Trần Trung Đạo
Nhà tôi có trồng hai cây mai trong chậu. Vợ tôi thích trồng vài cây cảnh nhỏ trong nhà nhưng trồng gì cũng khó sống ngoại trừ trồng mai. Khoảng mười năm trước khi đến thăm Montreal, nhà thơ Thủy Trang cho chúng tôi một cây mai nhỏ. Cây mai chị cho nhỏ đến nỗi tôi để ngay trước chỗ tay lái mà cảnh sát biên giới cả Mỹ lẫn Canada đều không thắc mắc là cây gì mặc dù luật mang cây trái sang biên giới rất nghiêm khắc.
Cây mai lớn rất nhanh cho đến ngày nọ một người bạn ghé chơi và phán rằng Tết sắp đến nên nhặt lá để cây mai trổ bông. Chúng tôi dại dột nghe lời nhặt hết lá mai dù nhiều lá vẫn còn xanh và thậm chí còn non. Vài hôm sau cây mai chết.
Từ bài học cay đắng đó, sau này khi mua cây mai khác từ vùng Florida nắng ấm, chúng tôi để mặc mai chọn lựa thời gian rụng lá và trổ bông bất cứ lúc nào chúng thích. Công việc của chúng tôi là canh chừng nhiệt độ, giữ cho mai được đủ ánh sáng, mùa hè đem ra sân, mùa đông đem vô nhà, bón phân và tưới nước. Năm nay cũng thế. Tôi không nhặt lá nhưng tháng qua hai cây mai lần lượt tự rụng lá, mọc lên những chồi non màu tím và những nụ màu xanh. Nếu ở chợ hoa nào đó trong nước hai cây mai nhà tôi dù đem biếu không chưa chắc có người nhận nhưng ở miền Đông giá rét của nước Mỹ, chúng được coi quý chẳng khác gì là linh chi ngàn năm. Mai nở trong khung cảnh chẳng có gì gọi là xuân. Mùa xuân ở đây và cả bên nhà đều chưa đến. Trời mới sắp vào đông. Boston lạnh sớm hơn mọi năm. Nhiều đêm nhiệt độ đã xuống đến mức đông đá. Buổi sáng đoạn đường ngắn từ nhà bước ra xe đã đóng thành băng. Hôm nay chỉ mới cuối tháng 11. Tháng 11 đối với tôi là một tháng nhiều kỷ niệm. Tôi xem ngày 20 tháng 11 như là ngày lễ lớn vì cách đây 27 năm, 8 giờ tối ngày 20 tháng 11 năm 1981, tôi đặt chân đến thành phố “có tôi đây xa lạ” nhưng nay trở thành thân thiết này.
Những năm trước rảnh rỗi hơn, tôi thường dành ngày 20 tháng 11 để lái xe về thăm con đường Parkvale ở Allston, nơi bác Tôn Thất Ân, ngày đó còn làm việc cho cơ quan bảo trợ, đưa tôi về sống những ngày đầu tiên với những người cùng cảnh ngộ. Dù bác chỉ làm công việc của một nhân viên, tôi cũng biết ơn bác vì sau bao nhiêu chuyến đi xa của đời mình lần đầu tiên có một người đến đón.
Khi có dịp đi lên hướng bắc của thành phố, tôi thường trở lại thăm con đường Commonwealth. Con đường có hai hàng hoa Mộc Lan xinh đẹp thường được in trong các bưu thiệp để giới thiệu về thành phố Boston. Đường Commonwealth có trường đại học Boston, nơi tôi ghi danh học môn ngôn ngữ điện toán đầu tiên hết sức khó, đêm ngủ thường chiêm bao thấy mặt ông thầy. Thời đó, mỗi sinh viên dù chuyên ngành cũng chỉ được xử dụng máy mỗi tuần 8 giờ ngoại trừ sau 11 giờ tối đến 5 giờ sáng. Những kẻ đánh máy theo kiểu “nhất dương chỉ” như tôi thường phải ngủ sớm để khuya thức dậy đi làm bài. Trên đường Commonwealth còn có trụ sở của International Institute of Boston, cơ quan thiện nguyện đã bảo trợ tôi trong những ngày mới đến.
Tôi cũng thích ghé ngang qua công ty Teradyne, một công ty điện tử quen thuôc với người Việt, nơi lần đầu trong một buổi chiều mưa, tôi đã gặp gỡ một người sau này trở thành vợ tôi. Những người quen, có người còn người mất và những con đường, căn nhà, hàng cây, qua mấy chục năm đã thay hình đổi dạng nhưng trong lòng tôi kỷ niệm vẫn màu xanh.
Kỷ niệm, dù vui hay buồn, dù ngọt ngào hay cay đắng, nếu biết chiêm nghiệm, cũng giúp thăng hoa cho cuộc sống con người.
Trời năm nay cũng mưa nhiều hơn năm trước. Mưa và mưa. Những cơn mưa lạnh kéo dài suốt cuối tuần qua. Mưa nhiều đến mức Thống Đốc tiểu bang Massachusetts phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để phòng chống lụt. Những chặng đường của đời tôi đi qua cũng được đánh dấu bằng những cơn mưa. Tôi rời làng Mã Châu một mình khi còn rất nhỏ và đêm đầu tiên ở Đà Nẵng là một đêm mưa. Tôi vào Sài Gòn trong một chiều mưa và đêm từ giã Sài Gòn cũng trong cơn mưa lớn. Và bao nhiêu cơn mưa khác. Mưa khi lái xe rời thành phố có ánh trăng mười sáu soi đường, mưa khi xa sân trường trung học có hàng phượng vĩ, mưa khi lần cuối đạp xe qua con đường Duy Tân có bóng me xanh. Và bao nhiêu kỷ niệm, dù một ngày, một năm hay một đời, dù còn ở lại hay ra đi vội vàng như những chiếc lá cuối thu, âm hưởng của chúng vẫn còn vang trong tâm hồn tôi bất tận.
Mưa làm tôi nhớ lại những cơn mưa tuyết chào đón tôi 27 năm về trước cũng vào cuối tháng 11 này. Tôi quen đi và đến một mình nhưng phải công nhận khi rời Manila để đến Boston là một trong những thay đổi lớn nhất. Sáng 17 tháng 11 năm 1981, đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn phát cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy có ghi những chuyến bay đi và đến. Tấm giấy của tôi có ghi phi trường tôi sẽ đến bằng chữ BOS. Tôi không hiểu đó là đâu vì chưa quen với cách viết tắt các phi trường Mỹ. Nhân viên Cao Ủy giải thích trạm cuối cùng của tôi là Boston. Đứng trong góc phòng tôi nghĩ về thành phố mang tên của một điệu nhạc buồn. Boston xa xôi quá. Phần lớn người trong đoàn sẽ về California nắng ấm vì họ có thân nhân. Tôi thuộc diện “mồ côi”, hiểu theo nghĩa tỵ nạn là không có thân nhân ở Mỹ, sẽ đi về xứ lạnh.
Và như thế, đoàn người tỵ nạn chúng tôi lên xe bus ra phi trường. Gia tài của tôi, dăm bài thơ dang dở và một bộ áo quần. Hôm rời trại Palawan, tôi mang dép ra phi trường đi Manila. Một người nhắc tôi nên lên chỗ Sơ Pascal xin một đôi giày. Tôi không đi, tự nghĩ Sơ còn phải lo chăm sóc cho đám trẻ em, mình lớn rồi nên tự lo liệu lấy. Ở Manila, một người quen cho tôi một đôi giày nhưng số nhỏ hơn bàn chân tôi nhiều. Đôi giày chật chội làm mấy ngón chân tôi chảy máu.
Và như thế, tôi tạm biệt trại Palawan thân thương, tạm biệt thủ đô Manila kỷ niệm, tạm biệt cảng Subic Bay nơi chiến hạm White Plains có thể đang nhả neo, tạm biệt đất nước Philippines với lòng biết ơn bảo bọc, tạm biệt Thái Bình Dương bao la nơi đồng bào tôi đang lênh lênh trong dòng nước đó và tạm biệt phương đông, tôi mang thơ đi về phương tây bằng đôi chân đang rỉ máu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không ai đưa tiễn, như trong thơ Nguyễn Bính, tôi “một mình làm cả cuộc phân ly”.
Ngồi trên máy bay mà lòng miên man tưởng tượng những gì đang chờ đón mình. Hồi còn nhỏ tôi nhiều lần đi xa nhưng không ý thức hết sự quan trọng của mỗi chuyến đi. Ngày đó tôi đi như con chim nhỏ cuốn theo dòng định nghiệp. Với đôi cánh nhỏ nhoi và sức bay yếu ớt của mình, tôi chỉ biết nương theo chiều gió mà sống sót. Có khi đậu trúng bãi cát nóng Sơn Chà, có khi rớt xuống trại cây khô Đà Nẵng, có khi rơi dưới gốc đa già ở Hội An, nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, tôi cũng đã cố gắng bay lên để hót vang giữa núi rừng đầy bất trắc.
Không phải bây giờ mà ngày xưa cũng thế, không ai biết tôi một mình. Tôi có con người của xã hội và con người của riêng tôi, hòa hợp và tương phản, im lặng và sôi nỗi, luôn cố gắng làm điều tốt nhưng cũng phạm nhiều lỗi lầm. Tôi luôn sống rất vui, rất lạc quan và rất yêu đời. Tôi luôn tìm được những điều tích cực ngay cả trong những hoàn cảnh vô cùng tuyệt vọng như khi đứng trên bờ kinh Chu Hải một buổi sáng tháng 6 năm 1981 chẳng hạn. Nhưng bay đến Boston thì khác. Năm 1981 tôi đã ở tuổi trưởng thành và ngọn núi đang chờ tôi ở Boston cũng cao hơn nhiều so với những ngọn núi thời thơ ấu. Tôi không chỉ phải chọn lựa cách vượt qua mà còn phải vượt qua bằng con đường ngắn nhất và nhanh nhất.
Sau 27 năm, ngọn núi vẫn còn đó, thử thách vẫn còn đó, bao nhiêu việc muốn làm vẫn chưa làm xong, mơ ước thời tuổi trẻ vẫn còn là mơ ước, nhưng ít ra, nhân ngày đánh dấu 27 năm định cư trên nưóc Mỹ, nhìn lại đời mình, tôi nghĩ mình đã làm được một vài việc có ích cho xã hội, đã đi một đoạn đường, đã gieo trên mảnh đất cằn khô mà tôi đặt chân qua vài hạt giống tôi tin là tốt cho tương lai. Và tất cả những điều tôi đã làm sẽ không thành nếu thiếu đi một chất liệu căn bản. Đó là tình người.
Tình người trong những ngày ở ngoài nước không bắt đầu từ đâu xa mà ngay trong cộng đồng tôi đang sống. Một cái bắt tay, một lời chào, một lời an ủi, một tiếng cười và nhiều khi cả những giọt nước mắt chia buồn đã tạo trên xứ người xa lạ này một góc quê hương. Chúng tôi nương tựa vào nhau, gần gũi nhau hơn cả những người thân thiết trong gia đình. Đất nước nằm bên kia trái đất xa xôi nhưng tình người có ở khắp nơi và vô cùng gần gũi. Khái niệm cộng đồng không phải là khái niệm mới mà đã có trong tự điển từ ấn bản đầu tiên nhưng giá trị thật sự của khái niêm nầy chỉ thể hiện trong sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại sau 1975.
Ở Boston trong những năm đầu thập niên 1980, tôi biết có nhiều người chuyên đi tìm trường dạy nghề, các hãng xưởng, các lớp tiếng Anh miễn phí hay những chỗ cho mướn nhà rẻ để giới thiệu lại cho bà con còn gặp khó khăn. Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau để nghe các anh chị đó thông báo những tin tức họ vừa tìm hiểu được. Họ không làm cho cơ quan thiện nguyện nào cả nhưng chỉ nhờ nói được tiếng Anh tốt hơn nhiều người khác. Tôi cũng biết một anh suốt nhiều năm trời đã tận tụy với công việc đi đón người mới đến, từ thế hệ vượt biên cho đến các đợt HO sau nầy. Dù khuya khoắt bao nhiêu, tuyết rơi ngập lối hay giá rét căm căm anh vẫn đứng chờ trên hành lang phi trường để mang đến cho bà con vừa đặt chân xuống máy bay những lời thăm hỏi đầu tiên vô cùng cần thiết. Như bầy chim tránh bão, chúng tôi đã nương tựa nhau mà sống dưới tàn cây phong và sưởi ấm đời nhau bằng que củi tinh thần.
Những đồng hương có lòng tốt như thế không phải chỉ có ở Boston mà chắc chắn cũng có ở Montreal, Toronto, Chicago, San Jose, Santa Ana, Paris, Sydney, Berlin và khắp nơi tại hải ngoại. Tên tuổi của họ có thể không được vinh danh trong những tiệc tùng sang trọng, không được nêu trong danh sách của những anh hùng làm rạng danh cộng đồng người Việt. Không, họ không phải là những khoa học gia có nhiều bằng sáng chế, những trí thức học nhiều hiểu rộng, những chủ công ty lớn, những dân cử được bầu bán, những thương gia giàu có nhưng nếu thiếu họ cộng đồng chúng ta đã phải khó khăn vất vả biết bao nhiêu. Con đường nào, đại lộ nào cũng có tên nhưng của con đường trưởng thành của cộng đồng Việt Nam phải được mang tên họ, những đồng hương Việt Nam làm việc trong âm thầm nhưng đầy lòng nhân ái.
Nếu không có tình cộng đồng có thể tôi vẫn sống, cũng học ra trường, cưới vợ, có con và đi làm để xây dựng cho mái ấm cho riêng của mình, nhưng tình cộng đồng đã mang đến những điều tôi không có. Tình cộng đồng là mùa xuân của cuộc đời tỵ nạn, đã giúp tôi mang cái riêng vào cái chung, giúp tôi hiểu ý nghĩa giọt nước mà tôi đang uống, chén cơm mà tôi đang ăn. Tình cộng đồng là nguồn suối của rất nhiều thơ và văn tôi.
Tháng 8 năm nay, tôi in một cuốn sách mới nhưng cố ý dành đến gần ngày kỷ niệm 20 tháng 11 để giới thiệu đến bà con Boston trước khi đi giới thiệu vài nơi khác. Như tôi có thưa với bà con có mặt hôm đó, họ không phải là độc giả hay là những người thưởng ngoạn văn học nghệ thuật nhưng là một phần trong đời sống tinh thần, là nội dung và tâm hồn của cuốn sách tôi vừa viết. Tôi đi nhiều nơi nhưng bao giờ cũng muốn về lại Boston, thành phố thân yêu nơi tôi sống lâu hơn thời gian tôi đã sống ở Việt Nam. Không có đời sống tỵ nạn, hẳn nhiên vẫn có tôi nhưng sẽ không có Trần Trung Đạo, bút hiệu mà tôi đặt cho bài thơ đầu tiên viết ngoài Việt Nam.
Boston gắn liền với tình cảm của tôi như một người anh văn nghệ, nhà văn Trần Hoài Thư có lần đã viết: “Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hóa Việt Nam. Và một khu Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn bão bùng. Bạn hữu mấy thằng trôi thất tán. Mấy thằng đợi một chuyến đò ngang…Cái mẫu số chung ấy là mẫu số của bất cứ người tị nạn nào trong chúng ta…Cám ơn Boston với những con tim kỳ diệu. Nếu không có những con tim này, tôi nghĩ, chắc chắn sẽ không có Trần Trung Đạo”.
Thật vậy, có lần, sau khi bán căn nhà ở Dorchester nhưng lại không di chuyển về thành phố khác, vợ chồng tôi phải đi tìm mua căn nhà mới. Chúng tôi đến phía nam tiểu bang Massachusetts và tìm được một căn nhà rất khang trang nhưng giá cả phải chăng vì khá xa thành phố. Trên đường lái xe về, vợ tôi đoan chắc là tôi sẽ không mua căn nhà đó, lý do đơn giản vì xa cách với cộng đồng người Việt Boston. Vợ tôi nói đúng. Tôi không thể sống xa cộng đồng Việt Nam. Tôi chỉ có thể ở những nơi nào mà trong vòng 20 hay 30 phút tôi phải có mặt khi cộng đồng cần đến tôi. Tôi không có phòng mạch ở Boston, không có nhà hàng ở Boston, không có văn phòng luật sư ở Boston và tôi cũng chưa bao giờ đảm nhiệm một chức vụ gì trong ban chấp hành cộng đồng nhưng khi nghĩ đến cộng đồng, tôi luôn nghĩ đó là cộng đồng của tôi, giống như nhà tôi bây giờ hay chùa tôi, cây đa thân thiết của tôi ngày trước. Câu nói “Cộng đồng của tôi” thể hiện một quyền sở hữu nhưng không phải sở hữu tài sản vật chất là một thứ sở hữu tình cảm, một mối tình đã gắn bó thủy chung với tôi suốt 27 năm qua.
Cách nhà tôi khoảng 20 dặm về phía nam là một thành phổ nhỏ nhưng rất nỗi tiếng bởi vì đó là một trong những trạm khởi hành của lịch sử Mỹ, thành phố Plymouth. Nhóm người đâu tiên đã trải qua nhiều khó khăn nhưng ít ra họ hơn cộng đồng người Việt một điều là khi ngồi trên chiếc tàu Mayflower họ biết rằng họ đang giăng buồm đến Mỹ. Người Việt Nam thì khác, ra đi như chỉ để ra đi. Khi đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn biển cả mênh mông và những cụm mây bay xa tít cuối chân trời, tôi không biết đời mình rồi sẽ ra sao. Tôi tin, ngoại trừ một số ít có thân nhân, những người ra đi như tôi đều chia sẻ một tâm trạng buồn giống nhau như thế. Làm người chỉ có một quê hương, vâng, nhưng quê hương không bao giờ đủ nghĩa và trọn vẹn nếu quê hương không có tự do. Tôi thán phục câu nói của Tổng Thống Abraham Lincoln “Nơi nào có tự do, nơi đó là quê hương tôi” và từ suy nghĩ đó tôi đi.
Không phải chỉ Boston thôi, mà tôi tìm thấy tình người trong tất cả những nơi tôi đã đến. Nhiều mùa hè, tôi dành gần như tất cả cuối tuần để đi đến các thành phố lớn nơi có cộng đồng Việt Nam và bạn bè tôi đang sống như Orange County, San Jose, Atlanta, Washing DC, Seattle, Sacramento, San Diego, Denver, Tampa, Miami, Chicago, Houston, Dallas, Montreal v.v. và ở đâu tôi cũng tìm thấy sức sống mỗi ngày thêm mạnh của cộng đồng người Việt, một tình đồng hương đầm ấm, thiết tha. Tôi đã đến với những cộng đồng nhỏ đến mức vào ngày Tết tập trung hết cũng chỉ có vài chục gia đình như ở Cary, North Carolina và tôi cũng đã đến với những cộng đồng rất lớn có cả hàng chục, hàng trăm nghìn người như Santa Ana, San Jose, Houston, Dallas. Và dù ở đâu tôi vẫn bắt gặp giòng suối tình thương Việt Nam đang chảy và hàng cây hy vọng mỗi ngày một thêm cao lớn. Tháng trước tôi trở lại thăm Atlanta. Mười năm tôi mới có dịp ghé qua đó một đêm. Trong chương trình thơ nhạc, tôi vẫn còn được các chú bác anh chị ở Atlanta gọi một cách thân thương là “nhà thơ trẻ”. Thật ra tôi không còn trẻ nữa nhưng vì hầu hết những người từng gọi tôi như thế trong lần đọc thơ mười năm trước cũng có mặt trong buổi chiều đọc thơ lần nầy. Mái tóc họ bạc hơn và những bước đi chậm hơn nhiều nhưng họ vẫn giữ trong tâm hồn một tình cảm và một hình ảnh mến thương nguyên vẹn như trong lần đầu tôi đã ghé thăm.
Ba mươi ba năm, từ những ngày đầu tiên khi ánh mắt còn ngỡ ngàng, bước chân còn ngần ngại, câu nói còn vụng về, cộng đồng Việt Nam đã trưởng thành về mọi phương diện. Những siêu thị mỗi ngày một đông hơn, thương xá rộng hơn, nhà cửa cao hơn, xe cộ mới hơn. Hẳn nhiên, cộng đồng Việt Nam chưa phải là một cộng đồng tuyệt vời, hoàn hảo như mỗi chúng ta có thể đang mơ ước. Có những điều chưa trọn vẹn, nhiều hiện tượng tiêu cực và nhiều ước mơ chưa trở thành hiện thực.
Mồi khi lật trang quảng cáo của một tờ báo, ở bất cứ tiểu bang nào, ở bất cứ nước nào, chúng ta cũng thầm tự hỏi phải chi tất cả ông bà bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư, thương gia đang quảng cáo đầy kín tờ báo kia, dành một ngày, một ngày thôi, để đến với nhau trong lễ Giổ Tổ Hùng Vương hay Tết Dân Tộc thì cộng đồng chúng ta sẽ đẹp hơn, sẽ mạnh hơn, sẽ ấm cúng hơn biết bao nhiêu.
Ngoại trừ một số ít có tinh thần dấn thân, một số khác đông hơn vẫn còn xa cách, vẫn xem cộng đồng người Việt đơn giản chỉ là những khách hàng không khác gì người Hoa, người Mễ. Họ quên rồi chăng? Trong ký ức chưa phai của những lưu dân vừa bỏ nước ra đi, có họ trong những người từng sắp hàng trước cơ quan an sinh xã hội để lãnh tiền trợ cấp, có họ trong những đoàn người chân ướt chân ráo, lạc đường, lạc nẽo giữa phố người. Hàng cây phong còn đó nhưng bầy chim đã sớm bỏ nhau đi khi mùa đông đến. Tôi mong có một ngày họ sẽ đến, đúng ra là sẽ trở về, để tìm lại chính mình trong cộng đồng người Việt với tư cách là thành viên của một đại gia đình, nơi chính họ đã nhờ đó mà thành công.
Không giống như các tình trạng rẽ chia, hận thù và phân hóa thường thể hiện qua những hiện tượng tiêu cực trong đời sống hàng ngày mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, tình thương là dòng suối mát nhưng nhiều khi chảy rất âm thầm, như sáng nay trong nhà tôi những búp mai xanh đã âm thầm nở thành những cánh hoa vàng rực rờ. Mùa xuân đang lần nữa qua đây."
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.