Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện tôi đã đọc cách đây hang chục năm.
Chuyện rằng có một nhà sư đi hoằng pháp ở một làng quê. Theo Sư có một đệ tử.
Hai thầy trò đi bộ.Trên đường đi, nhà sư khát nước. Sư và đệ tử quyết định ngồi nghỉ
dưới một gốc cây để tránh nắng. Rồi nhà sư nói với đệ tử ra suối lấy cho thầy nước
để thầy uống.
Đệ tử xách theo chiếc vò đi đến con suối. Đến nơi, người đệ tử phát hiện ra rằng
có một đàn bò vừa lội qua song nên nước sông rất đục, không thể lấy nước uống được.
Đệ từ bạch lại với thầy. Nhà sư rất hoan hỷ và khuyên chờ đợi một chút.
Hai thầy trò cùng ngồi thư giản ngắm cảnh, hòa mình vào thiên nhiên.
Một lát sau, nhà sư nhắc người đệ tử đi lấy nước. Người đệ tử xách vò trở lại bờ suối,
nhưng anh vẫn thấy nước còn đục chưa thể lấy nước về uống được. Anh quay lại thưa
với thầy. Nhà sư lại khuyên rằng nên bình an ngồi thư giãn dưới gốc cây chờ thêm chút nữa.
Một thời gian sau đó, người đệ tử trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong veo.
Thế là anh lựa chỗ trong nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng thầy.
Người thầy nhận vò nước trong và dạy trò của mình rằng, có những việc ta không
cần làm gì cả, chỉ cần kiên nhẫn đợi để có đủ thời gian, để nó tự lắng xuống.
Tâm ta cũng thế.
Tôi vẫn nhớ như in trong câu chuyện này nhà sư đã dạy học trò của mình rằng,
khi tâm ta nổi sóng, điên đảo, ta không nên tìm cách này hay cách khác để cố dẹp yên nó.
Ta nên ngồi yên trong bình an để nó tự lắng xuống. Rằng khi con giận ai, ta không nên
nghĩ tới họ, đừng tranh cãi hơn thua, mà nên hướng tư tưởng sang việc khác. Rằng ta
nên làm thinh, giả mù, giả điếc, tự nhiên tâm ta sẽ tĩnh lại được.
Mỗi ngày bao nhiêu tình huống xảy ra. Mỗi tình huống, mỗi câu chuyện là một
bài học. Bài học cho tâm của ta. Vấn đề là ta cần lắng tâm lại để lắng nghe. Tôi giật
mình nghĩ về nghĩa của từ lắng nghe. Đó là, để nghe cho đến khi tất cả lắng xuống.
Như Nhiên Thích Tánh Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.