Chuyện Người Lấy Ma
Tôn Nữ Hoàng Hoa
Không biết từ đâu đồn đại ra, hễ cứ mỗi lần nhắc đến cô Nga thì người ta sợ như một thần linh giáng thế.
Trong khu phố cô Nga ở có rất nhiều người Việt Nam, nhưng ít ai biết được cô Nga từ đâu đến. Họ kể lung tung về chuyện Ma Quỹ của cô Nga. Bảo rằng có một bà già đau bụng, đi bác sĩ thử nghiệm hoài mà không tìm ra bệnh. Đưa bệnh nhận đến gặo cô Nga, thì chỉ thấy cô Nga đưa tay sờ vào bụng xoa xoa bóp bóp ba bốn cái tức thì bệnh nhân ói ra một đống kim và từ đó lành hẵn bệnh.
Cứ thế mà họ mặc sức đồn đại, thành ra cô Nga tự nhiên linh hiễn như người đã chết.
Tôi vốn là người hay tin dị đoan và nhất là rất sợ Ma. Nhưng lại thích nghe chuyện Ma nhất là những chuyện có vẽ ma quái của cô Nga.
Nghe người ta ta đoán chừng cô Nga khoảng 39 hay 40 gì đó. Tuy còn trẻ nhưng cô Nga trông già hơn tuổi. Người mảnh khảnh, mắt sâu buồn và sáng làm khuôn mặt cô đã huyền bí lại càng huyề bí thêm.
Họ còn cho biết thêm cô Nga là người duy nhất sống sót sau một cuộc vượt biên tìm tư do của một chiếc thuyền chở trên 30 người. Người ta còn cho biết cô Nga không muốn vượt biên nhưng vì muốn bảo toàn bí mật mà chủ ghe đã áp đảo cô Nga bắt lên thuyền.
Ngồi trên thuyền 3 ngày 3 đêm mà cô Nga không nói một tiếng nào. Người vượt biên có cảm tưởng như cô Nga là tình báo của Việt Cộng hay là một nữ điệp viên phản gián nên đã thay phiên nhau canh chừng.
Đi được 4 ngày đường thì trời đổ giông bão. Chiếc thuyền bé nhỏ nhào lên lộn xuống tả tơi dưới cơn thịnh nộ của trời biển. Thuyền cuốn trôi trong những đợt sóng và mất hút. Hai mươi chín mạng người biệt vô âm tín, chỉ còn lại một mình cô Nga sống sót.
Ngươi ta lại đồn rằng vì mấy người trên thuyền đã ngược đãi với cô Nga, cho nên cô đã sai âm binh bộ hạ lật thuyền.
Chuyện người ta nói về cô Nga nhiều lắm, lung tung chuyện vừa quái dị, vừa bi thương, vừa huyền thoại hoang đường cho nên không một ai dám đến gần cô... Ngay cả cái tuổi quá tuần cập kê mà cô Nga vẫn thui thủi một mình. Trai tráng trong thành phố này hễ nghe đến tên Cô Nga là họ nghĩ ngay đến một sự bất an. Họ sợ nhất là đôi mắt của cô Nga. Đôi mắt có khả năng làm cho mọi người sợ hãi. Nếu có ai nói chùng, nói lén gì đến cô Nga mà khi họ thấy mặt cô Nga thì những tia mắt của cô sẽ ám ảnh họ trong sợ sệt đến mấy ngày. Không một ai rõ lý lịch của cô Nga. Chỉ một điều duy nhât họ biết được: cô là ngươi sống sót sau một cuộc vượt biển hãi hùng.
Càng nghe về cô Nga lại càng làm tôi tò mò muốn tìm hiểu sự thật. Chồng tôi đã đôi lần nhăn nhó:" Sao em không chịu ăn yên, ở yên mà cứ tò mò, tọc mạch làm gì để rướt hoạ vào thân". Cứ thế mà chồng tôi cằn nhằn mãi cho nên tôi không có cách nào lại gần cô Nga
Hôm rồi đi ăn đám cưới con gái cúa một người quen. Cô Huyền đã quá tuổi cập kê nhưng vẫn được người danh giá cưới hỏi cho nên đám cưới của cô cũng được kể là linh đình.
Sau phần trình diễn hai họ, là khách khứa vào tiệc. Tôi không chú ý đến ai và cũng không ai chú ý đến tôi, cho nên cứ tự nhiên gắp thức ăn. Trong lúc gắp thức ăn tôi lại có cảm tưởng như đã có đôi mắt ai theo dõi. Nhưng khi tôi ngước mặt lên đảo một vòng chung quanh thực khách thì chẳng có thấy ai nhìn tôi cả. Không lẽ tôi đang tự kỷ ám thị rồi tự cho mình cái cảm giá bất an…
Tôi nói nhỏ với chồng tôi..Im lặng một hồi, chồng tôi bảo: " Em cứ giả vờ cùi xuống gắp thức ăn để anh xem chừng ai nhìn em..."
Tôi cúi xuống thì tức khắc cảm nhận ngay cái cảm giác đang bị ai theo dõi trong khi chồng tôi quan sát mà không thấy một đấu hiệu gì?
Bỗng nhiên tôi cảm thấy rất sợ. Cảm giác rờn rợn chạy từ gáy lên đỉnh đầu đã làm tôi run cầm câp. Chồng tôi nắm lấy tay tôi trấn an nhưng tôi như cảm thấy chân tay hoá đá và đã mất đi cái thăng bằng cố hữu. Tôi ngồi dính lên ghế. Không dám nhúc nhích. Đầu nặng, mắt hoa lên cho đến khi tĩnh dậy thì thấy mình đang nằm trên giường ngủ.
Tôi mở mắt ra chỉ thấy khuôn mặt lo lắng mệt mỏi của chồng tôi ngồi bên cạnh.. Chồng tôi vô cùng mừng rở khi thấy tôi tĩnh lại. Tuy mừng rở mà vẫn không bỏ cái tính cằn nhằn: " Em không nên thức khuya. Già rồi không còn trẻ nữa đâu..Lo nghĩ ba cái chuyện vớ vẫn để cho thần hồn nhát thần tính thì chỉ tổn hại cho sức khỏe của mình"
Tôi cười cho chồng tôi yên lòng..Tuy vậy trong thâm tâm tôi vẫn còn cái cảm giác sợ hãi. Không biết tôi sợ cái gì ? và những nỗi bất an như đang huyên náo trong đầu óc tôi. Không lẽ tôi bị ma bắt. Câu chuyện bị ma bắt đã ám ảnh suốt quãng đời niên thiếu của tôi là chuyện O Ngâu.
Năm 1960 khi gia đình tôi vẫn còn ở Huế. Nhà tôi ở Bầu Vá xóm trên, còn Lịch Đợi nằm về phía Ga xe lửa xóm dưới. Nhà tôi xây lưng ra đường. Đối diện là Quán Lên Đồng của ông Thầy Lê. O Ngâu xuất hiện ở xóm Lịch Đợi. O không có nhà cửa. Người ta đồn rằng O chỉ sống quanh quẩn trong những am, những miễu vì O bị ma bắt. Ban ngày O ngủ mê, ngủ mệt. Đôi lúc ở ga xe lửa, cói lúc ở gốc cây đa trước quán Lên đồng của ông Thầy Lê gần Hội Đồng Xã Thủy Xuân. Người ta bảo O bị các cô, các cậu bắt làm âm binh bộ hạ cho nên đêm đêm O phải vào am, miễu canh gác.
O Ngâu ăn mặc lôi thôi, lếch thếch. Ai cho O áo ngắn, áo dài O đều mặc hết vào người bất kễ là mùa đông hay mùa hạ. Con nít trong xóm hể thấy O Ngâu là la hét um sùm,
kéo nhau thành chùm thành đám chạy theo sau lưng O rồi quẳng đá, quẳng bất cứ cái gì vào người của O để chọc O tưc giận mà chế diễu.
O Ngâu ít khi chống cự. Chỉ ngửa mặt lên trời cười những trận cười dài the thé nghe lạnh cả người. Đôi khi người ta thấy O vừa đi vừa noi nho nhỏ như đang có người đang đi bên cạnh. Thỉnh thoảng O đưa hai bàn tay ra van vê trước không khí như đang vỗ về ai. Đôi mắt O láu liên, đảo qua đảo lại rồi bất chợt cười âu yếm như đang nũng nịu cùng ai. Ai vô tình thấy được mấy hình ảnh trên cũng rỡn tóc gáy, nỗi da gà.
Tôi thật sự sợ ma từ ngày biết chuyện O Ngâu. Lời đồn cho là O Ngâu đã lấy ma cho nên mới có cuộc sống lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Từ đó chuyện O Ngâu lấy ma mỗi ngày mỗi đồn đại, không có ai vào xóm Lịch Đợi ban đêm. Bất cứ ai ở Ga, Lịch Đợi, Phường Đúc, Long Thọ Nguyệt Biều đều biết chuyện Người Lấy Ma
Bẵng đi một thời gian, người ta lại thấy O Ngâu trở lại và xuất hiện kỳ này lại còn mang cái bụng thè lè. Cái bụng của O Ngâu từ từ phát triễn một cách mất trật tự và O Ngâu cũng không cần dấu diếm. Bà con cũng không ai thắc mắc về cái bụng của O Ngâu. Họ cứ cho là O Ngâu đã lấy ma và cũng chẳng quan tâm gì đến ngày sinh nở của O. Họ cho rằng người lấy ma thì chỉ sinh ra một đám nước bầy nhầy, chứ không thể nào sinh ra người được.
Cho đến một đêm kia, trời bỗng dưng giông bão. Thường thường ở Huế, về mủa Thu trời xuống thật thấp. Mây xám bao phủ bầu trời đôi khi nhìn cảnh vật tưởng như trời đang chập chờn trên những vòm cây không đội nón.
Trời thường làm lụt lội vào mùa này. Nước sông Hương đục ngầu. Cành khô và rác rến từ thượng ngàn trôi xuôi rất nhanh . Ba Me tôi đã chuẩn bị lụt rất chu đáo. Thức ăn khô, cơm vắt và nước uống đã chất đầy trên rầm thượng. Ba tôi nói: " Lụt 53 chưa quá rầm thượng thì không có cái lụt nào cao hơn lụt 53" Cho nên cứ lấy rầm thượng làm cứ điễm tỵ nạn cho kỳ lụt này.
Năm 1953 gia đình tôi vẫn còn ở tại Đồng Hới. Bà nội thì đã qua đời 4 năm.Tuy chúng tôi không chứng kiến Lụt 53 nhưng âm hưởng dữ dội của Lụt 53 vẫn còn réo rắt trong lòng dân Huế mỗi một lần giông bão về thăm viếng sông Hương.
Mỗi lần sau mỗi cơn lụt thì Trời làm tổng vệ sinh mưa xối xã 3 hay 4 ngày liền để xã bùn. Cho đến bây giờ thì không ai trong xóm có đủ thời giờ và tâm trí để lo lắng cho O Ngâu, mãi đến khi anh dân vệ xã Thủy Xuân nhìn thấy cái xác cứng lạnh của O Ngâu trong miếu cô hồn.
Không biết O Ngâu sinh con hồi nào? Chắc trong lúc trời chuyển mưa làm lụt. Người lối xóm không thấy hình hài trẻ sơ sinh, chỉ thấy xác lạnh của O Ngâu bên cạnh một đống máu đã khô. Xác O Ngâu được bà con trong Xã gói ghém chôn cất đàng hoàng và cũng không một ai thắc mắc về cái chết của O cũng như chưa bao giờ bận tâm về lối sống của O Ngâu.
Và câu chuyện Người Lấy Ma đã thật sự ám ảnh quãng đời niên thiếu của tôi trong những tháng năm ở Huế.
Tôi đã hết bệnh. Những ngày tiếp nối sau đó tôi đã lấy lại được sự bình thường. Câu chuyện đồn đại về cô Nga cũng không làm tôi chú ý nữa.
Thật ra, tôi đã lớn lên trong một xã hội đầy rẫy tử biệt, phân ly. Chiến tranh và từng đêm Việt Cộng pháo kích đã đóng một vai trò rất lớn trên sự sợ hãi của tôi. Hằng ngày tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cõi lòng tan nát trên cảnh tử biệt phân ly. Ngày gặp nhau hôm nay chưa hết mừng vui thì ngày mai lại nói lời phân ưu với người thiên cổ. Chết giữa cuộc hội ngộ. Chết trên bàn ăn quây quần vào giờ gia đình sum họp. Cho nên nếu tôi có bị sợ hãi giao động cũng chỉ là một điều dễ hiểu.
Từ ngày bị cảm xúc quá độ tôi lại phải đi gặp bác sĩ đều đặn. Trong phòng đợi hôm nay tôi ngồi đối diện với một phụ nữ Á Đông. Cô ta có đôi mắt sáng quắt và sâu. Da xanh như thiếu dinh dưỡng. Thỉnh thoảng cô ta liếc nhìn tôi đã làm tôi bắt gặp lại cái cảm giác sợ hãi hôm nào. Tư nhiên tôi ớn lạnh và bối rối. Hình như trong tia nhìn của cô ta có một dòng điện lực. Tuy bất an, nhưng tôi vẫn cố gắng mĩm cười với cô và cô ta cười đáp lại. Đôi mắt rạng rỡ theo nụ cười làm cả khuôn mặt của cô ta cũng cười theo. Tôi chậm rãi hỏi cô ta:" Cô là người Việt Nam ?" Không đáp cô chỉ gật đầu. Tôi lại hỏi:" Cô tên gì?" Cô đáp:" Em tên Nga".
Nghe cô ta nói cô tên Nga làm tôi rùng mình ớn lạnh. Có phải cô Nga nửa ma, nửa quỹ, nửa thần thánh không? Như đoán được ý nghĩ của tôi cô Nga cười đáp:" Em không phải là ma hay quỹ gì đâu mà em là người bằng xương bằng thịt"
Tôi lịch sự cười đồng thuận mà trong tôi trống liên hồi từng cơn nhịp loạn. Cô Nga vừa dịu dàng nhìn tôi vừa bảo: " Xin lỗi chị, em đã làm chị ngất xỉu trong một buổi tiệc cưới".
Tôi như bị chạm điện sợ quá đứng thẳng lên. Cô Nga vội đứng dậy: Xin chị bình tĩnh. Em không phải là ma quỹ đâu. Tôi cố định tĩnh không cho thần hồn nhát thần xác để nhớ cho ra tôi đã gặp cô Nga trong buổi tiệc cưới nào?
Cô Nga như đoán được ý của tôi bèn giãi thích:" Em làm việc cho một tiệm ăn Tầu. Tối hôm đó họ phải catering cho một tiệc cưới. Em đã nhìn chị qua cái cửa sổ đưa đồ ăn từ nhà bếp vì chị trông rất quen nên em đã nhìn chừng chị mãi. Không ngờ em đã làm chị xỉu.
Tôi bán tín, bán nghi, lắp ba, lắp bắp. Tuy muốn giữ bình tĩnh nhưng trong tôi không hiểu tại sao lại run cầm câp. Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứn Nạn. Tôi lâm râm khấn nguyện quên mất tiêu sự hiện diện của cô Nga.
Tự nhiên tôi lấy lại được bình tĩnh. Tôi hỏi cô Nga về tất cả lời đồn đại. Cô cười không lộ vẽ gì bất mãn. Cô cho tôi biết đây là một sự dàn dựng dư luận từ một người đàn ông yêu cô. Nghe nói trong quá khứ ông này đã bị quá nhiều tình phụ nên đã đồn đại ra nhiều điều yêu quái hợp với thị hiếu quần chúng để trai tráng không ai dám lại gần cô hay nói khác hơn là muốn họ loai trừ cô hầu cho ông ta thủ lợi.
Nghe cô Nga nói tự nhiên tôi cảm thấy giận mình nhẹ dạ dễ tin và còn giận luôn bà con cô bác tại sao lại vô tình a dua vào những lời đồn vô căn cứ để cho ngư ông thủ lợi. Cô Nga cho biết cô đã đến đây một mình. Cô đã được sinh ra và lớn lên trên thân phận côi cút. Nghe nói mẹ cô là một du kích VC xâm nhập vào Xã Thuỷ Xuân để chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công sẽ diễn ra trên kế hoạch thập niên. Mẹ cô chỉ vì phải phục vụ cho đảng VC mà đã đánh mất tuổi thơ. Để tránh sự dòm ngó của người Quốc Gia. Theo chỉ thị mẹ cô phải giả khùng, giả điên sống trong những am đình miếu cổ để lấy tin tức và liên lạc. Cho đến một đêm kia mẹ cô bị hãm hiếp bởi đồng sự. Từ đó Mẹ cô yêu người hãm hiếp và miễu cô hồn là tổ uyên ương của họ. Cô được sinh ra trong một đêm mưa bão và mẹ cô đã bị giết vì sợ bị lộ. Ngay tối hôm đó cô đã được đem đi để không có ai thắc mắc về câu chuyện người lấy ma.
Quá khứ chập chùng trong ký ức hồi tưởng của câu chuyện Người Lấy Ma dạo nào như vỡ òa trong trí nhớ. Tôi ngập ngừng hỏi cô Nga: "Có phải mẹ của cô tên Ngâu và ở Huế không?" Cô Nga tái xanh mặt và hỏi: " Sao chị biết?". Tôi kể lại chuyện Người Lấy ma mà đã ám ảnh tôi trên quãng thời gian niên thiếu. Cô Nga xúc động ôm lấy tôi khóc thành tiếng cho rằng hồn mẹ của cô linh thiêng cho cô gặp người cùng xứ
Cô cho biết cô sống với một người đàn ông tự xưng là cha của cô nhưng cô luôn luôn mang tâm trạng trưởng thành trong sự côi cút. Cô lớn lên trong một xóm lao động. Vì lo ăn mỗi ngày nên cô không có cơ hội đi học cho nên cô thường đi học lớp mù chữ ban đêm cho đến khi biết đọc, biết viết. Từ đó, cô mê đọc truyện và cũng không dám mơ ước yêu ai khi thân phận của cô lớn lên như một loài cỏ dại mang đầu dấu ấn ma quỹ, yêu tinh.
Trong một buổi đi mò cá kiếm ăn. Cô bị chủ tàu ép vượt biên và cuộc đời mới cũng chỉ mang toàn dấu ấn ma quỹ tiếp nối cuộc đời quá khứ quỹ ma ở quê nhà. Đã gần 40 tuổi mà cô chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Nỗi ám ảnh bất hạnh trong đời cô là cuộc đời người mẹ đã sinh ra cô trong thế giới nửa người, nửa yêu ma và cuộc đời đời cô bỗng dưng trở thành chuyện liêu trai chí dị.
Tôi đưa tay vỗ về cô Nga trên nỗi hiu quạnh côi cút của cô. Tự nhiên, tôi không còn sợ hãi nữa. Như một duyên nợ tiền kiếp. Cô Nga xúc động trong vòng tay vỗ về của tôi. Tôi lại hỏi cô Nga:" Vì sao mẹ cô lại chấp nhận sống giả điên giả khùng rồi sống trong chuyện người lấy ma làm gì vậy?"
Cô Nga cho hay là cha hờ của cô nói mẹ cô phải giả giả khùng giả điên theo chỉ thị của đảng để tránh sự dòm ngó của dân vệ xã trong việc liên lạc tạo thành một ổ đặc công tại xã Thuỷ Xuân. Họ thổi phồng câu chuyện người lấy ma để hướng dẫn đi về một chiều hướng khác cho họ dễ dàng hành động.
Tôi nghĩ đến những việc đang làm huyên náo tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản hôm nay. Một số cá nhân cơ hội thì tham vọng bành trướng chủ nghĩa địa lý trên tổ chức của mình mà thực chất không làm được một việc gì ra trò ra trống. Chỉ toàn là thông cáo tuyên cáo bay như bướm lượn.
Trong khi đó, tại hải ngoại cũng có rất nhiều thông báo tuyên cáo tấp nập gởi lên diễn đàn như bướm mùa xuân. Không biết trên những thông cáo tuyên cáo đó , có tờ Tuyên cáo nào, Thông báo nào đang lái dư luận đi về một chiều hướng khác như câu chuyện Người Lấy Ma năm nào…
Tôn Nữ Hoàng Hoa
06/15/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.