Người lính già Oregon
1. Trong bài thơ “The Ballad of East and West”, vào khoảng năm 1892, văn hào Anh Rudyard Kipling (1865-1936) có viết: “Ôi, Đông là Đông, và Tây là Tây, và không bao giờ cả hai gặp nhau” (Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet). Hơn một thế kỷ trôi qua, câu thơ mang niềm thất vọng cay đắng ấy của một người đã yêu Đông Phương như quê hương mình nay trở thành lời tiên tri. Và hơn bao giờ hết, nó chứa đựng một chân lý gần như tuyệt đối tại Mỹ quốc này, nơi có hàng trăm chủng tộc khác nhau đổ về từ bốn hướng địa cầu để tạo thành một melting pot ngoạn mục, đầy màu sắc và đủ mùi vị. Nhưng trên thực tế không bao giờ hòa tan, tự nó, per se, làm sao được? Trong số đó, dĩ nhiên, có hơn một triệu dân Việt chúng ta.
Ở một nghĩa nào, Đông và Tây khác biệt cũng là điều hay. Không ai đòi hỏi chúng ta quên cội nguồn, quẳng đi mọi tập tục, bởi văn hóa là kho tàng để lại của cha ông đã chắt chiu gầy dựng từ hàng thế kỷ, và là niềm hãnh diện chung của dân tộc. Một số thiếu niên Việt Nam lớn lên hoặc sinh ra tại Mỹ, tiếc thay, đã quên hay không biết điều này, vì thế trở thành “không giống ai”, Mỹ không ra Mỹ, Việt không ra Việt, bị Đông lẫn Tây chối bỏ. Chẳng hạn, coi thường bố mẹ, ông bà. Thấy khách vào nhà, không chào hỏi, cứ trơ mắt ếch ra ngó. Bị bố mẹ nhắc, các em chỉ “hi” một phát, rồi biến, không thêm lời nào. Không hiểu lễ phép, gọi dạ bảo vâng là gì. Cha mẹ la mắng hoặc tát tai một cái là gọi cảnh sát hay 911, hay mách cô giáo, có đứa, tử tế hơn, hỏi vặn, bằng tiếng Mỹ, dĩ nhiên: “Mẹ đánh con như vậy có legal không?”. Mong sớm được mười tám tuổi để thoát ly gia đình. Chưa kể việc xăm mình, con trai xỏ lỗ tai, lỗ mũi, tóc chỉa, nhuộm đủ màu, con gái mặc quần jeans rách lỗ chỗ, hở rốn, hở đùi, nhún nha nhún nhẩy. Vân vân... Ai than phiền thì cha mẹ thở dài, chặc lưỡi: “Ôi thôi, chúng nó sanh tại Mỹ mà!” Dĩ nhiên, không phải em nào sanh tại Mỹ cũng như vậy. Xã hội và môi trường chỉ có tác dụng nhỏ. Khác nhau là ở sự giáo dục trong gia đình từ tấm bé.
Các em nói tiếng Anh như gió, sinh hoạt và suy nghĩ y hệt Mỹ con, học giỏi hơn người, và trên giấy tờ là công dân Mỹ thật đấy, nhưng vẫn không được dân Mỹ gọi là Mỹ, có chăng chỉ là Vietnamese-Americans, nghĩa là không được chấp nhận vào trong xã hội “chính thống”, đóng kín của họ. Bị nhận, bị gọi hoặc hoan hỉ tự nhận, tự gọi mình là Vietnamese-Americans không khác chi bị, hoặc tự, hạ giá trị mình, ở mức độ nào.
Vì sao? Vì, theo thiển ý, yếu tố chính, nếu không nói duy nhất, của kỳ thị, ít ra tại Mỹ, là màu da, chứ không phải tiếng nói, tập quán, hay chủng tộc. Dân da trắng, mắt xanh, tóc vàng đến từ bên kia Đại tây dương, kể cả Đông Âu và Kosovo, nói tiếng Anh đầy accent, có mấy ai bị kỳ thị? Lấy ví dụ Henry Kissinger mà tiện nhân xem như một tên đồng minh phản phúc của Miến Nam Việt Nam: gốc Do Thái, sinh tại Đức, nói tiếng Anh nặng trịch, khó nghe, vậy mà vẫn được phong chức Bộ trưởng ngoại giao! Người da đen con cháu nô lệ từ thời lập quốc, và người Tàu ở các chinatowns, San Francisco hoặc Seattle, mà tổ tiên là phu đường rầy xe lửa xuyên bang cách đây gần hai thế kỷ, biết rõ điều này, hơn ai hết, và chắc chắn đồng ý với tiện nhân. Chưa nghe ai gọi người Nga hay người Pháp nhập tịch là Russian-Americans hay French-Americans, mà là Caucasians – tên dùng để gọi (một cách sai lạc) tất cả người da trắng đến từ Âu Châu. Trái lại, dân da đen và da vàng bị ưu ái đặt tên là African-Americans hay Asian-Americans. Sau vụ khủng bố 11/9, những ông Á rập, đến từ Trung Đông, râu ria xồm xoàm, da nâu sậm hay tai tái, trở thành mục tiêu nghi ngờ, dù họ nói bất kỳ thứ tiếng gì.
Người Mỹ tôn trọng truyền thống, văn hóa của di dân, vì luật định và do tình cảm, tính hiếu kỳ, hoặc nhu cầu nghề nghiệp, làm ăn, sợ vi phạm luật chống kỳ thị. Quả vậy, chưa hề có bài báo Mỹ nào dám công khai chỉ trích, khinh chê tập tục của chúng ta, ngoại trừ việc ăn thịt chó (California có đạo luật bỏ tù kẻ vi phạm). Tuy nhiên, bảo tồn truyền thống, văn hóa không có nghĩa là chúng ta ôm khư khư cái dở, cái cổ hủ, thách đố tiến trình đào thải của văn minh thế giới. Câu ca dao “Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” chỉ có giá trị tương đối, và trên bình diện khách quan, có thể hiểu như một tâm trạng thất bại, chịu đựng, hoặc cố chấp. Tắm ao trong thì quá tốt, nhưng tắm ao đục thì quả là mất vệ sinh, có khi bị bệnh ghẻ như chơi!
2. Những ví dụ về “ao đục” khá nhiều. Chẳng hạn thói chửi mắng, đánh đập con cái, quan niệm chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ, mặc dù giảm đi nhiều tại hải ngoại, nhưng vẫn còn. Hoặc bệnh đố kỵ, chia rẽ, cá nhân chủ nghĩa, nói xấu đồng hương -được xem như bất trị nơi có đông dân mình và được xác nhận bởi người ngoại quốc. Hoặc tật nói chuyện oang oang (bằng tiếng Việt) trong sở Mỹ, trường học, trên xe buýt, gọi nhau ơi ới, chửi con, cũng bằng tiếng Việt, tại các siêu thị, hàng quán. Hoặc thiếu kiên nhẫn, không chịu xếp hàng chờ đến lượt mình. Hoặc xả rác, khạc nhổ, hỉ mũi bừa bãi nơi công cộng -–những điều ta đã quá quen mắt nơi quê nhà. Sang đây, sống nhờ ở xứ người, chúng ta cần uyển chuyển thích nghi với tập tục, nếu không nói phép xã giao thường thức, và văn hóa của dân bản xứ mới hy vọng thành công, được kính trọng, và sự cảm thông giữa những dân tộc mới có cơ may trở thành tốt đẹp.
Ấy là chưa nói đến rắc rối với pháp luật. Đánh con (và đánh vợ, đánh chồng) có thể vào tù như chơi, kể cả đối với người da trắng. Vụ một người mẹ Mỹ quận Washington (Oregon) cách đây khá lâu, bị đưa ra tòa chỉ vì đánh vào mông con mấy cái bằng dây nịt là một bằng chứng –-một tội khá lạ lùng đối với người Việt dù đã Mỹ hóa cách mấy. Nhớ năm nào, lưỡng viện Anh biểu quyết đạo luật cho phép cha mẹ đét vào mông con cái để dạy dỗ, nhưng còn thòng một điều kiện là phải nhẹ nhàng thôi. Nựng con nít bằng cách sờ vào chỗ kín, như thói quen ở Việt Nam, sẽ bị kết tội xâm phạm tiết hạnh (sexual abuse), và một di dân Việt tại Portland lúc mới sang đã bị thưa vì hành động này và được tha sau khi Tòa nghe các giới chức người Việt giải thích về tập tục. Nhìn chăm chăm một em bé, hay bắt chuyện với em tại một siêu thị, chẳng hạn, hãy coi chừng, có thể bị người mẹ Mỹ nghi là “mẹ mìn”, nhất là nếu mình là da đen, da đỏ, da vàng, da nâu, da tái. Được bảo vệ kỹ như vậy, thảo nào trẻ con Mỹ vô tình biến thành mục tiêu đáng sợ, cần phải kính nhi viễn chi, và hậu quả là chúng cảm thấy cô đơn, thiếu tình thân mật của người lớn –điều mà một số nhà tâm lý Mỹ bắt đầu than phiền. Còn nữa, đã xảy ra lâu rồi chuyện một học sinh Việt đến trường Mỹ với lưng bầm dấu cạo gió. Đại diện cộng đồng Việt Nam phải sùi bọt mép giải thích, nhà trường mới chịu thông cảm, không mời cha mẹ ra hầu tòa. Điều mỉa mai thú vị là bây giờ phương pháp cạo gió được nằm vào mục trị liệu Đông y dưới danh từ chưa có trong tự điển, coining (lấy từ chữ coin là đồng xu, coining là thuật cạo gió bằng đồng xu).
Phụ nữ, ưu tiên số hai trong đẳng cấp xã hội Mỹ, sau con nít, cũng gây phiền lụy không kém cho giới mày râu. Ông chủ ngay tình khen một cô nhân viên trẻ đẹp rằng cô có sóng mắt khuynh thành khuynh quốc, hay trông hiền như ma sơ, chẳng hạn, hoặc trong thang máy lỡ giẫm lên chân một bà sồn sồn, đến tuổi hồi xuân, có thể bị thưa về tội “tống tình”, “xách nhiễu tình dục” (sexual harassment / harcèlement sexuel). Tuần báo Pháp Paris Match mấy năm trước có đăng một bài phóng sự về các vụ kiện thưa thuộc loại ruồi bu lẩm cẩm, lãng nhách này, chỉ thấy tại Mỹ –nước mà ai cũng có thể kiện ai, chỉ để vỗ béo các luật sư đông hơn kiến cỏ: nuôi gà để cho nó gáy lúc 4 giờ sáng cũng bị hàng xóm kiện, thành phố cho thắp đèn đường gây trở ngại việc ngắm ánh trăng rằm từ cửa sổ phòng ngủ cũng bị chủ nhà kiện, quái đản thật! Ông tổng thống Clinton suýt bay chức vì cái tội thích được thổi (har)monica. Còn nhớ năm 1987, chuẩn ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ đẹp trai có nhiều triển vọng Gary Hart, chỉ mới ôm sơ sơ và cho người đẹp Donna Rice Hughes ngồi trên đùi một chút xíu thôi mà cũng bị lôi ra tố khổ, phải bỏ cuộc đua.
Trái lại, ở Pháp, xứ tự do luyến ái thả giàn: Tổng thống Mitterrand lén nuôi đứa con rơi mấy năm liền tại điện Élysée, bị phát giác, mà dân Pháp chẳng ai buồn thắc mắc; Chirac lúc còn là thị trưởng Paris, nghe đồn, có một call girl là một ca sĩ, mà có “chết thằng tây” nào; đời tư của Sarkozy không thơm tho hơn, cũng vợ nọ vợ kia, mà có sao đâu; đương kim tổng thống François Hollande ngang nhiên chung sống liên tiếp với hai bà vợ không bao giờ cưới, mà chẳng ông Tây bà Đầm nào đặt vấn đề. So what? Et alors?. Các cô đầm, ít ra là những người tiện nhân quen biết, nói rằng các cô lấy làm thích thú hoặc hãnh diện được xách nhiễu theo kiểu đó vì cho rằng mình phải đẹp người ta mới chú ý, để xách nhiễu, xấu thì ma nào nó thèm quấy rầy.
Mười mấy năm trước, tại Oregon, theo tờ The Oregonian, có hai chị em nhà Mỹ kia trên 60 cái xuân xanh, một hôm buồn tình, lợi dụng cao trào tố các linh mục “loạng quạng”, vác đơn kiện Tòa Tổng giám mục Portland đòi bồi thường hàng triệu đô la, với lý do bị ông linh mục chánh xứ Mỹ cưỡng bức lúc còn vị thành niên, tức là gần 50 năm, mặc dù không có bằng cớ và ông này đã về chầu Chúa từ lâu rồi. Âu đó cũng là một đặc điểm của Mỹ quốc, nơi phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng dâng cao, dữ dằn như sóng thần. Dù đã hội nhập đầy đủ, dù văn minh, chữ nghĩa đầy mình, đàn ông An Nam, vì thế, khi khen ngợi hay ôm hôn (hug) một phụ nữ Mỹ, cũng nên thận trọng về miệng lưỡi cũng như bàn tay năm ngón. Tốt hơn, không khen, không ôm. Cẩn tắc lúc nào chả vô áy náy, cổ nhân đã dạy như vậy ắt chẳng sai.
Giai tầng thứ ba trong xã hội Mỹ là ... súc vật, trên cả đàn ông. Có hàng chục luật lệ cho việc nuôi chó, mèo. Ngược đãi hoặc hành hạ chúng là vào tù. Chó cắn chết người phải có án tòa mới được đem đi bắn bỏ, nghĩa là không được tự tiện “xử lý” (danh từ VC) tại chỗ. Đi xa bỏ mèo đói ở nhà, chủ nhân bị còng tay –những điều mà dân ta khi còn ở Việt Nam và dân Á Châu không tưởng tượng nổi. Ăn thịt chó thì Mỹ và Âu Tây cho là mọi rợ, vì theo họ chó là giống vật trung thành, nhưng họ giết ngựa ăn thịt thì “no problem”, dù ngựa cũng trung thành không kém chó. Mỗi năm, tại Portland, các đoàn viên phong trào bảo vệ súc vật biểu tình phản đối trước các tiệm bán áo choàng lông thú và McDonald’s vì bán hamburger kẹp thịt bò. Cô đào “chuổng cời” Brigitte Bardot, nay về già (lúc còn trẻ có hàng tá nhân tình) làm lãnh tụ phong trào này tại Pháp, tuyên bố thích súc vật hơn người (đàn ông, dĩ nhiên).
3. Đông và Tây không gặp nhau trong nhiều chuyện dài khác nữa. Tỷ như việc hai người cùng phái đi ngoài đường. Tại quê ta, sẽ không sao cả nếu hai anh đực rựa, mặc dù không phải gay, nắm tay nhau đi dung dăng dung dẻ dạo phố, hoặc hai cô nàng chỉ là bạn thân, vai kề vai thủ thỉ bên nhau trước công chúng. Ở Mỹ, người ta kỵ, sợ bị nghi là gay hay lesbian. Điều lạ là dù đồng tính luyến ái được pháp luật cho phép và bảo vệ, và mới đây được phép cưới nhau tại vài nơi, và hôn nhân đồng tính được Obama công khai ủng hộ, ai cũng ngại bị liệt vào thành phần đó.
Còn về ngôn ngữ không lời (nonverbal language), tức ra dấu bằng tay, Đông và Tây hoàn toàn trái ngược. Một ví dụ: để kêu, gọi ai, người Mỹ và Pháp đưa ngón trỏ hay bàn tay lên, úp vào trong, như vẫy chó, người Việt ta đừng lấy đó làm buồn. Ngược lại, cũng trong hành động này, nếu ta úp bàn tay xuống, người Mỹ tưởng ta ra dấu “bye bye” và sẽ chào lại y hệt. Giơ ngón tay giữa (trên bàn tay năm ngón của anh nằm vùng Trịnh Công Sơn) lên đối với người Việt mình chả có nghĩa gì, nhưng đối với người Mỹ là chửi thề đấy, có thể gây đổ máu như chơi. Bàn chân đối với ta hạ cấp, dơ bẩn, nhưng đối với Mỹ, có óc thực tế hơn, đó chỉ là một bộ phận như mọi bộ phận khác trong cơ thể. Cho nên việc sinh viên đại học gác chân lên bàn để được thoải mái trong lúc thầy giảng bài là thường, không có gì vô lễ. Tiện nhân không bao giờ nói gì, mà chỉ ngó một cách chăm chú vào đôi chân ấy là tự động họ thấy nhột, bỏ xuống.
Khi nói chuyện, người Mỹ nhìn thẳng vào mắt người đối diện để chứng tỏ mình ngay thẳng, chú tâm, người Việt (và Á Châu) thì nhìn nơi khác để biểu lộ kính trọng, đặc biệt đối với bậc cao niên. Người Mỹ trả lời thẳng (yes hay no, cùng lắm là I don’t think so để từ chối), người Việt vòng vo tam quốc, cả nể, sợ làm mất lòng, nhất là khi phải nói no. Người Mỹ kỵ hỏi về đời tư, hay cá nhân, còn người Việt mình, dù thân hay sơ, có thói quen hỏi, và muốn biết cho bằng được (dù các đối tượng “nạn nhân”, trong số có tiện nhân, né tránh, lảng qua chuyện khác) về (theo thứ tự) tuổi tác, tình trạng gia đình (độc thân, ly dị), bệnh tật, lương bổng, một cách tỉnh khô, có khi hỏi cả sốpounds của một bà Mỹ mập, mới giết người ta chứ! Và sau đây xin ghi lại một chuyện thật để chứng minh:
“Gần nhà tôi có một tiệm bún bò Huế mới mở, ế khách. Nội tướng của tôi muốn mua một tô đem về ăn thử. Chủ tiệm là một bà tuổi sồn sồn, đon đả mời tôi vào. Trong khi chờ nhà bếp bưng ra, bà hỏi tôi đủ chuyện làm quà, tuổi tác, vợ con, cháu nội, cháu ngoại, qua Mỹ lâu chưa, diện gì, công ăn việc làm... một cách thân tình như đã quen nhau từ tiền kiếp. Tôi chỉ trả lời ậm ừ cho qua, đợi giờ thoát hiểm. Bỗng nhiên, bà nhìn chăm chăm vào mặt tôi, rồi phán:
- Ông chắc là Hát Ô mới qua. Cỡ như ông, bây giờ ở không, cũng nên vô mấy chợ VN xin lau dọn, lặt rau, ngày kiếm vài chục cũng đỡ cái thân già.
Cũng may, vừa lúc ấy hộp bún bò đem ra. Tôi vội vàng chuồn lẹ, như bị ma đuổi, sợ bà chủ tiệm túm lại, tìm giúp thêm cho việc làm. Về nhà, vào phòng tắm soi gương, và tự hỏi: "Làm thế nào để có thể thành ông Hát Ô già?", bắt chước nhà văn Pháp Montesquieu, thế kỷ XVIII, đã viết: "Comment peut-on être Persan?" (Làm thế nào để có thể thành người Ba Tư?)” (“Chuyện thật như đùa”, NLGO, đã phổ biến).
Đối với dân Mỹ, đến đúng hẹn và đúng giờ rất quan trọng và được coi như thước đo mức độ xã giao, lịch sự và tự trọng, còn người mình có tật tà tà (trừ khi đến sở làm, sợ bị đuổi), coi thường cái hẹn (kể cả với bác sĩ), và thời giờ là cao su (chứ không phải vàng bạc). Đặc biệt, dự tiệc cưới. Không biết cái tệ trạng này phát sinh từ bao giờ, nhưng nay trở thành nét “văn hoá” của người Việt lưu vong, bất cứ nơi nào. Tiệc cưới ghi rõ mời 5 giờ, mà 7 giờ vẫn có nhiều kẻ đủng đa đủng đỉnh tới, nói cười tự nhiên như người... Hà Nội, và mãi đến 8 giờ, sau khi phải nghe anh chàng chuyên hành nghề MC đám cưới, -thường pha trò rất vô duyên,- thông qua một lô thủ tục giới thiệu và xin quý vị cho một tràng pháo tay thật lớn đến cô dâu chú rể, khách mới được phép húp muỗng xúp đầu tiên, đã nguội tanh. Chỉ tội nghiệp cho thực khách Mỹ, luôn luôn đúng giờ, ngồi chờ dài cả cổ! Một số người Việt cũng muốn đúng giờ lắm, nhưng nghĩ rằng ai cũng trễ, tội gì ta đến sớm, không khéo mang tiếng tham ăn tham uống.
4. Rồi không biết từ đâu đồng hương ta đặt ra cái tục lệ bắt khách vào nhà, dù là nhà thuê hoặc không sang trọng, sạch sẽ gì cho cam, phải cởi bỏ giày ngoài cửa –điều mà nhà văn Huy Phương cũng đã phê bình gay gắt trong một bài phiếm luận được phổ biến trên Mạng (xin xem vài đoạn ở dưới). Tiện nhân không dám có ý kiến khen hay chê, vì đây là một đề tài nhậy cảm, gần như tabou. Người ta viện dẫn ra nhiều lý do để biện minh cho tập tục này. Tiện nhân không dám viết mạnh tay như Huy Phương, bởi vì trong đám bạn Việt Nam tại Portland chỉ có một người duy nhất được minh chứng cụ thể là không theo phép tắc này và vì nghĩ mình là thiểu số nên rất sợ.
Văn hoá 'cởi giày'
“Từ ngày sang Mỹ tôi không bao giờ sắm những đôi giày có dây. Thật là phiền phức khi vào nhà người khác phải đứng lom khom, chân co chân duỗi để tháo chiếc giày ra, trước khi bước vào nhà, cho vừa lòng gia chủ. Với đôi giày không dây, chỉ cần tuột ra hay xỏ vào nhanh chóng rất tiện lợi. Có hôm chưa kịp cởi giày, đang bận bắt tay bắt chân thì bà chủ nhà đã thẳng thừng gọi ông chồng: “Anh nhắc mấy ông bạn cởi giày ra!”
[…] Cái gì quen làm đã thành nếp thì người ta gọi đó là văn hoá, một thứ văn hoá đặc biệt Việt Nam, mặc dầu không thấy sách vở nào ở hải ngoại của các nhà biên khảo văn hoá ghi rằng vào nhà người Việt Nam thì phải cởi giày, đi chân không.
[…] Không thể đem cái thói quen cởi giày ở Sài Gòn ra áp dụng cho hải ngoại. Nền nhà lót gạch bông của người Sài Gòn là cái giường ngủ, không thể đem đất cát, bụi bặm trên đường phố dơ bẩn vào nhà. Tôi đã sống ở Sài Gòn hơn 10 năm, nhà chật, căn gác nóng hầm hập thì cái nền nhà lót gạch bông vừa là bàn ăn, vừa là giường ngủ. Khách ở xa về, cũng không khách sáo, trời mát thì trải chiếu ra, nóng nực thì chùi sàn cho sạch, có khi ở trần nằm cho mát lưng. Ai mà nhẫn tâm mang giày đi dép vào cái nền nhà này? Nhưng ở Mỹ lại khác, ăn có nơi, ngủ có chỗ, không phòng riêng thì cũng nằm tạm trên cái xô-pha, còn nền nhà là chỗ đi lại, vì sao lại phải trân trọng nó như thế?
[…] Cũng ở hải ngoại này, khách có mời mới có cơ hội đến, khách muốn đến cũng phải xin phép trước chủ nhà, cũng không ai nhàn rỗi lê la từ nhà này sang nhà khác mà chuyện trò, đấu láo. Một gia đình trung lưu, mỗi năm may ra cũng chỉ có khoảng chục khách quen tới nhà, nên bộ salon ở phòng khách mọi nhà chỉ để cho người trong nhà chứ ít khi dùng để tiếp khách. Nếu có người hàng xóm hỏi thăm, ông giao hàng, hay người đi truyền đạo, thì cũng chỉ hé cửa thò đầu ra ngoài nói năng chốc lát, đâu có để ai giẫm lên cái thảm nhà mình. Vậy thì ai là người bước vào cửa nhà mình, nếu đó không phải là con cháu, họ hàng, bạn bè thân quý? Nếu thật sự, người ta không quí gia đình mình, chẳng ai dư thời giờ, rỗi rảnh mà bước vào ai!
[…] Với lại “một đời ta, ba đời nó” như ông bà ta đã nói: cái thảm, chiếc xe, ngôi nhà… đôi khi còn trơ trơ ra đó mà tên người đã nằm trên trang cáo phó rồi cũng nên.” (trích bài của Huy Phương)
Tiện nhân xin nói ké theo Huy Phương. Rằng thì là đôi giày cũng được ví với Hy Vọng trên tấm bảng dựng trước cửa Địa Ngục trong tác phẩm Inferno của thi hào Ý Dante Alighieri: “Hỡi các ngươi đang bước vào, hãy bỏ hết bên ngoài mọi hy vọng”. Đa số khách vì phản xạ tự nhiên, mới tới cửa, vội vàng cởi bỏ giày như cái máy, mặc dù tiện nhân thiếu điều năn nỉ, bảo đừng. Có chủ nhà, như trong Inferno, treo bảng nhắc một cách rất ư lịch sự: “Thank you for taking off your shoes” (Cám ơn đã tháo giày) và bê liền một khi đến tận chân khách, từ một đống dép ngổn ngang tại ngưỡng cửa, một đôi vừa chân hay không, không cần biết. Có chủ nhà nhắc khách tỉnh bỏ, hoặc đứng chờ, make sure là khách đã trút bỏ… mọi hy vọng, rồi mới ưu ái mời vào. Có chủ không nhắc, nhưng cứ liếc, hoặc chòng chọc, nhìn vào đôi giày khiến khách thấy chột dạ... Trong một buổi họp mặt đám cưới cách đây khá lâu tại nhà một người bạn Nam Cali, ai nấy, có cả tiện nhân, đều diện complet tươm tất, nhưng chân lại không giày, chụp hình lưu niệm, thấy không giống con giáp nào. Vào bất cứ nhà người Mỹ hay Pháp, tiện nhân không gặp phải cảnh khổ này. Khổ, vì tiện nhân chỉ có một đôi giày coi được, nhưng nó lại có dây dài, và nhiều lỗ, thắt nút, gỡ nút là một kỳ công, và vì tiện nhân đã bị mổ xương sống một lần, khom người xuống là một cực hình.
Sorry, nếu tiện nhân làm buồn lòng ai. Và nếu, sau đoạn trên, tiện nhân không được bạn bè mời đến nhà chơi nữa, thì cũng không có chi lạ, và tiện nhân chấp nhận hậu quả, vì khổ mà không dám nói lại càng khổ hơn.
5. Có hai đặc điểm, không biết hay hay dở, không thấy ở người Á Châu khác, làm điên đầu người Mỹ. Đầu tiên, tiếng “dạ”, mà họ cho là “vô cùng khó hiểu”. Yes có nghĩa yes, mà no cũng có nghĩa yes, như vậy đối với họ ta thiếu thành thật, hoặc không giữ lời hứa. Họ đâu biết rằng, tùy cách diễn đạt và giọng nói, tùy nét mặt và cử chỉ kèm theo, tiếng dạ của người Việt Nam hàm chứa nhiều nghĩa. Không hẳn đồng ý. Có khi không hiểu, nhưng không tiện hỏi lại. Có khi là “không”, nhưng không dám nói thẳng thừng, như trường hợp từ chối một lời mời hay một lời tỏ tình (khi tình yêu chưa chín). Có khi che giấu sự bối rối, lưỡng lự. Chính người Việt Nam với nhau còn hiểu lầm, huống hồ ngoại quốc.
Rồi đến nụ cười. Cũng khó hiểu tương tự tiếng dạ ở trên. Nụ Cười Bí Hiểm, nếu dịch theo từ Enigmatic Smile trong sách vở Mỹ. Dĩ nhiên nụ cười này không dính dáng đến đôi môi hé mở bất hủ của La Joconde, hay cái cười “hì” vô cớ của dân “Annam” ta mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm Đông Dương Tạp Chí, đầu thế kỷ qua, đã mô tả trong bài “Gì cũng cười”. Nó được dùng để nói mọi điều không thể (hoặc không muốn) diễn đạt chính thức bằng lời: chào hỏi, xin lỗi, cám ơn, đồng ý, từ chối, mắc cỡ, v.v..., đôi khi tỏ dấu yêu thương nữa.
Chúng ta cần loại bỏ các hủ tục để thích ứng với môi trường đang sống, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng trong số tập quán tốt đẹp người mình cần bảo tồn, thiết nghĩ phải có Tiếng Dạ Khó Hiểu và Nụ Cười Bí Hiểm hiền lành, dễ thương, vô tội này. Bởi không dân tộc nào trên thế giới có tiếng dạ và nụ cười như thế đó, và như vậy người Việt mình, đặc biệt các quý nương, có sức hấp dẫn lạ thường đối với ngoại quốc, và đó mới thật là văn hóa, chứ không phải phở gà, chả giò, bún bò Huế, bún chả Hà Nội, mà ai bây giờ cũng làm được, kể cả các anh Tàu đến từ Bắc Kinh, Hồng Kông. Nói thật, nói hết, nói thẳng như Tây Phương sẽ làm mất tiêu ma lực của sự giao tiếp, cảm thông. Cũng như ma lực của tình yêu.
Kipling chắc sẽ hết thở than nếu được tiếp xúc với người Việt Nam. Bởi vì nếu Đông và Tây gặp nhau, sẽ còn gì quyến rũ nữa đây, hở trời?
Portland, 26/12/2013
NLGO
Source Internet.