Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945

GS PHẠM CAO DƯƠNG
 
 
2015 feb 10 ất dậu 300
Đây là trận đói thê thảm nhất và khủng khiếp chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam với hàng triệu người đã bị bỏ mạng, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính đã đưa tới biến cố 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, và tình trạng hiện thời của một nước Việt Nam lẽ ra ra đã có tự do, dân chủ và tiến bộ từ bảy mươi năm trước.
Đây cũng là một trang sử mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nên đọc, tìm hiểu và ghi nhớ. Không đọc, không hiểu và không ghi nhớ trang sử này người ta sẽ không hiểu được bản chất của Cách Mạng Tháng Tám và biến cố Việt Minh cướp chính quyền sau đó. Những câu hỏi cần được đặt ra là do đâu có nạn đói này? Nạn đói đã diễn ra như thế nào và được người Việt đương thời kể lại ra sao? và Cộng Sản Việt Minh đã thực sự làm gì trước tình cảnh thê thảm của đồng bào ta thời đó?


Do đâu có trận đói này?
Xảy ra dưới thời Vua Bảo Đại và Chính Phủ Trần Trong Kim nhưng thực sự trận đói này đã có nguồn gốc từ lâu trước đó còn Chính Phủ Trần Trọng Kim, một cách oan khuất, đã phải lãnh chịu tất cả mọi hậu quả, nhất là bị trách cứ là tay sai của Nhật, là bất lực. Trong khi đó thì Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản đã lợi dụng cơ hội tuyên truyền, xách động quần chúng, cướp chính quyền khi Nhật Bản đầu hàng.
Nói rằng trận đói này có nguồn gốc từ lâu là vì đồng bằng Bắc Kỳ và ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh dân số vốn dĩ đã đông, lại tăng thêm nhiều trong những năm cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 trong khi diện tích canh tác lúa gạo hầu như không thay đổi, kỹ thuật sản xuất cho tới thời điểm này vẫn còn lạc hậu, sản lượng lúa gạo trong những năm bình thường chỉ vừa đủ cho người dân sống dưới khẩu phần trung bình cần thiết cho mỗi cá nhân. Ngô, khoai, sắn, đậu… phải được dùng để ăn độn thêm; nhiều khi những thứ này không còn đủ, họ phải ăn cám.
Tại sao lại phải ăn độn thêm? Ta có thể giải thích dựa theo những con số do Y. Henry và De Visme cung cấp. Theo hai ông này, nếu khẩu phần trung bình cần thiết cho một người trong một năm là 337 kg thóc, tương xứng với 223 kg gạo thì người nông dân Việt Nam trong suốt thời kỳ Pháp thuộc không bao giờ có được khẩu phần này. Ngay từ năm 1900 con số đã giảm xuống còn 262 kg, năm 1913 còn 226 kg, và đến năm 1937 còn 182 kg. Đây chỉ là những con số tính chung cho toàn cõi Đông Pháp. Ở những nơi đông dân như Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ, tình trạng thiếu ăn này còn trầm trọng hơn nhiều. Khoảng năm 1937, khẩu phần trung bình ở Bắc Kỳ chỉ có 217 kg thóc, tương đương với 143,5 kg gạo và ở Trung Kỳ là 223 kg thóc hay 154 kg gạo một năm.[1]
Về phía người Việt Nam, Nghiêm Xuân Yêm, một chuyên gia nông nghiệp tốt nghiệp trường Cao Đẳng Nông Lâm đương thời, sau này là bộ trưởng canh nông trong Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trong các thập niên 1950, 1960, trong một bài viết đăng trên tờ Thanh Nghị, số 107, ra ngày 5 tháng Năm 1945, nhan đề “Nạn Dân Đói, Một Vài Nhận Xét và Thiển Kiến Về Vấn đề Thóc Gạo” cũng đưa ra nhận xét tương tự. Ông viết:
“Toàn xứ chỉ có ba tỉnh dưới đây là đại khái có thóc gạo vừa vặn đủ ăn không thừa để bán sang địa hạt tỉnh khác và cũng không phải đong thêm ở các tỉnh lân cận nào:
1)Bắc Ninh sản xuất: 800.000 tạ thóc, dân số: 480.000 người, mỗi miệng ăn cả năm được 192 kg thóc.
2)Phú Thọ sản xuất: 494. 000 tạ thóc, dân số: 203.000 người, mỗi miệng ăn cả năm được 187 kg thóc.
3)Sơn Tây sản xuất 528.000 tạ thóc, dân số: 270.000 người, mỗi miệng ăn cả nămđược 195 kg thóc. “Chung bình, cả 3 tỉnh, mỗi người dân 191 kg thóc một năm, vào khoảng 840 gr gạo một ngày. “Sở dĩ dân 3 tỉnh ấy đủ no với số gạo 840 gr một ngày là vì 3 tỉnh ấy giồng giọt được nhiều hoa mầu ngô, khoai, sắn…
Còn các tỉnh khác đều kém ruộng trồng mầu cả. Vậy nếu ta căn cứ vào 3 tỉnh đủ ăn ấy, ta nhận thấy rằng: dù kể cả ngô khoai, sắn ăn lẫn với gạo thì theo sức sản xuất của mọi giồng giọt, mỗi người dân xứ ta vẫn còn cần phải được ít ra 191 kg thóc. Nghĩa là nếu ở toàn xứ, mọi sự trồng trọt hoa mầu dầu được tương tự bằng ở 3 tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Sơn Tây để có thể có đủ thức ăn độn thì 9 dân cũng cần phải có tới 17.000.000 tạ thóc để ăn. Tóm lại đổ đồng hàng năm ta vẫn còn thiếu mất: 17.000.000 – 14.500.000 = 2.500.000 tạ thóc. Nhưng sự thực dân ta vẫn còn bị thiếu hơn vì các tỉnh khác có trồng được ngô khoai tương tự bằng 3 tỉnh kể trên đâu.
Vậy ta có thể quả quyết nói rằng mỗi năm xứ Bắc này thiếu mất 3.000.000 tạ thóc là ít.
“Tôi xin nhắc lại rằng vì trong quá nửa nồi cơm của dân quê ta có chộn ngô khoai nên trên đây chúng ta mới tính thấy dân chỉ thiếu có ngần ấy thóc, chứ tôi chắc ai ai cũng biết rằng ăn độn ngô, khoai là một việc bất đắc dĩ. Vì ở các nước ngoài, những thứ kể trên thường chỉ dành riêng cho ngựa, bò hay lợn ăn thôi và gượng gạo dân quê ta thực trạng vẫn sống không bằng đàn gia súc của người ngoài.
“Bởi vì bình thường dân ta cũng đã thiếu ăn như thế nên hễ rủi gặp trận bão lụt… ắt nạn đói bùng lên nhất là từ hồi người Pháp mượn cớ chiến tranh lập ra chính sách thu thóc một cách tàn ác thái quá thì ròng rã mấy năm nay nông dân mỗi ngày một lâm vào cảnh cơ cực cùng quẫn và đến nỗi ở khắp đồng nội, thành thị ngày nay mới thấy những thảm trạng thây chết nằm ngổn ngang và người sống vất vưởng nheo nhóc như những hồn ma xuất hiện.
“Hàng triệu sinh linh ngày nay tranh ăn hết phần của súc vật. Cám, bã đậu phụ, rau chuối, củ chuối… là những thức ăn của lợn. Bây giờ dân ăn cơm độn với cám, ăn bánh đúc cám và cháo cám. Củ chuối ở trung châu bị đào, ngoáy lên chừng sắp hết nên có người đã buôn củ chuối từ trung du về suôi với cái giá 150$00 một tạ. Vì người ta tranh ăn hết phần của chúng, nên lợn, chó, gà, vịt đều phải chết, và thịt thà trở nên một ngày một khan.”
Riêng chuyện ăn cám đã được Nhà Văn Lãng Nhân ghi trong một bài viết đăng trong Đông Dương Tạp Chí, ngày 13 tháng 11 năm 1937, nhan đề “Lời Người Bán Cám” nguyên văn như sau:
“Trong mấy năm nay, từ khi xảy ra nạn kinh tế đến giờ, chúng tôi buôn cám thật chạy tay. Những người đến mua không phải là mua về cho lợn, họ mua về để ăn. Gạo đắt quá, ngô khoai cũng đắt, nhiều người nhà quê phải đành ăn cám. Miễn là đầy bụng thì thôi. Mà ông lại nên biết rằng ăn cám cũng chia làm ba hạng người: Một hạng kiếm được dăm ba xu một ngày, mua cám về nấu lên với rau mà ăn, như lối ăn của lợn nhà giàu. Hạng nữa kiếm được hai ba xu một ngày chỉ chộn cám với nước lã rồi ăn như lối ăn của lợn nhà nghèo. Còn hạng thứ ba là gồm có những người như ông vừa thấy đó, nghĩa là những người không kiếm được xu nào cả, ngày hai buổi đi ngang qua giẫy hàng cám, dừng lại mỗi nhà một lúc, mặc cả một đôi câu rồi vốc lấy ít cám bỏ mồm làm như để nếm. Cứ thế vừa đi hết giẫy là no.
“Ở thành Nam là nơi không lụt lội mà còn bao nhiêu người ăn cám, không biết ở nơi bèo trôi sóng vỗ người ta được ăn những gì?
“Xét ra người nhà quê phần nhiều phải ăn cám cũng là lẽ tất nhiên. Đi gặt hái một ngày chỉ kiếm được ba xu, khi không phải mùa gặt hái thì đi đánh giậm, một buổi khéo lắm được mười xóc cua, đem bán ba xu. Ba xu mà nuôi cha già, con dại, ba xu mà vợ đẻ con sài, ba xu mà đóng góp với làng, thật là ăn cám cũng không xong. Nào có được đâu một “số lương ít nhất” như thợ thuyền. Nào có được như thợ thuyền làm có giờ, chơi có buổi! Lại cũng không họp được đoàn thể mà yêu cầu, không đình công được mà phản kháng. Quan bắt đi đê thì phải bỏ hết mà ra đê, có “cụ” nào về kinh lý thì lại phải đẵn tre, vác cờ đi hàng chục cây số để bầy hương án, kết cổng chào, tỏ lòng khuất phục! Bấy nhiêu việc đều là không công.”[2]


Tình trạng bấp bênh, trên bờ vực của đói kém này dễ trở thành trầm trọng hơn khi có những đại nạn bất ngờ xảy ra như hạn hán, lụt lội, bão táp,[3] côn trùng… phá hại mùa màng hay giặc giã cướp phá trong đó có sự cướp phá các kho thóc của Việt Minh, làm mất an ninh.
Tất cả những tác tố này đã xảy ra từ những năm trước năm 1945 và đã trở thành trầm trọng hơn với sự bùng nổ của Thế Chiến Thứ Hai và sự hiện diện của quân đội Nhật. Nhu cầu tiêu thụ của quân đội Nhật, sự cưỡng bách người dân nộp và tích trữ gạo của cả người Nhật lẫn người Pháp, việc người Nhật ép buộc người dân phải bỏ ruộng trồng lúa để trồng đay, trồng thầu dầu hay đậu phọng và sản xuất thêm rượu do nhu cầu của chiến tranh, nạn máy nay Mỹ oanh tạc đường biển và đường xe lửa Bắc-Nam hàng ngày khiến gạo từ miền Nam không chở ra để tiếp tế cho miền Bắc như trong những năm bình thường,[4] nạn lũng đoạn của gian thương, nhất là gian thương người Tàu là những nguyên nhân chính yếu đã được ghi nhận, đặc biệt là từ sau năm 1943.
16-5855-1420769931.jpg

Diễn tiến và thảm cảnh của trận đóì
Bắt đầu từ mùa đông năm 1944 nạn đói đã lan rộng và trở nên mỗi ngày một trầm trọng hơn. Từ miền quê nạn khan hiếm gạo đã lan đến các thành thị và luôn cả Thủ Đô Hà Nội. Đoàn Thêm, một công chức trẻ của Phủ Toàn Quyền đương thời, một trong số rất nhiều nhân chứng sống đã ghi lại hiện tượng này ở ngay Hà Nội như sau:
Từ tháng Chạp (1944) không thấy bóng chị hàng sáo quen vẫn quảy gạo trắng từ ngoại-ô vào Hà – nội bán cho gia đình tôi; nghe nói thôn-quê không còn dư để cung cấp cho thành-phố nữa. Nên người nhà tôi phải đi đong gạo tiếp-tế vừa đỏ vừa rắn, lại phải mang thẻ phân phối đứng nối đuôi dài trước tiệm buôn lẻ và chầu chực hàng giờ; có khi đợi lâu quá, đành trả một vài hào (cắc) cho người đến trước để được nhường chỗ. Chỗ đứng cũng bị đầu-cơ do những kẻ chuyên đi choán sớm để buộc người nóng ruột bỏ tiền ra mua quyền ưu-tiên.[5]
Nhưng đó chỉ là buổi đầu, sau đó là dân quê rủ nhau tới các thành phố để kiếm ăn, vì tưởng ở đây thừa gạo dự trữ để cứu trợ, cũng theo lời kể của Đoàn Thêm.
“Các hội thiện phải lập những trại tạm-trú ở quanh thành phố, như tại xã Giáp- nhất, Giáp-nhì, Giáp-bát, bãi cát Phúc-xá bên sông Nhị-hà: hàng ngàn người cầu thực được chứa tại đó, và cấp cháo nấu bằng gạo lạc-quyên. Nhưng số người cứ tăng mãi, cứu tế làm sao cho đủ? Bao hành khất hốc-hác như bộ xương ma, được đồng tiền không lấy, chỉ xin cơm. Một ông già đã quá đuối sức vừa nhận nắm xôi chưa kịp bỏ vào mồm, đã lăn ra tắt thở. Nhiều thây gục chết ở đầu hè, góc chợ, được chở ra Nhà xác thủ-đô.
“Ở nhiều vùng dân chết cả nhà, cả xóm, hay gần cả làng. Hết gạo, hết khoai, hết chó mèo, hết chim, hết chuột, hết củ chuối, người ta làm thịt… con nít. Sự thảm khốc này dĩ nhiên là khó tin. Nhưng tới năm 1947, nhân dịp chạy tản cư về hạt Xuân-trường tỉnh Nam Định, tôi đã có lần bước vào một ngôi nhà trống. Hỏi vì sao nơi đây hoang vắng, thì được mách rằng không ai dám đến ở, vì cả gia đình khổ-chủ đã chết từ năm 1945 sau khi nấu một đứa con nhỏ làm món nhựa mận ăn cho đỡ đói.”[6]
Chưa hết, bên cạnh cái đói là cái rét. Chưa bao giờ miền Bắc lại rét như vậy. Ngày Tết Nguyên Đán năm Ất Dậu (13/2/1945) nhiệt độ được ghi nhận là 4 độ ở Hà Nội.[7] Ngay cả Văn Cao, tác giả của bài Tiến Quân Ca, nhạc phẩm sau này trở thành quốc ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và tiếp theo là của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông cũng là tác giả của rất nhiều bài hát trữ tình nổi tiếng nhất Việt Nam đương thời và sau này, cũng đã là nạn nhân của cả hai nạn đói và rét này. Người nhạc sĩ được nhiều người kính trọng và yêu mến đã kể lại hoàn cảnh của chính ông như sau:
“Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ mặc nguyên quần áo. Có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu…”[8]
với những gì ông nhìn thấy ở Hà Nội, chung quanh ông:
“Bên một gốc cây bóng những người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một cái vỏ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mặt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không mảnh giẻ che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong số người chết dọc đuờng Nam Định – Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi.”
“Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ tôi và các em đã về quê và đang đói. Họ đang phải tìm mọi cách để sống qua ngày như mọi nguời đang chờ một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến.”[9]
Chính trong hoàn cảnh bi đát này, Vũ Quí, một cán bộ Cộng Sản, vốn đã theo dõi hoạt động của Văn Cao từ lâu, đã xuất hiện, đưa Văn Cao vào một tiệm ăn và người nhạc sĩ này đã nhận thoát ly, gia nhập Việt Minh, sáng tác bài Tiến Quân Ca và tham gia Đội Danh Dự, ám sát Đỗ Đức Phin…như sẽ được trình bày trong một bài sau.
Cũng trong năm 1945 này, Nhà Văn Nguyễn Huy Tưởng, ngày 8 tháng 4, đã ghi trong nhật ký của ông khi ông lên thăm Tô Hoài và Nam Cao như sau:
“Dọc đường toàn những cảnh đói. Tếng khóc như đám ma. Những bà cụ mếu máo, những trẻ trần truồng rúc đầu góc tường, hay nằm trong chiếu, những đôi bố con cũng trần truồng nằm vệ đường, những thây chết cong queo, những cái thai trong bụng mẹ, giơ tay một cách dọa nạt. Muốn chụp ảnh.”[10]
Rồi non một tháng sau, ngày 12 tháng 5, Nguyễn Huy Tưởng ghi thêm:
“Nhiều cảnh ăn thịt người. Cảm thấy như mang lỗi khi làm tiểu thuyết giữa lúc số phận đất nước đang nguy ngập chưa biết định đoạt ra sao”[11]
Vũ Đình Hoè, một trong năm người sáng lập và chủ trương tờ Thanh Nghị đã nói ở trên cũng cho biết:
“Các báo hàng ngày luôn luôn phản ảnh bức tranh vô cùng ảm đạm của cảnh chết đói đầy đường ở nông thôn các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Từng bọn người rách rưới, thân hình khô đét, đen thủi; vợ chồng con cái dắt díu đi ăn xin ở đường phố Hà Nội, hoặc lê la vào các chợ nhặt lá bánh từ các đống rác đầy ruồi nhặng. Xe bò của các Hội từ thiện mỗi buổi sáng đi nhặt xác chết, sau khi đã phân phát hết những nắm cơn nhão, những bát cháo loãng chở trên xe cho những người còn lết đi được hoặc còn thoi thóp.”[12]
Đói từ đó đã trở thành đề tài cho văn chương, thi ca và âm nhạc của Việt Nam đương thời và sau này, điển hình là Nhạc Sĩ Ngọc Bích với bài hát Con Đò Đưa Xác, Bàng Bá Lân với bài thơ Đói…
Con số nạn nhân được hầu hết mọi người nói tới là hai triệu. Hai triệu trong số non 10 triệu người bị coi là một con số khủng khiếp vì nó tương đương với 20% dân số của miền Bắc và của hai tỉnh Thanh Nghệ đương thời. Con số này, tuy nhiên bị nhiều người trong đó có Sử Gia Mỹ David G. Marr và Sử Gia Na Uy Stein Tonnesson cho là phóng đại bởi những nhà tuyên truyền Việt Minh. Ngay Hồ Chí Minh trong bản Tuyên Ngôn Độc lập của ông cũng đưa ra không những con số hai triệu mà còn “hơn” hai triệu.
Thực sự người ta không biết con số nạn nhân là bao nhiêu vì thống kê chính xác và đầy đủ cho tới nay vẫn chưa tìm ra được nếu không nói là không có. Các quan lại cai trị địa phương do hoàn cảnh vô cùng nhiễu nhương, giao thông trở ngại, khó mà làm chủ được tình hình. Những con số người ta có được chỉ là vụn vặt của một số phủ, huyện, tỉnh gửi về Phủ Khâm Sai Bắc Bộ chứ không phải của toàn thể các tỉnh miền Bắc, chưa kể Thanh Hóa và Nghệ An. David G. Marr cho rằng con số đáng tin cậy hơn là một triệu, con số theo ông đã khủng khiếp lắm rồi vì nó tương đương với mười phần trăm dân số trong vùng cho một thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn có năm tháng. Sử gia này cũng viện dẫn những con số trích trong tài liệu dùng cho các viên chức của Chính Phủ Hồ Chí Minh thời đó như một triệu người ở miền Bắc và ba trăm ngàn ở miền Trung. Còn Stein Tonesson thì ước lượng thấp hơn, từ nửa triệu đến một triệu.[13]
Các sử gia khác như Philippe Devillers thì con số là gần một triệu,[14] Joseph Buttinger là từ một triệu đến 2 triệu, còn dẫn theo Toàn Quyền Jean Decoux, là một triệu.[15] Sau này Fredrik Logeval, dẫn theo tài liệu của nhà cầm quyền đương thời, có lẽ là thời Chính Phủ Trần trọng Kim, vào tháng 5 năm 1945, vào lúc nạn đói đã giảm bớt là 380.969 cho miền đồng bằng Bắc Kỳ, và sau một năm với các dữ liệu đầy đủ hơn là một triệu người cho miền Bắc và khoảng 300.000 cho miền bắc Trung Kỳ. Trong những năm sau nữa con số leo lên tới hai triệu người cho khoảng thời gian là năm tháng của năm 1945.[16] Trước đó Sử Gia Alexander B. Woodside đã đưa ra một biên độ lớn hơn là từ 400.000 đến 2 tiệu cho hai năm 1944-1945.[17] Có điều con số hai triệu hay hơn hai triệu đã trở thành chính thức được công bố và được ghi trong sử sách của chính quyền Việt Minh thời đó, coi như tội ác gây ra bởi Thực Dân Pháp và Phát Xít Nhật, một mục tiêu tuyên truyền nhằm thúc đẩy quần chúng nổi lên chống lại không chỉ hai thế lực thống trị Việt Nam thời đó mà luôn cả chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim sau này, một chính quyền bị Việt Minh tuyên truyền là bù nhìn, là Việt gian, tay sai của cả Pháp lẫn Nhật, tuyên truyền để dân chúng nổi lên giúp họ cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 sau đó.[18]
Thuật vận động của tổ chức này là “bám vào nạn đói kém, chính sách thu thóc, thu hạt dầu mà gây lòng phẫn uất của nhân dân, làm cho họ giác ngộ Nhật không giải phóng cho ta đâu, do đó đưa nhân dân ra đường tranh đấu…”[19] Tất cả là nhằm vào mục tiêu chính yếu là cướp chính quyền như họ sẽ thực hiện về sau này, kể cả sau khi Nhật Bản đã đầu hàng và Chính Quyền Bảo Đại – Trần trọng Kim đã đương nhiên trở thành hoàn toàn độc lập.
Chính Phủ Trần Trọng Kim và Công Tác Cứu Trợ
Cứu đói và luôn cả cứu rét do đó là hai công tác vô cùng khẩn cấp mà Chính Phủ Trần Trọng Kim phải làm và được mọi người trông đợi phải làm ngay từ khi mới được thành lập vì, như đã nói ở trên, nạn đói đã lên đến cực điểm vào tháng Ba năm đó đúng như tên nó được gọi: Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu và vì “tháng Ba bà già chết rét”. Hành động đầu tiên của chính phủ này là yêu cầu người Nhật bãi bỏ sự cưỡng bách bán gạo của họ ở miền Trung và miễn bán cho những ai có dưới 3 mẫu ruộng ở miền Bắc.
Lý do là vì sự cưỡng bách này đã làm cho gạo trở thành khan hiếm có tiền cũng không mua được, kể cả trường hợp của các tổ chức cứu trợ. Mặt khác, một Ủy Ban Trung Ương Tiếp Trợ Nạn Nhân Miền Bắc do Từ Cung Hoàng Thái Hậu, thân mẫu của Hoàng Đế Bảo Đại làm Chủ Tịch danh dự, Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế Hồ Tá Khanh, làm Phó Chủ Tịch, trụ sở đặt ở số 43 đường Paul Bert, Hà Nội.[20] Tiếp theo, ngày 7 tháng 6, Khâm Sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra nghị định bãi lệ nộp thóc cho chánh quyền, đồng thời cấm tích trữ quá 2 tấn thóc hoặc 1 tấn gạo, cho hàng sáo chuyên chở và bán gạo tự do, giá thóc cũng được ấn định từ 100$ đến 130$ mỗi tạ, giá gạo từ 150$ đến 225$ mỗi tạ, so với giá gạo chợ đen ở Hà Nội hồi tháng 5 trước đó là 600$ một tạ gạo xấu, 800$ một tạ gạo tốt.[21]
Mặt khác, ngày 14 tháng 6, Bộ Trưởng Bộ Tiếp Tế Nguyễn Hữu Thí được đặc phái vào Saigon thu xếp việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc và việc di cư một triệu dân từ Bắc bộ và Trung Bộ vô Nam.[22] Đây không phải là một việc làm dễ dàng vì cả ba đưởng xe lửa, đường bộ và đường biển đều bị không quân Mỹ thường xuyên oanh tạc. Người ta đã phải dùng các hải cảng nhỏ khác thay vì Saigon và các thuyền mành của tư nhân để chuyên chở thóc gạo ra Bắc.
Việt Minh và Các Cuộc Cướp Phá Các Kho Thóc Gạo
Nỗ lực đem gạo từ Nam ra Bắc tuy nhiên đã không mang lại đưọc những kết quả mong muốn vì nó nằm ngoài tầm tay của người Việt chưa kể sự phá hoại của chính Việt Minh mà Sử Gia Mỹ David G. Marr đã ghi trong tác phẫm của ông căn cứ vào tài liệu của huyện Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo đó Việt Minh đã chặn bắt nhiều thuyền chở gạo từ Nam ra Bắc, lấy hết gạo, đem giấu đi hay chở lên núi cho du kích của họ.[23] Điều này phù hợp với những gì hai tác giả Trần Hữu Đính và Lê Trung Dũng viết trong Cách Mạng Tháng Tám 1945, Những Sự Kiện Lịch Sử như sau:
“Ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ như Cao Bằng, Sơn la, Thái Nguyên, Yên Bái, trong khi các lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân khởi nghĩa đánh đồn, chiếm huyện thì đều tiến hành phá các kho thóc, muối chia cho dân, hoặc tích trữ cho bộ đội, du kích.”[24]
Mục tiêu sau, mục tiêu “tích trữ cho bộ đội du kích” hầu như ít khi được các tác giả viết về hiện tượng Việt Minh xúi dân phá các kho thóc, gạo nhắc đến mặc dầu ai cũng biết nhu cầu tích trữ thóc gạo để dùng trong các chiến khu của Việt Minh để nuôi cán bộ và du kích ngay từ những ngày đầu là một mục tiêu tối cần thiết bên cạnh các mục tiêu kinh tài khác mà Nguyễn Lương Bằng, từ năm 1943, được Trường Chinh trao cho trách nhiệm kinh tài. Sư kiện này đã được người sau này sẽ là Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kể lại và được tác giả Thép Mới ghi như sau:
“Tôi từ làng Thượng Cát chỉ huy các mối buôn, thôi thì buôn đủ thứ, buôn gạo, buôn khô dầu, buôn dầu ve, dầu trẩu, buôn bè, buôn mật Mai Lĩnh bán vào Hà Nội, buôn gỗ trai làm lược bán về dưới chợ Bằng”[25]
Nên để ý là Việt Minh ở các chiến khu hồi này rất cần tiền để duy trì và phát triển các sinh hoạt của họ vì, cũng theo Nguyễn Lương Bằng qua hồi ký kể trên, vào khoảng cuối năm 1943, đầu năm 1944, khi được Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt phân công “phụ trách dân vận một bộ phận an toàn khu, phụ trách binh vận và phục trách về tài chính”, ông có hỏi “quỹ của Đảng ta còn bao nhiêu tiền” thì được Trường Chinh trả lời “Tất cả còn hai mươi bốn đồng.”[26]
Câu hỏi được đặt ra ở đây là những hoạt động kinh tài này có ảnh hưởng gì tới sự gia tăng của giá bán và nạn khan hiếm lúa gạo hay không và lượng gạo do những tổ chức của Nguyễn Lương Bằng bán ra có phải là gạo cướp từ các kho chứa của nhà nước đương thời hay không? Câu trả lời phần nhiều là có.
Tác giả Vũ Ngự Chiêu cũng nhắc tới sự cản trở của Việt Minh khi ông nói về việc họ cung cấp tin tình báo cho các oanh tạc cơ Mỹ vào lúc lực lượng này gia tăng hoạt động nhắm vào các đường giao thông khiến cho Chính Phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển tin tức. Sử gia này cũng nhắc tới sự kiện Bộ Trưởng Xã Hội Vũ Ngọc Anh bị máy bay Mỹ bắn chết ngày 23 tháng 7 và việc Việt Minh xúi giục nông dân phá các kho thóc ở các địa phương.[27]
Sự thực thì hành động xúi bẩy dân chúng phá các kho thóc ở các địa phương này nằm trong chủ trương của Việt Minh. Bằng chứng là trong Lời Kêu Gọi của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Chống Nạn Cứu Đói với nguyên văn “…ai là người đương đói khổ, phải rủ nhau kéo đến phủ huyện, tỉnh trưởng, đốc lý đòi phát gạo; chẹn các xe lương và phá những kho thóc của giặc Nhật mà ăn…”hay “Đói! Đói! Phải giữ lấy thóc gạo. Phải phá những kho thóc gạo của giặc”hay “Đói! Đói! Phải đánh đuổi Nhật Pháp mới khỏi đói[28]
Hiện tượng phá các kho thóc gạo từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1945 do Việt Minh xúi bẩy và được Mặt Trận ghi nhận như những thành tích lớn lao của họ đã xảy ra ở rất nhiều nơi và được đăng trên các báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng.
Một vài trường hợp điển hình người ta có thể kể là ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Đề Thám (tức Bắc Giang) ngày 13 tháng 3, phủ Thuận Thành, tỉnh Ngô Gia Tự (tức Bắc Ninh) ngày 15 tháng 3, tỉnh Tán Thuật (tức Hưng Yên) liên tiếp các ngày 9, 10, 12, 14 tháng 5 và 8 tháng 6, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 16 tháng 5, tỉnh Nguyễn Thái Học (tức Vĩnh Yên) ngày 13 tháng 6 …[29] Điều không kém đáng chú ý là qua những hình ảnh trong các phim tuyên truyền sau này được phổ biến, những người cướp phá các kho thóc gạo có thân hình mập mạp, khoẻ mạnh thay vì ốm đói như đương thời được chụp hay tả lại.
Hành động thúc đẩy dân chúng hay tự mình phá kho thóc, kèm theo với sự xúi bẩy dân chúng không nộp thuế, đòi phát gạo…này đã được Việt Minh “kết hợp với phong trào đấu tranh vũ trang trong toàn quốc”. Thay vì gây khó khăn cho người Nhật hay người Pháp, họ đã gây ra rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho các nhà cầm quyền địa phương đương thời, đặc biệt là các tổng lý và các tri phủ, tri huyện là những người trực tiếp lo việc coi giữ các kho thóc gạo trong địa phương của họ, từ đó cho Chính Phủ Trần trọng Kim.
Lý do là vì các kho thóc gạo ở các địa phương không phải là chỉ là của người Nhật mà còn là kho dự trữ để điều hòa giá cả trên thị trường trong tổ chức chính quyền của các vua nhà Nguyễn. Nhiều người đã bị bao vây, đánh đập hay bị giết vì đằng sau những người dân thuần túy là những đội danh dự, những cán bộ và những du kích võ trang Việt Minh. Mặt khác, khi xúi người dân đi cướp các kho thóc này, Việt Minh đã biến những người dân thật thà, vô tội này thành những kẻ phạm tội và bị truy tố. Không còn cách nào để trốn tránh pháp luật, những con người khốn khổ và ngây thơ này đã phải bỏ lên chiến khu cùng với những gì họ cướp được.
Trường hợp của “chú Thấu” trong hồi ký của Nhà Văn Vũ Thụy Hoàng là một trường hợp điển hình.[30] Cuối cùng thì bằng cách cướp phá các kho thóc gạo, ngoài mục tiêu tâm lý, Việt Minh còn vừa được gạo, vừa được người. Cũng cần phải để ý là các tỉnh có các kho thóc bị cướp kể trên không phải là những tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Hà Đông…, nơi nạn đói hành hoành mà là các tỉnh ở miền trung du không xa các cứ địa của Việt Minh là mấy. Người dân ở các tỉnh đồng bằng này, vì bị đói nhiều ngày, lê không nổi, nằm chết dọc đường khi kéo nhau lên các tỉnh hay phủ huyện lỵ ở miền suôi chưa nổi, sức đâu mà kéo lên các tỉnh ở tít trên các miền trung du này để cướp phá các kho thóc như được kể. Họ cũng không thể lên đó để lãnh thóc hay gạo hay cơm, cháo từ tay các cán bộ. Việt Minh cũng khó có thể đem thóc hay gạo xuống các tỉnh miền suôi để phát cho họ.
Trường Chinh sau này khi viết về hiện tượng cướp các kho thóc gạo cũng đã đưa ra những con số và hình ảnh mà người đọc không thể không nghĩ là ông đã phóng đại:”Hàng nghìn kho thóc của Nhật ở Bắc-bộ và Bắc Trung-bộ bị quần chúng chiếm chia cho dân nghèo. Nạn đói được giải quyết bằng phương pháp cách mạng. Nông dân Bắc-giang, Thái-nguyên, Bắc-cạn v.v… nổi dậy chiếm đồn điền của Pháp, Nhật và tiến hành chia đất.[31] Câu hỏi được đặt ra là những thóc gạo cướp được đã được chở đi đâu nếu không phải là lên chiến khu như trường hợp xảy ra ở Quảng Ngãi cho thóc gạo chở từ Nam ra Bắc để cứu đói hồi còn chiến tranh và luôn cả sau này, sau biến cố 19 tháng 8.
Cuối cùng cướp phá các kho thóc gạo cũng là một cái cớ được Việt Minh triệt để nhắm vào để lên án sự bất lực của Chính Phủ Trần Trọng Kim nhằm xách động quần chúng nông thôn nổi lên cướp chính quyền khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt và cơ hội đến với họ. Sự thực thì nạn đói đã không kéo dài. Ngay từ tháng 5 nhờ vụ lúa chiêm được mùa và với nhu cầu lương thực không còn nhiều như trước do con số người chết quá cao, nạn đói giảm dần để sang đến tháng 6 thì gần như không còn nữa.[32] Tất cả đã xảy ra trước khi Việt Minh cướp chính quyền hay nói cách khác, Việt Minh không những không đóng góp được gì tính cực vào nỗ lực cứu đói trong thời gian này mà còn cản trở những hoạt động của chính phủ Trần Trọng Kim cũng như của các nhà cai trị địa phương thời đó.
Thay Cho Lời Kết
Ngày Tết là ngày gia đình sum họp. Sum họp không phải chỉ trong gia đình nhỏ gồm có vợ chồng con cái mà là sum họp cả đại gia đình nội ngoại và luôn cả tổ tiên, cả người còn sống lẫn người đã chết. Bữa cơm cúng chiều ba mươi Tết là để mời Các Cụ về và ngày mùng bốn hóa vàng là để tiễn Các Cụ đi.
Cho tới nay, vì thiếu những thống kê chính xác, ta không biết chính xác con số các nạn nhân của Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 là bao nhiêu. Một triệu, hai triệu. hơn nữa hay ít hơn. Tất cả đều có thể. Cũng vậy, với các con số nạn nhân của những biến cố bi thảm sau đó như cuộc thanh toán các đảng phái quốc gia sau ngày Việt Minh Cướp Chính Quyền 19 Tháng 8, cuộc Cải Cách Ruộng Đất, Hai Cuộc Chiến Tranh “Chống Pháp”, “Chống Mỹ”, Phong Trào Vượt Biên, Vượt Biển sau năm 1975…Ba triệu, bốn triệu, năm triệu hay hơn nữa. Tất cả cũng đều có thể. Nhưng có một điều đúng nếu không nói là rất đúng là không một gia đình Việt Nam nào, nhất là ở Miền Bắc, là không mất mát. Đau thương tràn ngập mọi nhà, chết chóc đầy ngập các hang cùng ngõ hẻm, từ rừng sâu, núi thẳm đến biển cả, đại dương.
Câu hỏi được đặt ra là hồn oan của những nạn nhân kể trên, khởi đầu là hai triệu nạn nhân, nói theo Hồ Chí Minh, của Nạn Đói Tháng Ba Năm Ất Dận 1945, sau 70 năm đã được giải thoát hay chưa? Đã có ai hàng năm lập đàn tràng để giải oan cho họ chưa? Nếu chưa, xin Quý Vị hãy vui lòng dành một phút sau khi đọc bài này để suy ngẫm và tưởng nhớ tới họ coi như một cách giải oan cho họ cũng như giải oan cho hàng triệu người khác đã bị lợi dụng và bị hy sinh sau đó. Cầu mong lịch sử sẽ không còn tái diễn dù dưới hình thức nào đi chăng nữa!
Để kết thúc bài này, người viết xin gửi tới Quý Độc Giả những câu đầu và câu cuối của bài Con Đò Đưa Xác của hai tác giả Ngọc Bích và Nguyễn Văn Đức sau đây mà Quý Độc Giả có thể mở nghe dễ dàng trên các trang mạng, để thấy những cảm giác thê thảm đến độ ghê rợn của người đương thời:
Gió thổi thì thầm, mưa bay lâm râm. Ai chở con đò bên dòng sông vắng? Ai khóc tỉ tê trên dòng trường giang? Đò sang ngang, dưới ánh trăng vàng. Gió thu hiu hắt nức lên từng cơn. Nặng nề một chiếc thuyền con, Âm thầm chở mấy vong hồn qua sông. Trăng lên, mây tan! Sao trăng đẹp thế này! Mà trên sông vắng, Con đò cay đắng đưa xác người về đâu? Ô hô! Ô hô! Con ơí mười mấy tuổi đầu, Vì chưng đói rét ngậm sầu thác oan! ….. Trôi về đâu? Con đò xác! Lấp vào đâu? Nỗi niềm thương! Mang mang trong mây tan! Phiêu linh có một bóng ông già Tay chèo tay lái, Lòng buồn tê tái, Lòng buồn tê tái đem chôn đàn con! Trôi về đâu? Con đò xác! Lấp về đâu? Nỗi niềm thương!
Chuyện Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, lợi dụng nạn đói tháng ba năm Ất Dậu, xúi giục các nông dân vô tội nổi loạn cướp phá các kho thóc gạo rồi sau đó theo đảng này cướp chính quyền với những hứa hẹn chia ruộng đất và không còn phải đóng thuế nữa là một điều dễ hiểu. Điều đáng tiếc là người chết không còn sống lại để thấy hiện trạng của đất nước Việt Nam 70 năm sau đó như thế nào.
TS Phạm Cao Dương
Tuần lễ tiễn Ông Táo lên chầu Trời, Tết Ất Mùi 2015
GHI CHÚ
[1] Henry, Yves and de Visme,  Documents de démographie et riziculture en Indochine. Hanoi: Publication du Bulletin Économique de l1Indochine, 1928, tr. 332 và kế tiếp.  Xem thêm cùng tác già, Économie agricole de l1In dochine. Hanoi: IDEO, 1932;  Nguyễn Thế Anh,  Into the Maelstrom: Vietnam During the Fateful 1940s. Westminster, CA: Viện Việt Học, 2005, tr. 45, và Phạm Cao Dương,  Vietnamese Peasants under French Domination, 1961-1945, Monograph Series No. 24. Lanham, MD: University Press of America, 1985, 125 và  Thực Trạng Của Giới Nông Dân Việt Nam  Dưới Thời Pháp Thuộc. Saigon: Nhá Sách Khai Trí, 1967, tr.185-186.
[2] Lãng Nhân, “Lời Người Bán Cám”, trong Đông Dương Tạp Chí, No. 27, Samedi 13 Novembre 1937,  Mục “Chuyện Vô Lý”, tr. 10; Phạm Cao Dương,Thực Trạng của Giới Nông Dân…, tr. 186-187.
[3] Nguyễn Thế Anh, như trên, tr. 45.
[4] Như trên, tr. 46.
[5] Đoàn Thêm,  Những Ngày Chưa Quên.Saigon: Nam Chi Tùng Thư, ?,  Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 28
[6]  - như trên-, tr. 29.
[7] Đoàn Thêm, 1945-1954, Việc Từng Ngày,  Hai mươi Năm Qua.Saigon, ?, Los Alamitos, California: Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 3.
[8] Văn Cao,  “Tôi Viết Tiến Quân Ca”,  trong Một Chặng Đưòng Văn Hóa, Tập Hồi Ức Và Tư Liệu Về Đề Cương Văn Hóa Của Đảng Và Đời Sống Tư Tưởng Văn Nghệ, 1943-1948.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tác Phẩm Mới, 1985, tr. 109.
[9] Văn Cao, “Tôi Viết Tiến Quân Ca”, tr. 110-111.
[10] Nguyễn Huy Tưởng.  “Nhật Ký Nguyễn Huy Tưởng”, trong Một Chặng Đường Văn Hóa…, như trên,  tr. 125.
[11]  Như trên, tr. 129.
[12] Vũ đình Hoè, “Những Ngày Tháng 8 ở Hà Nội”, trong Nguyễn Văn Khoan (Chủ Biên). Tổng Khởi Nghĩa Tháng 8-1945 Tại Hà Nội, Việt Minh Hoàng Diệu.Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 255.
[13] Marr, David G, Vienam 1945…, đã dẫn, tr. 104; Tonnesson, Stein. The Vietnamese Revolution of 1945…, đã dẫn, tr. 293.
[14]Devillers, Philippe,  Histoire du Vietnam de 1940 à 1952.  Paris: Editions du Seuil, 1952, tr. 131
[15] Buttinger, Joseph, Vietnam: A Dragon Embattled. Vol. 1, New York: Praeger, 1967, tr. 240.
[16] Logevall, Fredrik,  Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Viênam.  New York: Random House, 2012, tr 81.
[17] Woodside, Alexander B. Community and Revolution in Modern Vietnam.Boston: Houghton Mifflin, 1976, tr. 159.
[18] Marr, đã dẫn, tr. 104.
[19] Nguyễn Văn Khoan, Tổng Khởi Nghĩa Tháng 6-1945…, đã dẫn, tr. 37.
[20] Chính Đạo,  Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975 (Tập A: 1939-1946, tr. 221.
[21] Đoàn Thêm,  1945-1954, Việc Từng Ngày…. đã dẫn, tr. 6 – 7.
[22] Chính Đạo,  Việt Nam Niên Biểu, đã dẫn, tr. 277.  Marr, Vietnam 1945…, đã dẫn, tr. 102.  Nguyễn Thế Anh, Into the Maelstrom, đã dẫn, tr. 49.
[23] Marr, Vietnam 1945…, đã dẫn, tr. 102-103.
[24] Trần Hữu Đính và Lê Trung Dũng,  Cách Mạng Tháng Tám 1945, Những Sự Kiện Lịch Sử. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, 2000, tr. 206.
[25] Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn,   Hồi Ký Cách Mạng. Hà Nội:  Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 1995, tr. 125.
[26]  – như trên -, tr. 123.
[27] Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the Vietnamese Revolution”, đã dẫn, tr. 308.
[28] Trần Huy Liệu và Văn Tạo,  Cao Trào Đấu Tranh Tiền Khởi Nghĩa”, Tài Liệu Tham Khảo Lịch Sử Cách Mạng Cận Đại Việt Nam, Tập XI. Hà Nội:Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1957,  trang 97 và kế tiếp.
[29]  - như trên -, tr. 103 và kế tiếp.
[30]  Vũ Thụy Hoàng,  “Đêm Hà Nội Nổ Súng, Chiến Tranh Việt Pháp bùng nổ 50 năm trước”,  Hồi Ký, trong  Thế Kỷ 21, Năm Thứ Tám, số 92, December 1996, tr. 35.
[31] Trường Chinh, Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân Việt-Nam, Tác Phẩm Chọn Lọc, Tập I.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1975, tr. 346.
[32] Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the Vietnamese Revolution”, đã dẫn, tr. 308.

Source: http://www.vietthuc.org/them-chuyen-70-nam-truoc-tran-doi-thang-ba-nam-at-dau-1945/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.