Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Dạ-Hương Thiên-Lý




Ca-khúc “Memory” (mà nhiều người hay nhớ nhầm là “Memories”) trích từ vở nhạc-kịch đại-chúng CATS của Andrew Lloyd Webber.

Tuy vở “CATS” được tiếng là phổ một tập thơ rất hay, tập Old Possum’s Book of Practical Cats (tháng 10 năm 1939) của T. S. Eliot tả toàn mèo, nhưng chính ra ca-khúc hay nhất vở này lại không hề dính-dáng gì đến tập thơ ấy cả.

Lời của “Memory” do Trevor Nunn viết, chỉ vay mượn một vài câu từ một bài thơ khác, cũng của T. S. Eliot, là bài Rhapsody on a Windy Night.


Đây là một bài thơ nổi tiếng thâm-trầm, cho dù nội-dung không hề dính-dáng gì đến mèo, khổ nỗi những lời hát mà nó bị mang tiếng sản-sinh ra, ngược lại, dở tệ. Chỉ cần đọc qua bài thơ một lần là chúng ta cũng đủ hiểu vì sao hầu hết khách yêu thơ xưa nay đều ít nhiều lắc đầu nguầy-nguậy trước những câu hát tương-đối sáo rỗng này. Nổi tiếng rùng-rợn đến bất-hủ trong đó là câu “If you touch me, you’ll know what happiness is” (Cứ sờ tôi đi thì hiểu thế nào là hạnh-phúc, nghe cứ như lời rao treo trước các cửa kính chưng gái bán dâm ở một con phố Amsterdam nọ), một câu mà T. S. Eliot không hề đặt bút viết, mà dù có viết cả thế-kỷ cũng không thể nào bì kịp mức-độ thảm-hại đến khôi-hài. Thế mà nó bị mang tiếng là “lấy ý từ thơ ông”. Hoàn-toàn không. Câu hát ấy có thể nghe rất cảm-động hoặc thậm-chí mê hồn trên sân-khấu, qua giọng hát của một nữ-diễn-viên thượng-thặng nào đó, một giọng hát có khả-năng bao-phủ lên mớ chữ sỗ-sàng kia một vầng hào-quang ảo-diệu của thứ hy-vọng đáng thương và đầy tủi-cực, song kỳ-thực trần-trụi ra thì chỉ là một câu nói sống-sượng đến lạ-lùng.

Vì sao ca-khúc vẫn hay đến thế?

Vì giai-điệu quá tuyệt vời. Bài này là một minh-chứng hùng-hồn rằng khi đem thi-ca giao-phối với âm-nhạc, đó là một cuộc hôn-nhân tuy có nhiều vàng son rực-rỡ, song cũng không hiếm những bẽ-bàng. Bẽ-bàng là khi đồng-sàng dị-mộng, những lúc thơ hay thì nhạc không hay, và những lúc thơ đang dở (như lời ca-khúc này mà T. S. Eliot hoàn-toàn không chịu trách-nhiệm) thì nhạc lại đạt đến đỉnh cao ngất-ngưởng. Không phải bài nhạc hay nào phổ một bài thơ hay cũng được hoàn-toàn đồng-điệu. Trong suốt vở CATS, những lời thơ trác-tuyệt nhất của T. S. Eliot đều không tìm được giai-điệu bất-tử để chắp cánh cho mình, và ngược lại, giai-điệu lộng-lẫy nhất lại bị gá duyên cho những lời hát có thể nói là tẻ ngắt, nhạt phèo. Những mảnh vụn chắp vá từ bài thơ không hề của mèo Rhapsody on a Windy Night cũng vừa đủ để khiến ca-từ toát lên vẻ thần-sầu quỷ-khốc nào đó, nhưng kỳ thực chỉ là những lời tâm-sự khá nhạt-nhẽo của một ả vũ-nữ về chiều lải-nhải rằng xưa kia, chỉ cần sờ được em một cái là bao nhiêu người đã chết vì quá sướng… Vâng, có thể hấp-dẫn đấy, nhưng những thứ phục-vụ mảnh tự-ái tàn-tạ của một người sống bằng nghề không có tâm-hồn e khó có thể trở nên bất-tử.

Bất-tử chăng là nhờ câu nhạc. Câu nhạc đã mặc lên mớ lời ngổn-ngang kia một chiếc áo long-lanh huyền-thoại. Và câu nhạc này từ nguyên-thuỷ cũng không hề sáng-tác cho vở CATS. Nó là một giai-điệu mà Lloyd Webber đã “me” sẵn từ lâu, đã hằng rắp-ranh nhét vào mấy vở trước đó mà không xong, như cho vai Perón trong EVITA và vai Max trong SUNSET BOULEVARD. Cuối cùng, đến lúc tự nghiệm rằng CATS cần một giai-điêu tuyệt đẹp để làm viên ngọc cho vở, mà chính bản-thân Lloyd Webber sản-sinh không ra trên những bài thơ xuất-thần kia, Lloyd Webber bèn mở tủ lấy bài này ra đưa cho Trevor Nunn viết lời.

Vì thế chẳng nên nghe bài này trong vở CATS. Trong đó, nó chỉ là một sự xuất-kỳ bất-ý để gắn viên kim-cương vào trong một chiếc khung bằng nhựa diêm-dúa chung quanh (về mặt nhạc). Chỉ nên nghe nó qua giọng hát tuyệt vời của một nữ-ca-sĩ có trầm-tư trong giọng nói. Lời nhạc nguyên-thuỷ, như đã trình bày, chỉ ở mức-độ “muốn thử làm Trịnh Công-Sơn mà không nổi” rất quen-thuộc đối với chúng ta. Lời nhạc tiếng Pháp cũng vậy, nó còn đi vay đâu về được cả vẻ u-hoài và dáng-dấp hồ-mỵ của cái “thành-phố đã đi ngủ trưa” khiến người về “đêm thấy [mình] là thác đổ”… Nhưng vẫn vô-ích. Vẫn là Trịnh Công-Sơn phó-bản, cũng cứ chỉ tới đó mà thôi, trong khi giai-điệu của Lloyd Webber qua dải Ngân-Hà trong giọng của Mireille Mathieu thì tuyệt-nhiên chấp-chới, vẫn phom-phom chao lượn huy-hoàng.


Tốt nhất, lời nhạc chỉ nên đưa cho người hát một ít rung-cảm về đêm, về sự tĩnh-mịch, về một tình yêu đã mất, về cái tàn-nhẫn của hiên-thực trước sự tàn-phá của thời-gian, và về sự bám víu tuyệt-vọng của những mảnh hồn không đủ sức chấp-nhận thực-tiễn lạnh như băng ấy. Tất cả những cái đó, Lloyd Webber đã làm được, và Barbra Streisand, Susan Boyle, cũng như Thái-Hiền, đều đã thể-hiện vượt ngoài mức tưởng-tượng của bất-cứ một nhà thơ nào.

Trong chuyện tình giữa thơ và nhạc này, lời thơ nào cũng chỉ là một nàng Lọ-Lem. Cỗ xe song-mã bằng vàng ròng kia chính là âm-nhạc, và chỉ có giọng ca mới là ông hoàng.

Source: http://contaoxoayvan.com/thu-bac-mot-nhip-cau/da-huong-thien-ly-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.