Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Lịch Sử Trường Y Khoa Hà Nội

  

Một trường Y khi đó, dù mới sơ khai, cũng vẫn là đại diện duy nhất cho nền giáo dục đại học và cao đẳng của phương Tây ở Đông Dương. Nhưng tại sao lại là Y mà không phải các trường khác, có lẽ chính vì Y là ngành tân học dễ được chấp nhận nhất vì nhân đạo nhất. Sau này, khi đã bãi bỏ nho học, trường Y sẽ là con đường tiến thân của thanh niên, vẫn thoả mãn được mộng làm quan của nhiều người và vẫn đạt được những bằng cấp danh giá tương đương như cử nhân, tiến sĩ của chế độ trước. Theo ý nghĩa đó, trường Y sẽ là kế tục xứng đáng của Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất nước ta.

Cuối cùng, Hà Nội được chọn làm địa điểm thành lập trường vì trước hết, Hà Nội là đất thánh của giới sĩ phu Việt Nam, là cái nôi của nền giáo dục Hán học và tiêu biểu nhất cho cái xứ Đông Dương thuộc Pháp. Biên bản phiên họp thường kỳ năm 1898 của Hội đồng Tư vấn Tối cao Đông Dương (do Doumer thành lập) còn nói: "Bắc Kỳ không chỉ cho phép nghiên cứu các bệnh của vùng nhiệt đới Viễn Đông mà còn cả các bệnh riêng cho mùa lạnh. Hơn nữa, Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa là nơi mà ảnh hưởng của nền Y học chúng ta đang ngày càng tăng cường. Đó là sự xâm nhập hữu hiệu nhất và cũng vinh dự nhất (nhấn mạnh của Henri Galliard, trong bài Yersin và việc thành lập trường Y Hà Nội - (Henri Galliard: Yersin và việc thành lập trường Y Hà Nội - Kỷ yếu trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương, Hà Nội.- Tập 9.- 1944, tr 1).

Người ta lo đi tìm một hiệu trưởng cho trường Y tương lai. Những tài liệu lưu trữ cho thấy có nhiều người được giới thiệu. Brouardel, hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Paris đề nghị năm người, trên hết là hai cựu nội trú đã qua thi tuyển sang Đông Dương là Degorce và Le Roy des Barres nhưng bộ trưởng bộ Thuộc địa Decrais phản đối: hiệu trưởng phải không được quá trẻ mà phải là người có đủ uy tín để đảm đương được nhiệm vụ. Do đó, toàn quyền Doumer đã chọn nhà khoa học gốc Thụy Sĩ 39 tuổi, học trò của Louis Pasteur, là Alexandre Yersin, khi đó đang làm giám đốc viện Pasteur Nha Trang. Alexandre Yersin là người đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch trong một đại dịch tại Hồng Kông năm 1894. (Chú thích) Những sách giáo khoa cơ bản của Nho học, gồm: Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học (Tứ Thư), Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu (Ngũ Kinh)

 

Yersin cùng một người Việt Nam giúp việc sang Hồng Công lúc đang có đại dịch. Ông vấp ngay phải đối thủ cạnh tranh quyết liệt là nhà khoa học Nhật Bản Kitasato, học trò của Robert Koch (người tìm ra vi khuẩn lao). Với khả năng kinh tế rồi rào, Kitasato đã "mua" tất cả các nhà xác ở các bệnh viện Hồng Công nên Yersin và người giúp việc chỉ còn cách mật phục tại nghĩa địa trong một ngôi nhà tranh để nghiên cứu trên tử thi. Khác với nhà khoa học Nhật Bản chỉ quan tâm tìm vi khuẩn trong máu, Yersin tập trung vào chọc dò hạch và đã thành công. Thoạt tiên, vi khuẩn được Yersin đặt tên Pasteurella pestis để ghi nhớ công ơn thầy học nhưng hậu thế đã trả lại vinh dự cho ông khi đổi tên vi khuẩn dịch hạch thành Yersinia pestis.
Ông xây dựng Viện Vi trùng học Nha Trang năm 1895 và khi làm Hiệu trưởng trường Y Hà Nội năm 1902, ông nắm quyền lãnh đạo cả Viện Pasteur Sài Gòn do bác sĩ Calmette sáng lập năm 1891.

Trong ý kiến gửi lên toàn quyền Đông Dương, Yersin đã xác định rõ mục đích và yêu cầu của nhà trường: trường Y Đông Dương phải là nơi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học, tiến tới trở thành một trung tâm khoa học có tầm cỡ tại Bắc Kỳ. Do đó, Yersin yêu cầu phải xác nhận giá trị công ích của trường, hiệu trưởng phải do Tổng Thống Cộng Hoà Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của hiệu trưởng trường đại học Y khoa hoặc Giám đốc Viện Pasteur Paris và các giáo sư do tổng thống Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của hiệu trưởng trường Y Hà Nội. Nếu được như vậy thì trường Y Hà Nội sẽ có qui chế tương đương như các trường đại học y khoa ở chính quốc

Kỳ thi tuyển đầu tiên vào trường Y khoa Hà Nội có 121 thí sinh Bắc Kỳ. Ngày đó, tiêu chuẩn cao nhất là biết ít nhiều tiếng Pháp. Hệ thống giáo dục phổ thông chưa được tổ chức (mãi năm 1907 mới thành lập trường Trung học Bảo Hộ, tức trường Bưởi). Theo kết quả công bố ngày 1.2.1902, có 15 người trúng tuyển, trong đó có 7 thí sinh người Hà Nội, tất cả đều đạt loại Xuất sắc (très bien), gồm các vị 7:

STT

HỌ VÀ TÊN

TUỔI

ĐỊA CHỈ

1.

Nguyễn Văn Thanh

16 tuổi

Số 10 phố Hàng Tre

2.

Tạ Văn Việt

16 tuổi

Số 109 phố Mã Mây

3.

Nhữ Trọng Tân

19 tuổi

Số 6 phố Hàng Ngang

4.

Trần Đình Huy

15 tuổi

Số 41 phố Hàng Bạc

5.

Phạm Đình Minh

15 tuổi

Số 100 phố Hàng Gai

6.

Nguyễn Văn Giụ

18 tuổi

Số 45 phố Hàng Vôi

7.

Phạm Văn Nam

20 tuổi

Số 16 phố Hàng Chiếu

Danh sách được học bổng đăng trong Công báo Đông Dương ngày 3 - 4 - 1902 gồm 27 người, riêng Hà Nội có 5 người, hơi khác với danh sách trúng tuyển ở trên (nguyên bản không có dấu và các tên đều có gạch nối)

Xứ Bắc Kỳ:

 

Hà Nội

Ta-van-Viet, Nhu-trong-Tam, Tran-dinh-Huy, Pham-dinh-Minh, Pham-van-Phan

Tỉnh Bắc Ninh

Pham-dinh-Vi

Tỉnh Hải Dương

Nguyen-van-Ban, Le-quang-Linh

Tỉnh Hưng Hoá

Nguyen-huu-Phuc

Tỉnh Nam Định

Hoang-van-Phong, Bui-van-Qui, Tran-van-Chuc, Do-van-Tân

Tỉnh Ninh Bình

Cao-dinh-Tu

Tỉnh Sơn Tây

Le-nhu-Hang

Xứ Trung Kỳ:

Ung-Phong, Le-Canh, Vo-dai-Thuc, Van-dinh-Gian

Xứ Nam Kỳ:

Lương-van-Thieu, Nguyen-van-Ba, Vo-van-Huu, Nguyen-van-Danh, Pham-van-Chu, Nguyen-van-Tiep, Nguyen-van-Sanh, Nguyen-van-Trong

Xứ Cao Miên:

Pendinand Amphon

Cộng 28 vị (?)

 

 

 

Năm học đầu tiên cách đây đúng 100 năm có 15 học sinh Bắc Kỳ, 5 học sinh Trung Kỳ, 8 học sinh Nam Kỳ và 1 học sinh Cao Miên (nhưng không thấy trong danh sách học bổng), tất cả 29 người 8 được họcbổng với mức 8 đồng một tháng (có lẽ để bảo đảm tính chất "Đông Dương" nên riêng Bắc Kỳ có số thí sinh đông nhất mới phải thi tuyển, còn học sinh các xứ khác do chính quyền địa phương cử tuyển trong số người biết tiếng Pháp). Không có căn cứ cụ thể để tính giá trị của học bổng này, nhưng dựa vào luận án của Giáo sư Đinh Văn Thắng năm 1940 có thể biết được đại khái: giá cả năm 1938 là 1 hào một chục bìa đậu phụ hoặc một lít nước mắm loại ngon. Theo Nguyễn Ngọc Lanh (do các cụ kể lại) thì 6 đồng bạc năm 1902 mua được 1.000 quả trứng hoặc 3 - 4 tạ gạo. Lương Tri huyện vào thời này cũng chỉ khoảng 25 đồng (theo Đặng Hữu Thụ: Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện triều Nguyễn, sách tự xuất bản.- Paris 1992). Ngân sách dành cho thư viện và sách giáo khoa là 2000 đồng trong năm đầu tiên.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng toà nhà chính của trường (tức lễ thành lập) được tiến hành vào ngày 27 tháng Hai 1902 tại ấp Thái Hà (Nam Đồng), cách xa trung tâm Hà Nội, ngay hôm trước ngày khánh thành cầu Paul Doumer (tức cầu Long Biên). Chắc không phải ngẫu nhiên mà hai "dấu ấn văn hoá" này của toàn quyền Paul Doumer được trình làng vào cùng một dịp.

Trường khai giảng ngày 1 tháng Ba 1902. Thời gian học cho tới kỳ nghỉ hè 1902 thật ra là để hoàn thành chương trình dự bị trước khi khai giảng chính thức năm học vào tháng Mười. Các môn học gồm có:
- Giải phẫu và sinh lý học đại cương
- Động vật học, Thực vật học, Hoá học và Vật lý học đại cương
- Số học và Hình học
- Tiếng Pháp, Lịch sử và Địa lý đại cương.

Trong thời gian này, hiệu trưởng yêu cầu hai bác sỹ Le Roy des Barres và Degorce hoàn thành luận án tốt nghiệp tại Paris (hai bác sĩ này đã phải qua một kỳ thi tuyển sang Đông Dương). Khung cán bộ trong năm đầu tiên gồm 8 vị:
Yersin, hiệu trưởng
Degorce và Le Roy des Barres: giảng dạy lâm sàng
Bertin Capus, bác sĩ trưởng hạng nhất: giảng dạy giải phẫu
Jacquet, giám đốc sở Nông Nghiệp: giảng dạy thực vật học
Duveigne, dược sĩ trưởng: giảng dạy Hoá học
Gallois, thư ký: giảng dạy Lịch sử, Địa lý, Toán học, Hoá học và Vật lý học cơ bản
Lê Văn Chinh, phụ giảng và phiên dịch (thầy Chinh, năm 1905, được sang Pháp thi bác sĩ y khoa)

Như vậy có tới 6 vị có học vị bác sĩ (theo cách gọi thời đó, thực chất là tiến sĩ) và 1 vị có học vị cử nhân để giảng dạy 29 học sinh mới chỉ võ vẽ tiếng Pháp và chút ít kiến thức về toán pháp và cách trí (tên gọi các môn khoa học thường thức ngày ấy). Không kể học sinh Nam Kỳ, học sinh Bắc Kỳ chắc còn phải giỏi Hán văn vì những năm đó, nhiều người trong số họ có thể đang chuẩn bị thi Hương thì bỏ sang cầm bút sắt. Ngoài ra để đi thi Hương những khoá cuối cùng, họ cũng sẽ phải thi môn toán pháp và cách trí. Nếu đây là một lớp nho sinh thì chắc không bao giờ có một số đông đến thế các vị khoa bảng cùng giảng dạy trong một khoá học.

Chương trình ba năm học được qui định như sau:

Năm thứ Nhất:

Năm thứ Hai:

Năm thứ Ba:

Giải phẫu lý thuyết

Giải phẫu lý thuyết

Giải phẫu định khu

Mô học

Lâm sàng ngoại khoa

Bệnh ngoài da và hoa liễu

Phẫu tíchPhẫu tích

Phẫu thuật

Lâm sàng ngoại khoa

Lâm sàng ngoại khoa

Lâm sàng nội khoa

Điều trị học

Sinh lý họcHoá học

Vi trùng học

Lâm sàng nhãn khoa

Lâm sàng nội khoa

Bệnh học đại cương

Phẫu thuật

Động vật học, lý thuyết và thực hành

Bệnh học nội khoa

Pháp Y

Thực vật học

Bệnh học ngoại khoa

Phôi thai học

Vật lý học, hoá học, lý thuyết và thực hành

Vật lý học

Vệ sinh

Tiếng Pháp, Địa lý, Lịch sử

Địa chất học

Lâm sàng nhãn khoa

 

Giải phẫu bệnh học

Lâm sàng nha khoa

 

Thiên văn học

Lâm sàng sản khoa

 

Dược lý học

Lâm sàng nội khoa

 

Khí tượng học

 

Môn Giải phẫu được giảng dạy trong cả 3 năm học, dù nay chưa biết nội dung hay dung lượng nhưng phải học suốt 3 năm là khá nặng, đã có thể thấy là học sinh được đào tạo rất cơ bản và không thể coi đây là một chương trình trung cấp. Những môn cơ bản khác, như địa chất, thiên văn và khí tượng thì học sinh tốt nghiệp phổ thông của ta bây giờ cũng không biết nhưng lại cần cho hành nghề y, vì liên quan tới những kiến thức về khí hậu, thời tiết và lịch pháp (thuật tính lịch). Tóm lại là kiến thức của học sinh y khoa khoá đầu được chuẩn bị khá toàn diện Thực hành rất được chú ý.

Học sinh ngay từ năm thứ nhất đã đi thực tập tất cả các buổi sáng, từ 7 đến 9 giờ, tại bệnh viện thực hành của nhà trường (được xây dựng cách trường 200 mét, thời gian đầu có 5 phòng, 40 giường, 4 y tá nam, 2 y tá nữ và 6 y công), buổi chiều lên lớp lý thuyết. Chiều thứ Năm hàng tuần có kiểm tra viết, thứ Bảy có thêm kiểm tra vấn đáp.

Đã có nhiều ý kiến trong giới cầm quyền thực dân phản đối chương trình học của trường, cho rằng các môn cơ bản (lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn, khí tượng) chỉ là kiến thức chết, làm học sinh không tập trung được cho các môn y học. Câu trả lời của Yersin mang tính nhân văn sâu sắc: "Đó chỉ là chương trình tạm thời, có thể thay đổi khi chúng ta có thêm kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng dạy học sinh một số kiến thức về phương Tây là cần thiết vì y học hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây. Giả sử ngược lại, y học hiện đại có nguồn gốc từ Trung Hoa thì chúng ta sẽ phải dạy cho sinh viên châu Âu các kiến thức về Trung Hoa... Quả thật là các thầy thuốc do nhà trường đào tạo sẽ chỉ hành nghề chủ yếu ở đất nước họ, nhưng đó không phải lý do để chỉ dạy họ những môn thuần túy y học, nghĩa là chỉ muốn họ trở thành các thầy thuốc tồi" (Yersin: Thư gửi toàn quyền Đông Dương ngày 20.8.1902).

Rõ ràng chương trình học nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết và thực hành cần thiết cho học sinh trong điều kiện hệ thống giáo dục phổ thông chưa hình thành. Kết quả các kỳ thi kiểm tra tháng Sáu rất tốt, 15 học sinh đạt điểm trung bình 6/10, chứng tỏ họ có khả năng tiếp thu những môn học mới mẻ và đa dạng của chương trình

 

Có lẽ các bạn trẻ sẽ ngạc nhiên khi chỉ có 15/29 người đạt trên trung bình mà đã khen là kết quả "rất tốt". Ngày trước, các kỳ thi lên lớp rất khó khăn, thường chỉ nửa số sinh viên Y1 học chính qui lên được Y2 và lại một nửa số đó sẽ lên Y3, nên khoá đầu, trong điều kiện trình độ phổ thông còn hạn chế mà đạt được tỷ lệ lên lớp gần 50% đã là kết quả tốt.
Kết quả các kỳ thi Tú tài phần 1 sau này cũng ngặt nghèo: thường chỉ đ
ạt tối đa 30 - 35% qua cả hai lần thi đầu và cuối hè, tú tài phần 2 được khoảng 40%, nghĩa là cuối cùng, chỉ còn 14-15% học sinh mỗi khoá tốt nghiệp phổ ông.

Bệnh viện thực hành, mới đến ngày 25 tháng Hai, chỉ 5 ngày trước khi khai trường, đã nhận 21 bệnh nhân nội trú. Trong 4 tháng đầu đã nhận điều trị 546 bệnh nhân nội trú và khám bệnh, phát thuốc cho 250 bệnh nhân ngoại trú. Số bệnh nhân có thể nhiều hơn nữa nếu bệnh viện có thêm ngân sách và giường bệnh.

Nghị định ngày 28.7.1902 bổ sung đầy đủ hơn về các qui chế học tập, chương trình và thời gian các học kỳ (nghỉ Tết trong suốt tháng 2 và nghỉ hè từ 16 tháng 6 đến 15 tháng 9). Sau khi tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng y sĩ và có thể dự thi để được làm nội trú bệnh viện hoặc phụ giảng (répétiteur) của trường trong 2 năm. Như vậy, chế độ thi nội trú đã được đặt ra ngay từ đầu, theo khuôn mẫu các trường đại học Y bên Pháp (vì vậy có lẽ mà khoá đầu ra trường mất những 5 năm, sau hai năm làm nội trú)

Địa điểm ấp Thái Hà không thuận tiện cho việc đặt trường. Khu vực này cách trung tâm thành phố tới 5 kilômét (hồi ấy chủ yếu đi bộ), nên ít bệnh nhân; nhiều ao hồ nên bệnh sốt ráe còn hoành hành (chỉ vài tháng sau khi khai giảng, hầu hết học sinh cũng như nhân viên người Âu đã bị sốt rét). Được ít lâu, có thể là vào cuối năm 1902, trường phải dọn về một ngôi nhà ở phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay) còn bệnh viện thực hành thì về đầu phố Armand Rousseau (phố Lò Đúc), có hai căn nhà bằng gỗ lợp lá gồi.

Theo đề nghị của học sinh, hiệu trưởng ký quyết định cho phép họ được đeo thẻ bài có khắc dòng chữ Hán "Học sinh Y khoa Đông Dương". Đây là một vinh dự rất lớn vì ngày đó, chỉ các quan Nam Triều mới được đeo thẻ bài. Đeo thẻ bài thì phải mặc Nam phục (áo dài may bằng the, đoạn, hoặc gấm, khăn xếp, dép da) để đeo vào khuy áo bên phải ngực. Mới vào học trường Y mà đã ra dáng một vị đường quan rồi. Hiệu trưởng tỏ ra rất hiểu và thông cảm với tâm lý học sinh nên mới có quyết định này. Có lẽ điều đó cũng phản ánh quan niệm của hiệu trưởng: trường sẽ đào tạo ra các trí thức cao cấp cho xã hội, không phải chỉ đơn giản là những anh y sĩ phụ việc như trong quyết định thành lập.

Cuối năm 1902, Paul Doumer mãn nhiệm, rời Đông Dương về Pháp, Yersin trở nên đơn độc trước các ý kiến chỉ trích chương trình học của nhà trường. Paul Beau sang thay đã ban hành các nghị định qui định chi tiết chức năng và nhiệm vụ của trường Y Hà Nội: đổi tên trường thành trường Y khoa Đông Dương trực thuộc Toàn quyền Đông Dương, kéo dài chương trình học thành 4 năm và học sinh ra trường được cấp bằng y sĩ. Những học sinh đã tốt nghiệp trường Y Chợ Quán và các trường tương đương khác có thể vào học thẳng năm thứ Ba. Mở thêm khoa Nữ Hộ sinh và khoa Thú Y. Cho phép những người đang hành nghề đông dược được dự thính các giờ giảng.

Các nghị định không nói tới nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, có nghĩa là đã hạ thấp vai trò của trường Y Đông Dương thành một trường trung cấp. Lớp dự bị vẫn được mở, chỉ học sinh nào thi tốt nghiệp dự bị đạt yêu cầu mới có thể vào trường Y.

Với cách tổ chức mới của trường Y Đông Dương trong tầm nhìn thiển cận của giới cầm quyền, Yersin kết luận "Họ (những học sinh y khoa) đã bị kết án mà không qua xét xử". Vào thời kỳ đầu, nếu chưa có học sinh có trình độ phổ thông theo yêu cầu thì trường Y cố tạo ra trình độ đó cho học sinh trong khi chờ đợi, đó là lý do mở các lớp dự bị trước khi bước vào chương trình chính thức. Trong tư tưởng của ông, trường Y Đông Dương luôn là và thực chất là một trường Đại học đang phát triển. Ngày 9.7.1904, ông rời ngôi nhà số 44 đường Félix Faure Hà Nội (nay là đường Trần Phú) ra đi mãi mãi. Viện Pasteur Nha Trang và nhiều công việc khác đang chờ ông (ông là người phát hiện ra cao nguyên Đà lạt năm 1893, là người đưa giống cao su và cọ dầu sang trồng ở miền nam Việt Nam từ năm 1897). Ông đã cống hiến 39 năm còn lại của cuộc đời cho mảnh đất Nha Trang mà ông yêu quí và đã vĩnh viễn an nghỉ tại Suối Dầu, Nha Trang, trong lòng nhân dân, năm 1943. Dù trước kia Pasteur đã nhận định về ông: "Đây sẽ là một nhân tài đem lại vinh quang cho nước Pháp" nhưng ông không thể ở lại Paris với tất cả những điều kiện thuận lợi sẵn có. Ông là nhà khai phá, sẵn sàng dấn thân vào những công cuộc tìm kiếm khó khăn nhất, và ông đã thành công.



Khóa Đầu Tiên Y Khoa Đông Dương

Thẻ Ngà Học Sinh Y Sĩ Đông Dương

Học Sinh Y Sĩ 1910

Khu Nội Trú

Bệnh Viện Bạch Mai 1915

Khóa Y Sĩ Đông Dương 1921-1925

Đại Học Y Dược 1923

Giảng Đường 1930

 

Source:www.advite.com/ykhoahanoi.htm?fbclid=IwAR3IEdbq1igwTcogLvr7mTqTcnkPCteIl68s4hJ5oT5TYqZ3Qw-zXK6tJtQ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.