổn rảng. Tới chừng tâm thần bị phân liệt vì những con vật yêu đó thì cắt tiết chúng nó hết, quẳng tất tật vào lò nướng, vặn nhiệt độ “siêu” cao. Rồi bắt đầu đổi hệ. Dân mình sẽ gọi trở lại bằng em là còn ưu ái, rồi lên chức cô là chuyện bắt đầu có chì, rồi tới giai đoạn các con vật bị nướng hóa thân thành “con quỷ” thì… dám cục cưng còn bị “ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân” nữa đấy.
Trước năm bảy lăm ở trong Nam, cách xưng hô là dấu nhấn cho bước ngoặt của tình cảm khởi đầu. Con gái gọi con trai bằng ông, trai già trai trẻ mà xa lạ đều là ông, nó như bức rào, cách biệt, trịnh trọng – dĩ nhiên trừ trường hợp xứng danh chú bác; con trai gọi con gái bằng cô, trừ con nít, chớ non choẹt vẫn cứ là cô, rất lịch sự, mềm mại. Thành ra dù nghi ngờ “tình trong như đã”, anh trai vẫn cứ phải chờ đến lúc em gái cui cúi bẽn lẽn xưng em thì mới chắc chắn cá đã cắn câu. Cái giới hạn mỏng manh là vậy mà lại rất rạch ròi hiệu nghiệm. Không ai dám sàm sỡ với ai, lễ nghĩa tôn ti được tôn trọng. Còn bây giờ mới gặp lần đầu cũng đã mùi mẫn anh anh em em, có nhiều “chàng cụ” vẫn thích được gọi anh và phều phào gọi bất kỳ ai đáng cháu chắt cũng bằng em ngọt lịm. Xởi lởi quá đà, lộn xộn, chẳng thể thống gì. Riêng trong giới văn nghệ, nghe nói dù trăm tuổi vẫn cứ anh em, nghĩa là đàn anh đàn em, là cùng một gia đình văn nghệ. Tức là cùng kiểu mà không cùng nghĩa.

Cách xưng hô rắc rối vậy nên thấy báo chí hoặc phim ảnh ngày nay phạm lỗi khá nhiều. Cảnh hai tên cướp réo nhau mà “Ngài che cho tôi nhé” thì quả là… lũng đoạn thị trường chữ nghĩa. Hình như người dịch hiểu chữ “ngài” cũng như bao tiếng xưng hô khác ngôi thứ hai.
Có lần đọc báo kinh tế, thấy một ngài Mỹ Úc Pháp Anh gì đó tới Việt Nam làm ăn. Tại chính quốc có khi chỉ là bá vơ, sang Việt Nam được trọng vọng thành ngài nên trông ngài phơi phới. Chớ thiệt sự đúng nghĩa “ngài” thì làm gì mà tràn lan cả nước kiểu… tiến sĩ vậy được.
Quen bác quen wại rồi, giờ… chẳng may có ai xớn xác gọi chị thì thấy dôi dỗi, trách ngầm họ không biết kính lão đắc thọ, mặc dù chị cũng trợn mắt hí hửng tưởng bở một mình!

Xuân Sương
Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.