Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Ngựa đi Dê tới...

Tác Giả: Trần Ðỗ Cẩm

 
Năm hết tết đến, nhân lúc Ngựa đi Dê tới, chúng tôi mạn phép kể hầu qúi vị vài mẩu chuyện rất "Mùi" liên quan đến loài vật nổi tiếng hảo ngọt và hàm râu rất hấp dẫn này. Trước khi vào đề, tác giả chân thành cầu chúc qúi vị năm mới Khang An Thịnh Vượng, Phúc Lộc Đầy Nhà và nhất là sức khỏe dồi dào như hình ảnh vị Dê Chúa sáng sáng chăm sóc cẩn thận qúi chị Dê mái khi mới ra chuồng. Chúng tôi cũng có đôi lời phi lộ rằng mục đích của bài phiếm luận chỉ nhằm giúp vui trong dịp đầu Xuân, không hàm ý phê bình hay chỉ trích bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào. Tuy nhiên, nếu chẳng may có những lời lẽ không được hoàn toàn chính xác hay vừa ý, mong qúi vị rộng lòng thông cảm, "một bỏ làm mười" đánh chữ đại xá đi cho.
Để tiện việc theo dõi sinh hoạt hấp dẫn của bầy Dê, tác giả sẽ hân hạnh hướng dẫn qúi vị theo bản "lộ trình" gồm nhiều tình tiết rất lâm ly mùi mẫn. Chúng ta sẽ ngược giòng lịch sử, lần lượt đi vào các hang động thời cổ để sưu tầm nguồn gốc, đồng thời tìm hiểu những đặc điểm của loài "be he"; sau đó sẽ cùng "phiếm" về vai trò quan trọng của kiện tướng Dê trong văn học sử cũng như trong đời sống thường nhật của con người.
Thay lời mở đầu, mời qúi vị duyệt qua bài vè dân gian “Mười Hai Con Giáp” để tìm hiểu tổng quát về đặc điểm của mỗi con vật, đồng thời cũng đoán sơ về số mạng của mỗi tuổi:
"Tuổi Tý con Chuột ở trên nóc nhà
Bắt vịt bắt gà đem dộng xuống hang
Tuổi Sửu con Trâu kềnh càng
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về
Tuổi Dần con Cọp gớm ghê
Bắt người ăn thịt đem về non cao
Tuổi Mẹo là con Mèo ngao
Ăn cấu ăn cào ăn vụng thành tinh
Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình
Đằng vân giá vũ ẩn mình trong mây
Tuổi Tỵ Rắn ở bọng cây
Làm thinh ở trỏng không hay điều gì
Tuổi Ngọ Ngựa ô đen sì
Ỷ mình chạy giỏi xá gì đường xa
Tuổi Mùi là con Dê chà
Ba xừng bốn gạc nó la um xùm
Tuổi Thân con Khỉ ở lùm
Trèo qua trèo lại té ùm xuống sông
Tuổi Dậu con Gà vàng lông
Có mỏ có mòng nó gáy ó o
Tuổi Tuất là con Chó cò
Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem
Tuổi Hợi con Heo ăn hèm
Làm chuồng nhốt lại không thèm thả ra

* * * * *
Mười hai con giáp đó là
Mỗi người một số chắc là như trên
Có xui rồi cũng có hên
Mười hai con giáp lềnh khênh chuyện đời
Thủy chung nhớ lấy ai ơi
Vui buồn giàu có do trời định phân
Xin ai chớ có phân trần

Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về loài Dê là con giáp ngự trị trên dương trần trong năm nay.

NGUỒN GỐC LOÀI DÊ

Theo sự khảo cứu của các nhà sinh vật học, loài Dê đã xuất hiện từ lâu, có lẽ từ thời Miocene cách đây khoảng 20 triệu năm, trước khi con người bắt đầu "tiến hóa" trên mặt đất. Thoạt tiên, lúc muôn loài còn chung sống ngoài thiên nhiên hoang dã, Dê đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ trong sự sinh tồn cũng như phát triển của loài người. Dê tương đối hiền lành không hung tợn như ác thú, lại có mặt hầu như khắp nơi, từ bình nguyên bát ngát đến sa mạc hoang vu hay rừng cao núi thẳm nên rất dễ săn bắt, vì vậy Dê đã là thực phẩm dễ kiếm của người Tiền Sử. Khi nhân loại tiến bộ biết trú ẩn nơi hang động, Dê là một trong số nhỏ dã thú được bắt làm gia súc đầu tiên, cách đây khoảng 10,000 năm, có lẽ tại vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia, châu thổ thuộc hai con sông Tigre và Euphrate bên Trung Đông). Người ta dùng thịt Dê làm thức ăn, sữa cho con nít, da để che thân, lông dùng để kết thành quần áo ấm v.v... Có thể nói chỉ riêng gia súc Dê cũng đã tạm đủ để loài người sống khá đơn giản lúc ban đầu. Dê tương đối dễ nuôi, không cần thực phẩm chọn lọc, lại sinh sản nhanh và nhất là chịu được thời tiết nóng lạnh khắc nghiệt nên tới thời Thượng Cổ cách đây chừng 5,000 năm, Dê trở thành gia súc hữu dụng nhất. Ngoài thịt, sữa Dê được loài người dùng trước sữa của các loài vật khác.
Nghiên cứu theo khoa học, Dê thuộc chủng loại Bovidae tổng cộng có tới 137 giống trong đó gồm hươu, nai, trâu, bò, trừu v.v... Trong gia tộc Bovidae gồm những thú vật thuộc loài nhai lại và chân có móng, Dê thuộc về giòng họ Caprinae. Vì vậy giòng Dê còn được gọi là Caprine, tương tự như "Canine" (Canidae) là giống chó và "Feline" (Felinae) là giống mèo. Cũng bắt nguồn từ chữ "Caprinae", chòm sao thứ 10 của vòng Hoàng Đạo (Zodiac) trên trời được đặt tên là Capricorn có nghĩa là Dê (Capri) có sừng (Corn).
Hình dáng loài Dê thay đổi rất khác biệt, to nhỏ, cao thấp tùy theo môi trường sinh sống. Tại Phi Châu có loại Dê lùn Pygmy, nhỏ chỉ nặng chừng mươi ký và cao chừng nửa thước, trong khi loài Dê Thịt giống Ibex vùng Siberia nặng tới trên 100 ký và cao trên một thước. Trung bình, Dê thường nặng chừng 60, 70 ký. Mình Dê được che phủ bằng một loại lông tơ mịn, có thể một màu hay nhiều màu, nhưng thông thường có màu đen, nâu, xám, đỏ và trắng. Lông Dê dài ngắn khác nhau, ở xứ nóng lông ngắn và thưa, nhưng tại vùng đồi núi lạnh lẽo lông rậm, dài nhưng thẳng, không xoắn như lông trừu. Dê thuộc loài móng chẻ, tức là chia thành hai móng nhỏ như hai ngón chân để dễ leo trèo nơi đồi núi. Trong khi đa số Dê có đuôi ngắn và vểnh thì đuôi Dê Phi Châu lại dài và cụp. Phần lớn Dê đều có sừng, nhưng cũng có loại "đầu nhẵn" giống như trừu. Sừng Dê có loại cong ngược về phía sau, có loại thẳng đứng, cũng có loại uốn cong hình trôn ốc trông rất đẹp mắt. Đặc biệt, không như loài người, cả Dê đực lẫn Dê cái đều có râu nên râu cằm của đàn ông được gọi là râu Dê (Goatie). Chúng ta thường đồng hóa những người râu Dê là có “máu Dê”, nhưng thật ra đây là hai "thực thể" không liên quan.
Dê thuộc loại súc vật "nhai lại" như trâu, bò, trừu v.v... nhưng bộ máy tiêu hóa được cấu tạo rất đặc biệt để có thể tiêu hóa thức ăn đủ loại, kể cả cây, bụi cằn cỗi tại những môi trường hoang vu lạnh giá khó kiếm ăn nhất. Miệng Dê tuy nhỏ nhưng môi lại rất mềm nên có thể gặm cỏ, ăn cành, lá, gai góc và cạp được cả vỏ cây. Lưỡi Dê có nhiều loại gai thịt là đầu giây thần kinh khác nhau, không những biết phân biệt mùi vị mà còn ước lượng được cả độ cứng, mềm của thức ăn. Hàm trên của Dê không có răng cửa, nhưng thay vào đó là một khối xương lớn như cái đe, có thể coi như một răng cửa lớn đối diện với 8 răng cửa ở hàm dưới. Dê dùng răng cửa ở hàm dưới cắt nhỏ những đồ ăn dài và cứng như cành, bụi cây bằng cách nghiến vào khối xương ở hàm trên, sau đó dùng 12 cặp răng hàm để nghiền thêm. Dạ dày của Dê là một cơ quan rất đáng lưu ý vì rất lớn, dung tích có thể lên tới 30 lít chiếm hết xoang bụng bên trái, mà còn được chia thành tới 4 ngăn với chức năng riêng biệt, có thể coi như 4 dạ dày nhỏ. Bốn túi này lớn nhỏ và có công dụng khác nhau, gồm Dạ Cỏ là túi lớn nhất, khoảng 80% thể tích dùng để chứa thức ăn vừa nuốt vào. Tiếp theo là Dạ Tổ Ong là túi nhỏ nhất, dung tích chừng 1, 2 lít, mặt trong có nhiều ô năm góc, dùng để nghiền thức ăn. Sau đó là Dạ Lá Sách lớn hơn Dạ Tổ Ong, mặt trong có nhiều lá thịt mỏng xếp lại như các trang sách, dùng để ép thực phẩm hầu thu hút những chất dinh dưỡng dưới thể lỏng. Sau cùng là Dạ Múi Khế dài khoảng 40 cm có nhiều tuyến tiêu hóa và mạch máu nên mềm và xốp. Thức ăn sau khi qua 4 túi của dạ dày sẽ được chuyển tới ruột non gồm các tuyến nhỏ để hấp thụ chất bổ dưỡng nuôi thân thể phần cặn bã còn lại sẽ được tống xuống ruột già để bài tiết ra ngoài. Ruột Dê dài khoảng 30 thước. Ngoài bụng Dê rất lớn, bộ phận ở giữa hai chân sau cũng "quá khổ" so với thân mình. Bầu sữa của Dê cái rất "phì nhiêu", trong khi bọc "bửu bối" của Dê đực cũng "quá xá khiến Dê phải khệnh khạng khi di chuyển như diễn tả trong truyện Lục Súc Tranh Công:
"Hình con con, bụng lớn chang bang
Cáng náng như đứa có hạ nang"
..............
Đại cương, Dê dùng lưỡi vơ đồ ăn, nhai sơ qua rồi nuốt vội vào dạ dày. Phần đồ ăn nặng như hạt, củ, sỏi sạn đi thẳng vào Dạ Tổ Ong, còn phần nhẹ như cỏ, lá giữ tại Dạ Cỏ. Tại đây, đồ ăn được nước thấm ướt trộn chung với các hóa chất lên men làm mềm đi. Đến khi rỗi rảnh, thường vào ban đêm, Dê đưa các thức ăn từ Dạ Cỏ lên miệng bằng động tác ợ để nhai lại thật kỹ, sau đó được chuyển xuống Dạ Lá Sách và Dạ Múi Khế. Trong một ngày đêm, Dê trưởng thành nhai lại khoảng 6 đến 8 đợt, nhiều khi lên đến trên 10 đợt. Do đó, chúng ta thấy miệng Dê lúc nào cũng "bỏm bẻm" như nhai trầu mỗi khi rỗi rảnh.

CÁC LOẠI DÊ

Dê sinh sống hầu hết khắp nơi trên mặt địa cầu nên có nhiều chủng loại để thích hợp với thời tiết cũng như môi sinh địa phương. Tổng quát, chúng ta có thể chia Dê thành hai loại: Dê Hoang và Dê Nhà.
Loại Dê Hoang có thể sinh sống hầu như trong mọi môi trường, nhưng đông đúc nhất tại những miền núi cao lạnh lẽo, sỏi đá hiểm trở vì có sẵn cây cỏ để làm thực phẩm và hiếm ác thú. Dê núi leo trèo được trên những sườn đá trơn trượt nhờ móng sắc lại thêm thêm một lớp da đệm như đế giầy để bấu chặt vào các mỏm sắc nhọn. Dê Hoang sống từng đàn, không đông lắm chỉ chừng dăm chục con dưới sự cai quản của Dê Chúa. Đặc biệt Dê Đực hay Dê Chúa lại sống riêng rẽ, không thường xuyên sinh hoạt cùng bầy với Dê cái và Dê con, ngoại trừ tới mùa cặp bồ sinh sản. Dê Hoang có thể ăn hầu như đủ loại củ hạt, kể cả bụi gai, lá và vỏ cây. Dê Hoang có nhiều chủng loại, đa số sinh sống tại vùng núi đồi hoang dã thuộc Á và Âu Châu. Loài Dê Hoang rặt giống Bezoar sống tại vùng Cận Đông và trên các đảo thuộc Hy Lạp. Giống Ibex có nhiều tại vùng núi non thuộc Sudan và Siberia cũng như tại vùng núi Alps và Caucasus. Tại Hoa Kỳ và Canada, loài Dê Rocky Mountain thật sự không phải là Dê rặt giống mà là loại Dê lai nai (goat antelope).
Loại Dê Nhà nguyên là Dê Hoang thuộc vùng Cận Đông đã được nuôi dạy lâu năm nên trở thành gia súc. Vì được pha giống trong một quá trình khá dài hàng mấy ngàn năm nên có khoảng 600 chủng loại, đại cương được chia thành các giống Dê Thịt, Dê Sữa và Dê Da và Dê Len.
Dê Thịt đa số thuộc các giống Boer tại Nam Phi, Beetal bên Ấn Độ, Criollo ở Nam Mỹ và Dê Mễ Tây Cơ. Tên Boer bắt nguồn từ tiếng Hòa Lan có nghĩa là "trang trại". Đây là loại Dê có sừng, lớn con, nặng trung bình khoảng 100 ký. Giống Red Sokoto thuộc Nigeria vừa được nuôi để lấy thịt và lấy da. Một loại Dê lùn đặc biệt gọi là Pygmy có nhiều tại Tây Phi để lấy thịt, nhưng lại được nuôi như súc vật làm cảnh (pets) tại Hoa Kỳ. Các nước chậm tiến nhưng đông dân như Ấn Độ, Nam Phi, Mễ Tây Cơ và các quốc gia Nam Mỹ tiêu thụ thịt Dê nhiều hơn thịt các súc vật khác.
Các loại Dê Sữa quan trọng nhất đa số được phát triển bên Thụy Sĩ, gồm các giống chính như Saanen, Togenburg và Alpine. Dê Saanen bắt nguồn từ thung lũng Saanen bên Thụy Sĩ, nặng trung bình khoảng 50 ký, cung cấp nhiều sữa nhất. Togenburg cũng là loại Dê sữa, tầm vóc tương đương Dê Saanen, được nuôi nhiều tại thung lũng Togenburg cũng bên Thụy Sĩ. Đây là loại Dê đầu tiên được người nuôi để lấy sữa. Dê Alpine sản xuất sữa chỉ thua các giống Saanen và Togenburg, nhưng lại là giống lớn con nhất, có thể nặng trên 100 ký. Có khá nhiều loại Dê Alpine như Swiss Alpine, Chamoise, Brienz v.v... Về màu sắc, Dê Alpine có loại Cou Blanc (Cổ Trắng), Cou Noir (Cổ Đen), Cou Clair (Cổ Trong) tùy theo màu lông ở cổ. Tại Hoa Kỳ và Canada, có giống Dê Sữa Anglo-Nubian, gọi tắt là Nubian, là giống lai giữa Dê Anh và Dê Ấn Độ hoặc Dê Phi Châu.
Đa số các loại Dê nuôi để sản xuất sợi len đều thuộc hai giống Angora và Cashmere (Kashmir). Giống Angora bắt nguồn từ vùng Ankara (tên cũ là Angora), Thổ Nhĩ Kỳ. Dê Angora nặng trung bình khoảng 75 ký, đã được ghi lại trong Thánh Kinh cách đây rất lâu khoảng 1,500 năm trước Tây Lịch; vào thời Tiên Tri Moses cũng đã nói tới việc dùng lông Dê để may quần áo. Lông Dê Angora màu trắng, rất mềm, hơi xù, thường được dùng để dệt hàng vải "Mohair". Mỗi năm Dê có thể cắt lông hai lần, mỗi lần thu được chừng 3 ký lông dài khoảng 12 cm. Giá lông Dê non vừa nhẹ vừa mềm nên đắt nhất, khoảng $10 một ký. Hàng Mohair trơn như lụa, có đặc điểm mịn mặt, dai và đàn hồi hơn len. Dê Cashmere (Kashmir) có bộ lông mượt và trơn như lụa, cũng rất nổi tiếng trong giới may mặc. Hàng Cashmere được thông dụng ngay từ thời Cổ La Mã, sau này lại nổi tiếng hơn nhờ được Hoàng Hậu Eugenie, vợ Hoàng Đế Naloléon III rất ưa thích. Sợi tơ Cashmere mịn đến nỗi phải cần tới 4 miles mới dệt được một áo ấm. Tuy vùng Cashmere nằm giữa Hồi Quốc và Ấn Độ được nổi tiếng nhờ vải "Cashmere" và cũng là điểm nóng tranh chấp thường xuyên giữa hai quốc gia láng giềng, nhưng đây chỉ là trung tâm thu thập tơ sợi để chế biến vải vóc. Thật ra, Dê Cashmere bắt nguồn từ vùng Hy Mã Lạp Sơn, được nuôi nhiều tại các vùng Afghanistan, Iran, Trung Hoa và sa mạc Gobi bên Mông Cổ.
Hầu hết các loại Dê đều có thể dùng để lấy da, nhưng thông dụng nhất là loại Dê nhỏ thường được chăn từng bày tại vùng sa mạc hay đồng cỏ ven núi. Da Dê rất mềm nên thời xưa được dùng làm giấy viết, lại nhiều lông ấm nên được loài người dùng đầu tiên để che thân.
Tại Việt Nam, nghề nuôi Dê tuy đã có từ lâu, nhưng chưa được phổ cập. Nghe nói gần đây, tại tỉnh Hà Nam, Bắc Việt vừa gây được giống Dê lai gọi là Dê Bách Thảo rất thích hợp với thủy thổ địa phương. Loại Dê này nặng chừng 50 ký có đặc tính dễ nuôi, sinh sản nhanh. Giá một con Dê cái Bách Thảo vào khoảng $300,000 tiền Việt Nam, tương đương $20 Mỹ Kim.
Như vậy, ngoài việc nuôi để ăn thịt như mọi người đã biết, Dê còn sản xuất sữa và sợi vải may quần áo, đó là chưa kể da Dê đã được dùng như chăn ấm. Tiện đây, tưởng cũng nên nói thêm về đặc điểm của sữa và thịt Dê là những thực phẩm không mấy thông dụng đối với dân Á Châu, nhưng lại rất được người Tây Phương ưa chuộng.
Khi nói tới sữa, chúng ta thường nghĩ ngay tới sữa bò vì tương đối rẻ tiền nên thông dụng hơn, nhưng kể về mặt bổ dưỡng, sữa Dê hơn hẳn sữa bò, nhất là đối với con nít hay những người lớn tuổi, bệnh tật. Đặc biệt, theo thống kê y học có khoảng 30% trẻ sơ sinh nhạy cảm với chất protein trong sữa bò (cow milk protein sensitives) nhưng khi dùng sữa Dê lại rất an toàn, không bị phản ứng. Ngoài ra, các chất bổ dưỡng C6 Caprolic, C8 Caprylic và C10 Capric (tất cả đề bắt nguồn từ nguyên ngữ Caprinae) có trong sữa Dê rất thích hợp trong việc chữa trị các chứng nội khoa như bệnh đường ruột, bệnh liên quan đến mạch máu, trẻ em suy dinh dưỡng, sạn thận v.v... vì có đặc tính tăng cường sinh lực cũng như ngăn ngừa hoặc giảm bớt số lượng cholesterol tích tụ trong máu. Riêng về thịt Dê được gọi chung là Cabrito hay Chevron, ngoài đặc tính ít chất béo, mềm và thơm ngon nếu biết pha chế đúng cách, còn có khả năng chữa trị một số chứng bệnh cũng như sữa Dê. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt lưu ý qúi vị cần tham khảo cẩn thận với các y sĩ chuyên khoa trước khi dùng sữa hay thịt Dê với mục đích trị bệnh.
Tưởng cũng nên nói thêm, vì đặc tính đa dụng và dễ nuôi nên Dê là bạn đồng hành thường xuyên cùng các thủy thủ trên các tàu buồm xuyên đại dương vào thời Trung Cổ. Các cuộc thám hiểm vòng quanh thế giới thời xưa, có khi phải xa đất liền hàng tháng nên tàu buồm không trữ được thực phẩm khi tủ lạnh chưa được sáng chế, vì vậy, nuôi Dê trên tàu vừa có thịt thà, bơ sữa tươi, vừa không phải tốn nhiều thức ăn và công săn sóc. Tàu buồm còn mang theo súc vật khác như heo, nhưng không thông dụng bằng Dê vì theo truyền thuyết của các chàng thủy thủ, sữa còn có công dụng trừ chứng say sóng, như trong tác phẩm Illiad của văn hào Homere kể lại Ulysses nhờ được các nhân ngư (mermaid) cho uống sữa nên hết say sóng và giết được cả tên khổng lồ một mắt Cyclop. Tiếp tục truyền thống cap đẹp đó, các thủy thủ tân thời trở thành những tay "vắt sữa" lành nghề mỗi khi ghé bến bờ xa lạ! Sử sách ghi lại rằng thuyền trưởng James Cook của chiếc tàu buồm Endevour, Anh Quốc đã mang theo khá nhiều Dê trong chuyến hải hành khám phá vùng Úc Châu và Tân Tây Lan vào khoảng giữa thế kỷ thứ 18. Trước đó, vào thế kỷ thứ 16, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha như Coronado, DeSoto v.v... khi sang lục địa Mỹ Châu cũng mang theo rất nhiều Dê trên tàu buồm để làm thực phẩm tươi. Chính một số Dê này trốn thoát lên bờ, sau này trở thành "Dê bụi" hay "Dê Spanish" hiện có rất nhiều tại các vùng Texas và Oklahoma.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA DÊ

Tổng có khoảng 460 triệu Dê trên khắp thế giới, mỗi năm cung cấp khoảng 4 triệu rưỡi tấn sữa và 1 triệu rưỡi tấn thịt, đó là chưa kể rất nhiều da, hàng vải Mohair và Cashmere dùng để may mặc. Các nước nuôi nhiều Dê nhất gồm Ấn Độ chừng 65 triệu con, Trung Hoa chừng 45 triệu, Thổ Nhĩ Kỳ 34 triệu, Nigeria 22 triệu, Ma Rốc 15 triệu, Pakistan 13 triệu. Tại Hoa Kỳ có chừng 2 tới 4 triệu con Dê, đa số được nuôi tại vùng Texas và Oklahoma. Trên thế giới, sữa Dê được tiêu thụ nhiều nhất, hơn cả sữa bò với Thụy Sĩ đứng đầu. Sữa Dê có nhiều chất bổ dưỡng và dễ tiêu hóa hơn sữa bò nên rất tốt cho người lớn tổi, trẻ con cũng như người bịnh. Phó mát Dê, phó sản của sữa được sản xuất nhiều nhất tại Pháp, Hy Lạp, Na Uy và Ý. Sữa Dê ngoài đặc tính dinh dưỡng còn là nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm rất hữu dụng. Ngay từ thời thượng cổ, các bà hoàng như Cleopatra, Nữ Hoàng Saba, Võ Hậu v.v… thường tắm bằng sữa Dê để da được sạch sẽ, mịn màng và trẻ lâu. Xà bông làm bằng sữa Dê cũng là một loại mỹ phẩm rất đắt giá vì ngoài công dụng tẩy sạch, còn có đặc tính nuôi và làm mềm như da sữa của trẻ em.
Về kỷ lục, một con Dê sữa giống Saanen được nuôi tại Úc đoạt giải quán quân vì sản xuất được tới 7,715 lbs sữa trong 365 ngày. Tại Á và Phi Châu, Dê là biểu tượng của sự phồn thịnh và giàu có nên ngày trước người có công thường được thưởng mấy con Dê hay mấy bộ da Dê. Trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu có kể truyện người hùng Quách Tỉnh sau khi giúp Thành Cát Tư Hãn chinh phục được các bộ lạc lân cận, chỉ xin thưởng mấy con Dê thay vì người đẹp Hoa Tranh, con gái cưng của Đại Hãn. Trai tráng tại các bộ lạc muốn muốn cưới vợ cũng phải nạp mấy con Dê cho đàng gái. Dê có thể ăn đủ mọi thứ bụi gai, cây cỏ hoang nên nhiều trang trại rộng lớn tại Hoa Kỳ nuôi Dê để gặm bớt cỏ, cây dại, do đó, người Mỹ còn gọi Dê là "living mower". Dê Thụy Sĩ nổi tiếng về sữa, Mễ Tây Cơ và Nam Phi có nhiều Dê thịt, Dê Ấn Độ và Nubian sản xuất cả thịt lẫn sữa trong khi Dê vùng Angora, Kashmir chuyên sản xuất hàng vải “Mohair” cũng như “Cashmere.” Dê đực và Dê cái đều có tuyến hôi nằm hình lưỡi liềm ở gốc sừng, tiết ra mùi đặc biệt để nhận nhau, do đó, Dê thường cọ sừng để tiết ra mùi hương để hấp dẫn nhau trong mùa động tình. Người Việt chúng ta thường cho rằng phải "đánh như đánh Dê tế đền", hoặc bắt Dê chạy nhảy cho ra mồ hôi trước khi làm thịt để trừ mùi hôi, nhưng thật ra muốn khử tuyến hôi này ta có thể dùng miếng sắt hình móng ngựa hơ nóng rồi áp vào gốc sừng. Dê cái mang thai khoảng 150 ngày, thường đẻ 2 hay 3 con. Tiếng Anh gọi Dê đực là Buck hay Billy Goat, Dê cái là Doe và Dê con là Kid. Vì con nít cũng hay chạy nhảy, phá phách như Dê con nên danh từ Kid dùng để chỉ con nít cũng bắt nguồi từ Kid Dê con này.

TRUYỆN DÊ VÀ NGƯỜI

Vì Dê là một trong một số nhỏ những dã thú được người gia súc hóa đầu tiên nên ngay từ thời thượng cổ, đôi bên đã có nhiều liên hệ mật thiết gắn bó. Hiện nay, trong một số hang động bên Âu Châu nơi người tiền sử sinh sống cách đây mấy chục ngàn năm, còn có nhiều bức tranh vẽ cảnh săn Dê hay bày Dê cùng sinh hoạt với người. Ngoài việc cung cấp thực phẩm như thịt, sữa và các phó sản, da Dê là loại vải đầu tiên được loài người dùng để làm quần áo che thân vì vừa mềm lại có lông ấm.
Về mặt tín ngưỡng, Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái vì sự đóng góp quan trọng của Dê đối với đời sống con người . Một số dân tộc khác lại dùng Dê làm "vật tế thần" do đó nảy sinh danh từ "Dê Tế Thần" (Scapegoat). Đối với người Ai Cập, phó mát (cheese) làm bằng sữa Dê là một món thực phẩm quan trọng, vì không những có nhiếu chất bổ dưỡng, hương vị thơm ngon, mà còn là chất bổ dưỡng có thể chống lại bệnh lao, giúp con người trẻ lâu và nhất là tăng cường khả năng tình dục. Điều này chúng ta có thể kiểm chứng, cho tới bây giờ, tại các nước nuôi nhiều Dê như Ai Cập, Ấn Độ v.v... đều rất đông dân! Hoàng Đế Tutankhamen, vị vua cai trị Ai Cập trên 3,000 trước đây cũng rất ưa thích sữa Dê. Khi khám phá ngôi cổ mộ, ngoài xác ướp của "King Tut", người ta còn tìm thấy 22 ống sữa Dê đông thành phó mát được sắp ngay ngắn trong nhà mồ. Theo các nhà khảo cổ, số phó mát này để nhà vua dùng trong khi chờ đợi lên Trời, số còn lại làm tặng phẩm cho các vị thần đón vua lên Thiên Đàng.
Người Ai Cập còn có lệ dùng Dê dâng cho các ác thần để thay thế cho con người. Vào thời cổ La Mã, trong lễ hội Lupercalia được cử hành vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm, các thày tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Da dê sau đó được chia ra từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình như lá bùa giúp mùa màng tươi tốt, đồng thời có thể làm phụ nữ mắn con hơn. Phụ nữ La Mã cũng tìm đủ cách để chạm được tay vào miếng da Dê tế thần vì họ tin tưởng rằng sẽ sinh nở dễ dàng hơn. Vì vậy, sau hội Lupercania, nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ miếng da Dê.
Tại Hy Lạp, chuyện con Unicorn tức là Dê hay Ngựa Một Sừng cũng đã là một đề tài hấp dẫn trong văn chương và lịch sử. Qua sự mô tả của nhà sinh vật học thời cổ Hy Lạp Ctesias, con Unicorn thuộc giống Linh Dương Karkadam của Ấn Độ. Đây là một loại thú dữ trong huyền thoại, thân giống như Dê hay Ngựa, đầu nai, đuôi ngắn như đuôi heo và lông màu trắng; đặc biệt có một sừng ở giữa trán có thể dùng làm ly chén để thử các thức ăn nước uống có chất độc. Người Hy Lạp cho rằng giống Unicorn rất hung dữ, muốn bắt chúng cần phải nhờ tới một cô gái xinh đẹp còn trong trắng. Khi thấy cô gái này ngồi ở ngoài đồng để nhử, Unicorn tự nhiên trở thành hiền lành, từ từ tiến lại cúi mình tựa đầu lên đùi cô gái rối nhắm mắt ngủ. Thế mới biết sắc đẹp có công dụng vạn năng, chẳng những "nghiêng nước nghiêng thành", mà còn thu phục được cả những tay ác ôn nhất như Tổng Lê, cháu ngoan của Bác bị xẩm Trương Mỹ Vân đè đầu vậy!
Bên Trung Hoa theo truyền thuyết cũng có loài Unicorn nhưng tên là con Lin và con Zhi. Con Lin là một loại thú dữ giống như loài Dê, chân ngựa, đuôi bò, đầu chó sói có tiếng nói du dương và một sừng phát ra ánh sáng 5 màu. Theo truyền thuyết, con Lin có thể định đuợc ngày sanh của mỗi người. Còn con Zhi trông rất giống Dê nhưng chỉ có một sừng giữa trán. Thiên chức của con Zhi là tìm ra tội lỗi của trần gian để trừng trị. Do đó, con Zhi trở thành biểu tượng của công lý bên Trung Quốc. Trong lãnh vực tôn giáo, sách vở đạo Lão thường kể chuyện con Dê Xanh (Thanh Dương). Lão Tử, vào đời vua Châu Thành Vương (năm 1115 trước Tây Lịch) truyền sách Đạo Đức Kinh gồm 5363 chữ cho quan giữ ải Hàm Cốc là Doãn Hỷ và dặn phải theo sách mà tu luyện đúng một ngàn ngày, sau đó hẹn gặp nhau tại chợ Thanh Dương bên nước Thục. Đúng hẹn, Doãn Hỷ tìm sang nước Thục nhưng tìm mãi không thấy chợ Thanh Dương. Lúc đó, Lão Tử đã trở về Thiên Cung rồi lại đầu thai xuống trần vào nhà họ Lý. Khi bé trai sinh ra, có một con Dê xanh chạy tới chơi, sau đó lại chạy đi mất khiến đứa bé khóc mãi. Họ Lý phải sai người đi khắp nơi, kiếm lại được con dê xanh dắt về. Doãn Hỷ thấy vậy cũng theo con Dê xanh về nhà họ Lý. Thằng bé thấy Doãn Hỷ, bèn lên tiếng: "Doãn Hỷ y lời, không trễ hẹn", nói rồi vươn vai trở thành người lớn, ngồi trong tòa sen sáng lòa.
Trong Thiên Chúa Giáo, hình ảnh con chiên, con Dê tuy còn xa lạ với người Việt, nhưng đã rất gần gũi với người Do Thái từ mấy ngàn năm nay. Đức chúa Giêsu chào đời trong máng cỏ tại một hang có nhiều dê, chiên, lừa … thở hơi ấm. Ngoài ra, hình ảnh con chiên, con Dê hy sinh, nhận lãnh làm của đền tội cho dân Do Thái không một lời than van thực ra là hình ảnh của chúa Giêsu Kitô gánh nhận trên vai mọi tội lỗi của nhân loại, như lời tiên tri Isaia đã nói trước 700 năm: "Người đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình". Cũng chính vì sự so sánh này mà hàng ngày các giáo dân thường cầu nguyện "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng tôi …"
Tại Việt Nam ta, các vua chúa thời trước mỗi năm cúng đàn Nam Giao xin được gió thuận mưa hòa, mùa màng thuận lợi, cũng dùng Dê, Trâu và Heo gọi là Tam Sanh. Tục lệ dùng Dê tế trời dất này bắt ngưồn từ các triều đại bên Trung Hoa. Tại cổ thành Bắc Kinh hiện nay còn có di tích những đàn cao bằng đá rất lớn, bên dưới có đường hầm để lùa đàn súc vật tới nơi hành lễ. Người Chàm tại vùng Phan Rang, Phan Thiết cũng dùng Dê để cúng tế trong hội lễ Katê lớn nhất trong năm vào ngày 1 tháng 7 lịch Chàm tức vào khoảng tháng 8 tháng 9 âm lịch. Người Chàm thờ 3 vị thần chính là Pô Naga, Pô Klung và Pô Rômê. Thực phẩm cúng tế tại 3 tháp thờ 3 vị thần này gồm 1 con Dê, 3 con gà, 5 mâm cơm và canh thịt Dê cùng với bánh gạo, rượu, xôi và hoa quả. Lễ hội Katê kéo dài 3 ngày, khởi đầu từ đền Pô Naga, sau đó sẽ đến lễ đón rước và mặc y phục cho các thần linh tại đền Pô Rômê và Pô Klung. Người chủ tế cắt tiết con Dê để tế thần khi khai mạc buổi lễ. Suốt trong 3 ngày, người Chàm, nhất là thanh niên nam nữ, ca hát, nhảy múa trong tiếng chiêng nhạc rất du dương, ngoạn mục. Nghe nói ngày xưa, hội Katê kéo dài tới một tháng. Gia đình người Chàm thường xum họp, tiếp đãi bạn bè, ăn uống và vui chơi tương tự như người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán. Hiện nay còn nhiều di tích Tháp Chàm thờ các vị thần tại vùng Phan Rang, Nha Trang ...

DÊ TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ

Ngoài việc giữ vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày cũng như việc thờ cúng, Dê còn được nói tới khá nhiều trong văn chương và lịch sử loài người. Bên Trung Hoa vào thời Xuân Thu Chiến Quốc có tích “Ngũ Cổ Đại Phu” ghi lại truyện một người tài là Bá Lý Hề xuất thân cực kỳ nghèo khổà, nhưng vì quyến luyến vợ con nên không thể lên đường tìm công danh. Vợ Bá Lý Hề tên Đỗ thị là một người hiền, thấy vậy liền bán hết cơ nghiệp là một con gà mái ấp để mua thức ăn và gạo đỏ nấu cơm, nhất định tiễn chồng lên đường xây dưng sự nghiệp. Nhà không có củi, Đỗ thị phải bẻ phên làm củi. Sau khi đãi chồng ăn no, Đỗ thị cầm tay chồng từ giã và nói: “Lúc phú qúi xin chớ phụ nhau”. Bá Lý Hề từ giã vợ hiền lên đường bôn ba qua nhiều nước, khi lên voi, lúc xuống chó, đến năm 70 tuổi vẫn còn làm nghề chăn ngựa bên nước Sở. Về sau Tần Mục Công biết là người tài nên dùng 5 tấm da dê để đổi lấy Bá Lý Hề rồi phong làm Thừa Tướng. Vì quá bận việc nước nên Bá Lý Hề không còn nhớ đến vợ con. Đỗ thị đem con vạn dặm tìm chồng, nhưng Bá Lý Hề không nhận ra. Đỗ thị bèn làm một bài ca rất cảm động, trong đó có những câu như “Bá Lý Hề, ngũ dương bì, ức biệt thì, phanh phục thư, xuân huỳnh phỉ, xuy diêm di, kim nhật phú qúi, vong ngã vi” (Tạm dịch: Bá Lý Hề, năm da dê, buổi biệt ly, mổ gà mái, nấu cơm vàng, tình thiết tha, nay phú qúi, quên ta sao?”). Nghe bài hát, Bá Lý Hề mừng mừng tủi tủi nhận vợ con, ăn ở với nhau trọn đời. Tuy làm tới chức Tướng Quốc, nhưng được đổi mạng chỉ với 5 bộ da dê nên Bá Lý Hề còn mang biệt hiệu “Ngũ Cổ Đại Phu” (quan lớn 5 bộ da dê).
Đời nhà Hán có Tô Vũ đi sứ sang Hồ để cầu hòa, nhưng lỡ lời khiến vua Hồ là Thiền Vu phật lòng nên bị đầy đi miền Bắc Hải giá lạnh chăn dê nhiều năm. Ở nơi hoang vắng, Tô Vũ phải xé áo viết thư, buộc vào chân chim nhạn bay về phương Nam để gửi tin về cố quốc. Tới khi vua Hán phải nạp cống Chiêu Quân, một trong bốn người đẹp, biệt hiệu “lạc nhạn mỹ nhân” cho chúa Thiền Vu, Tô Vũ mới được tha về, nhưng lòng vẫn trung thành với nhà Hán. Vì vậy, từ truyện "Tô Vũ Chăn Dê", điển tích "tin nhạn" hay "thấy nhàn" ngụ ý nói về thư từ, thông tin như trong Chinh Phụ Ngâm có những câu:
"Trải mấy xuân tin đi tin lại
Tới xuân này tin hãy vắng không
Thấy nhàn luống tưởng thư phong
Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng"

Bước qua địa hạt thần quyền, các pháp sư thường dùng máu dê, máu chó mực để phá tà thuật. Trong truyện Tiết Đinh San Chinh Tây, khi nguyên soái Tiết Nhân Qúi bị tướng địch tên Dương Phàm có tài "sái đậu thành binh" vây hãm nguy cấp, La Sơn Thánh Mẫu phải sai đệ tử là Phàn Lê Huê, con dâu tương lai của Tiết Nhân Qúi, chỉ cho cách phá tà thuật bằng cách lấy máu dê, máu chó phun vào trận. Quả nhiên quân lính của Dương Phàm đều trở thành giấy hết. Đến đời Tam Quốc, Tào Tháo bị thuật sĩ Tả Từ, tự là Ô Giác Tiên Sinh làm cho thất điên bát đảo bằng cách ăn hết ruột của một gánh cam mà vỏ bên ngoài vẫn còn nguyên vẹn, lấy gan từ trong một bức tranh rồng để nấu canh cho Tào Tháo ăn v.v… nhưng họ Tào vẫn không phục, đưa một con dê bắt phải ăn hết. Tả Từ ăn xong vẫn còn kêu đói khiến họ Tào hết hồn. Vì Tả Từ đòi Tào Tháo phải trao lại quyền hành cho Lưu Huyền Đức là giòng giõi nhà Hán nên bị tội chặt đầu, nhưng cứ chặt xong đầu người này người khác lại hiện ra, chặt mãi không hết. Tào Tháo sợ hãi vội lấy máu dê, máu chó hắt vào. Tả Từ bèn vẫy một con hạc bay tới, cưỡi lên rồi nói vọng xuống: “tới thánh giêng năm tí, nhà ngươi hết kiếp”. Nói xong biến đi mấy, còn các thây ma Tả Từ không đầu đều đứng dậy. Các quan sợ quá ôm mặt chạy trốn, còn Tào Tháo kinh hãi ngất xỉu. Từ đó, họ Tào sinh ra chứng bệnh nhức đầu gọi là “thiên đầu thống” mà Hoa Đà định bệnh rằng phải mổ đầu mới chữa được.
Trong các truyện Tàu thời xưa, các tướng khi ra trận thường khinh bỉ mắng quân tướng bên địch ô hợp và nhút nhát như bày Dê, trong khi tự xưng mình là “Hổ tướng”. Sách Tam Quốc Chí thuật lại chuyện “Triệu Tử Long Phò Ấu Chúa Á Đẩu”, một mình tả xung hữu đột giữa trăm vạn quân Tào trong trận Đương Dương Trường Bản, khiến Tào Tháo cũng phải khen ngợi họ Triệu toàn thân là một quả mật lớn, tung hoành trong trận như mãnh hổ vào đàn Dê.
Thi hào Lý Bạch trong bài Tương Tiến Tửu cũng có câu "Phanh dương tế ngưu thả vi lạc" có nghĩa là "mổ Dê, giết trâu để vui chơi thả cửa".
Kể về lễ tiết, ngoài Tết Nguyên Đán, người Trung Hoa còn có Tiết Đoan Dương hay Đoan Ngọ được cử hành sau Tiết Thanh Minh (tháng 3 âm lịch) để tưởng nhớ Khuất Nguyên. Các bà nội trợ thường gói bánh tro 3 góc và treo "ngũ thụy" (năm cây lành là: xương rồng, ngải cứu, hành, hoa thạch lựu và hoa long thuyền) để trừ tà ma. Người ta thường uống rượu "Hùng hoàng" để trừ độc và giữ cho thân thể cường tráng. Ngoài ra, sau Tết Trung Thu, vào ngày 9 tháng 9 âm lịch gọi là tiết Trùng Dương, văn nhân thi sĩ thường ăn bánh, uống trà và thưởng hoa cúc. Thiền Sư Huyền Quang đới nhà Trần đuợc vua Anh Tông phong là tổ đời thứ 3 phái Trúc Lâm có bài thơ đề cập tới tiết Trùng Dương như sau:
"Vong thân vong thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vấn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương"

Tạm dịch:
"Bẵng quên thân thế chẳng hề vương
Lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường
Năm hết trong non không có lịch
Thấy hoa cúc nở: tiết Trùng Dương"

Trong sách Tử Vi, sao Kình Dương cầm tinh con Dê cùng với những hung tinh khác như Địa Không, Địa Kiếp, chuyên trốn xuống trần hại người. Vì vậy, Ngọc Hoàng phải nhốt Kình Dương vào một vạc dầu nóng để không thể trốn đi. Chảo dầu này do sao Thiên Phủ canh giữ, có nhiệm vụ châm củi để dầu luôn luôn sôi. Nhưng Thiên Phủ có tính ham chơi nên để Kình Dương trốn thoát phá hại sinh linh. Sau này Thiên Phủ phải nhờ con gái nuôi là sao Thiên Giao tốn nhiều công phu mới bắt được Kình Dương giam vào chảo dầu cũ.
Về phương diện hưởng lạc, các chú con Trời cũng không quên kiện tướng Dê. Ngoài món "ngọc dương", người Trung Hoa dùng một loại lá cỏ Dâm Dương Hoắc để tăng cường khả năng sinh lý của con người. Chả là ngày xưa, các vua chúa đều là những con Dê … cụ, ngoài tam cung, lục viện còn có cả hàng ngàn cung tần mỹ nữ để ngày đêm vui thú. Nhưng dù vua chúa có tự xưng làThiên Tử, thật ra vẫn chỉ là người, "đá đôi ba hòn" như những đực rựa khác, phục vụ một bà xã cũng đã bở hơi tai, nay ham ôm ấp hàng trăm, hàng ngàn người đẹp dĩ nhiên phải cần thêm “xí quách”. Thế là các tay nịnh thần gian hùng như Tần Cối, Vưu Hồn, Bí Trọng v.v… bắt người lên rừng xuống biển tìm cho bằng được những loại thuốc “tam tinh bổ thận” hoặc "nhất dạ ngũ giao" giúp Thiên Tử sung sức. Mấy ông Thái Y quan sát thấy loài Dê “đêm bảy ngày ba, vào ra không kể” mà vẫn phây phây, vì vậy để tâm theo dõi. Thì ra Dê thường gặm một thứ cây có nhiều lá chỉ mọc trên các đỉnh núi cao như Thái Sơn, Hoa Sơn v.v… được gọi là Yin Yang Huo, tên khoa học là Epimedium. Mấy nhà Thái Y liền lấy lá cây này về, hì hục bào chế thành thuốc Dâm Dương Hoắc, cho rằng có khả năng tăng gia cường độ sinh lý cho nam phái, chữa chứng lãnh cảm "thạch nữ" (gái trơ như đá) cho phụ nữ, rất được thông dụng từ trên 2,000 năm trước. Ngày nay, các ông lang tây phân chất thuốc Dâm Dương Hoắc này, cho biết trong đó có các chất flavonoids, polysaccharides, sterols, gọi chung là magnaflorine mang hiệu quả kích thích sinh lý. Các Tây y bèn bào chế thành thuốc Horny Goat Weed và quảng cáo rằng có khả năng chữa bệnh bất lực, chống mệt mỏi và nhất là tăng cường sinh lực giống như Dê! Không rõ Horny Goat Weed này có công dụng đến cỡ nào, nhưng lịch sử cho thấy các ông vua Tàu, mặc dù được ăn sơn hào hải vị, sâm nhung yến phụ suốt ngày nhưng cũng chỉ du lịch tam cung lục viện được ít năm, hiếm có người ăn mừng thượng thọ Tứ Tuần Đại Khánh. Ông vua nào may mắn không “giá băng” trước tuổi thì cũng trở thành “ngọa triều liệt sĩ”. Ấy, cứ theo truyền thống nhà mình "cơm nhà quà vợ" điều độ là xa lộ an toàn, sống lâu trăm tuổi đấy các cụ ạ.
Nhưng có điều lạ, trong lúc Đông phương thường ca tụng mãnh lực của những ngài Dê Chúa, Tây Phương biết nịnh đầm hơn, lại để ý săn sóc nàng Dê … tơ! Trong văn học nước Pháp, văn hào Alphonse Daudet có truyện “La chèvre de monsieur Séguin” (Con dê cái của ông Séguin) thuộc tập “Les lettres de mon moulin” đã diễn tả một nàng dê đương cự với chó sói suốt đêm. Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine đặc biệt đề cập tới cá tính ưa rong chơi của các nàng Dê non trong đoạn thơ được dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh phiên dịch như sau:
"Khi mà Dê đã ăn no
Thì Dê lại thích nhảy nhô chơi bời
Đi tìm những chốn thảnh thơi
Nước tuôn róc rách, đá đôi ba hòn
Các cô tới đó lon ton
Đố ai ngăn nổi Dê non chạy quàng
Một hôm Dê nhỏ hai nàng
Say sưa bỏ nội cỏ vàng đi rong …"

Ông LaFontaine này chắc bị "la femme" đì nên khó tính, chê bai dè bửu hơi quá đáng, vì chẳng cứ gì các nàng Dê non, ai chẳng ưa thích những nơi “tức cảnh sinh tình” như “nước tuôn róc rách, đá đôi ba hòn” phải không qúi vị?

DÊ VÀ ĐỜI SỐNG DÂN VIỆT

Việt Nam là một quốc gia nặng về nông nghiệp nên những gia súc gắn liền với đời sống dân quê như Trâu, Bò, Chó, Heo, Dê, Gà v.v… là những con vật rất gần gũi quen thuộc, thường được nhắc nhở nhiều trong văn chương cũng như ca dao tục ngữ. Dê, tuy không thân mật như "trâu ơi ta bảo trâu này" đối với nông dân, nhưng lại được trọng vọng vào những dịp cúng tế nên cũng góp phần không nhỏ trong những sinh hoạt hàng ngày. Điển hình, trong tập thơ bình dân rất phổ cập "Lục Súc Tranh Công" thuật truện 6 gia súc là Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà và Heo kể công lao của mình với chủ, Ngựa phân bì với Dê như sau:
"Dê với Ngựa cùng là giống thú
Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi
Dê, người cho ăn nhảy chơi bời
Ngựa, người bắt kỵ biều luân tế"

Rồi Ngựa còn nặng lời dè bửu Dê như sau:
"Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ
Hình con con, bụng lớn chang bang
Cáng náng như đứa có hạ nang
Sớn sác tợ con chàng kẻ cướp
Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc
Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn
Hễ thấy người thấp thoáng đôi bên
Liền há miệng kêu la bé hé"

Bị Ngựa chê bai trước mặt chủ, Dê giận lắm, trả lời như sau:
"Dê nghe ngựa nói Dê quá tệ
Liền chạy ra vác mặt vênh râu
Dê nói rằng: "Ta đọ với nhau,
Thử anh lớn hay là tôi lớn"

Kể về hình dáng, dĩ nhiên Dê nhỏ hơn Ngựa, không hiểu Dê lấy gì để đọ mà khoe “lớn” hơn, ngoài bọc “đồ nghề” bửu bối? Dê còn chê Ngựa “chẳng giám ăn lúa má, môn khoai, không hề phạm đậu mè, hoa qua”û. Sau đó, Dê tâng công cùng chủ như sau:
"Dê vốn thật thuộc về việc lễ
Để hòng khi về hạng tư văn
Để dành khi tế thánh tế thần
Lại có thuở kỳ yên, kỳ phước
Hễ có việc, lấy Dê làm trước
Dê dâng vào, người mới lạy sau
Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa"

Ý Dê muốn nói mỗi khi tế lễ trời đất, Ngựa bị ra rìa vì người ta chỉ dùng “tam sanh” là ba con vật Trâu, Heo và Dê.
Trong các dịp khởi công xây miếu đắp đình hay lễ ra quân cũng lấy dê để dâng tế. Lễ cốc sóc bên Tàu cũng dùng Dê sống để cúng tế. Theo sách Luận Ngữ, học trò thầy Khổng Tử là Tử Cống muốn bỏ lễ cúng ngày sóc, ngày vọng (trăng tròn, trăng khuyết) để mỗi tháng khỏi mất một con Dê, nhưng Khổng Tử cho rằng lễ này có nhiều ý nghĩa đặc biệt, quan trọng hơn con Dê rất nhiều. Vì vậy truyện Lục Súc Tranh Công còn có những câu:
"Dầu đến việc làm đình làm chợ
Cũng lấy Dê trảm thảo bồi cơ
Nhẫn đến ngày mang tướng xuất sư
Cũng lấy Dê khấn cầu tổ đạo
Lễ cốc sóc thánh nhân còn bảo:
Tử Cống sao Dê sống bỏ đi"

Trảm thảo là phát cỏ, bồi cơ là đắp nền, nói chung trước khi khởi công làm đình, miếu cũng cần Dê để tế thổ thần. Tổ đạo là mở đường hay dịp xuất quân thường lấy máu Dê làm lễ Tế Cờ.
Ngoài ra, Dê còn khoe rằng triều đình còn phong chức “ông xếp râu dài”, oai phong không kém chức Bật Mã Ôn của vua khỉ Tôn hành Giả.
"Dê tuy rằng vô vĩ vô đầu
Quan phong chức Trường Tu Chủ Bộ"

Trong truyện Tần Cung Oán tác giả Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều kể lại những lời than thân trách phận của một cung nữ, nhắc đến sự tích “xe Dê” trong những câu:
"Trên chín bệ mặt trời gang tấc
Chữ xuân riêng sớm chực, trưa chầu
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe Dê lọ rắc lá dâu mới vào"

Điển tích “xe Dê” bắt nguồn từ đời vua Võ Vương bên Tàu. Nguyên ông vua này có hàng ngàn mỹ nữ, mỗi người cho ở một phòng. Tối tối, không biết vào phòng nào nên Võ Vương ngồi trên một cỗ xe nạm ngọc dát vàng do Dê kéo đi, hễ Dê ghé phòng nào thì vua nghỉ đêm tại đó, được người đẹp tiếp đãi … "nhất dạ đế vương". Các mỹ nữ đang thời xuân sắc, muốn hưởng ơn mưa móc của đấng quân vương thường "hối lộ" bằng cách rắc lá dâu vừa mềm vừa thơm là thứ Dê thích ăn từ ngoài đường tới phòng mình để dụ Dê vào. Nghe nói tại miền Nam Việt Nam, các bà thường dùng lá cây so đũa để dụ những con Dê cụ vào tròng! Thật ra, các ngài Dê chúa là giống ăn tạp, gai góc cũng chẳng chừa nên lá gì mà chẳng xơi, nhưng dùng lá đa lá đề là chắc ăn nhất!
Trong truyện Trinh Thử của Hồ Huyền Qui tiên sinh, đoạn "Hồ sinh khuyên răn chuột cái", Dê cũng được nhắc tới, nhưng không được trang trọng lắm:
"Thà ăn cáy ngáy o o
Còn hơn ngay ngáy ăn bò làm chi
Chớ quen bán chó mua dê
Vui cùng hạc nội ham chi gà lồng"

Đối với những kẻ lập trường chao đảo, không biết phân biệt bạn thù, hô hào giao lưu, sớm đánh tối đầu, Hồ tiên sinh ví đám này như "Dê mắc sừng":
"Ngửa nghiêng như ốc biết gì
Bặt ngay tăn hẳn dường dê mắc sừng"

Còn những con chuột, cáo, hồ tự xưng là chú là bác, nhưng mặt trơ trán bóng, chuyên chui rúc trong quần chúng, thực hành chính sách "tam cùng" với vợ các đồng chí, đồng rận hay "cháu ngoan", tư cách còn thua loài muông thú:
"Những người mặt dạn mày dày
So xem xét cũng chẳng tày muông dê"

Văn học Việt Nam còn có truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài hai nhân vật chính là Kiều Nguyệt Nga và Lục "Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô. Vân Tiên cõng mẹ chạy vô, đụng phải chày vồ, cõng mẹ chạy ra", còn có hai vai nịnh là Trịnh Hâm và Bùi Kiệm. Hâm là tên nham hiểm, còn Kiệm có máu Dê đã cùng nhau hại Vân Tiên nhiều lần. Nhưng "thiện ác đáo đầu chung hữu báo", Vân Tiên sau bao nhiều gian truân, đậu được Trạng Nguyên và cưới Nguyệt Nga, còn hai tên Trịnh Hâm, Bùi Kiệm được Vân Tiên tha chết, trở về quê quán. Cụ Đồ Chiểu diễn tả đoạn "ân đền oán trả" này như sau:
"Trạng rằng: "Hễ đứng anh hùng
Nào ai có giết đứa cùng làm chi
Thôi thôi ta cũng rộng suy
Truyền quân cởi trói, đuổi đi cho rồi".
Hâm rằng: "Khỏi chết rất vui"
Vội vàng cúi lạy, chân lui ra về.
Còn người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bề mặt như dề thịt trâu
Hớn Minh, Tử Trực vào tâu
Xin đưa quốc trạng kịp chầu vinh qui
Một ngươi Bùi Kiệm chẳng đi
Trong lòng hổ thẹn vì mình máu Dê"

Riêng nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương lại ví những anh học trò "dốt hay nói chữ" như những chú Dê con ngớ ngẫn tưởng mình tài giỏi, bạ đâu húc đó:
"Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn xừng húc dậu thưa"

Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam cũng có khá nhiều truyện liên quan đến Dê. Trước hết là truyện Trạng Quỳnh "Dê Đực Có Chửa". Nguyên nhà vua nghe đồn có thần đồng ra đời tại tỉnh Thanh Hóa nên ra lệnh mỗi làng trong vùng phải nộp một con Dê đực có chửa, nếu không sẽ bị tội. Trong khi cả làng lo lắng, Trạng Quỳnh ung dung bảo đừng sợ. Một hôm, nhân dịp vua đi kiệu ngang qua, Trạng Quỳnh bèn đứng bên đường khóc rống lên. Vua lấy làm lạ, cho người hỏi, Trạng gào lên thảm thiết: "Mẹ tôi chết đã mấy năm nay, nhưng cha tôi không chịu đẻ em bé cho tôi bế ..." Vua bèn cười nói: "Chắc là mày bị bệnh ngây dại, cha mày là đàn ông thuộc giống đực thì làm sao mà chửa đẻ được." Bấy giờ Trạng Quỳng bỗng nín bặt, chắp tay thưa: "Thế vậy mà nhà vua bắt làng tôi nộp dê đực chửa". Vua nghe nói giật mình, biết ngay Trạng Quỳnh là thần đồng.
Lại còn truyện vui "Dê ... Chũm Chọe" như sau. Có một anh lính đóng đồn xa nhà, nhân có bạn cùng quê được nghỉ phép, anh bèn gửi 100 quan tiền và một bức thư về cho vợ. Người bạn biết anh lính không biết chữ nên mở thư ra coi, chỉ thấy miếng giấy vẽ 4 con chó, một hình bát quái, 2 con Dê và cặp chũm chọe (cymbal), không thấy đề cập gì tới 100 quan tiền. Vì vậy anh ta nổi lòng tham, chỉ giao cho vợ bạn 40 quan. Người vợ không chịu, kiện lên quan. Quan phán: Chồng chị gửi 40 quan tiền, người ta đã giao rồi, còn kiện cáo gì nữa". Người vợ thưa "những 100 quan cơ". Quan hỏi "sao chị biết". Người vợ đáp: "Có rõ trong thư đây: 4 con chó hay 4 cẩu tức là 4 lần 9 là 36, bát quái là 8 lần 8 tức 64, như vậy tổng cộng là 100 quan". Quan hỏi lại, anh bạn đành thú nhận và trả đủ 100 quan. Nhưng quan còn thắc mắc, hỏi thêm: "Thế hai con Dê và cặp chũm chọe là ý thế nào?" Chị vợ đỏ mặt thưa: "Đó là nhà con nói đùa đấy. Hai con Dê là đến tiết Trùng Dương, còn cặp chũm chọe ý nói nhà con sẽ về ... thăm con ạ".
Ngoài địa vị đặc biệt trong các tác phẩm văn chương, Dê còn được nhắc nhở tới khá nhiều trong tục ngữ ca dao, phản ảnh đời sống cũng như kinh nghiệm hàng ngày của giới bình dân. Nhìn chung, Dê thường không được qúi trọng như những gia súc khác như trâu, gà, heo v.v… là những con vật liên quan mật thiết hơn với đời sống nông dân. Dê hay được tượng trưng bằng những hình ảnh của những kẻ ăn chơi, ăn không ngồi rồi, kém đứng đắn như trong câu ca dao:
"Bươm bướm mà đậu cành bông
Đã Dê con chị, lại bồng con em"

Hoặc ngụ ý chê bai như:
"Phượng hoàng đậu nhánh sa kê Ông thần vật mấy thằng Dê cho rồi"
Đối với những chuyện tầm phào, lan man không ăn nhập vào đâu, người ta thường chê "chuyện cà kê dê ngỗng". Để chỉ những kẻ lường gạt, nói một đàng, làm một nẻo, tục ngữ có câu "treo đầu Dê, bán thịt chó". Đây là bản tính lưu manh của những tên đồ tể lãnh đạo, ngoài miệng xoen xoét "không có gì qúi hơn độc lập, tự do" nhưng dân chúng vẫn cần được "cởi trói" và "đổi mới". Tương tự, hạng người hay ăn to, nói lớn, hôm nay tuyên bố "chết sống tới cùng" hoặc "không thể sống được nếu thiếu cà pháo, mắm tôm", nhưng hôm sau đã dấu vội chiếc khăn quàng màu tím dưới đáy rương, bỏ thuộc cấp chạy trốn, thường bị cười chê là hạng "hổ bì dương chất", nghĩa là bề ngoài hung hăng như cọp, nhưng thực chất lại nhát như Dê.
Thơ mộng hơn, một anh chàng thợ mộc chuyên cất nhà mướn, khi gặp khách hàng là người đẹp cũng "ló mòi" văn chương tình tứ:
"Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cầu, làm quán, làm nhà khéo thay
Lựa cột anh dựng đòn tay
Bào trớn đóng bén nó ngay một bề
Bốn cửa anh chạm bốn Dê
Bốn con Dê đực chầu về tổ tông"

.......
Trước miệng lưỡi bén ngót như lưỡi bào của chàng thợ mộc đa tình, cộng thêm hình ảnh gợi cảm của bốn con Dê đực được chạm trổ khéo léo ngay bốn cửa, chắc chắn cô chủ xinh đẹp chẳng đành lòng từ chối. Biết đâu căn nhà khi hoàn tất sẽ lại chẳng có thêm một con 35!
Tới đây, rất có thể một số độc giả sẽ mau miệng hỏi tại sao Dê còn được gọi là "35"? Có phải tiêu chuẩn của mỗi Dê đực là 35 bà xã không? May mắn, câu trả lời là "không" vì ngay cả Dê chúa nếu phải phục vụ tới 35 bà xã thì cũng bỏ bầm! Theo lời giải thích của các vị thần Đổ Bác cắm trại thường trực tại các sòng bài Kim Chung và Đại Thế Giới ngày xưa, xổ đề là một môn cờ bạc rất phổ thông và dễ chơi. Người mua chỉ việc mua một con số, nếu nhà cái "xổ" ra trúng con số đó là lượm tiền. Để giới bình dân không biết chữ cũng có thể dễ dàng tốt nghiệp bộ môn "đề" của trường đại học cờ bịch, mỗi con số được nhà cái kèm theo hình một con vật cho dễ nhớ, thí dụ số 1 mang hình con cọp, số 2 hình con trâu, số 3 hình con chuột v.v... Trong tự điển "đề", con Dê mang số 35 nên Dê còn được gọi là 35 từ đó. Cũng trong ngôn ngữ Las Vegas, trong khi đánh bài, vị nào có tật khát nước, "điếc không sợ súng" cỡ nào cũng bỏ tiền theo như Dê húc càn, thường được mệnh danh là "Paul Húc"

DÊ VÀ NGHỆ THUẬT ẨM THỰC

Người Á Đông chúng ta có câu "dĩ thực vi tiên" hoặc nôm na hơn "có thực mới vực được đạo" nên chuyện ăn uống vô hình chung đã được nâng lên hàng nghệ thuật, không hẳn "ăn để mà sống" nhưng "sống để mà ăn". Người ta tìm đủ mọi loại thức ăn cầu kỳ gọi là "sơn hào hải vị" như "tay gấu, môi hầu", chuột bao tử, óc khỉ v.v... để thỏa mãn ông thần khẩu và cũng để "nên thuốc" theo lời bàn mao tôn cương của các đệ tử Hoa Đà, Biển Thước. Thịt Dê, tuy không qúi bằng "gan rồng, tủy phượng", nhưng vẫn được sắp vào hàng "đặc sản", không hẳn do hương vị, nhưng còn vì đặc tính chữa bệnh và nhất là bồi bổ sinh lực cho qúi vị đàn ông lắm thê nhiều thiếp như Dê xồm.
Chúng ta đã biết người Tây Phương thường dùng sữa Dê để thay thế sữa bò trong việc nuôi dưỡng trẻ em cũng như những người lớn tuổi; thịt dê cũng được tiêu thụ nhiều vì tương đối lành. Riêng đối với người Á Đông, ngoài chức năng nuôi sống loài người, Dê còn là một vị thuốc (nên thuốc) nữa. Các bợm nhậu thường kháo nhau món "ngọc dương hầm thuốc bắc" không những hẩu xực mà còn tăng thêm khả năng sinh lý khiến một ông có thể phục vụ nhiều bà. Tiết Dê cũng được coi là món đại bổ khi được pha uống chung với rượu. Các bợm nhậu lúc nào cũng xuýt xoa ao ước được "nhắm" món ngọc dương bằng rượu tiết Dê như trúng số cặp đôi để được "bà khen". Nhưng nói cho công bằng, Dê thật không "dê" như mọi người lầm tưởng, và "ngọc dương" cũng như "ngầu pín" cũng chỉ là những món ăn thông thường như "trâu dương" hoặc "heo pín". Trời sinh ra Dê, cũng như đa số những loài vật khác, chỉ năng động làm bổn phận truyền giống vào thời điểm thích hợp, thường là mùa xuân. Tuy nhiên, hình ảnh của một vị Dê chúa, sáng nào cũng mang bọc đồ nghề khổng lồ, âu yếm phủ lên mình những mệ Dê cái mỗi khi ra khỏi chuồng khiến chúng ta lầm tưởng Dê đực có tài thiên phú về "đóng dấu" như súng liên thanh bắn không biết mệt. Thật ra, Dê đực có tật nhảy ôm Dê cái, như người ta ôm hôn hít nhau khi từ giã đi cày, không phải "àm ăn" thật sự như mọi người tưởng. Đây là căn bản của luận cứ "khẩu dâm đâu phải là dâm" như Tông Tông Bill Clinton được vợ là nữ luật sư Hillary mách nước trọng vụ án song tấu saxophone cùng người đẹp Monica Lewinsky. Nếu ngày nào cũng phải "đóng dấu" vài ba chục bận, đến Voi cũng rã bành tô, chịu không thấu huống chi là Dê … cụ. Nghiệm cho kỹ, chính loài người mới thật sự được trời ban cho sức mạnh sinh lý vô địch, vì ngoài khả năng "đêm bảy ngày ba, vào ra không kể", chỉ có loài người là sinh vật độc nhất có thể thi hành chức năng truyền giống liên tu bất tận, bất kể thời gian, không gian, chẳng phải chờ tới mùa màng rắc rối như loài vật. Chỉ vì vua chúa ngày xưa có tam cung lục viện, ham hố quá độ khiến đạn dược thiếu hụt không kịp bổ xung nên mới sớm về chầu tiên đế. Vì thế, nếu tin vào trường phái "ăn gì bổ nấy", món "ngọc dương" hay "ngầu pín" có thể gây phản ứng ngược, khiến con người chỉ còn hứng khởi theo mùa!
Tuy vậy, theo sự nghiên cứu tường tận của các nhà dinh dưỡng, ngoài sữa Dê và phó sản là phó mát có đặc tính bổ dưỡng và rấ tốt cho trẻ em cũng như người già, thịt Dê cũng ít chất béo và lành không kém. Riêng tại Đông Phương, các vị "lương y như từ mẫu" cho biết thịt Dê còn có nhiều dược tính trị bệnh cũng như bồi bổ sức khỏe. Ngoài món "ngọc dương" và tiết Dê với huyền thoại tăng cường khả năng sinh lý, các món thịt Dê khác cũng được cho là có khả năng chữa bệnh vì thịt Dê có đặc tính nhiệt, ngọt, không độc nên có tác dụng ích khí, bổ huyết, tăng cuờng sinh lực, bổ thận, tráng dương, trị được cả chứng suy nhược và nhức mỏi nếu được nấu với những vị thuốc thích hợp. Trong các kiểu chế biến thức ăn, canh hay súp thịt Dê hầm được coi là dễ hấp thụ và có hiệu quả chữa bệnh cao nhất. Thí dụ như canh thịt Dê đương qui có tác dụng bồi bổ sức khỏe sau khi đau ốm và giúp phụ nữ bồi bổ khí huyết. Canh thịt Dê đậu phụ có tính giải độc, thanh nhiệt, bổ tì vị, nhuận táo. Canh thịt Dê củ mài chữa bệnh thận suy, lao lực và tay chân lạnh. Ngoài ra, thịt Dê xào tỏi giúp bổ thận ích khí, thịt Dê nấu với mật ong chữa chứng ớn lạnh, lao lực. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận khi dùng vì thịt Dê không thích hợp đối với những người có lượng mỡ trong máu cao, gan nhiệt, máu nóng, người dùng thuốc bắc có vị bán hạ hay xương bổ hoặc người có dương khí mạnh, tinh lực quá khỏe.
Đối với người Tây Phương, thịt Dê có hương vị đặc biệt, ít chất béo, tuy hơi dai, nhưng lại lành hơn các loại thịt đỏ khác. Thịt Dê được gọi chung là "cabrito" hay "chevron" tùy theo tuổi của Dê. "Cabrito", tiếng Mễ có nghĩa là Dê con, là thịt Dê sơ sinh (kid) mới được chừng một tuần, được người Mễ ưa dùng để nướng "Barbecue". "Chevron" cũng là thịt Dê non, nhưng tương đối lớn hơn vào tuổi dứt sữa. Thịt Dê lớn tuổi thường được dùng để làm xúc xích, "bologna" hay bằm nhỏ làm món "chili-con-carne" rất nổi tiếng trong thực đơn Mễ.
Riêng trong tâm tư người Việt tha hương lớn lên tại miền Nam, mỗi khi nhắc tới thịt và sữa Dê mà bỏ quên hình ảnh anh Bảy Chà, có lẽ là điều thiếu sót lớn. Dạo đó, chúng ta thường thấy những kiều dân Ấn Độ, người miền Nam gọi chung là "Chà Dzà"ngoài việc chuyên cho vay lời "cắt cổ", còn làm hai nghề căn bản, đó là bán vải và nuôi Dê. Tại thủ đô Sài Gòn ngày trước, các tiệm vải lớn quanh chợ Bến Thành hay tại đường chính như Nguyễn Huệ, Tự Do đều do các anh Bảy Chà gốc Bombay hay Calcutta làm chủ. Dường như chỉ chủ tiệm vải người Ấn mới đủ khả năng nhe hàm răng Hynos trắng nhởn tán tỉnh rành rẽ về các loại tơ lụa, vải vóc bắt nguồn từ Dê Mohair hay Cashmere. Còn nghề chăn Dê lấy sữa chắc cũng được truyền từ đời này sang đời khác từ cố quận Kashmir. Các anh Bảy Chà giao sữa Dê thường dùng xe gắn máy "mobylette" chở từng bao bố có túi chứa các chai thủy tinh đựng sữa được bọc cẩn thận cho khỏi bể. Mỗi sáng sớm, anh Bảy giao sữa tận nhà những người giàu có nhưng kén chọn, thích sữa Dê hơn sữa bò hoặc sữa ... người! Sau khi bị vắt hết sữa, các con Dê già được anh Bảy khéo tay chế biến thành với món cà ri Dê bất hủ.

SỐ MẠNG NGƯỜI TRONG NĂM DÊ

Đầu năm, sau khi "phiếm" qua về các mục khoa học, văn chương, lịch sử, ẩm thực v.v... tưởng cũng nên mở tráp, bấm chỉ tay coi bói xem tướng cho đúng thuần phong mỹ tục xin xâm hái lộc của bốn ngàn năm văn hiến. Nhìn chung, theo lời các bậc tiên tri, năm Dê là thời điểm xảy ra nhiều biến cố quan trọng, chẳng hạn như sấm Trạng Trình đã tiên đoán:
"Long Vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khởi đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình"

Đại khái mấy câu này cho rằng cuối năm con Rồng, đầu năm Rắn (Long vĩ Xà đầu) là lúc khởi đầu chiến tranh và có họa binh đao, cho tới cuối năm con Ngựa, con Dê (Mã đề, Dương cước) sẽ có nhiều người chết, qua đến năm Khỉ năm Gà mới thấy thái bình.
Tại miền Tây Nam phần Việt Nam thuộc các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Cao Lãnh v.v… có rất nhiều tín đồ Hòa Hảo. Nếu đi qua các phòng đọc giảng, ta thường nghe các câu sấm giảng cuả Đức Thầy, liên quan đến năm Dê như sau:
"Mèo kêu bá tánh lao xao
Đến chừng Rồng, Rắn máu đào chỉn ghê
Con Ngựa lại đá con Dê
Khắp trong trần thế nhiều bề gian lao
Khỉ kia cũng bị xáo xào
Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng"

Các tín đồ Hòa Hảo tin rằng theo lời Đức Thầy, năm Mèo (Mẹo) nảy sinh nhiều tai biến, đến năm Rồng, Rắn (Thìn, Tị) máu đổ nhiều; qua năm Ngựa, Dê, Khỉ (Ngọ, Mùi, Thân) thế gian phải chịu nhiều tai ương xào xáo, cho tới khi tới năm Gà (Dậu) mới hết đổ máu. Ngoài ra, ông Ba Thới cũng thuộc đạo Hòa Hảo còn có các câu mang ý nghĩa tương tự:
"Con Mèo ngồi sợ Rắn xa đàng
Dê thời ghét Khỉ xóm làng sạch trơn
Thập bát quốc làm hội đầu sơn
Thăng thiên độn thổ nhờ ơn Phật Trời"

Riêng về số mạng mỗi người, năm con Dê rất thích hợp với phái nữ, nhất là các bà các cô tuổi Mùi. Nhiều thày bói sáng thường bàn ra tán vào về chuyện "kỵ năm tuổi", nhưng không cần phải là đệ tử ruột của tổ sư bói toán Qủi Cốc, Trần Đoàn cũng biết ngay Ất Mùi phải là năm đại kiết vì ca dao ta có câu: "Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, sao tôi lại cứ ngậm ngùi tuổi (tủi) Thân". Như vậy, phụ nữ sinh vào năm Ngọ, năm Mùi rất may mắn về đường tình duyên gia đạo, có được chồng tốt, con ngoan.
Về tính tình, theo sách tướng số Đông Phương, những người sinh vào năm Mùi, tức là các năm 1907, 1919, 1931, 1943, 1955, 1967, 1979, 1991 1907, 1919, 1931, 1943, 1955, 1967, 1979, 1991, nhất là phái nữ thường là người mơ mộng, sáng tạo tuy có hơi thâm trầm và quyết đoán. Tuổi Dê giàu năng khiếu, có óc tổ chức nhưng nhiều khi bị phân vân giữa thực tế và ảo vọng. Tuổi Dê rất nhạy cảm, thích được người khác nâng niu và tán thưởng, nếu không đạt được mục đích sẽ dễ sinh ra hoang mang, bất ổn, lo sợ vẩn vơ tự mình làm khổ. Tuổi Dê cũng rất chú trọng vào diện mạo bên ngoài nên tốn rất nhiều thì giờ chải chuốt, ngắm nghía. Nói chung, người tuổi Dê rất dễ thương và gặp nhiều may mắn, nhưng cần tập tính chủ động, đừng để đời mình lệ thuộc vào sự phê phán của người khác. Nếu bỏ bớt ảo vọng, biết tự chủ thì cuộc đời sẽ ung dung nhàn nhã như Dê tơ trên cánh đồng hoa vào mùa xuân, tha hồ ung ung tận hưởng. Tuổi Dê hạp với tuổi Mèo và Heo (Tam hạp: Mùi, Mẹo, Hợi). Tuổi Dê khắc với tuổi Trâu, Rồng và Chó (Tứ xung: Mùi, Sửu, Thìn, Tuất).
Theo tử vi Tây Phương, những người tuổi Nam Dương (Capricorn), sinh từ ngày 22 tháng 12 đến ngày 20 tháng Giêng, thường coi trọng danh vọng cũng như địa vị xã hội, vì vậy đặt nặng vấn đề giao thiệp. Tuổi này có óc tổ chức, tinh khôn rất thích hợp với cuộc sống cộng đồng ngoài xã hội hơn trong mái ấm gia đình, nhưng vẫn trung thành và tự tin. Về tình yêu, tuổi Nam Dương thường tính toán, sắp xếp, cân nhắc lợi hại trước khi quyết định chọn đối tượng, nhưng khá chung tình. Nam Dương hạp với các tuổi Kim Ngưu, Xử Nữ, khắc với các tuổi Bắc Giải và Thiên Xứng.
Để kết luận, chúng tôi một lần nữa kính chúc qúi vị một năm mới An Khang Thịnh Vượng, Như Ý Sở Cầu. Nhân tiện, kính tặng qúi vị một bài thơ không rõ xuất xứ (xin phép trích đăng) để độc giả nam phái chiêm nghiệm về người đẹp của mình trong năm Ất Mùi như sau:
"Biết em tuổi Tý dễ thương,
Miệng hay lén lút trong rương ăn quà
Tuổi Sửu là con Trâu nhà,
Ruộng vườn chăm sóc, chẳng hà phiền chi.
Tuổi Dần ai mà dể khi,
Trong ngoài đều giỏi, ai bì theo ai?
Nếu em mang tuổi con Mèo,
Phải sang anh hưởng, phải nghèo, nghèo luôn.
Con Rồng làm gió mưa tuôn,
Em lo sự nghiệp để buồn phận anh.
Tuổi Tỵ con rắn khôn lanh,
Thương chồng quấn quít chẳng đành đi xa.
Con Ngựa là tuổi hải hà,
Chồng theo không kịp ở nhà thở than.
Tuổi Mùi con cháu đầy đàn,
Trai tài gái sắc rỡ ràng tông môn.
Tuổi Thân có nghĩa có hồn,
Gần thì khắc khẩu, bồn chồn lúc xa.
Tuổi Dậu cầm tinh con Gà,
Ngày đêm chăm chút, mượt mà nuôi con.
Tuổi Tuất trông ngóng mỏi mòn,
Chồng thường đi vắng, ôm con đợi chờ.
Tuổi Hợi sao quá hững hờ,
Lo mình chưa đủ, lại chờ người ta!

* * * * *
Mười hai tuổi đã phân ra,
Tuổi em xin cứ cho "qua" biết tường …"

Cung Chúc Tân Xuân


Trần Đỗ Cẩm

Austin, Texas Jan./2015


Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.