Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013
Hội thảo Tự Lực Văn Đoàn và màu nắng quê nhà…
Phan Tấn Hải
Tôi có nhiều kỷ niệm về Tự Lực Văn Đoàn, từ thời còn ngồi trên các lớp trung học. Một cách chính xác, tôi không thể nhớ nổi, và do vậy không thể hình dung được chính xác về chương trình dạy văn học thời nửa thế kỷ trước như thế nào. Nhưng các cảm xúc không thể nào quên được.
Thời đó, theo tôi nhớ, từ lớp đệ thất lên tới lớp đệ nhị, tức từ lớp 6 lên lớp 11 theo cách gọi bây giờ, Việt văn (bây giờ, hình như gọi tắt là môn Văn) chia làm hai môn Cổ văn và Kim văn. Tất nhiên, Kim văn là văn học chữ quốc ngữ, trong đó dĩ nhiên chủ lực là các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
Lúc đó, tôi học trường Trần Lục ở Tân Định, không thuộc loại giỏi văn, chỉ tà tà trung bình thôi. Nhưng hạnh phúc luôn luôn là trong các giờ học Việt văn, vì không có suy luận nhức đầu như toán, không phải nhẩm hoài trí nhớ như môn hóa học, không phải ngó tim gan phèo phổi như trong lớp vạn vật… Nói chung, học Văn là thả rông tư tưởng.
Nếu gọi là giỏi văn thời đó, trong lớp tôi bây giờ nhớ lại, có Lê Đình Viễn, đang ở Sài Gòn, có vẻ như viết gì cũng được cô Kim Oanh khen ngợi. Cô Kim Oanh dạy Văn lớp đệ ngũ và đệ tứ, là vợ thầy Giáp, dạy Hóa học. Trong lớp sau này, còn có Trần Nguyên Thắng cũng thuộc hàng giỏi Văn, bây giờ Thắng làm nghề văn phòng du lịch ở Quận Cam. Nhưng niềm say mê học Văn của tôi không dấy lên từ lời khen, hay từ các bài làm được điểm cao thấp. Chỉ là ngồi lặng lẽ nghe, đọc… Thế thôi. Mọi chuyện là tự nhiên, hoàn toàn tự nhiên.
Có lần, khi học tới bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận, khi nghe đọc câu “Nắng chia nửa bãi chiều rồi…” tôi nhìn ra khung cửa sổ của lớp, và kinh ngạc nhìn thấy màu nắng chiều trải theo các vạt hắt lên những tường vách, và có cảm giác mình nằm chết soãi trên nắng chiều. Không biết tại sao như thế, nhưng cũng không rõ cảm giác đó có phải là cảm nghiệm văn chương hay không. Những cảm giác lạ lùng như thế không quên được, và đó là những bước đi tự nhiên vào văn học.
Hay như khi được cô giáo giảng về tác phẩm Anh phải sống của Khái Hưng viết chung với Nhất Linh, tôi nghe tiếng sóng vỗ bên tai, sóng vỗ chung quanh mình và tiếng cặp vợ chồng cố gắng bơi giữa dòng nước thủy triều vùi dập. Tôi nhớ, cô giáo đọc cho đoạn này, và rồi không quên nổi:
“- Không. Thôi đành chết cả đôi.
Bỗng Lạc run run khẽ nói:
- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ…”.
Nhìn về văn chương, đoạn trích trên không có gì gọi là xuất sắc hay tiêu biểu Tự Lực Văn Đoàn, hay “văn chương hào nhoáng” cả, nhưng cảm xúc thời thơ ấu thật là tuyệt vời. Tiếng sóng vỗ theo tôi, vọng bên tai cả khi rời lớp, phóng chiếc xe đạp về nhà. Ý thức về cái chết, về cái sống lần đầu tiên của tôi cũng là từ đoạn văn trên. Trí nhớ ám ảnh hoài về truyện này, như thế cũng không thuần túy vì văn chương. Tại sao thì không rõ.
Hay như khi nghe cô giảng về tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ, cũng của Khái Hưng. Hình ảnh người tráng sĩ trong thời Hậu Lê, với bối cảnh nội chiến của Tây Sơn và những kẻ phò vua – nghĩa là, những người đứng về phía người dân nổi dậy, theo lá cờ Tây Sơn, và những người trung quân. Truyện nói chung là có những hình ảnh không thích nghi, như khi tráng sĩ vào chùa đi tu, nhưng rồi mang áo nhà sư mà lại mê nhan sắc giai nhân. Nói chung, là hỏng kiểu. Nhưng một khi đã nghe kể, chứ chưa nói đã đọc xong, thì không thể nào quên được hình ảnh của chàng Phạm Thái và nàng Quỳnh Như. Khi nghe kể chuyện, tôi nghe quanh mình có tiếng vó ngựa nội chiến của thời Tây Sơn, có tiếng gươm giáo xông trận, và có tiếng than khóc của lương dân.
Sau này, cũng không ngờ rằng mình lại bước vào một cuộc nội chiến thời hiện đại của dân tộc. Nhưng ngẫm lại, lịch sử là thế: ngay cả cụ Nguyễn Du, tài năng là thế, trong gia đình cũng tan nát vì theo hai phía nghịch nhau trong cuộc nội chiến.
Thời đó có chuyện đôi bạn học thời thơ ấu – Ngô Thời Nhậm, ra cầm quân theo vua Nguyễn Huệ Tây Sơn; còn Đặng Trần Thường, theo phò Nguyễn Phúc Ánh, người sau này thống nhất đất nước, trở thành vua với hiệu là Gia Long.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, Ngô Thời Nhậm và nhiều quan tướng Tây Sơn bị lôi ra Văn Miếu phạt đòn, đánh roi. Theo truyền thuyết thì Ngô Thời Nhậm chết vì roi tẩm thuốc độc. Người chủ trì trận đánh roi lại là bạn thời thơ ấu Đặng Trần Thường.
Trước khi đánh roi, Thường ra câu đối:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai (Vế đối có 5 chữ ai, một chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường).
Ngô Thời Nhậm đáp:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế (Có 5 chữ thế, và chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhậm).
Gia tộc cụ Nguyễn Du cũng chia đôi gay gắt. Đoàn Nguyễn Tuấn là người nuôi cụ Nguyễn Du ăn học, và sau đó cụ Nguyễn Du cưới em gái Đoàn Nguyễn Tuấn. Khi cụ Đoàn Nguyễn Tuấn theo nhà Tây Sơn, được Nguyễn Huệ giao chức quan lớn, thì cụ Nguyễn Du trốn về quê vợ, vì hầu hết gia tộc Nguyễn đều chống lại Tây Sơn.
Tôi mỗi lần nghĩ tới ngòi bút của Tự Lực Văn Đoàn, nghĩ tới Khái Hưng (người được tin là bị ám sát ở hậu phương), tới Nhất Linh, tới tất cả các nhà văn thời đó và sau này… đều bùi ngùi. Những cuộc nội chiến đã phá hoại tiềm lực dân tộc biết là bao nhiêu.
Khi các cụ Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí… bị thực dân Pháp bắt giam rồi đày lên Sơn La… thì là chuyện bình thường. Nhưng khi Khái Hưng bị ám sát mới là chuyện để nói.
Thời Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích… chỉ bị đánh roi vào giai đoạn hậu nội chiến. Nhưng còn khi quốc-cộng phân tranh, đẫm máu ác liệt biết là bao nhiêu.
Nhìn lại, công trình Tự Lực Văn Đoàn được GS. Hoàng Xuân Hãn đánh giá là:
“Nhóm Tự Lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất, nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại…”.
Hay, dưới mắt nhìn của GS Nguyễn Huệ Chi là:
“Trong lĩnh vực văn học, đóng góp của Tự lực văn đoàn có vai trò đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá trực diện vẻ đẹp của cái “tôi” và tạo ra cách đọc “phản tỉnh”, tức là nhìn sâu vào cõi lòng mình.
Về hình thức, tiểu thuyết của văn đoàn đã vượt ra khỏi phạm trù văn học “giao thời” (30 năm đầu thế kỷ XX), có cấu trúc mới mẻ, trong đó quy luật tâm lý thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện. Câu văn trong văn xuôi đã trở nên trong sáng, chuẩn mực, giàu khả năng biểu cảm tuy có lúc còn đơn điệu. Cùng với việc đào sâu tâm lý nhân vật, thiên nhiên cũng trở thành một đối tượng thẩm mỹ…” (viết và công bố 2008 – trang “Phê bình văn học” mới đăng lại: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=9471)
Tuần trước, khi tới thăm nhà văn Phạm Phú Minh, tôi đã hỏi về chương trình “Triển lãm, hội thảo về Phong hóa, Ngày nay và Tự Lực Văn Đoàn”.
Nhà văn Phạm Phú Minh đã nói về các diễn giả tham dự thuyết trình và hội thảo này:
- Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, Giáo sư Trường Đại học Victoria tại Melbourne, Australia sẽ thuyết trình đề tài: Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn.
- Giáo sư Kenichi Kawaguchi, Giáo sư Danh dự của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, sẽ thuyết trình (bằng tiếng Việt) đề tài: Tự Lực Văn Đoàn và Văn học Cận đại Việt Nam.
- Nhà văn Phạm Thảo Nguyên sẽ trình bày đề tài: Câu chuyện Tự Lực văn đoàn và những điều chưa nói.
- Nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Trần Doãn Nho sẽ thuyết trình đề tài: Tự Lực văn đoàn và câu chuyện văn phong.
- Nhà văn Trần Mộng Tú sẽ thuyết trình đề tài: Tình yêu trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn.
- Nhà văn Đặng Thơ Thơ sẽ thuyết trình đề tài: Hoàng Đạo như một nhà văn đương đại.
- Nhà văn Ngự Thuyết sẽ thuyết trình đề tài: Thử đánh giá lại “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng.
- Giáo sư Trần Huy Bích, Đại học UCLA, sẽ thuyết trình đề tài: Ảnh hưởng của Tự Lực văn đoàn với phong trào Thơ Mới.
Chương trình này sẽ dài:
- Hai ngày 6 và 7 tháng 7/2013 tại Hội trường báo Người Việt, 14771, Moran St., Westminster CA 92683, USA.
Nhìn như thế, có lẽ khía cạnh văn học và xã hội được chú trọng nhiều hơn.
Tôi không rõ rồi có diễn giả nào nói về hình ảnh các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn trong những lựa chọn về thái độ chính trị; tất nhiên, trước tiên là chống Pháp, nhưng sau đó, là những cân nhắc quốc-cộng.
Thời cụ Nguyễn Du và Ngô Thời Nhậm cũng phải bước vào những cuộc nội chiến, những lựa chọn giữa Tây Sơn và nhà Hậu Lê, giữa Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh…
Nhưng còn chuyện của thế kỷ XX, và rồi bây giờ vẫn còn kéo dài sang thế kỷ XXI.
Ai biết được, màu nắng nơi sân Văn Miếu khi cụ Ngô Thời Nhậm bị phạt đòn, có khác gì màu nắng Sài Gòn của buổi chiều ngày 30-4-1975 hay không?
Xin chúc cho nhà văn Phạm Phú Minh và chương trình Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn thành công.
Source Internet.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.