Ngọc Lan (28 tháng 12 năm 1956 - 6 tháng 3 2001) là một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng. Không chỉ với giọng hát, cô còn được khán giả đặc biệt yêu mến vì khuôn mặt khả ái và tính cách nhút nhát, khiêm tốn của mình. Ngọc Lan được cho là một trong những ca sĩ thành công và nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam sau năm 1975 mà cho tới nay vẫn chưa có một nghệ sĩ nào lặp lại được trường hợp tương tự. Phong cách và lối trình diễn của cô không chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới thưởng ngoạn mà còn góp phần ảnh hưởng đến các tiếng hát thuộc thế hệ trẻ sau này như Minh Tuyết, Y Phương, Lâm Thúy Vân... như Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có lần nhận xét: "Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan!".
Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, sinh ngày 28 tháng 12 năm 1956 tại Nha Trang (cô còn được gọi chung với tên Thánh là Maria Lê Thanh Lan). Ngọc Lan là người con thứ năm trong số 8 người con trong một gia đình khá giả, cha của cô, ông Lê Đức Mậu, từng phục vụ trong Binh Chủng Truyền Tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi còn ở Việt Nam, cô đã đến với âm nhạc qua nhạc sĩ Lê Hoàng Long, từng học nhạc và biểu diễn trong một số dịp tại Nha Trang. Cô đã từng theo học ở trường Lý Thường Kiệt, ngoại ô Sài Gòn.
Năm 1980, Ngọc Lan đến Hoa Kỳ và định cư tại Minnesota. Hai năm sau, Ngọc Lan thực sự bắt đầu sự nghiệp ca hát ở California. Cô lấy nghệ danh Ngọc Lan vì tên thật Thanh Lan trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng. Với sự giới thiệu của ca sĩ Duy Quang, cô đã hát tại một số quán cà phê nhạc và các buổi biểu diễn. Trong những buổi đầu đi hát với mục đích kiếm tiền phụ giúp gia đình và trang trải việc học hành, cô đã từng có ý định bỏ nghề để về phụ gia đình bán hamburger vì cô cảm thấy thanh quản của cô không cho phép cô hát quá nhiều. Nhưng được sự khích lệ của người thân và bạn bè, cô tiếp tục con đường ca hát và gặt được nhiều thành công ngoài mong đợi....
Với chất giọng ngọt ngào, trữ tình, man mác nỗi buồn, Ngọc Lan nhanh chóng được khán giả biết đến và đã được các trung tâm nổi tiếng mời thu âm như trung tâm băng nhạc Dạ Lan, trung tâm Giáng Ngọc, và xuất hiện thường xuyên tại các vũ trường, phòng trà... Đặc biệt sau khi cộng tác với trung tâm nhạc Mây Productions và được trung tâm này thực hiện riêng hai chương trình video đặc biệt Ngọc Lan 1: Như em đã yêu anh (1989) và Ngọc Lan 2: Mặt trời bên kia mùa hạ (1991) bởi đạo diễn Đặng Trần Thức thì Ngọc Lan đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc. Hai cuốn video trên cho đến nay vẫn được đánh giá là hai cuốn video rất có giá trị về mặt nghệ thuật được dành riêng cho một nghệ sĩ.
Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Ngọc Lan được giới chuyên môn nhận định là do tên tuổi của cô xuất hiện vào những năm tháng mà nền âm nhạc hải ngoại đang "khát" ca sĩ và những tiếng hát mới, sự xuất hiện của cô với việc lựa chon đúng dòng nhạc Tình ca - dòng nhạc mà trong thời kỳ này rất được ưa chuộng bên cạnh những tiếng hát đã thành công với những loại nhạc này từ trước năm 1975 như Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Duy Quang.... cũng góp phần dẫn tới sự thành công của cô. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được tài năng và chất giọng thiên phú của cô mới chính là yếu tố đưa tên tuổi của cô bay xa hơn trên bầu trời âm nhạc.
Thành công nối tiếp thành công, sau đó cuối thập niên 80 đầu 90, cô nhận lời mời của trung tâm Asia tham gia trong CD 15 Liên Khúc Tình Yêu cùng với 2 tiếng hát khác cũng đang được mến mộ lúc bấy giờ là Trung Hành và Kiều Nga, CD này đã mở ra thời kỳ của phong trào liên khúc và được ưa chuộng không riêng gì tại hải ngoại mà còn lan về tận ở Việt Nam, được ghi nhận là một trong những CD Liên Khúc có số bán cao nhất trong lịch sử của trung tâm này. Qua CD này, tên tuổi Ngọc Lan ngày càng nổi tiếng.
Đồng thời trong thời gian này, cô cũng đã được mời đi lưu diễn liên tục, khắp nơi và đã trở thành nữ ca sĩ Top của liên tiếp 4 năm kể từ năm 1987 trong làng ca nhạc của cộng đồng người Việt trên khắp năm châu. Đáng kể như là chuyến lưu diễn 3 đêm rất thành công của cô tại Sydney và Melbourne, Úc 1990. Báo báo Chiêu Dương (Úc) đã đăng ngày 14 tháng 9, 1990 như sau:
“Qua 3 đêm trình diễn tại Sydney và Melbourne, 2 thành phố lớn nhất của Úc Châu, nữ ca sĩ Ngọc Lan đã thành công rực rỡ. Tất cả các show đều đông nghẹt khán giả, hơn 400 khán giả đã phải ra về vì hết vé tại Bankstown Town Hall (Sydney). Tại Melbourne, hơn 1500 khán giả đã phải đứng để xem Ngọc Lan trình diễn. Hơn 300 khán giả phải ra về vì Hall không còn sức chứa! Có thể nói nữ ca sĩ tài sắc vẹn toàn Ngọc Lan đã làm nên "lịch sử" vì hơn 8 năm nay, từ lúc có các chương trình ca nhạc tại Úc Châu, đây là Show đông đảo khán giả nhất đã dành cho nữ ca sĩ Ngọc Lan.
Những đóa hồng tươi xinh xắn mà Ngọc Lan liên tiếp đón nhận từ khán giả đã nói lên tất cả sự thành công vượt bực của chương trình "Đêm Ngọc Lan". Sau 3 đêm liên tiếp thành công rực rỡ tại Sydney và Melbourne, thể theo lời yêu cầu của nhiều vị khán giả chưa xem được các đêm trình diễn vừa qua vì hết vé, nữ ca sĩ số 1 Ngọc Lan quyết định ở lại Úc Châu thêm một tuần lễ để trình diễn đêm: Dạ Vũ Ngọc Lan Giã Từ Úc Châu
Ngọc Lan được yêu thích qua nhiều nhạc phẩm nước ngoài lời Việt, như Mưa trên biển vắng (cô cho đây là ca khúc đã đưa cô đến gần với khán giả), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza)... Cô cũng trình bày nhiều ca khúc tiếng Pháp như Viens m'embrasser, Poupée de cire, poupée de son, Les valses de vienne, những nhạc phẩm của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đức Huy... Cô hát ở rất nhiều thể loại nhạc và dòng nhạc. Theo một số người sưu tầm nhạc, cô đã trình bày trên 800 ca khúc và trên 40 video clip. Sự hạn chế quay video thu hình được chính cô giải thích là do bản tính nhút nhát của mình trước ống kính.
Sau đó Ngọc Lan đột ngột không xuất hiện nữa vào năm 1993 và tạo nên nhiều tin đồn. Năm 1994 cô xuất hiện trở lại trong một số chương trình, cùng năm đó, trong chương trình đánh dấu sự trở lại của cô mang tên "Ngọc Lan và Thính Giả thương yêu" tại Anaheim với kết quả thành công mỹ mãn, tuy nhiên sau buổi ca nhạc đó, khán giả cũng nhận ra rằng cô có phần nào suy sụp tinh thần và tiếng hát của cô không còn linh động như xưa. Nguyên nhân có lẽ là do bệnh tình và sự qua đời đột ngột của người chị gái trước đó không lâu. Năm 1994 cũng là một năm cô kết hôn với nhạc sĩ Kevin Khoa. Và từ đó trở đi, cô vẫn tiếp tục sinh hoạt văn nghệ nhưng không còn mạnh mẽ như những năm đầu thập niên 90 khi mà tên tuổi cô được rất nhiều người biết đến vì sức khỏe không cho phép.
Trong năm 1996, trong lần thu hình trong cuốn video 12: Việt Nam Niềm Nhớ cho trung tâm Asia tại Toronto, trước hàng ngàn khán giả, Ngọc Lan phải có người nắm tay đưa lên sân khấu. Và trong thời gian đó, Ngọc Lan thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện trong các băng video cho các trung tâm ca nhạc như Hollywood Nights, Asia nhưng hầu hết là các clip quay ngoại cảnh thay vì trên sân khấu.
Sau một thời gian dài bị chứng bệnh xơ cứng bì (Tiếng Pháp: sclérose en plaque, tiếng Anh: multiple sclerosis) hành hạ và bị hạn chế tầm nhìn, Ngọc Lan trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 25 sáng ngày 06 tháng 3 năm 2001 tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach, Nam California.
Đám tang của cô được rất đông đảo người ái mộ tham dự và được cho là đám tang dành cho một nghệ sĩ có nhiều người tham dự nhất từ trước đến nay. Và ít lâu sau đó, ít nhất đã có 6 ca khúc đã được viết lên để tưởng niệm người nữ ca sĩ tài sắc này như Nhật Ngân với Tiếng hát mong manh, Trần Trịnh với Gãy cánh thiên hương, Trần Thiện Thanh với Huyền thoại Ngọc Lan, Ngọc Trọng với Bài cho tình ta, Hùng Quân với Còn đâu tiếng hát ru đời nhưng được biết đến nhiều hơn cả là ca khúc Vĩnh biệt một loài hoa của nhạc sĩ Anh Bằng. Trong bài hát đó có những câu sau:
Người con gái ấy mang tên loài hoa.
Mắt biếc suối trong, mi cong ngọc ngà
Loài hoa yêu ấy, bây giờ đã xa, bây giờ đã xa...
...Ngọc Lan! Ngọc Lan! Sao nỡ ra đi vội vàng.
Ôi! Tiếng kinh đêm cầu hồn, như tiếng ai ca thật buồn.
Ngọc Lan! Ngọc Lan! Vĩnh viễn buông tay phận người.
Thôi hết trăm năm đọa đầy.
Một nấm mồ yên đời đời...
Mắt biếc suối trong, mi cong ngọc ngà
Loài hoa yêu ấy, bây giờ đã xa, bây giờ đã xa...
...Ngọc Lan! Ngọc Lan! Sao nỡ ra đi vội vàng.
Ôi! Tiếng kinh đêm cầu hồn, như tiếng ai ca thật buồn.
Ngọc Lan! Ngọc Lan! Vĩnh viễn buông tay phận người.
Thôi hết trăm năm đọa đầy.
Một nấm mồ yên đời đời...
Các nhạc phẩm nổi tiếng của cô: Mưa trên biển vắng, Hạnh phúc nơi nào, Người yêu dấu, Đừng phá vỡ ân tình, Cho người tình lỡ, Ngăn cách, Người chết trở về, Tuổi thần tiên, Nỗi sầu (nhạc Nhật), Lại gần hôn em (nhạc Pháp), Comme toi, Tình nhớ, Rừng xưa đã khép, Cỏ xót xa đưa, Những con mắt trần gian, Người lìa xa (Tu t'en vas), v.v
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.