Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Mùa thơm

Mùa thơm


Lê Lô



Hồi nhỏ tôi hay được mẹ dành cho cái cùi thơm. Bữa trưa, mẹ nấu canh thơm thịt bò, cắt bỏ vỏ, dùng dao nhỏ tỉa bỏ những mắt thơm, rồi để trái thơm thẳng đứng, chẻ dọc xuống.

Bốn nhát thẳng. Còn cái cùi thơm vuông vức. Nhà đông anh chị em, tôi là con út nên ưu tiên được cái cùi, chấm muối ớt, mút. Chị tôi đứng kế bên rất thèm. Mắt chị long lanh, trái cổ chị chạy lên chạy xuống. Ðôi mắt chị (mãi sau này tôi mới biết) buồn bã, lấp lánh hy vọng em của chị sẽ bẻ một khúc cùi, ngắn cũng được, chia cho chị, nhưng tôi mặc kệ, tôi là con út, cha mẹ đều cưng, tôi có quyền hưởng trọn cái cùi thơm quý hiếm không phải ngày nào cũng có.

Chúng tôi lần lần khôn lớn. Những cuộc tản cư tới tấp khi tôi vẫn còn nhỏ, chị cũng chưa hẳn lớn. Thỉnh thoảng trong những lần tản cư đến tỉnh mới, sau khi đã có chỗ ở, cuộc sống bắt đầu chập chững vô lại nề nếp, chúng tôi bắt đầu đi học thì tôi, dù đã sắp sửa đến tuổi bể tiếng, vẫn được mẹ ưu ái cho cái cùi thơm những lần mẹ nấu canh thơm thịt bò. Và chị, như mọi bận, cũng lấp ló gần đó. Chị đã lớn, đi học đã mặc áo dài trắng, nên không lấp lánh ánh mắt nữa. Chị không đứng sát bên như năm nào, mà im lặng làm bếp, thỉnh thoảng liếc cái cùi thơm trên tay tôi, thở ra một tiếng nhỏ. Phần số đều dành sẵn cho mọi người. Tôi tin như thế sau khi đã lăn lóc hỡi ôi trên các chốn giang hồ trong và ngoài nước.

Khi tôi vào ở một trại cải tạo xa xôi, chị là người duy nhất trong gia đình đi thăm. Các anh chị lớn người có gia đình, người lăn lóc đâu đó ở một trại khác, người bận rộn mưu sinh ở một tỉnh xa, mẹ tôi đã đến tuổi thọ, đôi tay nổi gân xanh đang buôn thúng bán bưng giữa khí hậu cả nước buôn bưng bán thúng. Chỉ còn chị, ngược xuôi trong một xã hội cũ với tư duy mới, tấp tểnh gồng gánh, đi bằng mọi phương tiện có thể để đi thăm nuôi tôi.

Một buổi chiều, một buổi chiều đã trễ, những hàng cây rừng còn phớt sáng rưng rưng đầu ngọn, chị em tôi gặp nhau, ngồi trên hai băng ghế tre đối diện nhau, cách nhau một cái bàn tre, bên cạnh những người tù và thân nhân khác, ở đầu bàn anh quản giáo im lặng ngồi nhìn, chị lặng lẽ lấy từng món đồ ăn trong hai giỏ xách nhựa. Chị bày từng món ra, giải thích rằng có những món em ăn ngay bây giờ kẻo hư, còn những cái để yên trong giỏ mẹ nói để dành ăn từ từ. Tù chúng tôi nói những món ăn dài lâu này là hàng chiến lược, như ruốc kho xả, thịt heo nạc chấy dăm bông, ớt bột kho đường cho quánh lại, mỡ heo rán, đường tán, bánh mì khô. Chị bày hai cái bánh ú, một lon guigoz chè đậu xanh hột, năm cái hột vịt luộc, một khúc cơm bới (cơm nóng nhồi lại thành đòn) độ khoảng nửa ký, chị rắc tiêu muối lên cái dĩa nhỏ, cắt đòn cơm ra từng lát để chấm, nói nhỏ“ăn đi”.

Tôi im lặng ngốn nghiến liền một mạch, chỉ nuốt chứ không kịp nhai hết sạch từng ấy món chị sắp ra. Chị lặng lẽ nhìn tôi ăn, thỉnh thoảng ngó vơ vẩn đâu đó, đôi mắt chị như ngạc nhiên trước cảnh đời trước mắt, rồi chị thở dài. Những người ngồi chung bàn phía băng ghế tôi ngồi cũng ăn. Tiếng nói chuyện bớt đi, chỉ còn tiếng nhai tiếng nuốt. Trời ngã tối hơn, mấy phút cuối của một buổi chiều. Những tiếng kêu hoang dã của rừng vương vất đâu đó. Giờ thăm nuôi sắp hết. Mặt trời chưa lặn nhưng đã khuất sau bìa rừng, màu vàng bửng lửng trên các đọt cây đậm vàng rồi sững lại. Tiếng muỗi vo ve nhiều. Chị nói nho nhỏ từng chữ một, một cách nói hiếm thấy thường ngày vì chị quen nói nhanh và nhiều, chị dặn tôi đừng trốn, nguy hiểm lắm, tụi nó sẽ bắn em chết, mẹ rất lo, mà em về thành phố cũng rất khó sống, người ta mới bầu thằng cha kế nhà làm tổ trưởng dân phố, nó hắc ám ó đâm lắm, cứ tìm cách hạch họe mẹ để báo cáo thằng khu vực. Rồi chị lôi từ cái giỏ để dưới chân lên một cái túi ny lông gói trong giấy báo. Chị mở bọc giấy báo cũ vàng, trải lên bàn, lấy từng tờ ra, vuốt thẳng, miết ngón tay trên nếp giấy rồi cẩn thận gấp lại vuông vắn như khăn mui-xoa.

Tôi nhìn những ngón tay nứt nẻ của chị vuốt trên nếp giấy, đè lên những tít bài in đậm khẩu hiệu, các hình lãnh tụ tươi cười, các thành quả vang dội sau kế hoạch năm năm lần thứ nhất, và tinh thần hồ hởi của cả nước đang chuẩn bị tiến vô kế hoạch năm năm lần thứ hai. Chị nói dành cái ni cất đi mà lau đít. Nghe người ta nói trong ni lau bằng lá sao sạch. Chị mở dây cao su cột bịch ni lông, mở miệng túi lôi ra một bịch mứt thơm. Mẹ tôi nổi tiếng làm mứt, đủ thứ mứt, bà nuôi cả nhà bằng tài làm mứt và bánh của bà. Những ngày Tết năm nào, tôi được mẹ giao ngồi tưới nước đường lên những lát thơm dày xếp chồng quanh thành cái thau nhôm, tưới cho đến khi nước đường khô, những lát thơm của mẹ bây giờ quẹo lại dưới lớp đường dày, những giọt nước đường bên ngoài lát thơm óng lên rươm rướm, ngọt và thơm lừng chứ không chỉ ngọt đường. Sau khi đã lấy hết mứt ra, mẹ sẽ chừa lại một hai lát không nguyên vẹn hình hài cho tôi; và như mọi lần, chị cũng sẽ lấm lét nhìn tôi ngậm lát mứt thơm ngọt lịm, rồi nhìn tôi cẩn thận chế vô thau một tí nước ấm, tráng qua tráng lại rồi đổ vào một cái ly, thong thả uống từng ngụm nước đường thơm. Chị nói nhỏ mẹ biết em thích mứt thơm, mới làm xong hồi hôm đó, ăn đi.

Tôi nhìn những giọt nước đường lóng lánh trên các miếng thơm hình tam giác. Tôi khóc nức nở. Chị ứa nước mắt. Ðó là những lát mứt thơm cuối cùng tôi ăn giữa rừng tre già.

Sáng sớm hôm sau, trong khi vào rừng chặt tre tôi cầm rựa chạy thục mạng bất kể phương hướng, miễn là chạy xa tiếng đẵn tre, tiếng quát tháo của mấy thằng tổ trưởng tù, tôi chạy như giông chớp khi nghe tiếng M79 nổ đằng sau, băng qua nhiều con suối đỏ rực lá mục, vượt qua nhiều con nước chảy xiết, xông thẳng vào những lớp tre trúc đan kín, núp trong một lò làm gạch nhiều ngày, dựa gốc cây rừng ngủ gà ngủ gật, ăn nhờ một ông trùm xóm đạo nhiều ngày trước khi lọt về thành phố, rồi sống ở nhiều xó xỉnh, trong nhiều năm.

Chị làm thợ ủi trong một hãng may xa, theo ca. Có bữa sáng tôi ngồi uống cà phê cóc gần điểm xe hãng đón công nhân, bốn giờ sáng, thấy chị leo lên xe, mặt còn ngái ngủ, tay xách cái lon guigoz đựng cơm, ánh sáng từ ngọn đèn trên cột điện dọi xuống, nghiêng vô xe, chỉ thấy khuôn mặt chị nhàn nhạt, mỏi mệt. Chiếc xe ca dài lăn bánh, để lại một khoảng sáng trên đường lỗ chỗ những giọt dầu máy đen. Có những tối tôi đột kích về thăm nhà chớp nhoáng. Chị mới đi làm về, mặt xanh xao thất thần và nhọc mệt, mở nắp cái lon guigoz, phía trong nhét chặt những miếng giấy cứng của xí nghiệp may dùng để lót cổ áo sơ mi. Chị lấy những miếng giấy cứng hình thoi đó ra, xuống bếp nhen lửa nấu cơm. Chị hỏi tối nay ngủ đâu, có cần bới thì nấu thêm. Cơm chín, chị dọn riêng cho tôi ăn dưới bếp, kín, những người hàng xóm tò mò qua lại trước hẻm sẽ không thấy tôi về, chị và mẹ ăn trên bộ ván, cách bếp một bức vách. Tôi ăn xong, mở cửa sau và biến vào đêm. Tiếng kẹt cửa chắc chị nghe thấy, nhưng cũng không xuống tiễn tôi làm gì (mà xuống để làm gì). Cũng chắc là chị biết sẽ gặp tôi ở đâu đó, ở một nhà quen nào đó, loanh quanh trong thành phố.

Có bữa đứng trên lầu một nhà người quen, nhìn những con người rã rời đi lại dưới đường trong ánh đèn vàng vọt, tôi đã tính nhảy xuống... cho khỏe!Ðúng lúc, chị lủi thủi đạp xe trờ tới. Thường chị sẽ tranh thủ buổi tối để làm công tác giao liên trên chiếc xe đạp già. Chị đã khéo léo dọ hỏi những người bà con có thể tin tưởng, nghĩa là không có thành tích nằm vùng hay có ý tưởng lập công. Sau khi đã xác định tọa độ, chị sẽ về nhà báo tin cho mẹ, rồi hai mẹ con sẽ bằng cách nào đó, nấu một hai món ăn cấp tốc. Chị sẽ tọng đồ ăn vào lon guigoz, lọc cọc đạp xe tới cái địa chỉ tin cậy. Cũng có khi chị vừa mang lon tới thì tôi đã dời qua một chỗ khác rồi. Cái lon guigoz sẽ theo chị, đong đưa dưới cái ghi đông, trên những con hẻm lởm chởm, vỏ lon đụng lách cách vào cỗ xe.

Ðường khuya, ánh đèn thì thào, thành phố vẫn cúp điện thường, bóng tối đồng lõa với công tác giao liên của chị, toa rập với tọa độ tôi đang ở. Tôi chưa bao giờ biết chị nghĩ gì trong những lần đạp xe lủi thủi như thế, mà không ai biết chị nghĩ gì, mãi mãi không ai biết cả, trong suốt cõi đời này. Những ý nghĩ của chị mãi mãi theo chị, theo những bụi tro tàn của chị, biến vào lòng đất, hay tan ở phương nào hư không, mãi mãi. Cũng có khi tìm hai ba địa chỉ vẫn không gặp, chị sẽ đi đến một nơi cuối cùng, một quán nhạc chui, trong một cái hẻm sâu nhưng thoáng. Ðó là mấy ngày cuối năm. Chị sẽ thấy tôi ngồi lui cui dưới ánh đèn vàng và mờ, hay đứng xớ rớ ở một góc nào đó, có mấy người quen, một người đánh đàn, vài người thay nhau hát vừa đủ nghe. Chị sẽ len lén và ngượng nghịu bắc một cái ghế đẩu ngồi nơi cổng. Ở chỗ đó dù chỉ nghe thoảng tiếng hát của người ca sĩ mà chị thích đang đích thân hát, các bản nhạc của người nhạc sĩ mà chị thích cũng đang ngồi bó gối nghe nhạc mình được hát trong đêm, giữa một ít khán giả chọn lựa trên độ tin cậy, nhưng chị lại có thể ngó ra đầu hẻm tối, tự động làm công tác phòng gian bảo mật. Chị nghe Hương Xưa với Duy Trác.

Ðến bây giờ, và mãi mãi, tôi không biết chị nghĩ gì khi nghe thì thào nhạc Nguyễn Ðình Toàn trong đêm ấy. Tôi đã sống những ngày không tên không tuổi, sống những ngày không nói không nghe, sống những ngày gỗ đá vô tri. Và cũng bất chợt, có một dấu hiệu báo động nào đó, bất chợt, rất nhanh, người nghe và người sáng tác, người hát, tan vào con hẻm. Hình như lúc đó không ai muốn nhận ra ai nữa. Tôi không biết chị đã biến ra khỏi quán hẹp bằng lối hẹp nào, bởi tôi lanh như một con chó hoang bị người ta rình đập, đã thoắt đi nhanh chóng ra đầu hẻm, không muốn biết, muốn nghe, muốn thấy trong đám đó có người nào chậm lụt hay không.

Có mấy lần đạp xích lô, tôi đã ngồi canh ở gần nhà, chờ chị ra và lặng lẽ đạp theo chị một quãng ngắn. Chị như có linh tính có người theo dõi mình, chị ngoái lui, tôi thấy ánh mắt chị lóe một tia long lanh. Tôi hất đầu ý nói chị lên để tôi chở. Chị đứng lại, ngẫm nghĩ một chút, nói: “Thôi nà. ” Chị ngoắc một chiếc xe khác, trèo lên. Tôi gò xe lại, buổi chiều Sài Gòn chợt một cơn mưa lất phất, tôi không biết chị đi đâu, cũng không biết mình sẽ đạp về đâu. Rồi tôi cũng đi, xa lắm. Tôi nhận đều những lá thư của chị. Chỉ còn chị ở lại với mẹ thôi. Có những lá thư nhòa nước mắt chị, những chữ loang không đọc được, thấm qua phía bên kia tờ giấy, mẹ vẫn nấu mướn cho phường, chị vẫn làm ở xí nghiệp, bây giờ họ kiểm soát gắt, không nhét được giấy độn cổ áo vào lon guigoz để đem về nhà nấu cơm nữa, căn nhà bữa trước có cơn gió đi qua, đổ ầm xuống, may mẹ không có ở nhà, xóm mình đã đổi công an khu vực, dễ chịu hơn cái thằng hồi còn em, em đừng mua loại vải màu tươi như thùng quà trước, khó bán, mua màu sẫm mà xoa swiss bóng mới có giá, mẹ hỏi ở bên em người ta có bán thơm không, sợ bên đó xứ lạnh, trồng thơm không được chắc em thèm lắm.

Tháng năm qua dần. Tôi gửi cho chị một xấp vải đỏ để may áo cưới. Chị gặp một người họa sĩ trẻ, nhưng chị vẫn không ngừng sống những ngày của chị cho mẹ. Thỉnh thoảng chị gửi qua vài tấm hình chụp với chồng và con. Khuôn mặt an nhiên của chị đôi khi cũng lúng liến cười, dù đôi mắt vẫn ráo hoảnh dửng dưng. Ðứa con chị đã biết lật, rồi đi chập chững, thoắt cái đã vào tiểu học. Hai vợ chồng và đứa con ở trong một căn phòng nhỏ, nền xi măng vừa là chỗ ăn ngủ, vừa là chỗ học của đứa con. Cái cầu tiêu chung ở sát cửa phòng bay vào các thứ mùi trong hai bữa cơm. Chị tiếp tục một đời cực khác sau khi rời nhà mẹ, lấy chồng như là nghiệp dĩ phận đàn bà.

Tháng năm qua đi, các con đường trong thành phố lần lượt được nâng cấp, nới rộng thêm, người càng ngày càng đông, cuộc sống như đã phố thịnh hơn nhưng mỗi ngày của chị vẫn là phận người khó nhọc. Khuôn mặt chị, như suốt từ thời thơ dại cho đến những tháng ngày trải từng đất nước, vẫn như một buổi chiều sắp hết nắng. Nếu như có lần nào chị vui thì nét mặt chị ngời lên rất nhanh, tỉ như một bầu trời nhiều mây chợt hé một luồng sáng mặt trời, rồi ngay sau đó, mây lại kéo ngang liền, ánh sáng rạng lên rồi chụp xuống. Tôi luôn nhớ về chị trong ánh mắt và nét mặt như thế. Ðó là biểu tượng của một cuộc đời buồn quanh tháng năm, buồn cả những lần vui nhất, nó hệt như một con đường đất vắng, những tàng tre ủ rũ, nắng xiên dọi, tiếng lá mỏi mệt cọ quẹt nhau. Ðó là hình ảnh của một đời người lặng lẽ, sống âm thầm với những ước mơ nóng bỏng lụi tàn vì biết sẽ không bao giờ với tới được.

Chị, là phận người, sinh ra để đau nỗi khổ của người khác. Ngay thuở đầu đời, chị đã không được thỏa một ước mơ đơn giản là có cái cùi thơm để gậm dưới bếp. Nó như một tiền định trêu chọc, và vận vào đời chị, để trong những tháng năm ngắn ngủi trong đời sống này chị âm thầm nhìn những mơ ước trong tầm tay nhưng không bao giờ với tới. Ngày giỗ chị đã tới, rồi đã qua. Những ngày mùa buồn bã. Tôi đã quán tưởng trên bàn thờ chị các trái thơm ươm vàng, những múi thơm rơm rớm ứa nước. Như nghe một tiếng thở dài, cho chị, cho tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.