Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Số Con Rệp



Hồi lý Jo. Vĩnh

 

Hồi còn nhỏ mẹ tôi dắt tôi đi coi bói đầu năm, ông thày xem tướng nói tôi: "Tướng anh là tướng xấu, tương lai không có gì sáng sủa, lại gian nan, lận đận, có cố gắng cách mấy, cũng không đi đến đâu".

Mẹ tôi nghe vậy rất buồn, còn tôi lúc đó chẳng hiểu gì nên không bận tâm, tối ngày chỉ biết rong chơi. Sau này tôi mới biết ông thày nói đúng. Tôi sinh ra trong một ngôi sao xấu, loại sao xẹt trong đêm. Đã vậy lại sinh lầm thế kỷ, một thế kỷ của tiền bạc, danh vọng và chiến tranh. Tất cả những cái đó tôi đều không có. Đối với tôi tất cả chỉ là ảo vọng.

Xây bao nhiêu mộng trong đầu

Là xây từng đó nhịp cầu thê lương

 

Trong mười hai con giáp, tôi sinh ra không giống con giáp nào. Con giáp nào cũng có cái hay cái dở, nhưng tôi không hay, cũng không dở mà là ương ương. Chúng bạn nói tôi là "Số Con Rệp", con giáp thứ 13, một con giáp không có tên trong bảng phong thần....

Mẹ tôi sinh ra tôi ngay trên bờ ruộng. Khi bà đang cấy lúa thuê cho người ta, thì đau bụng đẻ, nên chỉ kịp leo lên bờ là tôi đã lo bò chui ra. Tôi mở mắt chào đời thấy toàn là đồng ruộng. Chỉ mới nhìn thấy cái cảnh chân lấm tay bùn của mẹ, là tôi đã sợ hãi và khóc thét lên. Tiếng khóc oán than, nức nở ban đầu báo hiệu cho cả cuộc đời khồ sở của tôi. Giá biết vậy lúc đó tôi cười, có lẽ đời tôi sẽ đỡ hơn.

Mẹ tôi kể lại rằng: Tôi khóc mãi cho tới khi bà mang về nhà, đặt vào giường thì tôi mới nín khóc. Mẹ tôi chỉ nghỉ ở nhà có 5 ngày, rồi đi cấy lúa tiếp. Thế là tôi lại được mẹ mang ra ruộng lúa, đặt nằm trên bờ ruộng, dưới gốc cây tre già, trơ những cành đầy gai nhọn hoắt, nằm ngắm bầu trời cao xanh thẳm, trên cành tre con chim chích chòe đang nhịp cái đuôi theo đúng tiếng hót trầm bổng của nó, tiếng con chim hót ru tôi vào giấc ngủ vùi.

Gia đình tôi theo làn sóng di cư vào miền Nam năm 1954 và định cư tại vùng đồng ruộng Cái Sắn Rạch Gía, Kiên Giang. Tôi lớn lên trong vùng quê này, nhưng không trưởng thành ở đây, vì trong tâm trí tôi lúc nào cũng muốn vượt thoát cái cảnh cong lưng gặt lúa, cuốc đất trồng khoai.

Nhưng từ khi tôi biết suy nghĩ, thì mới thấy số mình là số không bao giờ may mắn. Tôi còn một người chị tính nết thật thà, chất phác và hơn tôi 5 tuổi, nên chị em tôi luôn bị đám bạn bè ăn hiếp. Bố mẹ tôi mua cho chị cái gì, thì cũng bị chúng bạn đe dọa lấy mất, chị em tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Tôi tức lắm, có lần đi học, tôi bị một thằng bạn chặn đường dựt bút chì màu, tôi không thể nhịn được, bèn nhào vô đánh nó, nhưng vì sức yếu, người tôi lại nhỏ con, nên bị hắn đục lại, sưng bầm cái mặt. Còn chị tôi chỉ biết chạy về nhà méc bố mẹ. Thế là tôi vừa bị bạn xấu đánh xưng mặt mày, lại bị bố bắt quỳ vì tội đi đánh lộn.

 
Chỉ có mẹ thương tôi, vì người hiểu rõ nội tình, nên trách chị tôi không biết bênh vực em mà còn nói với bố là đi đánh lộn. Tôi giận thằng bạn một, nhưng giận chị tôi mười, tôi không thèm nói chuyện với chị tôi sau cả một tuần lễ. Chị tôi dụ khị tôi mãi, rồi hứa; lúc đi chăn trâu sẽ cho tôi cưỡi trâu. Tôi vui vẻ trở lại, nhưng thật là xui xẻo, khi đi chăn trâu, chị tôi đỡ tôi leo lên mình trâu, chưa kịp ngồi đúng thế thì nó ù chạy, hất tôi xuống đất. Cái mặt tôi chưa hết những vết bầm đánh lộn, nay lại thêm những vết bầm té trâu, từ đó tôi không bao giờ dám leo lên lưng trâu nữa. Tôi nghĩ có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy chưa một lần leo lên lưng trâu. Vì nếu ông ngồi lên mình trâu mà sáng tác nhạc thì ông sẽ bị trâu hất té nhào xuống đất. Ông mà bị té đau như tôi, chắc ông sẽ không viết lên khúc nhạc bất hủ:

"Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ....."

Rồi tôi cũng hay họa lại khúc nhạc của ông:

"Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu ta rờ sừng trâu, rồi ta vuốt cái đuôi trâu"

(Rờ sừng trâu thì bị trâu húc, mà vuốt đuôi trâu thì bị trâu đá có khi toi mạng)

Tôi còn nhớ năm tôi học lớp Tư (tức là lớp 2 bây giờ). Ngày khai trường tôi mặc bộ đồ mới toanh mà mẹ vừa mua. Tôi thích lắm và hãnh diện đi bên chị tôi. Trên đường đi tới trường phải qua một khúc đường mới sửa, đất chưa kịp khô, nước đọng lại thành vũng. Chị tôi, một tay kéo quần, tay còn lại dắt tôi, chị nói "cẩn thận kẻo ngã..." câu nói chưa dứt lời, thì tôi té cái "bịch" ngay vào vũng xình. Thế là bộ đồ vía của tôi đi đời.

 

Ở trong lớp học, tôi thuộc loại học trò không được thông minh cho lắm, nhưng lại khá toán, mỗi lần làm xong bài, thì tụi bạn ngồi bên tôi, chúng đe dọa phải cho tụi nó copy, nếu không sẽ bị chặn đánh trên đường về học. Tính nết tôi chậm chạp mặc dù làm bài xong, nhưng không bao giờ nộp trước, nên điểm luôn bị thấp hơn. Có lần tôi khiếu nại, thày đã không giải quyết, mà còn phạt tôi, vì tội cho bạn copy bài. Tôi biết như vậy là không công bằng, nhưng không biết kêu ai, đành câm nín thôi.

 

Tôi chơi với thằng Trung con bà nấu bếp cho cha quản nhiệm của giáo xứ. Trung là đứa con trai độc nhất trong gia đình nên được cưng chiều, nhà lại khá giả, nó đòi gì là được đó. Tôi làm bạn với Trung vì hắn có nhiều đồ chơi, mẹ của Trung thường cho chúng tôi bánh kẹo, hay những món ăn mà Cha xứ không ăn, hoặc Ngài dùng không hết. Có một hôm vừa bước chân vào nhà xứ, tôi nghe tiếng gà con kêu chíp chíp. Tôi tìm khắp cả mọi nơi mà không thấy, đợi một hồi mới khám phá ra gà con kêu ở dưới đống cát, góc sân. Tôi vội vàng bới cát tìm gà, những chú gà con ngây thơ bị bỏ trong giữa hai cái bát tô úp vào nhau, không biết ai đã chôn vùi dưới cát. Tôi đang moi chúng lên thì bị Bố già xứ (tức là tu sĩ già không được làm linh mục, ở trông coi nhà xứ) vừa đi đâu về, nhìn thấy tôi bới cát, bên cạnh mấy con gà và chồng bát, Bố già không cần biết ai làm, chạy vội lại chụp lấy cổ tôi, rồi lôi vào trình diện Cha xứ. Thế là tôi bị Cha xứ phạt, quỳ ngoài sân suốt một ngày. Không thể biện minh cho mình được, vì tôi còn nhỏ, không biết phải nói sao cho Cha xứ hiểu, cũng không biết ai chơi cái trò chôn gà con kỳ cục này nữa, chỉ biết là mình bị oan. Mãi về sau thằng Trung mới nói với tôi là: nó tức Bố xứ già nên chôn đàn gà con của Bố cho bõ ghét. Đúng là trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.

Thằng Trung được mẹ mua cho chiếc xe đạp mới. Tôi đứng nhìn mơ ước mà nuốt nước miếng. Nó đề nghị tôi giữ xe cho nó tập, khi nào nó đạp được, thì sẽ cho tôi mượn xe để tập. Tôi thích lắm, ngày nào cũng vậy sau bữa ăn chiều là nó và tôi có mặt ở sân nhà thờ để tập xe đạp. Sau một tuần lễ Trung đã đạp được xe và lái chạy vòng vòng quanh sân nhà thờ. Giữ đúng lời hứa, nó cho tôi mượn xe để tập, nó giữ xe cho tôi leo lên, cũng nhờ giữ xe cho thằng Trung tập trước, nên tôi có nhiều kinh nghiệm, khi đến lượt tôi học thì rất mau, chỉ hai hôm là tôi đã đạp xe một mình, một cách thành thạo. Tôi hí hửng đạp xe ra đường, vừa ra đến đường, không biết con trâu của nhà ai đang ăn cỏ, nghe tiếng bấm chuông của xe đạp, tức thì nó ngẩng đầu lên, lắc lắc cặp sừng dài thoòng, tôi sợ quá không biết phải làm sao đứng lại, hai tay tôi chụp trật cái thắng, thế là cả xe lẫn tôi nhào ngay xuống sông. Trung vội vàng nhảy xuống lôi xe và kéo tôi lên bờ. Tôi thì ứơt như chuột mặt mày trầy trụa, còn cái xe đạp thì "Lạy Chúa! Trung la lên, mày làm gẫy xe của tao rồi". Tôi tái mặt nhìn cái cổ xe gẫy lìa. Nó kéo ngay chiếc xe vào nhà tôi bắt đền. Mẹ tôi chạy ra thấy vậy điều đình với nó sẽ mang xe ra phố sửa. Tôi sợ quá trốn, núp trong cót lúa. Tôi biết mẹ không có tiền để sửa xe cho nó, tôi lo vô cùng, tất cả đều ngoài tầm tay tôi, để mặc cho mẹ lo liệu. Tôi thấy mẹ lấy nón đi ra phố khoảng 2 giờ sau thì về, mẹ gọi hai chị em tôi ra và dặn: "Chúng mày phải giữ kín chuyện làm gẫy xe, không cho bố mày biết nghe chưa!". Bố tôi thì đi gánh đất đắp nền nhà cho người ta, thường tối mới về. Còn chuyện chiếc xe đạp bị gẫy, mẹ tôi đã nhờ người mang ra phố sửa. Hai hôm sau sẽ lấy về. Mẹ không hề trách tôi hay la mắng gì cả, bà chỉ nói làm việc gì cũng phải cẩn thận, kẻo mang họa vào thân. Mãi về sau này tôi mới biết, mẹ đã bán sợi dây chuyền duy nhất của bà, lấy tiền sửa xe cho thằng Trung. Mẹ của Trung là người đàn bà tốt bụng, cũng không rầy la Trung hay cấm nó chơi với tôi, bà chỉ khuyên nó những điều như mẹ tôi khuyên tôi. Từ đó về sau tình bạn giữa tôi và thằng Trung càng thân thiết hơn.

 
Trong lớp học, tôi rất nhút nhát, tới giờ ra chơi, thường ngồi lại trong lớp, còn bạn bè cùng lớp với tôi thì kéo nhau ra ngòai đá banh, đánh khăng, bắn bi hoặc đá dế...Một hôm thày giáo bị đau nên nhà trường cử một Dì Phước (Ma Soeur) đến dạy thế. Thằng Hạnh ngồi bên cạnh tôi cũng ra chơi đá banh với các bạn, còn mình tôi ở lại trong lớp, mắc tiểu quá mà lại hay mắc cỡ. Thấy bà Sơ thì laị sợ, không giám xin phép đi ra ngoài, may thay nhớ ra cái bình bi đông đựng nước của tôi mang theo vừa uống hết, thế là tôi lén tiểu ngay vào bi đông rồi đậy nắp chặt lại. Chuông báo hiệu giờ chơi đã hết. Thằng Hạnh chạy vội vào lớp, mồ hôi nhễ nhại, nó hỏi tôi "cho tao miếng nước." tôi nói "hết nước rồi". Nó nghĩ tôi ích kỷ không cho hắn uống, nên dựt cái bình bi đông của tôi giơ lên lắc lắc, thấy có nước, nó vội mở nắp đưa lên tu, tôi la lên "không uống được" nhưng đã trễ, Hạnh đã tu một hơi, và nuốt vào bụng, rồi chợt khám phá, không phải là nước uống, bèn giơ tay lên la lớn, méc bà Sơ: "Thưa Sơ anh Tuấn cho con uống nước tiểu" Bà Sơ ngơ ngác hỏi: Tuấn đâu? Tại sao lại cho bạn uống nước tiểu? Tôi trả lời: "dạ anh ấy dành lấy uống, chứ con đâu có cho anh ấy uống." Bà Sơ càng ngạc nhiên hơn, sau đó hiểu được đầu đuôi câu chuyện, tôi bị phạt về tội tiểu vào bi đông.

Từ đó bạn bè trong lớp đặt cho tôi cái tên hỗn danh là: "Tuấn Bi đông".

Khi lên trung học, tôi phải học ở xa nhà, cũng nhờ tính nết hiền lành, nên được bầu làm trưởng lớp.

 
Tôi có nhiệm vụ lo sổ sách, điềm danh, cũng như lo các công tác nhà trường giao phó. Tôi nhớ năm học lớp đệ Thất (lớp 7) vào đầu tam cá nguyệt, trong lúc tất cả học trò xếp hàng ngoài sân để chuẩn bị làm lễ chào cờ, thì riêng tôi còn đang phải lục lọi, tìm sổ điểm danh của lớp, ở trong văn phòng giám thị. Tôi chợt nhìn thấy cái máy hát đĩa mà cha Hiệu trưởng mới mua từ Sàigòn đem về, nhân chuyến đi họp thường xuyên của Ngài. Lần đầu tiên nhìn thấy cái máy hát rất lạ, tôi tò mò tới gần để quan sát, thấy một cái đĩa tròn màu đen, bằng cái bánh đa, được đặt trên cái hộp dẹp, bên cạnh có một cái cần, đầu cần có cái kim nhỏ như kim may, tôi lại thấy một chồng những bao vuông in hình những cô ca sĩ, tôi mở bao ra thì thấy một cái đĩa giống như cái bên ngoài, tôi lôi nó ra, tiện tay tôi cầm luôn cái đĩa trên máy hát ra coi, hai cái giống nhau như đúc. Chợt có tiếng mở cửa, thày giám thị bước vào, tôi vội vàng để cái đĩa hát vào chỗ cũ.

Thày giám thị hỏi sao không ra chào cờ. Tôi trả lời: "Dạ con đang tìm sổ điểm danh cho lớp, sau đó tôi vội vã rút lui có trật tự. Cha Hiệu trưởng cũng như các thày cô giáo đã có mặt đầy đủ. Thày giám thị lên tiếng giới thiệu với mọi người là nhà trường vừa mới mua máy hát, nên buổi lễ chào cờ bữa nay quốc ca sẽ được hát bằng máy... sau đó thầy giám thị hô thật lớn " Tất cả các em im lặng để làm lễ chào quốc kỳ.

 
Tiếng hô của thầy: Nghiêm .... Chào cờ! Chào!!...... Quốc ca bắt đầu.... Trong lúc đó thày hiệu phó đang ở trong phòng giám thị vừa nghe thấy hai chữ "Quốc ca" là nhắc ngay cái cần có cây kim trong máy hát đặt vào đĩa. Ngoài sân tất cả mọi người trong tư thế nghiêm. Chợt nghe nhạc nổi lên, nhưng không phải là bản quốc ca "Này công dân ơi...." mà ngược lại là một giọng nữ hát réo rắt:

"Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành.

Gọi anh giữa đêm khổ đau như xé con tim".....

 
Mọi người sửng sốt, học sinh cười ầm lên, làm náo loạn cả một sân trường. Cha hiệu trưởng quát tháo ầm ỹ. Thầy giám thị mặt mày tái xanh, như gà bị cắt tiết, không còn một giọt máu. Tôi sợ điếng người mồ hôi đổ ra như tắm. Trên loa thày giám thị thông báo cho tất cả các em vào lớp. Học sinh tan hàng như đàn ong vỡ tổ, vừa chạy vừa cười. Chưa bao giờ tôi thấy một cảnh mất trật tự như vậy. Mọi người xôn xao bàn tán, đưa ra đủ lý do tại sao? Nhưng chỉ có tôi là biết tại sao? Chính tôi là thủ phạm, lúc tôi cầm hai đĩa nhạc lên coi, thày giám thị bước vào, tôi đã vô tình để lộn cái đĩa có bản nhạc "Nửa đêm nhớ anh" vào máy, còn đĩa có bản quốc ca lại bỏ vào bao giấy vuông.

Ngồi trong lớp tôi hồi hộp chờ đợi phán xét, khoảng 15 phút sau khi ổn định lớp, tôi bị thày giám thị gọi lên văn phòng để thú tội. Trước mặt cha Hiệu trưởng, thầy Hiệu phó, thầy giám thị, tôi đã kề hết tất cả những gì tôi làm, tôi không hề dấu diếm. Mẹ tôi dạy tôi không được nói dối, nên biết chắc mình sẽ bị phạt, nhưng thà bị phạt, chứ tôi không nói dối. Đúng vậy ngay sau đó tôi bị quỳ dưới chân cột cờ suốt 4 tiếng đồng hồ. Các bạn tôi không biết lý do tại sao tôi lại bị quỳ, tôi cũng không bao giờ nói cho ai biết câu chuyên vô tình đến nỗi tôi bị sưng hai đầu gối vì quỳ cột cờ.

 
Tôi khá toán nhưng lại dốt văn. Giờ Việt Văn là giờ tôi khổ sở nhất, thầy dậy Việt Văn giảng thao thao bất tuyệt, tôi ngồi nghe chẳng hiểu mô tê gì. Bài tập làm văn của tôi, điểm cao nhất cũng chỉ được sáu trên mười là hay lắm rồi. Có một lần thầy giáo ra đề : Trong Ca dao Việt Nam có câu: "Bầu ơi thương đến bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn." Em hãy phân tích câu ca dao trên và áp dụng trong đời sống hàng ngày ra sao? . Tôi đoc đi đọc lại nhưng không biết phải nhập đề như thế nào. Thấy tôi ngậm bút hoài, thằng bạn ngồi bên cạnh mách nước chỉ cho tôi: "mày kiếm một câu nào tương tự như vậy để vào đề", tôi chợt nhớ lại thầy dậy cách nhập đề lung khởi, tôi cố moi trong trí nhớ tìm một câu giống như vậy, nhưng không thể nhớ nổi, óc tôi mù tịt. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không chế ra một câu tương tự để nhập đề.

Nghĩ sao là làm vậy, tôi cắm đầu, cắm cổ viết. Thoáng một cái, tôi đã xong bài và đem lên nộp  trước các bạn trong lớp, cả lớp chằm mắt nhìn vào tôi ngỡ ngàng.

Tuần lễ sau thầy mang bài trả lại. Trước khi phát bài thầy nói: "hôm nay thầy giới thiệu với các em một nhà văn lớn của chúng ta. Nhà văn này đã làm một bài bình luận bất hủ, thầy sẽ đoc cho cả lớp nghe để thưỡng thức. Thầy mở xấp bài, cầm một bài lên. Tôi nhìn thấy đúng là bài của mình, tôi hồi hộp chờ đợi.

Thầy tằng hắng lấy giọng, rồi đọc to với giọng nói dõng dạc: "Trong kho tàng ca dao Việt nam có câu:

"Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

Hay hơn nữa còn có câu:

"Cóc ơi! thương đến nhái cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một hồ"

 

Cũng trong kho tàng ấy chúng ta còn có một câu khác nữa, nói lên sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau đó là:

"Bầu ơi thương đến bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

Chúng ta hãy tìm hiểu những khác biệt của các câu ca dao nói trên, và xem nó nói lên được

những gì trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Cả lớp cười ầm lên, riêng tôi cúi gầm mặt xuống và vô cùng xấu hổ, nước mắt tôi tràn ra, tôi khóc tức tưởi. Các bạn tôi thắc mắc nhìn tôi, lập tức tôi chạy bay ra khỏi lớp không cần xin phép thầy, và bỏ mặc cho cả lớp bàn tán xôn sao...

Câu chuyện "bài văn của tôi" lan truyền nhanh chóng đến nỗi, mỗi khi về học bọn con gái học cùng lớp đạp xe để qua mặt tôi, chúng cùng nhau đọc to câu thơ:

"Cóc ơi thương đến nhái cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một hồ".

 

Tụi nó cố tình đọc to để chọc quê tôi...Tôi cúi mặt bước đi, tự nhiên thấy ghét thầy dậy Việt Văn vô cùng. Những giờ Việt Văn sau đó tôi luôn vắng mặt, cúp cua đi chơi, chỉ vì không muôn nhìn thấy thầy. Thầy biết lý do tôi trốn học, tìm đến nhà, nói chuyện với bố mẹ tôi. Bố tôi nghe thầy kể cười ngặt nghẽo, thay vì mắng tôi, bố khen tôi thông minh và nói tôi có khiếu về văn chương, thơ phú, nhưng chưa có dịp phát triển. Thầy giáo cũng đồng ý và nói sẽ lưu tâm nhiều đến tôi, rồi thầy gọi tôi vào giải thích ngụ ý cho tôi hay thầy không phải chế diễu tôi, chỉ muốn cả lớp vui thôi. Tôi vui vẻ và trở lại lớp học, không cúp cua nữa.

 

Năm tôi lên lớp đệ Ngũ (lớp 8) thì bố tôi mất, Mẹ tôi vẫn tiếp tục cho tôi ăn học. Nhưng số tôi là "Số Con Rệp", là số khổ, nên cuối năm đó, sau cơn bạo bệnh mẹ tôi cũng qua đời luôn. Thế là hai chị em chúng tôi bơ vơ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không bà con thân thích, không họ hàng. Tương lai chúng tôi là bầu trời ảm đạm. Chị tôi xỉu tai chỗ khi nghe tin mẹ chết. Tôi tự nhiên lớn hẳn lên. Vì chỉ có tôi là người duy nhất trong gia đình, lúc bố tôi chết tôi khóc nhiều bao nhiêu, thì lúc mẹ tôi chết tôi lại khóc ít bấy nhiêu. Không phải là tôi không thương mẹ, nhưng có lẽ tôi không thể khóc được nữa. Tôi tự kìm hãm cái khóc lại, tôi biết lúc đó bao nhiêu việc tôi phải làm. Cái chuyện quan trong nhất là lấy đâu ra tiền để làm đám tang cho

mẹ. Tôi chạy lên Cha xứ, vừa thấy tôi Ngài đã biết tôi cần gì, ngay lúc đó thì ông trùm của giáo xứ cũng tới, Cha xứ truyền cho ông trùm phải lo lắng mọi sự giúp chị em tôi, Ngài còn cho tôi một số tiền nhỏ để phòng khi cần thiết. Ông trùm dẫn tôi đi đến xin tiền một vài nhà hảo tâm trong xứ, để nhờ giúp đỡ. Xứ tôi là xứ nghèo, nên rất nhiều gia đình không đủ ăn, đủ mặc, họ có hảo tâm mấy đi nữa, thì số tiền họ cho cũng không đủ lo đám tang cho mẹ tôi. Cuối cùng bà cụ Tý cho tôi mượn cái hòm của chính cụ, để tẩm liệm chôn cất cho mẹ tôi. Cái hòm mà con cháu đã làm sẵn cho cụ, phòng khi cụ về chầu Chúa. Đám thanh niên trong xứ kéo nhau tới giúp chị em chúng tôi mọi chuyện, họ chia nhau những công việc liên quan đến

nhà hiếu để hoàn tất. Thầy giáo dậy Việt Văn đại diện cho nhà trường cùng với một số anh chị lớp đệ Tứ tới phúng điếu.

 
Từ hôm mẹ tôi chết, trời mưa tầm tã, nước mưa làm cho đường trở nên xình lầy. Ông trời đã lấy mất tất cả nguồn yêu thương của tôi, lại còn mưa hoài. để làm khó cho mọi người đưa mẹ tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang mẹ tôi chỉ còn mình tôi là đứa con duy nhất theo sau, chị tôi sau khi xỉu, lúc tỉnh dậy nhìn thấy quan tài của mẹ thì òa lên khóc, rồi lại xỉu tiếp. Cái khăn trắng của chị được người ta vắt lên trên quan tài của mẹ. Cha xứ Ngài phá lệ, mặc cho trời mưa cũng tiễn đưa mẹ tôi ra nghĩa trang. Mọi người không ai cầm được nước mắt. Lúc người ta đang đặt quan tài mẹ tôi xuống huyệt, thì chị tôi hồi tỉnh dậy, vội vàng chạy ra nghĩa trang, vừa chạy vừa khóc vừa la " Đừng chôn mẹ tôi, đừng chôn mẹ tôi....." Đường đi không những xình lầy, những chỗ đất cứng lại trơn truột, chị tôi chạy ra tới nghĩa trang không

biết té bao nhiêu lần, người chị thấm toàn máu. Chị nhào ngay xuống huyệt ôm quan tài mẹ khóc lớn tiếng "mẹ ơi sao mẹ bỏ chúng con....". Một vài người nhào xuống lôi chị tôi lên.

Sau đám tang mẹ, chị tôi đau suốt cả tuần lễ. Lúc đó tôi lo lắng vô cùng, chỉ sợ chị lại đi theo

mẹ..... Căn nhà tôi trở nên rất là lặng lẽ, hai chị em tôi lủi thủi bên nhau, đêm đêm một số bạn bè tới chơi, rồi ngủ lại. Cũng nhờ đám bạn ấy mà chị em chúng tôi giữ vững tinh thần. Những người dự đám tang mẹ tôi, họ mủi lòng khi nhìn thấy chị em chúng tôi mồ côi, nên đã cho chúng tôi đủ tiền để hoàn lại cỗ hòm cho bà cụ Tý.

Xong lớp đệ Ngũ, tôi xin phép chị, cho tôi đi Sàigòn. Dĩ nhiên chị tôi không bằng lòng, nên chỉ có nước trốn đi. Nói xong là tôi thưc hiện liền. Tôi trốn lên Sàigòn với một bộ quần áo duy nhất và vỏn vẹn chỉ có 50 đồng trong túi.

Sàigòn đất lạ người đông, tôi lại không quen ai. Khi xuống xe tôi đi lang thang trên các vỉa hè, cứ nhắm mắt mặc cho bước chân lưu lạc, đôi khi tâm trí không định được hướng đi, lắm lúc xuýt đụng phải cột đèn, lúc bấy giờ mới giựt mình tỉnh lại. Cứ đi lang thang hoài, trời tối, phố xá đã lên đèn, nhìn thấy một công viên rất lớn, về sau này tôi mới biết đó là công viên Tao Đàn (Bờ Rô), tôi lững thững đi vào tìm đến mái hiên căn nhà chứa dụng cụ làm vườn của những người chăm sóc công viên, tôi ngồi xuống nghỉ. Mệt quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong lúc ngủ, tôi mơ thấy mẹ về, bà ôm tôi khóc nức nở, tôi hỏi tại sao mẹ bỏ con? Bà quay đầu không nói gì hết. Tôi ôm chặt lấy mẹ, nhất định không cho mẹ đi nữa, tôi ngửi thấy mùi miền kết, lá sả và lá chanh, mẹ thường nấu dùng để gội đầu, tóc mẹ dài mượt bao trùm lấy tôi, như muốn che chở tôi, hai tay mẹ vuốt lưng dỗ dành yên ủi tôi.

Chợt nghe tiếng nói lớn: "ê nhỏ tại sao lại ngồi ngủ ở đây?" tôi mở mắt thấy hai tên thanh niên có vẻ dữ tợn, một tên khoanh tay đứng quan sát tôi, còn một tên nắm ngực áo tôi như muốn nhấc bổng tôi lên. Không nghe tôi trả lời, tên khoanh tay nhìn thấy tướng tá tôi, hình như đoán được diện mạo của tôi, rồi lên tiếng hỏi "mày ở quê mới lên đây phải không?" tôi gật đầu, sau đó chúng lục cái giỏ xách của tôi lấy hết tiền bạc, và bỏ đi không thương xót. Tôi sợ quá, từ lúc đó trở đi cứ ôm chặt lấy cái giỏ. Bây giờ tôi thấy thấm thía bản nhạc "NÓ" nổi lên trong đầu tôi.

Lúc trời đã sáng, những người làm trong công viên bắt đầu đến làm việc, họ thấy tôi đứng khóc, nên hiếu kỳ tiến lại gần hỏi thăm, tôi kể cho họ nghe tất cả những gì xảy ra. Khi biết tôi đã nhịn đói hai ngày, một bà trạc tuổi mẹ tôi, lấy ngay phần cơm trưa của bà cho tôi ăn, còn những người khác cho tôi ít tiền lẻ, tôi giơ tay đỡ những đồng tiền cắc, nước mắt chảy ròng. Tôi hối hận giá biết vậy không lên Sàigòn nữa. Nhớ chị, tôi lại khóc nhiều hơn cả lúc mẹ tôi chết, khóc vì không biết làm sao để sống, tôi khóc vì không biết ở đâu, ngủ đâu và lấy gì ăn.... Con đường định mệnh của tôi đã đi xuống tận cùng. Những người hiếu kỳ đã đi hết, còn lại một mình tôi. Những miếng cơm tôi nuốt không trôi, mặc dù tôi đã quá đói, Miệng tôi cứng đơ, cổ tôi rát bỏng. Bầu trời xung quanh tối xầm lại, trái đất tôi đứng quay vòng vòng, thế là tôi buông cái túi xách té rầm xuống đất hồi nào không biết.

Trong lúc bất tỉnh, tôi thấy mẹ tôi dắt tôi đi về nhà gặp lại chị tôi, cả bố tôi nữa. Mẹ trách chị, tại sao để em bỏ nhà ra đi. Bố nhìn tôi lẩm bẩm: Tội nghiệp con tôi quá, bố cho tôi cái xe đạp đẹp lắm. Cái xe đạp mà tôi hằng ao ước. Chị tôi xuống bếp lấy lên cho tôi một đĩa xôi đậu xanh, loại xôi mà tôi thích nhất. Còn mẹ lấy lược chải lại cái mái tóc rối bù của tôi. Con chó vàng nằm dưới đất cứ lấy cái đầu ủi ủi chân tôi.

 
Tôi hứa với chị sẽ không bỏ nhà ra đi nữa. Thấy mọi người tới thăm, ai cũng lo lắng cho tôi. Tôi ôm chồm lấy mẹ kêu lên "Mẹ! Mẹ!".

Khi mở mắt ra, trước mặt tôi, không phải mẹ, mà là bà bác đã cho tôi ăn. Tôi liếc mắt quan sát, không biết mình đang ở đâu. Biết ý, bà bác nói "con xỉu từ chiều hôm qua tại công viên, bác kêu xích lô mang con về nhà, đây là nhà của bác, con cứ tạm ở đây, rồi tính sau."

Bà Chín là tên bà bác hảo tâm có chồng và một con trai. Ông chồng đi gánh nước mướn cho người ta, thằng con trai làm nghề đánh giầy. Ông Chín có tật nghiện rượu suốt ngày lè nhè, kiếm được đồng nào thì mua rượu uống, rồi về nhà còn chửi bới vợ con, thậm chí còn chôm chỉa tiền bạc của vợ đi đánh bài...Thằng Tính con bà Chín thì vui lắm, nó bằng tuổi tôi, chúng tôi nói chuyện chút xíu là kết thân nhau liền, ngay tối hôm đó nó dắt tôi đi ăn hủ tiếu. Lần đầu tiên được ăn hủ tiếu mì, tôi ăn thật tình, Tính nhìn tôi ăn nó hỏi: "bộ mày chưa bao giờ được ăn hủ tiếu mì hả". Tôi gật đầu trả lời ừ.

 
Hôm sau Tính cho tôi mượn thùng đồ nghề đánh giầy cũ của nó, rồi dắt tôi đi theo, dạy cho tôi đánh giầy kiếm tiền. Chỉ cần nhìn Tính làm trước, là tôi học được liền, tối hôm đó tôi về nhà bà Chín, thì Tính đón tôi trước cửa. Tôi cười báo tin vui với nó, vào nhà tôi móc túi đếm tiền. Những đồng tiền tôi kiếm được đầu tiên trong đời. Tính nói với mẹ nó, tôi giỏi lắm, lần đầu mà tôi kiếm được nhiều tiền hơn nó. Tôi đưa hết tất cả tiền cho bà Chín, đêm hôm đó cả nhà Tính và tôi đi ăn mì. Ông Chín cứ xoa đầu khen tôi giỏi, bà Chín thấy vậy nói như chặn trước "Từ nay thằng Tuấn làm có tiền mang về đưa cho bác giữ cho, kẻo bị người ta lấy mất đó..." tôi dạ, còn ông Chín nghe vậy hiểu ý rút tay lại không xoa đầu tôi nữa.

Một hôm Tính thấy tôi ngồi đọc báo, tờ báo mà thực khách bỏ quên trong lúc vắng khách, nó chạy lại hỏi: "bộ mày biết chữ hả" tôi gật đầu, nó mừng lắm đi khoe với tất cả các bạn đánh giầy, về nhà còn khoe với bố mẹ nó nữa, nửa đêm nó đánh thức tôi dạy và nói có chuyện quan trọng muốn bàn với tôi. Nó muốn tôi dậy nó học, dĩ nhiên tôi nhận lời ngay. Hôm sau chúng tôi nghỉ đánh giầy và đi mua sách vở. Tôi tự nhiên trở thành thầy giáo bất đắc dĩ, người vui nhất là bà Chín, cũng như Tính, bà đi khoe cả xóm về tôi. Kết quả tôi có thêm hai hoc trò nữa. Tôi vẫn tiếp tục đi đánh giầy ban ngày và tối về dậy học. Tính rất thông minh, học đâu nhớ đó, chỉ có ba tháng nó đã biết đánh vần.

Đường đời không bằng phẳng, sóng gió tưởng đã yên lặng, ai ngờ phong ba lại nồi lên. Ông Chín một hôm chặn đường lấy hết tiền bạc của tôi, còn đe dọa nếu muốn ở nhà ông, mỗi ngày kiếm được tiền phải đưa cho ông Chín một nửa.. Ông cấm tôi không được nói cho bà Chín và Tính biết, nếu không nghe, ông sẽ giết tôi. Từ đó tôi ngày nào cũng phải chia tiền nộp cho ông Chín. Có ngày ế khách, tôi không có tiền nộp cho ông Chín, ông thẳng tay đánh tôi. Tính nhìn thấy tôi mặt mày xưng hù hỏi tại sao, tôi nói dối bị tụi Tân Định đánh. Tính hứa sẽ nhờ đại ca trả thù cho tôi. Có một bữa ông Chín gặp tôi đang đánh giầy cho khách, ông tới lôi tôi ra góc một chỗ vắng moi hết tiền bạc của tôi, sau đó trả tôi về với người khách tôi đang đánh giầy dở dang. Thấy tôi vừa khóc vừa làm việc, người khách hỏi tại sao? Tôi ngẩng mặt nhìn người khách, người khách tuổi khoảng hai mươi lăm. Tôi thực thà kể hết cho anh ta nghe. Anh ta thấy tội nghiệp cho tôi và móc túi trả tiền cho tôi rất là hậu, anh còn hứa xin việc cho tôi, và hẹn gặp tôi vào ngày mai tại quán này. Đúng như lời hẹn tôi gặp lại người khách và được giới thiệu việc làm tại tòa báo Tiếng Vang trên đường Phạm Ngũ Lão. Tôi về báo tin cho Tính, nó mừng lắm, nó dặn tôi đừng nói cho ông Chín nghe.

 
Từ ngày tôi làm tại tòa báo Tiếng Vang, tôi quen biết nhiều hơn, sau ca làm tôi được giao cho

nhiệm vụ bỏ báo cho một số sạp báo. Tôi được tòa báo cho mượn chiếc xe đạp tuy cũ, nhưng đối với tôi là hạnh phúc lắm rồi. Tôi cũng xin việc cho thằng Tính vào làm xếp chữ trong nhà in. Số tiền lương và huê hồng bỏ báo hàng tháng, tôi thấy dư giả chút ít, tôi đem giúp bà Chín lợp lại căn nhà cho khỏi mưa dột.

Công việc tưởng êm xuôi ai ngờ tòa báo Tiếng Vang viết những bài không thuận đường chính trị cho chính phủ lúc bấy giờ, nên bị đóng cửa. Chúng tôi mất việc, thế là thằng Tính trở lại nghề cũ. Tôi kiếm được việc làm tại một hãng kem, làm được khoảng năm tháng thì hãng bị cháy, tôi chỉ kịp thoát thân, không kịp mang theo đồ đạc. Gặp lại Tính, hai thằng ngồi uống cafe' mà than thân trách phận. Sau hai tuần lễ lang thang tôi được một quán ăn nhận làm bồi bàn, tôi vừa tiếp thực khách, vừa lau nhà, rửa chén... Công việc quán ăn thường bận rộn vào sáng và trưa, còn chiều và tối thì vắng khách. Tôi quyết định đi học lại vào buổi tối.

 
Chiếc xe đạp cũ của tòa báo cho, vẫn giúp tôi đi tới đi lui, nhất là đi học. Thời gian trôi nhanh, tôi đã xa chị tôi hai năm trời, suốt hai năm trời tôi đã thư cho chị mà không có hồi âm. Mãi về sau tôi được biết sau khi tôi đi Sàigòn thì chị tôi cũng được người quen đưa lên Sàigòn đi ở đợ, để làm công cho người ta. Nên hai chị em tôi cùng ở Sàigòn mà không liên lạc với nhau được.

Năm 1968 tết Mậu Thân, VC tấn công vùng Bảy Hiền. Lúc đó tôi theo người bạn về Biên Hòa ăn tết, bị kẹt lại đó hai tuần lễ, khi trở về nhà trọ, thì than ôi, Tất cả chỉ còn đống gạch vụn.

Tôi tìm tới trường học, nơi các gia đình nạn nhân chiến tranh đang tạm trú. Gia đình người bạn thấy tôi, bà cụ ôm lấy tôi khóc nưc nở: "Hết cả rồi cháu ơi, cháy hết rồi". Tôi nhìn mọi người, nước mắt cũng trào ra và rất buồn vì tất cả sách vở của tôi đã ra tro hết, tôi sắp sửa thi tú tài 1 mới chết chứ. Đã tốn biết bao nhiêu công lao để chép lại sách vở, cũng nhờ vậy mà tôi thuộc bài, nên năm đó tôi thi đậu Tú Tài 1.

 
Sau khi có kết quả thi đậu tôi mua ngay vé xe đò về quê Rạch Giá. Tôi đoán chị tôi cũng về vì nhằm ngày giỗ mẹ tôi. Như dự đoán, chị tôi đã về từ hôm trước. Tôi bước chân vào nhà, chị tôi nhìn tôi mừng không nói lên lời. Nước mắt chị chảy dài, chị trách tôi bỏ chị ra đi mà không một câu từ giã. Tôi xin lỗi chị, và nói sạo với chị tôi: "Em đã viết thư cho chị, nói là em ra đi khi nào thi đậu tú tài thì em mới về mà. Hôm nay về thăm chị, em cũng cho chị hay, em đã thi đậu rồi. Chị tôi chạy lại, ôm lấy tôi sung sướng.... Hàng xóm và bạn bè nghe tin tôi về, tất cả chạy lại xem tôi lớn như thế nào, nhất là muốn biết làm sao tôi có thể sống một mình ở Sàigòn được. Hôm đó chị tôi mua ngay hai con vịt về làm cơm, đánh tiết canh, nấu cháo vịt để đãi đám bạn bè tôi. Chúng tôi tha hồ tâm sự . Biết bao nhiêu chuyên kề cho nhau nghe. Những ngày sau đó, tôi chỉ lo tiếp khách cũng đủ mệt, ai cũng muốn nghe tôi kể chuyện Sàigòn. Nhất là khi biết tin tôi thi đậu Tú Tài....
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Tôi trở lên Saigon sau khi ở lại quê một tháng, Chị tôi cũng lên Saigon luôn. Từ đó tôi liên lạc với chị thường xuyên hơn.

Tôi bỏ hẳn nghề đi dạy kèm tại gia, vì cần giờ để học thi tú tài 2 . Năm đó tôi thi đậu luôn tú tài 2. Cái mơ ước của tôi là đi lính Hải Quân. Sau khi có bằng tú tài 2 tôi đã nộp đơn dự thi khóa Sĩ Quan Hải Quân 22. Kết quả tôi bị loại vì sức khỏe không đủ. Tôi buồn vô cùng, mộng hải hồ không đạt tôi buồn đi lang thang suốt ngày, cứ nghĩ đến số con rệp của mình mà chán nản. Lời ông thày tướng số nói không sai: "có cố gắng cách mấy cũng không đi đến đâu". Tôi đã cố gắng để có cái bằng trong tay, nhưng không đạt được ước vọng..

Bạn bè thấy tôi buồn khuyên tôi nên tiếp tục học, chuyện lính tráng là chuyện bắt buộc chứ không phải là chuyện thích hay không thích, mình còn có thể học được tại sao phải đi lính, trong khi người ta muốn ở nhà không được....

 

 

Sau khi đậu tú tài II. Liệu sức mình và hoàn cảnh. Khi lên đại học, tôi ghi danh theo ngành Chăn nuôi tại đại học nông lâm súc Minh Đức. Trong suốt thời gian học tôi ở trọ cùng với một số bạn bè. Đám bạn tôi đứa nào cũng có bồ chỉ có tôi là vẫn cô đơn. Tôi rất nhát gái, mỗi lần gặp con gái là tôi run lên, ngực thì đánh trống bình bịch, nói không nên lời.

Trong khu phố tôi trọ, có một cặp chị em gái nổi tiếng là chanh chua. Tui bạn tôi rất ghét, chúng tìm cơ hội phá. Một buổi sáng thấy cô em mang thau quần áo ra máy nước công cộng giặt, thừa lúc cô em vắng mặt, chúng mang thau đồ đem đi giấu mất. Khi trở lại không thấy thau đồ đâu, biết là bị đám con trai trong khu phố chọc ghẹo, cô ta chửi toáng lên, nhưng không rõ ai giấu. Hai hôm sau tôi quét nhà thấy có thau đồ dưới gầm giường, biết là tụi bạn giấu đã bốc mùi hôi. Tôi nghĩ tội nghiệp nên kéo ra và mang qua trả lại cho hai cô. Vừa thấy thau đồ, cô em lộn tam bành lên, không cần hỏi han tôi, cho rõ ràng đầu đuôi.

Vớ được lầm kẻ địch, cô ta cứ thế cô chửi rủa, mạt sát ngay tôi một trận nên hồn, cho tôi là kẻ chủ mưu, bị chửi quá nên mới mang đồ ra trả. Đúng là làm ơn mắc oán, lúc đó cả khu phố chạy ra xem, tôi cứ nghệch mặt ra không biết làm sao giải thích. Mấy thằng bạn tôi thấy tôi bị chửi nên cười khoái chí. Vài hôm sau cô chị gặp tôi xin lỗi giùm cho em, vì biết tôi bị oan, tôi chỉ cười đáp lễ.. Tôi nghĩ chắc có lẽ cô chị đã dành cho tôi một cảm tình thương mến đặc biệt. Lần đầu tiên tôi nói chuyện với con gái, tôi như kẻ bị thẩm vấn, cứ hỏi cái gì thì trả lời cái đó, tay cứ mân mê lai áo, cái thông minh của tôi chạy đâu mất, như một kẻ khờ, chuyện nói chẳng có đầu, mà cũng chẳng có đuôi. Cuối cùng nàng kết luận tôi, là "hiền". Bây giờ tôi mới hiểu, lúc đó nàng nói tôi "hiền" có nghĩa là "khờ" hay "cù lần". Thật là "mỡ đến miệng mèo", mà không biết chộp.

 
Thấy đám bạn bè của tôi có bạn gái, tôi cũng cố gắng tìm cho mình một cô bạn, nhưng không biết tìm ở đâu, cuối cùng tôi để ý đến cô gái, con bà bán bún riêu cuối phố. Sáng nào cô ta cũng phụ mẹ gánh bún ra chợ, sau đó trở về thay quần áo để đi học, đến chiều tan học, thì lại ra chợ phụ mẹ gánh hàng về.

Tôi ở đầu phố nên mỗi ngày cô phải đi qua lại nhà trọ của tôi sáu lần cả đi lẫn về. Trước đây tôi không để ý đến cô, bây giờ thì khác, cô ta không đẹp nhưng cũng dễ coi, sắc diện trung bình, tính nết chăm chỉ ...Tôi quyết định viết thư tỏ tình với nàng. Tôi ra tiệm sách mua cuốn "Những bức thư tình hay nhất thế giới"

đem về đọc đi đọc lại, cuối cùng tôi chép nguyên một bài cho là vừa ý nhất. Tôi nhờ một em nhỏ, cho nó một tờ năm đồng đề chuyển thư cho tôi. Thư đi rồi tôi hồi hộp chờ đợi... cả tuần sau, cũng em nhỏ đó tìm tới tôi, đưa thư hồi âm của nàng. Tôi hồi hộp vội vàng xé thư ra, trong thư chỉ có miếng giấy nhỏ viết có dăm chữ "học đi cưng, đừng bày đặt". Tôi quê xệ, đến nỗi từ đó không bao giờ giám gặp mặt cô bán bún riêu nữa. Nhưng sau chừng một năm cô hàng bún riêu lên xe hoa về nhà chồng, lúc đó tôi mới biết "Tôi là kẻ đến sau".

 
Tôi quen Duyên cô thư ký trường Quốc Gia Nghĩa Tử, nàng là con gái của ông thầy dạy toán cùng trường. Duyên có nét đẹp thùy mị, giọng nói thật ngọt ngào. Tôi tốn biết bao thời gian theo đuổi nàng, tôi dành cho nàng tất cả tấm chân tình của tôi. Lúc đó tôi không xác định là đã yêu nàng hay không? Nhưng rất thích ngồi nói chuyện với nàng, hay ngồi nhìn nàng làm việc trong văn phòng. Về phía nàng tôi biết chắc nàng cũng có cảm tình với tôi... Duyên có một cái răng khểnh gần bên mép trái, Duyên hát rất là hay, chính vì cái năng khiếu này đã làm hại nàng. Một bữa nàng được bạn bè mời đi dự dạ tiệc. Nàng bị ép uống rượu đến nỗi say không biết gì, đến khi tỉnh dậy, nàng đã bị bọn lưu manh biến nàng thành đàn bà.

Duyên đến kiếm tôi tại đại học và khóc nức nở. Kết quả nàng bị cha mẹ từ, và tôi lại một lần nữa là kẻ thua cuộc. Trong bụng tôi suy nghĩ, hay là mình bốc Duyên theo diện nhân đạo, nhưng rồi lại không dám.

 
Năm 1970 lệnh tổng động viên ban hành, tuổi phải đi thi hành quân dịch hạ xuống một tuổi. Bị dính trong đám tuổi đó. Tôi đăng lính không quân, một tuần sau thì được gọi đi khám sức khoẻ. Đã năm, sáu ngày tôi làm biếng nấu cơm, ăn toàn mì gói triền miên, nên khi vào khám sức khoẻ áp xuất huyết lên qua cao 165/90, bác sĩ tổng quát khám xong, ông phê ngay chữ (Inapt) nghĩa là không đủ sức khỏe, tôi ra về với một tâm sự thật buồn chán. Nằm vật trên giường, mắt nhìn lên trần nhà tưởng tượng mông lung, tôi nhớ ra khuôn mặt ông bác sĩ VVT. khám tổng quát, tôi biết ông có phòng mạch tư trên khu phố gần nhà tôi. Vào lúc khỏang 4 giờ chiều, tôi đến phòng mạch của ông để khám bệnh, ông biết tôi bị bệnh cao máu, nên phê cho tôi cái toa 10 viên thuốc Épanal, với chỉ dẫn mỗi ngày uống một viên. Tôi mới uống thuốc được hai ngày, người tôi lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, tôi ngủ li bì, bất kể giờ giấc. Ba hôm sau tôi sang nhà cô y tá trẻ tên Hồng ở gần nhà, nhờ cô đo lại áp xuất máu. Cô Hồng hơn tôi 5 tuổi, nhưng nhìn cô rất trẻ và duyên dáng, dễ thương, cô thường dành cho tôi một cảm tình đặc biệt, hôm nay cô mặc cái áo cụt tay màu hoàng oanh, áo có cái cổ rộng xuống tới ngực, để lộ ra một kẽ núi giữa hai gò bồng đảo xăn chắc, trông thật hấp dẫn. Cô ngồi kế bên tôi, Hồng quấn cái vải bơm của máy đo áp lực máu vào tay tôi, rồi cô bóp bóp trái bóng bơm hơi, đo áp suất máu lưu thông trong người tôi, sau đó cô di chuyển sang ngồi kề phía bên vai phải của tôi, đặt ống nghe vào tai, để nghe nhịp tim, tay trái của cô đỡ sau lưng tôi, tay phải của cô cầm đầu ống nghe đặt trên ngực bên trái nơi trái tim của tôi, ngực cô cứ ép sát vào vai tôi, làm tôi nhột nhạt khó chịu. Tôi liếc nhìn trộm xuống cặp ngực của cô, thấy hai qủa bưởi cứ phập phồng nhấp nhô theo nhịp tim đập, con lợn lòng của tôi lúc bấy giờ muốn biểu tình đứng dậy. Mặc dù ngực cô đã làm cho tim tôi đập loạn cào cào, nhưng sau mấy phút khám nghiệm tim mạch. Cô cho biết tim và mạch tôi rất tốt, nhịp đập bình thường 120/80. Thế là ngày hôm sau tôi vội vã đến cổng Phi Long nộp đơn xin tái khám. Kết qủa sức khỏe của tôi tốt. Sau hai tuần lễ, tôi có tên trên danh sách trúng tuyển vào khóa sĩ quan phi hành không quân.

 
Trước hai tuần nhập ngũ, chị tôi cùng với anh rể lên Sàigòn thăm tôi. Ông anh rể đưa cho tôi cái chứng chỉ Hoãn Dịch, tôi sửng sốt qúa chừng. Biết rằng anh tôi thương tôi, nên đã âm thầm lo chạy chọt cho tôi hoãn dịch vì lý do gia cảnh, từ hồi nào, tôi không được biết. Anh năn nỉ tôi ở lại nhà. Vì chỉ còn một mình tôi là củ giống để nối dõi tông đường. Chị tôi nói: "Em đi lính, nếu có mệnh hệ gì thì dòng họ nhà ta coi như tuyệt tự". Thế là mộng không gian của tôi cũng tan thành mây khói.

Không nhập ngũ, tôi trở lại ghi danh thi vào đại học nông nghiệp. Cuối năm 1974. tôi tốt nghiệp đại học, cầm mảnh bằng trong tay chẳng biết phải làm gì, tôi nộp đơn khắp các cơ quan để xin việc, chẳng thấy cơ quan nào trả lời. Sau gần một năm chờ đợi, cuối cùng tôi nhận được giấy báo có việc làm tại ty lâm nghiệp Nha trang. Ngày tôi cầm giấy "Nhận Nhiệm Sở" trong tay, cũng là ngày mà tỉnh Nha trang di tản chiến thuật, Sư đoàn II Không quân đang vội vã di tản toàn bộ về căn cứ Phan Rang. Phi trường Nha Trang bỏ trống và thành phố thì náo loạn, ba ngày sau VC vào tiếp thu. Nha Trang coi như ngoài tầm tay với của tôi.

 
Tôi tiếp tục ở lại Sàigòn chờ đợi. Thế rồi đến ngày hai mươi bảy, hai mươi tám, hai mươi chín tháng Tư, người dân Sàigòn lo lắng, sợ hãi ùa nhau bỏ chạy, mạnh ai người nấy tìm cách trốn chạy bỏ nước ra đi và cuối cùng ngày Ba Mươi tháng Tư. Sàigòn thất thủ, bộ đội nón cối tiến vào dinh Độc Lập..... cờ đỏ sao vàng bay phất phới khắp thành phố. Chế độ Cộng Hoà sụp đổ, dân chúng miền Nam hồi hộp chờ đợi nhiều đòn bất trắc và những khốn đốn sẽ xảy đến dưới chế độ Cộng sản.

Lúc đó tôi mới thấy không phải chỉ có một mình tôi có "Số Con Rệp" mà cả nước đều mang "Số Con Rệp", hay nói rõ hơn thế hệ chúng tôi là thế hệ "Con Rệp".

Tôi đi lang thang khắp đó đây để kiếm sống, vật lộn với một xã hội đen tối, vất vưởng đầu đường xó chợ, kiếm từng đồng bạc cắc, cuộc đời không lối thoát, hồi hộp lo âu từng ngày.

Tướng tôi trán thấp đầu to

Suốt đời chỉ có chăn bò, giữ trâu

 
Sau nhiều năm lang thang vất vưởng khố rách áo ôm, tôi theo gia đình vợ vượt biên. Qua năm ngày lênh đênh trên biển cả, chiếc ghe của chúng tôi cũng đến được Mã Lai, Task Force cho vào tạm trú trên đất liền được hai ngày, Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ cho chúng tôi xuống tầu chở ra biển, nhập vào trại tỵ nạn trên đảo Pulau Bidong. Vừa bước chân lên cầu tầu, hàng ngàn người ra đứng trên bờ biển nhìn và chào đón. Chúng tôi vừa hoang mang, vừa vui mừng vì được đặt chân đến đất tự do. Tôi nghe thấy vài tiếng nói thật lớn: Lên đảo hôm nay là "Bad Luck".

Sau khi làm xong thủ tục nhập trại, chúng tôi được tiếp xúc với bà con đồng hương và ban Điều Hành trại. Họ cho biết chương trình tỵ nạn vừa chấm dứt tối hôm qua. Những ghe nào nhập trại ngày hôm nay là phải đi thanh lọc. Nhóm chúng tôi là nhóm phải đi thanh lọc đầu tiên của trại Pulau Bidong, thế là giấc mộng đến đất nước Tự Do lại từ từ lu mờ trong đầu tôi.

Nhờ ơn trời thương xót kẻ xấu số Con Rệp như tôi, nên gia đình chúng tôi đã chui qua khỏi mạng lưới thanh lọc với lá bùa công chức chưa hề nhận việc và nhiệm sở của tôi. Qua sáu tháng nằm ngáp dài trên đảo Bidong, chúng tôi được phái đoàn Úc, nhận cho định cư.

 
Đến Úc sau 3 tháng học Anh văn, vợ chồng tôi thấy bà con ta, ai cũng có nhà, có cửa đàng hoàng, nên chúng tôi hăng hái ra đi tìm việc, chủ đích kiếm tiền để dành dụm mua cho bằng được một căn nhà, làm mái ấm gia đình và cùng le lói với bà con đồng hương.

Lúc bấy giờ chính phủ liên bang còn đang có chương trình trợ giúp cho những gia đình làm chủ căn nhà đầu tiên, được hưởng trợ cấp $7,000 dollars để sắm sửa những vật dụng cần thiết cho gia đình.

Nên vợ chồng tôi cố gắng cầy tối đa, ban ngày đi làm hãng, tối về nhận thên đồ may gia công, cầu mong sao dành dụm đủ tiền deposit cho văn phòng địa ốc, cộng thêm tiền mượn của nhà băng, vừa đủ để mua được một căn nhà 3 phòng ngủ. Cầy bất kể giờ giấc, ngày đêm, khi số tiền, ngam ngám vừa đủ. Chúng tôi bắt đầu đi tìm kiếm nhà, hết khu này đến khu khác mong có được căn nhà vừa ý.

 
Qua 3 tháng ròng rã đi lục khắp đó đây, chúng tôi đã tìm được một căn nhà, tuy không vừa ý cho lắm, nhưng cũng tạm đầy đủ. Hai vợ chồng tôi làm hẹn với văn phòng địa ốc (Real Estate Land agent) để đặt cọc và làm giấy tờ mượn tiền nhà băng. Khi chúng tôi vừa nộp đơn đến nhà băng, chờ phỏng vấn cho mượn tiền, thì cũng là lúc chính phủ bị thâm thủng ngân qũi quốc gia, cộng thêm thời kỳ kinh tế đang suy sụp, nên chính phủ phải cắt giảm tiền trợ cấp căn nhà đầu tiên và quyết định chấm dứt chương trình này, thế là gia đình tôi bèn ôm hận, húp cháo rùa. Một lần nữa, giấc mộng mua bộ ghế Salông mới cho căn nhà của chúng tôi sắp dọn vô, coi như là "Un Point Final, (oong poong fi nan)". Shop Vincent De Paul bây giờ vẫn là cửa hàng qúi mến của gia đình tôi, khi dọn vào căn nhà chúng tôi mua đầu tiên trên đất nước tự do này, nhiều đêm ngủ, tôi nằm mộng thấy số tử vi của tôi với cái tên "Tuấn Bidong" và "Số Con Rệp" sẽ còn phải mang trong tôi suốt cuộc đời....

 

HẾT

Tuấn Linh & Jo. Vĩnh

Viết theo cốt truyện của người bạn thân


Source https://sites.google.com/site/giadinhkqvnch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.