Sài Gòn có 3 ngôi nhà thờ công giáo dành riêng cho người Hoa. Thế là tôi tò mò tìm đến đủ cả 3 ngôi nhà thờ này để xem nó khác nhà thờ Việt thế nào. Trong 3 ngôi nhà thờ Hoa, được nhiều người biết đến nhất (và cũng lớn nhất) là nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê hay còn gọi là nhà thờ Cha Tam. Bài viết này xin nói về ngôi nhà thờ Cha Tam.
Nhà thờ Thánh Phanxicô Xavier nằm tại số 25 đường Học Lạc, quận 5, thuộc giáo hạt Chợ Quán, giáo phận TPHCM. Nhà thờ được đặt viên đá đầu tiên ngày 3/12/1900, nhằm ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier) nên tên Thánh được dùng đặt tên cho nhà thờ. Ngày 10/01/1902 khánh thành nhà thờ.
Cổng tam quan nhà thờ nhìn từ bên ngoài
Cổng tam quan nhà thờ nhìn từ bên trong
Ngay từ cổng vào ta đã thấy ngay kiến trúc mang nét văn hóa Hoa. Cổng xây theo kiểu tam quan, tên nhà thờ ghi bằng tiếng Hoa. Hai bên cây thánh giá là hai con cá chép!
Mặt tiền nhà thờ
Nhà thờ thiết kế theo lối kiến trúc Gothique, nhưng ta vẫn thấy có hoa sen gắn trên nóc.
Chính điện nhà thờ đây:
Cửa vào nhà thờ cũng ghi tiếng Hoa
Phía sau tượng Đức Mẹ là phù điêu 2 mặt. Một mặt tôn vinh 107 Thánh tử đạo người Việt, một mặt tôn vinh 110 Thánh tử đạo người Hoa.
Năm 1898, Giám mục Dépierre thấy số giáo dân trong Chợ Lớn ngày càng giảm sút, nên sai linh mục Pierre d'Assou là người nói được tiếng Hoa về đó để chấn hưng lại.
Linh mục Pierre d'Assou sinh năm 1855 tại Macao. Ông đã đứng ra mua đất, chủ trì xây dựng nhà thờ và cũng là cha sở đầu tiên ở đây. Vì thế giáo dân thường gọi tên nhà thờ theo tên ông. Chữ d'Assou phiên âm ra tiếng Hoa là Đàm Á Tố, phát âm thành Tam Assou, đọc gọn thành Cha Tam.
Cha Tam mất năm 1934, được an táng ngay bên cửa ra vào nhà thờ.
Mộ của Cha Tam ngay bên cửa ra vào nhà thờ.
Nơi cầu nguyện cuối cùng của TT Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu
Ngày 1/11/1963, đảo chánh xảy ra ở Việt Nam Cộng Hòa. Trong đêm đó tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu từ dinh Gia Long trốn sang nhà một Hoa kiều ở Chợ Lớn. Rạng sáng 2/11/63, hai ông ra nhà thờ Cha Tam để cầu nguyện. Tại đây phe đảo chánh cho người đem xe thiết giáp tới để đưa hai ông về bộ Tổng tham mưu. Tuy nhiên trên đường đi hai ông đã bị bắn chết. Cho đến nay cái chết của hai ông vẫn còn nhiều điều bí ẩn.
Phạm Hoài Nhân
Source: Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.