Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Bà Nội‏



Hai mươi năm, gặp  lại tình cờ trong những ngày cận tết. Chuyện về một “grandma” người Việt miền nam nói năng rổn rảng và cháu nội mắt xanh tóc vàng. Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. 
blank
Họp mặt giải thưởng Việt Báo 2013, Mimosa Phương Vinh  phát biểu sau khi nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ, do Nhã Ca trao tặng.

***
Chuyện xảy ra hơn hai mươi năm trước. Trong cửa hàng Walgreens tôi nghe mẩu đối thoại giữa ba bà cháu, bà nói tiếng Việt còn hai đứa cháu nói tiếng Mỹ. Tuy nhiên sự trò chuyện lại trơn tru như giữa ba người cùng chung ngôn ngữ. Điều đó thật lạ lùng đối với tôi trong những năm tháng mới đến nước Mỹ, nhưng sau một thời gian dài sống ở đây điều đó trở thành bình thường – đôi khi trong gia đình tôi cùng vậy mà thôi!

Người đàn bà nói rặt giọng miền Nam, tiếng bà to và rổn rảng như không cần để ý những người Mỹ xung quanh thỉnh thoảng quay lại nhìn ba bà cháu và mỉm cười. Câu chuyện xoay quanh việc hai đứa cháu đòi mua đồ chơi mà bà thì luôn luôn từ chối.

Đứa bé trai khoảng bảy tám tuổi tóc nâu vàng, người mảnh khảnh và đứa bé gái nhỏ hơn tóc vàng hoe, mắt xanh trông rất xinh xắn. Qua sự đối đáp giữa bà cháu tôi biết đứa con trai tên Jimmy, đứa con gái là Annie và bà là Grandma (không biết bà nội hay bà ngoại).

Tôi mỉm cười làm quen:

-Hai đứa cháu của chị dễ thương quá!

Bà trề môi nhún vai:

-Dễ thương nhưng thương không dễ đâu cô, nhất là thằng Jimmy này, lỳ như quỷ. Con Annie thì đỡ hơn một chút.

Hai đứa nhỏ ngẩng đầu nhìn tôi, chúng hiểu bà nói gì nên mặt Jimmy xụ xuống ra vẻ không bằng lòng.

Tôi hỏi:

-Cháu nội hay ngoại hả chị?

-Cháu nội, mệt lắm cô ơi! Già rồi mà cũng chẳng được yên, con một mà cháu đàn (!).

Tôi thấy hơi tức cười vì bà thật sự chưa già mấy, và có hai đứa cháu mà gọi là đàn thì cũng quá đáng.

Jimmy thấy bà đang nói chuyện với tôi liền lợi dụng cơ hội năn nỉ:

-Grandma! Mua cho con chiếc xe đi!

Bà nạt nộ:

-Nói mẹ mầy mua cho, bà không có tiền đâu!

-Grandma, Please! Ba con sẽ trả lại cho bà mà.

Thấy thằng bé long lanh nước mắt tội nghiệp quá, tôi vội nói:

-Để tôi mua cho cháu, không sao đâu chị!

Bà xua tay nói:

-Cô đừng làm vậy, tôi mua cho nó.  Để tôi kể chuyện cho cô nghe. Khổ lắm cô à.

Bà bằng lòng cho Jimmy lấy chiếc xe rồi bắt đầu kể lể:

-Tôi qua đây từ năm bảy mươi lăm, hai vợ chồng chỉ có thằng Quân là con trai độc nhất. Thành phố này bây giờ còn có người Việt chứ hồi đó hiếm hoi lắm. Quân học hành ra trường rồi có bạn gái Mỹ, nó đòi cưới con Dial mà vợ chồng tôi không chịu. Con gái lấy chồng Mỹ thì được chứ con trai thì không xong cô ạ! Lấy vợ Mỹ không nuôi con cho chúng thì cũng chuẩn bị ly dị rồi nuôi con mình mà thôi! Đâu phải vợ chồng tôi khắc nghiệt hay phân biệt chủng tộc mà đó là thực tế cô à.

Tôi nói:

-Nhưng chị cũng nên thông cảm cho Quân vì hồi đó đâu có nhiều con gái Việt Nam ở đây nên cậu ta lấy Mỹ cũng đúng thôi. Vã lại, dân tộc nào chẳng có kẻ xấu, người tốt, miễn sao có tình yêu là được rồi!

Bà nhún vai:

-Tình yêu à, tình yêu cũng không bằng tình nghĩa đâu cô. Mới đầu tôi cũng nghĩ giản dị như cô mà thôi nhưng sau này tôi mới biết mình lầm to. Vợ chồng tôi cố cản ngăn cũng không được, chúng nó yêu nhau nên tự ý ra riêng sống với nhau rồi mới làm đám cưới. Hai đứa con Jimmy, Annie ra đời, mới đầu cũng hạnh phúc lắm nên vợ chồng tôi rất mừng và hơi hối hận vì mình đã có thành kiến với những cô dâu Mỹ. Quân làm có tiền nên rất rộng rãi với vợ con, hơn nữa vợ chồng tôi cũng còn đi làm nên cũng chẳng mong chờ gì ở con trai, lòng cha mẹ mà cô.

Không biết cô nghĩ sao chứ ngày xưa ông bà mình hay nói: “Không chồng đi dọc, đi ngang / Có chồng cứ giữ một đàng mà đi.”

Nếu vô phước gặp người chồng trai gái, rượu chè, bài bạc không nói làm chi chứ nếu có phước gặp người chồng như thằng Quân con tôi thì còn ức hiếp gì mà đi sớm, về tối phải không cô. Con Dial đă từng nói là nó yêu thằng Quân nhất cuộc đời nó từ quá khứ, hiện tại và cho đến tương lai. Hừ! Tình yêu bất diệt và chính cô cũng vừa nói về tình yêu đó mà!

Tôi thấy hình như bà bắt đầu nổi nóng khi nói đến hai chữ tình yêu:

-Yêu nhau, mà yêu nhau đến bao lâu mới được chứ! Vợ chồng ở với nhau phải có tình nghĩa chứ, bộ hết yêu nhau rồi bỏ nhau hay sao! Con Dial bắt đầu than buồn vì chỉ ở nhà chơi và đề nghị chồng nó mỗi tuần phải có một ngày cho bạn bè. Chúng đồng ý với nhau mỗi ngày thứ bảy con Dial muốn đi đâu thì đi, còn thằng Quân đem con về gởi cho vợ chồng tôi rồi muốn đi đâu tự ý. Tôi biết là cuộc tình đã bước vào giai đoạn cuối rồi nhưng chẳng muốn nói ra. Và y như thế, chỉ một năm sau tụi nó lôi nhau ra tòa ly dị. Con Dial có bạn trai khác- dĩ nhiên là người Mỹ- Nó còn mồm năm, miệng bảy nói còn yêu thằng Quang nhưng vì có những điều không hợp nên đành xa nhau. 

 Tôi mắng cho con Dial một trận. Tôi nói cô muốn bỏ con tôi thì cứ bỏ, đừng nói chuyện không hợp nhau. Cô nghĩ coi cô quen và ăn ở với con tôi gần hai năm rồi mới cưới nhau chứ đâu phải ngày một, ngày hai gì. Vợ chồng đâu phải ai cũng hợp nhau. Ba thằng Quân với tôi có hợp nhau đâu. Ổng thì cả ngày không nói một câu, còn tôi thì lép nhép suốt buổi. Tôi ghét nhất đàn ông hút thuốc lá biểu ổng cai thì ổng tuyên bố: nếu tôi bảo đảm bỏ thuốc lá sống được một trăm tuổi thì ổng bỏ. Còn nếu không thì thôi, ổng thà bỏ vợ chứ không bỏ hút thuốc. Tôi thì gọn gàng, dọn dẹp suốt ngày còn ổng thì luôn bừa bãi, ưa bày vẽ lung tung cho tôi thu dọn. Vậy mà chúng tôi đã sống chung gần bốn mươi năm rồi có đem nhau ra tòa mà ly dị nhau đâu! Tự do luyến ái rồi tự do bỏ nhau, không tình yêu thì cũng còn tình nghĩa chứ!

Bà ngừng lại phút giây cho cơn giận nén xuống rồi nói tiếp:

-Thằng Quân có job tốt nên được giữ con, mà thật ra con Dial cũng đâu có cần nuôi con. Nó đã có bồ trẻ nên không muốn hai cháu tôi làm phiền cuộc tình của nó. Tôi giận tím ruột thằng con không nghe lời cha mẹ nhưng biết sao đây! Nhìn hai đứa cháu nội lòng tôi đứt từng khúc cô ạ!

Tôi hỏi:

-Rồi Quân đem con về nhà ở với chị à?

-Mới đầu tụi nhỏ ở với cha nhưng sau thấy cảnh gà trống nuôi con cực khổ quá nên vợ chồng tôi mang hai đứa cháu về nuôi phụ cho cha nó đi làm. Ý tôi muốn giúp nó một thời gian đến khi tụi nhỏ tạm lớn rồi trả lại cho cha nó thôi, chứ vợ chồng tôi cũng khá già rồi làm sao mà kham cho nổi.

Tôi gật gù ra vẻ đồng tình:

-Anh chị tính vậy cũng phải, dù gì cũng là con cháu mình bỏ qua sao được. Làm cha mẹ mà …

Bà vội xua tay ngăn tôi:

-Cô khoan nói đã vì câu chuyện chưa hết đâu. Chưa đầy một năm sau thì thằng Quân đòi cưới vợ khác.

-Vợ người Mỹ nữa à?

-Không, lần này nó đòi cưới cô người Việt. Cô này đã xinh đẹp lại là con nhà đàng hoàng, đi qua Mỹ theo diện H.O.

Tôi reo lên:

-Như vậy là may mắn quá rồi. Xin chúc mừng anh chị.

Bà lắc đầu quầy quậy:

-Khoan, khoan! Cuộc đời không đơn giản như cô nghĩ đâu. Bởi nhà người ta đàng hoàng nên đời nào cho con gái tơ kết hôn với người đàn ông đã có vợ Mỹ và hai đứa con lai như Quân. Mới đầu gia đình họ phản đối dữ lắm, nhưng sau thấy tụi nó yêu nhau quá (cũng là yêu!) và con nhỏ đòi tự tử nên họ phải bấm bụng mà gả con. Hai vợ chồng tôi từng đau đầu vô cùng vì cái đám cưới này cô ạ. Ôi, vô số lời ong tiếng ve.

-Vậy là chị phải nuôi hai đứa cháu nội luôn rồi!

Grandma vội “A” lên một tiếng thích thú:

-Cô cũng tâm lý quá chừng! Còn đường nào mà trốn, mình cũng phải biết điều một chút chứ. Con người ta là gái tơ lấy kẻ góa vợ (!) đã có hai con, không lẽ bắt nó nuôi cả gà trống lẫn gà con lai Mỹ à. Con dại cái mang mà cô. Đây hổng phải cháu bà nội, tội bà ngoại mà là cháu bà đầm, gông bà nội.
Lối nói chuyện của bà làm tôi tức cười quá. Giọng bà chợt nhỏ xuống:

-Con vợ sau của Quân người Huế nên nó ghen dữ lắm! Nó cứ hỏi lui, hỏi tới về con vợ Mỹ hoài à.

Tôi phản đối:

-Vợ nào chả ghen chồng chứ đâu riêng gì người Huế. Chị người Nam ngó bộ chị không biết ghen sao?

- Ậy, để tôi nói cô nghe. Tôi người Nam nên khi ghen thì la lối om sòm rồi thôi, vậy mà dễ chịu. Còn người Huế họ ghen câm lặng, ray rức và hay ngắt véo, càm ràm khó chịu lắm cô ơi!  Mà dù gì mình là mẹ chồng cùng phải thông cảm cho con dâu chứ. Bắt nó thiệt thòi quá coi sao được phải không cô? Đi ra, đi vô hầu mấy đứa con lai Mỹ nó chịu sao thấu.

-Tôi hoàn toàn đồng ý với việc làm của chị. Tuy nhiên, thú thật với chị rằng dù không phải là người Huế nhưng khi ghen tôi cùng hay càm ràm, ngắt véo khó chịu lắm.

Tôi hỏi tiếp:

-Quân có hạnh phúc với người vợ sau không?

- Chắc cũng hạnh phúc nếu con vợ bớt ghen một chút xíu, nhưng nói nào ngay có thương mới ghen chứ, phải không cô! Dù sao cũng người Việt mình mà cô. Nó sạch sẽ, nấu nướng giỏi. Nó nấu bún bò Huế ngon và cay thì phải biết, mà nó giả ớt cũng cay lắm. nghe nói mấy người đàn bà hay ghen đều giả ớt cay như thế cả.

Điều này thì tôi dơ tay đầu hàng, không có ý kiến. Tôi nghĩ vậy nhưng không nói ra vì còn mãi nghe lời bà nội kể chuyện.

-Ý cha! Thằng Quân tôi đẹp trai lắm, cao to còn hơn Mỹ -nó giống ông nhà tôi y chang- nên mới lọt vào mắt xanh con Dial. Con vợ sau ăn rồi lo canh chồng nên đâu có thì giờ mà lê la khắp nơi như con vợ Mỹ. Nói gì thì nói chứ ta về ta tắm ao ta vẫn hơn cô ạ. Tụi nó cũng có con với nhau rồi, thấy con Bambi được cha mẹ lo lắng đầy đủ tôi cũng mừng mà cũng nghĩ thương cho thằng Jimmy và con Annie này.

Bà rươm rướm nước mắt đưa tay vuốt tóc đứa cháu gái rồi nói với Jimmy thật ngọt ngào (lầu đầu tiên tôi thấy bà ngọt ngào như vậy):

-Bà nội giận mẹ mầy nên nói vậy chứ thật ra bà không ghét tụi bây đâu. Con hiểu không Jimmy?

Thằng bé gật đầu lia lịa:

-Con hiểu grandma! Con vẫn được mua thêm một chiếc xe nữa, phải không grandma?

-Ừ, còn Annie thích con búp bê nào thì lấy đi bà mua cho đó.

- Cảm ơn Grandma!

Theo tôi bà nội là một người miền Nam thẳng thẳn và tốt bụng, nghĩ sao thì nói ra vậy. Bà mang nặng tâm sự đa đoan, những cuộc hôn nhân của người con trai đã đem đến cho bà quá nhiều phiền toái, bực bội. Những tình cảm thương yêu, hờn giận mâu thuẫn, xung đột nhau trong tư tưởng của bà. 

Cách diễn đạt ý nghĩ, sự biểu lộ tình cảm và lối trò chuyện của bà như những nhân vật trong tuồng tích cải lương nào đó. Cũng có thể bà bị ảnh hưởng nhiều về nền văn hóa cải lương miền Nam với nhiều tình tiết éo le, bi đát mà bây giờ chính bà là một nhân vật sống thực. Bà giận đó, thương đó rồi cũng dễ dàng rơi nước mắt. Trong câu chuyện bà luôn luôn thanh minh rằng mình không hề phân biệt chủng tộc hay địa phương, nhưng theo tôi sự phân biệt đã có sẳn trong bà tự bao giờ. Sự phân biệt đó không phải hoàn toàn vô lý nhưng nó đã có ảnh hưởng đến sự cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ của chính bà mà bà dường như không bao giờ biết đến.

Tôi an ủi:

-Chị à, chẳng qua cũng là số phận mà thôi. Vợ chồng có duyên, có nợ mới sống với nhau được lâu. Thôi thì dù sao bây giờ Quân cũng có một mái gia đình hạnh phúc mới, đó cũng là điều đáng mừng rồi.

Bà cười nhạt:

-Còn tôi thì sao?

Whats about me?

Gradma đã hỏi cái câu mà tôi đã nghe quá nhiều lần từ những nhân vật trong phim ảnh hay tiểu thuyết. Những nhân vật thường là vai chính hay bị bỏ quên khi người ta mãi say sưa đi quá xa trong những phân tích hay suy luận nào đó! 

Bà nội nói tiếp:

-Ông trời cũng thật oái ăm, nếu là duyên nợ sao không cho vợ sau thằng Quân qua Mỹ sớm độ vài năm để con Dial đừng phá đời con trai tôi chứ (!).

- Nếu như vậy làm sao chị có hai đứa cháu lai xinh đẹp như Jimmy, Annie.

-Cô không biết đó thôi, thằng Quân đẹp trai lắm, Jimmy chưa chắc lớn lên đẹp trai bằng cha nó.

Tôi chọc đùa bà:

-Con Annie thì sao, ai có được mái tóc vàng óng như nó.

-Cô không biết đó thôi, con Bambi của thằng Quân với con vợ sau này còn đẹp hơn con Annie nữa. Trời ơi thấy thương lắm. Con gái Việt Nam mà, lớn lên đẹp mặn mà phải biết.

Hai đứa nhỏ cũng hiểu bà nói gì nên nét mặt phụng phịu không vui. Annie nảy giờ im lặng bỗng lên tiếng:

-Grandma nói xấu về tụi con, con không thích đâu.

 Grandma vội vàng giả lả:

-Bà nội chỉ nói vậy thôi, chứ hai đứa bây cũng đẹp lắm! Đứa cháu nào bà cũng thương như nhau thôi.

 Điều này thì hai đứa cháu có quyền không tin Gradma cũng như tôi không tin vậy thôi.

Khi tôi sắp từ giã bà còn hỏi thêm:

-Cô có con trai không?

Tôi gật đầu, và bà nói tiếp:

-Nhớ đừng cho nó lấy vợ Mỹ nghe, con gái lấy chồng Mỹ thì được. Tôi nói thiệt đó, tin hay không là tùy cô thôi. Lấy vợ Việt Nam là ngon nhất, đàn ông Mỹ bây giờ cũng khôn lắm cứ tìm vợ Việt mà cưới. Còn mình đâu có ngu hơn họ, tại sao không tìm vợ người mình.

Theo tôi, ngu hay khôn cũng khó có thể nói trong tình yêu hay trong hôn nhân. Những người làm cố vấn hoặc giải đáp những thắc mắc về tình yêu đôi lứa là những người ưa ly dị hay có đời sống tình cảm sóng gió nhất.

Lên xe ngồi rồi, tôi nhìn ba bà cháu dắt díu nhau đi trong bãi đậu xe. Một bà già Việt Nam thuần túy và hai đứa cháu mắt xanh, tóc vàng côi cút. Một Grandma tốt bụng nhưng tính khí bất thường, giận đó rồi thương đó. Bà và hai đứa cháu không có một chút lỗi lầm nào trong cuộc hôn nhân dị chủng giữa Quân và Dial, vậy mà ba bà cháu lại chịu thiệt thòi nhất. Lòng tôi dấy lên một nỗi ngậm ngùi thương cảm. Bóng ba bà cháu mất hút trên con đường vắng về khu Apartment gần đó. Tôi tự hỏi có bao giờ Quân hay Dial trông thấy cảnh này không?

*
Hơn hai mươi năm sau, trong một tiệm bán quần áo phụ nữ tôi lại nghe mẫu đối đáp khác của hai bà cháu. Vẫn cái giọng đàn bà miền Nam rổn rảng năm xưa nhưng lần này cái giọng Mỹ trầm ấm là của một người đàn ông trẻ khác:

-Grandma không thích cái áo này sao?

-Không, tao không thích đâu vì màu sắc nó lòe loẹt quá! Vợ mầy thì được.

-Không vợ con không thích loại áo này đâu, nó kín mít như áo của bà sơ.

Xen vào đó là giọng nói miền Bắc của một cô gái trẻ:

-Jimmy ơi, em thấy cái này hợp với bà nội nè!

-Ừ phải đó, đúng là con gái Bắc Kỳ, nó chọn cái áo này bà vừa ý liền hà!

Tôi quay lại thì thấy chính là Grandma ngày nọ. Hơn hai mươi năm trôi qua, giờ tóc bà đã bạc trắng, bà đã già đi nhưng nét sắc sảo và giọng nói vẫn còn mạnh mẽ như xưa. Còn Jimmy, thằng bé con ốm yếu năm nào bây giờ đã là một người thanh niên cao lớn, đẹp trai với đôi mắt nâu buồn tuyệt đẹp.

Tôi xúc động khi gặp lại bà cháu Grandma như gặp một người thân thiết trong gia đình. Tôi vội chạy đến chào bà:

-Chị còn nhớ em không?

Bà nhìn tôi rồi “À” lên một tiếng:

-Nhớ! Chúng ta gặp nhau lâu lắm rồi trong cửa hàng ở Midtow. Cô trông cũng không thay đổi gì mấy, chỉ già đi chút ít. Ối! Thời gian mà, mình không già thì làm sao tụi nhỏ lớn lên được phải không cô.

Hoàn toàn đúng, Grandma nói mà. Không có gì thay đổi chỉ già chút ít thôi, hơn nữa nếu mình không già thì làm sao tụi nhỏ lớn lên được cơ chứ.

Trong khi đang tôi gật gù ra vẻ tâm đắc với những phát biểu của bà nội thì Grandma vui vẻ tiếp lời:

-Tôi nhớ cô vì nhớ hoài lời cô nói năm xưa.

Tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại:

-Nói gì hả chị?

-Cô đã nói nếu thằng Quân gặp con vợ Việt sớm hơn thì tôi đâu có hai đứu cháu xinh đẹp như Jimmy và Annie.

Cô nói đúng, nếu thằng Quân không gặp con Dial thì tôi chẳng có gì để phiền trách. Cũng chẳng có những ngày buồn hay vui với hai đứa cháu của tôi. Nhất là khi ông nhà tôi qua đời. Tôi sẽ cô đơn biết bao nhiêu khi không có Jimmy hay Annie. Quân đã có mái gia đình hạnh phúc với vợ đẹp, con ngoan, mà khi hạnh phúc thì làm sao nó còn nhớ đến tôi. Rồi chỉ còn tôi với hai đứa cháu vui buồn hủ hỉ với nhau. Người đời hay nói mẹ gà con vịt, còn chúng tôi là  bà gà cháu vịt.

Lối ví von của Grandma làm tôi muốn cười ồ lên, nhưng tôi vội bụm miệng lại khi thấy bà nội vừa nói vừa ứa nước mắt. Tôi để cho bà khóc vì tôi biết vui buồn đối với bà cũng như hai cánh của con chuồn chuồn mà thôi, không bao giờ tồn tại lâu đâu. 

Mà thật vậy, chỉ phút giây sau bà tươi tỉnh kể lể:

-Con nhỏ nói tiếng Bắc kia là vợ mới cưới của thằng Jimmy. Jimmy khôn lắm nó không lấy vợ Mỹ đâu dù bao nhiêu đứa con gái Mỹ theo nó sát nút. Cô thấy nó bảnh trai dữ không, thằng Quân cha nó sao sánh bằng.

Tôi  cười hỏi vặn lại:

-Sao ngày trước chị nói Jimmy không bằng một góc của ba nó?

-Ý da, tôi nói vậy vì tôi đâu có ngờ khi lớn lên thằng cháu tôi đẹp dữ dội vậy. Mà nói nào ngay mấy đứa lai chúng đẹp lắm, cô nhớ con Annie không, nó có chồng rồi.

-Chồng Mỹ hén?

-Ừa, tôi nói với cô rồi mà. Con gái lấy chồng Mỹ thì được, nó sanh đứa con gái thấy thương lắm, lai mà cô.

Tôi chọc ghẹo bà:

-Chứ không phải con gái Việt đẹp mặn mà như con gái của Quân sao?

-Thì mỗi đứa nó có cái vẻ đẹp khác nhau chứ cô. Bambi con thằng Quân lớn lên cũng đẹp lắm, nó có bạn trai người Saigon hiền lành lắm, người Nam mình mà cô.

-Chị không khuyên nó nên lấy chồng Mỹ sao?

-Trời ơi, tôi có khùng đâu mà ngăn cản, người Việt lấy người Việt thì còn gì để nói. Trong nhờ đục chịu mà cô. Nè, mà cô thấy vợ sắp cưới của thằng Jimmy ngộ không. Nó gốc người Bắc đó, khôn ngoan, dịu ngọt lắm. Ông nội nó là người Bắc di cư năm tư. Nó nấu bún chả chiên ngon thì phải biết.

 Tôi cười cười:

-Nó giả ớt cay không?

Grandma cười ngặt nghẽo:

-Ý cô hỏi nó có ghen không chớ gì?

-Thì cũng đâu đó.

Bà nội bỗng nhỏ giọng:

-Ớt nào mà chả cay, có điều không đến nổi xé lưỡi. Người Bắc mà, mà là loại người Bắc gia giáo đó chứ không phải bá vơ đâu. Ăn nói nhỏ nhẹ khôn ngoan, biết chìu chồng và chìu tôi nữa. Thằng Jimmy tìm ra đứa nào hơn được.

Ôi bà nội, Grandma vẫn có đầu óc phân biệt chủng tộc, mang nặng thành kiến địa phương như mấy chục năm trước nhưng nói nào ngay -tôi dùng ngôn ngữ miền Nam dễ thương của bà – Grandma rất nhân hậu tuy hơi nói nhiều. Nếu xếp bà vào loại khẩu xà tâm phật thì hơi quá đáng một chút. Bà là một người đàn bà có nhiều tiên kiến cùng phán đoán thiên lệch và cũng chính bà đã phải chống đối và tìm cách thỏa hiệp với những điều đó để đời sống dể dàng hơn, tốt đẹp hơn. 

Với tôi, bà không phải là một bà nội miền Nam tầm thường hay tuệch toạc. Bà kể chuyện có lớp lang, duyên dáng pha đôi chút trào phúng của nền văn học dân gian và con đường bà đi trong cuộc đời đã chẳng có gì đáng tiếc hay sai trái.

Trong khi tôi đang miên man trong những ý nghĩ về Grandma thì bà kéo tôi về thực tế:

-Cô ở gần đây không?

-Cũng quanh đây, còn chị?

-Tôi không còn ở Midtown nữa. Thằng Jimmy ra trường có job ngon nên mua cái nhà to đùng ở Lakeland, nó nói phải bưng bà nội đi theo nó suốt đời. 
Cô biết nó nói sao không?

-Nói sao?

-Bên Mỹ này không có luật bắt bà nội phải nuôi cháu nhưng Grandma vẫn nuôi. Bên Mỹ không có luật bắt  cháu phải nuôi bà nội già nhưng nó vẫn nuôi. Jimmy muốn làm giống như Grandma vậy mà. Nó nói thì mình nghe vậy thôi, được ngày nào hay ngày đó. Nó cũng còn vợ con nữa.

-Chắc vợ nó cũng chẳng đến nào đâu.

Bà giả giọng Bắc:

-Ối dào! Làm sao biết được. Mà có gì thì vô Nursing Home ở, tại sao phải sợ. Họ sao mình vậy! Có người còn đòi về Việt Nam để gởi nắm xương tàn còn với tôi thì không bao giờ cô ạ! Cô nghĩ coi con ruột, cháu ruột còn chưa ra chi hơi sức nào mà tin mấy đứa cháu nhà cô, nhà cậu, nhà chú, nhà bác. 
Không tiền thì có nước đi chỗ khác mà chơi.

-Chị hay về Việt Nam không?

Bà lắc đầu quầy quậy:

-Không, cách đây hơn hai mươi năm thì có, lúc đó cha mẹ còn sống. Bây giờ thì không vì có nhiều điều phức tạp lắm mà nói ra họ ghét! Họ cho mình là kẻ phản phúc, vong bản.

A! Bà nội lại còn nói chuyện quốc gia, đại sự nữa chứ. Bỗng dưng tôi tò mò muốn biết bà nghĩ gì về quê hương hay dân tộc. Tôi do dự giây lát rồi rào trước đón sau:

-Chị ơi, gặp nhau chỉ có hai lần mà sao nghe chị nói chuyện vui và hay quá! Em nói thật lòng đó, nay xin hỏi chị một câu, nếu không phải chị bỏ qua cho nhé!

-Được cô cứ hỏi đi.

-Chị có bao giờ có ý kiến gì về đất nước mình không?

Bà nội làm thinh nhìn tôi im lặng. Tôi hơi quê vì biết mình hố to vì đi quá xa, đáng lẽ tôi không nên hỏi bà như vậy. Bà là một người đàn bà bình dân, phạm vi của bà lẩn quẩn trong mái gia đình với con và cháu. Đừng bắt bà phải trả lời về những việc vượt xa tầm suy nghĩ của bà.

Khoảng im lặng kéo dài hơi lâu. Tôi vội lên tiếng từ giã:

-Thôi, em xin phép chị nhé! Hẹn gặp nhau lần khác sẽ được nghe chị kể thêm nhiều chuyện hay và mới lạ. Chúc mừng chị có cháu dâu ngoan và sớm có chắt để bồng.

Bà nội vui vẻ nói:

-Tôi cũng chúc cô được mọi điều như ý trong năm mới này vì chỉ còn hơn vài  tuần nữa là Tết ta rồi.  

Tôi cảm ơn rồi quay lưng đi, chưa được vài bước đã nghe bà kêu giật lại:
-Này cô, tôi chưa trả lời câu hỏi của cô. Phàm già trẻ, có học hay không học, trí thức hay bình dân cũng có đôi khi nghĩ ngợi về đất nước mình cả. Tôi nói điều này nó hơi kỳ và ác nữa nhưng khổ nổi đời tôi chưa bao giờ làm thinh khi được người khác hỏi tới. Cô ơi, khi người ta vẫn lấy làm hân hạnh và tự hào khi
bị người khác đè đầu, đè cổ thì mình còn nói hay nghĩ làm chi cho mệt sức. Nước đổ đầu vịt mà cô. Thôi thì đời ta ta cứ lo, đường ta ta cứ đi là ăn chắc.

Tôi trân trối nhìn bà. Ôi bà nội, ôi Grandma, thật là một người đàn bà độc đáo mà tôi đã hân hạnh được gặp trong cuộc đời này/.

Mimosa Phương Vinh

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.