LÃO NGƯ ÔNG VÀ BIỂN CẢ, Tác Phẩm Tiêu Biểu Của Ernest Hemingway
Trọng Đạt:
Nhân ngày sinh nhật thứ 112 của văn hào Ernest Hemingway 21-7-2011, chúng ta cùng xem lại tác phẩm tiêu biểu của ông, Hemingway tự tử ngày 2-7-1961, tác giả sinh ra và mất đi trong tháng bẩy và tháng này để kỷ niệm ông..
Hemingway là tác giả quen thuộc của độc giả Sài Gòn năm xưa, ông là một trong những nhà văn nhiều ảnh hưởng của thời đại 1900, được giải văn chương Nobel dành cho tác phẩm Lão Ngư Ông Và Biển Cả, The Old Man and The Sea, 1954. Hemnigway đã làm một cuộc cải tiến về hành văn, đơn giản, ít tĩnh tự, đối thoại chính xác, giọng văn của ông đã ảnh hưởng đến hiều người. Nhà văn hào đã tạo lên một mẫu người hùng, đương đầu với bạo lực bằng lòng can đảm và sự hiên ngang.
Hemingway nổi tiếng quốc tế một phần vì lối sống mầu mè của kẻ tha hương lãng tử và vì văn nghiệp phong phú. Nhiều người thích đọc văn ông phần vì nó tương đối sáng sủa và tên tác phẩm rất hay: The Sun Also Rises, Mặt Trời Vẫn Mọc; Farewell To Arms, Giã Từ Vũ Khí, For Whom The Bell Tolls, Hồi Chuông Báo Tử…dịch sang tiếng Pháp nghe lại hấp dẫn hơn nữa: Le Soleil se lève aussi; L’Adieu aux armes, Pour qui sonne le glas…
Toàn bộ tác phẩm của Hemingway gồm 24 cuốn, trong đó 16 cuốn xuất bản khi tác giả còn sống và 8 cuốn xuất bản sau khi đã chết, 17 cuốn được quay thành phim
Ông sáng tác nhiều nhưng có một số được chú ý, những truyện được chú ý và quay thành phim gồm: Mặt Trời Vẫn Mọc viết năm 1926, tả một nhóm người tha hương ở Ba Lê, tỉnh mộng sau Thế chiến thứ nhất, Giã Từ Vũ Khí viết năm 1929, truyện tình yêu bi thảm của một anh lính Mỹ, chiến đấu trong quân đội Ý và cô y tá người Anh, nó phản ảnh một phần cuộc đời Hemingway khi ông tham dự Thế chiến thứ nhất tại Âu châu.
Hemingway sinh tại Oak Park, Illinois, tốt nghiệp trung học năm 1918 hồi Thế chiến thứ nhất. Ông tình nguyện sang làm cho Hồng thập tự tại mặt trận Ý, lái xe cứu thương và làm việc tại quân tiếp vụ, được một tháng rưỡi bị thương nặng. Năm 1921 ông tới Paris, kết hợp một số tác giả Mỹ tha hương tỉnh mộng sau cuộc chiến, gọi là Lost generation, Thế hệ đã mất. Năm1923 lần đầu tiên xuất bản truyện ngắn. Năm 1926 ông viết Mặt Trời Vẫn Mọc, được quay thành phim hai lần: năm 1957 đạo diễn Henry King, năm 1984, đạo diễn Goldstone. Năm 1927 Hemingway về Mỹ viết Giã Từ Vũ Khí, quay thành phim hai lần: năm 1932, đạo diễn Frank Borzage , tài tử Gary Cooper, Helen Hayes phim đen trắng, năm 1957 đạo diễn Charles Vidor, Rock Hudson, Jennifer Jones, phim mầu, cảm động, diễn xuất hay, phim khá nổi tiếng đã được dân mộ điệu điện ảnh Sài Gòn năm xưa tán thưởng. Thập niên 30 ông sang Cuba, Ý, Tây Ban Nha, Châu Phi…năm 1936 làm ký giả chiến trường tại Tây Ban Nha, năm 1939 viết Hồi Chuông Báo Tử, For Whom The Bell Tolls .
Năm 1940 Ernest Hemingway trở nên nổi tiếng trên thế giới vì cuộc đời lãng tử đầy mầu sắc của ông và hình ảnh một người hùng như trong Lão Ngư Ông Và Biển Cả. Tác phẩm ngắn này viết năm 1951, xuất bản 1952, năm 1953 được giải Pulitzer, năm sau 1954 được giải Nobel văn chương, truyện một ông già đánh cá nghèo can đảm chấp nhận số phận, ra sức phấn đấu để sinh tồn. Đây là một hình ảnh mẫu người hùng theo kiểu Hemingway.
Khoảng năm 1950 Hemingway bị bệnh tinh thần rồi đi tới khủng hoảng, tự tử năm 1961, ông có ảnh hưởng nhiều đến việc trước tác truyện ngắn cũng như tiểu thuyết tại Mỹ. Nhà văn hào và nhóm người Mỹ tha hương tại Âu châu những năm 1920 có khuynh hướng triết lý bi quan, bác bỏ kỹ thuật văn chương cũ. Hemingway chủ trương cắt bỏ những chữ không cần thiết, viết câu văn ngắn gọn, đơn giản, rất ít tĩnh từ mầu mè, chỉ dùng danh từ, động từ cụ thể điển hình là truyện Lão Ngư Ông Và Biển Cả.
Cuộc sống phiêu lưu giang hồ đầy phong phú của tác giả như một kho vô tận nguồn cảm hứng cho sự nghiệp văn chương: Chiến tranh, tình yêu, đấu bò, đánh cá… đã đem vào văn chương Hemingway nhiều đề tài và kỹ thuật sáng tác mới.
Lão Ngư Ông Và Biển Cả chỉ vào khoảng một trăm trang, người Mỹ, Anh gọi là short novel, tiểu thuyết ngắn, người Pháp gọi là nouvelle hay court roman, ở Việt nam xưa gọi là truyện trung bình, nay gọi là truyện vừa, nó nằm giữa truyện dài và truyện ngắn. Mặc dù mỏng manh nhưng nó được coi là tác phẩm tiêu biểu đặc sắc nhất của Hemingway và là một trong những truyện hay nhất của văn chương Mỹ. Đây cũng là cuốn sách cuối cùng của Hemingway xuất bản khi ông còn sống.
Sơ lược.
“Tại một làng đánh cá ven biển ở Cuba, một ông già đánh cá nghèo khổ, bất hạnh, thất bại, bị người ta rẻ rúng. Ông lênh đênh tám mươi bốn ngày ngoài biền mà chẳng đánh được con cá nào, trong bốn mươi ngày đầu có một cậu theo phụ ông nhưng sau đó cha mẹ cậu bắt phải theo thuyền khác vì cho rằng ông già này xui xẻo..
Cậu bé sang thuyền khác đánh được nhiều cá nhưng vẫn thương ông già, ngày ngày thấy ông lão trở về với chiếc thuyền không, cậu vẫn lại thăm hỏi tâm tình với ông.
Tờ mờ sáng ngày thứ tám mươi lăm, ông đẩy thuyền ra khơi thật xa rồi thả bốn con cá mồi, lưỡi câu dấu trong thân cá, ông thả thật sâu tận nước xanh. Tự nhiên hôm nay ông già sinh ra niềm hy vọng, bỗng một cái phao mầu xanh chúi xuống, con cá marlin lớn đang rỉa mồi. Ông lão nắm nhẹ sợi giây câu, con cá vòng qua vòng lại rồi cắn mồi, ông bèn thả giây, nó nuốt vào bụng rồi kéo giây, ông cột giây vào vai, nó kéo thuyền về hướng Tây Bắc.
Thuyền ngày càng ra giữa bể khơi, ông lão ghìm con cá nhưng nó vẫn kéo thuyền đi phăng phăng, tưởng nó sẽ nổi lên trước lúc mặt trời lặn nhưng nó vẫn ngoan cố kéo thuyền đi. Qua một đêm tới sáng hôm sau, đôi lúc nó giật mạnh làm rách cả da thịt ông, máu chảy dưới mắt. Ông lão phấn đấu vô cùng gian khổ và nguyện sẽ theo nó cho tới chết.
Mặt trời lên cao, con cá đã thấm mệt, nó ngoi dần lên mặt nước, ông lão vừa nắm sợi giây vừa bắt một con cá thu xẻ từng miếng thịt ăn lấy sức. Con cá lớn ngày càng đuối sức y như ông lão rồi từ từ hiện lên trên mặt nước, đầu và lưng mầu tím đậm, nó dài hơn cái thuyền của ông. Trong cuộc đời đánh cá ông chưa bao giờ thấy con cá lớn như vậy. Nó lại chìm xuống và kéo thuyền đi phăng phăng, khi ấy ông lão bèn đọc kinh để thêm tin tưởng, ông vừa níu sợi giây thừng để kìm chế con cá lớn, ông vừa câu cá nhỏ để ăn lấy sức. Cuộc phấn đấu của ông ngày càng gian khổ, một ngày nữa sắp qua, đêm lại tới, ông già bắt đầu thấy kiệt sức.
Trời về tối, con cá giảm tốc độ, qua đêm cho tới khi mặt trời mọc, nó hiện lên bắt đầu lượn vòng và đuối sức thấy rõ. Ông lão thu giây dần dần kéo nó lại sát thuyền thật vất vả, cuối cùng đã thành công và phóng được cây lao xuyên qua tim nó. Ông cột mõm và đuôi nó vào thuyền và dương buồm về phía Tây Nam trong lòng vô cùng phấn khởi vì thắng lợi, hôm nay ông mang một gia tài lớn về bến cũ, con thuyền lướt sóng êm xuôi.
Một con cá mập thấy mùi máu trồi lên mặt nước hối hả đuổi theo thuyền, tới nơi nó sông vào đớp miếng mồi ngon, ông lão đã chuẩn bị tiếp đón nó từ lâu, ông dùng lao phóng vào giữa đầu khiến nó vũng vẫy dẫy chết chìm xuống biển, đem theo luôn cả cây lao bị đứt giây, nó ăn khoảng bốn chục cân Anh, máu chẩy nhiều thêm, cá mập cũng kéo tới nhiều hơn .
Mất cây lao, ông chế ra một thứ khí giới khác, buộc con dao nhọn vào cái bơi chèo chiến đấu với cá mập: Hai con từ đâu tiến lại ngoạm con cá lớn, ông lão đâm chết cả hai, chúng chìm lỉm xuống dưới biển sâu. Con cá bị cắn nhầy nhụa, máu chẩy nhiều, cá mập kéo đến đông hơn. Một con vừa xông tới, ông già đâm ngay vào sọ nó nhưng lần này nó vùng vẫy làm gẫy con dao.
Cuối cùng ông phải dùng bơi chèo, chày, tay lái để chiến đấu, cá mập tới đớp con cá lớn tơi bời, ông già cay cú đập lia lịa, giết được mấy con nữa. Con cá lớn bị xâu xé nay chỉ còn một nửa. Màn đem lại buông xuống, cá mập kéo đến rất đông, ông già tuyệt vọng vì hết vũ khí vả lại đêm tối không nhận diện được bọn ăn cướp, ông giận dữ đập lia lịa trên đầu trên cổ lũ cá đói, chẳng bao lâu con cá chỉ còn là bộ xương. Biết là mình bại trận ông chỉ để tâm vào việc lái con thuyền về bến cũ, thuyền lướt nhanh hơn vì con cá lớn nay đã tan biến đi. Ông già tự trách tại ra khơi quá xa.
Về tới lều mệt quá, ông già ngủ thiếp đi. Dân chài kéo lại bến xem bộ xương con cá thật lớn buộc bên thuyền…”
Câu chuyện chỉ giản dị có thế, tác phẩm có giá trị về tư tưởng nhiều hơn là văn chương, Hemingway cắt bỏ những chữ không cần thiết, hành văn ngắn ngủi đơn sơ, chỉ có một ít tĩnh từ.
Mặc dù chỉ là truyện ngắn một trăm trang giấy, Lão Ngư Ông Và Biển Cả được coi như tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của Hemingway, nó có những nét độc đáo đánh dấu một cuộc cải cách mới mẻ trong sáng tác văn chương. Giữa cảnh biển khơi hùng vĩ mênh mông bát ngát chỉ một ông già, chiếc thuyền, con cá nhưng ngòi bút của Hemingway bằng lối độc thoại khéo léo đã khiến nó trở nên sống động. Lão ngư ông tiêu biểu cho mẫu người hùng của Hemingway, ông quan niệm cuộc đời là một chuỗi đau khổ phức tạp, ta phải hiên ngang đón nhận, đương đầu với nó bằng sức mạnh và nhân phẩm, sự khôn ngoan và chịu đựng mà không cần biết đến thành công hay thất bại. Mặc dù sống trong cô đơn thất bại nhưng ông lão đã phấn đấu quật cường để chế ngự nó, dù thua thiệt nhiều nhưng ông vẫn giữ được nhân cách và có thể coi đó là thắng lợi, thành công.
Theo tôi nghĩ Hemingway có chịu ảnh hưởng phần nào truyện Moby Dick, một cuốn tiểu thuyết khá dầy của Herman Merville (1819-1891) viết năm 1851, tác phẩm cổ điển Mỹ đặc biệt về hàng hải, nghề đánh cá voi. Truyện ông thuyền trưởng Ahab bị một con cá voi trắng khổng lồ hung tợn tên Moby Dick cắn đứt một chân, Ahab nuôi mối hận thù với cá trắng một cách điên cuồng. Thuyền trưởng từ bỏ mọi cuộc săn bắt cá mà chỉ tìm kiếm Moby Dick khắp nơi trên đại dương để trả thù. Các thủy thủ khâm phục ý chí kiên quyết của Ahab và theo ông đến cùng. Trận chiến giữa người và cá voi cuối cùng diễn ra quyết liệt khiến cho cả đoàn thủy thủ bị tiêu diệt. Truyện Moby Dick diễn tả và đề cao ý chí kiên cường bất khuất của một thuyền trưởng và quyết tâm của ông ta theo đuổi mục đích đến cùng dù thiệt hại mất mát đến đâu
Cùng đề tài về đánh cá, biển khơi của văn chương Mỹ, cùng diễn tả ý chí kiên quyết theo đuổi mục đích đến cùng, một bên để sinh tồn và bên kia để rửa hận, họ cùng phấn đấu gian khổ để đạt mục tiêu cuối cùng và như vậy Moby Dick đã ảnh hưởng đến Hemingway nhưng không thấy dư luận phê bình nhắc tới. Hai tác phẩm đã được người Mỹ hâm mộ, họ rất say mê những mẫu người hùng can đảm như lão ngư ông và thuyền trưởng Ahab.
Về phương diện điện ảnh truyện Lão Ngư Ông Và Biển Cả không thành công mặc dù đã được quay thành phim ba lần:
-Năm 1958 đạo diễn John Sturges, tài tử Spencer Stracy, được giải Oscar về âm nhạc.
-Năm 1989 dành cho truyền hình, Anthony Quinn đóng vai chính.
-Năm 1999, đạo diễn Petrov, năm 2000 được giải Oscar phim sống động linh hoạt.
Vào khoảng 1958, hồi còn là học sinh đệ lục, đệ ngũ tôi được xem phim Lão Ngư Ông Và Biển Cả do Spencer đóng vai chính tại rạp Modern Tân Định, Sài Gòn. Cuốn phim thất bại trên thị trường không được khán giả tán thưởng, tôi thấy các hàng ghế trống trơn chỉ lưa thưa có một ít người xem, nhiều khán giả đã bỏ về vì phim quá nhạt nhẽo. Tác phẩm không có cốt truyện, gồm nhiều độc thọai nên không thể biến nó thành cuốn phim sống động, hình ảnh không thể diễn tả được ý chí của nhân vật và tư tưởng của truyện .
Văn chương và điện ảnh mặc dù là hai môn nghệ thuật anh em bên nhau, cùng diễn tả câu chuyện một bên bằng chữ nghĩa, một bên bằng hình ảnh nhưng sự thành công lại không giống nhau, có khi truyện quay thành phim hay và có thể thất bại thành phim dở. Ở đây một tác phẩm văn chương nổi tiếng giá trị được giải thưởng Nobel quay thành cuốn phim nhạt nhẽo hầu như không ai biết tới, ngược lại “Trong Chòm Cây” một cuốn truyện ngắn đơn sơ vô danh của Nhật khi được nhà đạo diễn Akira Kurosawa quay thành cuốn phim Rashomon bất hủ, được xếp trong số mười phim hay nhất của mọi thời đại.
Một truyện ngắn quay thành phim đã là một điều khó lại nữa nó được diễn tả bằng ý tưởng nhiều hơn diễn biến sự việc, nhưng ta thử hỏi tại sao người Mỹ đã đưa nó lên màn bạc đến ba lần, đã tận tình giúp đỡ bằng giải Oscar về âm nhạc cho cuốn phim quay 1958 và giải Oscar cho phim cùng tên quay năm 1999? Một sự thật hiển nhiên là người Mỹ đã quảng bá, nâng đỡ Hemingway rất nhiều nếu so với những tác giả khác. Sự thiên tư thiên vị đã thể hiện rõ khi họ đã quay thành phim ba lần truyện ngắn Lão Ngư Ông Và Biển Cả và hai lần phát giải Oscar cho những cuốn phim thất bại nêu trên. Có người nói Hemingway chỉ là một tác giả thường vì ngoài cuốn truyện ngắn nổi tiếng được giải Nobel, văn nghiệp của ông chẳng có gì phong phú độc đáo cả.
Từ năm 1930 tới 1993 Hoa kỳ đã được mười một giải Nobel văn chương, khởi đầu là Eugene O’neill, năm 1938 Pearl Buck, năm 1949 William Faulkner, 1954 Ernest Hemingway, năm 1962 John Steinbeck, năm 1976 Saul Bellow, năm 1978 Issac Bashevis Singer, năm 1980 Czeslaw Milosz, 1987 Joseph Brodsky, năm 1993 Toni Morrison. Trong số này người ta chỉ thấy bốn tác giả trứ danh như Pearl Buck, William Faulkner, Ernest Hemingway, John Steinbeck, bẩy nhà văn kia hầu như không được nhắc tới. Trong số bốn nhà văn hào nổi tiếng này, Hemingway được đề cao nhiều hơn cả, nhiều sách viết về Hemingway, ca ngợi ý chí, tinh thần phấn đấu trong tác phẩm của ông. Cuộc đời phiêu bạt lãng tử của nhà văn hào đã được người ta dệt thành huyền thọai, tác phẩm của ông được lồng trong tủ kính tại nhiều trường đại học.
Hemingway không sâu sắc, lôi cuốn hoặc có giá trị lịch sử hơn nhiều tác giả lớn trong nền văn chương Mỹ như Herman Melville, Edgar Allen Poe, Margaret Michell, John Steinbeck, William Faulkner.. trên thực tế ông được đề cao đến mức lấn áp những tác giả lớn khác khiến cho người ta tưởng như ông được xếp ngang hàng với các nhà văn hào lớn trên văn đàn thế giới như Léon Tolstoi, Dostoievky, Victor Hugo, Sholokhov…
Năm 1958, tại các trường trung học công lập miền nam Việt Nam, Phòng thông tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã nhờ ban giám học thông báo cho các học sinh biết đi xem phim Lão Ngư Ông Và Biển Cả, họ sẽ được Phòng thông tin đài thọ một nửa giá vé. Chính phủ Hoa kỳ đã nâng đỡ một cuốn phim thất bại dựa theo cuốn truyện ngắn 100 trang được giải Nobel văn chương, họ làm như đây là lần đầu tiên Văn chương Mỹ được phát giải thưởng cao quí này.
Đối với văn chương, nghệ thuật cũng như nhiều lãnh vực khác trong xã hội, ai cũng thích sự công bằng và khách quan mà tôn giáo, đạo đức đã giáo dục con người từ bao thế kỷ qua. Một dân tộc văn minh đã có tiếng là chuộng công bình bác ái lại càng cần phải khách quan, công bằng hơn nữa.
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.