Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ


KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
cs sĩ Hoạ Mi và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ


Hình ảnh nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đến giờ này vẫn rất đậm nét trong trí nhớ của tôi: Dù xuất hiện trên sân khấu hay trong cuộc sống đời thường, lúc nào ông cũng là người ăn mặc gọn ghẽ, chỉnh tề, đôi khi có phần chải chuốt. Tôi nhớ khi tôi lên sân khấu Thúy Nga được khoảng 3 năm, chưa có dịp làm việc với ông, chỉ tình cờ gặp ông ở Trung tâm Thúy Nga bên Cali, bất chợt ông hỏi tôi mặc áo sơ-mi số mấy. Tôi nói số 15 rưỡi. Mấy hôm sau ông gửi tặng tôi 3 cái sơ-mi trắng số 15. Tôi rất ngạc nhiên và cảm kích trước tấm lòng của ông, nhưng hóa ra ông tặng áo cho tôi chỉ vì nhìn tôi trên Paris By Night, ông ngứa mắt thấy tôi mặc sơ-mi cổ hơi rộng! Ông bảo tôi:
– Số đo ở cổ rất quan trọng. Nếu mua sơ-mi may sẵn mà mặc không vừa thì phải đặt may. Làm sao cho cái cổ áo vừa khít thì thắt cà vạt mới đẹp!
Từ cái tiểu tiết ấy, tôi thấy ông là người rất kỹ lưỡng về trang phục dù rằng khi ra hải ngoại, ông đã lớn tuổi, ít còn đi trình diễn mà chỉ ngồi văn phòng làm công chức một thời gian trước khi bị suy tim. Điều này cũng không lạ: Đại đa số các nhạc sĩ khác, chỉ cống hiến tác phẩm cho đời, Hoàng Thi Thơ ngoài việc viết nhạc, ông còn là đạo diễn, làm MC, dàn dựng sân khấu, điều khiển vũ đoàn. Nói chung, ông đích thực là người hoạt động văn nghệ, cho nên cái dáng dấp bên ngoài lúc nào cũng cần được chăm chút bởi ông đứng trên sân khấu nhiều hơn ngồi sau bàn viết.
Khi tôi gặp ông lần đầu ở Cali, ông đã bị heart attack hai lần vào năm 1990 và 1994. Năm 1997, Trung tâm Thúy Nga mời ông sang Toronto thu hình cuốn Paris By Night 41, chủ đề “Hoàng Thi Thơ, Một Đời Cho Âm Nhạc”, tôi đón ông lại nhà ăn cơm rồi nhìn ông ngủ ngồi ở sofa vì bác sĩ không cho ông nằm sợ ông nằm sẽ nằm luôn không dậy nổi! Dù mang căn bệnh hiểm nghèo – bác sĩ gọi là congestive heart failure, tim hoạt động yếu ớt chỉ bằng 1/5 người bình thường – và dù đang sắp bước vào lứa tuổi cổ lai hi, ông vẫn luôn luôn vui vẻ, điềm tĩnh, và nhất là ông yêu đời hẳn lên sau khi Thúy Nga thực hiện cho ông chương trình Paris By Night 41. Ngồi với nhau trong đài CBC, nghe ông kể về bệnh tình của ông, tôi cười bảo:
– Chẳng có gì lạ, thưa anh! Tim anh rung động nhiều quá, bóng hồng chứa chất đầy trong đó, anh chưa bị đứng tim là may lắm rồi!
Ông cười nhắc câu thơ Lamartine, thi sĩ lãng mạn vào bậc nhất của Pháp, rằng:
“Aimer, chanter, prier, c’est tout ma vie
A l’heure des adieux, je ne regrette rien”.
(“Yêu đương, ca hát, cầu nguyện, đó là cả đời tôi
Đến lúc vĩnh biệt, tôi chẳng còn gì phải hối tiếc”).
Quả đúng như thế! Sau này ông thành thực kể với độc giả Tuyển Tập Nghệ Sĩ số 4 của Trường Kỳ rằng: Ông đang ở vào mùa Đông của cuộc đời, nhưng ông phấn khởi lắm, bởi sau khi cuốn Paris By Night 41 tức Hoàng Thi Thơ 1 – phát hành, thì chưa bao giờ ông thấy phản ứng của những người mến mộ nhạc Hoàng Thi Thơ lớn lao như vậy. Ông nói:
– Từ Pháp, từ Úc, từ Na Uy, từ bên nhà, đều viết thư hoặc điện thoại cho tôi. Tôi ngồi nghĩ lại và tự nhủ: Hóa ra mình làm văn nghệ đã bao nhiêu năm qua mà cho đến giờ phút này có nhiều người vẫn chưa tập trung vào tác phẩm của mình, phải chờ đến khi cuốn Paris By Night này ra đời, họ mới biết rõ Hoàng Thi Thơ đã làm được những gì! Cái đó là điều sung sướng nhất đời tôi!
Rồi ông lấy cái ý của Lamartine để nói về mình:
– Tôi không còn gì phải hối tiếc nữa!
Lúc đó chưa có internet, chưa có email hay facebook, thư từ phải viết tay, chứ nếu như ngày nay thì ông sẽ không kịp trả lời thư khán giả! Đó là kinh nghiệm của chính tôi sau mỗi lần phát hành một cuốn Paris By Night. Ông điện thoại cám ơn tôi đã làm việc sát cánh với ông suốt 1 tuần ở Toronto, và nhất là cám ơn vì tôi đã chọn cho cuốn băng của ông một cái tựa rất hợp ý ông là “Hoàng Thi Thơ, Một Đời Cho Âm Nhạc”.
Năm sau, Thúy Nga mời ông trở lại Toronto thực hiện thêm chương trình Hoàng Thi Thơ số 2, tức Paris By Night 47, ông càng yêu đời hơn, nói với tôi và nhất là với Kỳ Duyên rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống tình cảm của ông. Tôi vẫn biết nhạc của ông rất ăn khách. Ông Tô Văn Lai phát hành băng của Hoàng Thi Thơ trước năm 1975 đã có kinh nghiệm này. Tôi nhớ năm 1973, lúc tôi còn đang trong quân đội, được đổi về tiểu đoàn địa phương quân ở Cái Bè thuộc tiểu khu Định Tường. Gia đình tôi có quán cà phê ngay ở thị xã Mỹ Tho. Cuốn băng ớc Tình Về Với Quê Hương của Hoàng Thi Thơ được khách yêu cầu mở đi mở lại suốt ngày, đặc biệt là bàiChuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi. Cuốn băng chẳng những bán rất chạy mà riêng bản nhạcChuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi ông in tới 500,000 bản cũng tiêu thụ thật nhanh ngoài sự tiên đoán của ông. Khi ngồi bàn chương trình Paris By Night, cô Kỳ Duyên tò mò hỏi ông về bài hát này, ông ngậm ngùi cho biết đó là chuyện tình thật của ông với cái kết bi thương là cô gái tuyệt vọng tự tìm cái chết!
Chuyện tình thật của ông thì khá nhiều, tôi biết thế nhưng tôi ngại hỏi, không dám khai thác bởi không biết ý Hoàng Thi Thơ phu nhân như thế nào!
Sang Toronto lần đầu, ông có một kỷ niệm rất đáng nhớ trong mấy ngày thu hình tại đài CBC Toronto mà có lúc ông đã tưởng mình không qua khỏi. Ông kể với nhà báo Trường Kỳ:
– Năm ngày đầu chuẩn bị, tôi hồi hộp không thể ngủ được. Sáng nào cũng dậy từ 5 giờ rồi chuẩn bị vào đài CBC ngồi xem anh em tập dượt đến gần nửa đêm mới về. Đến ngày thứ 6, là ngày thu hình chính thức thì tôi bị xỉu trong đài. Tôi chỉ nằm trên sofa, không cách nào ngóc dậy nổi. Anh Nguyễn Ngọc Ngạn nói tôi phải cố gắng lên sân khấu chào khán giả và để anh phỏng vấn vì khán giả đang chờ đợi. Khi anh Ngạn nâng tôi dậy, tôi đi không nổi, nói không nổi. Nhưng lạ lùng quá, khi anh Ngạn và một số nghệ sĩ dìu tôi ra sân khấu thì chỉ vài phút sau, sức khỏe không biết từ đâu đến, làm như không có việc gì xảy ra! Bây giờ nhớ lại tôi thấy rõ đó là một miracle! Thật không ngờ!
Quả thực hôm ấy, khi ông bị xỉu trong studio, đã gây nên sự bối rối lớn lao cho Ban Giám Đốc Thúy Nga. Nếu để xe cứu thương đến chở ông đi bệnh viện thì chắc chắc họ sẽ không đưa ông về kịp lúc thu hình. Chương trình chủ đề của ông mà lại vắng ông thì mất mát nhiều quá về nội dung! Cho nên thôi thì cứ để ông nằm nghỉ tại chỗ, hy vọng ông khỏe lại và may mắn ông khỏe lại thật! Ông nói với khán giả có mặt tối hôm ấy trong studio CBC Canada:
– Tôi có trái tim đập rất yếu, nhưng rung động rất mạnh!
Câu này ông nói thật chứ không phải đùa giỡn. Thời kỳ bị bệnh tim hành hạ, ông ít đi lại, thường phải ngồi một chỗ nhưng trái tim ông vẫn thôi thúc ông viết nhạc. Nhớ về Việt Nam, ông sáng tác bài Hồn Tôi Để Lại. Ông giải thích:
– Cái đau là mình biết hồn mình để lại mà chân vẫn phải bước đi!
Có cô sinh viên Y Khoa nghe bài này và thích ngay vì thấy hợp với tâm trạng của nhiều đồng hương. Cô muốn gặp ông, nhưng lúc ấy ông đã vào nhà thương chuẩn bị mổ tim. Ông biết mình đang hết sức tiều tụy nên chẳng muốn ai nhìn thấy. Nhưng cô sinh viên nhất định đòi vào thăm vì biết đâu ông có thể ra đi trong khi mổ. Ông đành phải chấp nhận. Cô ngồi nói chuyện và trấn an ông làm ông vô cùng xúc động. Sau ca mổ, ông tỉnh dậy và viết ngay bài Hoa Hồng Một Đóađể ghi lại hình ảnh cô sinh viên như một bông hồng trời đem đến cho ông lúc hiểm nghèo! Như thế thì quả thật tim ông đập yếu nhưng sức rung động vẫn rất mạnh như lời ông thú nhận!
Năm 2001, tôi sang tiễn ông ở nhà quàn bên Cali. Ông mất ở tuổi 72, bằng tôi bây giờ. Đứng trước linh cữu ông, tôi nhớ lại hết những lời ông nói với tôi qua hai chương trình Hoàng Thi Thơ cũng như những chuyện bên lề ngoài sân khấu, và tôi tự nhủ: Ông là người ra đi thanh thản nhất, bởi cuối đời ông đã thực hiện được điều ông mơ ước là lưu lại cho hậu thế những tác phẩm phong phú của một người hơn nửa thế kỷ làm nghệ thuật. Ông từng nhắc đến câu thơ của Nguyễn Du rằng:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Tác giả Truyện Kiều tự hỏi: Ba trăm năm sau chẳng biết có ai khóc thương, nghĩa là còn nhớ đến Nguyễn Du hay không? Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tâm sự:
– Nói ra thì nghe có vẻ ngạo mạn vì mình làm sao dám sánh với tiền nhân! Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn thi hào Nguyễn Du, bởi không cần chờ 300 năm sau, mà ngay bây giờ tôi còn đang sống đây, đã có nhiều khán giả khóc thương tôi rồi!
Tôi hiểu đó là câu nói chân tình của ông khi ông nhận được hàng loạt thư thăm hỏi sau khi hai cuốn Paris By Night 41 và 47 ra đời. Lần thứ hai sang thu hình, ông cho tôi coi lá thư của một khán giả bên Pháp gửi đến Trung Tâm Thúy Nga và nhờ chuyển cho ông. Thư có đoạn viết:
“Xin cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Chỉ cần một bài Đưng Xưa Lối Cũ, tên tuổi của nhạc sĩ đã thành vĩnh viễn rồi. Tôi đã rơi nước mắt lúc nghe Như Quỳnh hát: “Khi tôi về, bồi hồi trong nắng. Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về. Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời. Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ…” Đây là tâm trạng thật của tôi năm ngoái khi tôi về Việt Nam. Xin cảm ơn nhạc sĩ một lần nữa”.
Tôi nghĩ hàng triệu người, trong đó có tôi, nghe đến ba chữ Hoàng Thi Thơ lần đầu cũng là do bài này.
Hoàng Thi Thơ chào đời ngày 1 tháng 7 năm 1929 tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là địa danh gắn liền với lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt bởi phủ Triệu Phong chính là mảnh đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng, mở đầu cho triều đại cuối cùng của nước ta. Vùng đất lịch sử nhưng thiên nhiên không ưu đãi cho nên đại đa số là dân nghèo. Nhưng có lẽ cũng vì nghèo mà thúc đẩy được rất nhiều người hiếu học để gắng sức vươn lên, trong đó có Hoàng Thi Thơ là một thí dụ cụ thể.
Tân nhạc Việt Nam hình thành từ cuối thập niên 1930, là một cái gì đó mới mẻ và lôi cuốn lớp thanh niên tân học lúc bấy giờ. Trong khung cảnh ấy, ngay từ thời trung học, cậu bé Hoàng Thi Thơ đã bắt đầu tập tành viết nhạc. Thời đó làm gì có trường âm nhạc, nhưng thế hệ của ông đa số đều giỏi tiếng Pháp, nên ông tự học hỏi qua các tài liệu từ Paris gửi sang. Có thể nói ít có ai nặng óc cầu tiến như Hoàng Thi Thơ. Một mình tìm kiếm sách vở, học nhạc lý, tự học đàn guitar, piano và violon.
Rồi vận nước biến chuyển, chưa đầy 20 tuổi, ông đi theo kháng chiến chống Pháp cũng giống như bao nhiêu thanh niên yêu nước thời ấy. Trong chiến khu ông tiếp tục hoạt động văn nghệ và hăng say viết nhạc cùng với vài người bạn, trong đó có Trần Hoàn, tác giả Sơn Nữ Ca mà về sau là Bộ Trưởng Công An. Tuy nhiên, niềm tin vào kháng chiến của Hoàng Thi Thơ bỗng vụt tắt khi hai người anh của ông ở Huế, nửa đêm bị Việt Minh lôi đi thanh toán vì vu cho tội thân Pháp. Hoàng Thi Thơ bỏ về thành và quyết định vào Sài Gòn bắt đầu lại cuộc sống. Vì thương hai đứa cháu vừa mất cha, ông đem luôn vào Sài Gòn theo ông. Đó là Hoàng Kiều và Hoàng Thi Thao mà ông coi như coi như con ruột ông.
Ở Sài Gòn ông bận rộn xoay xở vừa đi làm vừa đi học. Ông nhanh chóng chuyển sang học tiếng Anh và là một trong những người đầu tiên dạy Anh văn ở Sài Gòn. Dạy học chỉ để kiếm sống nhưng đam mê nghệ thuật mới đích thực là con người Hoàng Thi Thơ. Ngoài việc học thanh lý và nhạc cụ, ông còn bỏ ra 2 năm học cả môn nhảy thiết hài (claquette) và các vũ điệu Tây Phương kết hợp với vũ dân tộc để làm vốn liếng cho những hoạt động sau này của ông. Tự học nhạc và khi thấy mình đã đủ trình độ, ông soạn cuốn: “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” nhằm giúp cho những người yêu nhạc mà không thông thạo tiếng Pháp. Có lẽ đó là cuốn sách hướng dẫn sáng tác nhạc đầu tiên ở Miền Nam vì in ngay từ năm 1955.
Điều đáng nói là tuy theo Tây học, nhưng những sáng tác đầu tiên của ông hoàn toàn nghiêng hẳn về nông thôn, về xóm làng, về đời sống dân quê, có thể bắt nguồn từ những năm ông đi kháng chiến, gần gũi với ruộng vườn. Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong Hồi Ký:
“Xu hướng nhạc dân ca với những bài hát tình tự dân tộc, tình tự quê hương, thì có tôi chủ trương cùng với Hoàng Thi Thơ và Lam Phương ở một số bài…”
Quả đúng như vậy. Những ca khúc nổi tiếng đầu tay của Hoàng Thi Thơ đều đậm nét quê hương, được phổ biến rộng rãi ngay từ buổi đầu hình thành Đệ nhất Cộng Hòa như:
– Gạo Trắng Trăng Thanh
– Trăng Rụng Xuống Cầu
– Đôi Mái Chèo Trăng
– Phút Đầu Tiên
– Múc Ánh Trăng Vàng
– Duyên Quê
– Ô Kìa Đời Bỗng Dưng Vui
– Mấy Nhịp Cầu Tre
– Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng
– Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ
– Ai Nhớ Chăng Ai
– Các Anh Về v.v…
Về sau, ông vẫn nối tiếp hướng đi này bằng các ca khúc nặng tình quê hương như Đám Cưi Trên Đưng Quê Hương, Tình Ca Trên Lúa, Rước Tình Về Với Quê Hương v.v…
Dĩ nhiên tình ca thuần tuý của ông cũng cống hiến cho chúng ta nhiều bài hát đặc sắc, và ông được coi là người đầu tiên khởi xướng ra dòng nhạc Bolero rất thịnh hành ở Miền Nam, kéo dài đến hôm nay và có lẽ mãi mãi về sau. Những bản tình ca được yêu chuộng nhất của ông như:
– Đưng Xưa Lối Cũ
– Tà Áo Cưới
– Ai Nhớ Chăng Ai
– Ai Buồn Hơn Ai
– Màu Hoa Thiên Lý
– Bài Thơ Cuối Cùng
– Phố Chiều
– Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta
– Đêm Buồn
– Tạ Tình
– Rồi Một Ngày
– Niềm Đau Của Cát
– Kinh Chiều
– Gặp Nhau
– Tìm Anh
– Diễm Tình
– Lời Thề Của Loài Hoa Trắng v.v…
Ngoài ra ông cũng viết những bản nhạc mang tính “thời trang” thuộc loại “best seller” trước năm 1975 như Túp Lều Lý Tưởng, Cái Trâm Em Cài v.v…
Nhưng, nói đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì không thể không nhắc đến ca sĩ Thúy Nga, người vợ hiền đi bên ông suốt cuộc đời dù bao nhiêu sóng gió nhẫn nhục bởi ông vốn rất hào hoa. Tuy nhiên, cũng giống như Phạm Duy và Lam Phương, những cuộc tình bên lề của Hoàng Thi Thơ đã để lại cho chúng ta nhiều nhạc phẩm đặc sắc như Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Ai Buồn Hơn Ai, Tạ Tình và nhất là bài Tà Áo Cưới phảng phất ý thơ T.T.KH.
Vào buổi bình minh của văn nghệ Miền Nam thì Thúy Nga phải được coi là ca sĩ đứng hàng đầu về sự ái mộ của khán thính giả. Nhà văn Hồ Trường An trong cuốn biên khảo Theo Chân Những Tiếng Hát, có đoạn viết tỉ mỉ như sau:
“Người nữ ca sĩ nổi bật trong giai đoạn này là Thúy Nga. Chị xuất hiện trong giới ca nhạc bằng hào quang chiếu xa rộng, bằng cơn địa chấn chưa từng có, át đi ánh sáng danh vọng của Thái Thanh và Ngọc Cẩm một thời gian khá lâu. Thúy Nga có dáng dấp nữ sinh hơn là nghệ sĩ: Khuôn mặt dịu dàng phúc hậu, trang điểm kín đáo. Mái tóc dài buông xoã như tóc gái Huế, áo dài một mầu thuần nhất, nhưng lại là mầu nhạt hay mầu nguội. Chị đeo nữ trang rất thanh nhã, đôi hoa tai nạm ngọc lựu và sợi dây chuyền với cây thánh giá bằng vàng. Đặc biệt nhất, chị ôm chiếc phong cầm (accordion) trên sân khấu, vừa hát vừa tự đệm đàn. Dù khi hát chị không diễn tả nhiều, không làm nũng với khán giả, nhưng tiếng hát chân phương ấm áp của chị thôi miên khán giả một cách kỳ dị. Họ nín thở để nghe chị hát, tâm trí họ hoàn toàn bị tiếng hát của chị chi phối. trong khoảng mấy năm từ 1955 tới 1960 là thời kỳ hoàng kim của Thúy Nga. Bất cứ bài hát nào của Hoàng Thi Thơ hay Lam Phương được chị hát qua là nổi tiếng ngay…Rồi chị cắt mái tóc thể và chuẩn bị lên xe hoa với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Từ đó, tên tuổi chị mới phai nhạt dần vì chị ít còn xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu”.
Thật ra thì sau khi về với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ năm 1957 rồi sinh con trai đầu lòng là Hoàng Thi Thi ngay năm sau, chị Thúy Nga không có nhiều thì giờ để đi trình diễn nữa. Chị chỉ thu băng nhằm lăng-xê những sáng tác mới của chồng mà thôi. Vì vậy, chỗ đứng đang sáng chói của chị bắt đầu giảm dần. Đó cũng là sự hy sinh lớn lao của người ca sĩ để nhường chỗ cho bản năng nội trợ của người phụ nữ Việt Nam. Khi con trai là Hoàng Thi Thi được bốn tuổi, ông bắt đầu cho học piano cùng với hai đứa cháu. Hoàng Kiều cũng học piano và Hoàng Thi Thao học violon. Ông ép con và hai cháu phải vào khuôn khổ, kỷ luật nghiêm khắc, không thể biếng nhác. Hoàng Thi Thi và Hoàng Thi Thao tỏ ra có năng khiếu nên thành công tương đối dễ dàng. Hoàng Thi Thao có thời được gọi là “thần đồng vĩ cầm”. Còn Hoàng Kiều thì dù uốn nắn đến đâu cũng không học được vì trời không cho cái sở thích và năng khiếu âm nhạc nên bây giờ mới trở thành tỷ phú Hoàng Kiều. Chứ nếu cứ miệt mài đi đệm đàn như Hoàng Thi Thi thì rõ ràng chỉ là cái nghiệp đam mê phải trả, chứ không thể là cái đích nhằm vào lợi tức. Hoàng Kiều kể với tôi hôm trình diễn tại Las Vegas:
– Ba tôi (Hoàng Thi Thơ) bắt học đàn, tôi không đàn được. Bắt học hát, tôi cũng không hát được dù chỉ là hát bè!
Dầu sao đi nữa, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sau khi mất đi, ngoài sự nghiệp tác phẩm đồ sộ để lại, còn có người con nhạc sĩ là Hoàng Thi Thi là hình ảnh để mọi người nhớ mãi đến ông.
Sự nghiệp văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không chỉ dừng lại ở những sáng tác riêng lẻ tôi vừa kể trên, mà còn là những bài trường ca ông viết ngay từ năm 1956 như: Máu Hồng Sử Xanh, Triều Vui Thế Hệ, Ngày Trọng Đại, Tiếng Trống Diên Hồng và sáng tác nhạc kịch Ả Đào Say, Cô Gái Điên, Người Hành Khất Mù, Từ Thức Lạc Lối Bích Đào. Ông cũng thực hiện cuốn phim Ngưi Cô Đơn và Cô Gái Điên do Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh phát hành. Quan trọng hơn nữa là ông thành lập đoàn Ca Vũ Nhạc Kịch Maxim’s, đưa đi lưu diễn nhiều quốc gia trên thế giới. Ông cũng được chính quyền giao cho trọng trách làm trưởng đoàn Văn Nghệ Việt Nam trên trường quốc tế, trong đoàn ngoài ca sĩ và vũ công, còn có nhiều nhạc sĩ tên tuổi lớn như Phạm Duy, Lữ Liên v.v… Lúc Hội Nghị Paris đang diễn ra, cả hai miền Bắc và Nam đều gửi đoàn văn nghệ sang Pháp trình diễn. Đoàn văn nghệ VNCH gồm những tên tuổi gạo cội của mỗi bộ môn, chẳng hạn cải lương thì có Năm Châu, Phùng Há, Kim Chung, Thành Được, Thanh Nga. Tân nhạc thì có Phạm Duy, Thái Hằng. Vũ dân tộc thì có Hoàng Thi Thơ, Trịnh Toàn. Ngâm thơ thì Hồ Điệp, Lữ Liên v.v…
Nói chung, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ suốt từ thời đệ nhất cộng hòa cho đến ngày mất Miền Nam, ông luôn luôn làm công tác văn hóa văn nghệ. Ông có những khai thác mới mẻ về các nhạc cảnh quê hương mà từ trước đến nay chưa ai nghĩ đến. Chẳng hạn bài Đám Cưi Trên Đưng Quê Hương, giờ này chúng ta được nghe đi nghe lại ở nhiều tiệc cưới, tại hải ngoại cũng như quốc nội. Lời lẽ giản dị đằm thắm mà giai điệu cũng rất nhẹ nhàng lôi cuốn:
“Anh anh ơi! Người tình tôi ơi!
Ra mà xem họ cưới nhau rồi.
Anh anh ơi! Người tình tôi ơi!
Chuyện chúng mình cũng tính đi thôi!”
Vẫn trong cuốn Theo Chân Những Tiếng Hát, tác giả Hồ Trường An, trước năm 1975 là sĩ quan báo chí Quân Đoàn 3, và là ký giả kịch trường, có đoạn như sau:
“Hoàng Thi Thơ lập ra ban ca vũ đại qui mô. Cách dàn dựng sân khấu rất mỹ thuật. Phần vũ dưới sự điều khiển của vũ sư Trịnh Toàn, giới thiệu được văn hóa dân tộc. Ban ca vũ nhạc kịch này có 2 vở ca kịch đạt đến phẩm chất cao là Cô Gái Điên và Ả Đào Say. Ban ca vũ nhạc kịch Hoàng Thi Thơ xuất ngoại, sang trình diễn ở Hội Chợ Osaka Nhật Bản thành công rực rỡ. Nhưng bởi Hoàng Thi Thơ làm mích lòng một số báo chí, không lo lót tiền hối lộ cho bọn ký giả tham nhũng nên bị chúng nó vu khống, nào là đoàn bị khán giả Nhật đả đảo vì các tiết mục văn nghệ quá thấp kém, không hợp với trình độ cao của Nhật. Nào là sân khấu bên Nhật vĩ đại, trong khi đó tranh cảnh của đoàn Hoàng Thi Thơ chỉ hợp với sân khấu nhỏ của Sài Gòn. Nhưng kiều bào bên Nhật viết thư về cho họ hàng bên Việt Nam cho biết, khán giả Nhật hoan hô nồng nhiệt các tiết mục văn nghệ của Việt Nam, nhất là các màn múa nón, múa quạt, làm kiều bào mình ở bên Nhật cũng cảm thấy hãnh diện lây!”
Đọc đoạn văn này, tôi nhớ lại hai lần nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã thổ lộ với chúng tôi về một nỗi buồn của ông.
Một lần gặp ông ở Las Vegas khi ông đi xem chương trình Paris By Night thu hình ở Caesars Palace. Lần thứ hai ở đài CBC Toronto. Ông bảo:
– Cuộc đời hoạt động của tôi, các tác phẩm của tôi, cũng có những người đánh giá không đúng, đánh giá hơi sai lầm… Tôi không cần họ đánh giá cao, chỉ đánh giá đúng mức là tôi vui rồi…
Tôi nói:
– Ai đánh giá? Cơ quan nào đánh giá, thưa anh! Mình làm gì có “Hàn Lâm Viện” hay “Hội Đồng Tuyển Chọn” đầy đủ thẩm quyền để phê phán các tác phẩm nghệ thuật. Một hai bài báo chỉ là nhận xét cá nhân mà những nhận xét ấy hoàn toàn dựa vào cảm tính chứ đâu có dựa trên phán đoán khách quan. Như thế thì anh bận tâm làm gì? Academy của Mỹ, mỗi lần chọn phim trao giải Oscar, nhờ đến hơn 6 ngàn người bỏ phiếu mà có khi còn bị chê là sai lầm, huống chi là cái nhìn của một cá nhân! Chúng ta chỉ tin vào cách đánh giá thứ hai thực tế hơn, người Mỹ gọi là People Choice. Nhạc anh viết ra từ thập niên 1950, đến nay vẫn được đông đảo người tán thưởng tức là anh đã đạt được sự đánh giá cao của People Choice rồi!
Anh gật đầu mỉm cười đồng ý. Nhưng hóa ra anh vẫn chưa hết buồn về chuyện này, cho nên sau đó anh lại nhắc lại một lần nữa trong Tuyển Tập Nghệ Sĩ số 4.
Với tôi, sự đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ về mặt văn hóa nghệ thuật cho Miền Nam lớn lao lắm. Theo Phạm Duy, thì ngay từ năm 1956, Hoàng Thi Thơ đã viết trường ca Ngày Trọng Đại để ca ngợi cuộc sống ấm no thanh bình dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau đó ông lại thành lập Đoàn Văn Nghệ Việt Nam, liên tục đem chuông đi đánh xứ người. Các nhạc phẩm gắn chặt với dân quê, với xóm làng, như Đám Cưi Trên Đưng Quê Hương, Rước Tình Về Với Quê Hương, Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng, Mấy Nhịp Cầu Tre v.v… là nét độc đáo chúng ta không tìm thấy ở bất cứ tác giả nào khác.
Đoàn Vũ Maxim’s của Hoàng Thi Thơ đang lưu diễn ở Nhật thì mất Miền Nam. Ông rơi nước mắt viết một bài rất cảm động tựa đề là: “Ôi! Chưa Kịp Nói Với Nhau Một Lời”.
Lúc ấy Hoàng Thi Thi 17 tuổi vẫn còn sống ở Sài Gòn. Nhờ Hoàng Kiều làm việc cho Mỹ, có phương tiện di tản, nên mới đem theo được Hoàng Thi Thi ra đi trước ngày 30 tháng 4.
Gia đình đoàn tụ bên Mỹ, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ muốn con tiếp tục học piano để trở thành nhạc sĩ trình diễn nhạc cổ điển. Hoàng Thi Thi không say mê nhưng vì vâng lời cha đành phải ghi danh học tiếp. Đến năm thứ tư, gần tốt nghiệp thì Thi bỏ ngang rồi đi học kỹ sư điện tử. Từ đó, anh hành nghề kỹ sư và chỉ cuối tuần mới đi đánh đàn, vừa là một cái thú tiêu khiển cho mình, vừa để tiếp nối con đường văn nghệ thân phụ đã vạch ra cho anh từ nhỏ.
Thưa bạn đọc,
Thời gian trôi qua quá nhanh! Mới hôm nào nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sang Toronto để cùng với Trung Tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night 41, giới thiệu sự nghiệp sáng tác của ông. Thế mà tính ra đã tròn 20 năm (1997 – 2017)! Giờ này tôi vẫn mường tượng ra hình ảnh rất linh hoạt và trẻ trung của ông suốt một tuần làm việc bên nhau trong đài CBC. Hôm mới đặt chân vào đài, tôi giới thiệu ông với các chuyên viên Canada. Họ niềm nở bắt tay chào hỏi ông. Ông vốn giỏi tiếng Pháp nên quay sang bảo tôi:
– Tôi tưởng bên này họ nói tiếng Pháp. Hóa ra vẫn là tiếng Anh!
Tôi cười bảo:
– Anh muốn nói tiếng Pháp thì phải lái xe 5 tiếng nữa sang vùng Quebec. Đến Quebec City, nếu anh nói tiếng Anh, có người sẽ quay mặt đi không thèm trả lời!
Lần thứ hai ông trả lời lại, cứ hết lời khen ngợi thành phố Toronto. Tôi bảo:
– Tại anh chưa sang đây vào mùa Đông!
Ông nói:
– Tôi đọc báo thấy người ta ca ngợi Toronto là thành phố lớn mà an toàn. Bởi vậy cảnh sát thế giới hay về họp ở Toronto để học hỏi!
Mới đó mà đã hai thập niên trôi qua! Nhớ ông, nhớ những cống hiến của ông cho nền văn nghệ Việt Nam, nhớ những chuyến lưu diễn do ông cầm đầu, đưa Đoàn Văn Nghệ VN đi giới thiệu với nhiều quốc gia trên thế giới, năm nay Quỹ Cộng Đồng Thời Báo sẽ thực hiện Đêm Nhạc Hoàng Thi Thơ để mời quý đồng hương thưởng thức lại những sáng tác rất đa dạng của ông. Ông mất đã hơn 15 năm, nhưng nhạc của ông sẽ còn mãi, dù là những bản tình ca thuần túy hay những nhạc cảnh đậm tình quê hương từng tạo nên nét độc đáo trong dòng sáng tác của Hoàng Thi Thơ.
Xin hẹn gặp quý vị tại Meeting House vào thứ Bảy 20/5 sắp tới.
Nguyễn Ngọc Ngạn
Tháng 3/2017
Source: http://thoibao.com/ky-niem-voi-nhac-si-hoang-thi-tho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.