VIDEO
CƠ CHẾ TIẾT MỒ HÔI
Nếu bạn là một trong những người tạo ra mùi hôi này, bạn là đồng minh của rất nhiều người trên xứ Mỹ, nơi mà người ta tiêu mấy trăm triệu đô la mỗi năm để mua những thuốc chống mồ hôi và chống mùi mồ hôi.
Không ai không ra mồ hôi. Những lúc tất cả chúng ta cùng ra mồ hôi là: ngồi dưới ánh mặt trời gay gắt, vận động thân thể nhanh và nhiều, đứng trước đám đông để nói chuyện hay trình bày một chương trình gì đó ... Chuyện này không có gì lạ và là một phản ứng bình thường của cơ thể con người. Khi chúng ta ở trong bầu không khí quá nóng, vận động quá nhiều hay đang bị căng thẳng, chúng ta có thể ra cả mấy lít mồ hôi.
Tuy nhiên, có những lúc cơ chế làm ra mồ hôi bị xáo trộn và chúng ta có thể ra rất nhiều mồ hôi dù không ở vào những trường hợp trên, hoặc không ra mồ hôi bao giờ. Ra mồ hôi quá nhiều thường làm nạn nhân rất bực bội và mắc cỡ, đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng. Không ra mồ hôi chút nào là một trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với đa số chúng ta, mồ hôi là... chuyện thường tình thế thôi. Trừ khi mồ hôi đi kèm theo những mùi không được dễ chịu cho lắm. Mồ hôi thường không mùi nhưng có thể trở thành có mùi hôi khi tiếp xúc với những vi trùng có sẵn trên da chúng ta.
1/. Khi nào chúng ta ra mồ hôi?
Người khỏe mạnh nào cũng ra mồ hôi nhưng ra ở đâu và nhiều hay ít thì tùy theo mỗi người. Những yếu tố khiến đa số chúng ta ra mồ hôi là:
- Vận động thân thể, nhất là những môn vận động mạnh mẽ và nhanh.
- Trời nóng
- Lúc đang lo sợ, căng thẳng, nôn nóng: Khi bị lo sợ, căng thẳng, người ta thường ra mồ hôi ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân và nách.
Số lượng mồ hôi nhiều hay ít, ngay cả mùi mồ hôi, có thể ảnh hưởng bởi xúc cảm, thức ăn, một vài loại thuốc, tình trạng sức khỏe, và mức kích thích tố trong người. Một số người bị ra mồ hôi rất nhiều, nhất là ở lòng bàn chân và lòng bàn tay.
Khó có thể định nghĩa thế nào là mức ra mồ hôi thông thường và thế nào là nhiêu. Mỗi người nên tự quan sát để biết mức độ ra mồ hôi của mình và để nhận biết khi có sự thay đổi.
2/. Mồ hôi từ đâu ra?
Da chúng ta có 2 loại tuyến mồ hôi. Loại “eccrine” có ở toàn bộ da của chúng ta và tiết mồ hôi thẳng trên mặt da. Loại tuyến khác là “apocrine” có nhiều ở những vùng có lông, thí dụ như da đầu, vùng nách và vùng bẹn.
Tuyến mồ hôi “eccrine” có từ 2 tới 5 triệu. Khi nhiệt độ cơ thể chúng ta tăng lên, hệ thần kinh tự động liền kích thích những tuyến này làm tiết ra mồ hôi trên da. Mồ hôi này khi bốc hơi sẽ làm da chúng ta mát lại. Mồ hôi này thường có thành phần chính là nước và muối sodium chloride, một ít những chất điện giải khác, và urea.
Tuyến mồ hôi “apocrine” thì tiết ra một loại mồ hôi có chất béo thẳng vào những ống nối từ tuyến lên mặt da. Khi chúng ta bị xúc cảm hay căng thẳng, thành những ống này thắt lại, đẩy loại mồ hôi này lên mặt da. Khi vi trùng có trên da của chúng ta và tác dụng lên loại mồ hôi béo này, chúng sẽ gây ra mùi hôi.
Một vài yếu tố có thể ảnh hưởng lên lượng mồ hôi và mùi mồ hôi của chúng ta. Một vài loại thuốc, thức ăn hay một vài bệnh có thể làm chảy mồ hôi rất nhiều cũng như một vài loại thuốc hay bệnh có thể làm chúng ta không ra mồ hôi như bình thường được.
3/. Bệnh ra mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis)
Như trên đã nói, một số người bị ra mồ hôi quá nhiều hơn bình thường mà không có nguyên nhân nào rõ rệt. Một vài yếu tố có thể khiến bạn ra mồ hôi quá nhiều:
+ Di truyền: Bạn bị ra mồ hôi nhiều giống như cha hay mẹ
+ Thức ăn và uống: Uống nước nóng hay những thứ có chất caffeine hay rượu có thể làm bạn ra mồ hôi nhiều. Ăn chất cay nồng, nhiều gia vị cũng vậy.
+ Thuốc: Những loại thuốc có thể gây ra mồ hôi nhiều gồm thuốc chữa bệnh tâm thần, thuốc morphine và liều cao chất kích thích tố tuyến giáp trạng. Thuốc giảm đau như aspirin và Tylenol cũng có thể làm ra mồ hôi nhiều.
+ Thời mãn kinh: Đàn bà thời mãn kinh có thể bị những cơn nóng bừng gồm nhiệt độ tăng cao và ra mồ hôi nhiều, cũng như cảm thấy thật nóng. Triệu chứng này gây ra do mực kích thích tố nữ estrogen bị giảm xuống nhiều. Một số còn có thể bị thức dậy nửa đêm đẫm mồ hôi và ớn lạnh.
+ Ít kích thích tố nam: Đàn ông có mực kích thích tố nam testosterone thấp hay bị chứng giảm testosterone do dịch hoàn bị thoái hóa, cũng có thể bị những cơn nóng bừng.
+ Mực đường thấp (hypoglycemia): Bệnh nhân ra mồ hôi khi mực đường trong máu xuống đến một độ nào đó. Chứng này thường xẩy ra ở người bị tiểu đường đang chích thuốc insulin hay uống thuốc làm tăng tác dụng của inuslin. Những triệu chứng đầu tiên gồm có: ra mồ hôi, run tay chân, cảm thấy yếu ớt, đói bụng, chóng mặt, và buồn nôn. Một vài người lại bị mực đường xuống thấp sau khi ăn, nhất là khi họ đã từng bị mổ ruột hay bao tử. Một bệnh hiếm khi xẩy ra là bệnh cơ thể tiết ra nhiều chất insulin quá khiến mực đường bị xuống thấp.
+ Sốt: Chúng ta bị sốt khi nhiễm vi trùng hay siêu vi. Khi nhiệt độ trở lại bình thường, chúng ta có thể ra mồ hôi nhễ nhại, đây là cách cơ thể chúng ta xả bớt nhiệt. Khi chúng ta run lên sau khi lên sốt, đây là lúc cơ thể đang cố gắng làm tăng nhiệt độ . Cứ tiếp tục bị lên sốt kèm theo là ra mồ hôi và lạnh run có thể là triệu chứng nhiễm trùng hay bệnh nặng.
+ Bệnh cường tuyến giáp trạng: Tuyến giáp trạng làm việc quá độ. Bệnh này gây ra giảm cân, tim đập nhanh và thất nhịp, bồn chồn, không chịu nóng được. Bệnh cũng có thể gây ra chứng đổ mồ hôi nhiều.
+ Cơn đau tim (heart attack): Bệnh này xẩy ra khi mạch dẫn máu nuôi một vùng tim bị nghẽn khiến vùng tim ấy bị chết. Triệu chứng gồm có: thấy nặng ngực, đau thắt ngực trong vòng nhiều phút, đau hướng xuống vai, cánh tay hay lưng, thở hổn hển, và ra mồ hôi như tắm. Nếu có những triệu chứng này, bạn nên gọi cấp cứu ngay, mỗi phút đều quan trọng.
+ Bệnh lao: Bệnh lao đã trở lại trên nước Mỹ. Trong năm 2002, có đến 15,000 người bị lao. Triệu chứng bệnh này là ho, sốt và ra mồ hôi ban đêm.
+ Bệnh sốt rét: Bệnh này thường xẩy ra ở vùng nhiệt đới nhưng ở Mỹ cũng có khoảng 1000 trường hợp mỗi năm, đa số là ở những người mới đi du lịch ở các nước khác về. Triệu chứng đầu tiên thường là run lên, nhức đầu, ói mửa, buồn nôn. Khi nhiệt độ giảm xuống, bệnh nhân ra mồ hôi đầm đìa.
+ Một vài loại ung thư: Bệnh ung thư máu và ung thư hạch có thể có triệu chứng ra mồ hôi khác thường.
4/. Khi nào nên gặp bác sĩ ?
+ Nên đi khám bệnh khi bạn thình lình ra mồ hôi nhiều hơn bình thường hoặc ra mồ hôi ban đêm mà không có nguyên do nào rõ rệt. Ra mồ hôi lạnh thường là phản ứng của cơ thể đối với một bệnh nặng, bị bồn chồn lo lắng, hay một cơn đau nhiều. Nên đi khám ngay khi bạn bị ra mồ hôi lạnh, nhất là khi kèm theo triệu chứng choáng váng và đau ngực, đau bụng.
+ Cũng nên đi khám bệnh khi mùi mồ hôi của bạn thay đổi. Mùi trái cây có thể là triệu chứng bệnh tiểu đường, mùi ammonia có thể là triệu chứng bệnh thận hay gan. Một bệnh rất hiếm có thể gây ra mồ hôi như mùi cá chết.
5/. Chữa trị.
- Thuốc tự do: Những người thường ra mồ hôi nhiều có thể dùng thuốc chống mùi hôi (deodorants) hay thuốc chống ra mồ hôi (antiperspirant) bán tự do.
+ Thuốc deodorants thường có chất alcohol và làm da bạn trở nên acid khiến vi trùng không sống được. Thuốc này cũng thường có mùi thơm để át mùi mồ hôi, có thể dùng dưới nách hoặc tay chân.
+ Thuốc antiperspirant thì làm nghẽn các ống mồ hôi bằng chất muối aluminium khiến mồ hôi không tới da được. Trước đây có dư luận cho rằng thuốc chống mồ hôi có thể liên hệ tới bệnh ung thứ vú nhưng điều này chưa được chứng minh rõ rệt.
Antiperspirant cũng có thể gây ra lở da. Deodorants thì ít gây ra vấn đề hơn.
- Theo chỉ định của bác sĩ: Nếu thuốc mua nói trên không giúp được nhiều, bác sĩ có thể chữa bằng cách khác hoặc cho toa mua những thuốc mạnh hơn nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Những cách này là:
+ Ionto phoresis: Bác sĩ da dùng một dụng cụ điện cho một luồng điện nhẹ đến vùng bị ra mồ hôi nhiều. Phương pháp này không đau và an toàn, tuy nhiên, mức độ hiệu quả chưa chắc đã hơn thuốc chống ra mồ hôi.
+ Botox: Đây là chất thường dùng để xóa bớt nếp nhăn bằng cách làm tê liệt những bắp thịt ở mặt vì khi co lại chúng làm cho da nhăn. Sau này, người ta thấy rằng chất botox cũng có thể chữa bệnh mồ hôi nhiều bằng cách làm tê những dây thần kinh điều khiển tuyến mồ hôi. Cần phải chích nhiều lần, mỗi lần chích đều đau và hiệu quả chỉ kéo dài độ 4 tháng. Botox có thể làm ngưng ra mồ hôi nhưng không làm giảm mùi hôi.
+ Thuốc anticholinergic: Nếu bạn bị ra mồ hôi nhiều khắp nơi, bác sĩ có thể cho bạn thuốc glycopyrrolate (Robinul, Robinul Forte). Những thuốc này ngăn chận tác dụng của chất acetylcholine là chất kích thích tuyến mồ hôi. Triệu chứng của bạn sẽ giảm trong 2 tuần. Tuy nhiên bạn có thể bị những tác dụng phụ vì chất acetylcholine còn tác dụng lên những nơi khác của cơ thể khiến gây ra khô miệng, bón, mờ mắt, không nếm mùi vị được, chóng mặt, lú lẫn. Nếu dùng thuốc này và bị đi chẩy, nổi ngứa, khó thở, khó nuốt, bạn cần được chữa trị ngay.
+ Giải phẫu chữa bệnh ra mồ hôi nhiều: Những người bị chứng ra mồ hôi quá nhiều thướng bị mặc cảm về chuyện này cũng như rất khó chịu khi làm việc vì tay chân lúc nào cũng nhớp nhúa mồ hôi. Bệnh này có thể được chữa bằng phương pháp giải phẫu. Nếu chỉ ra mồ hôi nhiều dưới nách, bạn có thể được giải phẫu cắt bớt những tuyến mồ hôi dưới da. Một cách khác là cắt đi những dây thần kinh giao cảm điều khiển những tuyến mồ hôi. Trước đây, giải phẫu này là một cuộc giải phẫu lớn, cần cắt phần xương ngực hay lưng để với tới được những dây thần kinh trong lồng ngực. Bệnh nhân phải nằm bệnh viện cả tuần và thời gian hồi phục có thể kéo dài cả tháng. Nhưng hiện nay, một phương pháp mới giản dị hơn nhiều đã được dùng. Bác sĩ giải phẫu chỉ cần rạch vài đường nhỏ dưới nách, cho ống video và dụng cụ giải phẫu vào để cắt dây thần kinh. Bệnh nhân chỉ phải nằm bệnh viện 1 ngày. Sau khi giải phẫu, mồ hôi tay sẽ ngừng vĩnh viễn. Tuy nhiên chứng ra mồ hôi nhiều lại có thể xuất hiện nơi khác, thí dụ như ở lưng hay phần sau của chân.
Bệnh hôi nách do tuyến mồ hôi lớn gây nên
Tuyến mồ hôi lớn được loại bỏ tận gốc chỉ sau 1 lần điều trị duy nhất
Cách trị hôi nách vĩnh viễn bằng công nghệ hút bỏ nội soi được đánh giá rất cao
VIDEO
- Tự giúp
Bạn có thể theo những cách sau đây để làm bớt những khó chịu do bị ra mồ hôi nhiều:
- Tắm hằng ngày để số vi trùng trên da giảm bớt
- Lau thật khô hai bàn chân sau khi tắm để vi trùng không sống được nhờ môi trường ẩm ướt. Dùng phấn xoa chân để giúp chân khô, hút bớt mồ hôi.
- Dùng giấy và vớ bằng những chất liệu thiên nhiên như da và cotton.
- Không nên đi cùng một đôi giầy nhiều ngày. Thay đổi giầy để có thì giờ khô hẳn mồ hôi.
- Mang vớ cotton hay len vì chúng hấp thụ mồ hôi tốt hơn. Khi vận động nhiều nên mang loại vớ thể thao hút mồ hôi. Thay vớ thường xuyên và lau khô chân mỗi lần thay vớ.
- Đi chân không khi có dịp, càng nhiều càng tốt.
- Mặc quần áo vải sợi thiên nhiên thay vì sợi nhân tạo. Khi vận động, nên mặc quần áo thể thao hút mồ hôi.
- Bôi thuốc chống mồ hôi mỗi đêm, dùng loại không có mùi thơm.
- Tập thư giãn như yoga, thiền, biofeedback.
- Thay đổi cách ăn uống, tránh những thức ăn uống làm ra mồ hôi nhiều hay có mùi nhiều như cà phê, tỏi, hành...
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.