Bá quyền Trung Quốc, lỗi của Henry Kissinger
Đọc sách Kissinger “On China”
Việt Nguyên
Tình cờ tôi đọc cuốn tiểu thuyết “The ridlle of the sands” (Bí mật của cát) trước cuốn “On China” của Henry Kissinger. Năm 1903, Erskine Childers viết cuốn tiểu thuyết gián điệp “The riddle of the sands”, cuốn sách mới xuất bản đã bán chạy. Sau được liệt vào hàng 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất thế giới trong vòng 300 năm. Cuốn truyện có nội dung kể trước thế chiến thứ nhất khi nhân viên ngoại giao người Anh, anh chàng Carruthers được ông bạn Davies gọi đến biển Baltic, cùng trôi nổi trên chiếc thuyền đánh cá qua các đảo Frisians của Đức. Họ khám phá âm mưu Đức đang đóng tàu chiến, tàu ngầm, tàu phóng thủy lôi để tấn công Anh. Qua cuốn tiểu thuyết ông Childers đã cảnh giác về cuộc chiến giữa Đức và Anh sẽ xảy ra ở Bắc Hải. Cuốn tiểu thuyết đánh thức chính quyền Anh. Thủ tướng Winston Churchill sau này đã nói: “cuốn sách là lý do chính khiến Anh quyết định thiết lập các căn cứ hải quân ở Đại Tây Dương”. Hơn trăm năm sau, câu chuyện đang xảy ra ở Thái Bình Dương giữa Trung cộng và Hoa Kỳ gần giống như tiểu thuyết của Erskine Childers.
Bá quyền Trung Quốc
Đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ Robert Gates chuẩn bị dự hội nghị An ninh Á Châu ở Singapore ngày 31/5/2011, Trung Cộng dằn mặt Hoa Kỳ, dạy Việt Nam một bài học trên biển Đông, vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Cộng và các quốc gia láng giềng. Vụ tàu Bình Minh 2 của công ty nhà nước Petro Vietnam bị cắt dây cáp và các thuyền đánh cá Việt Nam bị giữ cuối tháng 5 ở hải phận 120 dặm ngoài Phú Yên và quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa không phải là sự kiện mới.
Tháng 3/2010, Trung cộng tuyên bố vùng Đông Á quan trọng cho quyền lợi của họ giống như Tây Tạng và Đài Loan. Trung Cộng dành quyền các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tranh giành vùng biển trong đó Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei đều có chủ quyền. Hải quân Trung Cộng đi tuần ngang nhiên bắt ngư dân và thuyền đánh cá Việt Nam. Tháng 09/2010, tàu Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu Trung Cộng gây ra căng thẳng Hoa – Nhật. Gần hơn một thập niên, Hoa Kỳ tập trung quân đội ở Iraq và A Phú Hãn để vùng biển Đông cho Trung Cộng thao túng, nay ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, tái xác nhận ở buổi đối thoại Shangri-la, quyền lực và vai trò của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Tại sao gọi là đối thoại Shangri-la? Trong khi Shangri-la một huyền thoại đã chết. Shangri-la là vùng đất tưởng tượng, huyền bí ở giữa các rặng núi Tây Tạng, vùng đất xanh tươi, thiên đường hạ giới Eden tưởng tượng trong truyện “Lost Horizon” của James Hilton năm 1933. Shangri-la từ đó tượng trưng cho Tây Tạng nhưng từ đầu thập niên 1990 Tây Tạng đã bị nhà cầm quyền Trung Cộng phá vỡ. Trong chính sách “Hán hóa” nhà cầm quyền cộng sản cho người Hán đến lập nghiệp. Đền Potala bị vây bởi hộp đêm, karaoke, nhà tắm hơi, đĩ điếm, 90% đền đài Lhasa bị phá; bò thiêng bị giết để cung cấp cho kỹ nghệ “fast food” Bắc Kinh. Ngọn núi giả 36 mét được dựng lên thay cho ngọn núi Everest tượng trưng cho công trời biển của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ! Đức Đạt Lai Lạt Ma bị gọi là “con sói đội áo thầy tu,” “lòng người dạ thú.”
Nhà cầm quyền Trung Cộng cấm kỵ 3 chữ T và một chữ F - Tibet, Taiwan, Thiên An Môn và Fa Lun Gong (Pháp Luân Công) xem Đài Loan là phần đất của Trung Hoa, họ đã hậm hực khi Hoa Kỳ bán thêm vũ khí cho Đài Loan nhất là chiến đấu cơ F-16 C/D trong khi Bắc Kinh chĩa 1.400 hỏa tiễn về phía Đài Loan và đang chế tạo tiềm thủy đình, chiến đấu cơ, chiến thuyền với sự trợ giúp của Nga.
Trong đất liền, Nội Mông đã bị đồng hóa với số dân Hán cao hơn (80%) so với dân Mông Cổ giống như ở Tây Tạng và Tân Cương. Từ năm 1991, Trung Quốc xây đường rày xe lửa chở dầu từ Lashio, Mytkyina ở Miến Điện về Bắc Kinh. Các hải cảng Sitwee ở vịnh Bengal nằm trong tay Trung Cộng, hải cảng được sử dụng trong mục tiêu dân sự chuyên chở dầu cũng như mục tiêu quân sự. Bị các chánh quyền Hoa Kỳ và Âu Châu cấm vận, chánh quyền quân sự bị mua chuộc, Miến Điện chính thức trở thành chư hầu của Bắc Kinh.
Sau khi kiểm soát được hải cảng Miến Điện, tránh đi qua con đường tắt Malacca ở Tân Gia Ba, Trung Cộng muốn kiểm soát Việt Nam, biến Việt Nam thành chư hầu. Ngoài hải sản và dầu hỏa, biển Đông là một hải lộ cần thiết để chận đường Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn và cũng như trong truyện “the Riddle of the Sands” Trung Quốc không muốn các thuyền đánh cá các nước dòm ngó vào những bí mật quân sự, đóng tàu ngầm, tàu chiến, tiềm thủy đình ở vùng đảo Hải Nam, Trường Sa, Hoàng Sa.
Lúc gần đây người Miêu, người Mán ở Thái Nguyên đòi tự trị có thể có bàn tay Trung Cộng bởi vì vùng Vân Nam, Thái Nguyên và bắc Miến Điện là vùng có nhiều “đất hiếm” (rare earths). “Đất hiếm” là khoáng sản oxy hóa, được khám phá từ thế kỷ thứ 18. Các chất này thật ra không hiếm nhưng nằm rải rác không thành mỏ. Các chất này nhiều hơn vàng gấp 200 lần. Vào thập niên 1980, Hoa Kỳ xuất cảng “đất hiếm” đứng đầu thế giới nay Trung Quốc qua mặt. 80% “đất hiếm” ở Bautou (Mông Cổ) nơi được xem là thủ đô “đất hiếm.” Hiện nay Trung Cộng sản xuất 48% “đất hiếm,” Hoa Kỳ 13%, phần còn lại là Úc, Gia Nã Đại và Nga. Hồi mùa thu năm 2010, Trung Quốc cắt đứt cung cấp “đất hiếm” cho Nhật, chất cần cho máy điện tính, điện thoại di động, vũ khí, hỏa tiễn, bình điện xe hơi v.v… đã gây chấn động cho thế giới. Sau bauxite ở Tây Nguyên thất lợi cho Việt Nam nay Trung Cộng đang nhắm vùng đất Thái Nguyên vì mức cầu của “đất hiếm” đang tăng so với mức cung.
Lỗi tại Henry Kissinger
Trung Cộng càng ngày càng lộ vẻ bá quyền phần lớn là vì lỗi từ chánh sách của Henry Kissinger. Ông cố vấn của tổng thống Richard Nixon, người chia giải Nobel Hòa Bình với ông Lê Đức Thọ qua Hiệp định Paris 1973, viết cuốn “On China” nhân dịp kỷ niệm 40 năm chuyến đi bí mật đến Bắc Kinh ngày 9 tháng 7 năm 1971.
Cuốn sách không phải là hồi ký, viết lung tung, gồm 6 phần từ lịch sử Trung Hoa đến những thay đổi của Trung Hoa, qua Mao Trạch Đông mở cửa ra ngoài thế giới sau 1972 rồi đến thời Đặng Tiểu Bình và cuối cùng là sự hợp tác Mỹ - Hoa. Chánh sách của Nixon-Kissinger đã là hướng dẫn cơ bản cho tám tổng thống Hoa Kỳ và bốn thế hệ lãnh đạo Trung Cộng . Chánh sách ấy được tiếp tục sau khi Xô Viết sụp đổ và vẫn tiếp tục sau cuộc thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cuốn sách viết ra như để biện hộ cho sự thất bại của ông qua Hiệp định Paris bán Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng Sản.
Cuốn sách cho độc giả thấy những nhận định sai lầm của ông về các nhà lãnh đạo Bắc Kinh từ “cái thưở ban đầu lưu luyến ấy.” Nhờ Kissinger, Trung Cộng sáng trên bàn cờ thế giới sau khi Xô Viết sụp đổ và cũng vì chánh sách ấy Hoa Kỳ đang phải tìm cách đối phó với “bá quyền” Trung Quốc.
Kissinger xem thế giới là một bàn cờ trong đó cách đánh cờ của Tây Phương và Trung Hoa khác nhau. Người Tây Phương chơi cờ chess, bàn cờ đòi hỏi chiến thắng hoàn toàn, đạt mục tiêu với những trận đánh quyết liệt còn người Hoa chơi cờ tướng, cờ nhằm mục đích “chiếu bí”. Cờ tướng phản ánh qua binh thư Tôn Tử “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” và “bất chiến tự nhiên thành.” Từ quan niệm cuộc chơi cờ này mà Kissinger quan niệm rằng “người Mỹ cảm thấy phải phát triển giá trị Mỹ Quốc đến các phần đất của thế giới” còn “người Hoa không xâm lăng bành trướng, họ chỉ muốn phát huy văn hóa!”
Tháng 8 năm 1969, Xô Viết sửa soạn “tiên hạ thủ” Trung Cộng bằng cuộc tấn công bằng bom nguyên tử, tổng thống Richard Nixon quyết định phải bảo vệ Trung Cộng vì quyền lợi Hoa Kỳ lập trục chống lại Xô Viết.
Với định kiến như vậy, Kissinger đã có cảm tình với tất cả các nhà lãnh đạo Trung Cộng từ Mao Trạch Đông qua Chu Ân Lai, Hoa Quốc Phong đến Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Với Mao Trạch Đông, Kissinger xem kẻ sát nhân 20 triệu người Hoa (các sách mới cho con số gấp đôi 40 triệu) là “triết gia vĩ đại” chỉ muốn thay đổi Trung Hoa làm lịch sử nhanh hơn còn Chu Ân Lai là người thông minh, chánh trị gia xuất chúng, nhà ngoại giao đại tài, nhà hành chánh và là người thương thuyết giỏi biết lợi dụng những biến chuyển lịch sử. Kissinger đã nhìn thấy “Mao và Chu ngạc nhiên thành thật khi được đón tiếp Nixon, mở cửa ra ngoài thế giới” trong khi các nhà bình luận hiểu rõ Mao và Chu đều biết các ông ấy đóng kịch.
Chính sự cảm tình của ông về họ Mao và Chu mà ông đã có sẵn thành kiến với đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Những người đã đối đầu với ông từ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến ông Hoàng Đức Nhã, cựu đại sứ Bùi Diễm, ông Nguyễn Xuân Phong đều đã thấy cái thái độ thiếu thiện cảm, thái độ ấy bắt đầu ngay sau khi gặp Mao và Chu. Cuốn sách ít đề cập đến chiến tranh Việt Nam, Kissinger đã làm người đọc thất vọng khi mô tả cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Mao. Ông đã có cảm tưởng: khi Mỹ bắt đầu đóng quân ở Việt Nam, Bắc Kinh đã nhìn qua cặp mắt đánh “cờ tướng,” các căn cứ quân sự được thiết lập để bao vây Trung Hoa từ Đại Hàn đến vịnh Đài Loan nay đến Đông Dương. Hà Nội thuộc binh thư Tôn Tử ứng dụng nguyên tắc vào chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.
Trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, trước hết là người Pháp muốn dành lại thuộc địa Việt Nam, sau đó đối với Hoa Kỳ, Bắc Kinh và Hà Nội từ 1963 đến 1975 nhận ra thử thách sắp tới, giữa chính họ, sẽ quyết định dành ảnh hưởng ở Đông Dương và Đông Nam Á.” Trong 40 năm, Kissinger đến thăm Trung Cộng hơn 50 lần, đọc diễn văn cổ võ cho quan hệ kinh tế Mỹ Hoa, lãnh nhiều tiền nên lúc nào cũng vui vẻ với Trung Cộng. Ông cho rằng Nga nguy hiểm hơn Trung Cộng vì Nga gây hấn, bành trướng. Kissinger có nhắc đến Trung Cộng đã gởi 100.000 quân qua Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh trong khi đó qua các sách và hồ sơ của chính Trung Cộng, họ đã gởi đến 500.000 quân qua Việt Nam cũng như đã gởi quân qua Bắc Hàn, Miến Điện, Kampuchia và tạo phong trào kháng chiến du kích kiểu Mao hơn 12 quốc gia kể cả Phi Châu và Nam Mỹ.
Sau khi Mao chết năm 1976 đến Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, ông Kissinger khen các ông này “có cái nhìn xa, cẩn trọng và chỉ làm vài lỗi nhỏ!” Năm 1979, Đặng Tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ. Kissinger có ấn tượng tốt ngay, ngưỡng mộ họ Đặng, xem ông này như là các nhà chiến lược trong lịch sử Trung Hoa xưa. Trong khi đó họ Đặng vừa lấy lòng Hoa Thịnh Đốn vừa dạy cho Việt Nam một bài học bằng cách đánh qua biên giới và cùng năm đàn áp các nhà yêu nước đối kháng “bức tường dân chủ ” .
Trong trận chiến với Việt Nam năm 1979, Trung Cộng đã bị thiệt hại nặng, thế giới xem Trung Cộng là kẻ bại trận trong khi đó Kissinger lại xem cuộc xâm lăng Việt Nam năm 1979 là “Chiến lược tốt của Trung Cộng để cho thấy Xô Viết chỉ ủng hộ nhà cầm quyền Hà Nội giới hạn về mặt quân sự.” Tờ New York Times tám năm trước cho thấy chiến binh Trung Cộng cay đắng về chiến tranh với Việt Nam năm 1979, họ nghĩ Đặng Tiểu Bình đã gây chiến với Việt Nam để chứng tỏ là Trung Cộng cần phải tân trang vũ khí để đương đầu với những cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Hoa Kỳ và Nga.
Trong 10 năm từ 1979 đến 1989, Đặng Tiểu Bình giữ quyền hành tuyệt đối ở Trung Cộng đưa đến thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp đối lập và phản kháng. Ông Kissinger đã viết như binh vực cho nhà cầm quyền Trung Cộng “biểu tình chiếm quảng trường chánh ở thủ đô ngay cả khi biểu tình hòa bình bất bạo động thì nó cũng là một chiến thuật chứng tỏ là nhà cầm quyền bất lực…” và ông viết là “sự đàn áp mạnh đã được chiếu trên các đài truyền hình” trong khi đó trên thực tế chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã tắt các đài truyền hình, thảm sát xảy ra trong bóng tối, không ai biết bao nhiêu người bị giết bao nhiêu người bị tù và số phận của các sinh viên ra sao.
Năm nay 4/6/2011, chính quyền Cộng sản đã bắt đối lập như Bảo Tống (bí thư của thủ tướng Triệu Tử Dương) cùng hàng ngàn đối lập trước ngày 4/6 và chánh quyền không hề công nhận có cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Ngày 21/6/1989, tổng thống George H Bush (bố) gởi thơ cho Đặng Tiểu Bình lời lẽ nhã nhặn, nhắc đến các biện pháp phong toả kinh tế có thể có nhưng vẫn xem họ Đặng là bạn. Ngày 1/7/1989, ông cố vấn an ninh Brent Scowcroft và Lawrence Eagleburger (vừa mới mất) phụ tá bộ trưởng ngoại giao qua Trung Quốc bằng phi cơ quân sự gặp Đặng Tiểu Bình và thủ tướng Lý Bằng để đối thoại. Tháng 11/1989 ông Kissinger đến Bắc Kinh hoàn toàn không tiếp xúc với giới đối lập như giáo sư Fang Lizhi phó chủ tịch Viện Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh. Ông để Hoa Kỳ áp dụng chánh sách của họ Đặng “không tiền chuộc, không thả” gởi ông Fang qua Anh rồi từ đó qua Mỹ.
Từ Giang Trạch Dân cho đến Hồ Cẩm Đào, ông Kissinger không nhận thấy được chánh sách của Trung Cộng gần giống như chánh sách Bismack của Đức thời thế chiến thứ nhất. Năm 2008 trong buổi họp thảo cùng với Zbigniew Brzezinski và Brent Scowcroft ông tiếp tục chủ trương “mậu dịch và đầu tư” để Trung Cộng tránh đường “chủ nghĩa quốc gia” như Đức Quốc Xã nhưng kết quả của sự xây dựng kinh tế thiếu dân chủ của Trung Cộng đã dẫn đến sự phát triển chủ nghĩa quốc gia hiện nay của bá quyền Trung Quốc.
Ông Henry Kissinger đã chọn chánh sách ngoại giao Anh trước thế chiến thứ nhất khi hai đối thủ Mỹ Hoa đối đầu ở Thái Bình Dương và chỉ có một địch thủ sẽ thắng. Chánh sách ấy được gọi là “quân bình quyền lực” dựa trên “tường trình Crowe,” ông Eye Crowe là nhân viên ngoại giao Anh viết 23 trang tường trình lên ngoại trưởng Earl Grey năm 1907. Bản tường trình kết luận, Đức có thể chọn lựa bằng cách bành trướng quân sự hay văn hóa và áp lực lên Anh. Nước Anh sẽ thấy Đức tìm mọi cách làm suy yếu kẻ thù để phá vỡ đế quốc Anh vì vậy Anh phải cộng tác với Đức về mọi mặt.
Từ 2008, Kissinger đã chọn giải pháp này, ông đã không biết bản phê bình của Thomas Henry Sanderson gởi đến ngoại trưởng Grey chỉ trích Crowe “Đức khó thương thuyết, nhạy cảm, khó chơi, không dễ cộng tác,” hoặc là phải ngăn chặn Đức hoặc là Anh sẽ mất vai trò lãnh đạo. Trung Cộng đang đóng vai trò Đức thời thế chiến thứ nhất. Giống như truyện “the Riddle of the sands,” bảy năm rưỡi sau bản tường trình Crowe thế chiến thứ nhất bùng nổ.
Sử gia John Lukacs người Hung Gia Lợi năm 1968 đã viết về quốc gia của ông: “mỗi quốc gia có một cá tính”, tôi nhận ra ngay cá tính của nước Việt người Việt là tinh thần chống ngoại xâm với bốn câu thơ của Lý Thường Kiệt thuộc lòng từ nhỏ:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, chúng bay sẽ bị đánh tan tành. Sông núi nước Nam, huống gì còn luật biển năm 1982. Đã có hàng triệu người Việt trong nước lên tiếng, Việt Nam không thiếu anh hùng!
Việt Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.