Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Người con ngỗ ngược của vua Gia Long và Ngọc Bình

 Trong số các “bóng hồng” của Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (1761 – 1819), vị vua khai sáng vương triều Nguyễn thì cuộc tình của ông với công chúa Ngọc Bình đã đi vào ca dao như một trong những câu chuyện được coi là hi hữu và độc đáo nhất. Họ có tất cả 4 người con (hai trai, hai gái), một người trong số đó là Nguyễn Phúc Quân nổi tiếng bởi sự ngỗ ngược, tính tình trái nghịch đến nỗi thầy học và cả hoàng đế cũng không kiềm chế được.

 Hoàng đế Gia Long và Đức phi Ngọc Bình (Tranh minh họa)



Một mối tình kỳ lạ

Nguyễn Phúc Quân có tước phong là Quảng Oai Công (có sách chép là Quảng Uy Công), ông là con trai trưởng của công chúa nhà Hậu Lê là Ngọc Bình với hoàng đế Gia Long nhưng xét theo thứ bậc các người con trai thì ông là Hoàng tử thứ mười trong tổng số 13 Hoàng tử của vị hoàng đế đầu tiên triều Nguyễn.

Chuyện tình duyên của cha mẹ Quảng Oai Công là một câu chuyện rất đặc biệt mà khởi đầu của nó có thể coi bắt đầu từ những diễn biến chính trị mạnh mẽ diễn ra từ năm Tân Dậu (1801).

Lúc đó thực lực của vương triều Tây Sơn đang trên đà suy yếu nhanh chóng, nhất là sau thất bại nặng nề trong trận thủy chiến tại cửa biển Thị Nại (nay thuộc tỉnh Bình Định) mà sau này sử sách nhà Nguyễn đánh giá là trận thủy chiến dữ dội nhất, trận thư hùng quyết định, đáng được gọi là “Võ công đệ nhất” trong thời trung hưng quyền lực của mình trên cõi phương Nam.

Tàn quân Tây Sơn theo tướng Võ Văn Dũng rút chạy từ Thị Nại về hợp với quân của tướng Trần Quang Diệu đang vây hãm thành Quy Nhơn.

Nhận thấy quân Tây Sơn tập chung quá đông tại Quy Nhơn, mà kinh thành Phú Xuân gần như bỏ trống việc phòng thủ nên chúa Nguyễn Phúc Ánh dùng nước cờ “thí xe bắt tướng” hay còn gọi là "Tượng kỳ khí xa" của Nguyễn Văn Thành.

Ông không đem quân giải cứu thành Quy Nhơn mà bất ngờ theo đường biển cho quân đánh úp chiếm được Phú Xuân cuối tháng 4 năm Tân Dậu (1801), vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản chống không nổi phải bỏ chạy ra Bắc, nhiều gia quyến không theo kịp bị kẹt lại, trong đó có người vợ trẻ Lê Thị Ngọc Bình và một số cung nữ.

Chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh tiếp tục cho quân truy đuổi cuối cùng bắt và đem xử chém vua quan triều Tây Sơn vào tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802), thế nhưng trước đó không lâu, vào tháng 5 ông đã chọn ngày đăng quang lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long.

Lại nói về công chúa Ngọc Bình, khi bị bắt mới 19 tuổi (tính theo tuổi ta),  Nguyễn Phúc Ánh thấy nàng là một người con gái trẻ đẹp cực kỳ diễm lệ, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha nên rất ưng ý mới quyết định lấy làm vợ.

Mặc cho các cận thần đứng đầu là Lê Văn Duyệt kịch liệt phản đối vì cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc”, thế nhưng rung động trước người đẹp, vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông trả lời bề tôi của mình rằng: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”.

Trong sách “Quốc sử di biên” của một cận thần triều Nguyễn là Phan Thúc Trực có đoạn chép về hoàn cảnh công chúa Ngọc Bình trở thành vợ Gia Long như sau:

“Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) loan giá đức Thế tổ (tức vua Gia Long- TG) đến kinh thành Thăng Long... nhân dân hào mục bắt được anh em "nguỵ quyền" Nguyễn Quang Toản và đem dâng lên nhà vua... Nguyên trước đó, Nguyễn Quang Thiệu và Nguyễn Quang Toản chạy về phủ Lạng Giang.

Lúc đi đến làng Phương Lan thì kẻ tuỳ tòng của Toản chỉ còn hơn trăm người mà thôi. Chánh tổng Yên Mẫu là Võ Thám và bọn Trần Huy Giao ở đất Kinh Than đốc suất các hào mục thuộc huyện Yên Lãng và huyện Lục Ngạn đến bao vây anh em Nguyễn Quang Toản, mãi về sau bọn Tổng Thám mới bắt được Quang Toản và Quang Thiệu đem dâng... Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua”.

Lê Thị Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được Gia Long sắc phong làm Đệ tam cung Đức Phi, đứng thứ ba sau hai bà Thừa Thiên cao Hoàng hậu họ Tống (mẹ hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu họ Trần (mẹ hoàng tử Đảm, sau là vua Minh Mạng).

Có lẽ vì bị cưỡng ép hôn nhân nên tâm trạng khó có thể vui vẻ được vì thế trong dân gian còn lưu truyền câu ca như nói lên tâm sự ở tình cảnh éo le của công chúa Ngọc Bình như sau:

"Mất chồng rồi lại lấy chồng,
Mặt nào còn sống ở trong cõi đời?”

Ðệ Tam cung Lê Thị Ngọc Bình sinh năm Qúy Mão (1783) là con gái thứ 29 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều.

Năm Ất Mão (1795), người chị cùng cha khác mẹ của bà là công chúa Ngọc Hân làm mối em gái của mình cho Nguyễn Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh, con trưởng của vua Quang Trung), năm đó Ngọc Bình mới 12 tuổi.

Trở thành vợ vua Tây Sơn, Ngọc Bình được phong làm Chính cung hoàng hậu, ở trong cung 6 năm trời nhưng chưa sinh con cho đến khi bị ép trở thành vợ vua Gia Long. Chính bởi số phận đặc biệt của công chúa Ngọc Bình mà dân gian từ đó đến nay vẫn lưu truyền câu ca:

“Số đâu có số lạ lùng!,
Con vua mà lấy hai chồng làm vua”

Trong thời gian sống với người chồng thứ hai là hoàng đế Gia Long, bà Ngọc Bình đã sinh hạ được bốn người con là An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn (1803), Mỹ Khê công chúa Ngọc Khuê (1807), hoàng tử là Nguyễn Phúc Quân (1809) và hoàng tử Nguyễn Phúc Cự (1810).

Theo sách “Nguyễn Phúc tộc thế phả” thì Đệ Tam cung Lê Thị Ngọc Bình qua đời ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ (1810) sau khi sinh hoàng tử Phúc Cự, năm ấy bà mới 27 tuổi.

Chuyện về một ông hoàng ngang ngược

Hoàng đế Gia Long có tổng cộng 13 Hoàng tử và 18 công chúa, hoàng tử Nguyễn Phúc Quân là con trai thứ 10, có tên khác là Nguyễn Phúc Chuân, sinh ngày 20 tháng 5 năm Kỷ Tị (1809). Trong số những người con mà do Đệ tam cung Đức phi Lê Thị Ngọc Bình sinh ra, ông là yểu mệnh nhất nhưng lại là người lắm tai tiếng nhất.

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì “Quảng Oai Công tên là Quân, con thứ mười của Thế Tổ, mẹ là Đức Phi họ Lê.

Năm Gia Long thứ 16 (1817) được phong là Quảng Oai Công... Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) là năm Kỷ Sửu mùa hạ, ông bị bệnh đậu chết, mới 21 tuổi...., tên thụy là Công Trực…Ông không có con thừa tự”.

Cũng theo ghi chép trong “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì so với các chị em ruột của mình, Quảng Oai Công là người phận bạc. Người chị lớn của ông là An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn, con gái thứ 10 của vua Gia Long vào “năm Minh Mạng thứ 4 (1823), gả cho Lê Văn Yên là con cả Lê Văn Phong làm con thừa tự Lê Văn Duyệt… Năm Tự Đức thứ 7 (1854), phong là An Nghĩa thái thái trưởng công chúa.

Năm Tự Đức thứ 9 (1856), công chúa mất thọ 53 tưổi, tên thụy là Trinh Lệ, có 3 con trai”. Mỹ Khê công chúa, người chị thứ hai của Quảng Oai Công là “con gái thứ 12 của Thế Tổ,… Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), gả cho vệ úy Nguyễn Văn Thiện là con thứ của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân. Năm Minh Mạng thứ 9 (1827), công chúa mất, thọ 21 tuổi, tên thụy là Trinh Ý…, có một con trai”.

Còn người em trai là hoàng tử Nguyễn Phúc Cự, “con thứ 11 của Thế Tổ... Năm Gia Long thứ 16 (1817) được phong là Thường Tín Công. Buổi đầu năm Minh Mạng, coi việc thờ tự Long Thành thái trưởng công chúa. Năm Tự Đức thứ hai (1849) mùa hạ ông mất, thọ 40 tuổi, tên thụy là Ôn Tĩnh. Ông có 7 con trai, 11 con gái”.

Cuộc đời của Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân tuy ngắn ngủi nhưng ông đã gây ra không ít chuyện khiến bao người phải phiền lòng, tức giận. Sinh thời, Quảng Oai Công là người ngổ ngáo, xấc xược và rất lười biếng học hành.

Biết rõ con mình thuộc hàng khó dạy, vua Gia Long bèn sai vị quan nổi tiếng nghiêm khắc là Ngô Đình Giới đến làm Giáo đạo để lo việc chỉ bảo, giảng kinh sách, rèn luyện đức hạnh cho con mình.

Theo ghi chép của thư tịch thời Nguyễn, Ngô Đình Giới người ở huyện Phong Đăng (thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay), trước vốn là bề tôi triều Tây Sơn làm quan tới chức Đồng nghị, năm Tân Dậu (1801) ông theo về với chúa Nguyễn, năm Canh Thìn (1820) làm quan tới chức Cần chánh điện đại học sĩ, Hữu Tham tri bộ Hình, vua Minh Mạng rất kính trọng thường gọi là Ngô tiên sinh, khi ông mất vào năm Đinh Hợi (1827), được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.

Một con người có tiếng tăm như vậy, thế mà theo các sách “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam chính biên liệt truyện” cuối cùng cũng không thể nào dạy bảo được vị hoàng tử Nguyễn Phúc Quân, ngược lại còn bị cậu học trò đó phỉ báng. Sử sách triều Nguyễn lược thuật về chuyện này như sau:

“Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân lúc nhỏ ham chơi, tính xấc xược và kiêu ngạo. Quan Giáo đạo là Ngô Đình Giới dạy bảo thường có phần nghiêm ngặt, bởi vậy, ông ghét lắm.

Một hôm, ông nảy ra một kế làm nhục thầy giáo bèn sai đầy tớ trong nhà đi bắt một con hà mô trói lại đem treo dưới gốc cây ở giữa sân. Chờ lúc Giáo đạo Ngô Đình Giới đi ngang qua, Quảng Oai Công vừa lấy roi đánh con hà mô vừa mắng rằng:

- Mày chớ có khinh ta! Mày biết ta là ai không? Đừng chọc giận ta mà có ngày chết nghe chưa!.

Con hà mô còn gọi là con giải, tức là loài ếch nhái; trong tiếng Hán thì ếch có âm gọi là giới, giống như tên của Giáo đạo Ngô Đình Giới. Biết học trò mượn chuyện đánh mắng con giải để tỏ ý phỉ báng, đe dọa mình,  Ngô Đình Giới bèn tâu với vua xin thôi không dạy Quảng Oai Công nữa.

Tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mất, con trai thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Nhà vua thấy em mình ngổ ngáo quá, liền sai các quan là Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Đăng Sĩ tới để lo việc dạy dỗ, vua Minh Mạng còn ban cho Trần Đại Nghĩa một cái roi và dụ rằng:

- Em nhỏ của trẫm, sinh trưởng trong chốn thâm cung, không dạy không thể nên người được. Ngươi nên hôm sớm cẩn trọng dạy bảo, hễ thấy có lỗi thì cho phép đánh, chớ nên để thói kiêu căng và lười biếng lâu ngày thành nết quen.

Được sự ủy thác của hoàng đế nhưng các vị quan này sau một thời gian cũng bất lực, bó tay trước các trò phá quấy của Quảng Oai Công. Vua Minh Mạng lại cử Nguyễn Công Vị làm Giảng quan công phủ, nhưng được mấy hôm thì ông tâu với vua rằng:

- Quảng Oai Công chỉ thích chơi đùa chứ không chịu học, thần sợ mình thần không thể làm cho nên được.

Vua mới hỏi rằng:

- Thế quan trưởng sử Nguyễn Khoa Đạo không ở đó cùng dạy à?

Nguyễn Công Vị đáp:

- Trưởng sử đối với hoàng đệ thấy thì lạy, gọi thì dạ, thế thì Quảng Oai Công còn sợ gì nữa.

Minh Mạng nói rằng:

- Về phận trên dưới thì như vậy, nhưng còn sự giúp đỡ, khuyên bảo thì các ngươi không thể làm hết chức trách của mình sao?

Nguyễn Công Vị cúi đầu xin chịu tội. Vua Minh Mạng không xử phạt ông nhưng vua cũng biết khó có thể làm em mình thay đổi được. Từ đó không ai dám đến dạy Quảng Oai Công, được rảnh rang tự do, ông tha hồ chơi bời săn bắn, đá gà, chọi chim lại còn sai bọn thủ hạ đi lùng sục trong dân gian, thấy nhà nào có chó săn tốt thì bắt đem về.

Người có chó săn, gà chọi tốt mà không chịu nộp thì bị đánh đập; dân chúng ca thán khắp nơi. Thế rồi chuyện cũng đến tai Minh Mạng, nhà vua vừa giận vừa đau buồn hết sức, Quảng Oai Công bị quở mắng và phạt lương bổng rất nặng.

Những người có liên quan cũng bị xử nghiêm, quan Trưởng sử và cai đội bị đánh roi vì không chu toàn trách nhiệm; thuộc hạ và người hầu của Quảng Oai Công, tùy theo mức độ đưa đường dẫn lối cho chủ làm bậy hay theo lệnh mà cưỡng bách dân chúng, kẻ thì bị đánh trăm trượng, kẻ phải sung làm lính trong quân Tam trực (Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam).

Năm Qúy Mùi (1823), vua Minh Mạng chọn lựa 20 chữ Hán để làm thành một bài thơ gọi là “Đế hệ thi” hay còn gọi là “Ngự chế mạng danh thi”, mỗi chữ sẽ được làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ vua nối tiếp, tính từ đời ông trở về sau.

Như vậy chữ lót của mỗi đời dùng một chữ trong bài thơ, nhưng tên ở mỗi đời thì phải dùng một bộ trong ngũ hành theo thứ tự: thổ, kim, thủy, mộc, hỏa và trở lại, vì thế tên của tất cả đời thứ nhất dùng bộ thổ.

Vua Minh Mạng còn làm 10 bài “Phiên hệ thi” cũng để quy định các chữ lót đặt tên cho con cháu của 10 anh em trai mình. Bài “Phiên hệ thi” dành cho Quảng Oai Công gọi là “Quảng Oai hệ” gồm có các chữ sau:

Phụng Phù Trưng Khải Quảng
Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ
Điển Học Kỳ Gia Chí
Đôn Di Khắc Tự Trì.

Tới mùa hạ năm Minh Mạng thứ 10 (Kỉ Sửu, 1829), Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân chẳng may bị bệnh đậu mà mất, kết thúc cuộc đời ngỗ ngược của mình ở tuổi 21. Vì chết trẻ, lại chưa có con nên bài “Phiên hệ thi” mà người anh hoàng đế dành cho con cháu của ông không bao giờ được dùng đến.

Mặc dù là người có nhiều nhược điểm nhưng một số tài liệu cho biết Quảng Oai Công cơ bản là người bản tính “pha trộn” giữa cái xấu và cái tốt; còn vua Minh Mạng tuy nghiêm khắc với em nhưng không hề ghét bỏ mà rất thương mến.

Sách “Quốc sử di biên” của Phan Thúc Trực ghi chép những vấn đề mà các sách sử chính thống của nhà Nguyễn như “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam thực lục”… bỏ sót không chép, ghi chép không đầy đủ có đề cập đến việc này trong đoạn viết về Quảng Oai Công như sau:

“Năm ấy, tháng 4, ngày 22, Hoàng đệ Quảng Oai Công chết. Công do đệ tam cung Lê Ngọc Bình sinh ra, là người hào phóng, yêu người, hay bố thí, nếu ai làm thất ý thì cầm roi sắt đánh hoặc xẻo tai, hoặc chặt ngón tay.

Mỗi khi thấy những kẻ võ biền bàn tán, phân biệt nhân phẩm người Đàng Trong, Đàng Ngoài, Công liền mắng rằng: “Lũ mày không biết người Đàng Ngoài tức là ông cha người Đàng Trong à?”

Công có sức khỏe, thích võ, tay không dám đánh mãnh hổ, thường nuôi con trâu “như ý”, cho phục sức như voi, lại đem trâu trắng vẽ màu xanh đỏ, cho đánh nhau với voi để mua vui. Công dùng một kẻ gia đồng làm ghế ngồi, làm gối dựa, làm bàn để ngồi khiến cho tên gia đồng ấy bị liệt không thể đứng lên được.

Những chó săn, gà chọi con nào chết thì lấy gấm lụa khâm niệm mà chôn. Lương một năm được 4000 quan tiền, chi dùng có thừa thì gửi vào kho Nhà nước. Vua thường răn chớ có kiêu xa, Công khóc mà nói rằng: “Cha mẹ mất cả, không còn lấy gì làm vui cho nên phải như thế!”. Vua bèn không nói về điều đó nữa.

Năm ấy, 21 tuổi mới lên đậu mùa, vua sai đặt giường màu vàng và cho những người hầu đều dùng đồ màu đỏ, màu tía. Y viện dâng thuốc bao giờ cũng tâu cho vua coi biết.

Vua thường khuyên giải để cho vui, hỏi Công muốn gì, Công nói muốn chóng khỏi bệnh đậu để càng được phá gia sản thôi; vua cười to cho Công thích chí. Sau đó, bệnh đậu không chữa được, Công chết.

Vợ và nàng hầu hơn 30 người, chưa có con. Vua rất thương, phát của kho 40.000 quan tiền làm lễ mai táng. Gia sản giao cho em ruột là Thường Tín Công, 18 tuổi coi giữ”.


Source: Người con ngỗ ngược của vua Gia Long và Ngọc Bình (xaluan.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.