Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014
Thứ quý nhất của cuộc đời
Tại một làng chài nọ, có một chàng thanh niên hiền lành và tốt bụng, làm việc rất chăm chỉ.
Ngày nọ, trên đường về nhà, chàng lượm được một cái chai nhỏ. Vì tò mò, chàng tìm cách tháo bằng được nắp chai ra. Bất ngờ từ trong chai bay ra một làn khói trắng và vị thần khổng lồ xuất hiện.
Vị thần liền cất tiếng nói:
- Đừng sợ! Ngươi là ân nhân của ta, ta cho ngươi ba điều ước. Nào! Hãy ước đi hỡi chàng trẻ tuổi.
Ước gì nhỉ? Chàng đắn đo và trả lời:
- Thần cho tôi thời gian để suy nghĩ nhé!.
- Được thôi. Từ đây đến chiều ngươi phải nghĩ ra đấy.
Chàng đi dọc theo bãi biển và suy nghĩ. Trên đường đi chàng gặp một đám trẻ con hồn nhiên, vô tư chơi đùa say mê. Nhìn những gương mặt thiên thần, chàng thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Đi tiếp, chàng gặp một chàng trai trẻ liều mình cứu những người nghèo khổ thoát khỏi một nhóm trộm cướp. Tấm lòng nghĩa hiệp đó khiến chàng khâm phục.
Chàng lại tiếp tục đi và thấy một đám đông vây quanh một cụ già. Thì ra có một con cá voi mắc cạn trôi dạt vào bờ. Mọi người định giết nó để lấy thịt bán. Cụ già nói:
- Những gì thuộc về biển cả hãy trả về cho biển cả. Thế là chú cá voi được cứu sống.
Hoàng hôn buông xuống. Vị thần hiện ra hỏi:
- Ngươi đã nghĩ ra chưa?.
Chàng trai trả lời:
- Vâng, xin thần hãy ban cho tôi sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ; một trái tim nghĩa hiệp, dũng cảm của tuổi trẻ và một tấm lòng nhân ái, vị tha của người từng trải.
Vị thần nói:
- Hỡi chàng trai, ngươi làm ta bất ngờ đấy, bởi vì ngươi đã nhận ra những thứ quí giá nhất của cuộc đời.
Phần lớn chúng ta đều ý thức rằng những hấp dẫn từ vật chất bên ngoài sớm muộn gì cũng sẽ vỡ tan, chỉ có một cõi lòng bình an và hạnh phúc với chính nó mới đích thực là nhu yếu sâu sắc nhất của con người. Như thế mưu cầu, lo toan, tính toán, gom góp cho tự thân càng nhiều thì bất an càng lớn.
Mỗi khi bế tắc, mỗi lúc khó khăn ta hay tìm đến những phút giây mơ ước một điều kỳ diệu nào đó do sự ngẫu nhiên của thế giới mông lung đem lại, để giải quyết những bế tắc hiện tại.
Cho dù một điều ước hay ngàn điều ước có thực hữu hiệu hay không thì chúng ta cũng phát giác ra sự thật là tất cả những sự trôi chảy thuận lợi ấy điều dựa trên nền tảng vay mượn bên ngoài. Chỉ khi nào đối diện với các nghịch cảnh, chướng ngại, khó khăn, thất bại mà ta vẫn vui vẻ chấp nhận, tìm cách vượt qua và không đòi hỏi gì bên ngoài thì đó mới là sự làm chủ và biết cách sử dụng vốn liếng của tự thân.
Source Internet.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.