Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Tư tưởng và giáo dục


Trong lịch sử loài người, tư tưởng của một ai đó được chính người này hay nhiều người khác dùng tư tưởng đó để cổ xúy cho mọi người cùng hưởng ứng hành động theo.
 
- Nếu tư tưởng mang tính hiện thực như chính trị, xã hội, triết, giáo dục … thì nó được gọi là chủ nghĩa [主義; E;F: doctrine]. Cách ghép theo tiếng Anh với tiếp vĩ ngữ (suffix) là –ism, ví dụ:  chủ nghĩa cộng sản (communism), chủ nghĩa dân tộc (nationalism), chủ nghĩa nam nữ bình quyền (feminism), chủ nghĩa nhân văn (humanism), chủ nghĩa phát xít (fascism), chủ nghĩa siêu thực (surrealism), chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism), chủ nghĩa xã hội (socialism).
- Nếu tư tưởng mang tính siêu thực, thì nó được gọi là tín ngưỡng [信仰;  E: faith;  F: foi] hay tôn giáo[宗教;  E;F: religion].
 
          Sở dĩ những tư tưởng đó được gọi là chủ nghĩa, tín ngưỡng, tôn giáo mà không gọi là chân lý [真理;  E: truth;  F: vérité]   là vì các tư tưởng này có nhiều sơ hở khi có phản biện trên nhận thức, và có nhiều lạm dụng thủ lợi cho cá nhân hay cho những nhóm người nào đó trên hành động khi dựa vào tư tưởng này.
 
Nói cách khác, chủ nghĩa-tín ngưỡng-tôn giáo mang tính giáo điều, chủ quan, thường lấy giáo dục niềm tin [念信;  E: belief;  F: croyance]  làm chính. Vì thế, có thể nói loại giáo dục này mang tính nhồi sọ, và sự tồn tại của nó phụ thuộc vào không-thời gian cho tới chừng nào mà con người có được sự tự chủ với tầm nhìn khách quan. Chân lý hay lẽ thật không khác gì hơn là những thấy biết có thể thách thức trong mọi phản biện ở mọi nơi, mọi lúc; và truy cho cùng chân lý chỉ có thể đến với những ai luôn khao khát nơi chính mình về một tự do nội tâm.
 
Cực đoan là một thứ bệnh hoạn tinh thần, mà giáo dục nhồi sọ lại là thứ giáo dục cực đoan. Vì thế, giáo dục nhồi sọ rất tai hại cho con người bình thường, đặc biệt là các trẻ thơ.  Tuy nhiên, giáo dục nhồi sọ rất lợi ích cho những ai mắc phải căn bệnh chấp thủ, cho tới lúc những người này lấy lại sự cân bằng trong nhận thức.
 
Trên thực tế, trong một cộng đồng con người, luôn luôn có nhiều căn tính khác nhau, thường thì dở nhiều-giỏi ít, dân nhiều-quan ít: “một người tính, chín người làm”.  Vì thế, trước một tư tưởng lệch lạc được cổ xúy, số nhiều người kém suy nghĩ hưởng ứng ngay, số ít thì thấy ra nhưng không thể đi ngược lại mà đành chịu và chờ thời cơ để có những đổi thay.
 
Do đó, chúng ta cần phải hiểu ra và có cách ứng xử cho phải lẽ nhau cho dù ở trong hoàn cảnh nào; điều này lại đáng suy nghĩ về hình ảnh của một nước Đức với chủ nghĩa phát xít, một nước Nga với chủ nghĩa cộng sản; cho dù bị chi phối bởi các chủ nghĩa tai hại, đặc biệt về giáo dục, họ vẫn đi tới với nhiều thành quả đáng kinh ngạc; phải chăng công lao này thuộc về những người trí thức âm thầm hành động với lương tâm và yêu chuộng chân lý?

MT

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.