Khi học tiếng Việt, tôi nhận thấy những nét đặc trưng văn hóa của người Việt qua cách xưng hô. Những người làm nghề giáo ở Việt Nam được là “thầy, cô”, khác hẳn cách mọi người xưng hô với những người cùng tuổi còn lại. Điều này thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt. Ngay cả vợ hay chồng của thầy cô giáo cũng được gọi là thầy hoặc cô mặc dù họ không phải là giáo viên.
Ở phương Tây, cách xưng hô với giáo viên cũng giống như với những người làm nghề khác. Cách gọi của chúng tôi không phụ thuộc vào trình độ giáo dục mà phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân.
Giáo viên nữ chưa lấy chồng được gọi là “Miss”, dù già hay trẻ. Với nam giới thì tất cả đều là “Mr.”, không kể người đó lập gia đình hay chưa. Chỉ những ai có bằng tiến sĩ hoặc là bác sĩ mới được gọi khác. Thế mới thấy nghề giáo thật đặc biệt ở Việt Nam.
Trong gia đình ở đây, cách xưng hô dựa theo mối quan hệ họ hàng và thứ bậc. Thế nhưng điều đặc biệt là với những mối quan hệ ngoài gia đình, người Việt Nam cũng áp dụng cách xưng hô trong gia đình để gọi. Cô, bác, anh, chị, dì, chú,… là những cách xưng hô phổ biến trong xã hội.
Dựa trên tuổi tác, mối quan hệ mà người ta lựa chọn cách gọi để vừa thể hiện sự tôn trọng, vừa thể hiện sự thân mật như với người trong gia đình. Cách gọi này đem đến cho tôi cảm giác xã hội Việt Nam là một đại gia đình đoàn kết gắn bó.
Xã hội phương Tây không như thế. Mỗi người trong xã hội là một cá nhân và vị trí của họ không tùy thuộc vào ngày sinh hay tuổi tác. Chính vì vậy, xã hội không kết nối chặt chẽ với nhau.
Gia đình phương Tây có vẻ dễ tan rã hơn bởi mỗi cá nhân không muốn hy sinh bản thân nhiều để gìn giữ các giá trị chung. Việc ly dị phổ biến hơn, thay đổi chỗ làm thường xuyên hơn và mối liên hệ giữa họ với cộng đồng xã hội không được xem là điều quan trọng.
Chính vì các mối dây liên kết này không mạnh nên các cá nhân dễ dàng lựa chọn cách ra khỏi một nhóm hoặc một tổ chức nào đó khi họ thấy lợi ích của mình không được đáp ứng.
Ở Việt Nam, người không cùng huyết thống cũng có thể được gọi thân mật như một người trong nhà. Trong xã hội phương Tây, điều này khó xảy ra.
Ngay cả với những thành viên trong nhà có thêm do các mối quan hệ hôn nhân, chúng tôi cũng thêm cụm từ “in law” (theo luật pháp) để phân biệt với các mối quan hệ theo huyết thống. Các gia đình ở Việt Nam có vẻ rộng lượng hơn trong việc mở rộng gia đình thông qua việc xưng hô.
Việc sử dụng các từ xưng hô trong gia đình cho toàn xã hội thể hiện sự đoàn kết của người Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy sự cởi mở trong việc đón nhận người ngoài vào cộng đồng của mình. Điều này khiến cho cả xã hội gắn kết chặt chẽ như một gia đình.
Tôi rất mong học được nhiều hơn về văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ. Hy vọng là càng học nhiều, tôi càng tìm thấy nhiều điều thú vị về con người và văn hóa Việt Nam.
RENATE HAEUSLER -Lê Tâm dịch
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.