Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Cái học Ðông Tây

Lê Mạnh Hùng

Người Việt chúng ta, như rất nhiều dân tộc Á Châu, rất trọng cái học. Không ai trong chúng ta mà không muốn cho con cái mình học hành đỗ đạt.

Quan niệm thành tài của chúng ta tuy vậy vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều bởi một hình ảnh nào đó về cảnh áo gấm về làng. Tuy đi học làm quan nghe có vẻ lỗi thời, nhưng thực sự trong thâm tâm chúng ta vẫn còn có quan niệm đi học làm quan, dầu là quan đốc tờ, hay là quan trạng sư.

Tinh thần trọng học là tốt. Rất nhiều quốc gia muốn khuyến khích dân mình một tinh thần trọng cái học như vậy.

Nhưng tinh thần trọng học mà mục tiêu cuối cùng là thi đậu làm quan đã khiến cho chúng ta trở thành ra có một khuynh hướng cạnh tranh quá mức. Và có vẻ như thành công của việc học của con cái mình trở thành ra một thứ “trophies” để bố mẹ khoe khoang. Có lẽ cũng vì vậy thành công được định nghĩa rất nhỏ hẹp, chỉ giới hạn trong vài ngành nghề “bảo đảm” như y, dược, kế toán.

Và từ mục tiêu đó, mọi khuynh hướng là làm sao cố gắng hướng con cái mình vào những ngành nghề mà dưới con mắt của chúng ta được coi là thành công, bất chấp ý thích, khuynh hướng và ước muốn của con mình.

Hơn thế, để đạt mục tiêu đó, chúng ta chờ đợi con mình phải cắm đầu cắm cổ vào việc học. “Học gạo” vẫn là một điều tự nhiên trong số các thanh thiếu niên Á Châu. Nhưng ở một khía cạnh nào đó học hành như vậy chưa chắc đã tốt. Về cá nhân, hầu hết những em như vậy dồn nỗ lực vào những năm đầu, nên càng lên cao càng đuối sức. Hơn thế, ngay các cụ ta cũng nói là “học quá mụ người.”

Trên phương diện một dân tộc hay một quốc gia, quan niệm học như vậy không phải là kế sách hay nhất. Trong nước, đã có nhiều tranh luận về chương trình học. Và đó cũng là những cuộc tranh cãi phổ biến ở các quốc gia Á Châu khác, từ Singapore đến Nam Hàn, Nhật Bản, và dĩ nhiên là ở Trung Quốc.

Một trong những điều mà hiện nay tất cả các quốc gia này đều thán phục là điều xin đơn giản gọi là hiện tượng Steve Jobs. Ðối với Á Châu ngày nay, không có mấy người Mỹ là người hùng, trừ những người hùng trên màn ảnh, nhưng Steve Jobs là thần tượng của thế giới. Ông được tôn sùng chính vì ông đã tiêu biểu cho giấc mơ Hoa Kỳ, con người tự tay mình lập nên sự nghiệp khổng lồ.

Nhưng ở một khía cạnh khác, đặc biệt ở những quốc gia như Trung Quốc, vị cựu tổng quản trị của Apple lại là một nhắc nhở khó chịu là còn lâu lắm nữa họ mới có thể sản xuất ra một nhân vật với vóc dáng và thành công như vậy.

Dĩ nhiên không ai có thể biết rõ cái gì đã sản xuất ra một Steve Jobs hay ngay cả đến một Bill Gates. Ðối với những người Trung Quốc muốn thấy quốc gia của mình cũng có thể sản xuất ra một nền văn hóa doanh nghiệp như vậy thì có vẻ vẫn còn thiếu một số yếu tố, mà hầu hết tập trung vào hai lãnh vực: giáo dục và tài chánh. (Dĩ nhiên họ đã bỏ quên một chuyện quan trọng là ông Jobs đã bỏ học dở dang tìm đường học đạo.)

Chế độ giáo dục của Trung Quốc cũng như của đa số các quốc gia Á Châu đều dựa vào việc học gạo, học thuộc lòng. Lối học này bóp nghẹt sáng tạo. Câu trả lời thường được học thuộc lòng trước rồi ra “trả bài” chứ không do học sinh tự khám phá ra. Giáo dục ngày nay ở các quốc gia này ngấm ngầm khuyến khích việc “copy”, không những trong việc thi cử mà trong tất cả mọi sự từ cellphones đến nghiên cứu về ung thư.

Ở Á Châu, nói chung tôn ti trật tự vẫn còn rất mạnh. Những người nhỏ tuổi, những cấp dưới rất ít khi dám đặt câu hỏi về hành động của “người trên,” nếu không sẽ bị cho là vô lễ hay “mất dạy.” Ngay cả trong các khóa hội thảo khoa bảng, câu hỏi được đưa ra theo thứ tự tuổi tác hay cấp bậc. Và vì thế nhiều khi hết giờ rồi mà những tham dự viên trẻ hay cấp dưới vẫn chưa có cơ hội lên tiếng.

Hơn thế, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, các trường đại học bậc nhất là các trường đại học lớn của nhà nước là một phần của hệ thống chính trị. Viện trưởng các trường đại học là đảng viên. Việt Nam còn có một ông phó viện trưởng còn là thành viên Trung Ương Ðảng nữa, dĩ nhiên việc tại ông ta là con trai thủ tướng cũng đóng góp không nhỏ. Các vị giáo sư ở các định chế này, như chúng ta thấy, có chức vụ nhờ học lực không bao nhiêu mà chính là nhờ thế lực trong đảng.

Kết quả là chính các giáo sư của các viện đại học Trung Quốc nổi tiếng, nay ra dạy học ở các viện đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, cũng nói là phải 50 năm nữa thì những trường đại học như Thanh Hoa hay Bắc Ðại (Bắc Kinh Ðại học đường) mới có thể cạnh tranh được với các trường đại học Hoa Kỳ trong khả năng nuôi dưỡng sáng tạo và canh tân.

Một thách thức nữa là làm sao bảo đảm những sáng kiến đó được tài trợ để trở thành doanh nghiệp. Ngay ở Âu Châu muốn có tài trợ cho sáng kiến cũng khó. Nhưng ở Á Châu nơi mà các tập đoàn bao trùm kỹ nghệ và doanh nghiệp, việc đó còn khó vạn lần. Một trong những kinh nghiệm ở ngay chính Á Châu là kinh nghiệm của Samsung. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1997, công ty phải sa thải rất nhiều kỹ sư. Ðiều họ ngạc nhiên là khi kỹ sư của họ không còn làm cho Samsung nữa thì họ lại sản xuất và sáng tạo nhiều hơn. Kể từ khi đó, Samsung đã thành lập một quĩ đầu tư để nhắm vào các kỹ sư cũ của mình.

Ở những quốc gia cộng sản nửa vời như Trung Quốc và Việt Nam thì vấn đề lại còn khó hơn nữa vì tiền đầu tư hầu hết bị các tập đoàn quốc doanh ngốn hết. Ngay cả ngày nay, hệ thống tài chánh của Bắc Kinh cũng như Hà Nội đều tập trung vào nhu cầu và đòi hỏi của các tập đoàn quốc doanh. Những công ty khổng lồ này nuốt hầu hết các tín dụng ngân hàng, trả lãi suất ở mức rẻ mạt, trong khi mặc dầu sản lượng của họ so với tổng sản lượng quốc gia ngày càng giảm.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mắc kẹt không sao vay ngân hàng được nên phải đổ vào sử dụng tín dụng đen hay xám. Hệ thống mập mờ bán chính thức này chém vô tội vạ và doanh nghiệp vất vả mới trả được nợ. Một hoàn cảnh như vậy không khuyến khích những tài năng như Steve Jobs. Những ngân hàng bán chính thức này thực sự hoạt động như các tiệm cầm đồ hay các tay cho vay cắt cổ hơn là các ngân hàng để khuyến khích các công ty mới ra đời.

Bề ngoài thì Trung Quốc và Việt Nam cũng có rất nhiều quỹ đầu tư. Cô con gái của Thủ Tướng Dũng cũng đang cầm đầu một quỹ đầu tư. Nhưng đại đa số các quỹ này không lo tài trợ cho các công ty mới mà thực ra chỉ là trung gian để đưa tiền quốc doanh lọt ra cho các ngân hàng bán chính thức kiếm lời.

Và sau cùng, một yếu tố mà cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không muốn nhắc đến đó là tự do. Sáng tạo sẽ không có nếu không có tự do. Ông Jobs đã có lần đùa bảo ông Gates của Microsoft là tại vì ông không thử ma túy và sang Ấn Ðộ tìm chân lý nên ông không thể nhìn “ngoài cái hộp.” Muốn tạo cho giới trẻ khả năng nhìn ngoài cái hộp phải cho họ bầu không khí tự do và phóng khoáng, một điều mà cả văn hóa lẫn chế độ không chấp nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.