Người Ðàn Bà Trên Lưng Tôi |
Tôi sĩ diện đến nỗi mỗi năm phải đổi chỗ làm một lần 1. Nhà tôi là dòng họ sĩ. Hầu hết ai cũng có chữ sĩ treo lủng lẳng vào cái tên, như một viên kim cương lấp lánh trước mắt thiên hạ. Ba tôi không những là bác sĩ, còn là trưởng khoa trong một bệnh viện lớn ở trung tâm Sài gòn. Mẹ tôi cũng đâu kém, vừa là dược sĩ vừa là chủ nhân của cái pharmacy bề thế ở đại lộ Trần Hưng Đạo. Chú tôi có hai ba bằng cử nhân một lúc, nhưng không màng danh lợi, bỏ nhà đi tu, mà vẫn có chữ sĩ bám theo: giáo sĩ. Còn tôi, tôi cũng được thừa hưởng cái chữ sĩ của truyền thống gia đình, bởi những người quen biết đều kêu tôi là "sĩ diện hảo". Chữ sĩ của tôi không như của người khác: gắn sau lưng, mà treo tòng teng ngay trước ngực. Tôi sĩ diện đến nỗi mỗi năm phải đổi chỗ làm một lần. Cũng bởi cái tật thấy ai làm sai, không nói không chịu được, ngay cả với các xếp. Đúng là họa từ miệng mà ra. Trong một dòng họ, bao giờ cũng có một kẻ khác người. Dòng họ của tôi thì có cậu tôi. Ông không khư khư ôm theo mình chữ sĩ như người khác. Học chưa hết trung học, ông đã bỏ ngang, đi giang hồ một thời gian. Ba năm sau trở về đậu trước cửa nhà tôi chiếc xe hơi bóng láng, có tài xế riêng đàng hoàng. 2. Khi bỏ nhà ra đi, cậu tôi không đồng xu dính túi. Vậy mà chẳng biết ông đã làm gì trong ba năm, rồi trở về hóa thân thành một kẻ rất thành công trên thương trường. Ông làm chủ một khách sạn lớn, ba nhà hàng đặc sản, và mươi mẫu đất có giá ở ngoại ô thành phố. Trước đây ba tôi thường không coi trọng lắm những người kém ăn học như cậu. Vậy mà bây giờ, mỗi khi nhắc đến tên cậu, ba tôi có vẻ e dè như kiêng nể. Chẳng biết có phải vì cậu tôi đã có công giới thiệu nhiều nhà doanh nghiệp bụng bự, đến chữa bệnh ở phòng mạch tư của ba tôi không. Ngoài điều ngạc nhiên về thành công tài chánh, tôi còn ngạc nhiên nữa về vóc dáng của cậu. Họ nội, họ ngoại tôi ai cũng cao ráo, lưng thẳng như vách nhà cao tầng. Riêng cậu tôi thì vừa thấp, vừa còng lưng. Tôi đem thắc mắc này hỏi mẹ, mẹ bảo "Cậu con chỉ tội hơi lùn. Nhưng trước đây lưng cậu con cũng thẳng thắn như lưng của ba con vậy. Từ dạo lấy vợ, lưng cậu mày càng ngày càng còng!" Tôi nhíu mày không hiểu. Mẹ chép miệng: "Thì cậu mày nửa đời phải cõng một bà vợ trên lưng, làm sao mà không còng được!" Chuyện là, mặc dù cậu tôi - như người ta thường nói "Miệng nhà sang có gang có thép!", dưới tay cậu có hàng trăm người làm công, quen to, biết rộng. Trước mặt người dưới quyền, cậu hét ra lửa từ cái miệng gang thép của cậu! Nhưng khi về đến nhà, bước vào mái ấm gia đình thì cậu trở nên một người khác hẳn. Cậu chịu sự quản lý rất chi li của mợ tôi. Nhất cử nhất động của cậu đều như một con rối, được điều khiển bởi tay mợ. Tôi thấy tội nghiệp cho cậu. Và thầm nghĩ: "Ai biểu cậu coi thường chữ sĩ của dòng tộc, để đàn bà leo lên lưng!" Từ đó, ra đường gặp người đàn ông nào có cái lưng hơi gù, tôi lại chép miệng thương cảm, vì nghĩ họ đang phải cõng một bà vợ trên lưng. Và tôi tự nhủ, sẽ không đời nào tôi cho phép người đàn bà nào leo lên lưng tôi như thế. Rồi tôi ưỡn ngực, thẳng lưng, phô cái chữ sĩ trong nhóm "sĩ diện hảo" ra, cho thiên hạ biết tôi là người thế nào. Chuyện gì phải đến đã đến. Một ngày đẹp trời nọ, đang lang thang trong khuôn viên của trường, thì tôi bị Thần Ái Tình giương cung, bắn một phát ngay tim. 3. Tôi gọi nàng là mèo con, là thiên thần, là vì sao lạc mà tôi đã mấy kiếp đi hoang khắp vũ trụ, nay mới tìm thấy. Ngoài bờ môi ngọt, làn da thơm, nàng còn chinh phục tôi bằng những bài thơ, bài hát tặng riêng tôi - chỉ một mình tôi thôi. Sau này, khi tỉnh mộng rồi, tôi mới khám phá ra, hầu hết những bài thơ nàng bảo là viết ngẫu hứng từ cuộc tình của hai đứa, đều là những bài chôm chỉa của người khác! Đúng là "Love is blind". Thử hỏi không mù sao được, nếu có người con gái nào đến nói với bạn: "Dù có phải xuống Địa ngục, mà nơi đó có anh, em cũng sẵn sàng!". Sau ba tháng tiếp những chiêu nặng ký của nàng, tôi hoàn toàn buông tay đầu hàng. Một buổi tối ở trong nhà hàng ven sông nọ, trong ánh nến lung linh, lãng mạn tôi đã quỳ xuống, cầu hôn với nàng. Con mèo nhỏ chớp mắt vài cái, rồi từ đó nằm gọn trong vòng tay đam mê của tôi, dĩ nhiên là trong cùng một mái nhà. Năm sau, con mèo nhỏ sanh cho tôi một đứa con gái xinh đẹp hệt như mẹ nó. Không biết có phải khi sanh xong, người đàn bà đổi máu đổi tính không, nhưng nàng bỗng dưng trở thành con mèo mẹ. Móng vuốt nàng giương ra không phải để bảo vệ mèo con, mà là để bám chặt trên lưng tôi. Đã đành nàng quyết định giùm tôi phải ăn gì, mặc gì; nàng còn chọn giùm tôi nhạc để nghe, chương trình TV để xem, và cả bạn để giao du nữa. Ba năm sau ngày cưới, tôi gặp thằng bạn ngoài đường. Nó nhíu mặt hỏi tôi: "Mày không sao chứ?" Tôi hỏi: "Sao là sao?" Nó nói: "Lưng mày còng hẳn đi". Thôi chết, tôi lâm vào tình cảnh y hệt như cậu tôi: cõng một người đàn bà trên lưng. Đã thế, một hôm nàng còn đâm một nhát lấy mạng vào chỗ hiểm của người đàn ông: lòng tự trọng. Trong lúc to tiếng, nàng nói vào mặt tôi: " Làm kẻ hậu sinh mà không bằng một góc của cậu anh. Mợ anh tay đeo đầy kim cương, hột xoàn, còn tôi có gì?! Anh chỉ sĩ diện hão! Tui không gặm được cái chữ sĩ để sống như anh đâu!" Đúng là tôi khác cậu: cậu lưng còng, nhưng cậu còn cái khách sạn, ba nhà hàng, và mươi mẫu đât. Còn tôi chả có gì ngoài cái chữ sĩ hão huyền. Cuối cùng, nàng giải thoát cho tôi bằng cách đi theo một lão thương gia bụng bự, nhường lại đứa con sáu tuổi cho tôi nuôi nấng. 4. Thôi thì đành gà trống nuôi con. Người chung quanh nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thương cảm, khi một ông bố tuổi ba mươi như tôi phải một mình loay hoay chăm sóc đứa con gái nhỏ. Nhưng một lần nữa, tôi lại giương cái chữ sĩ của mình ra trước ngực. Tôi đâu có sao mà phải thương hại. Nói vậy thôi, chứ những lúc tôi phải thay con mèo mẹ làm những việc như dẫn nó đi mua quần áo, sắm sửa cho nó cái kẹp tóc, đôi dép, cái nón.... Tôi thực sự bối rối, không biết đứa con gái tuổi của nó phải ăn mặc ra sao cho hợp. Nhờ người khác thì ngại, nên đành phải giở mấy tạp chí mẫu quần áo trẻ con để tham khảo. Có lần, nó đi học về, mặt mũi tiu nghỉu, bỏ cả ăn tối. Hỏi mãi nó mới nói, trong lớp bạn nó cười vì cái áo nó mặc hôm ấy trông quê quá. Dần dà rồi tôi cũng học được cách làm mẹ. Hai cha con tôi vui vẻ bước song hành trên đoạn đường đời gập ghềnh. Là con gái, nên nó hay nhõng nhẽo, bắt tôi cõng trên lưng những khi làm biếng đi bộ. Khi cõng nó, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện "người đàn bà trên lưng" của cậu tôi và của chính tôi. Nhưng tôi chợt nghĩ, dù có phải cõng nó đến hết cuộc đời tôi, tôi cũng không ngại. Đâu phải lúc nào người đàn ông cũng cảm thấy nhọc nhằn khi phải cõng một người đàn bà trên lưng? Khi đọc xong câu chuyện này, một bạn đọc đã bảo tôi: "Tôi" không cảm thấy nhọc nhằn khi cõng " nó " , vì " nó " đâu đã là đàn bà. Tôi trả lời, bạn nói phải. Nhưng "nó" sẽ là một người đàn bà trong tương lai, và hi vọng "tôi" đã gánh hết cái gánh nặng đầu đời của " nó " ; để "nó" sẽ không còn là nỗi nhọc nhằn cho một người đàn ông nào đó trong tương lai. Source Internet. |
Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011
Người Ðàn Bà Trên Lưng Tôi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.