Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Tìm lại Tự Do

Lê Trung Cang



“Tâm hồn cũng như con chim, càng lên cao càng khoan khoái ”                  (Lời một nhà văn Âu châu)



          Nắng chiều đã nhạt. Bóng những tàng cây duỗi dài trên mặt đường cũng nhạt dần theo độ nắng. Trời sâu thẵm không một gợn mây, xanh biếc. Vài cơn gió nhẹ thoáng qua lung lay cành lá. Một chú sóc con chợt xuất hiện từ lùm cây ven rào, dáo dác nhìn quanh rồi phóng vội lên thân cây, mất dạng.



          Trên chiếc ghế bành cũ dựa lưng vào tường dưới mái hiên sau nhà, Thịnh ngồi yên như bất động đã hàng giờ. Một quyển sách nhỏ bìa xanh đang đọc dở nửa chừng nằm úp trên chiếc bàn con bên cạnh. Nietzche hình như đã bị ngắt lời khi đang miên man nói về Thiện và Ác.



          Hôm nay, Thịnh không phải làm giờ phụ trội ngày Thứ Bảy. Buổi sáng, sau khi thức dậy và làm xong một ít công việc vặt vạnh trong nhà, Thịnh lái xe vào phố. Thời tiết không còn giá lạnh nửa, trời bắt đầu ấm và rực nắng mùa Xuân. Phố đã đông người, xe cộ rộn ràng. Thịnh tìm chỗ đậu xe và bách bộ một vòng dọc theo các cửa hàng nằm bên ven đường; rồi ghé vào cửa hàng sách lớn nhất của phố, một trong những nơi Thịnh thường lui tới nhất trong những ngày nghỉ. Sau gần hai giờ xem và lựa chọn, Thịnh đã mua được đôi quyển vừa ý.



          Trời đã xế trưa, Thịnh cảm thấy đói. Lái xe đến quán ăn quen thuộc ở góc đường, đầu kia của phố, Thịnh mua vài món ăn ưa thích để về ăn cùng Phượng. Giờ nầy chắc Phượng đã dậy rồi. Sáng nay, Phượng ngủ hơi trưa vì đã thức khuya suốt mấy đêm qua học ôn cho các kỳ thi trong lớp.



          ......



Tính kể từ ngày rời Việt Nam cho đến nay, Thịnh đã cư ngụ tại thành phố này hơn bốn năm, quảng thời gian khá dài cho xa cách, chia ly nhưng lại quá ngắn cho sự nguôi dần những nhớ thương ray rức.

          Rời quê hương, Thịnh chẳng mang được gì theo ngoài Phượng, cô em gái duy nhất của mình. Thực ra, Thịnh cũng chẳng có thứ gì khác quý giá để mang theo ngoài những tình cảm, kỹ niệm chìm trong ký ức.

          Phượng, em gái của Thịnh, năm nay vừa tròn mười chín, tuổi hồn nhiên, yêu đời, tuổi của sách vở, trường lớp. Vì chỉ vỏn vẹn có hai anh em chung sống với nhau, không họ hàng, thân thích nên Thịnh rất yêu thương và nuông chiều Phượng. Thịnh chăm sóc, bảo bọc em như một người Cha và sống thật gần gủi với em như một người Mẹ. Ngược lại, Phượng cũng rất yêu thương và kính nể anh. Phượng yêu thích chuyện trò với Thịnh và thường đem mọi thắc mắc hỏi anh để được giải đáp khi được hỏi. Thịnh luôn vận dụng mọi hiểu biết sẳn có để giải thích, hướng dẩn em thật tận tường. Có điều gì không hiểu, Thịnh cố gắng suy tư hoặc tìm hiểu thêm qua sách vở, báo chí rồi trở lại vấn đề với Phượng.

          Một trong những thắc mắc của Phượng mà Thịnh chưa giải đáp được một cách thỏa đáng là: vì sao Thịnh phải bỏ xứ ra đi và mang theo Phượng sang sống nơi xứ lạ quê người. Thịnh cảm thấy có vài khó khăn khi phải nói về vấn đề nầy với cô em gái đang tuổi thanh xuân, tuổi với tâm hồn phóng khoáng, vô tư, với những cảm nghĩ thẳng thắng, chân thành, trọng lý tưởng, đặc điểm đáng quý của lứa tuổi thanh niên.

          Thịnh còn nhớ: trước đây cũng có vài người bạn Mỹ đã từng hỏi Thịnh những câu tương tự. Thịnh có hơi lúng túng khi phải trả lời. Vì làm thế nào để có thể đạt được một câu trả lời thật trọn vẹn: vừa nói lên sự thật vừa thành thật với người và với chính mình. Sau cùng, theo thiển nghĩ của Thịnh: có một câu trả lời được xem là tương đối thỏa đáng vì đã nói lên được phần nào sự thật và phần nào làm hài lòng người nghe, đó là tìm Tự Do.

          Thật vậy, trên đất nước nầy sau một tiến trình đấu tranh và xây dựng lâu dài, người dân bản xứ đã tạo được một nền Dân Chủ, Tự Do hầu như vượt bực. Nhờ vậy, mọi người không phân biệt là bản xứ, di dân hay tị nạn đều có cơ hội sống trong bầu không khí tự do như nhiều người hằng mơ ước.

          Tuy nhiên, trong những giây phút suy tư và nhìn lại cuộc sống, Thịnh bổng nhận ra: giữa bầu không khí tự do bao bọc chung quanh vẫn còn đầy dẩy những xiềng xích, gông cùm đang trói buộc con người. Là một con người, Thịnh cũng không thể nào vượt thoát được để trở thành ngoại lệ. Những gông cùm, xiềng xích ấy đã làm cho  con người mất tự do giữa một khung cảnh hoàn toàn tự do. Con người đã thực sự mất tự do, tự do với ý nghĩa Triết học của nó.

          Lúc ban đầu, Thịnh ngỡ chỉ có mình Thịnh bị mất tự do. Thịnh lo lắng và cố gắng suy tư để tìm cách vượt thoát. Rồi Thịnh bổng nhận ra mãnh lực của sự trói buộc và tù đày nầy. Đấy là những thứ gông cùm, xiềng xích không được làm bằng sắt, thép mà chỉ là những sợi dây vô hình có sức trói buộc con người không phân biệt giàu sang, quyền thế, học cao hay chỉ có những kiến thức khiêm nhường với cuộc sống vừa tầm trong xã hội, không phân biệt tuổi cao hay tuổi còn non kém về kinh nghiệm đời.

          Đã từ lâu, Thịnh mơ ước một khung trời tự do và nay Thịnh đã đạt được, khi sống trên quê hương thứ hai nầy. Tuy nhiên, từ trong những kinh nghiệm đến từ cuộc sống, Thịnh đã nhận ra: muốn có được hạnh phúc con người phải thực sự tự do, một thứ tự do giúp con người thoát khỏi những trở lực ràng buộc từ cuộc đời bên ngoài và đặc biệt là những trói buộc từ bên trong của chính bản thân mình. Đó là sự tự do, nền tảng của mọi thứ tư do khác. Chính những sự trói buộc từ bên trong đã làm cho con người mất tự do và điều đáng ngại là những trói buộc nầy đã làm cho người mất tự do lại không biết là mình đang mất tự do mà cứ ngỡ rằng mình đang có tự do một cách tuyệt đối.

          Sau khi thấy được giá trị của tự do, Thịnh đả  cố gắng không ngừng để vượt lên, để giải thoát cho chính mình, để có được thứ tự do hàng mơ ước. Thịnh chưa hề có ý nghĩ giải phóng cho bất cứ một ai vì đó là một công việc vô cùng vỉ đại; vả lại làm thế nào có thể giải phóng cho người trong khi chính mình còn đang bị xiềng xích, đang bị đầy ải, đang mất tự do. Muốn vượt lên được, trước tiên Thịnh đã rất thẳng thắn và can đảm với chính mình, không tự che đậy, lừa dối hay trốn chạy. Thịnh đã đối diện và nhìn thẳng vào chính mình.

          Từ suy tư và nhận thức, Thịnh đã nhận ra được những nguyên nhân chính yếu: những hờn giận, sân si, những thiên kiến, tâm địa hẹp hòi, sự háo danh, kiêu ngạo, mặc cảm tôn, ti, sự ích kỷ, ghen tuông, đố kỵ, những lời nói lưỡng thiệt gây chia rẻ, thù hận, những câu chuyện làm quà ... đã làm cho người mang nó mất tự do và không tự biết. Cạnh đấy, còn biết bao xiềng xích khác đã trói buộc tâm hồn và tác động mạnh mẽ, nhưng tiềm tàng trong cuộc sống tâm tình của con người. Đây chính là những xiềng xích con người đã tự áp đặt trên chính bản thân, rồi từ đấy tự âm thầm làm khổ mình và gây buồn phiền cho tha nhân. Đây là những xiềng xích, trói buộc mà chỉ có chính mình mới có thể phá vở và tự giải phóng. Muốn tự giải phóng phải có ý thức và lòng yêu tự do, phải vận dụng trí tuệ và cố gắng thường xuyên.

          Thịnh sau những ngày tháng suy tư, nhìn lại chính mình, đã và đang chặt đứt dần những xiềng xích đang trói buộc mình để tìm lại tự do, một thứ tự do làm cho người có ý thức về tự do cảm thấy sung sướng và hạnh phúc. Đó là sự tranh đấu cho Tự Do không bạo động, không được cổ vỏ hay ca ngợi và chỉ có người đạt được sẽ tựï thưởng thức thành quả của mình.

          Thịnh còn nhớ có lần đã đọc thấy lời của Đức Thích Ca: “Chỉ có sự chinh phục mang lại thanh bình và hạnh phúc là chinh phục chính Bản thân ta". Thịnh đã và đang chinh phục chính bản thân mình. Thịnh rời Việt Nam để tìm tự do và ngày nay trên dãy đất đầy tự do nầy Thịnh đang nổ lực tìm lại tự do, tự do cho chính tâm hồn mình, một thứ tự do phải nổ lựïc mới tìm thấy và không ai có thể tạo dựng cho người khác được. Thịnh cảm thấy khoan khoái và hạnh phúc, vì đã thoát dần những trói buộc mình muốn dứt bỏ dù cũng còn nhiều cam go, còn phải tự phấn đấu một cách kiên trì và lâu dài và có lẻ sẽ đến lúc cuối đời mới có được phần nào kết quả mong muốn.

          Dòng suy tư đã đưa Thịnh trở về vùng ký ức với câu chuyện của Ngài Đạo Tín. Tổ Đạo Tín là vị Tổ thứ tư của Thiền Tông Trung Hoa, một hôm khi còn là sa di theo học với Tổ thứ ba là Tổ Tăng Xán, đã hỏi Thầy:

  “ Bạch Hòa Thượng, xin Hòa Thượng dạy cho con phương pháp giải thoát “.

Tổ Tăng Xán nhìn sửng vào mặt Tổ Đạo Tín và hỏi:

   “ Ai trói buộc nhà ngươi ?”

Tổ Đạo Tín chợt suy nghĩ và không nhận ra được: Ai đã trói mình. Sau một lúc, Tổ Đạo Tín thưa cùng Tổ Tăng Xán:

  “ Bạch Hòa Thượng, không ai trói buộc con hết “.



Tổ Tăng Xán bèn nói:

 " Như vậy, ngươi cần ta dạy cách giải thoát để làm gì ? ".



Nghe xong, Tổ Đạo Tín liền tỉnh ngộ.



Nắng chiều đã tắt dần, trời bổng trở lạnh, một cái lạnh nhè nhẹ và dịu dàng của những ngày Đà Lạt vào Xuân. Thịnh chợt nhớ: đã hứa đưa Phượng  đi ăn và xem Ciné đêm nay. Gần mấy tháng qua vì quá bận việc, Thịnh đã không có thì giờ đưa em đi ăn tiệm. Đêm nay, Thịnh nhất định sẽ đưa Phượng đến nơi Phượng ưa thích nhất. Nghĩ đến gương mặt tươi, sáng với nụ cười hồn nhiên của Phượng mỗi khi có điều chi hài lòng, Thịnh cảm thấy sung sướng và thương em vô tả...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.