Bs Hồ Hải
Gần đây có diễn đàn hội thảo về Bùi Giáng trở lại, cũng có lắm người ca tụng, và cũng có thiểu số người đánh giá không cao về ông, vì họ không có đủ kiến thức để nhìn ông đúng với những gì ông viết. Lâu nay, kể cả trước 1975 và sau 1975 ở cả 2 miền Nam và Bắc, khi nói đến nhà thơ Bùi Giáng thì đa phần là ca tụng ông lên mây. Một số người thì lại đánh giá khác, chỉ là thiểu số, là thơ Bùi Giáng không hay, và khó hiểu, thậm chí không biết ông viết gì.
Những người ca tụng đa phần cũng chỉ là ca tụng vì thấy những người hiểu biết ca tụng rồi mình cũng ca tụng theo kiểu Gustave le Bon - tâm lý đám đông vô thức.
Những người đặt vấn đề thơ ông không hay, khó hiểu, thậm chí không hiểu ông viết gì, thì đa phần không nắm được trào lưu triết học ở miền Nam vào 2 thập niên 1960 và 1970 có 2 trường phái xâm nhập vào nền văn hóa miền Nam đầy khói lửa, và chết chóc vì chiến tranh Bắc Nam lúc bấy giờ là:
1. Chủ nghĩa Hiện sinh - Existentialism đại diện lúc đó là Jean Paul Sartre; và
2. Hiện tượng học - Phenomenology đại diện lúc đó là Martin Heidegger
Do hậu quả chiến tranh làm con người cần tìm nơi trú ẩn về tư duy, tâm linh, v.v... mà trong đó, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là 2 dịch giả, và tác giả chuyển tải bằng dịch thuật, và viết nhiều về 2 trường phái này ở miền Nam Việt Nam thời đó.
Đặc biệt, về Phenomenology - Hiện tượng học - là một trường phái triết học mô tả thực tại khách quan bằng lối ví von ngôn từ ẩn dụ, mà chỉ tác giả mới hiểu mình nói gì. Nó được 2 ông Bùi Giáng và Phạm Công Thiện đưa vào hầu hết các tác phẩm văn thơ, cũng như những dịch phẩm của họ cho chương trình đào tạo ở đại học. Đa phần những người viết theo trường phái hiện tượng học đều bị cho là, điên chữ làm cho mù nghĩa.
Trường phái triết học Hiện tượng học ra đời từ thời Edmund Husserl nghiên cứu về nhận thức luận của cái nằm bên dưới nhận thức của con người trong một hoàn cảnh cụ thể trong cuốn Logical Investigations (Nghiên cứu về lý luận) (1901). Sau này được các nhà triết học phương Tây đi sâu vào sự trú ẩn tâm lý trong ngôn ngữ, hành vi, và bao nhiêu vấn đề khác của khoa học tự nhiên và xã hội rất phức tạp.
Bên cạnh Hiện tượng học thì Chủ nghĩa hiện sinh cũng mô tả thực khách quan trần trụi của đời thường, để đưa ra một nhân sinh quan, một triết lý sống cho thực tại. Thời bom đạn ấy, chủ nghĩa hiện sinh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống thanh niên miền Nam, mà còn cả Hoa Kỳ và toàn cầu. Những tha hóa, thăng hoa; dấn thân, vong thân; đạo và đời; danh và lợi, phong trào Hippy của thanh niên, v.v... trong thời chiến ác liệt.
Nếu ai đọc bản dịch về Phenomenology của ông Bùi Giáng dịch thì cực kỳ khó nhằng, không khác gì tự đọc tác phẩm Kinh dịch của Ngô Tất Tố dịch ra Việt ngữ từ bản gốc tiếng Hán.
Cũng vậy, nếu ai đã từng đọc những cuốn mà ông Phạm Công Thiện viết như: Ngày sinh của Rắn, hay Mặt trời không bao giờ tắt, v.v... thì sẽ cực kỳ khó hiểu với những ngôn từ, những chương chỉ có một câu văn không biết ông nói gì? Ví dụ như: "Ôi! vàng rơi cây ngô đồng!" chiếm 1 chương trong sách! Không ai hiểu ông muốn lấy cây ngô đồng để nói cái gì? vàng rơi có phải l;à lá vàng rụng mùa thu? Vậy thì cây ngô đồng mùa thu lá rụng, thì ẩn ý của ông muốn nói cái gì? Đó là hiện tượng học.
Còn ông Bùi Giáng thì, Hỏi về tiểu sử, Bùi Giáng trả lời: "Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa./ Gọi tên là một hai ba,/ Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm." Không ai hiểu ông nói cái gì? Nhưng có thể mơ hồ hiểu ông muốn nói, ông đến từ hư vô và sẽ trở về từ cõi hư vô.
Cho nên, muốn hiểu Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và Trịnh Công Sơn thì phải hiểu về lịch sử, thời cuộc, và sự ảnh hưởng nền triết học hiện đại đến văn học nghệ thuật miền Nam 2 thập niên 1960-1970. Đặc biệt là Hiện tượng học - Phenomenology.
Thế hệ những ông này đưa Phenomenology vào xã hội Việt Nam khi nó là một trào lưu thế giới lúc bấy giờ. Nên cách viết của 3 ông này thường điên chữ làm mù nghĩa mà chỉ có ai chơi thân mới hiểu. Mỗi ông có một cách diễn đạt khác nhau. Trong 3 ông thì nhạc sĩ họ Trịnh là viết tương đối dễ hiểu hơn về Phenomenology trong cách diễn đạt bằng nhạc mà là thơ là triết.
Với Bùi Giáng, ông là một nhà thơ, một dịch giả nổi tiếng ở miến Nam trước 1975. Và cũng không ngần ngại xem ông là một triết gia.
Với Phạm Công Thiện, trước hết ông là một nhà ngôn ngữ học - ông từng tự cho mình là hiểu và biết quá nhiều ngoại ngữ đến nỗi, ông tự phong mình và người ta cũng phải công nhân ông là người có ngoại ngữ vân vân - từ những giai thoại về ông mà hầu hết sinh viên Văn khoa thời ấy học ông. Sau nữa là dịch giả, nhà thơ, nhà văn theo trường phái hiện tượng học.
Với Trịnh Công Sơn trước tiên là nhạc sỹ tài danh. Nhưng nhạc của ông quan trọng nhất là lời. Lời nhạc của Trịnh không chỉ là thơ, mà còn là một triết lý nhân sinh kết hợp giữa Phật học với Hiện tượng học để vẽ lên những câu vô nghĩa, nhưng khi ghép lại thì ai cũng hiểu bàng bạc thân phận của con người trong một kiếp nhân sinh.
Nếu Trịnh Công Sơn chỉ đơn thuần là người của công chúng showbiz ở miền Nam, thì 2 ông Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là những người của công chúng, họ còn là những người của công chúng trí thức miền Nam trước 1975. Vì 2 ông còn là giảng viên đại học nổi tiếng ở các trường đại học Văn Khoa và Vạn Hạnh thời bấy giờ. Cả 3 họ đều có ảnh hưởng lớn cho thế hệ thanh niên thời chiến của miền Nam.
Nếu nói đúng ra thì 2 ông Bùi Giáng và Phạm Công Thiện đã có công đưa hiện tượng học vào miền Nam. Ông Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng trường phái này, và dùng ngôn từ ẩn dụ để diễn tả thực tại khách quan về nội tâm và thân phận của con người kết hợp với Phật học để thành thơ, nhạc và triết lý nhân sinh. Cả 3 người có quan điểm nhân sinh như những triết gia về chủ nghĩa hiện sinh pha trộn hiện tượng học trong đời sống miền Nam lúc bấy giờ. Tất cả họ, hiện tượng học, và chủ nghĩa hiện sinh thời 1960 đến giữa 1970s là kết quả của cuộc nội chiến Nam Bắc và sự giằng xóc tâm linh, tư duy thời đại mà thành một bức tranh đại diện cho nền văn hóa nghệ thuật khai phóng miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975.
Source: Blog Bs HoHai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.