Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

TÂM PHÁP VÕ THUẬT


Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam

Tâm pháp là một trong những pháp căn bản võ cổ truyền, cùng với tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp, khí... pháp… làm nền tảng võ công.
Binh thư xưa có viết: “Thủ như sử nữ, thể như thoát thỏ. Càn khôn pháp thuật do dịch khí. Thần lực định tâm chủ tiên cơ.” Có nghĩa là kín đáo, dịu dàng như trinh nữ, nhanh như thỏ chạy. Trời đất, phép tắc, nghệ thuật đều do Dịch. Thần lực có trước tiên do định tâm. Tâm an định thì mới nhàn hạ tự nhiên mà ứng biến, tránh được sự bối rối, hoảng hốt. Có như vậy thì lòng tự tin mới dấy lên và ý chí kiên cường mới đủ để làm chủ được bản thân mình mà dụng võ không vụng về, sai lệch, bằng không thì kết quả sẽ ngược lại. Mất bình tĩnh thì sẽ mất tinh thần, khí huyết ứ trệ, bấn loạn, đòn thế sẽ không linh hoạt, tự đưa mình vào thế bị động.

Các môn phái võ cổ truyền thường quan niệm tâm pháp theo các quan điểm: Tâm pháp là khởi điểm chính yếu của võ thuật, là an định, không nghĩ được thua, không định kiến về đòn thế của đối thủ. Bằng tâm pháp người tập võ vận dụng trí não để ghi nhớ, suy nghĩ hầu lĩnh hội được những lời chỉ dạy của thầy.

Các sách viết về võ thuật thì coi tâm pháp là tâm lý thi đấu và hướng dẫn một số phương pháp, đưa ra nhận định để giúp cho vận động viên, võ sĩ có tâm lý thi đấu ổn định, tăng lòng tự tin và chú tâm vào trận đấu một cách bình thản.

Ngoài những điều cụ thể, thực tế nói về tâm pháp trong võ thuật cổ truyền thì ở một giác độ khác, Tâm pháp có thể coi như một “pháp môn” giúp người học võ rèn luyện, tu tập để tự thắng, vượt lên chính mình đạt được tinh thần chí cực điềm đạm.

Tô Đông Pha, Đời Tống ở Trung Quốc có viết: “Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng nhân tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh (Thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đỉnh thân nhi đấu). Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận (Thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh. Vô cớ gia chi nhi bất nộ). Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.

Phật dạy về “Tâm vô quái ngại”. Lão Tử nói về “Vô vi điềm tĩnh”. Khổng Tử luận về “Hạo nhiên chi khí”. Tất cả đều nhắm vào một tâm pháp chí cực điềm đạm. (Nguyễn Duy Cần - Cái Dũng của Thánh nhân, NXB Khai trí Saigon, 1964)

Để diễn đạt tâm pháp an nhiên, tự tại, điềm đạm, câu chuyện “Bắn cung” trong sách Liệt Tử Xung Hư Chân Kinh kể rằng: “Liệt Ngự Khấu cùng với Bá Hôn Vô Nhân bắn cung, Liệt Ngự Khấu tay cầm cung, chỗ cùi chỏ để một chung nước, bắn liên tiếp mấy phát mà mặt nước trong cái chung không chao động. Bá Hôn Vô Nhân nói: “Cái cách bắn ấy là cách của người quá lo lắng trong việc bắn, chưa phải là cách bắn của người thản nhiên đến việc bắn. Anh hãy đi với tôi lên núi cao kia kiếm chỗ gần hố sâu thăm thẳm mà bắn, chừng ấy sẽ biết anh giữ đặng vẻ điểm tĩnh ấy nữa không.”

Hai người cùng đi. Bá Hôn Vô Nhân, đứng tận đỉnh núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, chân đứng nửa trên mặt đất, nửa ngoài không không, nghiêng đầu ra sau và giương cung lên… Liệt Ngự Khấu thấy vậy mồ hôi toát ra, sợ quá té xỉu trên mặt đất. Bá Hôn Vô Nhân cười: “Bậc chí nhân, con mắt trên ngó tận mây xanh, dưới xem tận đáy đất, ngoài xem tận chân trời, mà lòng vẫn không nao núng. Có như thế thời mới bắn được cái bắn thản nhiên… Chí như anh, chưa gì cặp mắt đã hốt hoảng, lo sợ, thì có bắn làm gì mà bắn cho trúng đặng ”. (Liệt Tử, Nguyễn Duy Cần dịch)

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.