CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ CỦA TÔI.
· Tuần báo Time số ra ngày 13 tháng Chín 2010 đăng bài trích đoạn “A Cal l to Greatness” lấy ra từ trong cuốn sách mới xuất bản: “A Journey: My Political Life” do cựu Thủ Tướng Anh QuốcTony Blair viết những cảm nghĩ của ông về nước Mỹ và những vị Tổng Thống Mỹ ông có dịp làm việc chung với họ.
(Minh Tâm dịch)
TRONG THỜI GIAN LÀM THỦ TƯỚNG, tôi trở nên yêu qúi nước Mỹ - tôi yêu cái đặc điểm gợi nguồn cảm hứng của nước Mỹ, tôi yêu cái triết lý tự lập, xây dựng từ hai bàn tay trắng, không cần nhờ vả vào ai. Cá nhân tôi không xây dựng sự nghiệp của mình theo kiếu đó, và tôi cũng không quen biết nhiều người Mỹ khi còn nhỏ, cái thời cắp sách đi học, hay khi lên đại học. Mãi đến năm 32 tuổi tôi mới đi thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên. Nhân sinh quan của tôi về nước Mỹ hình thành qua những phim ảnh, chương trình TV, và một vài chung đụng lẻ tẻ với du khách Mỹ. Tôi có chung cái cảm nghĩ giống như nhiều dân Anh khác là hay nhíu mặt, chau mày khi nghĩ đến người anh em họ xa ở bên châu Mỹ. Nhưng vào năm 1985, tôi được tham dự trong phái đoàn đại biểu Quốc Hội Anh đi gặp Bộ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ James Baker, nghe ông nói chuyện về đề tài đánh thuế hai lần, một vấn đề vừa mới nổi lên trong tình hình chung ở hai nước. Tôi không hề biết chút gì về ông Jim, song ai đó đã quyết định tôi sẽ là người phải đứng ra trình bầy với ông Bộ Trưởng Ngân Khố Mỹ về trường hợp của nước Anh, và phải thuyết trình một cách hùng hồn, mạnh mẽ. Giống như bất cứ một luật sư trẻ tuổi tài hoa vào lúc bấy giờ, tôi vội vàng thu thập tất cả những dữ kiện về đề tài, và nghiên cứu hối hả để mau trở thành một chuyên gia về đề tài đó. Kế đến, được vinh dự đi công tác bằng máy bay siêu thanh Concord làm cho tôi cảm thấy như mình là một nhân vật hết sức quan trọng.
Nhưng rồi, sau phiên họp, tôi đã phải bước ra khỏi phòng họp tả tơi như một võ sĩ bại trận. Quả thực là trước khi họp, tôi tự tin một cách chắc ăn rằng buổi nói chuyện sẽ nghiêng phần thắng về phía tôi. Trận đấu hầu như đã được sắp xếp xong, tôi sẽ hạ nốc ao đối thủ ngay ở hiệp nhì. Nào ngờ, khi lâm trận tôi gặp một địch thủ siêu đẳng, cỡ võ sĩ Rocky Mariciano, và tay này cứ thế mà đánh cho tôi biết bao nhiêu đòn đích đáng. Vâng, quả thực ông Jim đã chủ động ngay từ đầu, ông ta nắm vững từng con số, từng chi tiết một, ông giải thích cho tôi cặn kẽ từng điểm phải làm như thế nào mới là đúng, ông khiến cho tôi bẽ mặt như một con hổ giấy, và làm cho tôi như con cá chết đuối nhìn sao ở trên trời. Tóm lại, ông là một người rất thông minh. Bài học mà tôi lãnh hội ngày hôm đó là người Mỹ thông minh lắm, có những người hết sức thông minh.
Đó là một bài học hữu ích cho tôi khi tôi lên làm Thủ Tướng. Tôi có dịp làm việc chặt chẽ với hai Tổng Thống, Bill Clinton và George Bush, và biết được vị tổng thống thứ ba là ông Barack Obama, qua việc làm gần đây của tôi về tình hình ở Trung Đông. Nghệ thuật lãnh đạo là một năng khiếu riêng tư của mỗi cá nhân. Người đời thường nghĩ rằng nhà lãnh đạo là loại người duy nhất có khả năng tồn trữ những kiến thức mà người khác không có. Mặc cho giới truyền thông có xu hướng lôi đầu người lãnh đạo xuống đất đen, và phô bầy những nhược điểm của họ cho công chúng biết, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo, nhất là những tổng thống của Hoa Kỳ thường là những nhân vật có tài trí vượt trội lên cao, giống như người đứng từ trên đỉnh núi Olympia. Chức vụ tổng thống Mỹ thường do những cá nhân xuất chúng nắm giữ, họ khiến cho mọi người phải cảm phục.
Trong vai trò Thủ tướng nước Anh, tôi thường hay có dịp gần gũi thân mật với các tổng thống Hoa Kỳ - và khi đó bạn sẽ nhìn thấy những tính nết, đặc điểm cá nhân của từng người một. Bạn sẽ không chỉ quan sát họ dưới góc cạnh của một nhân vật đang nắm quyền lực ở xa bạn, song bạn có dịp nhìn rõ ông ta như những diễn viên bằng xương bằng thịt trong vở tuồng nhiều kịch tính của sân khấu chính trị. Trong trường hợp của tôi, tôi ở vị trí hết sức thuận lợi để nhận xét về những ông tổng thống, và cũng từ đó khiến tôi có thêm lòng kính trọng, ngưỡng mộ phẩm chất nghệ thuật lãnh đạo mà nước Mỹ đã sản sinh ra những vị tổng thống đó. Người ta thường hỏi tôi: “Ông hãy nói cho tôi nghe cảm nghĩ, hay những gì ông biết về ông Bill Clinton , và ông George Bush?”, và câu trả lời của tôi là: “Đây là sự thật mà tôi biết từ trong hậu trường, nó như sau: Hai ông ấy hoàn toàn khác hẳn nhau!.”. Nhưng cả hai đều có những ưu điểm riêng của họ.
Sức Đề Kháng và Khả Năng Nhận Xét Bén Nhậy
KHI MỚI GẶP ÔNG BILL CLINTON LẦN ĐẦU, tôi nhận thấy ông ta là một chính khách tài ba, siêu đẳng nhất mà tôi từng gặp, cho đến bây giờ ông ta vẫn còn có những đặc điểm đó. Khả năng và kinh nghiệm xuất chúng của ông trong việc am hiểu hành động chính trị nhiều khi làm cho người ta quên mất ông ta còn là một nhà tư tưởng vĩ đại. Ông có những chương trình, tư tưởng về triết lý chính trị rất rõ ràng được suy nghiệm sâu xa, đến nơi đến chốn. Ông có sự duyên dáng vô tận trong việc xã giao, làm quen với mọi người dân gỉa bình thường. Tôi nhớ hồi năm 2003, khi ông đến dự Hội Nghị thường niên của Đảng Lao Động Anh, tổ chức tại khu nghỉ mát Blackpool vùng bờ biển phía Bắc nước Anh. Buổi tối, ông ta đi ra ngoài phố, ăn hamburger tại tiệm McDonald, để thưởng thức gió chiều lành lạnh với người dân điạ phương. Chỉ trong chớp mắt, ông làm quen với dân chúng ở đây, và câu chuyện nở như pháo rang, cứ như thể là ông ta đã từng đến đây vào mỗi tối thứ Ba để ăn tối với họ. Trong nhiều năm liên tiếp phe cực hữu cố tìm cách bôi nhọ ông Bill Clinton bằng cách mô tả ông là một tay giảo hoạt chỉ có cái miệng khéo nói, trơn như bôi mỡ. Vâng, ông Bill quả thực là một chính khách có tài ăn nói giỏi. Nhưng cử tri bầu cho ông lên làm tổng thống vì họ khôn ngoan,thông minh. Họ không bầu cho ông chỉ vì ông là chính khách có tài ăn nói. Họ bầu ông lên làm tổng thống vì ông đem đến cho họ những chương trình hành động hợp lý, tân tiến, và có thể thực hiện được, dựa vào những nguyên tắc triết lý liên quan đến tình hình cuộc sống của cử tri. Trước ông, không có một ứng cử viên nào đưa ra được điều gì hay, mới lạ cả.
Ông Bill Clinton có một sức đề kháng, chống chỏi tiềm ẩn bền bỉ. (Bạn hãy nhớ lại cái giai đoạn ông bị lôi ra đòi truất phế. Quả là quá đáng, kinh khủng thật. Thế mà ông ta đã thắng lướt được. Nhờ đâu mà ông có thể bảo vệ được danh dự của mình? Làm cách nào để ông giữ được ghế tổng thống, và khi ra đi, vẫn có đến hơn 60% cử tri ủng hộ ông.). Trời cho ông ta có tính bình tĩnh, rất “cool”, cái tính này có tự bẩm sinh, và nó lộ ra vào những lúc ông bị tấn công tới tấp. Hơn thế nữa ông là một Tổng Thống rất thông minh, sáng trí. Có nhiều lần ông điều khiển chức vụ tổng thống một cách dễ dàng, thoải mái, chẳng hạn như ông chỉ đạo nền kinh tế một cách tài tình, làm được nhiều cải cách đáng khen, giải quyết cơn khủng hoảng ở Kosovo rất khéo, chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo tài ba. Nếu như ông còn làm tổng thống sau biến cố 9/11 khi nước Mỹ bị đánh khủng bố, ông sẽ lãnh đạo ra sao? Đó là một đề tài rất hấp dẫn nhiều người muốn bàn đến. Hoàn cảnh thế giới biến đổi rất nhanh, sự thông minh, duyên dáng của ông chưa đủ. Cần phải có một nhân vật có đủ “ca lip”, hay “cường độ cứng rắn” để đối phó với tình thế. Tôi tin rằng ông chính là người hội đủ những yếu tố này, để có thể đưa ra những quyết định tốt đep ảnh hưởng đến tình hình thế giới.
Ông George Bush là loại người trực tính, hay nói thẳng, và ông cũng rất thông minh. Nhiều tranh biếm hoạ chính trị khôi hài thường hay mô tả ông George Bush như một thằng ngố, bỗng dưng được lên làm tổng thống. Thực ra chẳng có ai bỗng dưng được ngồi vào ghế tổng thống đâu, và lịch sử về những cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ cho thấy biết bao nhân vật có tiếng là thông minh cũng vẫn rơi đài la liệt, bởi vì thông minh thôi vẫn chưa đủ. Ở Hoa Kỳ cũng như ở bên Anh, trong đấu trường chính trị, nếu bạn chỉ được gọi là thông minh bạn vẫn có thể bị ăn tươi nuốt sống như thường, bạn phải vượt trội hơn ngoài sự thông minh,và sáng trí.
Ông George Bush có đặc tính là hết sức trầm tĩnh. Tôi có mặt ở Toà Bạch Cung vào chiều ngày 20 tháng 9 năm 2001 với tổng thống Bush trước khi ông ra Quốc Hội đọc diễn văn về vấn đề quân khủng bố tấn công ở New York và Washington chín ngày trước đó. Tôi thấy ông chẳng có chút gì là hoảng hốt, lo sợ, hay băn khoăn gì cả. Ông ta tỏ ra rất bình thản, ung dung. Ông có trách nhiệm hoàn thành sứ mạng của một tổng thống. Ông không bị buộc phải làm cái sứ mạng đó, và ông cũng không mong chờ nhận đón trách nhiệm này. Ông không lượm cái sứ mạng làm tổng thống ở dưới mặt đất lên. Trách nhiệm của một tổng thống đã đi tìm ông, và trao lên vai ông. Trong tâm trí của ông vấn đề hết sức rõ ràng là tình hình thế giới ngày nay đã thay đổi, và trong vai trò Tổng thống một một cường quốc mạnh nhất thế giới, ông phải xông pha ra gánh vác trách nhiệm này vì hoàn cảnh thay đổi. Tôi buột miệng hỏi ông xem ông có bối rối không. Ông trả lời thật: “Chẳng có gì phải bối rối cả. Tôi có sẵn trong tay bài diễn văn, và bản thông điệp tôi hết sức rõ ràng.”. Tôi ngạc nhiên trước thái độ bình tĩnh của ông. Tôi quan sát ông thật kỹ. Quả thực trông ông rất ung dung, bình thản.
Ông George Bush cũng có lối mẫn cảm riêng của ông. Nhưng lối mẫn cảm của ông Bush khác với lối của ông Clinton – ít có ý nghĩa về chính trị, song lại nặng về tính chất đúng hay sai, phải hay quấy nhiều hơn. Điều này không nói lên đặc điểm về khả năng phân tích sự việc, hay trình độ trí thức khác nhau của mỗi ông. Song nó chỉ là bản chất của mỗi ông. Nó là như thế đó. Vì tôi thuộc trường phái của ông Clinton , hay lo xa, và muốn mọi việc chu toàn, nên đôi lúc tôi cảm thấy bối rối, và hồi hộp nữa. Tôi sẽ có mặt cùng với Tổng Thống Bush trong buổi họp báo, ngay tại trung tâm điểm của mọi biến động làm chao đảo thế giới, tôi có định nhắc chừng ông: George, nhớ giải thích vấn đề đấy nhé, đừng có chỉ nói suông thôi.
Tuy nhiên qua thời gian quen biết ông Bush khá lâu, và suy gẫm lại những biến cố trong quá khứ, sau khi hết làm thủ tướng, tôi thấy từ từ nhận ra được những đức tính của ông Bush. Ông là một người trực tính, thẳng thừng, đơn giản và có khi liều lĩnh, táo bạo. Đó là ưu điểm và sức mạnh của ông. Thỉnh thoảng, vì chúng ta cứ mải mê lý sự với nhau, chúng ta chỉ lo đi tìm lối thoát cho một đoạn đường khó khăn ngắn ngủi, vài tuần, một năm, hai năm, mà quên đi mất tính chất lâu dài, bao la trong sự phán xét của dòng lịch sử.
Và rồi tiếp đến là ông Barack Ob ama. Ông bước lên sân khấu chính trường ngay sau khi cơn khủng hoảng tài chánh, và hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan xảy ra ở mức độ hết sức trầm trọng. Chưa hết, ông còn phải đối đầu với tình hình kinh tế suy thoái nhị trùng, và phải tìm cách ngăn chặn Iran trong việc nước này phát triển vũ khí nguyên tử. Và giống như nhiều vị lãnh tụ trước đây, ông là một người lãnh đạo mới, cá tính làm chính trị của ông cần phải có thời gian học hỏi kinh nghiệm, hiểu rõ tình hình. Về cá tính của ông, thì rất rõ ràng, ông là một con người có ý chí sắt đá. Người ta kỳ vọng rất nhiều nơi ông trong vai trò tổng thống. Nhưng những kỳ vọng sau này lại đi kèm với những chỉ trích quá đáng. Trong suốt quá trình làm việc, ông tỏ ra là một nhân vật tài giỏi, trầm tĩnh như từ bấy lâu nay. Và thưa các bạn, để làm được việc này không dễ đâu.Tôi chỉ giữ được tình thế ổn định, vững vàng vào lúc cuối nhiệm kỳ.
Tôi nghĩ rằng tôi hiểu được vị tổng thống mới này đang cố gắng làm những gì. Thay vì chống đối kịch liệt những việc làm của tổng thống tiền nhiệm, ông chỉ trích người đi trước rất ít, có khi còn đồng ý nữa, vì dụng đích chính trị. Phải thành thật mà nói, để cải tiến tình hình kinh tế, và bảo vệ an ninh, ông Ob ama cũng cứng rắn không thua gì ông Bush đâu. Ông ta đang tìm cách uốn nắn nền kinh tế đi vào khuôn khổ theo ý của ông. Ông tìm cách tránh những tác hại quá đáng của tình hình kinh tế, và không để Hoa Kỳ mất sự ủng hộ của đồng minh, để họ hợp tác với Mỹ trong việc đương đầu với tình hình an ninh thế giới.
Một Quan Niệm Rõ Ràng Về Quốc Gia
DĨ NHIÊN, BA ÔNG CLINTON, BUSH OBAMA có cá tính khác nhau. Nhưng cả ba ông đều có chung một điểm. Đó là họ có cùng một quan niệm rất rõ ràng về nước Mỹ. Là một cường quốc, nước Mỹ phải sử xự, phải lãnh đạo nuớc mình và thế giới như thế nào. Trên thế giới, có nhiều nhà lãnh đạo khác nhau, thuộc mọi xu hướng, cá tính khác nhau, và tôi đã từng gặp đủ loại nguyên thủ, lãnh đạo. Tôi nhớ có lần tôi ngồi họp trước mặt một vài nhà lãnh đạo, họ dở đến mức độ trong bụng tôi phải rủa thầm: “Lậy Chuá tôi, sao dân chúng của nước nào mà bất hạnh đến thế, họ có những tên lãnh tụ ngu như bò.”. Vâng, bạn sẽ gặp những nhà lãnh đạo ngu si, ích kỷ, tham lợi, nhỏ mọn, và tính khí không xứng đáng làm lãnh tụ. Có những người trông hết sức quái đản, sản phẩm của một hệ thống chính trị điên rồ,bệnh hoạn. Có những nhà lãnh đạo vừa bất tài, vừa ngô nghê, không biết tí gì về vai trò, quyền hạn của mình. Đã có lần tôi hỏi một câu hơi tàn nhẫn khi được tin về một nhà lãnh đạo qua đời: “Làm sao họ dám nói như vậy về lãnh tụ của họ?”.
Nhưng cạnh đó, lại có những nhà lãnh đạo vừa thông minh, vừa khôn ngoan và tử tế. Họ là những người làm cho bạn phải cảm phục và quí mến. Và chính ở điểm này chúng ta cần ghi nhận: Có rất nhiều người hội đủ những đức tính đó, nhiều hơn mức bạn thường nghĩ.
Theo ý của tôi, ngoài những thử thách về chính sách, óc phán xét, tài năng chính trị, và khả năng thao lược, cuộc thử thách quan trọng về tài lãnh đạo của vị nguyên thủ là thử xem ông ta có đặt quyền lợi quốc gia trên hết hay không. Ông ta có đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc cao hơn lợi ích chính trị cá nhân của mình hay không? Đó chính là cuộc thử nghiệm tối thượng. Có rất ít vị nguyên thủ đậu được cuộc thi này. Cả ba vị tổng thống tôi vừa kể trên đều làm được chuyện đó, có điều là vì một lý do ẩn số, lòng dạ của họ không được biểu lộ ra ngoài để mọi người thấu hiểu.
Người Mỹ có thể bị tai tiếng đủ điều đối với thế giới bên ngoài, nào là kiêu ngạo, ồn ào, ích kỷ chỉ lo phận mình, hiếp đáp người khác, và nặng tay với bạn bè. Nhưng chắc chắn nuớc Mỹ vẫn là một nước giầu mạnh, hùng cường vì một lý do nào đó. Người ta vẫn nhìn vào nước Mỹ như một tấm gương để noi theo, phải chăng nước này có tinh hoa riêng của nó. Vâng, trong phẩm cách của người Mỹ có tinh thần mã thượng, hào hiệp, được hun đúc qua nhiều thế kỷ, xuất phát từ tinh thần khai phá biên cương mới để lập nghiệp, và nhiều đợt di cư của các sắc dân khắp thế giới đổ về đây, từ cuộc chiến đấu dành độc lập, đến cuộc Nội Chiến, từ nhiều biến cố lịch sử, cũng như những sự kiện tình cờ. Tất cả đã làm thành một nước Mỹ vĩ đại.
Cái tinh thần mã thượng này không có nghĩa là người Mỹ tử tế, tốt hơn, hay thành công hơn người nước khác. Nó chính là cảm nghĩ của họ về đất nước mình sống. Chính lòng nhiệt tình của họ đối với xứ sở đã phá bỏ được những ngăn cách về mầu da, giai cấp, tôn giáo, hay qúa trình trưởng thành. Lý tưởng của người Mỹ là những giá trị đạo đức mà họ ấp ủ. Lý tưởng này gồm có: Tự do cá nhân, Tôn trọng luật pháp, Dân chủ. Nó cũng nằm trong quá trình thành đạt của mỗi cá nhân: hễ giỏi là được trọng dụng, phải tự làm lấy, và siêng năng, chịu khó tất sẽ thành công.. Song có lẽ điểm quan trọng nhất phải nói là mọi người Mỹ đều ước ao duy trì cho được những giá trị trên, và ráng bảo vệ những giá trị đó. Họ coi những giá trị đó là ưu tiên hàng đầu cho cá nhân mình, sau đó là cho đất nước. Chính vì những giá trị đạo đức này, giúp cho nước Mỹ cương quyết đương đầu với những khó khăn, thử thách. Vì lý tưởng đó mà binh lính Mỹ chấp nhận hy sinh. Vì nó mà mọi người dân Mỹ du sang giầu hay nghèo hèn đều sẵn sàng đứng nghiêm chỉnh chào khi bản quốc ca “The Star-Spangled Banner” được trổi lên. Hiển nhiên là lý tưởng đó không phải lúc nào cũng được thực hiện, song mọi người đều cố gắng thực thi cho bằng được.
Người Mỹ Cần Phải Duy Trì Lòng Tự Tin.
VÀI NĂM SẮP TỚI, DÂN MỸ SẼ ĐƯỢC DỊP THỬ THÁCH VỀ TÁNH TÌNH CỦA MÌNH. Nước Mỹ sẽ không yêu mến người giữ chức tổng thống nhiều như những vị tổng thống trước đây. Nhưng nước Mỹ vẫn nên duy trì sự tin tưởng, lòng tin vào đất nước của mình. Đó là một lý tưởng, nhờ nó mà chúng ta có tinh thần lạc quan, làm được thành tích mới, hãy ráng gìn giữ nó. Sự tự tin là một bảo vật, tặng phẩm quí báu cho một quốc gia. Thế giới có thể thay đổi. Một vài nước mới trở thành cường quốc. Nhưng điều đó không làm suy giảm nhu cầu phải có lý tưởng của dân Mỹ. Lý tưởng này giúp cho nước Mỹ trẻ trung trở lại, tái xác nhận vị thế của mình, và tăng thêm trách nhiệm của nó.Bao giờ cũng hay có trường hợp thử thách xem người dân có còn muốn can dự, nhập cuộc, hay họ muốn rút lui, nhảy ra khỏi cuộc chơi.Tôi nghĩ câu trả lời trong trường hợp của nước Mỹ nằm ở lý tưởng mà dân nước này thường ấp ủ.
Tôi có một người bạn, cha mẹ của anh là người di dân sang Mỹ lập nghiệp. Họ là người gốc Do Thái ở Âu châu đến Mỹ để tìm kiếm sự an ninh. Cha mẹ của anh định cư, và sinh sống ở New York Gia đình không thuộc vào hàng khá giả cho lắm. Cha của anh chết lúc anh còn nhỏ. Mẹ của anh tiếp tục ở vậy nuôi con. Sau một thời gian, anh lớn lên, trưởng thành và trở nên giầu có. Anh thường mời mẹ anh đi chơi xa, ra ngoài nước Mỹ. Nhưng bà chẳng bao giờ chịu đi chơi đâu cả. Cuối cùng đến khi cụ mất, gia đình đi tìm cái hộp đựng nữ trang của cụ, cất gởi trong tủ sắt của ngân hàng. Trong tủ sắt này, con cháu còn tìm thấy một cái hộp nhỏ khác. Hộp này không có chìa khoá. Vì vậy họ phải dùng khoan để mở ra. Họ thắc mắc không hiểu bà cụ để món nữ trang quí giá gì ở trong đó, đến nỗi phải cất kỹ như vậy. Mở được nắp hộp ra. Trong đó có thêm một lớp giấy bao nữa, và cuối cùng là một bao thơ. Mọi người tò mò, hồi hộp không hiểu trong bao thơ đó có cái gì. Bao thơ đó đựng cái chứng chỉ trở thành Công Dân Mỹ của bà cụ Ngoài ra, không có gì khác. Chứng chỉ trở thành công dân Mỹ của bà cụ được cụ coi quí trọng như bảo vật, quí hơn bất cứ loại báu vật nào của cụ. Vâng, trở thành công dân Mỹ là điều bà cụ trân qúi nhất. Ngày nay, nước Mỹ cũng nên quí trọng đất nước, dân chúng của mình như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.