Từ Kabul tới Islamabad về Baghdad và tới Bắc Kinh...
Nguyễn Xuân Nghĩa
Ðại Tá Harry G. Summers Jr. từng tham chiến tại Việt Nam sau khi đã phục vụ trong chiến tranh Cao Ly. Nhưng người ta chú ý đến sự nghiệp của ông sau binh nghiệp: Trở thành học giả về cuộc chiến Việt Nam. Và hơn thế nữa, một chiến lược gia về quân sự của Hoa Kỳ. Sinh năm 1932 và mất khá trẻ vào năm 1999, Harry Summers là khuôn mặt quen biết trong giới cựu chiến binh Hoa Kỳ của cuộc chiến Việt Nam.
Người viết thì nhớ đến ông vì chuyện đang xảy ra tại Mỹ. Nhưng là Hoa Kỳ... nhìn từ bên ngoài.
Trong một bài viết trên tờ Atlantic Monthly cách nay đã hơn 20 năm, vào hạ tuần Tháng Năm năm 1989 - ngay trước vụ thảm sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh - nhà học giả này luận về sự phù du của võ khí nguyên tử. Nhưng trong mạch văn, ông nhắc đến một chi tiết khiến người Việt ta... giật mình: Một tuần trước khi Sàigòn sụp đổ vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ông có mặt tại Hà Nội - để thương thuyết việc Hoa Kỳ sẽ lập tức rút quân khỏi Sàigon! Những “giải pháp chính trị” sau đó tại Sàigon đã trở thành lịch sử. Một màn lịch sử bi hài cho Việt Nam - bi thảm cho miền Nam “thất trận” và khôi hài cho miền Bắc “thắng trận”!
Nhưng vì sao giờ này ta lại bàn về chuyện ấy?
Vì Hoa Kỳ cũng đang thương thuyết phương cách triệt thoái tại một số chiến trường, để tái phối trí phương tiện cho nơi khác.
****
Chính quyền Hoa Kỳ vừa thay đổi nhân sự phụ trách an ninh và quân sự.
Giám đốc Trung ương Tình báo CIA là ông Leon Panetta qua Ngũ Giác Ðài làm tổng trưởng quốc phòng thay ông Robert Gates và nhường văn phòng CIA cho Ðại Tướng David H. Petraeus. Vị tư lệnh chiến trường A Phú Hãn này đã là tư lệnh quân khu trung ương CENTCOM bao trùm lên tình hình an ninh của Hoa Kỳ tại 20 quốc gia từ Bắc Phi đến Trung Ðông và Trung Á.
Mười năm sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ đang tái phối trí lại ưu tiên của mình. Việc triệt thoái các đơn vị tác chiến tại A Phú Hãn và Iraq nằm trong chiều hướng ấy.
Vừa nhậm chức tổng trưởng hôm mùng một, Tổng Trưởng Panetta lập tức thị sát hai chiến trường A Phú Hãn và Iraq. Hôm mùng 10, ông đã... bắn pháo bông để mở đường ra khi tuyên bố tại A Phú Hãn rằng việc đánh bại lực lượng khủng bố al-Qaeda là “ở trong tầm tay”! Rồi giải thích với binh lính Mỹ tại Iraq hôm Thứ Hai 11, rằng họ tham chiến nơi đây là để chống khủng al-Qaeda. Lời giải thích về mục tiêu tham chiến tại Iraq lấy lại lập luận của chính quyền George W. Bush, nó đi ngược quan điểm của Nghị Sĩ Barack Obama thời tranh cử. Và ngược với lập trường của đương kim Tổng Thống Obama.
Nhằm nhò gì chuyện đó?
Hoa Kỳ định nghĩa lại mục tiêu của hai chiến trường Trung Ðông và Trung Á sau khi thủ lãnh al-Qaeda là Osama bin Lade bị hạ sát (xin xem lại bài “Từ A Phú Hãn qua Pakistan - Nghệ thuật dời cột mốc - và đánh bùn sang ao...” trên cột báo này cách đây hai tuần, ngày 28 Tháng Sáu). Mục tiêu kia tại A Phú Hãn là lực lượng Taliban, coi như được thả nổi... vào tay Pakistan. Còn mục tiêu kia tại Iraq thì được ông Panetta nói rõ hơn, bằng sự bực dọc.
Chúng ta sẽ hiểu vì sao sau khi liếc qua A Phú Hãn...
Với Pakistan, chính quyền Obama vừa quyết định tạm đông lạnh 800 triệu Mỹ kim viện trợ quân phí! Không phải vì một số tướng lãnh Pakistan có thể đã ngầm chứa chấp Osama bin laden, mà vì Hoa Kỳ đang mặc cả với Islamabad về tình hình A Phú Hãn sau này. Lực lượng Taliban có thể tin rằng mình đang trên đà chiến thắng nên khỏi cần đàm phán gì hoặc với Hoa Kỳ hoặc với chính quyền Hamid Karzai tại Kabul. Nhưng Pakistan cũng có vốn liếng đầu tư vào một số lãnh tụ Taliban tại A Phú Hãn mà lại có ung nhọt cũng Taliban ngay trong lãnh thổ, ở vùng Tây Bắc.
Lãnh đạo quân lực Mỹ vừa bắn pháo bông hát khúc khải hoàn vừa thả một cục than hồng vào trong túi của một đồng minh ưa lật lọng là Pakistan. Việc ổn định A Phú Hãn trong ngắn hạn - can gián Taliban ở tại đây - là điều có lợi cho Pakistan!
Suy diễn lại thì trước mùa bầu cử năm tới, chính quyền Obama cần một số thành quả biểu kiến, là sẽ rút về hơn ba chục ngàn quân từ nay đến Mùa Thu 2012. Ðếm đi đếm lại thì vẫn còn 10 vạn quân ở tại chỗ, sẽ chỉ rút dần cho đến thời điểm 2014-2015. Hoặc sau đó nữa...
Một lý do vẻ vang mà không có mùi bầu cử là việc al-Qaeda coi như đã thành dĩ vãng!
Sau này, nghĩa là sau mua tranh cử, Hoa Kỳ vẫn có thể lưu lại ở Trung Á chừng mươi ngàn quân, trong các căn cứ biệt lập, nhưng với mục tiêu khác, thí dụ như huấn luyện hay yểm trợ. Và với lý do thật là để bảo vệ tương quan lực lượng trong một khu vực nhiễu nhương, từ Trung Á đến Nam Á. Không nhiều đến độ quân lực Mỹ bị cầm chân, nhưng vừa đủ để khỏi tạo ra một khoảng trống nguy ngập cho ngần ấy quốc gia, từ Pakistan đến Ấn Ðộ...
Bây giờ đến lượt Baghdad.
Tổng Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta là chính trị gia ôn hòa và xuất sắc của đảng Dân Chủ trước khi làm giám đốc CIA trong hai năm trời. Người như vậy không dễ nổi nóng và phát biểu theo kiểu một ông đẻ gần kho đạn. Vậy mà ông đã nổ tại thủ đô Baghdad khi than phiền chính quyền Iraq là chậm lụt và không dứt khoát. Chậm lụt trả lời một vấn đề: Có tu chỉnh lại thỏa thuận đã từng có với Hoa Kỳ về quy chế của liên quân ở Iraq hay không?
Theo thỏa thuận gọi là “Status of Forces Agreement” được đồng ý với Baghdad từ thời ông Bush thì Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Iraq vào cuối năm nay. Trừ phi Baghdad yêu cầu lưu lại một số. Từ nhiều tháng nay, Hoa Kỳ nêu câu hỏi là Baghdad có muốn yêu cầu như vậy không thì lại không được trả lời. Trong khi Iran ở kế bên cứ tiếp tục bành trướng ảnh hưởng vào chính trường lẫn an ninh Iraq, nhất là qua lực lượng Shia của Giáo Sĩ Mugtada al Sadr.
Hoa Kỳ cần lưu lại chừng mươi ngàn quân tại Iraq, không để diệt trừ al-Qaeda, bề nào thì cũng đã bị tê liệt. Mà để Iran khỏi khuấy đảo Trung Ðông.
Việc Nghị Sĩ Obama đả kích chiến dịch Iraq của ông Bush khi tranh cử là vấn đề chính trị. Việc bảo vệ an ninh và trật tự tại Trung Ðông là vấn đề quyền lợi. Vì quyền lợi đó, Hoa Kỳ cần đồng minh Iraq lên tiếng để các đơn vị tác chiến của Hoa Kỳ vẫn hát khúc khải hoàn trở về trong danh dự của tổng thống, nhưng một số lữ đoàn vẫn có nhiệm vụ ở lại, miễn là không bị bắn sẻ dưới ống kính của truyền hình Hoa Kỳ.
Người ta đang chứng kiến một khúc phim quay chậm - quá chậm khiến Panettta mới than phiền - của vở kịch lớn “Rút mà Không Ra”. Tại tiền trường thì có cảnh “Rút” rất tưng bừng náo nhiệt; nơi hậu trường vẫn còn cái vế kín đáo là “Không Ra”.
Ta có thể hiểu ra điều ấy khi nhìn vào dư chấn của “Cách mạng Hoa nhài” tại Bắc Phi và Trung Ðông mà nhiều người lạc quan cho là một âm mưu của Hoa Kỳ để hất cẳng Trung Quốc khỏi Trung Ðông.
Cuộc cách mạng đó là ảo giác của người dân ở địa phương và ở ngay tại Ai Cập vào mấy tuần qua. Thực tế thì nền dân chủ chưa thắng và một chuỗi quốc gia đang bị khủng hoảng mà chưa thấy lối ra. Trong số này có nhiều đồng minh của Mỹ. Giữa khung cảnh đó ta mới thấy vị trí bất ổn của Saudi Arabia, bị Iran khuynh đảo qua các nhóm Shia tại Bahrain và thấy Yemen rung chuyển.
Tuần qua, khi Saudi Arabia bắt đầu thương thảo với đối thủ truyền kiếp là Iran, người ta mới nhớ đến lời phát biểu của Tư lệnh Quân lực Mỹ, Ðô Ðốc Mike Mullen.
Trước khi đi Bắc Kinh, tổng tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen nói với báo chí tại Ngũ Giác Ðài hôm Thứ Năm mùng bảy, rằng “Iran đang trực tiếp yểm trợ các nhóm Shia cực đoan, những kẻ đang bắn hạ quân ta tại Iraq. Việc triển hạn sự hiện diện của binh lính Mỹ tại đây phải được tiến hành đồng thời với việc kiểm soát Iran”. Ông không nói với báo chí mà thật ra nói với dân Mỹ, với Iraq, Iran và một đồng minh trụ cột còn lại trong khu vực là Saudi Arabia.
Chúng ta có thể nghĩ rằng khi thấy chính quyền Obama bất nhất với chế độ hung đồ Tehran, Hoàng gia Saudi đang tính kế riêng. Giả thuyết thực tiễn hơn có thể là Saudi Arabia đang nắn gân các giáo chủ Tehran, hoặc dò mìn cho Mỹ. Mà ngẫu nhiên sao, đúng lúc ấy, nội bộ Tehran lại có lủng củng!
Vì vậy, nhìn trên đại thể, chúng ta có thể suy đoán rằng Hoa Kỳ đang thương thuyết qua nhiều ngả nhiều cách để gặt hái thành quả chính trị rất biểu kiến cho bầu cử, nhưng vẫn duy trì một sự hiện diện quân sự vừa đủ trong hai khu vực Trung Ðông và Trung Á. Hầu có thể giải quyết một chuyện đang trở thành ưu tiên hơn: Á Châu.
Tại Bắc Kinh, Ðô Ðốc Mike Mullen đã có lời phát biểu khá dữ dằn trước khi có cuộc thao diễn quân sự Úc-Mỹ. Trung Quốc muốn quậy sóng Ðông Á trước khi Hoa Kỳ trở lại khu vực này như Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố từ năm ngoái. Nhưng có lẽ thời cơ ấy của Bắc Kinh đang bị thu hẹp.
Tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, dù ông Obama tránh không gặp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, hôm Thứ Năm mùng bảy, lãnh đạo của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã long trọng chào mừng vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Ðây là một thông điệp tinh thần không chỉ dành cho vị Phật sống, mà là một lập trường ngoại giao lưỡng đảng gửi tới các đấng con trời ở Bắc Kinh!
Nhìn từ bên ngoài, nhiều khi ta rối mắt chẳng hiểu ra cái hợp lý của nước Mỹ vì cứ thấy các lãnh tụ cãi cọ lung tung, nhất là trong mùa bầu cử hai năm lại có một lần. Nghĩa là tranh luận thường trực. Nhưng có lẽ xứ này trường vốn và tính toán lâu dài hơn bên ngoài có thể nghĩ.
Người viết nhớ lại nụ cười đắc thắng của giới chức Hà Nội vào Tháng Tư 1975 khi gặp Harry Summers. Ở nơi nào đó, nhà chiến lược gia này mới đang mỉm cười...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.