Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Cuộc chiến tranh kênh đào Suez

 

I: Ý nghĩa chiến lược của kênh đào Suez
Kênh đào Suez bắt đầu từ thành phố cảng Port Said bên bờ Địa Trung Hải và kết thúc ở thành phố Suez bên bờ Hồng Hải nên con kênh được mang tên Suez. Khoảng 500.000 người đã tới an cư tại các thành phố ven kênh kể từ khi kênh đào được xây dựng. Kênh đào Suez cũng là đường ranh giới giữa đất liền của Ai Cập và bán đảo Sinai, vì vậy cũng là ranh giới giữa châu Phi và châu Á.
Thật ra, từ 1400 năm trước Công Nguyên, các Pharaon Sethos I và Ramsis II đã bắt đầu với việc lên kế hoạch và xây dựng con kênh đào này. Do gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng kênh đào kéo dài tới năm 500 trước Công Nguyên vẫn chưa hoàn thành và bị bỏ dở. Vài trăm năm sau, con kênh dang dở bị cát phủ kín. Nhưng ý tưởng về con kênh nối hai biển này vẫn không mất đi và chỉ chờ dịp lại được đưa ra.
Ý nghĩa chiến lược lớn của một con đường thủy nhân tạo nối Địa Trung Hải với Hồng Hải đã được nhà ngoại giao và kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps khơi lại từ thế kỷ 19, vì con đường hàng hải từ châu Âu sang châu Á sẽ không phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi nên có thể rút ngắn quãng đường tới 4.000 km.
Một công trình nghiên cứu được tiến hành năm 1846 cho thấy, mực nước giữa Địa Trung Hải và Hồng Hải không chênh nhau là bao nên đây là phương án khả thi. Sau khi Phó vương Muhammed Said lên nắm quyền, Lesseps đã hăng hái trình bày kế hoạch của mình và nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của Ai Cập, nếu kênh đào được xây dựng. Kỹ sư Lesseps quen biết gia đình Phó vương Said từ khi ông còn nhỏ và từng dạy ông cưỡi ngựa, nên hai người rất thân nhau. Vì vậy, năm 1856, Lesseps đã nhận được giấy phép xây dựng kênh đào. Dưới sự chủ trì của công ty Kênh đào Suez Pháp, việc xây dựng con kênh dài 163 km đã được tiến hành và vượt qua nhiều khó khăn trắc trở, để mở một con đường thủy đi qua sa mạc. Việc xây dựng kênh đào tốn phí 19 triệu bảng Anh với sự tham gia của 1,5 triệu người, trong đó 125.000 người đã bị chết trong quá trình xây dựng. Sau gần 10 năm xây dựng, kênh đào Suez được khai trương và mở cửa cho tàu bè qua lại vào ngày 16/11/1869.
Sau khi được đưa vào hoạt động, con đường thủy này được Companie Universelle du Canal Maritime de Suez quản lý và vận hành và trong Hiệp định năm 1888 trở thành một nhượng địa trong thời gian 99 năm. Thông qua Phó vương Muhammed Said, Ai Cập có cổ phần lớn trong công ty này, nhưng người kế nhiệm của ông là Ismail Pascha đã phải bán cổ phần của Ai Cập cho người Anh do món nợ khổng lồ của quốc gia, vì vậy trên thực tế, Ai Cập trở thành một nhà nước do Pháp bảo hộ. Kể cả sau khi giành lại được sự tự chủ, công ty này vẫn do người Pháp và người Anh chi phối và như vậy cả kênh đào với hai bên bờ kênh rộng đều nằm trong tay người nước ngoài. Vai trò chiến lược của nó đã tiếp tục gia tăng với việc dầu mỏ trên bán đảo Arập ngày càng có ý nghĩa sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Đầu những năm 1950, người ta bắt đầu thảo luận về tương lai của kênh đào Suez sau khi thời gian tô nhượng kết thúc. Công ty này theo đuổi một giải pháp không có Ai Cập, vì cho rằng nước này không thể tự quản lý một công việc làm ăn như vậy. Đằng sau lập trường có tư tưởng đế quốc là nỗi lo tiếp tục mất đi ảnh hưởng trên thế giới. Sau năm 1945, người ta càng nhận thấy rõ rằng nước Anh không có đủ tài nguyên để củng cố đế chế của mình. Trước bối cảnh phong trào dân tộc chủ nghĩa đang phát triển trong "Thế giới thứ Ba", Ai Cập ngày càng trở nên có ý nghĩa, vì trong khu vực kênh đào Suez, người Anh có một căn cứ quân sự trên cơ sở một hiệp ước được thương lượng năm 1936 với khoảng 80.000 binh sĩ Anh đóng bên kênh đào Suez.
Khi chính phủ Ai Cập dưới triều Vua Faruk bị các sĩ quan đảo chính và lật đổ ngày 23/7/1952, mối quan hệ giữa Ai Cập và Anh ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong khi giới lãnh đạo cho tới nay duy trì mối quan hệ hợp tác với các cường quốc châu Âu, chính phủ mới của Ai Cập lại theo đuổi một đường lối dân tộc chủ nghĩa, liên Arập và chống Ixraen, xích lại gần hơn với khối các nước XHCN. Việc thay đổi đường lối này một mặt làm căng thẳng hơn những xung đột khu vực ở Trung Cận Đông, vì Ixraen cảm thấy bị thách thức thông qua một hiệp ước cung cấp vũ khí mà Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser ký với Tiệp Khắc.
Mặt khác, phương Tây lại cho rằng Ai Cập đang bị cộng sản hóa. Hơn nữa, một cuộc xung đột giữa Ai Cập với Anh và Pháp đang đe dọa, vì những nước này khăng khăng bám lấy quyền kiểm soát kênh đào Suez và bác bỏ đòi hỏi của Nasser muốn có một giải pháp quốc gia cho con đường thủy này, một điều mà nhà sử học nổi tiếng Georges - Henri Soutou ở trường Đại học Sorbonne, Pari (Pháp) giải thích: "Bên cạnh lợi ích kinh tế, kênh đào này là một biểu tượng cho sự diện diện của Anh và Pháp tại Trung Cận Đông và cho toàn bộ thời đại đế quốc". Những căng thẳng tạm thời được dẹp bỏ thông qua Hiệp định Suez ngày 19/10/1954, trong đó Anh cam kết rút lực lượng vũ trang của mình ra khỏi khu vực kênh đào trong vòng 20 tháng. Đổi lại, Ai Cập bảo đảm duy trì căn cứ quân sự và để cho người Anh sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đồng thời họ công nhận quy chế quốc tế của khu vực này. Tháng 6/1956, quân đội Anh rút khỏi khu vực kênh đào Suez, mọi việc xem chừng hướng tới một giải pháp hòa bình.
II: Con đường tới khủng hoảng
Ngày 26/7/1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser bất ngờ tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez, với lý do lấy tiền chi phí cho việc xây dựng một đập nước ở Assuan, sau khi Mỹ từ chối cho vay tín dụng. Mặc dù tuyên bố bảo đảm cho việc tự do đi lại qua kênh đào và sẵn sàng bồi thường cho những cổ đông của công ty, mà trong đó Pháp nắm giữ đa số và các ngân hàng cũng như doanh nghiệp Anh nắm giữ 45%, nhưng với bài diễn văn của mình, Tổng thống Nasser đã gây ra một cuộc khủng hoảng nặng nề.
Các cường quốc thực dân cảm thấy bị thách thức, hơn thế nữa khi Pháp từ năm 1954 phải tiến hành cuộc chiến tranh chống phong trào đòi độc lập của Angiêri và đã buộc phải trao trả nền độc lập cho Tuynidi dưới sự lãnh đạo của Habib Bourguiba, sau khi đã phải trao trả độc lập cho Marốc. Mặc dù tại ba hội nghị quốc tế, Mỹ đã đồng ý với việc quốc hữu hóa kênh đào Suez, nhưng cả Anh và Pháp đều không chịu chấp nhận việc này. Thêm vào đó, cuộc xung đột giữa Arập và Ixraen lại trở nên căng thẳng; bởi vì một mặt Nasser, nhân vật biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Arập mới, từ khi lên nắm quyền không bao giờ che giấu sự thù địch của mình đối với Ixraen; mặt khác, nước này bị cắt đứt quan hệ với các đối tác thương mại châu Á và châu Phi do bị phong tỏa eo biển Tiran từ cửa ngõ của Vịnh Akaba tới Hồng Hải và việc đóng cửa kênh đào Suez đối với các tàu bè Ixraen và các tàu tới Ixraen. Thêm vào đó, các hoạt động khủng bố của người Palextin xuất phát từ Ai Cập gia tăng. Chính phủ Ixraen hy vọng, việc chiếm đóng bán đảo Sinai sẽ là bước cải thiện có tính chất quyết định đối với an ninh của nhà nước Do Thái này.
Chính sách của Pháp cũng nhằm vào chiến tranh. Pari vu cho Nasser ủng hộ phong trào đòi độc lập của Angiêri. Khác với ở Pháp, dư luận ở Anh chưa ủng hộ một cuộc phiêu lưu như vậy. Thủ tướng Anh Anthony Eden là người chống lại chính sách nhân nhượng của nguyên Thủ tướng Chamberlain trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, nên ông muốn thuyết phục người Anh thay đổi thái độ thông qua việc gợi lại Hội nghị Munich năm 1938 giữa Đức và Liên Xô và so sánh Nasser với Hitler và Mussolini. Trong khi Nasser tỏ ra là một thủ lĩnh có uy tín, muốn thông qua những thành công trong chính sách đối ngoại để dẫn dắt đất nước nghèo nàn của mình tới tiến bộ theo màu sắc phương Tây, thì tư duy chính trị của Eden vẫn hoàn toàn bám lấy tư tưởng của Hội nghị Munich.
Ban đầu chỉ có Pháp và Anh tham gia vào kế hoạch bí mật cho một hành động quân sự. Trong những ý tưởng đầu tiên vào tháng 7/1956, hai bên thỏa thuận tiến hành một chiến dịch quân sự chung chống lại Ai Cập, nhưng lại giả vờ rêu rao là cuộc xung đột vũ trang này nhằm hòa giải cuộc xung đột giữa Ixraen và Ai Cập. Với mục đích này, một cuộc gặp gỡ bí mật giữa Pháp, Anh và Ixraen đã diễn ra từ ngày 22 tới 24/10/1956 tại Sevres, ngoại ô Pari. Tại đó, Thủ tướng Pháp Guy Mollet, Ngoại trưởng Pháp Christian Pineau, Thủ tướng Ixraen David Ben-Gurion, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Ixraen Simon Peres, Tổng tư lệnh quân đội Ixraen Mosche Dajan và Ngoại trưởng Anh Selwyn Lloyd đã phác thảo một kịch bản quỷ quyệt: Việc chuẩn bị chiến tranh giữa Ai Cập và Gioócđani sẽ tạo cớ cho Ixraen tấn công Ai Cập. Pari và Luân Đôn sẽ phản ứng với việc đưa ra một tối hậu thư cho các bên tham chiến, trong đó đòi rút quân khỏi khu vực kênh đào Suez. Việc Cairô chắc chắn bác bỏ tối hậu thư này sẽ tạo cớ cho giới quân sự Pháp và Anh tiến vào để "giải phóng" kênh đào, lật đổ Nasser và triển khai lực lượng vũ trang Anh - Pháp ở kênh đào xung quanh khu vực Port Said. Pháp và Anh đồng thời tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ixraen. Ngoài ra, Pari còn cam kết bảo vệ không phận và bờ biển của Ixraen và muốn dùng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn cản một nghị quyết chống lại Ixraen.
Chỉ rất ít người phía Pháp cũng như Anh biết được về kế hoạch bí mật này. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đang ở trong giai đoạn vận động tranh cử nóng bỏng cũng không hề được thông báo gì. Người Anh và người Pháp biết được lập trường phản đối của ông, vì Eisenhower không muốn làm hại tới khả năng tái đắc cử thông qua một cuộc chiến tranh và không muốn gây thêm căng thẳng mới với Mátxcơva. Nhưng trong khi người Anh và người Pháp đặt ý nghĩa của kênh đào Suez đối với châu Âu lên vị trí hàng đầu trong những suy nghĩ của mình thì sự xung đột Đông - Tây chi phối trong tư duy chính trị Mỹ. Trong những tùy tùng của Nasser có nhiều người thân cận với Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và chính quyền Eisenhower cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Nasser, không muốn đẩy ông vào vòng tay của Liên Xô.
Những nhận thức sai về nhau cũng như những vấn đề trao đổi thông tin trong các nước phương Tây cho thấy thiếu sự tin cậy trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà trong những sự kiện xảy ra ở kênh đào Suez đã mở rộng thành một cuộc khủng hoảng thực sự.
3: Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng
Cuộc chiến tranh kênh đào Suez được Pháp và Anh đặt tên là "Chiến dịch Ngự lâm quân", bắt đầu ngày 29/10/1956 với việc quân đội Ixraen tiến vào Dải Gaza và bán đảo Sinai. Quân đội Ixraen đã nhanh chóng tiến tới kênh đào Suez. Trước đó, Pháp đã tăng cường sức chiến đấu của Ixraen với việc cung cấp máy bay chiến đấu và xe tải. Ngày 30/10, theo kịch bản được soạn sẵn, Anh và Pháp đưa ra tối hậu thư đòi hai bên phải ngưng chiến sau 12 giờ đồng hồ và lui quân cách kênh đào 16 km về phía Đông và phía Tây.
Sự việc cũng diễn ra theo đúng kế hoạch với việc Nasser bác bỏ tối hậu thư, một quyết định được sự hậu thuẫn của nhân dân Ai Cập, những người đã hoan nghênh việc quốc hữu hóa kênh đào này. Sau đó, ngày 31/10/1956, máy bay Anh, Pháp bắt đầu oanh kích khu vực kênh đào và các sân bay Ai Cập. Ngày 5/11, khoảng 7.000 lính dù Anh và Pháp đã đổ bộ xuống sân bay Gamil. Ngày hôm sau, các đơn vị hải quân Hoàng gia Anh đổ bộ lên bờ biển Ai Cập. Thành phố Port Said hầu như bị cháy trụi. Ai Cập phong tỏa lối ra của kênh đào bằng việc đánh đắm ở đó 50 con tàu. Người Anh và người Pháp đã tới gần một chiến thắng quân sự, nhưng các chiến lược gia của họ không tính tới sự phản đối quyết liệt của Tổng thống Mỹ Eisenhower, người đã tỏ ra có khả năng hành động mạnh mẽ hơn dự kiến, bất chấp cuộc vận động tranh cử đang diễn ra gay gắt.
Ngày 2/11, chỉ 4 ngày trước ngày bầu cử tổng thống, phía Mỹ đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một dự thảo nghị quyết đòi chấm dứt chiến sự ngay lập tức. Trong những ngày sau đó, đồng bảng Anh bị chao đảo tới mức nguy hiểm trên thị trường tài chính New York và chính quyền Mỹ đã gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Anh Eden. Ông ta không chỉ phớt lờ việc nước Anh bị phụ thuộc về tài chính vào nước Mỹ do hậu quả của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, mà cũng đánh giá sai lập trường của Mỹ trong vấn đề phi thực dân hóa. Trong ngữ cảnh thù địch với Liên Xô, người Mỹ rất quan tâm tới mối quan hệ hữu hảo với các nước "Thế giới thứ ba", ngoài ra, đây còn là vì lợi ích kinh tế. Thảm bại hiển hiện đã phá hoại danh tiếng của Eden tới mức cuối năm 1956, ông đã bị Harold Macmillan thúc ép phải từ chức. Sau này, Eden nhớ lại đã bị Eisenhower la mắng thậm tệ qua điện thoại "như một đứa trẻ ngốc nghếch".
Người Anh và người Pháp cũng đánh giá quá thấp vai trò của Liên Xô. Ngày 6/11, Liên Xô đã đưa ra tối hậu thư, đe dọa sẽ có một sự tàn phá khủng khiếp, nếu cuộc chiến ở kênh đào Suez không bị đình chỉ. Cuối cùng, Pháp, Anh và Ixraen đã phải khuất phục trước sức ép của Mỹ, Liên Xô và LHQ. Ngày 6/11, lệnh ngừng bắn được đưa ra. Ngày 3/12, ba nước này tuyên bố sẵn sàng rút quân khỏi khu vực chiến sự để lính “Mũ nồi Xanh” của LHQ vào thay thế. Việc rút quân được tiến hành tới ngày 22/12 thì hoàn tất.
Cuộc chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả. Việc đi lại qua kênh đào còn bị phong tỏa cho tới năm 1957 vì những con tàu bị Ai Cập đánh đắm. Vai trò của Mỹ và Liên Xô gia tăng tại Trung Cận Đông, thay thế vị trí trước đây của các cường quốc thực dân là Anh và Pháp. Eisenhower cam kết viện trợ tài chính và vật chất cho những nước quyết định chống lại mô hình xã hội XHCN. Mátxcơva ký kết một hiệp định với Nasser, trong đó cam kết viện trợ tài chính cho việc xây dựng đập nước Assuan. Với thỏa thuận này, Ai Cập đã trở thành đồng minh chính của Liên Xô trong thế giới Arập trong hơn 20 năm sau đó.
Đối với Anh và Pháp, hoạt động quân sự ở kênh đào Suez đã kết thúc với sự bẽ mặt về ngoại giao. Hai nước đau đớn nhận thấy rằng họ không còn là cường quốc thế giới nữa. Năm 1957, Anh đặt lực lượng vũ trang hạt nhân của họ dưới sự kiểm soát của Mỹ. Ngược lại, Pháp tăng cường thúc đẩy việc xây dựng một lực lượng vũ trang hạt nhân độc lập. Quyết định này được giải thích một mặt với nhận thức của Pháp sau năm 1945 là không muốn giới hạn lĩnh vực hoạt động chính trị của họ ở Tây Bán cầu nữa, mặt khác là tình huống khó khăn của quân đội sau khi phải rút khỏi Đông Dương hai năm trước đó và "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" tiếp tục kéo dài ở Angiêri, khiến họ cần cấp thiết có một thành công. Lực lượng vũ trang được rút khỏi Angiêri đã phải quay về, trước khi tới được kênh đào Suez để tham chiến. Thất bại ở Đông Dương và cuộc chiến ở Angiêri đã cho người Pháp thấy tinh thần kháng chiến mạnh mẽ của các nước "Thế giới thứ ba" chống lại các cường quốc thực dân, kết cục của hoạt động quân sự tại kênh đào Suez cho thấy vai trò của Pháp với tư cách là cường quốc thực dân đã đến hồi kết. Với tinh thần này, cuộc khủng hoảng Suez đã kết thúc thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ 19.
4 . Cuộc khủng hoảng Suez và mầm mống của EU
Vậy đâu là lý do để Pháp suy tính và dám thực hiện cuộc phiêu lưu ở kênh đào Suez? Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Guy Mollet đã tin tưởng chắc chắn rằng các cuộc nổi dậy ở Angiêri được Ai Cập trực tiếp điều khiển, vì vậy một chiến thắng trước Nasser sẽ kéo theo chiến thắng trước phong trào độc lập của Angiêri.
Hai cường quốc thực dân Anh và Pháp đã chuyển sang thế phòng ngự. Sau năm 1958, Charles de Gaulle nhờ theo đuổi với một chính sách đối ngoại hướng tới độc lập dân tộc “Từ Đại Tây Dương tới dãy Ural” tạo ra một khoảng cách với Mỹ mới thoát ra được tình trạng này.
Những ai muốn hiểu được lập trường chống Mỹ của nền đệ Ngũ Cộng hòa Pháp và biểu hiện lỏng lẻo của liên minh phương Tây trong những năm 1960 mà Pháp phải chịu trách nhiệm, sẽ phải tìm kiếm nguồn gốc của nó từ cuộc khủng hoảng kênh đào Suez.
Từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô luôn tìm cách củng cố khu vực ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, đứng trước tiềm năng vũ khí hạt nhân và nguy cơ đe dọa đối với Trái đất, tại Hội nghị thượng đỉnh và Hội nghị Ngoại trưởng Xô - Mỹ tháng 10 và 11 năm 1955 tại Geneva, mặc dù không đạt được thỏa thuận giải trừ quân bị, nhưng hai bên cam kết sẵn sàng hợp tác và được các nhà quan sát gọi là “Tinh thần Geneva” trên cơ sở cùng tồn tại hòa bình giữa các chế độ xã hội khác nhau.
Ý chí hướng tới hòa dịu này có thể giải thích cho lập trường của Mỹ khi gây sức ép với Pháp và Anh, thông qua việc bỏ phiếu ở LHQ cũng như những biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại để buộc hai nước này ngừng bắn. Việc gây áp lực của Mỹ đối với hai nước đồng minh đã nhận được sự ủng hộ của Liên Xô, nước đã gián tiếp đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu hai nước này không ngừng cuộc chiến chống Ai Cập. Trước bối cảnh như vậy, hai cường quốc thực dân châu Âu là Pháp và Anh không có sự lựa chọn nào khác là phải rút quân. Họ đã phải nhận ra rằng giới hạn trong trò chơi quyền lực giữa Đông và Tây đã trở nên eo hẹp như thế nào.
Trong khi chính phủ Pháp ngày 6/11/1956 thảo luận về tối hậu thư, thì Thủ tướng Đức Konrad Adenauer tới thăm Pari. Chuyến thăm đã được thỏa thuận từ tháng 9, nhưng đứng trước cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, nhiều người ở Bonn đã khuyên Thủ tướng Adenauer nên hoãn cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Pháp Guy Mollet. Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Thủ tướng nên hoãn chuyến đi và nên có lập trường trung lập để tránh đẩy các nước Arập vào vòng tay của CHDC Đức. Nhưng Adenauer đã tỏ ra xa lánh Mỹ và chỉ trích nước này thỏa thuận với Liên Xô về việc chia thế giới thành hai khu vực ảnh hưởng của mình. Adenauer đặt cược vào quân bài châu Âu và sử dụng cuộc khủng hoảng kênh đào Suez để cùng với Pháp tăng cường sự hội nhập châu Âu.
Dư luận Pháp đánh giá rất cao Thủ tướng Đức Adenauer vì ông đã thể hiện tình đoàn kết và vai trò đồng minh đối với chính phủ Pháp khi họ rơi vào thế phòng ngự về ngoại giao. Trong các cuộc hội đàm, Mollet và Adenauer đã tỏ ra cay đắng vì sự bất lực của châu Âu và cam kết thúc đẩy sự hợp nhất cộng đồng châu Âu khi đó mới có 6 thành viên. Thêm vào đó, việc phong tỏa kênh đào Suez và việc vận chuyển dầu mỏ tới châu Âu gặp khó khăn đã thúc đẩy các chính khách ở châu Âu khuyến khích việc phát triển những nguồn năng lượng mới. Những sáng kiến này đã dẫn tới việc ký kết thành lập Cộng đồng nguyên tử châu Âu (EURATOM) ngày 25/3/1957.
Còn ngoạn mục hơn nữa là sự thống nhất giữa Pháp, CHLB Đức và Italia sau lưng Anh và Mỹ về việc xây dựng một tiềm năng vũ khí hạt nhân châu Âu, được suy tính không chỉ là một phương tiện gây áp lực đối với Mỹ, mà đối với nhiều chính khách trong ba quốc gia này còn vì mục đích tự thân. Điều đó cũng ám chỉ ý muốn của Adenauer có được sự tham gia vào vũ khí hạt nhân. Còn rõ hơn nữa, khi Mollet và Adenauer nhất trí được với nhau về một lộ trình đi tới một thị trường chung châu Âu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng kênh đào Suez không chỉ có ý nghĩa là một chặng quan trọng trên con đường xích lại gần nhau giữa Đức và Pháp, mà còn là nỗ lực nhất thể hóa ở Tây Âu và dẫn tới việc ký Hiệp ước Rôma ngày 27/3/1957, một chặng đường quan trọng đi tới Liên minh châu Âu ngày nay.
------------
Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)


Source https://www.facebook.com/231556540241622/posts/4020495968014308/?d=n


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.