Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Mối tình đầu của cha tôi

Hà Bạch Trúc
Tặng Gi, mùa Tết 2015

Chuyện hôm ni sẽ thành chuyện kể
Những lúc chiều đem nắng sang sông
O bâng khuâng nhè nhẹ hỏi lòng
Mình nhớ ai mà buồn chi lạ! (1)
Tại châu Âu, Thế Chiến Thứ Hai đang bước vào thời kỳ khốc liệt. Tại Việt Nam, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, vua Bảo Ðại, đang trị vì. Nơi kinh thành Huế, có hai người đẹp nổi tiếng là hai chị em Ngọc Yến và Ngọc Oanh. Năm đó, Oanh vừa tròn mười tám tuổi, theo gia đình từ giã Huế để ra Vinh. Cô gái Huế có vóc người nhỏ nhắn mình hạc sương mai, da trắng nõn mịn màng như lụa, đôi mắt to trong sáng và đặc biệt gương mặt nàng lúc nào cũng tươi tắn và rất có duyên.
Một hôm mẹ nàng đi xa về, bà kể trên chuyến xe lửa đã tình cờ gặp gỡ và trò chuyện với một chàng trai trẻ thuộc dòng hoàng tộc tên Ðàm. Ở Vinh, xa Huế, gặp được người cùng quê quán, bà cảm thấy như thân thuộc tự bao giờ. Bà cảm mến nhân cách và sự lịch lãm của chàng trai nên mời chàng ghé nhà chơi khi có dịp. Ðáp lời mời, ít lâu sau, chàng trai ghé thăm.
Lần đầu gặp Oanh, Ðàm đã bị chinh phục ngay bởi sắc đẹp cùng sự duyên dáng và nét hiền dịu của nàng. Từ đó mỗi cuối tuần được nghỉ việc, chàng đều ghé thăm gia đình nàng. Tình yêu đến với chàng thật tự nhiên và nhanh chóng. Lần đầu biết yêu, chàng say sưa theo tiếng lòng và làm tất cả để chinh phục tình yêu của nàng. Còn Oanh, từ khi gặp Ðàm, nàng không tài nào quên được hình ảnh chàng trai trẻ đẹp, hào hoa và trí thức đó. Ðàm có khuôn mặt điển trai với mái tóc dợn sóng tự nhiên khiến cho gương mặt chàng có nét tài tử lãng mạn hết sức đặc biệt. Thêm vào đó, cặp kính cận tạo cho chàng vẻ trí thức, khác với những người thanh niên khác. Tình yêu đến với Oanh nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở. Ðàm chính là người yêu lý tưởng và đầu đời của nàng. Sau một năm, hai người yêu nhau tha thiết và sống mối tình đầu tuyệt đẹp giữa tuổi thanh xuân hoa mộng. Họ đặt trọn niềm tin vào một hạnh phúc tương lai với người mình yêu và thề nguyền gắn bó trọn đời bên nhau.
Hai mươi tuổi, Oanh tốt nghiệp và bắt đầu làm y tá trong bệnh viện ở Vinh do một bác sĩ người Tàu làm giám đốc. Ngày ngày nàng đến bệnh viện để làm việc. Như mọi bác sĩ hay y tá khác, mỗi tuần một hay hai đêm Oanh phải ở lại bịnh viện để lãnh phiên trực của mình. Một ngày mùa đông lạnh rét, đi làm về, nàng khóc nức nở. Mẹ nàng hốt hoảng hỏi nhưng nàng không nói được, chỉ biết khóc, mặt lộ vẻ kinh hoàng. Gặn hỏi mãi, cuối cùng Oanh kể rằng buổi tối hôm trước, khi trực đêm ở bịnh viện, nàng đã bị hãm hiếp. Người làm việc tồi bại đó chính là ông bác sĩ giám đốc bệnh viện. Thật ra ông ta để ý một cô y tá khác, và đã lầm tưởng Oanh với cô ta, vì đêm đó Oanh nhận lời trực thay cô ta. Oanh đã bị hiếp và cay đắng hơn nữa là đã bị hiếp lầm!
Bi kịch vừa đổ xuống đời Oanh khiến nàng sững sờ đau đớn. Nghĩ đến người yêu, nàng xấu hổ chỉ muốn chết. Hơn ai hết, mẹ nàng hiểu nỗi thống khổ của nàng, bà sợ nàng sẽ hủy hoại tấm thân nên bà tìm đủ mọi lời lẽ để an ủi nàng. Mấy tuần lễ trôi qua, Oanh không dám gặp Ðàm. Cho đến một hôm Oanh khám phá ra nàng mang thai. Gia đình Oanh gọi ông bác sĩ giám đốc bịnh viện đến nói chuyện. Ông ta bằng lòng cưới Oanh làm vợ. Ȏng sắp mãn hạn làm việc ở Việt Nam nên sau ngày cưới, nàng sẽ theo ông về Tàu sinh sống.
Ðất trời như sụp đổ. Ðịnh mệnh trớ trêu nào đã hại đời cô gái Huế thanh tân trong trắng ấy. Ðinh mệnh nào đã làm tan vỡ mộng đẹp nàng hằng ấp ủ bấy lâu. Lửa lòng đã tắt, Oanh nhận lời lấy ông bác sĩ giám đốc bệnh viện. Nàng còn xá gì nữa khi đã không thành với người nàng yêu. Nàng sẽ đi thật xa để chạy trốn Ðàm và quên đi tất cả. Ðám cưới được tổ chức vội vã.
Trước ngày theo chồng về nước, Oanh hẹn gặp Ðàm lần cuối. Nàng khóc rất nhiều khi nói lời từ biệt, nhưng nàng nhất định không nói tại sao nàng đi lấy chồng. Trong nỗi bất lực và đau đớn tột cùng, Ðàm đã gỡ kính cận đang đeo và đập xuống mặt bàn bằng kiếng khiến kính cận và mặt bàn vỡ nát. Oanh nhìn những mảnh kiếng vỡ mà cảm thấy như lòng nàng và cả cuộc đời nàng cũng vỡ tan trăm nghìn mảnh. Ðàm ơi, cứ trách em đi, nhưng làm sao em dám thú thật với anh chuyện nhục nhã của đời em. Chuyện chúng mình quá thơ ngây trong trắng, thương nhau bao năm trường nhưng chỉ dám cho nhau những ánh mắt, những nụ cười, những ngón tay đan vào nhau như mãi không muốn rời, những lời hứa hẹn một ngày hai đứa mãi mãi bên nhau ... Bây giờ tất cả chỉ còn là hư vô ...
Tháng ba 1946, ngày Oanh cùng chồng rời Vinh, trên sân ga nàng thấy Ðàm đứng ở xa xa. Lúc tàu chuyển bánh mang người thiếu nữ trẻ với cõi lòng tan nát rời xa quê mẹ, hình ảnh cuối cùng Oanh còn giữ lại chính là hình ảnh của Ðàm, mối tình đầu của nàng, đứng bơ vơ trên thềm ga vắng, lặng lẽ nhìn theo con tàu khuất dần. Oanh tự nhủ lòng chắc chẳng bao giờ còn gặp lại Ðàm.
Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó
Về đi thôi O nớ… chiều rồi
Ngó làm chi mây trắng xa xôi
Mắt buồn quá chao ơi là tội! (2)
Tôi sinh ra ở đất Thần Kinh, trong một gia đình mà những người con gái đều có tên đôi, họ và tên rất dài và cổ kính. Cha tôi lấy mẹ tôi năm ông 31 tuổi. Mẹ tôi thuở tuổi học trò đã từng là hoa khôi trường Đồng Khánh Huế, sau khi lấy cha tôi vẫn có tiếng là một trong những người đàn bà đẹp nhất của xứ Huế thời đó. Cha tôi lớn hơn mẹ tôi 9 tuổi, có vợ đẹp và yêu vợ nên ông ghen và giữ vợ như giữ một kho tàng quý báu.
Tôi còn giữ một kỷ niệm lúc đó mới khoảng 5 hay 6 tuổi, hôm đó ở lớp bọn con nít chúng tôi tranh cãi nhau, ai cũng dành mẹ mình đẹp nhứt, gây nhau ỏm tỏi, cho đến nỗi ông thầy giáo phải can và hỏi tại sao, khi biết được đề tài tranh dành, thầy nói người đàn bà đẹp nhứt xứ Huế này chính là Mẹ tôi. Trong bữa cơm chiều hôm đó, tôi hãnh diện kể cho cả nhà nghe, chẳng dè cha tôi nổi xung thiên chửi thầy tôi “dám cả gan nói đụng đến vợ ông và cả gan khen vợ ông đẹp”. Cha tôi còn đòi sáng hôm sau vô trường gặp thầy tôi để "hỏi chuyện", làm tối hôm đó tôi sợ quá, ngủ không được. Hôm sau mẹ tôi phải can cha tôi không cho ông vào trường kiếm thầy tôi. Cha tôi là người thanh lịch có tiếng, lại trực tính và tốt bụng, rộng rãi không ai bằng, nhưng tính ông nóng như lửa nên ông hay dễ nổi giận.
Năm tôi tám tuổi, một hôm cha tôi có ý định cho một đứa con vào Sài gòn sống với cậu tôi vì cha thương cậu mợ không có con. Tôi gan lì tình nguyện vào sống với cậu mợ, có lẽ cũng vì e sợ cái tính nóng nảy của cha. Từ đấy tôi sống xa gia đình, xa miền trung, mỗi năm chỉ mùa hè mới về thăm nhà, cho đến năm mười tám tuổi tôi ra nước ngoài du học.
Tháng tư 1975, cha mẹ và các em tôi rời Việt Nam sang Pháp sống với tôi tại Grenoble, một tỉnh nhỏ nằm dưới chân núi Alpes miền Ðông Nam nước Pháp. Mấy năm sau, cha tôi qua đời khi ông vừa đúng sáu mươi tuổi rưỡi. Ngày cha tôi mất, cái đồng hồ có con chim cứ mỗi giờ kêu cúc cu bỗng dưng bị chết. Ai vặn cũng không chạy, tới tay mẹ tôi vặn thì cái đồng hồ mới chạy lại. Và từ đó, chỉ mình mẹ tôi vặn đồng hồ, nó mới chạy; ai khác lên giây là sau đó đồng hồ lại đứng. Chín năm sau mẹ tôi cũng qua đời, năm đó bà cũng vừa đúng sáu mươi tuổi rưỡi. Ngày mẹ tôi mất, cái đồng hồ kêu cúc cu lại chết. Lần này đồng hồ chết luôn, mặc cho anh em tôi lên giây đủ cách. Có những khi tôi tự nghĩ, hay là cha tôi mong mỏi mẹ tôi về với cha, nhưng không muốn vợ mình đi sớm nên cha đã để cho vợ mình cũng được tận hưởng cuộc đời ở cõi trần gian này ngang bằng khoảng thời gian chính mình được hưởng?
Đã bao nhiêu năm qua rồi, những lúc chợt nghĩ đến cha mẹ, tôi vẫn hình dung cha mẹ đang ở bên nhau trên cõi thiên đàng đó. Cha tôi vẫn còn ghen như xưa và vẫn còn giữ gìn mẹ tôi, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nâng niu như nâng ly thủy tinh, cưng quý như một kho tàng vô giá…

Trong đám bạn tôi, quen nhau đã mấy mươi năm từ thuở còn đi học, có vợ chồng Lâm và Ngọc Mỹ. Lâu lâu bọn tôi thường tổ chức gặp gỡ và đi chơi chung với nhau. Cách đây tám năm, một hôm cả bọn đi chơi, tôi ngồi cùng xe với Mỹ. Cô nàng líu lo kể đủ thứ chuyện, từ chuyện đời xưa đến đời nay, chuyện gia đình, bè bạn…. Loáng thoáng tôi nghe tên vài người tôi quen, mà cũng nhiều tên tôi không biết… Quỳnh Trâm, Hùng, Tuấn, Dũng... anh Đức, chị Hà… Anh Ðức … a hình như tôi có biết người này. Hỏi ra thì đúng là bác Ðức tôi quen.
Tôi nói:
- Mới tuần trước, ta gặp bác Ðức.
Bác Ðức đâu có bao giờ nhắc chuyện ngày xưa, nhưng tự nhiên lần gặp gỡ vừa qua, bác nhắc đến cha tôi. Tôi kể lại cho Mỹ nghe lời bác nói: “Bác nhớ mãi hình ảnh cha con ngày xưa hay cỡi con ngựa trắng”.
Tò mò Mỹ hỏi:
-Thế cha mi tên chi?
Tôi trả lời:
- Cha ta tên Tôn Thất Ðàm.
Mỹ chỉ khẻ nhíu mày rồi không nói gì nữa. Hai ngày sau gặp lại tôi, Mỹ hỏi:
- Có phải cha mi có hai cô em gái, tên ở nhà gọi là Bướm Chị và Bướm Em không ?  
- Đúng là hai O của tôi.
- Mi có biết ai tên Ngọc Oanh không?
Tôi lục lạo trí nhớ một lúc lâu, rồi trả lời không.
- Là ai rứa?
- Là dì của tao và mối tình đầu của cha mi đó.
Tôi như người từ trên trời rơi xuống. Có bao giờ tôi nghĩ cha tôi có mối tình nào khác ngoài mẹ tôi đâu. Người cha tận tụy với gia đình, người cha nghiêm nghị, nóng tính nhưng cực kỳ tốt bụng đó, đã có mối tình đầu lãng mạn với người dì của bạn tôi sao? Nhưng sao hai người không thành với nhau? Tại sao chia tay?
Mỹ kể cho tôi nghe câu chuyện đời dì Oanh của nó, từ lúc gặp cha tôi, hai người yêu nhau, rồi dì bị hiếp đến mang thai. Trong hoàn cảnh xã hội thời đó, một người con gái không chồng mà có thai, không thể chấp nhận được. Dì không có cách nào khác hơn là lấy người đã gây ra nghịch cảnh cho đời mình. Dì theo chồng về Trung Quốc, hai người sống ở Thiên Tân và có ba người con.
Chồng dì là một người ham mê nữ sắc. Sống trong một xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ như xã hội Trung Hoa, cộng thêm cá tính riêng, ông sống cuộc đời buông thả, mèo chuột lăng nhăng và luôn bạc đãi dì. Ȏng chỉ coi dì như một người đàn bà đẹp để ông thỏa mãn dục vọng, chứ không phải như người yêu, người tình hay người bạn đời mà ông trân quý. Hai người sống với nhau không có hạnh phúc.
Ở Trung Quốc, chồng của dì tiếp tục hành nghề bác sĩ cho đến khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ thì ông bị bắt. Dì phải gồng gánh con thơ chạy về miền quê lánh nạn và một mình xoay sở, lặn lội nuôi con. Cuộc đời của dì là một chuỗi dài những gian truân và nghịch cảnh khó ai có thể hình dung được. Nhiều lúc dì muốn trở về quê hương Việt Nam nhưng không biết phải làm cách nào để thoát ra khỏi đất nước đầy nghi kỵ và kềm kẹp, thiếu tự do và hoàn toàn khép kín đó.
Tôi đã rơi nước mắt khi nghe Mỹ kể chuyện tình của dì Oanh với cha tôi. Mối tình đầu là mối tình trong trắng nhất, nếu không thành sẽ để lại vết thưong lòng muôn đời. Thương cha thì ít nhưng thương dì Oanh thật nhiều. Cuộc đời của cha tôi sau dì Oanh dù sao cũng đầy hạnh phúc với mẹ tôi, còn cuộc đời dì Oanh thì coi như đã chấm dứt sau ngày chia tay với cha tôi.
Mỹ cho tôi biết hiện dì Oanh đang có mặt ở Pháp. Không đắn đo suy nghĩ, tôi xin Mỹ số điện thoại và gọi ngay cho dì. Bên kia đầu giây là một giọng nói nhẹ nhàng trong trẽo mà nếu không biết chuyện của dì, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nghĩ đó là giọng nói của một bà lão trên 80 tuổi. Biết tôi là con của ai, dì xúc động lắm, dì nói:
- Dì không gặp lại được cha con nhưng gặp con như gặp cha con. Ðến thăm dì đi và mang theo hình cha mẹ con và mấy anh chị em con cho dì coi với.
Tôi cũng nôn nóng muốn gặp dì nên thu xếp đến thăm dì tại thành phố Avignon, miền Nam nước Pháp. Gặp tôi, dì ôm tôi và nhìn không chớp mắt, "con giống cha con quá". Dì nhìn say sưa những hình ảnh chụp cha mẹ tôi và năm anh em chúng tôi. Dì khen mẹ tôi đẹp quá, dì nói vẫn còn nhìn lại được những nét ngày xưa của cha tôi. Dì nói nhắm mắt lại dì vẫn còn rõ mồn một hình ảnh của cha tôi thời trai trẻ. Dì nói dì rất vui mừng khi biết được cha tôi được hạnh phúc tuyệt vời với mẹ tôi. Tôi tin những lời này xuất phát từ trái tim dì.
Dì kể cho tôi nghe sau 1975, dì mới liên lạc lại được với gia đình sau 30 năm chia cách. Chính chị của dì là Ngọc Yến, mẹ của Ngọc Mỹ, đã qua Trung Quốc thăm dì và làm giấy tờ bảo lãnh cho dì qua Pháp. Dì tâm sự, có dịp qua Pháp, dì chỉ mong ước tìm lại được tông tích của cha tôi. Tại đây, một hôm dì đi cùng chị đến chùa dự đám ma một người bạn gái, thì có người cho biết cha tôi sống với vợ con ở thành phố Grenoble, nhưng cha tôi đã qua đời. Dì Oanh khóc ngất… Ai cũng tưởng dì khóc bạn, nào ai biết được dì khóc vì biết rằng sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội để nói với người yêu đầu sự thật của đời mình. Lần chia tay trên sân ga ngày ấy ngờ đâu lại là lần vĩnh biệt nhau mãi mãi, là lần cuối cùng nhìn thấy nhau.
Dì tiếp tục kể, sau đó mặc dù đã gần 60 tuổi, dì vẫn lo kiếm việc làm để khỏi nhờ cậy chị và cháu của mình. Dì tìm được việc làm nên ở lại Pháp đã hai mươi năm. Mười lăm năm đầu, dì làm y tá riêng chăm sóc cho một ông công tước già tại nhà ông. Năm năm sau này, dì sống môt mình trong một căn nhà nhỏ, hàng ngày dì đi sinh hoạt trong một hội tại điạ phương, dì làm thơ, vẽ, múa và hát.
Một thời gian ngắn sau khi gặp tôi, dì về Trung Quốc thăm con, định sau đó sẽ trở lại Pháp nhưng dì bị lên cơn đau tim nên phải ở lại Trung Quốc vì bác sĩ không cho dì đi xa. Từ đó tới nay, tôi vẫn giữ liên lạc với dì, hễ có dịp là tôi bay qua thăm dì ở Thiên Tân, thành phố cảng lớn nằm ở phiá Bắc Trung Quốc, gần Bắc Kinh. Lâu lâu nhớ dì, tôi gọi điện thoại, hai dì cháu nói chuyện hàng giờ không hết. Mỗi lần nghe dì Oanh kể chuyện, tôi như lạc vô một thế giới huyền ảo trong đó tôi không xa lạ với những nhân vật, nhưng thật xa lạ với những nghịch cảnh thương tâm của dì. Mặc dù đã gần chín mươi tuổi nhưng dì còn năng động, vui vẽ và minh mẫn hoàn toàn. Tôi vẫn nhủ lòng: “Dì ơi, mối tình đầu của dì đẹp lắm nhưng sao đời dì khổ quá, ba chìm bảy nổi, bôn ba lận đận tứ phương, không khác chi tiểu thuyết. Phải chi con được ở gần dì để chia sẽ với dì những vui buồn lúc cuối đời.”
Chuyện của dì Oanh không khỏi làm tôi liên tưởng đến nhân vật Lara trong truyện tình Bác sĩ Zhivago. Lara nhan sắc mặn mà, tính hiền lành và trung hậu nhưng cả cuộc đời chỉ là nạn nhân đau khổ. Lúc còn là con gái, Lara cũng bị cưỡng hiếp, và cuối cùng nàng phải đi theo và lấy Komarovski là người đã làm nhục nàng. Hai cuộc đời, hai thời đại, hai đất nước hoàn toàn khác nhau nhưng sao thân phận họ giống nhau lạ lùng. Hình ảnh dì Oanh và Lara nhập nhoè như quyện vào nhau. Chập chờn hình ảnh Lara lúc chia tay Yuri Zhivago trong khu vườn ngút ngàn tuyết trắng và hình ảnh dì Oanh vĩnh biệt cha tôi trên thềm ga vắng. Tiếng nhạc ngựa đưa Lara đi xa mãi mãi có khác chi tiếng còi tàu đưa dì Oanh rơi quê hương, phải chăng là tiếng khóc nghẹn ngào của những người tình trong giây phút vĩnh biệt.
Mùa đông lại về, Tết lại sắp đến, tôi nôn nao muốn đi thăm dì Oanh. Lần nào tôi sang thăm, dì cũng ân cần, chu đáo và nhất là dì rất vui và nói chuyện không dứt. Tôi nhủ lòng lần này sẽ mang theo thật nhiều hình của cha tôi cho dì xem, như mang một niềm vui nho nhỏ, dù muộn màng đến cho dì.
Và tôi nghĩ tới cha tôi. Sự tình cờ nào đã đưa đẩy tôi gặp người yêu đầu của cha? Sự tình cờ nào đã khiến dì Oanh gặp tôi khi cha đã qua đời, khi mối giây liên hệ giữa dì với cha  không còn lý do để tồn tại? Có phải chỉ là sự tình cờ hay đó là duyên của dì với cha con tôi? Mối duyên gặp gỡ ngắn ngũi của dì với cha tôi tưởng đã chấm dứt, nhưng lại tiếp tục sang tôi sau 65 năm gián đoạn và vượt cả không gian 8500 cây số từ Trung Quốc đến tận nước Pháp.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Giữa dì Oanh và cha con tôi hình như chữ duyên lấp ló đó đây, nhưng chữ nợ thì rõ ràng không có. Mọi sự ở đời phải chăng chỉ là cái duyên vô thường, có không không có, hợp rồi tan, tan rồi lại hợp. Ôi những mối tình dang dở, những mối tình đẹp muôn thuở! Văng vẳng bên tai điệu nhạc buồn và lời ca da diết của bài hát Somewhere my love, Người tình thương nhớ.


1, 2 Qua mấy ngõ hoa; Mường Mán
Source Internet.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.