Alexei Volkow
Ngô Bắc dịch
LND: Dưới đây là bản dịch của một bài viết hiếm hoi của một tác giả Tây Phương về khoa Chiêm Tinh Học và Thuật Bói Toán tại Việt Nam từ xa xưa. Bởi phải chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa kéo dài cả nghìn năm lệ thuộc, chiêm tinh học và thuật bói toán Việt Nam đều bắt nguồn từ các kinh sách của Trung Hoa. Tác giả đã hoàn toàn dựa vào các sự phân tích hàn lâm, tức trên sách vở không thôi, và không nêu ra các sự khảo sát về mặt thực hành. Trong thực tế, đã có ít nhiều sự khác biệt trong sự thực hành, đôi khi chỉ trên hình thức, tạo ra sự khác biệt của khoa chiêm tinh và thuật bói toán của Việt Nam với Trung Hoa. Chẳng hạn như phép bói Bát Tự hay cách lập quẻ bằng giờ, ngày, tháng, năm sinh và giới tính vốn thông dụng tại Trung Hoa nhưng hầu như rất ít được áp dụng tại Việt Nam, hay trong bản tử vi của Việt Nam, con Mèo (Mão) đã thay cho con Thỏ trong 12 con vật thuộc địa chi của tử vi Trung Hoa.
Điều lạ lùng là tác giả không hề nói gì về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người được xem là nhà tiên tri nổi tiếng nhất của Việt Nam, kẻ mà người dân Việt Nam nào cùng nghe biết đến qua các lời được cho là sấm truyền của cụ trong hơn 500 năm qua, tuy chẳng hiểu biết một cách xác thực về nhân vật gần như huyền thoại này./-
***
Dẫn nhập: Bối cảnh lịch sử
Miền bắc của Việt Nam ngày nay đã từng chính thức trở thành một tỉnh của Đế Quốc Nhà Hán Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 2 Trước Công Nguyên [từ giờ trở đi viết tắt là TCN, chú của người dịch], song các sự trao đổi trí thức giữa miền này với các phần khác của Trung Hoa đã hiện diện từ lâu trước thời điểm đó. Khi Việt Nam thôi không còn là một tỉnh của Trung Hoa trong thế kỷ thứ 10 Sau Công Nguyên [SCN], quốc gia Việt Nam mới khai sinh đã thực hiện một hệ thống thư lại tương tự như hệ thống của triều đại nhà Tống Trung Hoa (960-1279), kể cả các định chế giáo dục và hệ thống khảo thí. Ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa vẫn còn mạnh trong suốt các triều đại Việt Nam liên tiếp nhau, và còn trở nên mạnh hơn trong và sau sự chiếm đóng ngắn ngủi của Trung Hoa tại Việt Nam trong các năm 1407-1427. Chính sách thực dân của Pháp đã khởi sự với chiến dịch Nam Kỳ (Cochinchina) trong các năm 1858-1862 đánh dấu bước khởi đầu của một sự suy sụp mau chóng học thuật Trung-Việt cổ truyền và phát súng ân huệ quyết định đã được bắn ra với sự xóa bỏ hệ thống khảo thí quốc gia trong năm 1919.
Trong thời kỳ mà Việt Nam là một tỉnh chính thức của đế quốc Trung Hoa (giờ đây thường được nói đến bởi các tác giả Việt Nam như thời “đô hộ của giặc Tàu”), chính quyền địa phương đã sử dụng tiếng Hoa cổ diển cho các tài liệu chính thức, trong giáo dục, và các cuộc khảo thí quốc gia. Các tài liệu sớm nhất (các bi ký trên các bia đá của thiên niên kỷ đầu tiên SCN) không chứa đựng, hay rất ít, các chữ “địa phương” được sắp xếp trên căn bản của Hán tự. Sau khi có sự tách biệt Việt Nam ra khỏi Trung Hoa trong thế kỷ thứ 10, một số lượng gia tăng các chữ địa phương xuất hiện trong các tài liệu văn bản. Chữ viết địa phương thiết kế trên căn bản Hán tự và dùng để ký tự ngôn ngữ Việt Nam được gọi là chữ Nôm喃. 2 Vài lần các nhà cai trị Việt Nam đã cố gắng để dùng chữ Nôm làm ngôn ngữ cho việc soạn thảo văn kiện chính thức và học thuật thay cho tiếng Hoa (Hán: 漢) cổ điển, nhưng Hoa ngữ cổ điển vẫn còn được dùng thường xuyên hơn. Ngay này từ ngữ “các sách Hán Nôm 漢 喃” được dùng để chỉ toàn thể sưu tập các sách Việt Nam viết bằng Hoa ngữ cổ điển hay bằng tiếng Việt (dùng chữ Nôm), hay bằng cả hai ngôn ngữ hỗn hợp).
Vào cuối thế kỷ thứ 19, chính quyền thực dân Pháp đã diệt trừ một cách có hệ thống hệ thống chữ viết Hán Nôm cổ truyền, một phần vì ngộ nhận một cách ngây thơ, phần kia bị giải thích một cách cố ý bởi các kẻ bênh vực cho chính sách thực dân Pháp, như một dấu hiệu đô hộ chính trị và văn hóa của Trung Hoa trên Việt Nam. Sự sử dụng hệ thống ký âm dùng mẫu tự La Tinh với các dấu nhấn biến âm được đặt ra bởi các nhà truyền giáo Công Giáo hồi cuối thế kỷ thứ 16 và đầu thế kỷ thứ 17 (một cách mỉa mai, ngày nay được nói đến ở Việt Nam là Quốc Ngữ 國 語 , “ngôn ngữ dân tộc”) nguyên thủy được nghĩ như một giải pháp cho vấn đề phát sinh từ những khó khăn được kinh nghiệm bởi các công chức của chính quyền thực dân khi dùng tiếng Việt. Cùng lúc, nó được nhận thức như một phương tiện để diệt trừ sự lệ thuộc vào hệ thống giáo dục kiểu Trung Hoa và, sau cùng, để thay thế nó bằng giáo dục hiện đại của Pháp. 4 Các phong trào chống thực dân của Việt Nam giành được động lực hồi đầu thế kỷ thứ 20 cũng bênh vực cho Quốc Ngữ viết bằng mẫu tự [La Tinh] là quan trọng cho cuộc giải phóng dân tộc và cho sự hiện đại hóa nhanh chóng xứ sở. 5 Sau này, khi sự giảng dạy của và bằng tiếng Pháp bị gián đoạn (trong thập niên 1940 tại miền Bắc) hay giảm bớt (tại Miền Nam), chữ Quốc Ngữ sau rốt trở thành ngôn ngữ viết duy nhất được sử dụng bởi nhóm dân tộc đa số của Việt Nam, người Kinh (hay Việt, ngày nay cấu thành khoảng 85% của toàn thể dân chúng.) Hậu quả, di sản văn chương của hơn mười thế kỷ của sự phát triển độc lập của dân tộc bị mất đi chỉ trong vòng vài thập niên, và ngày nay chỉ còn một ít cá nhân có khả năng đọc được các văn bản cổ viết bằng chữ Hán Nôm. Hơn nữa, trong suốt các cuộc chiến tranh xảy ra tại Việt Nam trong thế kỷ thứ 20, các sách được bảo tồn tại Thư Viện Hoàng Triều tại Huế cũng như tại các sưu tập tư nhân bị tổn hại, phá hủy, hay mất mát. Liên quan đến các sách về bói toán, trong các năm 1948-49, 1956, 1968, và 1976, chính quyền [cộng sản] Việt Nam đã thực hiện vài chiến dịch nhằm vào việc diệt trừ “các mê tín dị đoan”, đặc biệt về bói toán, trong đó các dụng cụ và sách vở được sử dụng bởi các nhà bói toán chuyên nghiệp bị tịch thu. 6 Để kết luận, tại Việt Nam trong vài thập niên qua một số lượng lớn lao các sách liên hệ đến thuật bói toán đã bị mất mát, hủy diệt, hay trở nên không thể cung ứng cho các nhà nghiên cứu.
Chiêm tinh học Việt Nam: Các nguồn tài liệu chính yếu và văn chương thứ yếu
Lịch sử của thuật bói toán được thực hành bởi nhóm dân tộc đa số, người Kinh [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] theo sự hiểu biết của tôi, chưa bao giờ được thảo luận một cách có hệ thống trong các ấn phẩm bằng ngôn ngữ Tây Phương. 7 Các nỗ lực đầu tiên để nghiên cứu và trình bày các nguồn văn liệu Việt Nam cũng như các sự thực hành thực tế của các người bói toán được thực hiện bởi các học giả thực dân Pháp Gustave Dumouyier (1850-1904) và Georges Coulet (tích cực trong thập niên 1920). 8 Một sự giới thiệu văn minh Việt Nam được viết cho khối độc giả đại chúng bởi Nguyễn Văn Huyên đề cập rất ngắn vài loại bói toán, đặc biệt những loại liên quan đến các cách thức lên đồng (mediumistic practices). 9 Các tác giả Huard và Durand (1954) đưa ra một sự phác họa đại cương thuật bói toán Việt Nam (trong trường hợp này rõ ràng để chỉ thuật bói toán của người Kinh, bởi các tác giả không hề nói tới bất kỳ nhóm dân tộc ít người nào khác); họ liệt kê địa lý phong thủy (geomancy), chiêm tinh (astrology), “phù thủy: sorcery”, xem tướng (physiognomy), và “xem bói bằng chân tay thú vật [xem chân gà?]: zoochiromancy” như các hình thức được thực hành rộng rãi nhất của thuật bói toán. 10Nguồn gốc Trung Hoa của truyền thống bói toán Việt Nam không được thảo luận bởi Huard và Durand, nhưng họ có đề cập đến tập khảo cứu chiêm tinh Zi wei dou shu quan shu (tiếng Việt là Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư) 紫微斗數全書của tác giả Trung Hoa Chen Tuan 陳摶 [tiếng Việt là Trần Đoàn, chú của người dịch] (cũng được gọi là Chen Xiyi 陳希夷 [Trần Hi Di, ND], 871-989) như là tập cẩm nang bói toán phổ thông nhất tại Việt Nam. 11
Các khảo luận còn tồn tại về thuật bói toán có thể được thấy liệt kê trong hai thư mục tiêu chuẩn về các sách Hán-Nôm. Một trong chúng là một thư tịch song ngữ (tiếng Việt và tiếng Pháp) bởi Trần Nghĩa và François Gros (1993), và thư mục kia là một thư tịch được biên soạn (bằng Hán tự) bởi Liu Chun-Yin 劉春銀 (Lưu Xuân Ngân), Wang Xiaodun 王小盾 (Vương Tiểu Thuẫn) và Trần Nghĩa 陳義 (Liu và các tác giả khác, 2002). Thư tịch của họ Trần và Gros (1993) gồm 5,038 đầu mục thư tịch liệt kê số tài liệu lưu trữ của thu viện Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm (Hà Nội), các thư viện của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École française d’Extrême-Orient (từ giờ trở đi viết tắt là EFEO) và Hội Á Châu học (Société Asiatique (cả hai ở Paris), cũng như một số thư viện Việt Nam và Nhật Bản. Mỗi đầu mục của thư tịch bao gồm các phần chú giải ngắn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp; các nhan đề của các quyển sách được liệt kê theo thứ tự mẫu tự ABC trong hệ thống ký âm Quốc Ngữ. Để xác định các sách về thuật bói toán, người ta có thể sử dụng một bảng chỉ dẫn theo đầu mục (index) được cung cấp ở cuối thư tịch. Các sách về chiêm tinh học được tìm thấy trong phân mục Tín ngưỡng dân gian (các tín ngưỡng truyền thống) chứa đựng các sự tham chiếu đến các tác phẩm thuộc vào một loạt rộng rãi nhiều ngành học thuật, từ “nhân chủng học: anthropology” và “tôn giáo: religion” đến “văn chương: literature”. Hệ thống phân loại này gây khó khăn cho việc nhận dạng các sách liên quan đặc biệt đên khoa chiêm tinh. Thư tịch của họ Liu và các tác giả khác (2002) thì dựa trên thư tịch của Trần và Gros (1993), nhưng các đầu mục thư tịch trong đó được tái sắp xếp theo hệ thống Trung Hoa cổ truyền thành “bốn loại” (“các kinh sách”: 經 (kinh), “các biên tập về lịch sử”: 史 (sử), “các trường phái triết học”: 子 (tử), và “sưu tập văn chương”: 集 (tập). Các sách về bói toán được tìm thấy trong mục “số mệnh học: numerology” (shushu 數 術: số thuật) thuộc loại “tử: sách về các trường phái triết học” và được phân chia thành năm phân loại: xem thế đất: geomancy (kanyu 堪 輿: kham dư), chiêm tinh học (xingming 星 命: tinh mệnh), bói toán dựa trên 6 hào (hexagrams) của Yijing [Dịch Kinh] (Yigua 易 卦: dịch quái), xem tướng (physiognomy) và các loại linh tinh liên hệ đến bói toán (xiangfa zazhan 相 法 雜 占: tướng pháp tạp chiêm), và “xóc quẻ xin xâm: tallies and omens” (qianchen 籤 讖: thiêm sấm). Tuy nhiên, một sự kiểm tra lướt nhanh trên phần về bingjia: binh gia 兵 家 (nghệ thuật quân sự) trong sách của họ Liu và các tác giả khác (2002) cho thấy rằng nó cũng chứa đựng các tác phẩm mà các sự mô tả chúng khiến nghĩ rằng chúng có thể trình bày các phương pháp bói toán liên hệ đến các vấn đề quân sự. Tương tự, các quyển chuyên về Yijing (Dịch Kinh) trong loại “kinh: canonical books” 經 và một số khảo luận y học chứa đựng các sự trình bày về các phương thức bói toán hay các sự thảo luận về các nền tảng triết lý và lý thuyết của thuật bói toán.
Cả hai thư tịch Trần và Gros (1993) và Liu và các tác giả khác (2002) đều không liệt kê các sách được bảo tồn trong vài sưu tập lớn chứa đựng các văn bản về chiêm tinh học. 12 Cũng có lý do để tin tưởng rằng một số các sách Hán-Nôm về chiêm tinh học từ thư viện Hoàng Triều tại Huế vẫn còn tồn tại; không may, chúng được bảo tồn trong các sưu tập tư nhân và do đó vẫn chưa được cung ứng cho sự nghiên cứu có hệ thống. Tổng quan về các tài liệu chính yếu trong bài viết này chính vì thế nhất thiết vẫn chưa đầy dủ.
Các cơ sở chiêm tinh và thiên văn của Việt Nam: Một tổng quan
Theo quyển [Đại] Việt Sử Lược [大] 越 史 略 (Sơ Lược Lịch Sử [Đại] Việt) trong thời khoảng từ thế kỷ thứ 2 TCN đến năm 1225 và được xem bởi một số sử gia là niên sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại, 13 các nhà cai trị Việt Nam đã khởi sự xây dựng các cơ sở thiên văn/chiêm tinh tại kinh đô Thăng Long昇 龍 (tức Hà Nội ngày nay) ngay từ năm 1029, khi vị Hoàng Đế thứ nhì của nhà (Hậu) Lý (後) 李 朝 (1009-1225), Thái Tông 太 宗 (tên cá nhân là Lý Phật Mã 李 佛 瑪, trị vì 1028-1054), ra lệnh tái xây cất Càn Nguyên Điện乾 元 殿sau trận động đất năm 1017; 14 các cơ sở mới xây dựng gồm có điện thờ Trời: Phụng Thiên Điện奉 天 殿 mà trên nóc điện có đặt một Tòa Tháp Chính Ngọ (Chính Dương Lâu 正 陽 樓) với một đồng hồ nước bên trong. 15 Rõ ràng hoàn toàn có xác suất rằng các sự quan sát thiên văn và chiêm tinh tại các triều đình của các nhà vua Việt Nam có thể đã khởi sự sớm hơn nữa, vào cuối thế kỷ thứ 10, gần như ngay sau khi Việt Nam giành được sự độc lập khỏi Trung Hoa. Thời điểm khi các sự quan sát đầu tiên được thực hiện có thể được tính toán phỏng đoán trên căn bản các tài liệu về các vụ nhật thực (xem bên dưới).
Trong năm 1206, cơ sở thiên văn này đã bị hư hại vì hỏa hoạn, và nó đã chỉ được phục hồi vào một thời gian nào sau đó 16, điều, trên lý thuyết, có thể là lý do tại sao các niên sử Việt Nam [Đại] Việt Sử Lược [大] 越 史 略 và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大 越 史 記 全 書không có các tài liệu về các vụ nhật thực xảy ra giữa các năm 1206 và 1242. 17 Hai cơ sở nhiều xác suất nhất liên hệ đến các hoạt động thiên văn và chiêm tinh được mô tả là tọa lạc gần Cung Điện [Nhà Vua] trong một bản sao lục hồi thế kỷ thứ 17 tập Hồng Đức Bản Đồ 洪 德 版 圖 (Các Bản Đồ [của Việt Nam] được in dưới thời Hồng Đức) soạn thảo năm 1490 (Hình 1), 18, đó là Phụng Thiên Phủ 奉 先 府(Văn Phòng Thờ Phụng Trời) và Ti [Ty] Thiên Giám 司 天 監 Si tian jian, ty phụ trách Quan Sát Các Hiện Tượng Trên Trời). 19
Hình 1: Bản đồ Hà Nội từ tập Hồng Đức Bản Đồ
(hướng Tây ở trên cùng) cho thấy các địa điểm của Ti Thiên Giám 司 天 監 (A),
Phụng Thiên Phủ奉 先 府 (B), và Quốc Tử Giám 國 子 監 (C).
Ngay dù tên gọi Phụng Thiên Phủ có nói đến Trời và hiển nhiên gần giống như Phụng Thiên Điện 奉 先 殿 của nhà (Hậu) Lý, tôi giờ này không hay biết về bất kỳ bằng chứng nào khiến nghĩ rằng các chức năng của [Phụng Thiên] Phủ có dính líu đến việc ghi chép thời gian hay các hoạt động khác liên quan đến các sự quan sát thiên văn. Ti Thiên Giám được trình bày trên bản đồ tọa lạc phía nam của Cung Điện Hoàng Triều nằm giữa Phụng Thiên Phủ và Quốc Tử Giám 國子監, cơ quan thẩm quyền bậc đại học. Danh xưng của định chế kể trước, Ti Thiên Giám司天監, giống y như tên của cơ quan đối tác phía Trung Hoa của nó; tại Trung Hoa, tên này được đặt cho Văn Phòng Thiên Văn/Chiêm Tinh lần đầu tiên trong thế kỷ thứ 10 và được dùng hầu như một cách có hệ thống trong thời nhà Nguyên (bắt đầu từ thập niên 1260), nhà Minh, và (một cách không chính thức) dưới thời nhà Thanh. 20 Thời điểm chính xác của sự thiết lập Ti Thiên Giám của Việt Nam không được hay biết.
Điều vẫn chưa rõ rằng liệu “Ti Thiên Giám” nguyên thủy hồi đầu thế kỷ thứ 11 có phải đã được xây dựng tại địa điểm được thể hiện trên bản đồ hay không. Rất nhiều phần nó đã bị đóng cửa trong thời gian chiếm đóng của Trung Hoa (1407-1427), bởi nếu không, nó sẽ thách đố quyền hạn chuyên độc của các nhà chiêm tinh chính thức của Trung Hoa trong việc thực hiện và giải thích các sự nhận xét về thiên văn học. Người ta có thể ức đoán rằng định chế này đã được mở cửa lại không lâu sau sự triệt thoái của quân đội Trung Hoa, và đã duy trì hoạt động trong suốt thế kỷ thứ 17, khi một bản sao lục trình bày nơi Hình 1 được in ra.
Điều cũng không được rõ là cách thức mà các nhân viên làm công việc thiên văn/chiêm tinh đã được huấn luyện ra sao, song có thể hữu lý để ức đoán rằng các nhà cầm quyền Việt Nam đã thiết lập một chương trình giáo dục đặc biệt để huấn luyện các nhà thiên văn học và chiêm tinh học tương lai, giống như trường hợp của Trung Quốc. Ti Thiên Giám chính vì thế sẽ chịu trách nhiệm về việc thực hiện các sự quan sát, giải thích các dữ liệu về thiên văn học và khí tượng học, thi hành các sự tính toán niên lịch, tiên đoán các vụ nhật thực, và huấn luyện các nhân viên tương lai. Có rất nhiều xác suất rằng định chế này đã có một thư viện chuyên khoa lưu trữ các tác phẩm về thiên văn học và chiêm tinh học được giả định không có lưu hành ở bên ngoài văn phòng. Một mảnh bằng chứng gián tiếp hậu thuẫn cho giả định này được tìm thấy trong sưu tập các pháp điển Trung Hoa Song hui yao 宋 會 要, Tống hội yếu. Trong một tài liệu đề năm 1107 nó có lưu ý rằng các sứ giả Việt Nam sang Trung Hoa đã cố tìm mua sách thuộc nhiều khoa học, và rằng họ được phép để mua mọi văn bản ngoại trừ các sách được xem “bị cấm đoán”, tức, liên quan đên thuật bói toán, yin-yang (âm dương), niên lịch, và số mệnh học (numerology); chính sự lưu ý này xem ra làm ta suy nghĩ rằng các sứ giả đã đặc biệt chú ý đến các sách về các đề tài này. 21 Các nỗ lực để thụ đắc các sách vở liên hệ đến các niên lịch (và, với nhiều xác suất nhất, đến chiêm tinh học) tiếp tục cho đến đầu thế kỷ thứ 14. 22
Học trình của khoa Toán Học: Suan xue 算 學 Trung Hoa hồi đầu thế kỷ thứ 12 bao gồm một số chủ đề liên hệ trực tiếp đến sách lịch và khoa chiêm tinh, đặc biệt đến điều được gọi là “ba lược đồ: schemes” hay “ba biểu thức vũ trụ”: san shi 三 式, tam thức, có nghĩa ba phương pháp chính yếu của thuật bói toán (xem bên dưới), cũng như các văn bản chiêm tinh học không được xác định khác. 23 Nếu các sách vở thiên văn học và chiêm tinh học được bao gồm trong học trình của ngành học được nói là “đếm, tính: 算” (Toán trong tiếng Việt,Suan trong tiếng Hán) tại Việt Nam, khi đó các cuộc khảo thí quốc gia về “tính toán” được đề cập đến trong các tài liệu lịch sử có thể bao gồm các phần liên quan đến sự tinh toán để làm sách lịch và chiêm tinh, như trong trường hợp tại Trung Hoa dưới thời nhà Tống. 24 Có hiện hữu các tài liệu về các cuộc khảo thí quốc gia về “tính toán” được tổ chức tại Việt Nam trong năm 1077, 25 1261, 26 1363, 27 1404, 28, 1477, 29 1507, 30 và 1762. 31
Các sự trình bày về các hoạt động của các nhà thiên văn học và chiêm tinh học chuyên nghiệp được sử dụng bởi các nhà cầm quyền Việt Nam có thể được tìm thấy trong các hồi ký của các Tu Sĩ Dòng Tên người Ý Đại Lợi, Christophoro Borri (1583-1632) và Giovanni Filippo de Marini (1608-1682), các kẻ đã lần lượt đến thăm Đàng Trong: Cochinchina (Trung Kỳ Việt Nam) và Đàng Ngoài: Tonkin (Bắc Kỳ Việt Nam). Sự mô tả của Borri cho thấy rằng không chỉ Chúa Đàng Trong (Cochinchina), mà cả các ông hoàng, đều có các nhà chiêm tinh riêng của mình với công việc gồm cả sự tính toán các vụ nhật thực; de Marini mô tả một nghi thức đặc biệt được giả định sẽ được thực hiện bởi nhà vua trong ngày có nhật thực. 32 Các sự trình bày này khiến ta nghĩ rằng vào khoảng thế kỷ thứ 17, các nhà thiên văn học Việt Nam thụ hưởng một quy chế quan chức khá cao, rằng họ đã sử dụng các phương pháp của Trung Hoa về sự tiên đoán các vụ nhật thực, và rằng đôi khi họ không thể điều chỉnh một cách chính xác các phương pháp này với các vị trí (có nghĩa miền bắc và miền trung Việt Nam) nơi mà các vụ nhật thực được giả định sẽ được quan sát.
Một định chế chính thức chịu trách nhiệm về các công việc thiên văn và làm sách lịch tiếp tục hiện hữu tại Việt Nam cho đến thế kỷ thứ 20. Một sự trình bày (có niên kỷ năm 1930) về văn phòng thiên văn/chiêm tinh Khâm Thiên Giám 欽 天 監, cơ quan kế nhiệm Ti Thiên Giám 司 天 監, 33 mô tả cơ cấu và nhân viên văn phòng thiên văn/chiêm tinh tọa lạc tại Huế, kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945), và thuật lại một cách ngắn gọn lịch sử của nó, bắt đầu từ thời Hoàng Đế Minh Mạng (trị vì từ 1820-1841). 34
Các sự quan sát thiên văn được thực hiện tại Việt Nam
Tác giả Ho Peng Yoke trong bài viết của ông (1964) có cung cấp một danh sách các vụ nhật thực được đề cập tới trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大 越 史 記 全 書như được quan sát tại Việt Nam. Sự phân tích của họ Hồ chứng tỏ rằng “phần lớn các tài liệu ban đầu của quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được rút ra từ các nguồn sách vở Trung Hoa, kể cả các lỗi sai lầm của chúng” (trang 128). Các tài liệu về các vụ nhật thực trong các Niên Sử đã không được phát hành một cách đồng nhất: có 21 vụ nhật thực trong thời khoảng từ 205 TCN đên 122 TCN, một vụ nhật thực cho mỗi năm 41, 479 và 547 SCN, 35 và sau đó một loạt 45 vụ nhật thực cho thời khoảng từ 993 SCN đến 1671 SCN. Các tài liệu liên quan đến các vụ nhật thực từ năm 205 TCN đến 547 SCN, theo ý kiến của tác giả họ Hồ, được sao chép từ các tài liệu của Trung Hoa. Chính vì thế, người ta dễ bị cám dỗ để nghĩ rằng sự khởi đầu của một sự quan sát (tương đối) có hệ thống của các vụ nhật thực tại Việt Nam có thể trùng hợp với sự thiết lập công tác thiên văn / chiêm tinh tại kinh đô. 36 Bộ [Đại] Việt Sử Lược nêu ở trên cũng chứa đựng các sự ghi chép về các vụ nhật thực, song các sự ghi chép này không giống với các vụ được liệt kê trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Một cách cụ thể hơn, [Đại] Việt Sử Lược chứa đựng các sự ghi chép chỉ có năm vụ nhật thực, trong đó vụ sớm nhất có nhật kỳ là ngày 15 Tháng Hai 1040; 37 vụ nhật thực này, được thực sự nhìn thấy tại Việt Nam, cũng được liệt kê trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. 38 Điều đáng chú ý, bốn vụ thiên thực còn lại được ghi chép trong bộ [Đại] Việt Sử Lược đã không được tìm thấy trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Chỉ có một vụ trong đó, vụ nhật thực vào ngày 11 Tháng Ba, 1206, phù hợp với một vụ thiên thực thực sự xảy ra (ngay dù rất nhiều phần nó đã không được nhìn thấy tại Việt Nam); 39 hai trong số ba vụ thiên thực còn lại đã xảy ra trong các năm hơi khác biệt với những năm được nêu ra trong bộ [Đại] Việt Sử Lược, 40 trong khi có một sự ghi chép không phù hợp với bất kỳ vụ thiên thực thực sự nào có thể xảy ra hoặc trước hay sau đó, trừ khi cả tháng và năm của vụ thiên thực đã bị thay đổi một cách đáng kể bởi các nhà biên soạn bộ sử ký hay bởi các người sao chép sau này. 41
Các khảo luận về chiêm tinh học: Các nhận xét dẫn nhập
Các khảo luận về chiêm tinh học được bảo tồn trong các sưu tập các sách Việt Nam viết bằng tiếng Hán và tiêng Nôm được liệt kê trong thư tịch ở cuối bài viết này; độc giả có thể nhìn thấy rằng trong phần lớn các trường hợp, người ta đối diện với các bản chép tay không ghi niên đại của nguyên bản không xác định chắc chắn. Các sách được in thường có mang các niên kỳ xuất bản, và các niên kỳ này tương đối gần đây, từ cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20. Những niên kỳ muộn màng này của các ấn phẩm không nhất thiết tương ứng với thời điểm thực sự của sự biên soạn; tuy nhiên, không có bằng chứng vững chắc ngược lại, điều xem ra hợp lý để nghĩ rằng phần lớn các tài liệuhiện tồn của Việt Nam về chiêm tinh học đã thực sự được sản xuất ra tương đối muộn, ngay dù, một cách giả thiết, chúng có thể dựa trên các nguồn tài liệu xưa hơn. Sự phát biểu này không phủ nhận về mặt lịch sử văn liệu chiêm tinh học xưa hơn nhiều rất có thể đã hiện hữu tại Việt Nam. Có hai lý do để phát biểu như thế: trước tiên, các định chế chính thức đối phó với các vấn đề thiên văn và chiêm tinh được thiết lập tại nước Việt Nam độc lập hồi đầu thế kỷ thứ 11 hẳn phải sở hữu một số văn bản liên hệ đến các hoạt động của chúng; thứ nhì, có các sự đề cập đến các tác phẩm chiêm tinh có ảnh hưởng được soạn thảo bởi các học giả Việt Nam không còn hiện hữu nữa. Thí dụ, điều được hay biết rằng Trần Nguyên Đán 陳 元旦 (1325-1390), một cố vấn cao cấp cạnh Hoàng Đế Việt Nam, có soạn thảo quyển khảo luậnBách Thế Thông Kỷ Thư 百 世 通 紀 書 (Văn Bản Niên Sử Bao Quát Một Trăm Thế Hệ); tập khảo luận này bị mất, nhưng, theo một sự trình bày được tìm thấy trong một văn bản hơi muộn hơn, nó có chứa đựng một sự tái thiết niên biểu Trung Hoa (?) và một sự tính toán (hồi tố?) các vụ thiên thực. 42
Theo các sự tường thuật quy ước, một số lượng lớn lao các sách trong các thư viện chính quyền Việt Nam đã bị mất vì cháy hay tịch thu bởi quân xâm nhập Trung Hoa hồi cuối thế kỷ thứ 14 – đầu thế kỷ thứ 15. Nếu, theo các truyền thuyết, vụ hỏa hoạn xảy ra trong cuộc lục soát kinh đô bởi người Chàm hồi năm 1371 đã hủy diệt bừa bãi một số không rõ các thư viện, quân xâm lăng Trung Hoa đã tịch thu theo lời cáo giác một số lượng lớn lao các quyển sách và chuyển chúng về Trung Hoa, đã nhắm, với nhiều xác xuất nhất, một cách đặc biệt vào các sách vở bị nhìn như khẳng định một cách biểu trưng sự độc lập của quốc gia Việt Nam, tức, trước tiên, các niên sử địa phương, các sách lịch, các văn bản thiên văn học và chiêm tinh học. 43
Sự truy tầm các tài liệu Việt Nam về chiêm tinh học cũng bị khó khăn bởi cơ cấu hỗn hợp của các văn bản hiện tồn; một số các thủ bản (sách chép tay) được bảo tồn trong các thư viện là các sưu tập của các văn bản thuộc nhiều bản chất khác nhau có thể chứa đựng các phần sao chép từ các sách về chiêm tinh học. Một vài khảo luận chiêm tinh học được ghi trong thư tịch của Trần và Gros 1992 và Liu và các tác giả khác chứa đựng các phụ lục đôi khi gồm một số văn bản chiêm tinh học không quan trọng với các nhan đề khác biệt thường không liên hệ với nhau và với các luận thuyết chính yếu (muốn có các thí dụ, xem bên dưới). Hơn nữa, ngay cả khi nhan đề của một khảo luận trùng hợp với nhan đề của một văn bản chiêm tinh học Trung Hoa nổi tiếng, nó rất có thể là một sự tóm lược hay một biến thể của chủ đề trong nguyên bản Trung Hoa, hay một ấn bản với các lời bình luận bằng tiếng Hán cổ điển hay tiếng Nôm được thêm vào bởi các tác giả Việt Nam. Đây là lý do tại sao các nguồn tài liệu chiêm tinh học chủ yếu được tìm thấy trong thư tịch dưới đây không thể được xem là hoàn chỉnh; tuy thế, nó cho phép chúng ta được nhìn thấy, đến một mức độ nào đó, những loại văn bản chiêm tinh học nào thường được sao chép và bình luận nhiều nhất.
Trong đoạn kế tiếp tôi sẽ thảo luận một cách ngắn gọn các nguồn tài liệu hiện tồn. Cuộc thảo luận được chia nhỏ thành hai phần: trước tiên, tôi sẽ giới thiệu ba hệ thống chính yếu của chiêm tinh học Trung Hoa và trình bày ngắn gọn các khảo luận Việt Nam hiện tồn rõ ràng bị ảnh hưởng bởi chúng; thứ nhì, tôi sẽ, cũng ngắn gọn như thế, thảo luận cơ cấu của một khảo luận Việt Nam dựa trên một nguyên mẫu Trung Hoa.
Ba truyền thống chiêm tinh học Trung cổ của Trung Hoa và sự đón nhận chúng tại Việt Nam
Ba truyền thống ảnh hưởng nhất của chiêm tinh học Trung Hoa, được trình bày trong học trình của Trường Toán Học thời nhà Tống như “ba lược đồ [chiêm tinh]” hay “ba bảng vũ trụ” (san shi 三 式 tam thức là các hệ thống bói toán Tai yi 太 乙: thái ất, Qimen dunjia 奇門遁甲: Kỳ Môn Độn Giáp, và Liu ren 六 壬 Lục Nhâm. 44
(1) Hệ Thống Thái Ất (Tai Yi).
Tại Trung Hoa, hệ thống này được chấp nhận bởi Phòng Thiên Văn dưới thời nhà Đường (618-907) và được sử dụng suốt thời nhà Tống (960-1279). 45 Yan Dunjie 嚴 敦 杰 Nghiêm Đôn Kiệt (1917-1988) khám phá rằng các kỹ thuật bói toán của truyền thống này đã sẵn hiện diện hồi đầu thế kỷ thứ 6 SCN. 46 Văn bản nền tảng của truyền thống này là quyển Taiyi jinjing shijing 太 乙 金 鏡 式 經 Thái Ất Kim Kính Thức Kinh (Cẩm Nang Gương Vàng cho Biểu Đồ Vũ Trụ Thái Ất) của Wang Ximing 王 希 明 Vương Hy Minh (nhà Đường), được bảo tồn (có lẽ với các sự bổ túc sau này) trong tuyển tập Trung Hoa thế kỷ thứ 18 Si ku quan shu 四 庫 全 書 (Tứ Khố Toàn Thư). Cách thức bói toán liên quan đến sự vận dụng một bảng bói toán (hay, có thể, một biểu đồ) vẽ một vòng tròn trung tâm và bốn lớp vòng tròn đồng tâm được chia thành 16 phần trên mỗi vòng tròn. Lớp đầu tiên được ghi đầy bằng các con số từ 1 đến 4 và từ 6 đến 9, tạo thành, cùng với số 5 tại vòng tròn trung tâm, một hình vuông ma thuật; lớp vòng tròn đầu tiên cũng chứa 8 hình ba hào (trigrams) và một số dấu hiệu quay tròn tuần hoàn. Lớp kế tiếp chứa danh tính của “các tác nhân thần thánh: divine agents”, và lớp thứ ba, tên của các tỉnh của Trung Hoa.47 Lớp sau cùng thì để trống và được giả định sẽ được lấp kín trong tiến trình bói toán. Như tác giả họ Ho nêu ý kiến, các sự áp dụng phương pháp này chính yếu liên hệ đến các sự vụ quân sự, song đã có những trường hợp khi sự bói toán liên can đến các hiện tượng thiên nhiên, chẳng hạn như các vụ động đất, giông bão với sấm sét, và ngay cả các vụ thiên thực. 48
Trong số các văn bản Việt Nam hiện tồn có hai tập khảo luận trực tiếp liên hệ đến truyền thống này: Thái Ất Dị Giản Lục 太 乙 易 簡 錄 (Tài liệu giản lược [liên can đến bói toán theo phương pháp] Thái Ất và theo Kinh Dịch) [A38] và quyển Thái Ất Thống Tông Bảo Giám太 乙統 宗 寳 鑑 (Gương Quý Báu của Các Nguồn Gốc Thống Nhất của [các phương pháp của] Thái Ất [A39]. Quyển khảo luận kể tên trước được quy cho sự trước tác của danh sĩ Lê Quý Đôn 黎貴 惇 (1726-1784). Theo quyển tiểu sử của Lê Quý Đôn của Nguyễn Hữu Tạo 阮 有 造 (đỗ tiến sĩ 進 士 jinshi năm 1844), ông Lê còn viết ba quyển khảo luận về thiên văn học khác, một quyển trong đó là quyển Thái Ất Quái Vận 太 乙 卦 運 (Sự Tuần Hoàn Của Thái Ất [giữa các hào], giờ đây đã bị mất, rõ ràng có liên quan đến cùng hệ thống bói toán. 49 Về quyển khảo luận Thái Ất Thống Tông Bảo Giám太 乙 統 宗 寳 鑑, có thể quyển sách này là một bản sao chép hay một bản tóm lược khảo luận Trung Hoa (được tái xuất bản trong bộ Tứ Khố Toàn Thư: Si ku quan shu 四 庫 全 書) có cùng nhan đề viết bởi một một tác giả không có tiếng tăm thời nhà Nguyên (1279-1368) được biết dưới bút hiệu “Lão Già Núi Xiao” (Xiao shan lao ren 曉 山 老 人 Hiệu Sơn Lão Nhân). Một vài văn bản tiếng Hán của tập khảo luận Trung Hoa này còn hiện hữu, ấn bản sớm nhất là một bản chép tay (thủ bản) thời nhà Minh và có vài ấn bản có niên đại từ thời nhà Thanh.
Tại Trung Hoa, hệ thống Thái Ất được bảo tồn trong phạm vi của cái gọi là truyền thống “Bói Toán Theo Con Số Của Các Hoa Hồng [sic] Màu Tím và Chùm Sao” (Ziwei doushu 紫 微 (= 薇) 斗 數 Tử Vi Đẩu Số). 50 Tác giả Ho Peng Yoke tuyên bố rằng có hai nhánh của truyền thống kể tên sau: một trong chúng là một sự liên tục trực tiếp của hệ thống Thái Ất, trong khi nhánh kia, được đại diện bởi một phiên bản của tập khảo luận được tìm thấy trong Kinh Sách Đạo Giáo (Daoist Canon) (Daozang 道 藏 Đạo Tang), sinh ra từ một sự tổng hợp một vài hệ thống thiên văn có nguồn gốc Tây Phương. 51 Còn hiện hữu bảy văn bản Việt Nam thuộc vào truyền thống này: An Tử Vi Quốc Ngữ Ca 安 紫 微 國 語 歌 [A1], Tử Vi Đẩu Số紫 微 (– 薇) 斗 數 [A47], Tử Vi Đẩu Số Giải Âm 紫 微 (= 薇) 斗 數 解 音 [A48], Tử Vi Giải 紫 微 解 [A49], Tử Vi Hà Lạc Nhâm Thìn Số 紫 微 河 洛 壬 辰 數 [A50], Tử Vi Số 紫 微 數 [A51], và Tử Vi Thập Nhị Cung Đoán Pháp Quốc Âm Ca 紫 微 十 二 宮 斷 法 國 音 歌 [A52]. Bốn trong bảy quyển khảo luận này tức các quyển A1, A47, A48, A52, được viết bằng chữ Nôm hay chứa các lời bình giải bằng chữ Nôm và rõ ràng được nhắm dành cho các độc giả không thoải mái với tiếng Hán cổ điển.
Hình 2: Một lá số tử vi từ quyển Tử Vi Đẩu Số紫 微斗 數
(Viện Hán-Nôm, số thư tịch VHb.163)
Có 10 bản sao chép bằng tay của quyển [A47] (một lá số tử vi từ quyển sách được trình bày nơi Hình 2); số lượng nhiều bản sao chép cho thấy khảo luận này khá phổ thông trong những người hành nghề bói toán. Trong khi đó, hai trong bảy văn bản, [A49] và [A50] là các bản sao chép tay các ấn phẩm Trung Hoa không được xác minh. Không may, không một trong các bản văn chép tay này có ghi niên đại. Các nhan đề của các tập khảo luận xem ra khiến ta nghĩ rằng chúng hoàn toàn được dành cho một hệ thống bói toán duy nhất; tuy nhiên, điều này không nhất thiết xảy ra: thí dụ, văn bản [A1] chứa đựng một khảo luận độc lập Mã Tiền Bốc Pháp 馬 前 卜法 [A24] làm phần cuối cùng của nó.
(2)Hệ Thống Kỳ Môn Độn Giáp
Các sự đề cập ban sơ về các phương pháp Qimen 奇 門 Kỳ Môn và dunjia 遁 甲Độn Giáp có thể được tìm thấy trong tập khảo luậnBaopuzi 抱 撲 子 Bao Phác Tử được trước tác bởi học giả Trung Hoa nổi tiếng Ge Hong 葛洪 Cát Hồng (283-343). Một số sách rõ ràng có liên hệ đến truyền thống Độn Giáp được đề cập trong các chương của các sử ký Trung Hoa tiêu chuẩn như Hou Han shu 後 漢 書 Hậu Hán Thư, Sui shu 隋 書 Tùy thư, Jiu Tang shu 舊 唐 書 Cựu Đường Thư và Xin Tang shu 新 唐 書 Tân Đường thư, nhưng không một trong các sách này còn tồn tại ngày nay. Một quyển sách nhan đề Huangting Dunjia yuan shen jing 黃 庭 遁 甲 緣 身 經 Hoàng Đình Độn Giáp Duyên Thân Kinh được tìm thấy trong juan (quyển) 14 của tuyển tập của Đạo Giáo nhan đề Yun ji qi qian 雲 笈 七 籤: Vân Cập Thất Thiêm (Bảy Quẻ từ Nơi Tàng Trữ Sách Mây) được biên tập hồi đầu thế kỷ thứ 11 và được bảo tồn trong Daozang: Đạo Tang; tuy nhiên, hệ thống được trình bày trong đó không phải là một trong “ba biểu thức vũ trụ” được dùng để giảng dạy tại “Trường Toán Học” 52dưới thời nhà Tống. Điều rõ ràng rằng từ nguyên thủy Qimem (Kỳ Môn) và Dunjia (Độn Giáp) nói đến hai hệ thống khác biệt được tổng hợp lại, muộn nhất là ở thế kỷ thứ 8.
Truyền thống này rõ ràng không được thật ưa chuộng tại Việt Nam; tôi đã chỉ có thể tìm được hai thủ bản liên quan đến nó, quyểnĐộn Giáp Kì [Kỷ] Môn 遁 甲 奇 門 [A13] và Tam Kì Bát Môn Độn Pháp 三 奇 八 門 遁 法 [A36]. Cả hai được biên soạn bằng tiếng Hán cổ điển bởi các tác giả vô danh; niên đại biên soạn của chúng không được hay biết. Thủ bản nêu tên trước có gồm một phụ lục nhan đề Chiêm Tinh Bốc Pháp 占 星卜 法(Các Phương Pháp bói toán trên căn bản các chùm sao (asterisms). Tuy nhiên, điều rõ ràng rằng một số các khảo luận hiện tồn lưu giữ các thành tố của hệ thống Kỳ Môn Độn Giáp được kết hợp với biểu thức thứ ba của các truyền thống “biểu thức vũ trụ”, Liu ren: Lục Nhâm.
(2) Hệ thống Lục Nhâm: Liu ren.
Căn nguyên của hệ thống “biểu thức vũ trụ” Trung Hoa thứ ba cho thuật bói toán, liu ren 六 壬 (Lục Nhâm trong tiếng Việt), trở lùi về đến thời tiền nhà Hán (206 TCN – 220 SCN), mặc dù sự trình bày đầy đủ lần đầu về hệ thống có niên đại thời nhà Đường (618 – 907). 53 Một sự thảo luận chi tiết về phương pháp được cung cấp bởi nhà thông thái Shen Gua 沈 栝 Trầm Quát (hay Shen Kuo, 1031 – 1095) trong sách của ông nhan đề Mengxi bitan 夢 溪 筆 談 Mộng Khê Bút Đàm cho thấy cho thấy hệ thống Lục Nhâm tương liên với niên lịch nhiều đến đâu. 54 Trong tiến trình bói toán một bảng xoay tròn chia làm mươi hai cung (duodenary) được giả định sẽ được dùng đến; nó có thể được thay thế bởi lòng bàn tay của thày bói, điều khiến cho hệ thống trở nên “thuận thủ: portable” hơn, khi so sánh với hai hệ thống kia.55
Truyền thống này rõ ràng thụ hưởng sự ưa chuộng lớn lao tại Việt Nam; tôi đã có thể tìm được các quyển khảo luận sau đây: Đại Lục Nhâm Đại Toàn 大 六 壬 大 全 [A11], Lục Nhâm 六 壬 [A17], Lục Nhâm Đại Độn 六 壬 大 遁 [A18, A19], Lục Nhâm Đại Độn Pháp 六 壬 大 遁 法 [A20], Lục Nhâm Kinh Vĩ Lược 六 壬 經 緯 略[A21], Lục Nhâm Quốc Ngữ 六 壬 國 語 [A22], Lục Nhâm Tiện Lãm 六 壬 便 藍[A23], và Tân San Lục Nhâm Đại Độn Bí Truyền 新 刊 六 壬大 遁 泌 傳 [A35]. 56 Quyển đầu tiên của các văn bản này [A11] là một sự phỏng tác các quyển (juan 卷) 4 và 5 của tập khảo luận của Trung Hoa nhan đề Liu ren da quan 六 壬 大 全 Lục Nhâm Đại Toàn của tác giả người Trung Hoa thời nhà Minh tên Guo Zailai 郭 載 騋 Quách Tải Lai (niên đại không rõ, hoạt động hồi đầu thế kỷ thứ 17); một trong các ấn bản hiện tồn cũng gồm cả các quyển (juan) 118 và 119 của tập khảo luận của Trung Hoa có tên Wubei zhi 武 備 志 Vũ Bị Chí (Tài Liệu Về Các Sự Dự Phòng Quân Sự, 1621) của Mao Yuanyi 茅 元 儀 Mao Nguyên Nghi (1594 – 1640). Thủ bản [A19] có chứa hai phụ lục nhan đềLục Nhâm Khởi Lệ 六 壬 起 栵 (các thí dụ cho sự khởi đầu trong phương pháp Lục Nhâm) và Ngọc Trướng Đàm Binh Ca 玉 帳 談 兵歌 (các đoạn thơ ngắn thảo luận các sự áp dụng quân sự từ trướng bằng ngọc) giải thích bằng tiếng Nôm hệ thống bói toán Lục Nhâm (tức Liu ren 六 壬); các phụ lục này được gán cho sự trước tác của nhà trí thức nổi tiếng và viên chức chính quyền cao cấp Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬 (1528 – 1613), kẻ đã được phái làm sứ giả sang Trung Hoa trong năm 1597 và trở về nước năm 1599. 57 Theo một số nguồn tài liệu, Phùng Khắc Khoan đã phiên dịch Yijing: Dịch Kinh sang tiếng Việt (tức tiếng Nôm); 58 Sự kiện này có thể được sử dụng để xác nhận sự tinh thông của ông về văn chương bói toán cũng như sự quan tâm của ông đến việc phiên dịch các văn bản tiếng Hán sang tiếng Việt, ngay dù người ta không thể hoàn toàn gạt bỏ khả tính rằng sự trước tác mang tên họ Phùng, vị học giả nổi tiếng và sứ giả sang Trung Hoa, đã chỉ được gán cho các văn bản chiêm tinh vô danh sau này hầu làm tăng tầm quan trọng của chúng. Một văn bản nhan đề Binh gia yếu chỉ兵 家 要 旨 bing jia yao zhi (các chỉ dẫn thiết yếu cho nhà binh), chuyên khảo về các ứng dụng của thuật bói toán cho các mục đích quân sự và được giả định được trước tác bởi họ Phùng, được phụ đính vào tập khảo luận [A22], trong khi một tập khảo luận ngắn nhan đề Thiên Vận Bí Thư 天 運 铋 書 tian yun bi shu, (văn bản bí mật về các chu kỳ của trời), trình bày các liên hệ giữa các hiện tượng khí hậu và các niên lịch, và cũng được gán cho sự trước tác của họ Phùng, được phụ đính theo tập khảo luận Xin lue tian shu 心 略 天 樞 Tâm Lược Thiên Xu được viết bởi học giả và chiêm tinh gia Trung Hoa nổi tiếng Liu Bowen 劉 伯 溫 Lưu Bá Ôn (Liu Ji 劉 基 Lưu Cơ), 1311 – 1375). 59
Cải biên các van bản Trung Hoa: Thị dụ về Quyển Ngọc Hạp Kí 玉 匣 記 Yu xia ji
Trong phần này, tôi muốn trình bày sự phức tạp của tiến trình biên soạn các văn sách chiêm tinh Việt Nam trên căn bản nguyên bản Trung Hoa của chúng. Chúng ta hay cứu xét trường hợp của một nhóm các khảo luận liên hệ đến truyền thống trích yếu chiêm tinh Trung Hoa Yu xia ji 玉 匣 記 Ngọc Hạp Ký (Các Tài Liệu Từ Rương Bằng Ngọc). Các nhan đề của một số các văn bản Việt Nam có chứa hai từ Ngọc Hạp 玉 匣 (Rương bằng Ngọc), gồm, Ngọc Hạp 玉 匣 [A25], Ngọc Hạp Toản Yếu 玉 匣 攢 要 [A26], Ngọc Hạp Toản Yếu Thông Dụng 玉 匣 攢 要 通 用[A27], Tăng Bổ Tuyển Trạch Thông Thư Quảng Ngọc Hạp Ký 增 補 選 擇 通 書 廣 玉 匣 記 [A37] và Thông Thư Quảng Ngọc Hạp Ký 擇 通 書 廣 玉 匣 記 [A44]. Truyền thống này rõ ràng khá phổ thông: Thư Viện của Viện Hán-Nôm trữ 10 bản in của [A25], một trong chúng có niên đại năm 1876 và một bản năm 1923; các khảo luận [A27], [A37], và [A44] cũng được in. Các tác giả của các thư tịch Trần và Gros 1993 và Liu 2002 đồng ý rằng các văn bản này in lại một nguyên bản Trung Hoa và gán nguồn trước tác cho một Đạo Sĩ bất tử “Perfected Lord Xu” (許 真 君: Hứa Chân Quân, tức Xu Xun 許 遜 Hứa Tốn (239-292/374?). 60 Văn bản của Daozang (Đạo Tang) nhan đề Xu zhen jun yu xia ji 許 真 君 玉 匣 記 Hứa Chân Quân Ngọc Hạp Ký (Các Tài Liệu Từ Rương Bằng Ngọc của Hứa Chân Quân) với một lời đề tựa năm 1433 [YXJ: Ngọc Hạp Ký], trong thực tế, được quy kết công khai do sự trước tác của ông. 61 Có đúng Xu Xun (Hứa Tốn), nổi tiếng chính yếu như một kẻ hạ sát con rồng và một người con hiếu thảo, cũng là một chuyên viên trong khoa chiêm tinh học hay khổng? 62 Câu hỏi này có lẽ không liên hệ đến chủ đề của phần này cho bằng câu hỏi sau đây: Có phải văn bản này từDaozang (Đạo Tang) trong thực tế đã được in lại trong các khảo luận Việt Nam được nói đến ở trên? Một sự phân tích sơ lược cho thấy rằng câu trả lời ở thể xác định, nhưng tình trạng còn lâu mới đơn giản. Văn bản nguyên thủy được tìm thấy trong Daozang (Đạo Tang) dưới nhan đề 玉 匣 記 Ngọc Hạp Ký (Các Tài Liệu Từ Rương bằng Ngọc) chứa đựng về mặt kỹ thuật, ba phần: (A) văn bản nhan đề Zhu shen sheng dan ling jie ri qi 諸 神 聖 誕 令 節 日 期 Chư Thần Thánh Đản Lệnh Tiết Nhật Kỳ có ghi niên đại giữa thế kỷ thứ 15; (B) văn bản đã nói ở trên Xu zhen jun yu xia ji 許 真 君 玉 匣 記 Hứa Chân Quân Ngọc Hạp Ký [YXJ]; và (C) Fa shi xuan ze ji 法 師 選 擇 記Pháp Sư Tuyển Trạch Ký (Các Tài Liệu Về Các Sự Lựa Chọn [Các Ngày Tốt] của Pháp Sư) [XZJ]. Đoạn mở đầu tương đối ngắn của phần (C), từ giờ trở đi gọi tắt là C1 [XZJ: 325-326], có niên đại là 627 SCN và được tiếp nối bởi một đoạn “Tái Bút: Postscript)” (C2) [XZJ: 327-346] rất dài có niên đại là 1488 và gồm một số lượng lớn các văn bản chiêm tinh tương đối ngắn. Nếu bây giờ chúng ta xét đến tập khảo luận Việt Nam Ngọc Hạp Toản Yếu Thông Dụng 玉 匣 攢 要 通 用[A27], chúng ta có thể nhìn thấy rằng phần (A) hoàn toàn bị bỏ ra, phần lớn phần (B) được sao chép lại nơi đoạn mở đầu của tập khảo luận Việt Nam (các trang 2b – 6b), và phần (C1) được in lại ngay sau đó (các trang 6b – 9b); kế đến, theo sau là một đoạn dài có nhan đề (bằng tiếng Hán) “Zhan san shi er gua ding ji xiong” 占 三 十 二 掛 定 吉 凶,Chiêm Tam Thập Nhị Quái Định Cát Hung (Thuật Bói Toán [sử dụng] 32 quẻ 6 hào (hexagrams) để xác định điều (ngày) tốt và xấu, các trang 9b – 19b) không được tìm thấy trong ấn bản Daozang: Đạo Tang. Chỉ sau đó mới đến đoạn mang nhan đề [bằng tiếng Hán] “Jin fu jing” 金 符 經 “Kim Phù Kinh” (Khảo luận về Kim Phù [Thẻ bài, phù hiệu bằng vàng: Golden Talisman, các trang 19b – 25a) được in lại từ văn bản Daozang (Đạo Tang) [XZJ: 331 – 334], và sự kiện rằng các nhà biên soạn ấn bản Việt Nam đã xác định một cách chính xác vị trí của nhan đề trong ấn bản của văn bản của họ khiến ta suy tưởng một cách vững chắc rằng họ đã có trong tay một phiên bản của tập khảo luận không dựa trên ấn bản Daozang(Đạo Tang) . Bằng cách nào và vào lúc nào phiên bản thay thế này của tập khảo luận đã vươn tới các nhà bói toán Việt Nam có lẽ vẫn chưa được hay biết.
Các kết luận
Để nghiên cứu lịch sử truyền thống chiêm tinh Việt Nam, một vài khảo hướng rõ ràng đáng tin cậy ngang nhau. Một cuộc điều tra các nguồn văn bản hiện tồn được cung cấp trong bài viết này chỉ là một trong các khảo hướng; một phương pháp đáng tin cậy khác sẽ là một sự nghiên cứu các bản văn báo cáo của các giáo sĩ truyền đạo Tây Phương hoạt động tại Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ thứ 17, cũng như của các khách lữ hành và các thương nhân Tây Phương và Trung Hoa. Muốn có một sự nghiên cứu về tình hình ngày nay, các kết quả của các cuộc nghiên cứu thực địa khảo cổ gần đây có thể được sử dụng. Mỗi khảo hướng đều có các nhược điểm của nó. Vô số tài liệu cổ xưa bị đánh mất, và điều không được hay biết là các khảo luận Hán-Nôm hiện tồn đại diện đến tầm mức nào sự sao chép các tác phẩm chiêm tinh đã được lưu hành trong giới các nhà chiêm tinh Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến đầu thế kỷ thứ 20; điều cũng không được biết rõ các cách thực hành bói toán thực sự của các nhà chiêm tinh đó nhiều đến đâu tương ứng với các văn bản thành văn. Nếu người ta nghiên cứu các báo cáo của các nhà truyền giáo, các thương nhân và các khách lữ hành, các sự đề cập hiếm hoi đến các sự thực hành thuật bói toán bản địa cho thấy rõ rằng sự nghiên cứu của họ đã không tập trung vào nghị trình học thuật của các nhà truyền giáo và các nhà thám hiểm, và, hơn nữa, sự lý giải của các cách thực hành bói toán cũng như các tài liệu liên hệ không bao giờ được tiết lộ cho họ bởi các nhà bói toán Việt Nam. Đối với các nhà nhân chủng học hiện đại, ngay cả những người trong họ đã cố gắng để có cái nhìn sát cận hơn đến các sự thực hành thực sự của các nhà bói toán ngày nay, trong phần lớn trường hợp, đã không quen thuộc với các tiền lệ lịch sử của các hiện tượng mà họ quan sát, đặc biệt với các văn sách bói toán bằng Hán-Nôm.
Trong bài viết này tôi đã trình bày ngắn gọn khung cảnh định chế của các thế kỷ đầu tiên của truyền thống chiêm tinh Việt Nam được bảo trợ bởi nhà nước độc lập, và cung cấp các kết quả của một sự kiểm tra sơ lược một phần nhỏ của các tài liệu chiêm tinh hiện tồn. Tất cả các tài liệu thảo luận hóa ra hoặc là các bản sao chép các văn bản Trung Hoa (đôi khi được thay đổi hay tóm lược) hay các tác phẩm dựa trên các nguyên tác Trung Hoa. Lịch sử của sự chuyển giao chúng sang Việt Nam thì không rõ ràng; đa số các văn bản Việt Nam hiện tồn không có ghi niên đại, và những văn sách có ghi niên đại được sản xuất (thường được in ấn) tương đối sau này. Rất thường nguồn gốc tác giả của các văn bản không được biết rõ; trong một số trường hợp, các niên đại của đời sống của các tác giả phỏng định khiến ta nghĩ rằng sự chuyển giao có thể đã xảy ra khá sớm, như trong trường hợp các tập khảo luận được gán cho sự trước tác của Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬, song luôn luôn có một khả tính rằng tên họ của tác giả giả định, thường là một học giả nổi tiếng hay một viên chức cao cấp, chỉ được liên kết với một văn bản vô danh sau sinh thời của nhà học giả. Tuy nhiên, như lịch sử của các định chế chiêm tinh chứng minh, ngành chiêm tinh học chắc chắn đã khởi sự được thực hành cho các mục đích của nhà nước Việt Nam ngay từ thế kỷ thứ 11; không may, điều vẫn chưa được hay biết về phương cách và thời gian mà các văn bản chiêm tinh Trung Hoa đã tìm đường đến tỉnh hạt ly khai sau thế kỷ thứ 10, và chúng đích xác là những gì. Tại các thư viện hiện đại lưu trữ các sưu tập sách Hán-Nôm, tất cả các văn sách chiêm tinh được gộp chung lại với nhau, điều có vẻ khiến ta suy nghĩ rằng chiêm tinh học đã là một ngành được thực hành bởi chỉ một nhóm duy nhất các chuyên viên; tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng sự chuyển giao các văn bản chiêm tinh và kỹ năng chuyên môn đi từ Trung Hoa sang Việt Nam xuyên qua một số luồng, và ở cả hai phía, các nhóm xã hội liên can đến tiến trình này bao gồm từ các nhà chiêm tinh của hoàng triều đến các thày bói ở thôn quê./-
________
CHÚ THÍCH
Cuộc nghiên cứu các khảo luận Việt Nam thảo luận trong bài viết này được yểm trợ bởi các khoản trợ cấp sưu khảo 95-2411-H-007-037 (trong các năm 2006-2007) và 96-2411-H-007-004-MY3 (trong các năm 2007-2012) của Hội Đồng Khoa Học Quốc Gia (National Science Council) (Đài Loan), cũng như bởi một khoản trợ cấp từ Dự Án “Chính Sách Đa Văn Hóa Tại Á Châu Gió Mùa: Multiculturalism in Monsoon Asia” (Đại Học National Tsing-Hua University, Hsinchu, Taiwan) trong các năm 2008-2012. Tác giả cám ơn hai vị ẩn danh đã xét duyệt về các ý kiến hữu ích trên bản thảo đầu tiên của bài viết này.
Muốn có một sự mô tả chi tiết về lịch sử và các đặc tính chính yếu về chữ Nôm, xem Lê 1995; trên các trang 93-96 của luận án này, người đọc sẽ tìm thấy nhiều sự tham chiếu liên quan đến các ấn phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Muốn có các ấn phẩm bằng tiếng Anh, xin xem, thí dụ, Nguyễn 1956; 1990.
Ở đây và nơi khác trong bài viết này, tôi cung cấp các cách đọc trong tiếng Việt các chữ Hán-Nôm; cách đọc chúng trong Hoa ngữ theo hệ thống phiên âm pinyin, khi được cung cấp, được ghi dấu với từ ngữ “Hán tự: Chinese”. Các nhan đề của các sách tiếng Hán và tên gọi của các tác giả Trung Hoa đuợc cung cấp theo hệ thống phiên âm pinyin mà không có cách đọc theo Hán Nôm [người dịch đã phiên âm sang tiếng việt trong các trường hợp này, Ngô Bắc].
Trong năm 1878, chính quyền thực dân ra nghị định rằng sau năm 1882, Quốc Ngữ sẽ là hình thức chính thức duy nhất của chữ viết, ngoài tiếng Pháp; xem Osborne 1997: 163. Tuy nhiên, như được nêu ý kiến một cách tức thời bởi các người điểm bài ẩn danh của bài viết này, lập trường được lấy bởi các thẩm quyền thực dân Pháp và bởi giới văn nhân Việt Nam về sự giảng dạy, và bằng Quốc Ngữ, đã trải qua các sự sửa đổi đáng kể trong đầu thế kỷ thứ 20. Không may, một sự thảo luận chi tiết về đề tài hấp dẫn này sẽ không liên quan đến nơi đây; độc giả quan tâm được giới thiệu đến Marr 1981, Osborne 1997, Poisson 2004, và Trịnh 1995, trong số nhiều tác giả khác.
Như D. Marr đã viết về nó, “Vào khoảng 1930 ý tưởng rằng sự phát triển và phổ biến chữ Quốc Ngữ cấu thành các thành tố thiết yếu của cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do đã là một phần của mọi đề cương [chống thực dân] triệt để”. (Marr 1981: 150).
Văn 2008: 266-267.
Về các kỹ thuật bói toán được dùng bởi một số dân tộc ít người tại Việt Nam xem, thí dụ, Arhem 2009; Vargyas 2004.
Dumountier 1899; 1914; 1915; Coulet 1926; 1929.
Nguyễn 2002: 245-256.
Huard và Durand 1954: 65-71.
Huard và Durand 1954: 66. Đã có nhiều ấn bản khác nhau của quyển sách nhan đề Tử Vi Đẩu Số 紫 微 斗 數, được bảo quản tại thư viện Viện Hán Nôm (Hà Nội) cũng như tại thư viện Hội Nghiên Cứu Á Châu (Société Asiatique) (Paris) (xem mục số [A47] trong thư tịch ở cuối bài viết này), nhưng tôi không thể xác định được bất kỳ ấn bản nào của quyển Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư được đề cập tới bởi Huard và Durand. Một cách ngạc nhiên, các tác giả cũng xác nhận rằng các nhà chiêm tinh Việt Nam có sử dụng bộ bách khoa về toán học của Trung Hoa, Số Lý Tinh Uẩn 數 理 精(Shu li jing yun) được soạn thảo năm 1723 dưới sự chỉ đạo của Mei Juecheng 梅瑴 成 Mai Quyết [?] Thành (1681-1763). Xin đối chiếu với một sự đề cập đến sưu tập này trong một quyển lịch chính thức của Trung Hoa, được trích dẫn (nhưng không xác định một cách xác thực) bởi tác giả C. Morgan (1980: 21).
Chẳng hạn như sưu tập của Thư Viện Quốc Gia (Hà Nội) cũng như một số sưu tập nhỏ hơn, thí dụ, sưu tập của Viện Sử Học, Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Sự kiểm tra của tôi tại hai thư viện kể sau tiến hành trong các năm 1998 – 2008 cho thấy chúng có lưu giữ một số các văn bản về bói toán (kể cả chiêm tinh học) không được liệt kê trong thư mục của Trần và Gros (1993) hay của Lii và các tác giả khác (2002).
Quyển [Đại] Việt Sử Lược [SL 1936] có gồm một phụ lục nhan đề “Niên Biểu Triều Trần 陳“viết cho thời khoảng từ 1225 đến 1377; L. Cadière và P. Pelliot (1904: 626) đã dùng sự kiện này để kết luận rằng quyển niên biểu đã được soạn tháo trong thời trị vì của Hoàng Đế Trần Phế Đế 陳 廢 帝 (tên riêng là Trần Hiện 陳晛, trị vì từ 1377-1388). Tuy nhiên, A. Polyakov, trên căn bản sự phân tích văn bản của ông về quyển niên biểu, đã lập luận với đầy sức thuyết phục rằng hai chương đầu tiên của nó đã được soạn thảo hồi đầu kỷ thứ 12 (Polyakov 1980: 74).
SL 1936: 27; Polyakov 1980: 143.
Tài liệu liên hệ trong [Đại] Việt Sử Lược [大] 越 史 略 viết: 前 安 奉 天 殿o 上 建 正 陽 樓o 為 掌 漏 刻 之 處 : tiền an Phụng Thiên Điện, thượng kiến Chính Dương Lâu, vi chưởng lậu khắc chi xử [SL 1936: 29], có nghĩa “Trước Thềm Rồng [Dragon Stairs 龍 墀 Long Trì, chỉ Quốc Vương] có dựng Đàn Tế Trời (Pavilion of Paying Tribute to Heaven). Trên nóc [của nó nhà vua] xây Chính Dương Lâu正 陽 樓là nơi để điều khiển đồng hồ bằng nước (clepsydra); cũng xem một bản dịch trong Polyakov [1980: 147]. Biến cố này có được trình bày trong quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大越 史 記 全 書 bằng các từ ngữ khác biệt đôi chút: “ 前 安 奉 天 殿o 上 建 正 陽 樓o 以 為 主 掌 籌 刻 之 處 : tiền an Phụng Thiên Điện, thượng kiến Chính Dương Lâu, dĩ vi chủ chưởng trù khắc chi xử[TT 1984: 221] [các chữ màu đậm chỉ sự khác biệt, nhấn mạnh bởi người dịch]. Nếu từ ngữ 籌 trù: thẻ [bằng tre, gỗ, ngà voi ….để đếm hay làm toán, chú của người dịch] không phải là một sự nhầm lẫn của kẻ sao chép, nó có thể chỉ các que đếm (hay thẻ bài) được dùng trong các sự tính toán thiên văn. Các que đếm này cũng được sử dụng bởi các nhà chiêm tinh Việt Nam cho đến thế kỷ thứ 17 hay còn sau hơn thế; xem Volkov 2009.
SL 1936: 61; Polyakov 1980: 206.
Các niên sử không đề cập đến vụ thiên thực hình vành khuyên ngày 4 Tháng Tám 1217, được trông thấy thấy Bắc Việt Nam, hay vụ thiên thực ngày 23 Tháng Năm 1221, được trông thấy tại Trung Hoa và Bắc Việt Nam. [Đại] Việt Sử Lược không chứa bất kỳ tin tức nào liên hệ có niên kỳ sau năm 1225, và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大 越 史 記 全 書 không đề cập đến các vụ thiên thực xảy ra vào ngày 3 Tháng Bảy 1228 và ngày 19 Tháng Mười Hai 1237. Vụ thiên thực năm 1229 được đề cập trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ho, 1964: 139, số 34) là tưởng tượng; vụ thiên thực thực sự sớm nhất trong số các vụ thiên thực được liệt kê trong bộ niên sử kể tên sau như đã xảy ra trong thế kỷ thứ 13 là vụ thiên thực ngày 26 Tháng Chín 1242 (cùng nơi đã dẫn: ibid., số 35). Tin tức về các vụ thiên thực này và các vụ nhật thực khác được lấy từ trang mạng của Cơ Quan NASA nhan đề “Các sự Tiên Đoán Thiên Thực của Fred Espenak (“Eclipse Predictions by Fred Espenak, NASA’s GSFC”) tại http://eclipse.gsfc.nasa.gov/SEatlas/SEatlas.html.
Sự thay thế các từ kỵ húy 邦 [bang] và 新 [tân] (được dùng trong tên cá nhân của các hoàng đế Việt Nam Anh Tông 英 宗, tên cá nhân là Lê Duy Bang 黎 維 邦, trị vì 1557-1572, và Kính Tông 敬 宗, tên cá nhân là Lê Duy Tân 黎 維 新 trị vì 1600-1618, trong tập bản đồ hiện tồn khiến ta nghĩ rằng nó không phải là một bản sao chính xác của nguyên bản mà là của phiên bản đã được sửa đổi sau này, xem Liu và các tác giả khác, 2002: 305. Tác giả John K. Whitmore (1995: 486) đưa ra các chi tiết bổ túc khiến ta nghĩ rằng tập bản đồ hiện tồn là một quyển tái bản trong thế kỷ thứ 17 của nguyên bản thuộc thế kỷ thứ 15; cũng xem Papin 2001: 123-124.
Bởi có sự đồng âm tên gọi định chế này trong Hán tự, Si tian jian 司 天 監 Ty Thiên Giám tác giả Hucker (1985: 456) đề nghị thay bằng tên gọi là “Nha Thiên Văn: Directorate of Astronomy”; sự diễn dịch này có thể hàm ý rằng văn phòng này (theo sát nghĩa “Cơ Quan Thẩm Quyền Giám Sát phụ trách các vấn đề liên quan đến Trời (Heaven)”) thực hiện các hoạt động chỉ chuyên về thiên văn, trong khi định chế thực sự phụ trách việc quan sát mọi loại hiện tượng trên trời (kể cả các hiện tượng về khí tượng) và về sự giải thích của chúng, về thiên văn (astronomy) cũng như chiêm tinh học (astrological).
Hucker 1985: 456-457, số 5780.
Han 1991: 4. Về các sự hạn chế áp đặt trên sự lưu hành tài liệu thiên văn và chiêm tinh dưới các triều đại nhà Đường và nhà Tống, xem Morgan 1987: 57.
Fedorin 2009.
Lee 1985: 96; Friedsam 2003: 52.
Các người điểm duyệt ẩn danh bài viết này đã vạch ra một cách chính xác rằng sự mô tả các cuộc khảo thí về “tính toán” năm 1762 (CM 1996: 3720-3721) nói đến các bài toán đố về sự phân chia theo tỷ lệ cố định và cân nhắc cá biệt (tiếng Việt lần lượt là bình phân平 分 và sai phân 差 分) như là đề mục của các cuộc khảo thí về ‘toán” (thực ra, niên sử đề cập đề mục này như một trong nhiều môn thi khác nhau, song các “môn kia” đã không được xác định cụ thể); về các vấn đề phân chia trong toán học Việt Nam, see Volkov 2012, và về các hoạt động hành chính liên can đến một số kiến thức toán học nào đó, chẳng hạn như khảo sát địa chính và kế toán, xem Poisson 2004. Chính vì thế, tài liệu này khiến ta nghĩ rằng vào thế kỷ thứ 18, các môn toán học và thiên văn gần như chắc chắn đã được giảng dạy một cách riêng rẽ; sự phỏng đoán này có thể được hậu thuẫn bởi một tài liệu có niên kỳ vào năm thứ 7 niên hiệu (Việt Nam) Cảnh Hưng 景 興 (1740-1786), tức năm 1746 (được tham chiếu trong CM 1969 là tương ứng với năm thứ 11 niên hiệu (Trung Hoa) Càn Long 乾 隆, 1735-1796, tức năm 1745) liên quan đến các cuộc khảo thí được thực hiện chuyên biệt về các chủ đề thiên văn (CM 1969: 3606). Tuy nhiên, sự phân biệt giữa hai ngành học xuất hiện trong các tài liệu này hồi giữa thế kỷ thứ 18 không bảo đảm cho kết luận rằng sự giảng dạy về toán học và thiên văn học luôn luôn được thực hiện một cách riêng biệt; nói cách khác, điều không có thể loại bỏ rằng tại một giai đoạn sớm hơn, sự giảng dạy toán học của Việt Nam bắt chước theo mô hình triều đại nhà Tống trong đó một số các đề mục, có tính chất toán học thuần túy theo một quan điểm hiện đại, đã được dạy cùng với các đề tài thiên văn và chiêm tinh, xem Lee 1985: 96 và Friedsam 2003: 52.
CM 1969: 697.
CM 1969: 984.
CM 1969: 1292.
CM 1969: 1458. Trong nguồn tài liệu này, năm trong vấn đề đưọc nói đến là năm thứ nhì của niên hiêu Khai Đại 開 大(1403-1407)của triều đại nhà Hồ 胡 (1400–1407), tức năm 1404, và cùng lúc, năm thứ nhì của niên hiệu Trung Hoa Vĩnh Lạc 永 樂 Yongle(1402-1424), tức năm 1403.
CM 1969: 2253, TT 1984: 703; bị in sai là năm “1472” trong sách của Han 1991: 6.
CM 1969: 2456. Các cuộc khảo thí đã diễn ra trong Tháng 12 của năm đầu tiên niên hiệu Trung Hoa Chính Đức 正 德 (1506-1522) và của năm thứ nhì niên hiệu Việt Nam Đoan Khánh 端 慶 (1505-1509); cả hai niên kỳ đều tương ứng với khoảng đầu năm 1507.
CM 1996: 3720-3721. Tài liệu này chứa đựng sự mô tả đã nêu trước đây về một cuộc khảo thí diễn ra trong Tháng Năm năm thứ 23 niên hiệu (Việt Nam) Cảnh Hưng 景 興 (1740-1786, tức năm 1762, được đề cập trong CM là tương ứng với năm thứ 27 niên hiệu (Trung Hoa) Càn Long 乾 隆 Qianlong, 1735-1796, tức năm 1761。
Volkov 2008.
Tên của định chế này trùng hợp với tên của đối nhiệm Trung Hoa của nó, Qin tian jian 欽 天監 Khâm Thiên Giám, được dùng vào cuối thời nhà Minh và trong thời nhà Thanh tại Trung Hoa; xem Hucker 1985: 169. Hucker phiên dịch tên của định chế này (theo sát nghĩa “Nha Bày Tỏ Sự Tôn Kính Ông Trời”) là “Nha Thiên Văn: Directorate of Astronomy”, ngay dù sự trình bày của chính ông nói rõ rằng các chức nghiệp của nhân viên của nó gồm cả các việc quan sát khí tượng và bói toán.
Xem [KTG].
Ho 1964: 138, các [chú thích?] số 22-24, lần lượt.
Có thể rằng sự phân bố các vụ thiên thực [nhật hay nguyệt thực] được nói đến trong quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã cố ý được sắp đặt cho tương ứng với lịch sử chính trị của Việt Nam, bởi vì tất cả các vụ thiên thực ghi nhận được, ngoại trừ các vụ thiên thực của năm 479 và 1422, đều nằm trong các thời kỳ độc lập chính thức của Việt Nam ra khỏi Trung Hoa: thời kỳ từ 205 đến 122 TCN tương ứng với triều đại nhà Triệu 趙 Việt Nam (207-111TCN), vụ thiên thực năm 41 SCN xảy ra trong thời khoảng có sự nổi dậy của chị em Bà Trưng 徵 (40-43 SCN), và vụ thiên thực năm 547 nằm trong thời kỳ trị vì của nhà Tiền Lý Việt Nam (544-602). Vụ thiên thực vào ngày 8 Tháng Tư năm 479 là một vụ thiên thực hình vành khuyên, được nhìn thấy tại Ấn Độ và Trung Hoa, có thể khó nhìn thấy tại Việt Nam; ngược lại, vụ toàn thực ngày 20 Tháng Chín năm 461, được nhìn thấy hoàn toàn tại Bắc Việt Nam, lại không được liệt kê. Vụ thiên thực ngày 23 Tháng Một năm 1422 cũng không được nhìn thấy tại Việt Nam.
SL 1936: 30; Polyakov 1980: 149.
Ho 1964: 139, số 29.
SL 1936: 61; Polyakov 1980: 206.
Hai vụ thiên thực này là: (1) một vụ vào ngày đầu tiên của Tháng Mười Một năm 1105 (thiên thực một phần), xem SL 1936: 42; và Polyakov 1980: 173, và (2) vụ xảy ra ngày đầu tiên của tháng thứ nhì năm 1188, xem SL 1936: 57, và Polyakov 1980: 198. Sự ghi chép vụ trước có lẽ tương ứng với vụ thiên thực vào ngày 16 Tháng Mười Hai năm 1107, và vụ kể sau tương ứng với vụ thiên thực vào ngày 17 Tháng Hai năm 1189; cả hai vụ thiên thực đều được nhìn thấy tại Việt Nam.
Vụ thiên thực vào ngày đầu tiên của tháng thứ mười năm 1093; xem SL 1936: 41; Polyakov 1980: 170. Từ 1081 đến 1100 đã chỉ có hai vụ thiên thực có thể được nhìn thấy tại Hà Nội: một vụ vào ngày 19 Tháng Ba năm 1094, và vụ kia vào ngày 14 Tháng Mười năm 1083. Không có vụ thiên thực nào được nhìn thấy tại Trung Hoa trong thời khoảng này.
Xem Nam Ông Mộng Lục (Ghi chép về các giấc mơ của một Ông Già từ Phương Nam) 南 翁 夢 錄 Nan weng meng lu, của Hồ Nguyên Trừng 胡 元 澄 (cũng được biết là Lê Trừng 黎 澄, 1374?-1446?), đoạn trích dẫn liên hệ như sau:
(Người này [=Trần Nguyên Đán] am tường và hiểu biết các phương pháp về niên lịch; [ông ta] đã biên soạn quyển Bách Thế Thông Kỷ Thư 百 世 通 紀 書, khởi đầu với cấu hình của chùm sao nguyên thủy của vua Nghiêu [vị hoàng đế Trung Hoa trong huyền thoại] xuống tới các triều đại nhà Tống và nhà Nguyên. [Ông] đã tính toán (?) các sự giao hội giữa mặt trăng và mặt trời, và các vụ thiên thực, các độ đo [= tọa độ] của các hành tinh và các ngôi sao trên quỹ đạo liên hệ của chúng. [Tất cả các dữ liệu này (?)] rất phù hợp với thời thượng cổ.); cũng xem Knorozova 2009: 156-157.
Trần 1938: 43, n. 3; Cadière và Pelliot 1904: 619, n. 3.
Ho Peng Yoke (2003) đề nghị sự phiên dịch tên gọi của ba kỹ thuật chiêm tinh này như sau: (1) Phương pháp của vị Thần Taiyi: Thái Ất” (36), (2) “[Sắp xếp] các điểm, sự việc, yếu tố và các Cửa [tốt, cát, lành] [cùng với] việc che dấu can Giáp [Wood [Mộc?]: yia” (trang 84) trong khi chỉ trích sự phiên dịch trực tiếp hơn như “Các Kỹ Thuật Trốn Tránh Các Cửa Kỳ Lạ: Strange Gates Escaping Techniques” (trang 83), và (3) “phương pháp sử dụng sáu năm trong lục tuần hoa giáp của can Nhâm (Dương Thủy)” (trang 5), đã ưa thích nó hơn là cách phiên dịch sát nghĩa hơn “Nghệ thuật Lục Nhâm (Dương Thủy)” (trang 113. Để giản tiện, tôi sẽ dùng tên phiên âm từ Hán tự cho các tên gọi này như dưới đây.
Ho 2003: 36.
Ho 2003: 36-40:171, [chú thích] số 3-4; tác giả Ho nêu ý kiến rằng một công cụ bói toán mới được khai quật gần đây thuộc thời nhà Hán có thể tượng trưng cho một hình thức thô sơ của kỹ thuật này (trang 41). Cũng xem Kalinowski 1991: 105, 542, [chú thích?] số 79, 568, số 23.
Thành phần này của phương thức bói toán rõ ràng đã bị sửa đổi khi được truyền bá tại Việt Nam.
Ho 2003: 66-68.
Trần 1937: 33. Hai khảo luận khác có liên hệ đến hệ thống bói toán Lục Nhâm: Liu ren; tôi sẽ trở lại chúng bên dưới. Họ Trần cũng đề cập tới công trình văn chương khác của ông Lê dành cho thuật bói toán (Trần 1937: 34); văn bản này, có nhan đề là Hải hội minh châu 海 會 明 珠, được cung ứng vào lúc họ Trần soạn bài viết của ông, giờ đây bị mất đi.
Ở đây, hoa hồng (rose) là loại có tên khoa học là Rosa Muliflora: hoa nở thành từng cụm nhiều hoa (Hán tự là wei 薇 vi. Zi wei 紫 薇 (Hồng Đỏ Tím): Tử Vi để chỉ một chùm sao gần bắc cực, xem, thí dụ, Ho 2003: 76.
Ho 2003: 74-82.
Ho 2003: 83-84.
Kalinowski 1983.
Ho 2003: 113-119.
Ho 2003: 137.
Trần 1937: 33 có nói đến hai tập khảo luận nữa liên quan đến truyền thống Lục Nhâm (tức liu ren 六 壬) được trước tác bởi Lê Quý Đôn 黎 貴 惇 (xem bên trên): quyển Lục Nhâm Hội Thông
六 壬 會 通 (Họ Trần dịch nhan đề này là Notions generals de la science de la divination appliquée à la guerre (Các Khái Niệm Tổng Quát về khoa học bói toán áp dụng cho chiến tranh), có lẽ dựa trên căn bản nội dung của nó) và Lục Nhâm Tuyển Túy 六 壬 選 粹 (Choix de principes essentiels de la science de la divination appliquée à la guerre), theo họ Trần; cả hai khảo luận này đều không được tìm thấy trong các thư tịch của Trần và Gros 1993, Liu và các tác giả khác 2002, hay tại Thư Viện Quốc Gia Việt Nam.
Cuộc du hành của ông sang Trung Hoa được đề cập tới trong quyển CM 1969: 2832; nó được ghi niên kỳ là tháng thứ tư của năm thứ 20 niên hiệu (Việt Nam) Quang Hưng 光 興, 1578-1599, tức năm 1697 [nhiều phần xếp chữ sai, phải là 1597, chú của người dịch] (được cho biết trong CM 1969 là năm thứ 25 niên hiệu (Trung Hoa) Wanli 萬 曆 Vạn Lịch, 1572-1620, tức năm 1596). Họ Phùng đã trở về từ Trung Hoa trong tháng thứ 12 năm thứ 21 niên hiệu Quang Hưng, tức, trong năm 1599 (được nói là năm thứ 26 niên hiệuVạn Lịch, tức năm 1598), xem CM 1969: 2847. Về Phùng Khắc Khoan, cũng xem Gaspardone 1934: 115-116; Trần 1938: 106-107, 117; Knorozova 2009: 244, chú thích số 38; về cuộc gặp gỡ của ông với sứ giả Triều Tiên, xem Cheng 2009.
Trần 1938: 106-107.
Cũng xem văn bản viết tay đồ sộ Binh Pháp Tập Lược 兵 法 輯 略 (phiên âm theo hán tự bing fa ji lue) được cho là được biên soạn bởi Liu Bowen (Liu Ji) (Lưu Bá Ôn tức Lưu Cơ) và biên tập bởi Nguyễn Đức Uông 阮 德 汪 (không ghi niên kỳ), TG 246 (một bản chup bằng vi phim của nó được cung ứng tại thư viện của Trường EFEO ở Paris; tập khảo luận này dành cho các sự ứng dụng quân sự của khoa chiêm tinh.
Muốn có các dữ liệu tiểu sử của Xu Xun (Hứa Tốn) như được tìm thấy Daozang (Đạo Tang) và sự sùng bái ông ta, xem Boltz 1987: 70-78.
Muốn có một sự trình bày ngắn gọn, xem Ren 1991: 1170, số 1467.
Một văn bản không sớm hơn năm 1295 đề cập đến Xu Xun (Hứa Tốn) là “Xu Taishi zhenjun” 許 太 史 真 君 Hứa Thái Sư Chân Quân”, tức Hứa Tốn đã được nói đến một cách công nhiên như Nhà Đại Chiêm Tinh taishi 太 史 thái sư: Great Astrologer (Trưởng Phòng Chiêm Tinh, xem Hucker 1985: 481, số. 6212); J. Boltz đề nghị dịch là “Perfected Lord Xu, the Grand Scribe: Ngài họ Hứa hoàn hảo, Nhà Đại Thư Pháp” (1987: 75)
———
SÁCH THAM KHẢO
Các Tài liệu Chính Yếu
Các khảo luận chiêm tinh học bằng tiếng Việt còn tồn tại đến nay
[Các văn bản trong phần này được sắp xếp theo thứ tự ABC các nhan đề của chúng theo cách đọc trong Việt ngữ. Đối với mỗi nhan đề, tôi cung cấp nhan đề của nó theo cách đọc Việt Ngữ, nhan đề nguyên thủy của nó bằng Hán Nôm, cách đọc theo phiên âm kiểu pinyin cho chữ Hán, và một tên tạm dịch (trong một số trường hợp có thể không hoàn toàn thỏa đáng). Mỗi văn bản có một ký số tham khảo được dùng trong thân bài của bài viết này, thí dụ, A35 để chỉ văn bản được liệt kê nơi phần này [phần A] với ký số 35. Các niên kỳ biên soạn và xuất bản, tên của (các) tác giả được nói đến trong các trường hợp hay biết được; nếu tên họ của họ không được cung cấp, điều đó có nghĩa họ vẫn chưa được hay biết đối với tôi. Với mỗi văn bản, các sự tham chiếu được cung cấp theo các thư tịch Trần and Gros 1993 (bắt đầu với các mẫu tư TG) và Liu et al. 2002 (bắt đầu với mẫu tự L); trong các trường hợp khi một văn bản được tìm thấy tại Thư Viện Quốc Gia Việt Nam, tôi cung câp số ký gọi từ thư tịch của thư viện này bắt đầu bằng các mẫu tự BNV.]
An tử vi quốc ngữ ca 安 紫 微 國 語 歌 (An zi wei guo yu ge). (Các lời giải đoán thuật bói toán số mệnh theo Tử Vi bằng thơ viết bằng chữ quốc gia [= Nôm]. BNV R. 293.
Bốc Phệ Chính Tông 卜 筮 正 宗 (Bu shi zheng zong) (Nguồn gốc chính thống của [các phương pháp bói toán] bốc và phệ), 1848-1859. Của Tiên Sinh Cổ La 古 羅 先 生 (Âm Hán tự: Gu Luo) (không ghi niên kỳ). TG 227; L 2470.
Chiêm Bốc Tạp Nghiệm 占 卜 雜 驗 (Zhan bu za yan) Các cách thức bói toán linh tinh). TG 440; L 2491.
Chiêm Luận Sự Niên Nguyệt Nhật Thì Tích 占 論 事 年 月 日 辰 跡 (Zhan lun shi nian yue ri chen ji) ((Bói Toán dựa trên năm, tháng, ngày, và chùm sao [= giờ] sinh). TG 442; L 2492.
Chiêm Nhật Nguyệt Cát Hung Đồ 占 日 月 吉 凶 圖 (Zhan ri yue ji xiong tu) (Các biểu đồ bói toán liên quan đến điều tốt và điều xấu theo căn bản ngày tháng). TG 443; L 2493.
Chiêm Phu Thê Giá Thú Hợp Hôn Cát Hung Số 占 夫 妻 嫁 娶 合 婚 吉 凶 數 (Zhan fu qi jia qu he hun ji xiong shu) (Bói toán về các điều tốt và xấu của hôn nhân). TG 444; L 2493.
Chiêm Thiên Văn Chư Loại Đẳng Tinh Cát Hung Đồ 占 天 文 諸 類 等 星 吉 凶 圖 (Zhan tian wen zhu lei deng xing ji xiong tu) (Các biểu đồ bói toán về các nhân vật trên trời, thiên thể mọi loại và đẳng cấp, liên can đến các điều tốt và xấu). TG 447; L 2485.
Chiêm Thiên Văn Loại 占 天 文 類 (Zhan tian wen lei) (Các loại bói toán về các khuôn mẫu trên trời). TG 448; L 2486.
Chiêm Thiên Văn Thư 占 天 文 書 (Zhan tian wen shu) (Kinh sách bói toán về các khuôn mẫu trên trời). TG 449; L 2487.
Cửu Thiên Huyền Nữ Toán Pháp 九 天 玄女 算 法 (Jiu tian xuan nu suan fa) (Các Phép Tính Của Thiếu Nữ Huyền Bí Của Chín Tầng Trời). TG 640; L 2471.
Đại Lục Nhâm Đại Toàn 大 六 壬 大 全 (Da Liuren da quan) (Đại toát yếu về Sáu [các dấu hiệu, các can] Nhâm: ren. Nhan đề thay thế khác: Đại Lục Nhâm Đại Độn [trong nguyên bản đánh máy sai là Toàn] 大 六 壬 大 遁 (Da Liuren da dun) [Các Phương Pháp] của Cuộc Đại Lẩn Tránh và Của Sáu can Nhâm. Của Guo Zailai 郭 載 騋 thời nhà Minh. TG 823; L 2472.
Diệu Tiên Kinh 曜 仙 經 (Yao xian jing) (Khảo luận về thuật bói toán của các [Đạo Sĩ] bất tử (?)). TG 736; L 2504.
Độn Giáp Kì [Kỳ?] Môn 遁 甲奇 門 (Dun jia qi men) ([Các phương pháp] Độn Giáp và Kỳ Môn). 63 TG 1094; L 2500.
Khâm Định Hiệp Kỉ [Kỷ?] Biện Phương 欽 定 協 紀 辨 方 (Qin ding xie ji bian fang) ([Kinh sách] về các thời đại hợp nhất và các phương vị tách biệt, được phê chuẩn bởi Hoàng Đế). Các nhan đề thay thế khác: Hiệp Biện 協 辨 (Xie bian) (Thống Nhất và Tách Biệt); Tạp Chiêm 雜 占 (Za zhan) ([Các phương pháp] linh tinh của sự bói toán). TG 1652; L2498.
Linh Văn Thắng Lãm Kinh Tổng Luận 靈 文 勝 覽 經 總 論 (Ling wen sheng lan jing zong lun) (Tổng luận dựa theo sự kiểm tra các khảo luận về “kinh sách của các thần linh”). TG 2010; L 2506.
Lục Giáp Toàn Thư 六 甲 全 書 (Liu jia quan shu) (Toàn bộ kinh sách liên can đến phương pháp Lục Giáp). TG 2075; L 2507.
Lục Nhâm 六 壬 (Liu ren). TG 2077; L 2476.
Lục Nhâm Đại Độn 六 壬 大 遁 (Liu ren da dun) {[Các phương pháp của] Lục Nhâm và của Cuộc Đại Lẩn Tránh}. TG 2078; L 2508.
Lục Nhâm Đại Độn 六 壬 大 遁 (Liu ren da dun) {[Các phương pháp của] Lục Nhâm và của Cuộc Đại Lẩn Tránh}. TG 2079; L 2477.
Lục Nhâm Đại Độn Pháp 六 壬 大 遁 法 (Liu ren da dun fa) {[Các phương pháp của] Lục Nhâm và của Cuộc Đại Lẩn Tránh}. TG 2080; L 2478.
Lục Nhâm Kinh Vĩ Lược 六 壬 經 緯 略 (Liu ren jing wei lue) (Tóm lược Kinh Sách và Kinh Ngụy Tác về Lục Nhâm. TG 2082; L 2479.
Lục Nhâm Quốc Ngữ 六 壬 國 語 (Liu ren guo yu) ([Các phương pháp] Lục Nhâm [được giải thích bằng tiếng dân ta [= Nôm]]. TG 2083; L 2480.
Lục Nhâm Tiện Lãm 六 壬 便 覽 (Liu ren bian lan) (Tóm lược dành cho độc giả về Lục Nhâm). TG 2084; L 2481.
Mã Tiền Bốc Pháp 馬 前 卜 法 (Ma qian bu fa) (Các phương pháp bói toán [liên can đến việc “đổ nước] ở phía trước con ngựa của một người”). 64
Ngọc Hạp 玉 匣 (âm Hán tự: Yu xia) ([Tài liệu từ] rương bằng ngọc). Của Hứa Chân Quân 許 真 君 (Xu Xun: 許 遜 Hứa Tốn). TG 4744; L 2511.
Ngọc Hạp Toản Yếu 玉 匣 纂 要 (Yu xia zuan yao) (Cốt yếu của sự biên soạn từ Rương Bằng Ngọc). TG 4745; L 2483.
Ngọc Hạp Toản Yếu Thông Dụng 玉 匣 纂 要 通 用(Yu xia zuan yao tong yong) (Sự sử dụng thông thường các điều cốt yếu của sưu tập từ Rương Bằng Ngọc). In năm 1926. BNV R.2227.
Ngọc Trướng Huyền Cơ 玉 帳 玄 機 (Yu zhang xuan ji) ([Các phương pháp của] Bộ Máy [trong nguyên bản dịch chữ Cơ là Cực 極, được viết khác với chữ Cơ 機 trong nhan đề, vốn có nghĩa là Bộ Máy, chú của người dịch] Huyền Bí và Trướng Treo Ngọc). TG 2354; L 2488.
Ngọc Trướng Huyền Cơ Bí Độn Thư Pháp 玉 帳 玄 機 泌 遁 書 法 (Yu zhang xuan ji bi dun shu fa) (Các phương pháp của kinh sách về sự chạy trốn bí mật theo tập khảo luận về của Bộ Máy Huyền Bí và Trướng Treo Ngọc). TG 2355; L 2489.
Ngọc Trướng Huyền Cơ Bí Pháp 玉 帳 玄 機 泌 法 (Yu zhang xuan ji bi fa) (Các phương pháp bí mật của Bộ Máy Huyền Bí và Trướng Treo Ngọc). TG 2356; L 2490.
Quỷ Cốc Đại Định Hoàng Tuyền Số 鬼 谷 大 定 黃 泉 數 (Gui gu da ding huang quan shu) ([Sự bói toán] số mệnh về sự [quay về] Suối Vàng, được ấn định một cách uy nghiêm bởi [thầy] Quỷ Cốc). TG 2912; L 2496.
Quỳnh Lâm Huyết Hải Thư 瓊 林 血 海 書 (Qiong lin xue hai shu) (Kinh sách về Rừng Quỳnh và Biển Máu). TG 2914; L 2505.
Sách Coi Số 冊 […] 65 數 (Ce […] shu) (Coi số theo các [ ….] sách). TG 2921; L 2494.
Số Pháp Thư 數 法 書 (Shu fa shu) (Kinh sách về các phương pháp coi số). TG 2966; L 2502。
Tân San Lục Nhâm Đại Độn Bí Truyền 新 刊 六 壬 大 遁 泌 傳 (Xin kan Liu ren da dun bi chuan) (Truyền thống bí mật mới được ấn hành về [các phương pháp của] Lục Nhâm và của Sự Lẩn Tránh Lớn Lao). Một thủ bản đề niên kỳ 1883. TG 3192; L. 2501.
Tam Kì Bát Môn Độn Pháp 三 奇 八 門 遁 法 (San qi ba men dun fa) (Các phương pháp của Sự Lẩn Tránh [sử dụng] Ba [Tác Nhân] Kỳ Lạ và Tám Cửa). TG 3078; L 2473.
Tăng Bổ Tuyển Trạch Thông Thư Quảng Ngọc Hạp Ký 增 補 選 擇 通 書 廣 玉 匣 記 (Zeng bu xuanze tong shu guang Yu xia ji)(Niên giám về sự lựa chọn [các ngày tốt] cùng với quyển Ngọc Hạp Ký triển khai có các sự tăng bổ). Một nhan đề thay thế khác:Tuyển Trạch Thông Thư Quảng Ngọc Hạp Ký 選 擇 通 書 廣 玉 匣 記 (Xuanze tong shu guang Yu xia ji) (Niên giám về sự lựa chọn [các ngày tốt] cùng với quyển Ngọc Hạp Ký triển khai). Các ấn bản các năm 1876, 1920, và 1923. Của Hứa Chân Quân 許 真 君 (tức Xu Xun: 許 遜 Hứa Tốn). TG 4855; L 2518; BNV R.60.
Thái Ất Dị Giản Lục 太 乙 易 簡 錄 (Tai Yi yi jian lu) (Tài liệu giản lược [về bói toán theo phương pháp của] Thái Ất và theo Kinh Dịch. Được biên soạn bởi Lê Quý Đôn 黎 貴 惇 (1726-1784). TG 3290; L 2475.
Thái Ất Thống Tông Bảo Giám 太 乙 統 宗 寳監 鑑 (Tai yi tong zong bao jian) (Gương soi quý giá của Các Căn Nguyên Thống Nhất của [các phương pháp] Thái Ất). TG 3291; L 2482.
Tham Bình Bí Quyết Kim Tỏa Ngân Chủy Ca 參 評 泌 訣 金 鎖 銀 匙 歌 (Can ping bi jue jin suo yin shi ge) (Các bài thơ ngắn về các bí quyết được so sánh và bình luận về Kim Tỏa (Khóa Vàng) và Ngân Chủy (Chìa Khóa bằng bạc). TG 4889; L 2514.
Thần Lịch Tạp Kị [Kỵ?] Pháp 神 歷 雜 忌 法 (Shen li za ji fa) (Các phương pháp khác nhau về [các ngày] xấu [theo] lịch trình của các thần linh). TG 3388; L 2521.
Thiên Văn Thể 天 文 體 (Tian wen ti) (Cấu trúc (?) của các thiên thể). TG 3543; L 2474.
Thông Thư Chính Quyển 通 書 正 巻 (Tong shu zheng quan) Niên Giám: quyển chính thống). TG 3601; L 2497.
Thông Thư Quảng Ngọc Hạp Ký 通 書廣 玉 匣 記 (Tong shu guang Yu Xia ji) (Niên Giám cùng với Ngọc Hạp Ký triển khai). In năm 1876. TG 4926; L 2513.
Tiền Định Lâp Thành 前 定 立 成 (Qian ding li cheng) ({Cẩm Nang} lập sẵn để xác định số phận đã định). TG 3724; L 2495.
Toát Kim Bốc Pháp 撮 金 卜 法 (Cuo jin bu fa) (Các phương pháp bói toán [trị giá một toát vàng: cuo [đơn vị đo trọng lượng của Trung Hoa, 1/1000 đấu (thặng), chú của người dịch]]. TG 3797; L 2524,
Tử Vi Đẩu Số 紫 微 斗 數 (Zi wei dou shu) (Đoán số mệnh theo phương pháp của Tử Vi). TG 4992; L 2515.
Tử Vi Đẩu Số Giải Âm 紫 微 斗 數 解 音 (Zi wei dou shu jie yin) (Các sự giải thích và xem [chính xác] số mệnh theo phương pháp của Tử Vi). TG 4102; L 2509.
Tử Vi Giải 紫 微 解 (Zi wei jie) (Các sự giải thích về phương pháp của Tử Vi). TG 4993; L 2516.
Tử Vi Hà Lạc Nhâm Thìn Số 紫 微 河 洛 壬 辰 數 (Zi wei He Luo ren chen shu) (Đoán số mệnh theo các phương pháp của Tử Vi và Hà [tu] và Lạc [shu, Lục Nhâm và các chùm sao]. TG 4995; L 2517.
Tử Vi Số 紫 微 (Zi wei shu) (Đoán số mệnh theo Tử Vi). TG 4103; L 2499.
Tử Vi Thập Nhị Cung Đoán Pháp Quốc Âm Ca 紫 微 十 二 宮 斷 法 國 音 歌 (Zi wei shi er gong duan fa guo yin ge) (Các phương pháp có vần điệu để giải đoán trên căn bản các phương pháp của Tử Vi và Mười Hai Cung được diễn đạt bằng tiêng dân ta [tức chữ Nôm]). TG 4104; L 2510.
Tuyển Trạch Thông Thư Đại Toàn 選 擇 通 書 大 全 (Xuan ze tong shu da quan) (Các đề tài tuyển trạch từ bản tóm lược tổng quát các niên giám). Một bản sao của MS ghi niên kỳ năm 1880. TG 4044; L 2503.
Các Niên Sử Việt Nam
CM 1969 – Trần Văn Vi 陳 文 為 và các tác giả khác, đồng biên tập, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục 欽 定 越 史 通 鑑 綱. Taipei: Guoli zhongyang tushuguan.
SL 1936 – [Khuyết danh], [Đại] Việt Sử Lược [大] 越史略.Shanghai: Shangwu yinshuguan.
TT 1984 – Chen Jinghe 陳 荊 和 Trần Kính Hòa (biên tập), 校 合 本 大 越 史 記 全 書 Khảo (hay Hiệu) Hợp Bản Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tokyo: Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Về Á Châu, Đại Học Tokyo, 3 quyển, 1984-1986.
Các Tài Liệu Chính Yếu Khác
KTG – Khâm Thiên Giám 欽 天 監. Một thủ bản có niên kỳ 1930 được bảo tồn tại Viện Hán Nôm, Hà Nội; ký số VHv. 1261.
LHT – Lê Công Hành Trạng 黎 公 行 狀 (Một tiểu sử của Lê Quý Đôn). Thủ bản được bảo tồn tại Viện Hán Nôm, Hà Nội; ký số A. 43.
XZJ – Fa shi xuan ze ji 法 師 選 擇 記 Pháp Sư Tuyển Trạch Ký (Tài liệu về các sự lựa chọn ngày tốt của Pháp Sư). Trong Zhengtong Daozang 正 統 道 藏 Chính Thống Đạo Tang, Taibei: Hsin Wen Feng Publishing Company, 1977, quyển 60: 325-346.
YXJ – Xu zhenjun Yuxia ji 許 真 君 玉 匣 記 Hứa Chân Quân Ngọc Hạp Ký (Tài Liệu Từ Rương Bằng Ngọc của Hứa Chân Quân (tức Xu Xun 許 遜 Hứa Tốn), Trong Zhengtong Daozang 正 統 道 藏 Chính Thống Đạo Tang Taibei: Hsin Wen Feng Publishing Company, 1977, quyển 60: 321-324.
_____
Các Nguồn Tài Liệu Thứ Yếu và Các Bản Dịch
ARHEM, Nikolas (2009). In the Sacred Forest: Landscape, Livelihood and Spirit Beliefs among the Katu of Vietnam. SANS Papers in Social Anthropology 10, Gothenburg, University of Gothenburg.
BOLTZ, Judith M. (1987). A survey of Taoist literature: Tenth to Seventeenth Centuries. Berkeley, University of California, Institute of East Asian studies.
CADIÈRE, Leopold và PELLIOT, Paul (1904). “Première étude sur les sources annamites de l’histoire d’Annam.” Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, t. 4: 617-671.
CHAPUIS, Oscar (1995). A History of Vietnam: from Hong Bang to Tu Duc. Westport, Greenwood Press.
CHENG Wing-sheung 鄭 永 常 Trịnh Vĩnh Thường (Tháng Sáu 2009). “Yi ci qiyi de shi zhi waijiao: Feng Kekuan yu Li Suiguang zai Beijing de jiaohui 一 次 奇 異 的 時 之 外 交: 馮 克 寬 與 李 脺 光 在 北 京 的 交 會 [Nhất thứ kỳ dị đích thời chi ngoại giao: Phùng Khắc Khoan dữ Lý Tụy Quang tại Bắc Kinh đích giao hội] (Một Trường Hợp Ngoại Giao Kỳ Lạ qua Thi Ca: Cuộc Gặp Gỡ của Phùng Khắc Khoan và Lý Tụy Quang [phiên âm theo tiếng Hàn Quốc là Yi Su-Gwang, sứ giả của Triều Tiên, chú của người dịch] tại Bắc Kinh). Taiwan gudian wenxue yanji[u] jikan 臺 灣 古 典 文 學 研 究 集 刊 [Đài Loan Cổ Điển Văn Học Nghiên Cứu Tập San] , quyển 1: 345-347, 349-372.
COULET, Georges (1926). Les Sociétés secrètes en terre d’Annam. Saigon, Ardin.
COULET, Georges (1929). Cultes et religions de l’Indochine annamite. Saigon, Ardin.
DUMOUTIER, Gustave (1899). “Études d’ethnographie religieuse annamite: Sorcellerie et Divination.” Actes du XI’ Congrès international des Orientalistes (1897), Paris, tome II: 275-409.
DUMOUTIER, Gustave (nov.-déc. 1914). “L’astrologie considérée plus spécialement dans ses applications à l’art militaire.” Revue Indochinoise: 456-475.
DUMOUTIER, Gustave (July-Aug. 1915). “L’astrologie chez les Annamites: ses applications a l’art militaire.” Revue Indochinoise: 101-126.
FEDORIN, Andrei [Фeдopин, Aндрй ЛЬВОВИЧ] (2009). “Лунно-солнечнЫй каленларЬ на ЛалЬнем Востоке: вЬетнамский вариант” (Âm-Dương (Luni-Solar) lịch tại vùng Viễn Đông: một phiên bản của Việt Nam). ПроблемЫ ДалЬнеƨо Восмока, no. 4: 158-162.
FRIEDSAM, Manfred (2003). “L’enseignement des mathématiques sous les Song et Yuan.” In C. Despeux and C. Nguyen Tri {eds.). Éducation et instruction en Chine, vol. 2 {Les formations spécialisées), Paris/Louvain. Éditions Peeters: 49-68.
GASPARDONE, Emile (1934). “Bibliographie Annamite.” BEFEO, fasc. 1: 1-173.
HAN Qi 韓 琦 Hàn Kỳ (1991). “Zhong Yue lishi shang tian wen xue yu shuxue de jiaoliu 中 越 歷 史 上 天 學 與 數 學 的 交 流 Trung Việt lịch sử thượng văn học dữ số học đích giao lưu (Sự tương tác giữa thiên văn học và số học của Trung Hoa và Việt Nam trong lịch sử).”Zhongguo keji shiliao 中 國 科 技 史 料 Trung quốc khoa kỹ sử liệu, quyển 12.2: 3-8.
Ho Peng Yoke (1964). “Natural phenomena recorded in the Đại Việt sử ký toàn thư, an early Annamese historical source.” Journal of the American Oriental Society, vol. 84.2: 127-149.
Ho Peng Yoke (2003). Chinese Mathematical Astrology: Reaching out to the Stars. London and New York, RoutledgeCurzon.
HUARD, Pierre, và DURAND, Maurice (1954). Connaissance du Viet-Nam. Paris/Hanoi, Imprémerie Nationale/École Française d’Extrême-Orient.
HUCKER, Charles O. (1985, bản in lại năm 1988). A Dictionary of Official titles in Imperial China. Taibei, Southern Materials Center (bản in lại năm 1988; nguyên thủy được ấn hành bởi Stanford University Press năm 1985).
KALINOWSKI, Marc (1983). “Les instruments astro-calendriques des Han et la méthode Liu Ren.” Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, tập 72: 309-419.
KALINOWSKI, Marc (1989). “La littérature divinatoire dans le Daozang.” Cahiers d’Extrême-Asie, vol. 5: 85-114.
KALINOWSKI, Marc (tr.) (1991). Cosmologie et divination dans la Chine ancienne. Le Compendium de Cinq Agents (Wuxing dayi, VIèsiècle). Paris, EFEO.
KALINOWSKI, Marc (éd.) (2003). Divination et société dans la Chine médiévale. Paris, Bibliothèque Nationale de France.
KNOROZOVA, Ekaterina [Kнорозова, Eкатерина Юрьевна] (2009). Cmpaнсmeuя е бесконечном (Wandering in the infinite). Sankt-Peterburg, BRAN & Alfaret Publishers.
LÊ, Alexandre (1995). Etude du Nom, écriture idéographique de la langue Vietnamienne: son histoire, sa structure et sa valeur littéraire. Mémoire de D.R.E.A. de Vietnamien. Paris, INALCO (luận án chưa được xuất bản).
LEE, Thomas H.C. (1985). Government Education and Examinations in Sung China. Hong Kong, The Chinese University Press, and New York, St. Martin’s Press.
Liu Chun-Yin 劉 春 銀, Wang Xiaodun 王 小 盾, Trần Nghîa 陳 義 (2002). Yuenan Han-Nan wenxian mulu tiyao 越 南 漢 喃 文 獻 目 錄 提 要 Việt Nam Hán-Nôm Văn Hiến Mục Lục đề yếu (Mục Lục chú giải các tài liệu văn chương Hán Nôm). Taibei, Academia Sinica.
MARR, David G. (1981). Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945. Berkely etc. [?], University of California Press.
MORGAN, Carole (1980). Le Tableau du boeuf du printemps. Étude d’une page de l’almanach chinois. Paris, Collège de France, Institut des Hautes Études Chinoises.
MORGAN, Carole (1987). “La divination d’après les croassements des corbeaux dans les manuscrits de Dunhuang.” Cahiers d’Extrême-Asie, vol. 3: 55-76.
NGUYỄN Đình Hòa (1959). “Chữ Nôm, the Demotic System of Writing in Vietnam.”Journal of the American Oriental Society, vol. 79, no. 4: 270-274.
NGUYỄN Đình Hòa (1990). “Graphemic borrowing from Chinese: the case of chữ nôm, Vietnam’s demotic script.” Bulletin of the Institute of History and Philology, Academia Sinica [Taiwan], 61: 383-432.
NGUYỄN Văn Huyên (2002). The Ancient Civilization of Vietnam. Hanoi, The Gioi.
OSBORNE, Milton E. (1997, bản in lại ấn bản năm 1969). The French Presence in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response (1859-1905). Bangkok, White Lotus Press [được ấn hành lần đầu tiên bởi Cornell University trong năm 1969].
PAPIN, Philippe (2001). Histoire de Hanoi. Paris, Fayard.
POISSON, Emmanuel (2004). Mandarins et subalternes au nord du Viêt Nam (1820-1918) – une bureaucratie à l’épreuve. Paris, Maisonneuve et Larose.
POLYAKOV, Aleksei [UOUHKOB, AjieKceÄ BOPHCOBHH] (tr.) (1980). KpamKan ucmopun Bbema. Bbem uiu AUOK (Tóm lược lịch sử Việt Nam. The Việt Sử Lược). Moscow, Nauka.
REN Jiyu 任 繼 愈 Nhậm Kế Dụ và các tác giả khác (đồng biên tập) (ấn bản lần thứ nhì năm 1995). Daozang tiyao 道 藏 提 要 Đạo Tang đề yếu (Chú Giải Đạo Tang). Beijing, Zhongguo shehui kexue chubanshe.
SMITH, Richard J. (1991, bản in lại năm 1993). Fortune-tellers and Philosophers. Divination in Traditional Chinese Society. Boulder, Westview Press; in lại tại Taipei, SMC Publishing Inc.
TRẦN Văn Giáp (1983). “Les chapitres bibliographiques de Le-qui-Don et de Phan-huy-Chu.” Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Saigon, Testelin, Nouvelle série, t. 13, no. 1: 13-217.
TRẦN Nghîa et Gros, François (eds.) (1993). Catalogue des livres en Han-Nôm. Hà Nội, Nhà xuất bản khoa học xã hội/Edition [des] sciences sociales.
TRỊNH Văn Thao (1995). L’École française en Indochine. Paris, Karthala.
VĂN An Vi (2008). “A Thai Divination Kit in the Vietnam Museum of Ethnology.” Asian Ethnology, vol. 67, no. 2: 257-269.
VARGYAS, Gabor (2004). “Thuật Tiên Tri trong Lễ Lên Đồng của Người Bru” [Divination in Bru Shamanism]. Trong sách biên tập bởi Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu và các Hình Thức Shaman Trong Các Tộc Người ở Việt Nam và Châu Á. Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội [Social Sciences Publishers]: 537-548.
VOLKOV, Alexei (2008). “Traditional Vietnamese Astronomy in Accounts of Jesuit Missionaries.” Trong sách đồng biên tập bởi L. Saraiva và C. Jami. History of Mathematical Sciences, Portugal and East Asia III: The Jesuits, the Padroado and East Asian Science(1552-1773), Singapore etc. [?]. World Scientific: 161-185.
VOLKOV, Alexei (2009). “Mathematics and Mathematics Education in Traditional Vietnam.” Trong sách đồng biên tập bởi E. Robson và J. Stedall, Oxford Handbook of the History of Mathematics, Oxford, Oxford University Press: 153-176.
VOLKOV, Alexei (2012). “Argumentation for State Examinations: Demonstration in Traditional Chinese and Vietnamese mathematics.” Trong sách biên tập bởi K. Chemla, The History of Mathematical Proof in Ancient Traditions, Cambridge, Cambridge University Press: 509-551.
WHITMORE, John. K. (1995). “Cartography in Vietnam,” trong sách đồng biên tập bởi J. B. Harley và David Woodward, The History of Cartography, vol. 2, book 2: 478-508.
_____
Nguồn: Alexei Volkov, Astrology and Hemerology in Tradional Vietnam, Extrême-Orient, Extrême-Occident, 35 – 2013, các trang 113 – 140.